Họa sĩ Lê Thánh Thư, 65 tuổi, qua đời tại nhà ở quận Tân Bình, sau khi có kết quả test nhanh dương tính với nCoV, sáng 16/7.
Chị Lê Chân Phương - con gái cố họa sĩ - cho biết linh cữu ông được nhà quàn và cơ quan y tế địa phương đưa đi hỏa táng trưa cùng ngày. Hôm 14/7, ông có kết quả test nhanh dương tính với nCoV. Ông được cách ly tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm khẳng định RT- PCR. Theo gia đình, ông không có bệnh lý nền, vài hôm trước ngày làm test nhanh, ông mắc mưa nên có triệu chứng như cảm.
30 năm vào nghề, Lê Thánh Thư ghi dấu như là một trong những hiện tượng độc đáo của làng hội họa TP HCM. Nhà phê bình người Hà Lan Helène H từng đánh giá: "Những tác phẩm của Lê Thánh Thư phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn đầu của chính sách mở cửa và không gian sống của con người trong sự phát triển đô thị". Nhà sưu tập người Nhật Yukio Ogushi cho rằng phong cách vẽ của ông luôn biến hóa, mang đến cảm xúc bất ngờ cho người xem qua từng tác phẩm. Bên cạnh hội họa, ông còn được biết như một nhà thơ. 17 tuổi, ông có tác phẩm đăng trên các tạp chí văn nghệ nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975.
Nhiều bạn văn, đồng nghiệp thương tiếc khi nghe tin Lê Thánh Thư đột ngột qua đời. Nhà văn Trần Tử Văn viết dòng tiễn biệt: "Cuối cùng rồi, bạn đã đi xa/ Dịch Covid không chừa ai cả/ Cuộc ra đi không lời từ giã/ Đau xé lòng, tàu mất sân ga/ Tranh của bạn như con thuyền lạ/ Đưa ta vào giấc mộng xa hoa/ Ký ức bây giờ như chiếc lá/ Bay lưng trời, vào chốn hư vô."
Tác giả Lê Minh Quốc thân với đàn anh từ lúc họa sĩ mới bắt đầu làm thơ. Sau đó, Lê Thánh Thư bước chân vào nghề vẽ và thành công với loạt giải thưởng. Điều khiến anh ấn tượng là khi nổi tiếng, ông vẫn giữ cách làm việc đầy kỷ luật cùng thái độ khiêm nhường. Có thời gian, anh nhờ họa sĩ vẽ tranh minh họa cho mục truyện ngắn đăng trên tờ báo anh phụ trách. Ông sáng tác kỹ lưỡng, sơn màu trên giấy cứng và gửi cho báo đúng kỳ hạn. Cả hai gặp nhau lần cuối ở một triển lãm năm ngoái, ông hồ hởi chia sẻ với Lê Minh Quốc nhiều ý tưởng sáng tác tranh.
Nén xúc động, họa sĩ Châu Giang cho biết chị quen biết đàn anh qua một số sự kiện hội họa, gần đây mới kết nối liên lạc trở lại qua Facebook. Chị thường vào trang cá nhân của ông để xem tranh. Chị nói: "Khi nhìn tranh Lê Thánh Thư, tôi nhận ra những khoảng lặng - có thể do cuộc đời họa sĩ nhiều biến động. Tranh của Lê Thánh Thư chính là những bài thơ không lời mang vẻ đẹp vô tận của nỗi buồn, nhưng chỉ man mác, không tù đọng hay cô đặc. Nó cho thấy một thứ tình cảm trong trẻo và thuần khiết anh phủ trên những giằng xé nội tâm phức tạp của bản thân và xã hội đương đại chúng ta."
Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn, Bình Định, là con trai trưởng trong gia đình thuần nông, có năm anh chị em. Năm 12 tuổi, ông được gửi vào trường dòng tại Quy Nhơn, sau đó vào TP HCM học tập, sinh sống đến nay.
Từ năm 1982, Lê Thánh Thư bắt đầu tự học vẽ. Ông cho rằng ngôn ngữ chữ viết nhiều khi không chuyển tải hết những biểu cảm cần diễn đạt. Với ông, hội họa khơi nguồn niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật nhiều hơn. Năm 1987, thời điểm khởi đầu con đường hội họa, ông sống trong một căn gác thuê chỉ hai mét vuông. Ông từng nói: "Nơi đó, tôi sống như một tù nhân với màu sắc, không tiền bạc, không nghề nghiệp, chỉ có vẽ và vẽ trong đơn độc. Đấy là thời kỳ tôi sống tận đáy của cuộc đời".
Đặc trưng ở phong cách hội họa của Lê Thánh Thư là việc sử dụng đen, trắng, đỏ làm ba màu chủ đạo trong tranh. Thỉnh thoảng, ông mới dùng một mảng màu lớn, còn lại thường dùng màu dưới dạng đơn sắc và kỹ thuật điểm họa (pointillism). Lê Thánh Thư tự nhận là một thi sĩ làm hội họa. Vì thế, ông quan tâm nhiều đến cấu trúc được tạo thành bởi sự lặp lại các yếu tố đơn giản và tạo dựng nên các nhịp điệu trong bố cục bức tranh. Nhiều tranh sơn dầu của ông có tính tượng trưng, thường dùng màu đơn sắc, độ dày mỏng khác nhau.
Năm 1989, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên tại TP HCM, tiếp đó là chín cuộc triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm nhóm trong nước lẫn nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Nhật, Australia, Mỹ, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ... Ông giành được nhiều giải thưởng về hội họa trong nước và quốc tế như giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam, Phillip Morris (năm 1996), giải thưởng Mỹ thuật Asean (năm 1998), giải thưởng Morris (năm 1998), giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001 - 2005. Tranh của Lê Thánh Thư được trưng bày trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore. (Nguồn VN Express)
"Làm con dân một nước có đặc điểm địa lý đất dài tới đâu biển ôm theo tới đấy cùng với hàng nghìn đảo lớn nhỏ mà chưa nghĩ suy, chưa hiểu thấu, chưa làm gì vì tình trạng biển đảo của đất nước là có tội"
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.