Ai đó từng nói rằng: “Cuối cùng, thì cái mà chúng ta nhớ nhất, không phải là con người, mà là kỷ niệm.” Thế nên, có lẽ điều đáng sợ nhất mà con người phải đối diện, đó là dần dần mất đi trí nhớ. Mất trí nhớ, là mất kỷ niệm, là ký ức bị tan dần theo ngày tháng. Mà xót xa hơn nữa, là với người ở lại, nhớ về một người, vốn đã mất ký ức và đã đi xa, rất xa.
Ông là một nhà thơ, một nhà văn, một nhạc sĩ, người đã mang đến cho thế hệ thính giả Sài Gòn gần 50 năm trước một cách nghe nhạc hoàn toàn mới lạ trên đài phát thanh với chương trình “Nhạc chủ đề.” Ông là Nguyễn Đình Toàn, người mà cố thi sĩ Du Tử Lê từng gọi là “Người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam.
Ông đẹp trai, tài hoa, đa tình. Những ngày tháng đó, cứ mỗi tối Thứ Năm, trên đài phát thanh Sài Gòn, tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn lại vang lên, ru người nghe vào những ca khúc trữ tình bằng lời nói ngọt ngào, tình tứ về những cuộc tình được ươm mầm, sinh ra, lớn lên, rồi… chết. Chết trong bất tử, trên chính mảnh đất quê hương. Ai lại không mềm lòng, ngây ngất với những lời tha thiết, thơm nồng hương hoa đồng nội:
“… Tình chúng ta bắt đầu như mùa thu trở lại. Khi những chùm hoa thạch thảo ngát hương trên lối đi quen. Mùa thu bắt đầu trên dòng sông bát ngát. Mùa thu nhuộm vàng những cánh rừng. Mùa thu phơi áo mơ phai, chiều võ vàng với xác hoa trên hình bướm…” (Lời giới thiệu trong chương trình ‘Nhạc chủ đề’ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn do chính ông diễn đọc).
“‘Bồ’ của ông hả? Nhiều vô số kể!” Chị Phượng Uyên cười giòn khi nói về cái số đào hoa của bố mình. Nhưng với mẹ chị, ông là mối tình đầu và cũng là tình cuối.
Cả cuộc đời của bà dành hết cho ông, cho con, cho sự nghiệp sáng tác của ông. Năm tháng ông bị tù đày, bà đón hai, ba chuyến xe đò, xe lam để vào thăm ông. Thời đó, rất nhiều người phải đi thăm thân nhân ở các trại tù cải tạo. Mà để vào được trại Bố Lá, nơi ông bị giam, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe duy nhất. Một tay bà giữ chặt cái giỏ đựng thức ăn chuẩn bị cho ông, một tay bám chặt thành xe trên chiếc xe lam luôn chật kín người, bà thậm chí có lúc chỉ còn có thể trụ tạm một chân ở phía đuôi xe. Cứ thế mà gồng mình cho hết đoạn đường.
Bà là chỗ dựa vững chắc cho ông từ ngày trở thành ‘bà Nguyễn Đình Toàn’. Bà chu toàn trong ngoài của cuộc sống để ông thoả sức vẫy vùng trong cõi nhạc thơ. Ở nhà, xe hư cũng bà, bóng đèn hư cũng bà… Bà hy sinh tất cả để người nhạc sĩ của bà sống trọn với đam mê sáng tác.
Rồi, bà ngã bệnh, căn bệnh lấy đi kỷ niệm, chia lìa ký ức của con người với nhau. Thật ra, bà đã bệnh hơn 20 năm, từ khi còn ở Việt Nam. Cái quên (thường xuyên) của bà đôi khi làm cho ông phải cằn nhằn. Những lúc đó, bà chỉ ngập ngừng, “em đâu có muốn quên đâu?”
Bệnh quên quên nhớ nhớ của bà càng trở nặng khi ông bà đặt chân đến Mỹ. Câu nói “Chào cô” bà dành cho con gái của mình trong một ngày gặp mặt vào năm 2012 là dấu mốc bắt đầu cho chuỗi ngày dài bà bước vào đời sống vô tư lự. Nhìn người con trai của mình đang đứng trước mặt, bà ngước nhìn bằng đôi mắt lạ lẫm, rồi nói: “Sao thằng này giống con mình quá vậy?”
Từ đó, bà trở thành “đứa trẻ” hồn nhiên trong những tháng ngày đầy ắp những ký ức chắp nối rời rạc nhiều mảnh ghép quá khứ. Hình như bà vẫn cảm nhận được sự quên nhớ vô vọng của mình, hoặc cũng vì bà không còn nhận ra một người thân quen nào nữa, nên mỗi khi có khách đến thăm nhà, bà lặng lẽ ẩn mình không xuất hiện.
Nhưng bà quên gì thì quên, bà không bao giờ quên nhạc Nguyễn Đình Toàn. Có những ngày vui, bà luôn miệng huýt sáo những bài nhạc của ông. Âm thanh vang lên từ trong tiềm thức của bà. Đó là một khung trời riêng của bà mà không sức mạnh bệnh tật nào có thể bước vào, chiếm đoạt.
Từ ngày biết căn bệnh của bà trở nặng, ông không cằn nhằn như khi còn ở Việt Nam nữa. Từ chỗ trú riêng cho mình một cõi nhạc thơ, ông bước vào việc gánh vác tất cả chuyện trong nhà, một cách rất tự nhiên. Ông từ chối những cuộc gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê bằng câu nói: “Thôi, đến nhà anh pha cho uống. Anh không bỏ chị ở nhà được.”
Ngày xưa, khi ông bước đến bàn ăn, cơm canh nóng đã có sẵn do bà chuẩn bị. Ngày nay, ông xới chén cơm cho bà, để bên cạnh tấm khăn giấy, đôi đũa, ly nước, và cả cây tăm, rồi đưa bà ngồi vào ghế. Ông ngồi bên cạnh, dùng cơm và nói với bà đủ chuyện, không cần biết bà có nghe, có hiểu hay không.
Đêm nhạc chủ đề “Một ngày sau chiến tranh” vinh danh dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn diễn ra tại Westminster, California ngày 13 Tháng Tư năm 2019, không thể thiếu hình bóng của người phụ nữ đời ông. Bà lặng lẽ, vô hồn ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh ông. Có thể bà không hiểu vì sao đêm đó lại đông người như thế? Vì sao ánh đèn chói chang như thế? Và cũng không hiểu trên sân khấu kia đang nói về điều gì mà người ta vỗ tay vang rền như thế? Bà lơ đãng đưa mắt nhìn vào không gian ấy, thỉnh thoảng lại đòi về, và nói những điều gì đó chắc chỉ có bà mới hiểu. Vậy mà mỗi khi một ca khúc của ông vang lên, bà hướng về sân khấu, vẫn ánh mắt đó, nhưng sáng hơn, vui hơn.
Ngày bà ra đi trong bệnh viện, ông không hay biết. Gia đình chưa dám cho ông hay. Cho đến mãi tận chiều hôm sau, được tin, ông bình tĩnh đến lạ lùng.
Chiều hôm ấy, ông ngồi lặng lẽ trước bàn thờ chưa kịp làm di ảnh của vợ, mắt nhìn vào khoảng không với những làn khói nhang váng vất. Nhân dáng gầy gò của ông như viết lên hai chữ CÔ ĐỘC giữa không gian nhỏ còn vương đầy hơi ấm của bà.
Vì bà ra đi quá đột ngột, chưa kịp làm di ảnh, ông lục tìm được mấy tấm hình cũ: “Mẹ của con có mấy tấm hình đẹp lắm. Mẹ của con đẹp như hoa hậu.” Rồi ông bật khóc. Hình như rất hiếm khi ông khóc trong đời. Những ngày tháng tù đày khổ ải, ông không khóc. Những ngày tháng sau 1975 bị tước đi quyền tự do sáng tác của người nghệ sĩ, ông không khóc. Những ngày tháng phải viết lời nhạc, câu thơ bằng cây bút chì vụn trong ngục tù, rồi xoá nhanh, ông không khóc. Ngày bước chân xuống tàu rời quê hương, mang theo nỗi sợ hãi khôn cùng vì đối diện với sương đêm và nỗi chết, ông cũng không khóc. Ông chỉ âm thầm tự nói:
“Mai tôi đi, tôi đi vào sương đêm/ Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết/ Quê hương ta sống chia giòng vĩnh biệt/ Chảy về đâu những nước mắt đưa tin…” (Mai tôi đi – Nguyễn Đình Toàn)
Nhưng hôm nay, khi một mình đối diện mình, trong ngôi nhà không còn bà bên cạnh, ông đã khóc. Ông khóc mà không biết mình khóc, như Phạm Thái tráng sĩ từng tự hỏi lòng:
“Này Tiêu Sơn chuông chùa nào nín lặng,/ Hãy chiêu hồn cho đội mộ nàng lên./ Nàng chết rồi ư?/ Ta khóc rồi ư?” (Khúc ca Phạm Thái – Nguyễn Đình Toàn)
Cả cuộc đời, ông có việc đi đâu thì đi, gặp gỡ bạn bè bao lâu cũng được, nhưng về nhà thì phải có bà. Nếu không, ông bứt rứt, khó chịu, tựa như “người không có chỗ trú thân. Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu” – ông đã nói như thế. Giờ đây, câu nói mà ông hay nói nhất với những người con của mình là: “Bây giờ nhìn đâu cũng thấy mẹ của con.”
Hơn 20 năm qua, bà không còn có thể trò chuyện, đáp lời những câu chuyện ông kể, nhưng bà đã là một “quê hương thu nhỏ” của ông, như cách ông từng định nghĩa về tình yêu: “Tình yêu giữa người đàn ông và đàn bà, thu nhỏ là tình yêu, nhưng phóng lớn lên nó là tình hoài hương”. Ngày ông phải xuống tàu lìa bỏ quê hương, ông kể rằng “có cảm tưởng như mình đứng không vững nữa, mình chênh vênh trên một cái gì đó”, và tự nhủ: “Từ đó trở đi chắc là mình đứng không vững nữa, quả thật là như vậy.”
Rồi khi bà đi xa. Thêm một lần nữa, ông phải lìa xa “quê hương” của mình.
Gửi ý kiến của bạn