Tác giả Trần Thế Phong vừa cho phát hành tập truyện Bên Đời. Sách gồm 13 truyện ngắn, đó là những hồi ức về những ngày xa xưa của tác giả. Những ngày còn ở một vùng quê ở miền trung khô cằn, được gọi tên là Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam, và một ngôi trường trung học tên Trần Cao Vân. Tất cả những hình ảnh đó đã đi sâu vào tâm thức để tác giả có thể viết nên những truyện ngắn nhẹ nhàng, dễ thương.
Vào đầu sách tác giả đã ghi "Lời Thưa" như sau:
Để lấp những thời gian trống vắng mênh mông trên xứ người, tôi ngồi tôi viết. Viết những chuyện trải qua trong cuộc đời. Nhiều lắm.
Viết là chạm đến quá khứ và hiện tại. Chạm đến quá khứ sao thấy ngậm ngùi. Quá khứ của tôi, buồn nhiều hơn vui. Bởi trên hai mươi năm chiến tranh điêu tàn - lưu lạc xứ người…Hiện tại tình yêu thương cũng dần dần nhạt phai…
Có những lúc nhớ như in, tôi viết rất thực. Có lúc quên quên, nhớ nhớ, tôi hư cấu, thêm mắm, thêm muối để cho mặn, lạc, ngọt, bùi, thành một câu chuyện.
Như vậy trong Lời Thưa, Trần Thế Phong chỉ nói viết để lấp đi những khoảng trống mênh mông nơi xứ người chứ ông không phải là nhà văn, điều đó cũng là một điều hay. Chúng ta thử đi tiếp xem những truyện ngắn của Trần Thế Phong được viết ra sao?
Truyện đầu tiên là Vệt Gạch. Truyện viết về câu chuyện ngày tác giả từ Mỹ về thăm nhà nơi quê có tên Quán Rường. Căn nhà có cái cổng ra vào được xây bằng gạch, từ xưa của ông nội để lại. Dù qua chiến tranh, các cổng ngõ của những người giàu có trong làng đã bị đạn, xe tăng, thiết giáp tràn qua, ủi sập hết. Chỉ có cổng nhà của Phụng, tên nhân vật, là vẫn còn nguyên. Cái cổng ngõ này là một kỷ niệm rất sâu với Phụng trong những ngày thơ ấu. Chàng lại nhớ tình cảm thời thơ ấu, ngày chưa biết yêu, hay chỉ mới có những rung động đầu đời. Nàng là cô học trò cùng quê, thường hay đến nhà chơi với Phụng... Và khi cô bé ra về, Phụng thường tiễn nàng ra đến cổng.
Và:
"Không nhớ ai đề nghị, nàng đứng sát vào vách cổng. Phụng đo từ đỉnh đầu nàng vào vách tường. Gạch thật mạnh. Sâu. Tới phiên Phụng đứng sát vào. Nàng chỉ làm dấu. Tay con gái yếu làm sao mà gạch được. Phụng gạch. Gạch thật mạnh. Những tiếng cười hồn nhiên... Những ánh mắt say đắm nhìn nhau... Và cứ thế 3 năm liền những ngày tháng thanh bình của miền Nam. Hàng bên trái mỗi năm nhích hơn một chút. Con gái mau lớn mà. Ba năm qua nhanh quá. Kéo tuổi thơ chạy thườn thượt. Chạy hụt hơi..."
Bây giờ chàng về lại, đã hơn năm mươi năm qua, tìm ghé thăm cô bạn học trò, nhưng nàng không có ở nhà, tiếng người hàng xóm vọng ra: Cô giáo đã đi ba ngày rồi. Đi cầu an cho gia đình Phật tử.
Phụng buồn bã, nên đi lần ra cổng thì "Phụng sững sờ. Một vệt gạch mới ở phía bên trái hiện ra. Có phải là mơ hay thực. Chắc chỉ mới ngày hôm qua hay ngày hôm kia. Phụng chùng xuống, nhói cả tấm lòng."
Chuyện chỉ có vậy, rất nhẹ nhàng, sâu lắng, chỉ là một kỷ niệm ngày xưa còn bé mà thôi.
Rồi những truyện như "Chích Con Bồng" cũng vậy, cũng là những kỷ niệm nhỏ của tác giả. Trong gia đình, có 3 anh chị em. Người chị hay cắp đôi tác giả với cô gái tên Bích hàng xóm, và cứ mỗi lần như vậy chàng mắc cở đỏ mặt lên. Người chị thường "cắp đôi" và gọi chàng Chích Con Bồng nói lái lại là Chồng Con Bích.
Cũng là một câu chuyện tuổi thơ dễ thương được viết với văn phong nhẹ nhàng.
Truyện "Cây thầu đâu" là một truyện cảm động.
Vào đầu tác giả viết:
"Cây thầu đâu của nhà tôi, trước sân, gần cổng đi vào không biết trồng từ lúc nào. Khi tôi lên mười tuổi thì thân cây to hơn một vòng tay ôm của người lớn, chiều cao gần mười lăm mét. Cây thầu đâu đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được.
Quê tôi Quáng Nam gọi là cây thầu đâu. Danh từ thầu đâu tôi không biết giải nghĩa như thế nào. Tôi có hỏi nhiều người nhưng không ai biết, người xưa gọi người nay gọi theo, thành ra chết tên luôn
Người miền Bắc gọi cây sầu đông, hay cây soan (hoa soan bên thềm cũ - Tuấn Khanh).
Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn có bốn câu thơ về hoa sầu đông:
Hoa sầu đông vươn đầy vai đầy tóc
Áo mùa thu bay chợt thức bơ vơ
Mình tôi về qua lối nhỏ hoang sơ
Hồn buồn đường Catina chiều chủ nhật
Danh từ cây sầu đông dể hiểu vì đến mùa thu lá chuyển màu vàng và mùa đông rụng hết lá, còn trơ trụi những cành nên gọi là sầu đông. Mùa đông của miền trung, miền bắc mưa sụt sùi ba bốn tháng, có lúc mưa liên tiếp hai ba ngày, trời mưa ngồi trong nhà nhìn ra cây thầu đâu rụng hết lá trơ cành buồn kinh khủng."
Theo chuyện kể, cây thầu đâu, theo ý của người mẹ:
"Mẹ nghĩ kỹ rồi, trước nhà mình còn lại cây thầu đâu đã lâu đời và to lớn, mẹ nghĩ nếu một ngày mẹ trăm tuổi già sẽ cưa cây thầu đâu, đoạn sát gốc đóng được một bộ áo quan, còn phần trên bán lấy tiền chi phí để lo ma chay. Nhưng mẹ thấy còn khỏe mạnh nên mẹ tính bán cây thầu đâu lấy tiền mua thực phẩm, hai mẹ con mình đi thăm nuôi thằng em con. Lâu quá mẹ không gặp nó mẹ nhớ quá. Con đã về rồi mẹ bớt phần lo. Thằng út còn đang ở tù đói khát khổ cực mẹ nhớ thương quá."
Và như vậy, cây thầu đâu được bán cho một người cán bộ đi tập kết về lắm tiền nhiều bạc, giá 3000 đồng Việt Nam thời đó, được chia ra làm hai, một nửa để cho người mẹ lo cho cuộc sống, một nửa sắm sửa đồ ăn, mua lương thực đi thăm người em đang bị tù ở trại Xuân Phước. Sau đó là chuyến đi thăm nuôi với một đoạn đường dài gần 500 cây số, bằng phương tiện xe lửa. Vì đi tàu chợ nên khổ cực trăm bề.
Câu chuyện khá cảm động.
Những truyện khác là những chuyện tình, truyện nào cũng nói lên tình cảm của tác giả luôn luôn thương nhớ về quê hương đất nước, một miền quê nơi mình đã sinh ra và lớn lên suốt thời niên thiếu (Chùm bạn tuổi thơ), hay với những người bạn trong thời gian đi lính (Tình bạn và đời lính). Và đáng nhớ nhất là quê hương Quảng Nam (Những người đồng hương, Quán Quảng Nam ở Gò Vấp).
Như vậy tình cảm của tác giả luôn luôn đau đáu hoài niệm về một quê hương: một Quán Rường, một Tam Kỳ, một Quảng Nam hay nói chung là một Việt Nam trong tâm tưởng, khiến tác giả thốt lên, như Vita, trong Mây Ngàn:
"Ôi quê hương! tiếng quê hương như nhắc chàng trong những bước sinh ly, những kỷ niệm thiết tha âu yếm chàng không làm sao quên được…"
Còn lại là những truyện ngắn (không phải lối kể chuyện) như Mùi Tình, Bên Đời, Thục Đi Lấy Chồng, Bằng Lăng...cũng là những truyện ngắn hay, đáng đọc.
Như đã nói trên, Trần Thế Phong đã ghi: Để lấp những thời gian trống vắng mênh mông trên xứ người, tôi ngồi tôi viết.Như vậy, ông viết là để lấp thời gian trống nơi xứ người, chứ không phải là muốn trở thành nhà văn. Nhưng qua tập truyện Bên Đời, nhà xuất bản Bạn Văn Nghệ vừa phát hành năm 2021, tác giả đã khẳng định mình có thể vững vàng bước tiếp trên con đường văn chương.
Dù thuở còn là học trò, rồi sinh viên, rồi bị động viên đi lính, Trần Thế Phong cũng có làm thơ, viết truyện, trao đổi nhau qua bạn bè cùng lớp, cho đó cũng là món ăn tinh thần, qua những tháng ngày học hành khổ cực. Thế thôi, chứ ông không đeo đẳng một sự nghiệp văn chương lớn lao gì. Rồi theo giòng đời nổi trôi, qua những chặng đường khổ nhọc vì tù tội khổ sai, đến khi qua được nước Mỹ thì tuổi đời đã lớn, và với nổi buồn của kẻ tha hương, Trần Thế Phong tập viết văn.
Đọc qua những những trang văn của Trần Thế Phong, rất ung dung tự tại. Ông không viết bằng lòng hận thù, mà viết với tình cảm chan hòa với cuộc sống.
Chúc mừng Trần Thế Phong đã có một tác phẩm đáng đọc.
Vài nét về Trần Thế Phong:
- Sinh tại: Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam.
- Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Binh chủng Truyền tin.
- Định cư tại Mỹ năm 1995. Theo diện HO.
- Từ năm 1995-2016 cư ngụ tại thành phố Renton, tiểu bang Washington.
- Từ năm 2017 chuyển về thành phố Anaheim, tiểu bang CA.
- Sáng lập và Chủ biên: Đặc San Đất Quảng/Hội Đồng Hương/Quảng Nam Đà Nẵng/Tiểu Bang WA, từ năm 1996-2008.
- Thơ, Văn đăng trên các báo:
- Các Đặc San Quảng Nam Đà Nẵng, Người Việt Tây Bắc, Khởi Hành, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Văn Học Việt.
- Các Web site Văn Học: Bạn Văn Nghệ, Thư Viện Sáng Tạo, Trang Nhà Du Tử Lê, Hồn Việt...