NGUYỄN NGỌC HOÀI NAM - Về Một "Khoảng Trống" Của Tự Lực Văn Đoàn

08 Tháng Giêng 202211:07 SA(Xem: 3813)
NGUYỄN NGỌC HOÀI NAM - Về Một "Khoảng Trống" Của Tự Lực Văn Đoàn

Vốn chỉ là một tay nghiệp dư hạng bét với cả việc đọc lẫn chơi sách, nên những hiểu biết của tôi về cái thế giới văn chương chữ nghĩa này hết sức lỗ chỗ, chả ra gì. Nhiều phen vào những cửa hàng sách cũ, bắt gặp những cuốn sách xưa của những tác giả lạ hoắc, chả có tên tuổi gì chắc chắn mười mươi như Nguyễn Tuân hay Vũ Trọng Phụng, bèn lạnh lùng hờ hững bỏ qua. Nhưng vài hôm sau cứ thấy bồn chồn khó chịu trong người, cất công hỏi han tìm hiểu mới biết đó là bút danh khác của những nhà văn lẫy lừng không kém trong văn học sử, vội vàng quay lại thì sách quý đã không còn, năm bảy năm trôi qua vẫn chưa từng thêm một lần xuất hiện, nỗi ân hận day dứt cứ đeo bám mãi không nguôi. Sau này có dịp lên thành phố cao nguyên đi phá tủ sách cùng một anh bạn chơi sách trẻ, trong lúc đang tần ngần do dự trước cuốn sách không nhớ tác giả chính xác là ai, anh bạn trẻ cũng đang lục lọi bên cạnh truyền khẩu quyết “giết nhầm còn hơn bỏ sót,” thế là từ đó tỉnh ngộ, chặc lưỡi, trình kém thì đành vậy! Từ cái khẩu quyết kia, tôi bắt đầu gom đại hàng về chứ nhất quyết không bỏ sót, rồi chờ có thời gian điều kiện thuận lợi mày mò tìm hiểu, riết sách báo mua về dư thừa vì trùng lặp và chả có giá trị gì cũng cả chồng cao ngất, phí tiền phí của đến xót xa. Cứ thế, mà chả hiểu sao sau bao năm đắm chìm trong thú chơi sách, cái hiểu biết lỗ chỗ chả ra gì của tôi cứ ngày một tệ hại nhếch nhác hơn! Dù thi thoảng vẫn bắt gặp những câu chuyện thú vị gợi lên bàng bạc của một thời sinh hoạt văn chương xưa cũ, như những mẫu rao vặt của thi sĩ Tản Đà nhận dịch vụ chữa văn thơ hộ để kiếm tiền bươn chải qua ngày trên tờ An Nam tạp chí, hay những tranh cãi om sòm của các cụ Nguyễn Công Hoan với Khái Hưng, Phan Khôi với Phạm Quỳnh… Một dịp “giết nhầm còn hơn bỏ sót” như vậy nơi đất Bắc, tôi tha về một xấp “Chủ nhật tuần báo” cũ mèm rách rưới, vứt trong tủ gần cả năm trời không đụng đến, vì ngoài cái biểu tượng Đời Nay và tên nhà văn Khái Hưng ngay trang đầu có gợi chút gờn gợn trong tôi về sự liên quan gì đấy của ấn phẩm này với nhóm Tự lực văn đoàn, còn lại hoàn toàn mù tịt. Nhưng cũng may, nếu không có cái thú vui giải khuây này, có lẽ kiến thức về Tự lực văn đoàn của tôi chắc cũng chỉ đến cái mức đó là tên của một gánh hát cải lương, với anh kép chính Nhất Linh và cô đào Xuân Diệu nào đó. Vừa lọ mọ mãi, vừa mặt dày hỏi tứ tung anh em bạn bè, cuối cùng cũng lờ mờ hiểu ra về tờ “Chủ nhật tuần báo” này, một “khoảng trống” còn chưa được biết đến nhiều trong sự nghiệp lẫy lừng của nhóm Tự lực văn đoàn.

ChuNhatTuanBao

Về sự nghiệp làm báo của nhóm Tự lực văn đoàn, các khảo cứu hiện nay đã khá đầy đủ và chi tiết đối với các giai đoạn báo “Phong Hoá,” báo “Ngày Nay” và “Ngày Nay kỷ nguyên mới,” hết sức dễ dàng để tra cứu từ nhiều nguồn, có thể tóm lược như sau:

- “Phong Hoá” được nhóm các nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tứ Ly (Hoàng Đạo) Nguyễn Tường Long, Việt Sinh (Thạch Lam) Nguyễn Tường Lân bắt tay vào thực hiện coi sóc từ số 14 ngày 22/9/1932. Sau khi có sự tham gia của nhà thơ Thế Lữ,  nhóm Tự lực văn đoàn ra đời, tôn chỉ hoạt động đăng trên số 87 ngày 2/3/1934. “Phong Hoá” từng bị một đợt đình bản trong 3 tháng từ số 150 ngày 24/5/1935 đế ngày 31/8/1935, nhưng đến lần thứ hai sau số 190 ra ngày 5/6/1936, “Phong Hoá” bị rút giấy phép vĩnh viễn.

- “Ngày Nay” ra mắt từ 31/1/1935. Sau khi “Phong Hoá” không còn, “Ngày Nay” trở thành tờ báo duy nhất của Tự lực văn đoàn, danh tiếng ngày một lan rộng. “Ngày Nay” cũng bị một lần đình bản từ số 206 ngày 6/4/1940 đến 11/5/1940, trước khi đóng cửa vĩnh viễn sau số cuối cùng 224 ra ngày 7/9/1940.

- “Ngày Nay kỷ nguyên mới” số 1 ra mắt vào ngày 5/5/1945, phát hành được 16 số và chấm dứt hoạt động vào ngày 18/8/1945, “Ngày Nay kỷ nguyên” mới chấm dứt hoạt động. Trong bài mở đầu “Ngày Nay sống lại” trên số 1, có nêu lại việc bốn năm trước Ngày Nay bị chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương cấm đoán.

Thực tế ngoài các ấn phẩm trên, sau khi tờ “Ngày Nay” đóng cửa, nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã cố gắng ra được thêm một tờ báo khác tiếp nối, gần như bị lãng quên, đó chính là tờ “Chủ nhật tuần báo.”

Khó có thể tìm được thông tin chính xác nào về tờ tuần báo này trong các khảo cứu hiện nay. “Thư tịch báo chí Việt Nam” của nhóm tác giả Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, do PGS.PTS. Tô Huy Rứa chủ biên, in năm 1999, cũng hoàn toàn không nhắc đến. “Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam” do Nguyễn Thành chủ biên, nhà xuất bản Văn hoá Thông tin phát hành năm 2001 có nêu: “Chủ nhật tuần báo. Hà Nội. Xuất bản hàng tuần, số 1. 19/10/1940; số cuối cùng, số 5, ngày 16/11/40. Sáng lập: Nguyễn Văn Kiên; quản lý: Trần Hữu Phụng. Toà soạn: 55 Hàng Bún. In ở nhà in riêng. 380mm x 280mm.” Tuy nhiên, với cơ sở soạn thảo cuốn thư tịch này chưa rõ ràng, một số thông tin về các ấn phẩm báo chí trước năm 1954 vẫn hay gặp sai sót, như trường hợp “Tiểu thuyến thứ bảy – bộ mới”, nên cần tra cứu thêm.

May mắn thay, cũng trong một thùng giấy chứa những thứ ve chai “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót,” chả hiểu sao lại xuất hiện cuốn  “Mục lục báo chí Việt ngữ 1865-1965,” được ấn hành nhân tuần lễ kỷ niệm 100 năm báo chí Việt ngữ, do GS. Lê Ngọc Trụ làm trưởng ban soạn thảo mục lục thư tịch, in roneo năm 1966 tại Sài Gòn, có những thông tin quý giá về tờ “Chủ nhật tuần báo” này:

“Chủ nhật tuần báo (1940). Hà Nội, tuần báo, chủ nhân: Nguyễn Văn Kiên; quản lý: Trần Hữu Phụng. Năm thứ 1, số 1. 19/10/1940; bị cấm, số 5. tháng 11/40.”

Trong “Lời nói đầu,” GS.Lê Ngọc Trụ cho biết thông tin để soạn được “Mục lục báo chí Việt ngữ 1865-1965”: “Từ 1923-1945, Phòng Nạp bản của Nha văn khố Đông Dương có xuất bản mỗi sáu tháng, một quyển tổng kê các sách và báo chí đã nạp bản; chúng tôi đã vịn theo bộ này để soạn thảo quyển mục lục”. Với cơ sở trên, thông tin tờ “Chủ nhật tuần báo” nêu trong cuốn “Mục lục báo chí Việt ngữ 1865-1965” rất đáng tin cậy.

Như vậy, chỉ sau khi tờ “Ngày Nay” đình bản hơn một tháng, nhóm Tự lực văn đoàn đã phát hành ngay số ra mắt của “Chủ nhật tuần báo” làm cơ quan ngôn luận tiếp theo trong sự nghiệp báo chí đã rất lẫy lừng của mình. Toà soạn và trị sự đặt tại số 55 Hàng Bún, cũng chính là trụ sở của Phong Hoá, Ngày Nay trước đây và nhà xuất bản, nhà in Đời Nay tại cùng thời điểm đó (nhưng lấy số 80 Quan Thánh do ngôi nhà có hai mặt phố). Địa chỉ 55 Hàng Bún cũng là trụ sở của Hội Ánh sáng, một tổ chức xã hội nhân đạo do nhóm Tự lực văn đoàn thành lập từ năm 1936, nhằm kêu gọi xây dựng cho những người dân nghèo những ngôi nhà sáng sủa, sạch sẽ hiện đại, xoá bỏ những ngôi nhà ổ chuột, tối tăm bẩn thỉu. Quản lý Trần Hữu Phụng của “Chủ nhật tuần báo” cũng là một thành viên trong Uỷ ban hành động của Hội Ánh sáng, cùng với rất nhiều các tên tuổi như Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, kiến trúc sư Võ Đức Diên, Vũ Đình Hoè, Dương Minh Châu… Trong mỗi số báo đều có thông tin quảng cáo giá báo dài hạn từ sáu tháng đến một năm, trong đó người đứng ra giao dịch nhận  và thư gởi đăng ký chính là nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long. Điều này trái với một số tư liệu cho rằng “Chủ nhật tuần báo” ra đời chỉ từ sự cố gắng của hai nhà văn Khái Hưng và Thạch Lam, mà không đề cập đến sự tham gia của các thành viên khác trong nhóm Tự Lực văn đoàn.

 “Chủ nhật tuần báo” không có tranh bìa như “Ngày Nay”, trang nhất của cả 5 số báo đều như nhau, với chữ “Chủ nhật” to màu đen, và chữ “tuần báo” màu đỏ nhỏ hơn ở hàng dưới. Góc trái trên trang nhất là logo của Đời Nay và dòng chữ “Đời Nay ấn hành.” Thông tin về số báo, toà soạn trị sự cùng tên của chủ báo, quản lý và thời gian ấn hành được trình bày khá lớn bằng chữ màu đỏ trên đầu trang. Khổ báo tương tự như “Ngày Nay”, trong đó phần tựa và thông tin như trên đã chiếm gần nửa trang nhất. Nửa trang nhất còn lại của cả 5 số báo đều là truyện ngắn, trong đó có “Sự bí mật của anh Chế” và “Cái nhà” của Khái Hưng trong 3 số đầu, số 4 và số 5 lần lượt là hai truyện ngắn “Những nỗi bực mình” của Đỗ Đức Thu và “Đôi bạn quê” của Thanh Tịnh. Các truyện ngắn này sau được in lại thành sách.

Mặc dù là ấn phẩm mới ra mắt hoàn toàn trên danh nghĩa, nhưng không có bất cứ một lời nói đầu nào từ Ban biên tập về tôn chỉ, mục đích phát hành như đa số các ấn phẩm báo chí thời đó. Ngay từ số ra mắt, đã có mục “Chủ nhật trả lời” để trả hồi đáp thư của các bạn đọc, cùng hơn 2 trang quảng cáo dày đặc trong tổng số 16 trang báo, tạo cảm giác đây là một  ấn phẩm đã có mặt từ lâu. Rõ ràng, cũng như sự ra đời của “Ngày Nay” để dự phòng cho người anh cả “Phong Hoá” bị giết chết, nhóm Tự lực văn đoàn đã có sự chuẩn bị từ trước để khai sinh đứa em “Chủ nhật tuần báo” sẵn sàng thay thế người anh “Ngày Nay” ngay sau khi bị xoá sổ chỉ hơn một tháng, không cần thiết phải có một lời ra mắt nào, và có lẽ đã có sẵn thư bạn đọc từ “Ngày Nay” chuyển sang để “Chủ nhật trả lời,” như chưa có bất trắc nào xảy ra vậy. Nhưng cuối cùng “Chủ nhật tuần báo” cũng chỉ tồn tại được 5 số.

Trong 5 số báo ngắn ngủi đó, đã tìm thấy lại biết bao câu chuyện tưởng đã bị xoá nhoà theo thời gian.

Đáng kể nhất, là truyện dài “Số phận” của nhà văn Hoàng Đạo được đăng tải dở dang trong cả 5 số báo, mà hiện nay hoàn toàn bị quên lãng, không được nhắc đến trong văn nghiệp của ông. Mỗi số báo dành kín 2 trang cho câu chuyện về ba người bạn Tuyên, Nghĩa và Thành trong một chuyến lên Lương Sơn. Số phận run rủi đã khiến nhóm bạn đi lạc vào đoàn săn bắn của vị quan Châu người Mường. Số phận lại sắp đặt tình cờ để Thành, chàng thi sĩ mơ màng gió trăng, trong một phút hoảng hốt đã trở thành tay súng liều lĩnh thiện xạ với phát súng vào ngay giữa hai mắt con hổ dữ, ngẫu nhiên trở thành khách quý trong dinh thự của vị quan Châu. Rồi số phận lại tiếp tục để chàng phải lòng nàng Ba, em của viên quan Châu, nơi núi rừng Tây Bắc…

Đó là những bài tiểu luận của Thạch Lam, trên số 2 và số 3, mà sau này được tập hợp lại in trong tập “Theo giòng” năm 1941. Trong số 5 còn có bài tuỳ bút “Giọc đường”, bàng bạc một nỗi niềm yêu thương quê hương đất nước. Tựa “Giọc đường” cũng gợi nhớ lại chuyên mục “Giọc đường” trên “Phong Hoá”, viết về những cảnh mắt thấy tai nghe. Đó cũng là những sáng tác cuối cùng xuất hiện trên báo của ông, chứ không phải là các bài viết về “Hà Nội băm sáu phố phường” trên Ngày Nay từ số 201 đến 223 như nhận định trong một số tư liệu nghiên cứu hiện nay.

Đó là các sáng tác của Khái Hưng từ truyện ngắn đến tiểu luận. Ngoài “Sự bí mật của anh Chế”, “Cái nhà”, còn có truyện ngắn “Quá khứ” trong số 5; các tiểu luận “Nhìn qua văn chương Việt Nam” trong số 1 và “Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ” trong số 4. Truyện dài “Chồng con” của Trần Tiêu, em trai Khái Hưng; và “Trại Bồ Tùng Linh” của Thế Lữ cũng được giới thiệu và đăng tải dở dang trong cả 5 số báo.

Truyện ngắn đầu tiên của đời văn Tô Hoài, “Mê gái – Truyện con gà mái ri” cũng xuất hiện ngay từ số 1. Đây cũng là truyện ngắn mở đầu cho thế giới văn chương độc đáo của ông, thế giới của loài vật, để từ đó “Dế mèn phiêu lưu ký” ra đời. Ngoài ra, còn có sự cộng tác của Bùi Hiển, Đỗ Đức Thu, Thanh Tịnh trong thể loại truyện ngắn.

Về thơ, có sự góp mặt của Huy Cận, Lộng Chương, Đại Thanh, và Phạm Đình Tân.

Thơ trào phúng của Tú Mỡ không còn, như để hạn chế tối đa sự đả kích châm biếm vốn đã gây nhiều tai họa cho “Phong Hoá” và “Ngày Nay”. Hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ cũng vắng mặt, chỉ duy nhất một lần Lý Toét xuất hiện tình cờ trong một mẩu truyện cười.

Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân với bút danh Ái Mỹ, và hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí với bút hiệu RIGT, vẫn tiếp tục coi sóc về mỹ thuật cho tờ báo như đã từng thực hiện cho “Ngày Nay” trước đây.

Sau số 5 ra ngày 16/11/1940, “Chủ nhật tuần báo” cùng chung cảnh ngộ với “Phong Hoá” và “Ngày Nay”. Nguyên nhân vì sao vẫn còn chưa sáng tỏ, biết đâu một dịp nào đó “chém nhầm hơn bỏ sót,” số phận lại run rủi sẽ có được câu trả lời. Nhưng trước mắt với việc tìm thấy đầy đủ các số “Chủ nhật tuần báo,” hy vọng sẽ lấp lại được một “khoảng trống” tuởng đã bị xoá sạch trong sự nghiệp lẫy lừng của các tên tuổi nhóm Tự Lực văn đoàn, sau hơn 80 năm đằng đẵng...

 

Sofia, 12/9/2021.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tám 202410:07 SA(Xem: 109)
Người nhạc sĩ đã gửi vào ánh sáng một tuổi thơ biết đi đứng, chạy nhảy.
21 Tháng Tám 202410:15 SA(Xem: 160)
Bài viết sau cùng của ca sĩ Quỳnh Giao
14 Tháng Tám 20245:17 CH(Xem: 128)
Đã đến lúc phải coi biên giới là một khái niệm mở, văn hóa cũng là biên giới. Mất văn hóa là mất nước.
31 Tháng Bảy 202410:07 SA(Xem: 131)
70 năm đã trôi qua kể từ cuộc thiên di vĩ đại nhất Việt Nam đương đại.
25 Tháng Bảy 20246:38 SA(Xem: 221)
Năm tôi 25 tuổi, lần đầu nhìn thấy cô Lê Thị Ý lúc ấy đã 40 tuổi ở ngôi nhà Nhật Tảo,
14 Tháng Bảy 202412:07 CH(Xem: 260)
Tôi không nghĩ thơ ca sẽ biến mất khỏi mặt địa cầu,
07 Tháng Bảy 20245:26 CH(Xem: 445)
Hiện nay ở tuổi bảy mươi, vốn sống của tôi là nỗi buồn, là sự ám ảnh của tử sinh. Nhờ thế mà rộng lượng hơn, yêu người hơn, yêu các vật nuôi trong nhà, yêu chim chóc.
30 Tháng Sáu 20245:49 CH(Xem: 997)
Đến chơi nhà một người bạn thấy trên bàn có một giỏ đài sen và một đĩa hoa ngọc lan.
25 Tháng Sáu 20245:20 CH(Xem: 796)
Không chỉ văn xuôi, mà cả những bài thơ viết về thời chiến là những trang viết hay nhất của Trần Hoài Thư.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20447)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15369)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17196)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9895)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18279)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4766)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1538)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2044)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1947)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23282)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19830)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8624)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9635)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9095)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11973)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31520)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21401)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26320)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23747)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22528)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20635)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18790)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19932)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17536)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16663)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25529)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32890)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35475)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,