Chú Cuội Buồn (Tác Phẩm 12)

20 Tháng Sáu 20211:50 CH(Xem: 2676)
Chú Cuội Buồn (Tác Phẩm 12)





Cám ơn Nguyễn Ngọc Hoài Nam đã cho lại cô chú tác phẩm này.


CHÚ CUỘI BUỒN

Du Tử Lê


LỜI GIAO CẢM

Trong một phần tư thế kỷ chiến chinh chúng tôi - lớp người ba mươi, bốn mươi - đã không có được thiên đàng của tuổi thơ. Bước chân đi hoang. Bước chân tật nguyền. Bước chân in trên mọi đổ vỡ băng hoại…

Chúng tôi thương tiếc cho tuổi trẻ của chúng tôi, luôn luôn nghĩ về tuổi thơ. Và trong cái trạng thái tư tưởng ấy, chúng tôi thành lập TỦ SÁCH MÂY HỒNG cho tuổi thơ ngày hôm nay.

TỦ SÁCH MÂY HỒNG sẽ chọn lọc kỹ càng để trình bày với bọn trẻ những tác phẩm giá trị của các nhà văn tên tuổi như DUYÊN ANH, VŨ HẠNH, MINH QUÂN, VÕ HÀ ANH, DU TỬ LÊ, NGUYỄN KHẮC LỘC, HÀ HUYỀN CHI, NHẬT TIẾN, HOÀNG ĐĂNG CẤP...

Sách sẽ ra đều đặn mỗi tháng 1 cuốn và có thể nhiều hơn nữa tùy theo nhu cầu của bạn đọc.

Trong mỗi cuốn sách, ngoài phần truyện chính còn có phần phụ lục, phần VUI HỌC để giúp các bạn học sinh mở rộng tầm kiến thức.

Bước đầu là khó. Một con én không tạo dựng nổi mùa Xuân. Nhưng chúng tôi sẽ hết sức cố gắng hy vọng rằng việc làm thành tâm thiện chí của chúng tôi sẽ được các vị phụ huynh, các vị giáo chức, quý vị nhà văn, nhà báo và tất cả những ai hằng quan tâm tới tuổi trẻ chấp nhận, khuyến khích và phê bình xây dựng.


TỦ SÁCH MÂY HỒNG


____________

CHƯƠNG MỘT


Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em hát vang dưới ánh trăng rằm…


Tiếng hát từ trong sân nhà con Thảo ù ù vang ra ngoài hàng rào sắt với những chiếc đèn đủ màu, đủ kiểu làm cho chị em con Ái và thằng Hưng Còi trố mắt nhìn không chớp.

Hai chị em thập thò ngoài hàng rào, nín thở và hồi hộp theo dõi cuộc chơi của đám trẻ con trong sân với nhiều thèm thuồng ra mặt.

Thằng Hưng Còi bấm tay chị nó:

-Chị có thấy thằng Phúc nó cầm cái đèn con thỏ không?

Con Ái nhìn theo ngón tay chỉ chỏ của em nó:

-Ừ, cái đèn đó cũng đẹp đấy chứ! Nhưng chị thích cái đèn con cá của con Vi hơn.

Thằng Hưng Còi trề môi:

-Đèn con cá mà đẹp cái khỉ gì! Cá lúc nào mà mình chả thấy. Con thỏ kìa mới lạ. Cái mắt nó to và tròn quay, đỏ kè. Cái tai nó vênh vểnh, thân nó co co, tròn tròn, trông thấy không thôi mình đã muốn ôm nó vào lòng rồi.

Con Ái mải theo dõi đám trẻ con trong sân đang nắm đuôi nhau chơi trò rồng rắn. Ở giữa sân là một chiếc bàn lớn, thấp, trên đó có bày những hộp bánh Trung Thu. Con Ái không thấy rõ những chiếc bánh ra làm sao nhưng nó tin chắc là bánh phải ngon lắm. Nguyên cái hộp không trông cũng đủ sướng mắt rồi. Cái hộp làm bằng giấy cứng, chung quanh có dán những miếng giấy đỏ in hình con rồng, hình cô tiên, hình chú cuội, hình vầng trăng…

Nó không muốn cãi nhau với em nó làm gì. Nó gật đầu cho qua câu chuyện:

-Ừ. Cái đèn con thỏ của Hưng đẹp hơn…

Mặc dù nghe chị nó nói vậy nhưng thằng Hưng Còi vẫn chưa bằng lòng với lời nói ngắn ngủi đó. Nó im lặng một lát lại nói tiếp:

-Làm sao người ta lại có thể uốn cong những nan tre để thành hình con thỏ được như vậy hả? Chị Ái.

Con Ái làm bộ thành thạo, nó đáp ngay:

-Chuyện! Nghề của người ta mà. Khó vậy chứ khó nữa người ta cũng còn làm được như đèn xe tăng, đèn máy bay, đèn a-pô-lô đó Hưng.

Thằng Hưng nghe có vẻ hiểu ý, nó le lưỡi cười:

-Ừ há, sao họ tài vậy hả?

Con Ái không trả lời. Nó còn mắc theo dõi cái đèn con cá nơi tay con Thảo vừa bị tắt. Con Thảo tách ra khỏi đám trẻ con chơi chung, đứng riêng một nơi ngó vào khoảng hở trên lưng con cá.

-Chắc nó đang sửa cây nến và châm lại lửa. Con Ái nghĩ thầm.

Thằng Hưng Còi không thấy chị trả lời, nó lại hích tay con Ái, nói nữa:

-Này!

Con Ái bực mình:

-Cái gì?

Thằng Hưng Còi nhìn chị nó bằng con mắt đã bắt đầu muốn hờn giận:

-Sao chị không thèm nói chuyện với em?

Con Ái quay lại. Nó nhìn thấy rõ những nét phụng phịu trên gương mặt gầy ốm của thằng Hưng Còi. Với cái áo ngắn cũn cỡn có thêu hoa của nó và chiếc quần xà lõn đã rách với đôi dép Nhật chiếc trắng chiếc xanh bỗng dưng khiến nó không khỏi bật cười. Con Ái lấy tay bụm miệng cười.

Cử chỉ và tiếng cười của con Ái càng khiến cho thằng Hưng Còi cáu tợn, nó nói:

-Chị cười gì tui nữa? Chị không thèm chơi với tui, chị lại cười tui nữa nghe! Đêm nay tui mách má cho chị coi.

Thằng Hưng Còi nói và đưa tay dụi mắt.

Sự thực là con Ái rất sợ thằng Hưng Còi phá bĩnh đòi về không thèm đứng ngoài cửa nhà con Thảo coi chúng nó rước đèn nữa nên nó vội nói ngay.

-Không có đâu Hưng! Chị bồ với Hưng mà! Đừng về mách má nghe Hưng!

Thấy mình có vẻ thắng thế, Hưng Còi dấn thêm một câu nữa:

-Thế sao chị không thèm nói chuyện với Hưng?

-Có, mà Hưng nói gì chị cũng nghe hết. Chị có trả lời Hưng kia mà.

Không muốn kéo dài câu chuyện có vẻ bất lợi rất dễ đưa tới việc thằng Hưng đòi về hoặc i ỉ khóc, con Ái vội chỉ tay vào trong sân.

-Hưng có thấy cái đèn con cá của con Thảo vừa bị tắt không?

Hưng Còi gật đầu. Nó cũng muốn hòa hoãn một phần nào với chị nó. Bởi nếu nó nghỉ chị nó ra thì cũng chẳng còn ai chịu chơi với nó hết.

-Có. Đèn con cá hết đèn cầy rồi phải không chị Ái?

-Không, đèn con cá đèn cầy cháy lâu lắm mới hết.

-Thế đèn nào thì đèn cầy cháy hết mau hả chị Ái?

Con Ái bực mình về câu hỏi ngớ ngẩn của thằng em nó, nó nói ngay:

-Đèn con thỏ.

-Xí, đèn con thỏ mà mau hết cái gì.

Thằng Hưng Còi hậm hực. Tuy nói thể nhưng nó cũng bán tín bán nghi, không biết chị nó thiệt hay nói chơi. Nó đã nghĩ tới chuyện xin tiền mẹ nó để mua một cái đèn con thỏ.

Mẹ nó nghèo lắm, kể từ ngày ba nó tử trận. Thằng Hưng Còi biết thế nên nó định rằng nếu mẹ nó có cho tiền nó sẽ mua một cây đèn nào mà ít hao nến nhất. Nó sẽ nói lại với mẹ nó như vậy.

Đám trẻ con đang chơi trong sân nhà con Thảo bỗng ngừng khựng cả lại. Một đứa con gái tay cầm cái đèn xếp tách khỏi đám đông đi ra phía cửa. Dáng điệu con nhỏ này có vẻ hung hăng, dữ tợn.

Thằng Hưng còi nắm chặt tay chị nó.

Con Ái bình tĩnh hơn. Nó thản nhiên nhìn con bé đang lừ lừ tiến ra phía cửa. Khi con nhỏ bước lại gần thì con Ái nhận ra đó là con Lượng. Con Lượng là con ông Ba chạy tắc xi, ở cách nhà con Ái mấy căn. Hai đứa học chung cùng một lớp với nhau. Trước khi ba con Ái chết, con Ái là đứa học trò giỏi và ngon nhất lớp, trong khi con Lượng thì ngược lại. Chính vì thế mà con Lượng luôn tìm cách gây gỗ với con Ái.

Cứ mỗi lần như vậy con Ái lại mách cô, cô lại phạt con Lượng, khi bắt quỳ, khi đuổi ra khỏi lớp, do đó càng ngày con Lượng càng thêm thù con Ái hơn. Khi con Lượng đi ra, con Ái ra, con Ái biết rằng nó sẽ đuổi mình đi, không cho đứng ngoài cửa. Nhưng con Ái đã nghĩ sẵn câu để trả lời.

Quả nhiên, đúng như con Ái nghĩ, con Lượng bước tới sát mặt hai chị em Hưng Còi thì dừng lại, chống tay vào mạng sườn, miệng cong lên:

-Đi mày! Ai cho mày đứng đây?

Con Ái trả lời thản nhiên với cái giọng cũng thách thức, không chịu kém:

-Đường này là đường chung, tao muốn đứng đâu tao đứng, mày có quyền gì mà đuổi?

Con Lượng đời nào chịu thua, nó nói lớn hơn:

-Đường chung thì mày đứng ra chỗ khác. Ai cho mày đứng gần hàng rào này?

-Hàng rào này chẳng phải là hàng rào nhà mày. Hàng rào nhà con Thảo, mày không có quyền gì hết á.

Giữa lúc đó, mấy đứa trẻ con ở trong sân cũng ra tới, trong số đó có cả con Thảo. Hưng Còi thấy đông người ra nhìn ngó chị em nó, nó bấm tay chị, bảo khẽ:

-Thôi đi về chị Ái, không xem nữa! Đi chị Ái.

Con Ái gạt tay em ra:

-Cứ đứng dậy xem đứa nào nó làm gì được mình.

Thấy con Thảo ra, con Lượng vội quay sang con Thảo:

-Thảo, mày đuổi con nhỏ này đi mày. Cái mặt nó thấy ghét. Mấy lần tao đòi nó cho coi toán nó không chịu cho tao coi mày. Nó xấu lắm. Đừng chơi với nó mày.

Con Thảo nhìn chị em Hưng Còi bằng con mắt không có vẻ gì ác cảm hết. Thấy con Thảo còn ngập ngừng không chịu nói, con Lượng lại hối:

-Đuổi nó đi mày. Không chơi với nó mày. Nó xấu lắm.

Con Thảo nghĩ ngợi một hồi, trong lúc con Ái và thằng Hưng Còi chăm chú chờ đợi phản ứng của con Thảo.

Cuối cùng con Thảo lắc đầu, nói:

-Nó đứng kệ nó. Mắc mớ chi mà đuổi.

Nói xong con Thảo lại gần hàng rào hơn, nó nhìn chị em thằng Hưng Còi một chập nữa, xong nó nói nhỏ:

-Tụi bây vô trong sân nhà tao chơi không?

Phản ứng bất ngờ này của con Thảo làm cho cả bọn cùng ngạc nhiên. Chính con Ái cũng không ngờ con Thảo có thể nói với nó như vậy.

Từ ngày ba chết, con Ái cảm thấy như không còn ai muốn chơi với chị em nó nữa. Ngay cả những người bà con ruột thịt như bác Sáu, như chú Ba, như dì Mận, tất cả đều có vẻ lẩn tránh và xa lánh mẹ con Ái.

Tuy còn nhỏ nhưng con Ái cũng hiểu rằng khi ba nó chết đi, mẹ nó nghèo quá, không có tiền nuôi chị em chúng nó nên người ta xa lánh, sợ sự kết thân sẽ đưa tới những nhờ vả mượn vay này nọ.

Con Ái nhìn con Thảo bằng con mắt cám ơn và đầy cảm tình, nó lắc đầu:

-Không. Tao không vào đâu.

-Tại sao mày không vào đây chơi? Nhà này của tao mà. Đâu có ai đuổi mày mà mày sợ?

-Không cho vào mày. Mày mà cho nó vào tao đi về, tao không chơi với mày nữa. Con Lượng nói khi con Ái chưa kịp trả lời câu hỏi của con Thảo.

Con nhỏ thật ác độc. Con Ái nghĩ thầm trong bụng. Nó nhìn con Lượng bằng cái nhìn khinh bỉ với một cánh môi dưới trề ra.

Con Thảo quay sang con Lượng:

-Mày xấu lắm. Tại sao mày ghét nó? Ai bảo màu cọp dê nó chi. Tao không thích đứa nào như vậy.

Câu nói thẳng thừng của con Thảo làm con Lượng ngượng quá. Nó xụ mặt lại, trong khi mấy đứa nhỏ khác phá lên cười, có vẻ như tán đồng ý kiến của con Thảo.

Thằng Tiệp, em con Thảo đứng gần đó cũng nói thêm:

-Vô chơi với tao mày, Hưng Còi, đừng sợ.

Nghe nói đến tên mình, thằng Hưng Còi vội nép mình vào chị nó, nhưng nó vẫn trả lời lòng tốt của thằng Tiệp bằng cái cười bẽn lẽn, ngượng nghịu.

Giữa lúc đó, con Lượng mở cửa xăm xăm đi ra. Khi đi ngang qua chỗ hai chị em con Ái, nó nhổ bãi nước miếng cái toẹt, xong nó nói:

-Đồ không có cha mà cũng bày đặt lộn xộn.

Nghe con Lượng rủa mình, con Ái giận run cả người. Nó buông tay thằng Hưng Còi ra và nếu con Lượng không mau chân rảo cẳng bước nhanh nó sẽ cho con nhỏ Lượng một trận cho nó biết tay, nhưng con Lượng quày quả bước đi thẳng một nước. Con Ái cúi nhìn Hưng Còi đang nghếch nghếch cái mũi nó vào lòng sân nhà thằng Tiệp mà nước mắt nó chảy vòng quanh. Nó nắm tay em nó:

-Thôi về Hưng.

Thằng Hưng Còi không hiểu chuyện gì, nhưng nó không ở lại được, một khi chị nó đã bảo về. Nó lẽo đẽo theo chị nó về với nỗi tiếc rẻ. Dọc đường nó hỏi chị nó.

-Người ta bảo mình vào chơi trong sân sao mình không vào hở chị Ái?

Con Ái không nhìn em, nó vẫn xăm xăm bước, trả lời:

-Tại mình nghèo. Mình vào chơi trong đó, người ta khinh cho.

-Tại sao người ta khinh hở chị Ái?

Câu hỏi ngớ ngẩn của thằng Hưng Còi, gặp lúc đang buồn nên con Ái cáu ngang, nó gắt lên:

-Tại mình nghèo, mình không có đèn, không có bánh như người ta, nên người ta khinh chứ tại sao nữa.

Thằng nhỏ đã hiểu ra. Như mọi khi thì nó sẽ nhe cái hàm răng sún của nó ra cười toe toét thay cho câu trả lời đã hiểu rồi, nhưng lần này, trước sự gắt gỏng của chị nó, thằng Hưng Còi im luôn.

Nó không nghe câu con Lượng nói sau cùng với chị nó nên Hưng Còi cho rằng chị nó đã nóng nảy, giận dữ một cách vô lối. Nó nghĩ thầm trong bụng: “Người ta có lòng tốt người ta bảo vào, không vào thì thôi chứ có gì phải cáu”. Nghĩ vậy, nhưng tất nhiên Hưng Còi chẳng dám hé miệng nói ra nửa lời. Từ ngày ba chết, mẹ phải đi làm tiệm nước cả ngày cả đêm, mẹ nó có dặn nó rằng ở nhà phải nghe theo lời chị Ái không được cãi lại, chị Ái nói sai cũng phải nghe rồi chờ mẹ về mách lại. Hơn nữa, mẹ Hưng còn nói riêng với nó.

-Giờ ở nhà con thay ba, vì con là đàn ông con trai, con phải làm gương cho thằng cu Út nó noi theo.

Nghe nói mình thay ba, làm gương cho thằng cu Út noi theo, Hưng Còi bằng lòng lắm.

Đôi khi, trước những quyết định độc đoán, đột ngột của chị Ái không cần để ý một chút téo nào tới ý thích của Hưng Còi, Hưng Còi cũng muốn tùng hoằng lên, muốn cãi bừa đi, rồi có ra sao thì ra. Nhưng nhớ tới lời mẹ, nhớ tới cái hình ảnh mẹ Hưng Còi vừa nói chuyện với nó vừa đưa ống tay áo quệt ngang đôi mắt đẫm lệ, đỏ hoe, nó lại không đủ can đảm.

Căn nhà của hai chị em Hưng Còi ở trong cùng con ngõ, nó sát với một lạch nước lên xuống ngày hai lần. Đó là một căn nhà vách gỗ hai bên hông và đàng sau, đàng trước thiết lập bằng mấy miếng tôn cao bồi bít lại. Căn nhà không có điện nên tối mò mò. Ngày trước khi ba Hưng Còi còn sống, nhà cũng có điện đàng hoàng đấy chứ, nhưng từ khi ba nó chết, mẹ nó bảo thôi, đừng dùng điện cho tốn. Nhà cũng không có ai làm việc gì ban đêm, thắp đèn dầu cho nó rẻ. Thế là ngọn đèn duy nhất câu từ nhà bà Tư Xếch được tháo gỡ ra và đem bán luôn cho chị Hai bán xôi ở phía ngang lưng nhà.

Hai chị em rón rén bước thật nhẹ vào nhà hệt như hai đứa ăn trộm. Chẳng là trước khi ra tiệm làm, mẹ Hưng Còi có dặn đi dặn lại hai đứa rằng không được ra ngoài ngõ chơi trong lúc mẹ đi làm vắng, sợ xe cộ và càng không được lừa em ở nhà để dắt nhau đi chơi, lỡ có cháy nhà, em chạy không kịp.

Nhưng sau khi cho thằng Cu Út ngủ rồi, hai đứa ra ngoài cửa nhìn thấy những chiếc đèn Trung Thu chập chờn qua lại ở phía xa với những tiếng hát, tiếng cười nói vọng lại tới tận chỗ hai đứa đứng như những lời rủ rê ngọt ngào, như những lời thôi thúc hối hả mà hai đứa không có cách nào chạy tránh khỏi được.

Chúng cũng đã ngập ngừng không ít. Chúng cũng nhớ tới lời mẹ chúng dặn. Chúng cũng nhắc nhở nhau về đứa em đang thiêm thiếp ngủ trong nhà, nhưng có lẽ những ánh đèn màu, những tiếng hò reo, những tiếng hát tiếng nói vọng lại từ xa và ánh trăng trên bầu trời trong vắt và quyến rũ chúng, đã gọi kêu chúng hãy mau bước đi, hãy rảo cẳng lên, và những tiếng gọi âm thầm này đã khiến hai đứa nhỏ cất bước…

Nhưng nếu lúc ra đi hào hứng, hồi hộp, sung sướng bao nhiêu, thì lúc về lo âu buồn bã và mệt mỏi bấy nhiêu.

Căn nhà vắng lặng không có một tiếng động nào. Chung quanh hàng xóm cũng đã ngủ cả.

Con Ái rón rén bước vào nhà. Nó nhìn ngó quanh quất trước khi bước hẳn vào trong.

Sự thận trọng dè dặt của con Ái cũng khiến thằng Hưng Còi đâm hoảng. Nó không thể đoán ra nỗi lo âu, sợ sệt của chị nó. Nhưng hành động và sự yên lặng ngột ngạt của chung quanh làm cho nó liên tưởng tới nhiều hình ảnh khác. Những ám ảnh vô hình của một thế giới khác. Và ngay khi nghĩ tới nhiều hình ảnh chỉ có trong cổ tích, trong lời đe dọa của những người lớn, thằng Hưng Còi đã thấy hai hàm răng nó muốn đánh vào nhau rồi. Nó bám sát theo chân chị nó.

Con Ái lại gần ngọn đèn dầu, nó vặn cao ngọn bấc cho ánh sáng tỏa ra nhiều hơn. Sau đấy, nó cầm ngọn đèn đi vào phía trong nhà.

Trên giường, em nó vẫn ngủ ngon lành. Hình như thằng Cu Út vừa trải qua một giấc mơ đẹp, miệng nó còn giữ nguyên nụ cười thơ ngây, trong trắng. Con Ái buông màn xuống, nó quay lại Hưng Còi:

-Hưng đi rửa tay chân rồi đi ngủ.

-Còn chị?

-Mặc chị.

-Chị chờ mẹ hả?

Con Ái gật đầu:

-Ừ.

-Em chờ với.

Con Ái trừng mắt nhìn Hưng Còi.

-Hưng chờ không được. Chị lớn, chị chờ được, em nhỏ lắm. Em về thấy em còn thức, mẹ la chị đó.

Thằng Hưng Còi phụng phịu:

-Chị xấu há. Chị chờ mẹ thì được.

-Chị khác.

Con Ái trả lời liền.

Thằng Hưng Còi đứng giữa nhà, nó lì ra không chịu đi rửa mặt tay chân, Con Ái nhìn em, bộ điệu của Hưng Còi khiến nó phát cáu lên, nó hét lớn.

-Chị nói Hưng đi rửa mặt tay chân rồi đi ngủ. Có đi không?

Tiếng hét bất ngờ của con Ái làm Hưng Còi giật mình ngơ ngác. Nhưng chỉ trong chớp mắt, thằng Hưng đã òa lên khóc ngất.

Hưng Còi tủi thân vì chưa bao giờ, kể từ ngày cha chết mà chị nó lại la hét nó như vậy.

Con Ái thấy Hưng Còi ôm mặt khóc. Trong ánh sáng nhá nhem, đục lờ, cái bóng gầy còm của em nó hắt xuống nền đất ngang mặt nó, như một miếng gỗ được dát mỏng và lay động. Con Ái đột nhiên xúc động. Nó nhớ tới lời mẹ nó hằng dặn dò phải thương các em. Ba chết rồi, không còn ai thương nữa đâu. Chị em phải thương lẫn nhau, ở nhà phải thay mặt mẹ, trông nom và chìu chuộng các em thay mẹ.

Con Ái cảm thấy như mình vừa phạm vào một lỗi lầm to lớn với người vắng mặt. Nó chạy lại phía Hưng Còi. Nó ôm Hưng Còi vào người nó. Bàn tay khẳng khiu của con Ái chạm phải gương mặt trơ xương của em. Những sợi tóc xác xơ của Hưng Còi chạm vào má nó nhột nhạt, buồn buồn. Nó cầm bàn tay của em nó lên, hai bàn tay nhỏ xíu đặt lên nhau như hai chiếc lá trơ những đường gân xanh xao.

Con Ái cũng òa khóc.

Thấy chị khóc, thằng Hưng không hiểu chuyện gì, nó vội nín bặt. Nó dang xa chị nó và quay lại nhìn chị nó. Con Ái ngượng lấy tay che mặt mình, nhưng hai giòng lệ vẫn tiếp tục tuôn chảy.

Thằng Hưng sợ quá. Nó nghĩ rằng chị nó khóc chắc vì bảo nó không nghe. Hưng Còi vội nắm tay chị, nó mếu máo.

-Thôi chị Ái, Hưng đi rửa mặt đây và Hưng đi ngủ trước. Hưng không đòi chờ mẹ nữa đâu.

Con Ái vẫn khóc. Sự xúc động đã như một con sóng lớn, ồ ạt cuốn trôi nó đi, mà với sức yếu ớt nó không có cách nào cưỡng chống lại được.

Con Ái lắc đầu. Nó định nói rằng không, nó không hề giận Hưng còi nhưng nó nói không thành lời.

Trong khi đó Hưng Còi lại hiểu những cái lắc đầu kia là một lời từ chối sự xin lỗi của nó. Hưng Còi lại mếu máo hơn.

-Chị Ái! Chị Ái… Chị đừng khóc nữa. Hưng đi ngủ ngay giờ đây. Hưng không đòi thức theo chị nữa đâu. Đừng khóc nữa Hưng sợ lắm chị Ái!

Hưng Còi vừa nói vừa giựt áo con Ái như thể lay tỉnh chị nó để chị nó nghe được đầy đủ những lời van xin của Hưng Còi.

Con Ái biết rằng em nó đã hiểu lầm về sự nghẹn ngào không nói được thành lời của mình. Nó nuốt nghẹn ngào gạt nước mắt, đưa tay vuốt ve mái tóc bờm xờm của em.

-Không, chị không có giận Hưng đâu. Hưng đi rửa mặt đi, hai đứa cùng đi ngủ. Chị cũng đi ngủ luôn, chị không chờ mẹ nữa.

Nghe nói vậy, Hưng Còi vẫn chưa yên lòng. Nó nghĩ rằng có thể đó là một lời nói lẩy của chị nó. Hưng Còi hỏi lại:

-Vậy là chị vẫn còn giận Hưng hay sao?

Con Ái phải cố gượng cười, trong khi nước mắt vẫn còn ứa chảy ở hai khóe mắt nó, nó lắc đầu.

-Không mà. Chị thương Hưng lắm, chị đi ngủ cùng với Hưng.

-Sao chị không chờ mẹ nữa?

Con Ái đành phải nói thật để cho Hưng Còi yên lòng:

-Chị đâu có muốn chờ mẹ. Mẹ về khuya lắm. Mẹ về nhà thấy chị còn thức, mẹ đánh chị luôn nữa đó chứ. Lúc nãy, chị nói Hưng đi ngủ trước là vì chị muốn thức thêm một lát nữa rồi chị mới đi ngủ.

Hưng Còi láu táu cắt ngang lời chị nói:

-Chị thức làm gì?

Con Ái lắc đầu chán nản:

-Tại chị buồn. Chị buồn nên chị không ngủ được.

Hưng Còi lại hỏi tiếp:

-Sao chị buồn? Tại chị không có đèn con cá hả?

Con Ái bật cười. Nó chỉ hơn em nó có hai tuổi, nhưng có lẽ trời cho nó cái đầu óc sớm hiểu biết hơn Hưng Còi. Nó hiểu rằng gia đình nó nghèo lắm. Ngay cả khi ba nó còn sống, với số lương lĩnh của ba nó, mẹ nó phải buôn bán vặt vãnh thêm mà gia đình còn không đủ ăn, chẳng bao giờ nó nghĩ rằng nó đòi hỏi, nó muốn có cái này cái kia hết. Nó buồn vì câu nói của con Lượng. Cái câu nói mà đến bây giờ vẫn còn vang âm rõ mồn một trong tai nó “đồ không có cha mà cũng bày đặt lộn xộn”… “Đồ không cha...”. Mấy tiếng đó đã như mấy nhát dao đâm sâu vào tâm hồn Ái. Nó cảm thấy đau đớn và tủi nhục như một câu nguyền rủa, một câu chửi cả gia đình nó. Nó cũng giận ba nó tại sao chết đi quá sớm như vậy để cho con Lượng có thể chửi vào mặt nó là đồ không cha. Nó giận lung tung, nó giận đủ thứ, nhưng nó không biết giận ai là đúng. Cuối cùng con Ái đâm ra giận chính nó. Rồi nó lại thương nó, thương ba nó, thương mẹ nó và thương các em nó hơn bao giờ hết. Nó định chờ cho Hưng Còi đi ngủ, nó sẽ lại gần bàn thờ ba nó, nó sẽ khấn nguyện ba nó, nó sẽ kể chuyện con Lượng chửi nó như vậy cho ba nó nghe và cầu nguyện ba nó luôn ở bên cạnh chị em nó, phù hộ nó cho nó mau lớn, nó sẽ đi kiếm tiền, nó sẽ dành dụm để có thật nhiều tiền, để lúc nào thằng Hưng muốn mua đèn con thỏ nó có thể mua liền cho em nó. Để người ta khỏi khinh khi chị em nó, mẹ nó nghèo nàn.

Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, Hưng Còi lại nói:

-Mai em nói với mẹ mua đèn con cá, hai đứa chơi chung. Hưng không thích đèn con thỏ nữa.

Con Ái lắc đầu:

-Không phải vậy đâu Hưng. Chị đâu có muốn mua đèn con cá. Hưng đừng nói với mẹ, nếu Hưng thương mẹ, nếu Hưng thương chị, Hưng đừng đòi mua gì hết, mẹ không có tiền đâu.

-Thế sao chị buồn? Chị không đi ngủ với Hưng?

Con Ái đành nói chệch sang lý do khác. 

Nó bảo:

-Chị buồn vì chưa nghĩ được cách nào kiếm cho Hưng cái đèn con thỏ, như Hưng thích.

Hưng Còi vội nói với hai bàn tay nhỏ xíu của nó hoa lên trong không trung:

-Thôi, chị Ái, Hưng không thích đèn con thỏ nữa đâu. Chị đi ngủ với Hưng đi. Ngủ với Hưng là được rồi. Đèn con thỏ đâu có ru Hưng ngủ được…

Nghe em nói, con Ái muốn òa khóc trở lại. Nó nắm tay Hưng Còi, bước ra cửa:

-Ừ thôi, Hưng đừng đòi con thỏ nữa nha. Chị em mình đi rửa mặt rồi đi ngủ. Chị sẽ ru cho Hưng ngủ.

Hưng Còi nhe hàm răng sún đen ra cười toe toét. Nó khoái chí quá vì nghĩ rằng như vậy là chị nó đã hết giận nó.

Nó nói:

-Gãi lưng nữa nghe chị Ái?

Con Ái gật đầu:

-Ừ, cả gãi lưng nữa. Cả quạt cho mát nữa.

Trong bóng đêm, dưới ánh sáng của vầng trăng gần tết Trung Thu, qua những tàu lá trứng cá, hai chị em Hưng Còi mò mẫn bên lu nước, với hai cái bóng đen xiêu vẹo trông xa như bóng của hai con cò ốm o đi ăn đêm.

Những con sóng nhỏ tấp vào hai bờ lạch nghe ì ào như tiếng sóng vọng lại từ biển xa và tiếng trẻ con hát ở đâu đó, có lẽ từ một chiếc máy thâu thanh nào phát ra một điệu hát múa reo vui đặc biệt của ngày tết Trung Thu.

Hai chiếc bóng sát vào nhau cùng im lặng ngước lên, nghe ngóng những con gió chạy lạc trong không gian, xong cùng cúi xuống. Chúng nắm tay nhau mà không nói thêm với nhau một lời nào.




CHƯƠNG HAI


Hưng Còi ngồi nơi chiếc ghế nhỏ, bên cạnh là thằng cu Út. Nó dạy em nó hát bài hát Trung Thu, chờ chị nó theo mẹ ra ngoài tiệm lấy bánh bao về cho chúng nó.

Buổi sáng nắng đã lên cao khỏi những mái nhà trước mặt. Gió đập từng hồi vào mấy miếng tôn thiếc ở cửa nhà, tạo thành những tiếng bùng bùng êm tai.

Thằng cu Út đã được ba tuổi rồi. Khi ba Hưng Còi chết, nó mới được hơn một tuổi, nó mới chập chững biết đi và bập bẹ được một hai tiếng “ba.. ba…” Bây giờ cu Út đã nói sõi rồi. Nó đã biết đủ thứ, biết tranh giành với Hưng Còi nữa. Có lẽ cu Út biết rằng nó nhỏ nhất nhà, ai cũng chìu cũng thương nên nó ra mặt ăn hiếp Hưng Còi ghê lắm. Hưng Còi nghĩ thầm… Nhưng Hưng Còi vẫn thương cu Út vô ngần. Hưng Còi không bao giờ tranh giành với cu Út hết. Như hôm nọ, Hưng Còi qua chơi nhà bà Tư Xếch, bà Tư Xếch có cho Hưng Còi mấy miếng gỗ vụn về chơi. Vừa đem về tới nhà, cu Út đòi nằng nặc, thế là Hưng Còi đưa hết cho em. Hưng Còi cho em mà không tiếc rẻ chút nào hết. Mình thay ba mà. Hưng Còi nhớ lời mẹ dặn như vậy. “Phải thay ba trông nom và làm gương cho em”. Hưng Còi luôn giữ được lời hứa với mẹ. Không những thế, mỗi lần nhường nhịn em như vậy, Hưng Còi lại cảm thấy như nó lớn ra, nó là người lớn, lớn như ba nó.

-Nào Út, Út hát đi. Anh Hưng nghe….

Hưng Còi bảo em và nó nhìn chăm chăm vào miệng thằng cu Út.

Thằng Út cười rung rinh cả đôi má bụ bẫm. Nó mới có mấy chiếc răng ở ngoài cửa thôi, mấy chiếc trong không hiểu sao chưa mọc, nhưng nó ưa cười lắm.

Hưng Còi cũng bật cười theo em. Nó lặp lại:

-Nào, hát đi cưng. Cái gì mở đầu… Đêm gì… cưng…

Cu Út nhìn Hưng Còi nheo nheo cái mắt. Nó chớp mắt lia lịa một hồi, rồi nó nhìn ra ngoài ngõ. Ý chừng cu cậu mắc cỡ, sợ có ai trông thấy hay đứng gần đó nghe được.

Không thấy ai, cu Út có vẻ vững bụng hơn. Nhưng nó vẫn chưa chịu hát ngay, mặc dù nó đã thuộc hết mấy câu hát mà Hưng Còi vừa dạy nó. Nó nói:

-Út...át nga…

Hưng Còi làm vẻ người lớn, nó gật đầu, phất tay:

-Hát đi chứ. Gì mà sợ?

Cu Út lại liếc nhìn Hưng còi một lần nữa. Lần này, Hưng Còi lấy vẻ mặt nghiêm trọng, thản nhiên, nhìn thẳng ra ngoài ngõ nhưng không chú ý tới sự lúng túng, ngượng ngùng của cu Út.

Thấy cu Út có vẻ an lòng hơn. Nó bắt đầu nhái theo giọng Hưng Còi:

“…êm …ung thu…ước đèn …i …ơi…”

Giọng hát líu lo ngọng chiến ngọng cháo của cu Út làm Hưng Còi không nhịn được cười. Nó phải bấm bụng và lấy tay bụm miệng để cho cu Út hát tiếp:

“Em …ước đèn đi …ấp… ố ường…

…òng vui …ướng với đèn ….ong tay

Em múa ca …ưới ánh …ăng …ằm…”

Đến đây thì Hưng Còi không còn chịu được nữa. Nó phá lên cười lăn ra, khiến cu Út cụt hứng, không thèm hát nữa.

Cu Út đấm mạnh tay vào người anh nó. Nó bảo:

-..ề ...ách...ẹ o ơi…

Mặc cu Út muốn nói gì thì nói, Hưng Còi cứ mặc sức mà cười thỏa thích. Nó cười một hồi, đến chảy nước mắt ra, lúc đó nó mới ngừng lại. Nó vỗ vai cu Út:

-Út giỏi lắm. Út hát hay lắm. Trưa nay mẹ về Út hát cho mẹ nghe nha.

Cu Út chừng như không còn tin nổi lời Hưng Còi nữa. Nó lắc đầu:

-…ông.

Vừa lúc đó Ái về tới.

Cả hai anh em Hưng Còi cùng ùa chạy ra đón Ái.

Trông thấy hai em, Ái mỉm cười và giơ cái bao giấy dầu cầm trong tay lên ngang mặt.

Hưng Còi hỏi lớn:

-Bánh bao hả chị Ái?

Ái lắc đầu bí mật:

-Đố Hưng biết?

Hưng Còi chỉ khoái có mỗi món bánh bao mà thôi. Nhưng khi nghe chị nó đố như vậy, nó nghĩ rằng bên trong cái bao giấy kia, chắc chắn là không phải bánh bao rồi.

Thường khi buổi sáng nào mẹ Hưng Còi cũng dặn Ái lúc trở dậy đi ra tiệm cà phê chỗ bà làm lấy đồ ăn về cho các em. Khi thì bánh bao, khi thì xôi bắp, khi thì bánh bò, khi thì dầu cháo quẩy. Trong tất cả những thứ đó, Hưng Còi chỉ thích có bánh bao mà thôi. Có thể là vì răng Hưng Còi bị sún gần hết nên nó ghét cay ghét đắng mấy thứ gì mà phải nhai tới nhai lui mãi mới nuốt được.

Mẹ Hưng Còi cũng biết vậy, nhưng bà vẫn không thường đưa Ái bánh bao đem về nhà. Bà bảo bánh bao đắt lắm. Tuy lấy ở tiệm nước thiệt đó, nhưng họ sẽ trừ vào lương tháng. Do đó bà thường lấy cho anh em Hưng còi những thứ khác rẻ hơn.

Ái nắm tay cu Út dắt vào nhà.

Hưng còi theo sau. Nó vẫn còn thắc mắc không hiểu cái gì ở trong bao giấy dầu kia. Nó lại hỏi:

-Mẹ mua cái gì vậy hả chị Ái?

Con Ái vẫn bí mật. Nó muốn kéo dài sự hồi hộp nơi em nó:

-Thì chị đã nói Hưng đoán thử đi mà.

Ái nói với nụ cười trên miệng càng làm Hưng Còi hoang mang hơn.

Hưng Còi không dám đoán ngay. Nó không sợ đoán sai mà sợ chị nó lại cho nghe cái món ở trong đó, nếu không phải là bánh bao, chắc chắn sẽ làm Hưng Còi thất vọng ghê lắm.

Hưng Còi bèn nhe hàm răng sún ra cười toe toét. Nó năn nỉ chị nó:

-Nói em nghe đi chị Ái.

Con Ái ngồi xuống mấy chiếc ghế thấp, duỗi thẳng chân ra. Cu Út cũng ngồi xuống theo, sát ngay bên và tựa người vào chị nó. Mắt cu Út lom lom không rời khỏi bao giấy dầu. Nó chăm chú như sợ nếu lơ đãng một chút, mấy chiếc bánh trong đó có thể bay vù một cái lên trời nhất là khỏi có được ăn.

Hưng Còi không ngồi, nó đứng trước mặt chị nó và khom lưng, chống hai tay lên đầu gối. Nó nuốt nước miếng cái ực.

Con Ái nhìn em cười:

-Không đoán được thì khỏi ăn đi.

Hưng Còi lo quá, nó nhảy cỡn lên:

-Không chơi ăn gian đâu! Không chịu đâu!

-Thế đoán thử coi.

Con Ái nói xong quay sang phía cu Út:

-Út đoán được không?

Cu Út gật đầu, trả lời phom phom:

-…ược.

-Cái gì?

-…ánh ….ao.

Hưng Còi nghe cu Út đoán bánh bao, nó lấy làm vững dạ nó cũng nói liền theo cu Út:

-Bánh bao! Đúng rồi bánh bao! Bánh bao nên nó mới tròn tròn thế kia.

Hưng Còi vừa nói vừa cười toe toét, tay chỉ lia lịa vào gói giấy.

Con Ái vẫn thản nhiên, chờ cho Hưng Còi im lặng, nó mới chậm rãi nói:

-Không phải bánh bao. Sai rồi!

Mặt Hưng Còi sị lại, xẹp xuống như một trái bóng đang căng bỗng bị hết hơi. Mặt Hưng Còi méo xệch như sắp sửa muốn khóc.

Con Ái vẫn theo dõi những biến chuyển trên gương mặt Hưng Còi. Nó đợi cho tới lúc Hưng Còi tuyệt vọng hoàn toàn nó mới thò tay vào trong bao giấy móc ra một cái bánh bao đưa cho cu Út.

Thấy bánh bao thiệt Hưng còi nhảy thót lên như bị điện giật. Nó hớn hở:

-Thế mà… làm người ta run quá…

Con Ái cười vang, mắng yêu em mình:

-Ai bảo háu ăn.

Hưng Còi không trả lời. Nó cười tít mắt với cái bánh bao trong tay.

Khi ba chị em Hưng Còi ăn xong mấy chiếc bánh bao thì nắng đã lên cao quá những trụ điện thưa dọc theo lòng con ngõ hẹp. Ái lấy cuốn sách tập đánh vần ra dạy cho Hưng Còi.

Trong lúc Hưng Còi phải học thì cu Út ngồi trước hiên chơi mấy miếng gỗ vụn.

Tiếng đánh vần ê a của Hưng Còi vang lên trong cái buổi sáng nắng lên cao của cuối con ngõ yên lặng.

Vừa dạy cho em đánh vần, con Ái vừa nghĩ tới cách làm sao cho Hưng Còi được một cái đèn mà không phải xin tiền của mẹ. Nó không muốn nói cho mẹ nó biết việc ấy, mặc dù Ái biết nếu nói ra thế nào mẹ nó cũng mua đèn Trung Thu cho Hưng Còi.

Những ý nghĩ lộn xộn lung tung hiện ra trong óc Ái. Nó nghĩ tới việc đến nhà cậu Sáu, đến nhà cô Chín… Những gia đình người thân thích, ruột thịt với mẹ nó, lần lượt được nghĩ tới. Nhưng cứ vừa hiện ra trong óc Ái là nó vội gạt đi ngay.

Nó nhớ mãi những hình ảnh khi ba nó mới chết, má nó chưa kiếm được việc làm ở quán như hiện nay, mẹ nó có dẫn nó tới nhà cậu Sáu để hỏi vay cậu ít tiền về đong gạo và đi chợ vì nhà hết sạch gạo mà cũng chẳng còn có một đồng nào. Cậu Sáu nó đã nói thẳng vào mặt mẹ nó rằng:

-Giúp mẹ con chị thì được rồi. Nhưng mai kia, lỡ tôi túng thiếu, con tôi không có ăn rồi ai giúp cho tôi đây?

Con Ái nhớ rằng ngay sau câu nói đó của cậu Sáu, mẹ nó đã dắt tay nó bước nhanh ra khỏi căn nhà đó.

Con Ái nhớ rằng đó là một buổi sáng trời mưa. Hai mẹ con nép vào nhau, đi mon men dưới những mái hiên hẹp. Gió tạt những hạt mưa vào mặt nó, nhiều đến không vuốt kịp nữa.

Khi về đến nhà thì hai mẹ con Ái đã ướt như chuột. Mẹ nó không thay quần áo, bỏ vào giường nằm và ôm mặt khóc.

Buổi trưa hôm đó ba chị em Ái nhịn cơm một bữa. Sau, chị Hai bán xôi ở gần nhà có đem sang cho mẹ Ái một chén cơm cháy, và chén cơm cháy được chia đôi, một nửa cho cu Út, một nửa cho Hưng Còi.

Mẹ Ái hỏi Ái có đói không. Ái đã lắc đầu nói dối, mặc dù lòng nó cũng đã đói đến cồn cào ruột gan.

Một lần khác nữa, hình như lần đó cu Út bị lên ban. Mẹ nó hoảng quá, không biết chạy đâu ra tiền mua thuốc cho cu Út, mẹ nó đành phải đến nhà cô Chín hỏi mượn mấy chục bạc.

Sở dĩ mẹ Ái lại nhà cô Chín vì Ái nhớ, khi ba Ái còn sống, cô Chín vẫn lại nhà Ái chơi hoài và ba Ái hay cho tiền hoặc đồ hộp mỗi khi ông mua được. Lần đó, không hiểu sao, mẹ Ái cũng lại cho Ái đi theo.

Lần này, ở nhà cô Chín, không đến nỗi nhục nhã như khi đến nhà cậu Sáu, cô Chín đưa cho mẹ Ái đâu hơn một trăm bạc, nhưng trước khi ra về, cô Chín còn nói với theo một câu rằng:

-Lần sau chị đừng lại nữa nghe. Không ai có tiền để sẵn cho chị đâu.

Và lần đó, mẹ Ái cũng vừa đi vừa nước mắt ngắn nước mắt dài, nhưng vẫn phải nghiến răng ngậm miệng mà cầm tiền về mua thuốc cho cu Út.

Bởi thế cho nên bây giờ, nghĩ tới những người thân thích, ruột thịt, con Ái có một kinh nghiệm quá đau đớn và tủi nhục.

Nhưng ngoài những người đó ra, con Ái cũng chẳng biết trông vào đâu, nghĩ tới ai nữa.

Con Ái cứ loay hoay với những ý nghĩ vu vơ của mình. Cho đến khi Hưng Còi kéo nó trở về thực tại:

-Chị Ái ơi!

-Gì. Đánh vần tiếp đi chứ.

-Em đánh vần rồi.

-Thuộc chưa?

-Thuộc rồi.

-Đánh vần lại coi.

Hưng Còi nhìn chị dò xét. Nó thấy nét mặt chị nó có vẻ ủ rũ, không vui nên nó ngập ngừng, phân vân, không biết có nên nói ra điều nó mong ước hay không.

Thấy Hưng Còi im lặng. Ái đập tay nhẹ lên vai em:

-Sao không đánh vần đi?

Hưng Còi nhìn chị cười cười cầu tài. Nhìn thấy nét mặt của Hưng Còi với nụ cười hở hết cả hai hàm răng sún, Ái hiểu em mình muốn nói gì, nhưng nó vẫn lờ đi, giả vờ như không biết. 

Nó nạt:

-Sao, muốn gì nữa đây. Bánh bao rồi.

Tuy chị nó nói vậy, nhưng Hưng Còi biết rằng nó có thể nói ra được điều nó muốn đề nghị. Hưng Còi nhìn xuống cuốn sách mở rộng trước mặt. Nó ấp úng:

-Em đánh vần trúng hết bài này, chị cho em nghỉ nha? Chị Ái.

-Phải làm toán rồi mới nghỉ chứ.

Hưng Còi năn nỉ:

-Cho Hưng nghỉ đi, chiều Hưng làm. Hưng nghỉ chơi chút mà, học hoài mệt quá.

Hưng Còi nói bằng cái giọng nhõng nhẽo, như thể ngồi bên nó không phải chị Ái mà chính là mẹ nó. Nói xong Hưng Còi vươn vai, thở nhẹ như thể mệt mỏi, sắp chết đến nơi rồi.

Con Ái thấy vậy cũng phải phì cười, nó tát nhẹ vào má em nó.

-Vâng, thì đọc lại đi, trúng hết thì chị cho nghỉ ông tướng! Hư thiệt hư đó.

Hưng Còi sướng quá, nó ngả người vào lòng chị nó như thay cho một lời cám ơn và sau đó nó đọc lại bài học phom phom không sai một chữ.

Vừa dứt bài học, chưa cần lệnh của chị, Hưng Còi đã xô ghế chạy ù ra ngoài cửa với em Út.

Con Ái ngồi lại nơi bàn nước. Nó vừa xếp lại cuốn sách vừa nghĩ ngợi vẩn vơ về cái đèn Trung Thu cho Hưng Còi. Nghĩ loanh quanh một hồi nó thấy rằng chẳng có cách nào khác hơn là cách đi ăn cắp. Mà ăn cắp nó chẳng bao giờ dám làm hết. Nó nhớ mãi lời mẹ nó vẫn thường nói “Làm gì thì làm, dù đói khổ đến đâu cũng đừng gian tham, đừng ăn cắp của người khác. Đó là một việc làm xấu hổ nhục nhã không riêng gì cho kẻ đó mà còn cho cả gia đình, cả giòng họ kẻ đó nữa”.

Mà không hiểu sao con Ái lại bị ám ảnh hoài về chuyện làm cách nào để kiếm được cho em nó một cái đèn Trung Thu.

Đêm qua lúc ngủ, nó nằm mơ thấy một bà tiên đem đến cho nó một cái đèn Trung Thu rất đẹp. Đó là một cái đèn hình thù rất lạ. Một cái đèn mà chẳng đứa trẻ con nào có hết. Bà Tiên có nói với nó rằng “Con đừng ngạc nhiên, bà cho con đó, con cứ cầm lấy mà chơi. Bà thương con vì thấy con ngoan ngoãn. Bà rất yêu thích những đứa trẻ ngoan ngoãn thương mẹ, thương em như con”. Trong giấc mơ con Ái nhớ rằng nó đã cảm động đến chảy nước mắt, nhưng nó không lấy chiếc đèn đó, mặc dù đó là chiếc đèn đẹp vô cùng. Chiếc đèn mà nó biết chắc chắn rằng không thể có một đứa trẻ con nào khác có được. Nó từ chối và xin bà tiên cho nó một cái đèn khác. Bà tiên hỏi nó muốn đèn kiểu gì? Nó nói ngay “đèn con thỏ”. Bà tiên hỏi lại nó rằng

-Bộ con thích đèn con thỏ lắm sao?

Con Ái đáp:

-Dạ, thưa bà không, con không thích đèn con thỏ, nhưng em con, thằng Hưng Còi nó thích.

Nghe thế bà Tiên đã cười, vuốt tóc Ái và hỏi lại:

-Như vậy là con muốn nhường chiếc đèn mà bà cho con cho thằng Hưng, em con?

Con Ái gật đầu không suy nghĩ:

-Vâng! Con lớn rồi con không muốn chơi nữa, con cho em con chơi.

Bà tiên vẫn dịu dàng hỏi tiếp:

-Tại sao con lại không giữ cái đèn này rồi cùng chơi chung với nhau?

Con Ái ngập ngừng giây lát trước khi trả lời:

-Tại em con chỉ thích đèn con thỏ mà thôi. Khi cha con còn sống, con đã được chơi đèn vào mỗi Tết Trung Thu, nhưng khi đó em con còn nhỏ quá, nó chưa được chơi đèn. Rồi khi em còn biết chơi đèn thì ba con đã chết. Mẹ con lại quá nghèo. Do đó, con muốn nhường lại cho em con.

Bà Tiên nghe con Ái nói như vậy, gật gù có vẻ hài lòng lắm.

Bà nói:

-Con quả là một đứa con hiếu thảo, một người chị thương yêu em hết mực. Để thưởng cho con, bà vẫn cho con chiếc đèn này và chiếc đèn con thỏ cho em con nữa.

Nói dứt lời, bà Tiên phất tay áo rộng một cái, thì ngay lập tức trước mặt Ái đã hiện ra một chiếc đèn con thỏ thật to, thật đẹp.

Con Ái mừng quá, nó rơm rớm nước mắt. Nó khóc một cách nhiệt tình, khóc vì cảm động, khóc vì sung sướng. Nó đã quỳ lạy bà Tiên. Nhưng khi nó ngước lên, bà Tiên đã biến mất. Bà Tiên biến đi nhưng vẫn còn để lại cho nó hai chiếc đèn Trung Thu. Con Ái vội đem chiếc đèn con thỏ cho Hưng Còi, Hưng Còi tự dưng được chiếc đèn con thỏ nó mừng quá nhảy lên bá cổ chị nó và hôn tới tấp không kịp cho con Ái giải thích vì đâu mà có.

Giữa lúc đó con Ái tỉnh dậy. Bất giác con Ái liếc nhìn sang phía bên cạnh. Thằng Hưng Còi nằm ngủ thẳng cẳng, mặt nó trong sáng, thơ ngây. Miệng nó hé mở như đang nói thầm điều gì đó.

Con Ái không ngủ được kể từ phút đó, nó thao thức mãi vì cái hình ảnh em nó nhảy lên bá cổ nó… Hình như tới khuya lắm con Ái mới chợp mắt lại được.

Con Ái uể oải đứng dậy rời khỏi bàn đi ra cửa, đứng tựa lưng vào vách nhà nhìn hai đứa em nó đang chơi mấy miếng gỗ vụn.

Hưng Còi quay lại thấy chị, nó nhoẻn miệng cười:

-Chị Ái à.

-Gì Hưng?

-Tại sao con mắt của nó lại đỏ được chị Ái hả?

Con Ái hơi ngơ ngác trước câu hỏi bất ngờ của Hưng Còi:

-Con mắt gì mới được chứ? Hưng hỏi vậy làm sao chị biết được.

-Mắt con thỏ đó chị Ái.

Con Ái cười, nó lại gần và ngồi chung với hai em.

-Tại người ta dán giấy đỏ.

-Thế bộ con thỏ ở ngoài mắt nó cũng màu đỏ hay sao?

Con Ái chưa từng trông thấy con thỏ thật ở ngoài bao giờ cả, cũng như Hưng Còi nó chỉ trong thấy thỏ một đôi lần trong hình vẽ mà thôi. Tuy nhiên con Ái cũng cứ gật đầu bởi nó nghĩ rằng chắc là con thỏ ở ngoài mắt nó cũng đỏ nên người ta mới dán giấy đỏ, nếu mà khác họ đã dán giấy khác.

Thằng Hưng như vẫn còn thắc mắc về cái đèn con thỏ mà nó trông thấy đêm qua trong sân nhà con Thảo.

Nó lại hỏi:

-Thỏ có dễ nuôi không chị Ái?

-Dễ. Hỏi làm chi?

Hương Còi đáp liền:

-Lớn lên có tiền em nuôi một con thỏ trong nhà. Con thỏ thiệt, chơi cho nó sướng.

Ái nhìn em gật đầu:

-Ừ. Hưng chịu khó học giỏi đi, lớn lên có nhiều tiền rồi nuôi thỏ.

Hưng Còi lại im lặng được một lát, bỗng nhiên lại ngước lên nhìn chị nó.

Nó hỏi:

-Người ta bảo trên ông trăng, cũng có con thỏ phải không chị Ái?

Điều này thì quả thực là con Ái cũng không biết rõ. Nó cũng chỉ nghe người ta nói trong cung điện của chị Hằng có con thỏ mà thôi.

-Ai nói với Hưng như vậy.

Hưng Còi nhăn mặt như để còn nhớ lại, một lát sau nó nói:

-Hình như ba… Phải rồi, ngày xưa ba có nói rằng trên ông trăng có chú cuội, có chị Hằng và có một giống vật duy nhất là con thỏ.

Nghe nhắc lại, con Ái cũng chợt nhớ ra rằng đã có một lần, ba nó nói thế, nhưng nó cũng chỉ nhớ lờ mờ như thằng Hưng mà thôi. Con Ái đáp liền:

-Ừ. Chị nhớ ra rồi. Ba nói ở trên cung trăng có con thỏ.

-Thế con thỏ ở trên đó nó ăn bằng gì chị Ái?

-Bằng cỏ chứ bằng gì nữa.

Con Ái đáp bừa cho nó qua chuyện. Nhưng thằng Hưng Còi nào có chịu ngừng lại ngay ở đó, nó lại hỏi tiếp:

-Thế trên cung trăng cũng có cỏ như ở dưới mình hay sao?

Đã đáp liều, con Ái đành theo trớn:

-Ừ. Trên ấy cũng có cỏ nữa. Cỏ trên ấy còn non và ngon hơn cỏ ở dưới này.

Đến đây, con Ái tưởng Hưng Còi sẽ thôi không hỏi nữa, nhưng thằng nhỏ chỉ im lặng một lát thôi, Nó quay vào những miếng gỗ vụn với cu Út xong, đột nhiên nó lại nhìn lên chị nó.

Nó nói:

-Đêm qua em nằm mơ thấy em có một cái đèn con thỏ.

Con Ái đánh trống lảng. Nó bĩu môi:

-Xí. Ngủ như chết mà mơ với miết gì. Xạo.

Hưng Còi trợn mắt, phùng miệng cãi:

-Thiệt nè. Bộ nằm ngủ như chết thì không mơ được sao? Hưng mơ như thường.

Đến đây thằng cu Út thấy như cần phải có ý kiến. Nó hơi thẳng người lên, thò tay gãi rốn xong mới góp:

-… Ai đen …on …ó …ế …anh …ưng…

Hưng Còi được cu Út hỏi về đèn con thỏ của nó, nó liền giơ tay múa chân, trợn mắt, cong môi diễn tả tới nơi tới chốn cho thằng cu Út nghe.

Qua những dáng điệu, cử chỉ của anh nó, cu Út lấy làm khoái chí và thán phục cái đèn con thỏ ghê quá. Nó nói rằng buổi trưa nay, khi mẹ về nó sẽ nói với mẹ nó cho nó cái đèn con thỏ.

Con Ái  biết rằng khi thằng cu Út đã muốn thì chẳng có cách nào cản nó hết. Cu Út còn nhỏ quá, làm sao con Ái có thể nói cho nó hiểu được rằng mẹ chúng nó nghèo lắm. Đến ngay cả cái quần của cu Út mẹ nó định mua cả chục lần rồi mà vẫn chưa mua được.

Con Ái tính nhanh trong óc nó. Chỉ còn hai ngày nữa là tới tết Trung Thu Nếu nó có thể bảo thằng Út lần khất sau ngày Trung Thu, chắc nó có thể đi xin hay đi nhặt ở đâu đó, một chiếc đèn hỏng hoặc cháy mà những đứa trẻ con khác chơi rồi vứt ra. Như vậy là tránh được cho mẹ nó cái cảnh ngồi bưng mặt khóc, mỗi khi hai đứa em nó tình cờ đòi mua cái gì đó mà mẹ nó không mua được. Cái hình ảnh những buổi trưa nóng hâm hấp, mẹ nó ngồi và những hạt cơm khô khốc với mấy cọng rau lào nhào với một chén nước mắm dầm ớt vào miệng cùng những giọt lệ lăn nhanh trên gương mặt hom hem, héo úa, in hẳn trong tâm trí con Ái, khiến nó đau lòng vô cùng. Nó chỉ muốn bỏ nhà đi làm ngay cái gì đó, bất cứ như làm thuê, như gánh mướn cho ai cũng được để có tiền giúp đỡ cho mẹ nó. Nhưng mẹ nó không bằng lòng. Mẹ nó bảo là mẹ nó đi làm cả ngày lẫn đêm nó phải ở nhà trông em. Không thể bỏ mặc hai đứa nhỏ ở nhà một mình nhất là nhà của nó lại ở ngay bên cạnh cái rạch nước.

Con Ái kéo cu Út vào lòng mình. Thằng nhỏ tuy thiếu ăn nhưng không hiểu sao nó vẫn bụ bẫm, mập mạp. Người nó trắng mát, ai trông thấy cũng tấm tắc khen. Nó thật trái ngược với thằng Hưng Còi. Đã có người từng bắn tiếng với mẹ nó là nếu đồng ý ký tên giao thằng cu Út cho họ, lấy bao nhiêu tiền họ sẽ trả. Nhưng trước những đề nghị như vậy, mẹ nó chỉ cười buồn nói.

-Tôi còn sống ngày nào chúng nó còn ở bên tôi. Chỉ khi nào tôi chết, tôi nhắm mắt xuôi tay không biết gì nữa thì thôi. Lúc đó xin phó mặc cho trời.

Đang ngồi tự dưng bị kéo ngã vào lòng, cu Út dãy dụa kêu lên:

-… ông… ả em… a.

Cu Út vừa kêu vừa cười như nắc nẻ. Chắc nó bị chị nó thọc lét hay làm nhột sao đó, con Ái cố hôn vào má thằng cu Út một cái rồi mới chịu buông nó ra. 

Con Ái nói:

-Để chị mua cho Út cái đèn con thỏ, Út chịu không?

Thằng cu Út không biết ất giáp gì cả, nó gật đầu lia lịa:

-..ịu …ịu …iền.

Nhưng Hưng Còi thì hiểu rằng muốn mua đèn Trung Thu, dù loại đèn nào cũng phải có tiền. Mà muốn mua đèn con thỏ, chắc phải có nhiều tiền hơn nữa mới mua được. Hưng Còi liền hỏi:

-Xạo ê! Chị Ái xạo ê! Chị Ái làm gì có tiền mà mua đèn. Mẹ chưa có tiền để mua đèn nữa là…

Cu Út thì không cần biết tới việc đó. Nó chỉ cần biết rằng chị nó bảo sẽ mua cho nó một cái đèn thế là nó khoái rồi.

Cu Út bỏ đồ chơi, nó nhảy cẫng lên, bá lấy cổ chị nó hôn chùn chụt. Nó nói líu lo, vội vàng không thành tiếng nữa:

-…èn …o  …u …é, …èn …o …u ….é.

Con Ái làm như không để ý tới đôi mắt mở lớn hoài nghi của Hưng Còi. Nó ôm cu Út vào lòng và hôn trên trán nó.

Con Ái hỏi:

-Cu Út thương chị Ái không?

Cu Út đáp liền:

-…ương.

-Nhiều không?

-…iều.

-Nhiều là bao nhiêu?

Cu Út hơi ngẩn ngơ một lát. Có lẽ nó nghĩ câu để trả lời. Cuối cùng không biết nghĩ sao, cu Út giơ hai tay ra làm hiệu. Nó nói:

-…ừng …ầy.

Con Ái không thể nín cười được. Nó bật cười và ôm ghì thằng cu Út vào người nó, cùng lúc trong óc nó lóe lên một tia sáng hy vọng.




CHƯƠNG BA


Con Ái hớn hở trở về. Nó chạy ù vào nhà tìm Hưng Còi và cu Út.

Thấy vẻ mặt hớn hở của chị, Hưng Còi tưởng chị nó đã có tiền mua đèn, nó hỏi dồn:

-Đèn đâu? Đèn đâu chị Ái?

Cu Út cũng quýnh lên. Nó níu tay chị nó:

-…èn …âu? ….èn …âu?

Con Ái ngồi bệt xuống bực thềm thở hồng hộc. Nó chờ cho những nôn nao của hai em nó nguôi ngoai bớt, cũng như để cho tim nó bớt đập, mới chậm rãi nói:

-Mẹ chưa về phải không Hưng?

-Chưa. Sao chị đi lâu quá vậy?

Ái không trả lời vào câu hỏi của em:

-Hưng có cho cu Út ra chơi ngoài mé lạch không?

Hưng Còi khuỳnh tay, nghênh nghênh cái mặt. Nó quả quyết:

-Không có nè. Từ lúc chị đi, chị dặn không ra khỏi cửa. Hưng giữ nó trong nhà cho tới bây giờ đó. Đèn đâu chị Ái?

Con Ái gật cái đầu tỏ vẻ hài lòng, một lát sau nó lại nói tiếp:

-Chút xíu nữa mẹ về hai đứa không được mách mẹ chị bỏ nhà đi nha. Đứa nào mách mẹ chị không những nghỉ ra mà còn không mua đèn cho nữa.

Cả hai nhóc tỳ cùng gật đầu một lúc:

-Không có đâu.

-…ông …ó …âu.

Con Ái xoa đầu cu Út:

-Ừ. Vậy chị thương. Mà cu Út lát nữa không được nói gì với mẹ về vụ đòi mua đèn Trung Thu nghe.

Cu Út lại gật đầu tới tấp:

-…ông, …ông.

Giữa lúc con Ái đang sung sướng chưa kịp nói về sự thành công của nó trong mưu toan kiếm ra cái đèn con thỏ cho Hưng Còi nghe thì mẹ nó về.

Mẹ Hưng Còi còn đi từ đàng xa cu Út đã trông thấy, nó reo lên và chạy ra. Hưng Còi và con Ái cũng chạy ra theo. Vừa ra tới nơi và con Ái cũng chạy ra theo. Vừa ra tới nơi đột nhiên mẹ nó chỉ vào mặt con Ái nói:

-Con vừa đi đâu hay làm gì mà cái mặt đỏ gay đỏ gắt vậy? Đi ăn trộm hay sao mà áo quần xốc xếch thế kia?

Câu hỏi đột ngột của mẹ nó làm con Ái chột dạ. Nó lấm lét nhìn Hưng Còi. Hưng Còi cũng đang giương mắt nhìn lại nó. Con Ái nghĩ rằng nếu chưa trả lời, mẹ nó sinh nghi, mẹ nó sẽ hỏi thêm và thằng cu Út lỡ miệng thì chắc chắn là nó sẽ no đòn. Nó vội nói dối:

-Con mới chẻ củi cho mẹ đó, con để sau bếp đó mẹ!

Mẹ Hưng Còi bồng cu Út, vừa đi vừa nựng nịu thằng nhỏ.

Ba bốn mẹ con kéo nhau vào nhà. Đặt cu Út đứng xuống đất, mẹ Hưng Còi vội vào bếp, đặt nồi nước và bắt đầu đi vo gạo.

Mẹ Hưng Còi nói vọng từ dưới bếp lên:

-Hôm nay các con có đồ ăn ngon lắm!

Hưng Còi láu táu:

-Cái gì vậy mẹ?

Con Ái lần xuống bếp với mẹ. Bấy giờ nó mới thấy mẹ nó đang gỡ bỏ tấm giấy báo ở ngoài ra, để lộ trước mắt nó một cái bịch ny lông trong đó đựng những sợi mì xào chín vàng, nâu óng và những cọng cải xanh mướt, một vài miếng thịt bạc nhạc bầy nhầy lẫn lộn. Nó reo lên:

-Hưng ơi! Em xuống đây mà xem nè.

Con Ái định hét lên là có mì xào, nhưng mẹ nó đã giơ tay như định phát vào vai nó, nên nó ngậm miệng kịp thời.

Hưng Còi chạy tới, nó đang ngơ ngác thì con Ái đã chỉ tay cho nó thấy bịch ny lông đựng mì xào để bên cái nồi nhỏ. Mắt Hưng Còi sáng lên, nó xuýt xoa:

-Ở đâu ra mà ác liệt quá vậy mẹ?

Mẹ Hưng Còi đáp ngay:

-Ở tiệm người ta cho đó. Liệu khe khẽ cái mồm chứ. Không khéo lại ầm cả lên, hàng xóm người ta cười cho đó.

Hưng Còi vẫn chưa hết cơn kinh ngạc và thích thú.

Nó lẩm bẩm:

-Ác liệt quá hả mẹ? Hôm nay nhà mình có mì xào.

Vừa nói dứt lời, nó vừa hít mạnh một hơi vào lồng ngực xong nó thở phào ra, tấm tắc:

-Thơm quá! Thơm tuyệt!

Mẹ Hưng Còi không nhịn được cười. Bà quay nhìn Hưng Còi mắng yêu:

-Chỉ được cái lém là không ai bằng. Có ngửi thấy mùi gì đâu mà làm bộ thơm với chả thơm.

Nghe mẹ mắng, chắc mẹ nó nói trúng quá, nên cu cậu không cãi được đành nhe hàm răng sún ra cười cái rột, rồi bỏ chạy lên nhà trên.

Khi Hưng Còi vừa đi khuất, những nét vui tươi thoáng hiện trên nét mặt mẹ nó đã tan biến ngay. Một vẻ gì âu sầu buồn thảm lại kéo hàng ngang trên gương mặt bà.

Sự thực chẳng có ai cho hết. Đó là một phần ăn mà khách ăn không hết đã bỏ thừa lại. Mẹ Hưng Còi thấy thế vội vàng lấy cái bao ny lông trút tất cả vào để đem về cho các con. Chính vì thế, cho nên khi bà thấy sự reo vui của các con, bà đã không khỏi chạnh lòng. Nước mắt từ đâu ứa ra trong hai khóe mắt người đàn bà già cỗi hom hem.

Tất cả những biến chuyển này, không qua khỏi con mắt theo dõi của con Ái.

Con Ái hỏi ngay:

-Mẹ sao vậy?

Mẹ Hưng Còi đưa tay quệt mắt, nói tránh đi:

-Mẹ bị khói vào mắt.

Con Ái cãi:

-Con đứng bên cạnh mẹ sao con không bị khói?

Mẹ Hưng Còi cúi nhìn con, bà im lặng giây lát xong nói tiếp:

-Tại con thấp, con không ghé sát bếp nên con không bị. Mà thôi, con hỏi chi nhiều, con đi lau chén đũa đi, rồi còn ăn cơm. Đói bụng chưa?

Con Ái vuốt ve bàn tay mẹ nó, trước khi bỏ đi lau chén bát. Nó hỏi nhỏ:

-Mẹ buồn hả mẹ?

Mẹ Hưng Còi trợn mắt gắt khẽ:

-Đừng có nói vớ vẩn. Lên nhà chơi với em.

Mặc dù mẹ nó gắt như vậy, nhưng con Ái biết rằng mẹ nó đã thú nhận lời nó nói là đúng.

Con Ái bước đi lau chén đũa. Nó im lặng không nói gì thêm.

Mẹ Hưng Còi cũng im lặng. Câu hỏi ngây thơ với lời an ủi non nớt của đứa con gái lớn đã khiến bà ta chỉ hơi buồn thôi lại đâm ra buồn nhiều và khóc thật. Nhìn chăm chú vào ngọn lửa đang phần phật bốc cao từ bếp, người đàn bà cố nén những tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ họng.

Bà nghe được sau đó, tiếng thằng cu Út cười vang ở đằng trước nhà. Giọng cười hớn hở của nó, khiến cho bà đoán rằng chắc Hưng Còi đã nói với nó về cái món ăn quá đặc biệt trong bữa cơm trưa nay của gia đình bà: món mì xào. Gần nửa tiếng đồng hồ sau, bữa cơm đã được dọn ra chiếc giường duy nhất trong nhà của Hưng Còi. Một nồi cơm được đặt ở giữa, cũng như mọi khi, bên cạnh là một chén nước mắm dầm ớt và một chén nước mắm không. Nhưng lần này đặc biệt hơn, còn có một đĩa mì xào thơm phức.

Hưng Còi và cu Út đã ngồi nghiêm chỉnh trên giường.

Không bảo nhau, cả hai nhóc tì cùng có một bộ mặt trang trọng khác thường. Khi món mì xào được đem lên và đặt xuống giường. Hưng Còi cong một ngón tay chỉ vào giữa đĩa mì, nói nhỏ với cu Út.

-Đó, thấy không? Ác liệt chưa?

Cu Út hỉnh hỉnh cái mũi. Có lẽ nó cũng muốn chứng tỏ với anh nó rằng nó cũng là tay sành điệu, biết thưởng thức món ăn ngon như anh nó.

Sau khi hít hà một hơi, xong đâu đấy cu Út mới trịnh trọng ghé sát tai Hưng Còi nói nhỏ:

-Ác …iệt ….ật…

Hưng Còi có vẻ bằng lòng với sự đồng ý hoàn toàn của cu Út.

Thừa lúc mẹ nó vừa quay lưng, Hưng Còi bèn thò ngay một ngón tay và giữa đĩa mì ngoáy một cái rồi đưa lên miệng mút cái chụt.

Hưng Còi diễn cử chỉ này nhanh quá, khiến cu Út ngơ ngác, không kịp phản ứng gì hết. Tới chừng cu Út có vẻ hoàn hồn rồi và định diễn y hệt cái trò hấp dẫn kia như Hưng Còi thì mẹ nó đã bước lên.

Cu Út lấy làm bực tức lắm. Trong khi Hưng Còi đắc ý cười vang.

Mẹ Hưng Còi hỏi:

-Cười gì vậy ông tướng?

Cu Út láu táu:

-Anh …ưng …ấm …út …ái ..ày…

Vừa nói, cu Út vừa đưa tay chỉ chỏ và làm dấu như sợ mẹ nó không hiểu được lời mách bảo khẩn cấp của nó.

Quả thực là mẹ Hưng Còi chưa kịp hiểu cu Út nói gì hết. Hưng Còi liền lợi dụng tình thế, nói lấp đi.

-Cu Út nó nói món này ngon lắm đó mẹ. Mẹ cho nó ăn ngay đi, nó đói bụng lắm rồi.

Mẹ Hưng Còi tất nhiên là không tin hẳn nơi lời giải thích của Hưng Còi, nhưng bà chỉ lừ mắt Hưng Còi mà không mắng rầy chi nó hết. Bà nói:

-Thôi các con ăn đi. Con Ái đâu?

Con Ái từ dưới bếp nói vọng lên:

-Dạ, con đây mẹ.

-Lên lấy cơm cho em ăn cơm.

-Dạ. Mẹ đợi con một chút.

Con Ái vừa nói vừa bước lên. Thì ra nó đi luộc mấy cọng rau lang hái được ở sau nhà.

Mẹ Hưng Còi nhìn thấy bảo:

-Có thức ăn rồi, con luộc thêm rau làm chi?

Con Ái cười:

-Con ăn. Để món đó cho tụi nó ăn.

Mẹ Hưng Còi nhìn con gái bằng con mắt chan chứa âu yếm và lòng thương xót. Bà trở ra nhà ngoài và im lặng.

Con Ái không dám theo ra, nhưng nó biết chắc rằng mẹ nó lại đang khóc. Từ ngày ba nó tử trận, hầu như chẳng có ngày nào là mẹ nó không khóc. Cứ hễ nói một câu gì đó, vô tình cũng vậy, là mẹ nó có thể rơm rớm nước mắt được.

Nhóc tỳ Hưng và cu Út không cần đợi ai nói thêm, chúng thi nhau tấn công cái món mì xào ngàn năm một thuở đó với tất cả khoái trá và hào hứng ít có.

Nắng trưa hâm hấp hắt xuống căn nhà mái thấp. Tiếng nước óc ách vỗ vào bờ nghe rõ và buồn như tiếng võng ru ời ợi từ xa đâu vẳng lại. Buổi trưa đã xuống sâu trong tận cùng con hẻm nhỏ.

Mẹ Hưng Còi trở vào với đôi mắt đỏ hoe. Con Ái kín đáo liếc nhìn mẹ nó xong cúi nhanh xuống bát cơm của mình. Một sự im lặng đè nặng nơi ngực của nó. Nó quay sang nhìn hai đứa em. Ở nơi đây, nó cũng bắt gặp cái nhìn của mẹ nó dừng lại.




CHƯƠNG BỐN


Con Ái đã thực sự bắt đầu được dự tính của nó. Những gánh nước chĩu nặng trên vai tưởng chừng như chẳng thế nào nó cất bước được. Nhưng hình ảnh của chiếc đèn con thỏ, hình ảnh của thằng cu Út, của thằng Hưng Còi như tạo thành một mãnh lực kỳ dị đẩy được bước chân nó lê đi trên mặt đất. Lưng con Ái còng lại. Mồ hôi bắt đầu vã ra. Những giọi mồ hôi thành dòng chảy tới đâu nghe rõ tới đó trên lưng, trên bụng, hai ống chân… Nhưng nó bậm môi, nó nhắm mắt bước từng bước lê lết, từng bước ngập ngừng muốn quỵ ngã.

Nó tự nhủ chẳng đời nào nó có thể quỵ ngã nửa chừng như vậy. Nó tưởng tới gương mặt của bà Ba bán nước, cái gương mặt choắt cheo với một cái trán sói sọi, nhìn nó khi nó đến nói với bà xin cho nó được gánh nước mướn cho bà ta. Bà ta đã nhìn nó bằng con mắt vừa thương hại vừa nực cười. Nó nhớ mãi lời bà ta nói khi lấy cái mồi thuốc lào ra khỏi kẹt lợi:

-Mày nhỏ chéo thế kia mà gánh ghiếc gì được. Ăn chưa xong mà bày đặt.

Con Ái đã phải gân mặt lên nhìn thẳng vào mặt bà ta. Nó nói bằng giọng cương quyết.

-Bà cứ cho gánh thử. Con hứa chắc với bà là con gánh được mà. Ở nhà con vẫn gánh nước cho mẹ con.

Bà Ba đã bật cười khi không thấy cái vẻ gân guốc cương quyết một cách khôi hài của con Ái. Bà ta nói:

-Có phải mày là con của Hai Xinh không?

Con Ái gật đầu:

-Dạ phải.

-Mày ở cuối ngõ chứ gì?

Con Ái lại gật đầu. Nó nghĩ rằng khi bà ta hỏi han như vậy chắc là có phần nào cảm tình hay đã xiêu lòng đồng ý cho nó việc làm. Nó nghĩ rằng nó cũng đâu có cần gánh gì nhiều. Nó chỉ cần gánh sao đủ tiền mua cho em nó cái lồng đèn mà thôi. 

Nó nói tiếp:

-Dạ. Bà nên tin con. Con không có nói dối đâu! Con nói được là con gánh được, không tin bà cứ ra đứng nhìn con gánh.

Bà Ba bán nước nhét cái nùi thuốc lào vào kẹt lợi sau khi đã chà đi chà lại trên hàm răng của mình. Cử chỉ chậm chạp này của bà ta đối với con Ái là cả một khoảng thời gian đằng đẵng và hồi hộp. Nó chỉ áy náy lo lắng bà ta sẽ trả lời nó gọn một câu: “Thôi về đi! Muốn gánh thì bảo con mẹ mày ra đây tao cho gánh thuê” như bà ta đã từng bảo con nhỏ, con của thím Biếc như vậy.

Nhưng không, lần này bà Ba đã dành cho nó một câu nói khác. Bà bảo:

-Ừ! Muốn gánh thì cho mày gánh. Mà gánh ít thôi nhe, đừng ráng quá mà quật hỏng đôi thùng của tao là tao lột quần, lột áo mày ra bắt thường đó nghe con nhỏ.

Con Ái mừng rỡ thiếu điều chắp tay lạy bà Ba. Nó hiểu bà ta nói là nói như vậy, chứ bộ quần áo mà nó đang mặc trên người là bộ quần áo vá chằng vá đụp cả mấy chục miếng, có lấy thì cũng chỉ làm khăn lau được thôi chớ bán chác cho ai. Những ý nghĩ lung tung này đã giúp cho con Ái quên được phần nào sức nặng gập người của gánh nước. Nó tiếp tục bặm môi và dấn bước.

Nhưng thật trớ trêu cho nó, những gánh nước mà nó gánh đây lại được bà Ba bảo gánh tới nhà con Lượng. Khi đến trước cửa nhà con Lượng, Ái đã muốn gánh đôi nước trở lại trả cho bà Ba. Nó nghĩ rằng thà không mua được chiếc đèn cho em nó còn hơn là phải trông thấy cái mặt hợm hĩnh khinh bỉ của con Lượng.

Con Ái hạ gánh nước xuống. Nó đứng tần ngần một hồi lâu. Cuối cùng nó chặc lưỡi nghĩ thầm. “Thôi cũng mặc. Đã gánh được đến đây không lẽ lại gánh trả lại cho bà Ba. Mình nghèo thiệt, mình phải đi gánh nước mướn cho nhà nó, nó có nói gì cũng mặc, đã sao.

Nghĩ thế, nên con Ái lại giùn người xuống, lấy hết sức bình sinh đẩy đôi thùng nước lên và bước vào sân nhà con Lượng.

May cho nó là con Lượng không có nhà. Nó đi học hay đi chơi đâu đó. Con Ái khấp khởi mừng. Gánh cho nhà con này cũng chả mấy. Chỉ có bốn đôi. Cũng nhanh. Con Ái nghĩ. Mình sẽ ráng gánh cho đủ bốn đôi để gánh sang nhà khác, trước khi con Lượng trở về.

Con Ái nhẩm tính trong miệng như vậy, khi nó gánh đôi thùng không trở ra.

Cho tới lúc con Ái gánh đủ bốn đôi nước cho nhà con Lượng thì trời cũng đã muốn xẩm tối.

Công việc nặng nhọc quá sức nó, đã khiến con Ái thấy thời gian qua nhanh. Nó sực nhớ tới hai đứa em nó bỏ mặc ở nhà, không biết có chuyện gì xẩy ra không? Nó vội nói với bà Ba xin trở về và ngày mai nó sẽ trở lại gánh tiếp rồi sẽ lấy tiền luôn thể.

Vừa rời khỏi nhà bà Ba, con Ái chạy ba chân bốn cẳng về nhà mình. Nó không còn nhìn thấy gì hai bên đường nữa. Khắp người nó ê ẩm, đau nhức từng khớp xương. Riêng cái xương sống của nó như muốn gãy rời làm đôi làm ba. Nhưng hình ảnh hai đứa em nó, ngơ ngác trong căn nhà tối thui, vẫn là cái hình ảnh mang một sức thu hút mãnh liệt hơn cả, nên con Ái chạy không biết mệt.

Lúc nó xô cửa vào nhà, con Ái muốn chết đứng luôn. Tim nó ngừng đập. Mắt nó trợn trừng. Nó không thấy Hưng Còi và cu Út đâu hết.

Như một đứa mất trí, nó lao bổ vào trong nhà. Nó quờ quặng tìm kiếm, miệng không ngớt gọi tên hai em nó.

Tới chừng con Ái lần mò tới chiếc giường, nó chạm tay vào thằng cu Út trước rồi thằng Hưng Còi sau, nó mới hoàn hồn.

Thì ra hai đứa nhóc chơi chán rồi, chờ chị và mẹ cũng không thấy về nên chúng nó quay ra ngủ.

Con Ái đánh thức từng đứa dậy và lúc đó nó mới đi tìm đèn thắp lên.

Thường buổi chiều, mẹ nó không có ăn cơm nhà. Bổn phận của con Ái là phải đặt nồi cơm lên bếp, xong chờ mẹ nó về đem theo ít món ăn gì đó, hoặc là mớ rau, hoặc là tí dưa, mẹ nó vuốt đầu và thăm hỏi từng đứa xong lại ra tiệm ngay. Bởi buổi chiều bận rộn hơn buổi trưa và mẹ nó chỉ trở về nhà sau mười hai giờ đêm mà thôi.

Con Ái vội vã đặt nồi cơm lên bếp. Nó cũng đi rửa luôn mấy cọng rau khoai lang mà hồi trưa còn để dành lại. Nó định rằng nếu mẹ nó không mang cái gì về, cơm chín nó sẽ đem xuống và cho hai em nó ăn với rau cho xong bữa.

Quả nhiên nó chờ đến tối mịt, mẹ nó vẫn không thấy trở về, con Ái bèn đem nồi cơm và đĩa rau dọn ra ngoài trước cửa nhà ăn.

Ăn cơm dưới ánh trăng, con Ái nghĩ tới chiếc đèn ngày mai nó sẽ mua được cho em nó mà nó muốn rớt nước mắt vào bát cơm.

Hai nhóc tỳ vừa ăn cơm vừa nhìn trăng và chúng nói chuyện với nhau về cái đèn mà ngày mai chúng sẽ có. Con Ái nghĩ tới việc nó sẽ ráng gánh thêm một hai đôi nước nữa để có thể dư chút tiền, mua cái bánh nướng hay bánh dẻo cho em.

Cơm nước xong, chị em con Ái lên giường ngủ ngay.

Những đau nhức khắp thân thể con Ái giờ này như mới bắt đầu sưng lên. Con Ái lăn trở bên nào cũng thấy đau ê ẩm hết.

Tuy nhiên, vì quá mệt nó cũng ngủ thiếp được sau đó không lâu. 

Vừa chợp mắt, con Ái đã mơ thấy bà Tiên đêm trước trở lại với nó. Bà Tiên nhìn nó, vẫn bằng đôi mắt trong sáng dịu dàng nhiều thương mến. Nhưng nó thấy thấp thoáng ở đó một vẻ buồn rầu, như thế có một sự gì không bằng lòng nơi nó.

Con Ái sợ quá. Nó chấp tay lạy bà Tiên. Nó nói nếu nó có phạm lỗi gì, xin bà Tiên cứ nói, nó hứa nó sẽ không làm thế nữa.

Nhưng bà Tiên chỉ lắc đầu, không nói gì hết.

Giấc mơ lạ lùng khiến con Ái tỉnh dậy nửa chừng. Nó đi ra ngoài cửa. Trời còn sớm. Trăng vằng vặc trên cao.

Con Ái ngước lên nhìn chú Cuội và chị Hằng, nhưng nó chỉ có thể nhìn thấy hình dạng na ná một cái cây mà người ta nói đó là cây đa.

Trăng sáng nhễ nhại, như sơn lên mặt nước trong con lạch một vẻ gì vừa huyền bí vừa thâm trầm, thắm thiết.

Tiếng cu Út ngủ mớ đòi đèn con thỏ làm con Ái chạy vào. Nó lay nhè nhẹ cu Út cho thằng nhỏ ngủ lại. Con Ái không biết mấy giờ, nhưng mẹ nó chưa về, nó nghĩ rằng chắc chắn là chưa tới mười hai giờ khuya. Nghĩ ngợi lan man một hồi, con Ái lại chợp mắt ngủ ngay.

Lần này, giấc ngủ của con Ái lại bị khuấy động bởi một giấc mơ ngắn, cũng tương tự như giấc mơ vừa có. Nhưng lần này nó không gặp lại bà Tiên hiền dịu kia mà nó gặp được ba nó.

Con Ái giật mình khi thấy ba nó đứng nghiêm trang lạnh lùng nhìn nó. Đôi mắt ba nó thật buồn và thật lạnh lẽo. Ba nó chỉ nhìn nó mà cũng không nói một lời nào. Con Ái thấy ba nó, mừng quá nó định chạy a lại, ôm chân ba nó, nhưng vẻ lạnh lùng và đôi mắt đăm đăm nhìn buồn của ba nó, khiến nó đâm hoảng sợ. Nó cũng không biết nói gì hơn lặng lẽ cúi xuống nhìn hai bàn chân đi đất của mình.

Con Ái chịu trận như vậy cũng khá lâu. Cuối cùng nó nghe  ba nó nói:

-Hãy thương yêu và trông nôm em cẩn thận nghe con.

Câu nói của ba nó, đã khiến con Ái ứa nước mắt. Nó ngước lên nhìn ba nó, định nói rằng con sẽ nghe lời ba mãi mãi. Nhưng khi nó ngước lên thì ba nó đã biến mất.

Giữa lúc đó, nó nghe được tiếng chân người nặng nề vang âm rất rõ. Bước chân hướng về ngôi nhà nó đang ở. Con Ái nghĩ rằng chắc là mẹ nó đang trở về. Nó cố gắng thức để chờ mẹ nó và nghĩ bụng sẽ nói lại với mẹ về giấc mơ vừa xảy ra.




CHƯƠNG NĂM


Con Ái cố gánh thêm hai đôi nước nữa để có đủ số tiền một trăm năm chục đồng. Cho tới buổi trưa nay, kể như con Ái đã gánh đủ số tiền để mua đôi chiếc đèn xếp cho em nó. Nhưng nó nghĩ đằng nào cũng đi gánh thôi ráng gánh thêm ít đôi để không những mua được đèn con thỏ cho em mà còn có thể mua thêm cái bánh trung thu cho cu Út nữa.

Lúc con Ái đem trả đôi thùng và hai cái móc sắt cho bà Ba, trời cũng đã ngả về chiều. Những vạt nắng cuối cùng đã xuống thấp nơi những bè rau thả nổi dọc theo con lạch.

Con Ái đón nhận số tiền từ tay bà Ba với tất cả sự cảm động tưởng có thể khóc được.

Mặc dù sự sung sướng ứ tràn trong tâm hồn nó, khiến con Ái có cảm tưởng như mọi người bị ngộp thở, nhưng vẫn còn đủ bình tĩnh và trí nhớ mở lời cám ơn bà Ba.

Thấy con nhỏ ngoan ngoãn dễ thương, bà Ba có vẻ hài lòng. Trước khi nó về, bà Ba còn dặn với:

-Mai mốt lúc nào rảnh, cứ ra đây gánh nước cho tao nghe không nhỏ?

Con Ái gật đầu:

-Dạ. Con sẽ gánh nước cho bà khi nào con rảnh.

Cầm một nắm tiền trong tay, con Ái tưởng như những đồng tiền đó đã tạo thành đôi cánh và chắp nơi hai vai nó. Những mệt nhọc, những đau nhức từ hai bả vai nó như cũng dịu bớt đi, mặc dù khi hạ đôi nước cuối cùng khỏi vai, con Ái sờ thử lên vai mình, nó thấy như cả hai bên vai nó đều sưng to và rớm máu.

Con Ái từ tốn bước ra khỏi nhà bà Ba. Trong óc nó lúc này, không còn có một hình ảnh nào khác hơn những chiếc đèn Trung Thu mà nó sẽ chọn cho em. Con Ái cũng hình dung trong óc, hình ảnh cu Út và Hưng Còi sẽ sung sướng điên lên khi nó đem về cho hai đứa chiếc đèn thỏ.

Con Ái cảm thấy như nó lớn hẳn lên, không lớn sao được, khi nó đã có thể kiếm ra tiền mua đèn cho em.

Con Ái cũng nghĩ tới sự kinh ngạc tột độ của mẹ nó. Khuya nay, trở về dưới ánh trăng rằm, thấy cu Út có một cái đèn trong tay, con Ái nghĩ rằng nó sẽ đem mấy cái ghế nhỏ ra kê ở trước cửa, vừa trông trăng vừa đợi mẹ trở về. Chiếc bánh Trung Thu mà nó mua được sẽ bày cẩn thận trong một cái đĩa. Và bữa có Tết Trung Thu đó, chỉ được phá khi mẹ nó có mặt mà thôi. Con Ái tin rằng nó đủ sức thuyết phục cu Út chịu chờ cho tới lúc mẹ trở về mới ăn bánh.

Với nỗi hân hoan ngập tràn, con Ái bước đi bằng những bước chân bảy dặm. Nó vừa đi vừa lẩm bẩm trong miệng bài hát mà nó đã học thuộc được từ mấy năm trước. Cái bài hát mà tụi con Thảo và Lượng đã nắm tay nhau chạy vòng quanh cái bàn có bày bánh Trung Thu hôm nào.

Con Ái hát khẽ:


‘Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em hát ca dưới ánh trăng rằm…”


Con Ái cười một mình khi nghe chính tiếng hát thầm thì của mình âm vang trong tai.

Nó chợt nghĩ rằng với cái đèn con thỏ tối nay có thể dẫn cu Út và Hưng Còi đi ra ngõ chơi, như tất cả những đứa trẻ con khác. Nó nhất định phải đi qua đi lại nhà con Lượng và con Thảo nhiều lần để cho chúng nó thấy rõ ràng nó cũng có đèn mà cũng là đèn con thỏ, rước chơi như ai.

Cái ý nghĩ này khiến con Ái bằng lòng hơn với hai ngày liền gánh nước oằn lưng, sưng vai của nó. Nó chợt cảm thấy việc làm liều lĩnh, việc làm dấu mẹ, có ý nghĩa và thật là đáng làm hơn bao giờ hết.

Nghĩ đến bọn con Lượng, con Ái lại đưa tay sờ vào túi mình. Nó sợ những đồng tiền vừa lãnh được của bà Ba biến mất chắc nó khóc đến hết nước mắt luôn.

Con Ái ra khỏi ngõ. Phố phường mở ra với những màu sắc thật vui tươi và nhộn nhịp.

Trong tầm mắt nó, la liệt những sập bán bánh Trung Thu và bán đèn cho trẻ con. Nó nhận ra rằng trong số đó, có cả những cửa hàng ngay trước, không phải là cửa hàng bán bánh kẹo hay bán bánh. Nhưng nay cũng đã kê một cái bàn ra cửa và bán đủ thứ. Người ta qua lại ồn ào, nhộn nhịp. Nhiều nhất cũng là khách hàng con nít như nó.

Những đứa trẻ cũng ăn mặc rách rưới, chắc là cha mẹ nó cũng nghèo như gia đình con Ái, và có thể là cha chúng cũng chết trận như con Ái, đứng nhấp nhô đen đặc ở ngoài các cửa hàng. Những đứa trẻ này cũng nhìn vào những chiếc đèn treo trên cao, những chiếc bánh Trung Thu thơm phức với tất cả vẻ thèm thuồng, như chị em con Ái hôm đứng ngoài hàng rào nhà con Thảo.

Tất nhiên hôm nay con Ái không ở trong cái đám khách hàng không tiền đó. Bởi nó biết với nó rằng nó đang có tiền trong túi. Nó biết với nó rằng nó có đủ tư cách để bước vào bất cứ một cửa tiệm nào, một cách đàng hoàng mà không sợ bị người ta gạt đuổi ra như đám trẻ con kia.

Ý nghĩ này làm cho con Ái thấy mình trang nghiêm hơn. Nó sửa lại bộ dạng thật đàng hoàng. Mắt nhìn thẳng, mặt ngước cao. Nó đi từng bước ngay ngắn, không hấp tấp, không láo liên, liếc ngang liếc dọc. Mỗi khi bước qua một đám trẻ con nào, nó lại thò tay vào túi mình, như muốn nhắn riêng với đám trẻ con kia rằng: “Tao không có như bọn mày đâu. Tao có tiền đây nè. Tao đang đi mua đèn, và mua bánh cho em tao. Tối nay tao sẽ đốt đèn và sẽ đem đèn ra ngoài đường chơi. Tao không thèm đứng nhìn suông như tụi mày đâu”.

Và con Ái có cảm tưởng như đám trẻ con đó, đã dạt xa sang hai bên nhường lối cho nó đi, và nhìn theo nó với con mắt tràn trề khâm phục và kính nể. Con Ái đi mãi, đi mãi. Màu sắc và những loại đèn khác nhau đã làm cho nó choáng ngộp. Nó không biết nên mua nên chọn cái nào. Đèn con thỏ thì đã đành rồi. Nhưng bây giờ con Ái mới biết rằng có rất nhiều loại đèn con thỏ. Con thỏ to có, con thỏ nhỏ có, con thỏ nhơ nhỡ cũng có. Con màu đỏ, con màu vàng, con màu trắng Nhiều lắm. Nhiều quá. Con nào cũng thấy đẹp hết. Con nào nó cũng muốn mua hết.

Cả đèn con cá nữa, cái đèn mà nó mê ơi là mê, cũng có đủ loại. Có cái thì cá to, cái thì cá nhỏ, cái thì giống cá chép cái thì giống cá rô. Cái thì nó lại có cảm tưởng như giống hình con cá lóc…

Đi tới tiệm nào, con Ái cũng dừng lại ngắm nghía chán chê rồi mới đi sang tiệm khác.

Đứng trước mỗi cửa hàng như vậy, con Ái cảm thấy vững bụng hơn. Nó không có cái sợ sệt người ta đuổi nó đi. Nó đã nghĩ sẵn rồi. Nếu có người xua đuổi nó, nó sẽ rút ngay nắm tiền trong túi ra và nó sẽ dơ lên cao, cho mấy mụ bán hàng biết rằng nó có tiền. Nó đi xem để nó mua chứ nó không giống những đưa trẻ kia đi xem suông đâu.

Nhưng không có một người nào đuổi xua nó hết. Việc này khiến con Ái có cảm tưởng rằng chắc ai cũng đều biết nó có tiền, nên chẳng ai đuổi nó hết. Không những vậy, con Ái còn thấy những người bán hàng đã nhìn nó với đôi mắt chan chứa cảm tình.

“Có tiền nghĩ cũng sướng thật”. Con Ái lẩm bẩm một mình khi rời khỏi cửa tiệm bán đèn cuối cùng, dọc theo con phố nhà nó.

Như vậy là chẳng còn cửa tiệm bán đèn nào mà con Ái chưa bước qua. Chỉ có một số tiệm bên kia đường và ngã tư bên kia, nhưng con Ái không dám băng qua. Nó nhớ lời mẹ nó dặn rằng không bao giờ băng qua đường một mình hết.

Đi hết một đoạn đường dài, con Ái tần ngần nhìn sang bên kia đường xong nó lùi bước quay trở lại. Lần này, nó đi chậm hơn nữa, vì nó nghĩ rằng lần này sẽ là lần mà nó phải quyết định dứt khoát chọn lấy một cái đèn nào đó.

Con Ái tính nhanh óc mình. Đèn con thỏ lớn ở quán bà tàu là cái đèn đẹp nhất, nhưng lại đắt quá. Giá những ba trăm đồng. Nó biết rằng có kỳ kèo trả giá tới lui mấy chăng nữa thì ít ra cũng phải là hai trăm hay hơn hai trăm người ta mới bán. Đó là cái giá vượt qua số tiền nó có.

Cái đèn con thỏ ở nhà ông sửa xe Honda, có lẽ là cái đèn có giá rẻ nhất. Chỉ có năm chục, nhưng lại nhỏ tí teo và xấu ơi là xấu. Đèn đóm gì mà chưa chơi đã bung cả giấy dán ra rồi.

Rút lại, con Ái nhẩm tính, chỉ còn hai tiệm có bán đèn con thỏ, với cái giá mà nó có thể mua được đó là tiệm của ông Hai cụt tay và tiệm của một bà già mà nó không biết tên, nhưng ở ngay đầu ngõ nhà nó.

Hai cái đèn này, giá bán gần bằng nhau. Một cái một trăm và một cái một trăm hai. Tuy con Ái cân nhắc như vậy, nhưng thâm tâm nó có vẻ nghiêng về phía cái đèn một trăm thì nó cũng chỉ còn vỏn vẹn có năm chục. Với năm chục đồng nó còn phải mua hai thứ tất cả. Một cái bánh dẻo và một hộp đèn cầy. Phải rồi, phải có đèn cầy thì mới rước đèn con thỏ được chứ, không có đèn cầy rồi làm sao đốt đèn mà chơi được.

Con Ái đi lần lần trở lại. Khi ngang qua cửa tiệm của ông Hai cụt tay, nó ngắm nghía cái đèn con thỏ ở đây một lần nữa. Cái đèn này theo nó, quả có phần đẹp và chắc chắn hơn cái đèn ở nhà bà đầu ngõ. Cứ như ý con Ái, nếu nó không phải mua chiếc bánh thì nó sẽ lấy ngay cái đèn này rồi. Nhưng còn chiếc bánh, còn hộp đèn cầy, làm sao đủ được.

Con Ái đành nuốt thèm bước qua, đi thẳng.

Đến trước nhà bà đầu ngõ, lần này con Ái không đứng ngoài ngếch mặt lên nhìn những cái đèn treo ở trên cao nữa, mà nó đường hoàng bước thẳng vào trong tiệm.

Đứng giữa tiệm con Ái trịnh trọng nói:

-Thưa bà, cho con xem ít đèn con thỏ.

Mấy người bán hàng hình như cũng hơi ngạc nhiên trước cử chỉ và giọng nói dõng dạc của con Ái. Họ nhìn nó từ đầu đến chân.

Con Ái biết rằng bộ quần áo rách rưới và bết bùn đất của nó, đã khiến người ta ngần ngại.

Nhưng không sao, con Ái nghĩ. Nó mỉm cười nhìn bà chủ tiệm xong từ từ rút ra một nắm tiền.

Nó cũng cẩn thận lắm. Thay vì giơ cao nắm tiền lên cho mọi người thấy rõ, như đã dự tính, nhưng nó không làm vậy. Nó chợt nhớ ra rằng, khi giơ nắm tiền lên cao, rồi lỡ có ai giựt mất của nó thì sao. Bởi thế cho nên nó nghĩ rằng, nó chỉ rút ra như vậy là đủ để mọi người trông thấy nó có tiền rồi.

Quả nhiên, khi thấy nó rút tiền ra khỏi túi và nắm chặt nơi tay, một cô bán hàng đã tiến lại phía nó, giọng đon đả:

-Cái nào, cái nào em?

Con Ái đáng lẽ đã mỉm cười với cô bán hàng, nhưng nó ghét vì lúc đầu cô có ý khinh khi nó không có tiền, nên nó chẳng thèm trả lời gì hết. Nó giơ một ngón tay chỉ thẳng vào chiếc đèn con thỏ.

Cô bán hàng lại tiếp tục cái giọng mời chào, quý hóa:

-À. Cái đèn con thỏ há cưng.

Con Ái nói thầm trong bụng, cái giọng thấy ghét, lúc đầu không cưng cưng với người ta đi, đợi tới lúc người ta rút tiền ra rồi mới làm bộ cưng cưng…

Nghĩ bụng vậy thôi, nhưng con Ái không ra miệng.

Nó thõng tay, đứng chờ cô bán hàng lấy chiếc đèn xuống cho nó.

Con Ái đón chiếc đèn từ tay cô bán hàng với cử chỉ hờ hững.

Để tỏ ra mình cũng là một người sành sỏi, con Ái ngắm nghía chiếc đèn, và sờ mó khắp nơi. Nó ngó trong, ngó ngoài. Nó bóp nhẹ những nan tre, sờ vào hai cái tai con thỏ, xong làm bộ chê:

-Đèn làm gì mà dở quá. Mong manh thế này, chắc chỉ chơi được một lát là tan ngay ấy chứ gì.

Cô bán hàng vội nói:

-Không có đâu cưng. Trông vậy chứ bền lắm. cưng cứ đem về nhà chơi đi. Nếu hỏng ngay đem ra đây chị đền cho cưng cái khác.

Con Ái nhìn cô bán hàng bằng cái nhìn hóm hỉnh. Nó thừa biết rằng đã mua rồi sức mấy mà trả lại được. Đem lại tiệm nói xì xô, người ta bạt tai cho ấy chứ. 

Con Ái nói:

-Bao nhiêu đây chị?

Nó làm bộ hỏi vậy, chứ lượt đi lúc nãy, nó đã hỏi và đã biết giá tỏng rồi.

Cô bán hàng làm ra vẻ yêu mến con Ái lắm, cô ta vuốt nhẹ lên mái tóc nó:

-Một trăm đồng thôi em.

Con Ái làm bộ le lưỡi:

-Đắt quá trời.

Cô bán hàng vẫn kiên nhẫn trả lời nó:

-Không có đắt đâu em. Tre lớn thế này, giấy bóng kính thế này, lại phải uốn làm sao cho ra hình con thỏ nữa mà bán chỉ có một trăm đồng là rẻ lắm đó cưng. Hôm qua đâu có giá này. Tại hết bữa nay là hết Trung Thu nên mới bán rẻ vậy đó.

-Mấy bữa trước bao nhiêu lận chị.

-Hai trăm. Rồi trăm rưởi.

-Vậy mai thì chỉ còn năm chục thôi?

Cô bán hàng cười khúc khích. Chắc cô ta thú vị về câu nói thông minh của con Ái.

Chờ cho cô bán hàng cười xong, con Ái mới trả giá:

-Tám chục được không chị?

Cô bán hàng lắc đầu:

-Không được đâu em. Bán cho người lớn, thì chị còn nói thách chứ bán cho cưng chị không có nói thách đâu.

Giọng cô bán hàng có vẻ thành thực. Tuy nhiên con Ái vẫn nhớ lời người lớn hay nói chuyện với nhau rằng: thời buổi này mua bán cái gì cũng phải trả giá hết, nếu không sẽ bị hố ngay. Khi hỏi tới thì nói rõ một trời, nhưng lúc mua được thì nhiều khi chỉ bằng một phần ba một phần bốn giá nói ra mà thôi.

Con Ái muốn chứng tỏ rằng nó là một người lớn, nghĩa là nó cũng biết mua biết bán, chứ không phải là trẻ con.

Nó nói:

-Thôi mà chị. Tám chục là đắt lắm rồi. 

Cô bán hàng lại xoa đầu nó. Cô ta nhìn thật lâu nơi mặt nó. Cái nhìn của cô bán hàng khi không làm nó mắc cỡ. Mặt con Ái tự dưng bừng bừng ửng đỏ. Hình như cô bán hàng cũng nhận ra điều đó, nên cô ta cười, nói:

-Em ở đâu?

Con Ái chỉ tay vào trong ngõ:

-Em ở trong ngõ này.

-Em ngoan lắm. Em còn đi học không?

Con Ái ngước đôi mắt tròn vo của nó, nhìn cô bán hàng. Nó ngập ngừng một lát xong lắc đầu:

-Em nghỉ rồi.

Cô bán hàng có vẻ ngạc nhiên. Cô ta cao giọng hỏi:

-Sao vậy?

Con Ái cúi gầm mặt nói nhỏ:

-Tại nhà em nghèo.

Tuy con Ái còn nhỏ tuổi, nhưng mỗi khi có ai hỏi về chuyện học hành nó đều cảm thấy buồn bã, không muốn trả lời. Nó ưa tủi thân lắm.

Cô bán hàng nắm lấy bàn tay con Ái và tung tung nhẹ nhẹ trong bàn tay của cô ta. Cô nói:

-Em nghỉ học lâu chưa?

Con Ái trả lời nhanh:

-Từ ngày ba em chết.

Con Ái thực không ngờ, nó đang đóng vai một người lớn đi mua đèn Trung Thu cho em nó, lại bị người ta hỏi han những chuyện mà nó muốn dấu đi, khiến cho nó trở về con người thực của nó, một con Ái bé tí teo, một con Ái ưa mủi lòng, ưa khóc thầm khóc vụng.

Giây phút im lặng nặng nề trôi qua. Hình như cô bán hàng cũng cảm thấy rằng cô ta đã hỏi một câu quá trớn. Sự mau mắn hay lòng yêu thích của cô ta dành cho con Ái chỉ khiến nó thêm buồn lòng hơn mà thôi.

Lát sau cô ta nói:

-Em thích cái đèn này hả?

Con Ái lắc đầu:

-Không.

-Thế sao hỏi mua?

-Em mua cho em em.

-À. Chị hiểu. Cô bán hàng nói.

Con Ái không muốn đứng lâu thêm nữa. Nó rút tay về. Nó biết rằng nếu đứng lâu hơn với cô bán hàng này, chắc nó sẽ khóc mất. Chắc nó sẽ òa khóc trước mặt cô ta, một người xa lạ, đó là một điều mà chẳng bao giờ con Ái muốn thấy xảy ra ở đây.

Cô bán hàng lại vuốt tóc nó. Lần này, cô không nhìn nó nữa, mà cô ta đưa lại chiếc đèn con thỏ cho nó và nói.

-Em cầm lấy đi.

Mắt con Ái sáng rực lên. Nó nói:

-Cô bằng lòng bán với giá tám chục thôi?

Cô bán hàng gật đầu:

-Ừ. Bán cho em tám chục thôi. Và chị còn bớt cho riêng em mười đồng ăn kẹo nữa.

Câu nói bất ngờ của cô bán hàng làm cho con Ái xúc động. Bất giác nó nắm lấy tay cô bán hàng.

-Cám ơn cô. Cô tử tế với em quá.

Cô bán hàng lúc lắc cái đầu, nhìn nó cười.

-Chị thích em lắm. Em thật dễ thương và thật thông minh.

Con Ái trả tiền xong cầm đèn chạy ù ra khỏi tiệm. Nó sung sướng quá tới độ suýt nữa thì quên luôn việc phải mua đèn cầy và một cái bánh dẻo.

Khi con Ái mua xong hộp đèn cầy và cái bánh dẻo thì trời cũng đã xâm xẩm tối.

Con Ái ôm mấy món đồ vào người cùng với cái đèn xách lủng lẳng ở nơi tay. Nó vừa đi vừa hát không ngừng. Sự sung sướng tràn ngập trong lòng nó, khiến nó quên hết cả thời gian. Trong óc nó, chỉ còn hình ảnh của cu Út và Hưng mà thôi.

Ngoài đường phố, đèn đường đã bật sáng. Những đứa trẻ con đã túa ra khỏi căn nhà của chúng. Những chiếc đèn với những ngọn đèn cầy xinh xắn đủ màu được đốt sáng lóng lánh trong những chiếc đèn đó.

Con Ái rảo cẳng bước về nhà. Nó muốn có thể bay ngay về nhà, đốt cây đèn cầy lên cắm vào đèn con thỏ, cho cu Út và Hưng còi rước đi chơi giống như những đứa trẻ kia.


*

Trong khi đó ở căn nhà cuối con hẻm, Hưng Còi và cu Út không còn đủ kiên nhẫn đợi chị chúng nó nữa. Bóng tối rơi xuống thật nhanh, trong ngôi nhà với tiếng muỗi vo ve khắp nơi. Hưng Còi liên tưởng tới những hình ảnh ma quái rùng rợn.

Hưng Còi cố gắng giữ đúng lời hứa với chị Ái của nó là không bước ra khỏi cửa cho tới lúc chị về.

Nhưng Hưng Còi không thể chờ đợi lâu hơn, nó bắt đầu cảm thấy bồn chồn và cùng với bóng tối, nỗi lo sợ vu vơ ngập tràn chung quanh nó. Sau một giấc ngủ trưa khá dài, cu Út đã đói bụng. Nó bắt đầu ê a khóc đòi chị. Bằng mọi cách Hưng Còi cũng không thể dỗ dành được cu Út nữa. Dỗ dành cái gì bây giờ khi mà cu Út bảo nó chẳng cần đèn, chẳng cần bánh gì hết, nó chỉ đòi làm sao đem chị Ái về cho nó mà thôi.

Trước tình cảnh như vậy, Hưng Còi không còn cách nào khác hơn là dẫn em ra đứng ngoài cửa chờ chị về. Lúc đầu hai anh em còn đứng ngay ngoài cửa, tựa lưng vào vách nhà. Xong hai đứa đứng mãi như vậy cũng có tới cả tiếng mà vẫn không thấy bóng dáng chị Ái đâu, cu Út lại bắt đầu ê a mếu máo.

Hưng Còi lại đành phải dẫn em bước ra xa khỏi cửa nhà một chút. Cứ như thế, cho đến khi Hưng Còi đưa em nó ra đứng cạnh bác Bảy Sẹo đang thả cần câu nơi sát bờ lạch.

Đứng xem bác Bảy Sẹo câu cá, Hưng Còi và cu Út cũng quên được cái sốt ruột trông đợi chị Ái. Lâu lâu, những con cá được bác Bảy Sẹo giựt lên khỏi mặt nước làm cho cu Út và Hưng Còi khoái trá. Nhóc tỳ Hưng reo lên cứ y như là chính cu cậu giựt được con cá đó không bằng. Cu Út cũng hả hê lắm. Lúc đầu nó còn đứng xa xa, sau nó mon men lại gần bác Bảy Sẹo. Nó hỏi chuyện bác Bảy. Bác Bảy làm sao mà nghe ra được tiếng cu Út. Bởi thế cho nên Hưng Còi lại phải đóng vao thông dịch viên một cách bất đắc dĩ.

Có anh em Hưng Còi đứng sát bên xe, bác Bảy Sẹo hình như cũng có vẻ hào hứng hơn. Bác không ngớt lời giảng giải cho chúng nó nghe về cách câu cá, cách mắc miếng mồi làm sao cho chắc, cách giựt thế nào cho khéo để khỏi sứt miệng con cá. Cả cách đoán con nước ra sao để có thể biết rằng chỗ nào có cá, chỗ nào không. Bác Bảy cũng nói cho hai anh em Hưng Còi nghe về những sủi tăm trên mặt nước tăm nào là do bùn đọng lâu ngày sủi lên.

Không hiểu Hưng Còi có ghi nhận được gì không, những lời giảng giải của bác Bảy, nhưng nó cứ gật đầu lia lịa. Nó lại còn bày đặt hỏi thăm líu lo về tất cả những chuyện liên quan tới việc câu cá nữa.

Hai anh em Hưng Còi đứng xem cho tới lúc vầng trăng đã lên ở phía cánh đồng xa vẫn chưa thấy chị Ái chúng nó trở về.

Đứng mãi cũng mỏi chân, Hưng Còi bảo em ngồi xuống. Cu Út được phép anh cho ngồi xuống, thì lấy làm khoái lắm. Nó quên lãng đi cái chuyện đói bụng của mình.

Cu Út thò một chân xuống nước khua khoắng. Ánh trăng trải trên mặt nước bị bàn chân tí tẹp của cu Út khua động lao xao, tan ra hợp lại long lanh như những thỏi bạc lúc lùa xa, lúc dạt gần.

Hưng Còi đang chăm chú theo dõi dây câu của bác Bảy Sẹo vừa bị kéo căng ra, chắc có một chú cá nào đó đã ngậm mồi vào miệng nó, thì nó nghe cu Út reo lên:

-A... A... anh... ưng... ơi... ái ... ì ...kìa...

Hưng Còi chỉ kịp nhìn theo ngón tay chỉ của cu Út thì thằng nhỏ đã ngã nhào xuống nước.

Hưng Còi chỉ kịp kêu lên thất thanh:

-Cứu em tôi... cứu em tôi với... cu Út đã chìm nghỉm dưới nước.

Bác Bảy Sẹo hành động rất nhanh. Trong chớp mắt bác đã vớt được cu Út lên khỏi mặt nước, nhưng lối xóm nghe tiếng tru tréo của Hưng Còi, đã kéo nhau ùa túa ra chỗ Hưng Còi.

Nhiều tiếng nói lao xao, nhiều tiếng thét tiếng kêu khác nổi lên ở chung quanh Hưng Còi.

-Có sao không? Có sao không?

-Đi báo cho mẹ nó biết.

-Báo cho mẹ nó biết...

Bác Bảy đem cu Út lên bờ, bác đặt nó nằm thẳng cẳng trên đất.

Thằng nhỏ nhợt nhạt, và nằm im thin thít như đã chết rồi. Hưng Còi trân trối nhìn em, nó không thể nói được một tiếng nào hết, và nó cũng không khóc được nữa. Mặt nó cũng tái nhợt như da thịt em nó.

Người người xúm lại. Những chai dầu nóng liên tiếp được trút lên người cu Út, quần áo cu Út được cởi hết ra, cu Út nằm mê man, trần truồng như một con nhộng.

Đám đông mỗi giây phút đông hơn. Những tiếng nói lao xao cũng nhiều hơn.

Một người nào đó nói:

-Không sao. Không sao hết, tim còn đập. Chắc nó sợ quá nên bất tỉnh đó thôi. Mới uống có một tí nước ăn thua gì.

Một giọng nói nào đó lại nói:

-Thôi, đem nó vào nhà. Đem nó vào nhà đi. Giờ này lỡ nó trúng gió nữa là nó đi luôn đó.

Nhiều tiếng nói khác lại nổi lên, phụ họa theo:

-Phải rồi. Đem ngay nó vào nhà đi, không khéo nó chết vì gió máy đó.

Một người cúi xuống, luồn tay dưới lưng cu Út và một tay nắm gọn hai chân vừa định nhấc bổng thằng nhỏ lên, thì một tiếng nói khác lại nổi lên, khiến người này ngừng tay lại.

-A! Mẹ nó về rồi kìa! Mẹ nó về rồi kìa!

Đám đông bu quanh anh em Hưng Còi dạt ra để chừa thành một lối đi nhỏ. Hưng Còi chưa nhìn thấy mẹ nó nhưng nó đã nghe tiếng kêu gào khóc lóc từ đằng xa.

-Trời ơi! Con tôi. Con tôi chết rồi sao? Trời ơi! Sao trời nỡ hại tôi như thế này! Tôi có làm gì ác độc đâu… Hu… Hu… Mới giết chồng tôi xong giờ lại giết con tôi nữa, làm sao tôi sống được hở trời!...

Khi tiếng kêu khóc đến gần, Hưng Còi vừa ngước lên thì nó chỉ kịp thấy mẹ nó lao tới nhanh như một cánh lụa đen, xà xuống ôm lấy cu Út và chạy ào vào trong nhà.

Đám đông rảo cẳng bước theo. Tiếng ồn ào vẫn còn nhưng giờ đây lại xen lẫn với tiếng kêu khóc thảm thiết của mẹ Hưng Còi.


*

Mới đi về được nửa đường, con Ái đã nghe tiếng xầm xì nhỏ to; “Có một thằng nhỏ chết đuối…” “Có một thằng nhỏ chết đuối…” Chẳng hiểu sao linh tính báo cho con Ái biết rằng điềm gở đang chờ đợi nó ở nhà. Con Ái hoảng hốt cắm đầu chạy. Nó vừa giữ chặt cái đèn con thỏ trong tay, nó ôm sát cái bánh dẻo và hộp đèn cầy vào ngực. Nó không còn biết trời trăng gì nữa hết. Nó cũng không đủ bình tĩnh dừng lại để hỏi thăm cho rõ ràng xem đứa nhỏ đó là đứa nhỏ nào? Con nhà ai?

Con Ái cứ cắm đầu chạy. Nó chạy miết gạt người ra mà chạy. Vấp ngã, nó lại đứng lên rồi chạy nữa, nó không còn biết đau đớn là gì. Trong óc nó, hình ảnh thằng cu Út chết đuối dập dình đuổi theo bước chân nó.

Khi còn cách nhà khoảng hai chục bước, nhờ ánh trăng rằm sáng vằng vặc, con Ái nhìn thấy đám đông lố nhố trước cửa nhà. Nó hiểu ngay rằng chuyện gì đã xảy ra. Nó không chạy nổi nữa. Tay chân nó rụng rời, nước mắt nó tuôn chảy.

Con Ái ngã quỵ xuống. Thân nó đè lên cái đèn con thỏ, chiếc bánh dẻo và hộp đèn cầy văng ra, lăn đi mấy vòng trước khi rơi vào một vũng nước.

Vầng trăng ở trên cao như bỗng nhiên lu mờ đi. Ở đâu đó, có thể là từ chiếc máy phóng thanh nào, điệu hát quen thuộc lại nổi lên:


Tết TrungThu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em hát ca dưới ánh trăng rằm…


DU TỬ LÊ

Mùa Trung Thu 71









Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 6292)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 18536)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4946)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 4144)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 5289)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3126)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21445)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16141)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17802)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10500)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19033)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5309)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1994)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2610)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2382)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23710)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20153)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8990)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10086)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9360)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12548)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31996)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21639)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26804)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24201)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23010)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21149)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20291)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17800)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16858)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26115)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33397)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35682)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,