NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Giới Thiệu Thơ Đinh Thị Như Thuý

27 Tháng Giêng 202210:12 SA(Xem: 5288)
NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Giới Thiệu Thơ Đinh Thị Như Thuý
Đinh Thị Như Thúy gửi cho chúng tôi những bài thơ sau đây của chị, trong đó có bài viết đã lâu, thời kỳ đầu, và những bài sau này. Thơ Đinh Thị Như Thúy là cái nhìn vừa tỉnh táo vừa say mê đối với hiện thực. Được viết bằng ngôn ngữ trong sáng, bài thơ của chị có khả năng mở rộng nhiều chiều, mời gọi sự đọc lại, nhờ vào sự tập trung và mật độ cao của năng lượng. Những bài thơ ấy suy nghĩ bằng hình ảnh, nhạc điệu và trong nhiều trường hợp, bằng câu chuyện kể của chúng. Chị viết về nhiều đề tài, kể lại chuyện đời mình, một đời sống khá riêng tư, giữa một ngoại cảnh và một tâm cảnh giàu có. Đọc chị tôi luôn nghĩ tới vùng thiên nhiên bát ngát ở Tây Nguyên, nơi có thời kỳ chị đi dạy và viết văn, và những thành phố ở miền Trung, những biển và rừng. Ngày càng nhiều những nhà thơ tiếng Việt viết về thiên nhiên và môi trường, như Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, với mối quan tâm đặc biệt về con người. Thơ chị có giọng điệu thân mật, mở ra những cửa sổ nơi người đọc nhìn thấy một phần đời riêng của chị, những suy nghĩ và câu hỏi. Những bài thơ của chị, trong đó nhiều bài là thơ xuôi đặc sắc, có nhiều điểm nhìn, chúng thật khác nhau. Nhờ có nhiều điểm nhìn, người đọc nhìn thấy nhiều khía cạnh khác nhau của hạnh phúc, mất mát, sự yếu mềm, sự đề kháng. Nhưng ở Đinh Thị Như Thúy có một điều gì thật sâu xa, bền vững, như lòng tin vào các giấc mơ, có mặt khắp nơi trong một thế giới yêu thương mà chị tạo lập nên. Thơ chị không gây ra cảm giác bất ngờ ở người đọc. Đó là một thế giới đầy nữ tính, êm dịu, lẽ phải, nguyên tắc. Chị di chuyển trong thế giới ấy, tự do, sáng láng, nhưng dường như cô độc. Sự cô độc ấy ở người khác dễ tạo ra tính cách nổi loạn, phá vỡ, căm hận và tha thứ. Ở Đinh Thị Như Thúy, những tính cách xung đột như thế được dàn xếp sớm hơn ở người khác, và đó là một thuận lợi và một khó khăn ở thơ chị. Vì thế, một người muốn nhìn vào chiều sâu của tâm hồn thơ cần phải được chuẩn bị kỹ hơn, đọc nhiều lần, và đọc trong tinh thần liên văn hóa. Thơ chị đầy nữ tính nhưng đó không phải là khuynh hướng nữ quyền. Sự dịu dàng của chị làm đầy sự vật, và thay đổi; có một cuộc chiến đấu ngấm ngầm của người phụ nữ, giữa một xã hội ngày càng hỗn loạn, một lịch sử lẫn lộn giữa sự thực và lừa dối. Không phải là không có lúc chị đóng kín các cánh cửa và giữ thái độ ẩn mật. Thơ chị là thơ bí ẩn, riêng biệt, một hạnh phúc khiêm tốn, sự vững chãi của những giá trị mà chị biết rõ và giữ gìn. Nhiều năm làm nghề dạy học, sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với thế hệ trẻ giữa rừng núi có lẽ đã ảnh hưởng đến thơ chị. Tôi muốn nhìn thấy rõ hơn các sự kiện ấy được phản ánh trong ngôn ngữ như thế nào: gia đình, hôn nhân, tang lễ, sự sinh đẻ, tình yêu đối với con cái, các vấn đề của trường học, cái chết, những rắc rối xã hội. Có lẽ chị quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần, những xung đột nội tâm, hơn là vạch ra trong thơ mình chân dung của thế giới. Tiếng nói của chị là phản ứng đối với bóng tối, tội ác, sự phá hủy môi trường. Đinh Thị Như Thúy vẫn còn viết đều, mỗi bài thơ mới của chị là một bước đi mới, một cái nhìn mới.

Khi kết thúc cuộc phỏng vấn cách đây mười năm trong loạt bài Thơ đến từ đâu, Thúy hỏi tôi: về sau này tụi mình còn dịp gặp lại nữa không anh? Tôi cười bảo rằng sẽ gặp lại nhau sớm thôi mà. Thế mà đã mười năm. Ngẫm lại, thấy chị nói đúng. Phụ nữ bao giờ cũng đúng về những chuyện như thế này. Những tưởng mười năm hóa một ngày, và ngược lại. Lần này có dịp đọc Đinh Thị Như Thúy, chúng ta sẽ cùng nhau giữ chị ở lại. Trong cõi thơ, ở đây.

Trân trọng giới thiệu.

Nguyễn Đức Tùng
Sắp Tết, Jan. 2022


Thơ Đinh Thị Như Thuý

1. Ý nghĩ ban mai

Ban mai thuộc về tôi
Con chim sẻ xù lông trên gờ tường rêu ướt
Tôi nhìn ngắm mặt trời
Hiểu niềm vui của ngày đang sống
Rã rượi xác quỳnh đêm qua vừa nở
Tôi hiểu trong đêm tôi ước mong gì
Cỏ đang hết mình xanh
Nồng nhiệt đến hết mình bao giờ cũng là cúc dại
Sự rối bời của những dây tơ hồng
Luôn làm tôi mê mải
Tôi muốn trẻ thơ mỗi mắt nhìn
Muốn trẻ thơ mọi niềm cảm xúc
Sự trong trẻo của ban mai ùa vào tôi
Những ngón sương mù buốt nhức


2. Tình yêu

Là trái tim tan ra trong một chiếc hôn dài
Là tâm tư bấn loạn, bàn tay chơ vơ
Là những ám ảnh không đầu không cuối
Về vết chai trên bàn tay
Về một lời tiên đoán
Về vẻ dò hỏi của đôi mắt đá
Trong bức phù điêu người đàn bà tóc rối
Là tự mình dựng thành giam giữ nụ cười
Là đôi môi nói lời than thở đơn côi


3. Giấc mơ dã quỳ

Dè dặt thắp lên
Táo bạo thắp lên
Thắp lên bằng tất cả những gì đang có
Thắp tràn lá xanh
Dã quỳ vàng vào nắng, vào sương vào bụi đỏ
Màu vàng nhức nhối
Dâng hiến một linh cảm bất an
Mùa xao xác
Chờ tìm về những chuyến xe qua
Chờ ánh chớp từ những mắt nhìn không nhìn
Những bàn tay không vẫy
Chờ ngàn năm, ngàn năm
Kiên nhẫn biết ngày hồi sinh, ngày khánh kiệt
Không thắm tươi không cười cợt
Rừng rực
Dã quỳ cháy và khóc


4. Và, trở về tĩnh lặng

Anh lại choán đầy tâm trí em
Như giòng suối mùa mưa bị choán đầy bởi thác ngàn lũ núi
Ơi anh
Mặt trời hoang dã đến nao lòng
Hãy lãng quên và cho em những ngày quên lãng
Em cần tĩnh lặng
Để thu xếp những ý nghĩ ngổn ngang
Như người đi xa trở về
thu xếp đồ đạc trong căn nhà bừa bộn
Em ngắm nhìn những chùm quả xám nặng đung đưa
Và nhớ về màu hoa tím cũ
Và mái tóc em đang ngày một ngắn lại
Vì không đủ sức đợi chờ
Và cả vị trí khuất lấp ấy trong cuộc đời
Dường như cũng không có thực
Và anh
Dẫu đang ở rất gần
Hãy lãng quên và cho em những ngày quên lãng
Em xin sự tĩnh lặng này
Để lẩn vào góc tối
Đắm mình trong nỗi sợ những ngày xa


5. Một vị trí buổi chiều

vui sướng vì đường về cơn mưa tràn ngập
hả hê chảy trôi
hả hê nuốt từng giọt ấm
sau buổi chiều cá mòi xếp hộp
lịch sự mim mím miệng cười
lịch sự thấm rìn rịn mồ hôi
kiên nhẫn chờ vỡ toang ánh sáng
chiều có giới hạn
thủ đoạn, xảo trá vô hạn
đêm có giới hạn
kiểu cọ, vênh váo vô hạn
biển có giới hạn
nông cạn, dốt nát vô hạn
phi lí mãi đến chẳng còn phi lí nữa
ào ạt đường về có cơn mưa
hào phóng ném muôn ngàn giọt lành
hào phóng phục sinh màu lá
ào ạt cá mòi phập phồng mang thả
những bọt khí tròn trong suốt
mơ đại dương xa xa xa
ngày mai lại quăng mình vào hộp
cưỡng bức mình một vị trí buổi chiều


6. đã có sai lầm ở đâu đó

đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được chân vào mặt đất
không làm sao thoát được cảm giác bị treo lơ lửng trong không trung
không làm sao có nổi nụ cười
không làm sao tránh được ý nghĩ ta chẳng thể mang đến dù bất cứ điều gì cho những người thân quanh ta
đã quá lâu rồi
chúng ta không làm sao chạm được tay mình vào tay những người mình yêu dấu
đã có sai lầm ở đâu đó trong chuỗi thời gian chúng ta sống
đã có điều gì đó không kịp thời
đã có cái gì đó chắn ngang đường
giá như chúng ta được lùi lại
giá như chúng ta được bắt đầu
giá như chúng ta biết mình phải làm gì
ký ức là thùng rác nhưng không phải chỉ là thùng rác
chúng ta phải bới tung lên
đã quá lâu rồi
thói bè phái kéo chúng ta đi
lòng ích kỷ kéo chúng ta đi
nỗi ươn hèn khiếp nhược kéo chúng ta đi
như cơn cuồng phong đi qua cánh đồng
kéo theo đi những bông bồ công anh khô nỏ


7. trong khu vườn cỏ dại

tắm gội bằng màu xanh cỏ cây
như tắm gội bằng những câu thơ mỗi sáng
để tôi bình an tâm
có thể dòng chảy cuộc đời tôi
chưa bao giờ cuồng loạn
nhưng tim tôi sóng ngầm luôn cuộn
vì những bông hoa dại
thầm lặng nở trên cỏ ướt
như những mảnh mặt trời
tự nguyện buộc ràng tôi vào mái nhà này
những công việc không tên
bàn tay thô ráp
đôi khi tôi ngồi nhớ
sương mây của một thuở
tôi còn là cỏ cây
ban đêm
giấc mơ tôi chao lượn
dưới những vòm xanh
sáng ra
tóc tôi thơm mùi lá
có một ngày
quẫy cựa đòi bung vỡ những hạt mầm
bỗng chốc tâm trí tôi
bỗng chốc thân xác tôi
bỗng chốc
xốp
mềm
ấm
ẩm...


8. Đơn giản chỉ là sự vắng mặt

Đã buồn trước cho những ngày chưa đến
Những chia xa đang sum họp
Những mỏi mệt đang hân hoan
Những bóng tối khuất lấp đang rực sáng
Đã nhìn thấy vết chém
Ròng ròng máu đỏ tươi trên da thịt
Như nhìn thấy bước chân người hành khất
Chậm rãi lê trên đường
*
Nắng đã ấm như ngàn hơi thở
Cây lá trong vườn mềm mại xanh
(Vườn là một phần của câu chuyện
Những vòm cây là một phần quan trọng
Những bông hoa là một phần quan trọng
Và ánh trăng
Và gió lạnh
Và sương sớm
Là những phần quan trọng khác
Run rẩy sống động làm nên)
Và tiếng hát đã cất lên
Những hoà âm vang dội suốt mùa dài
Những ngọn lửa u mê
Tung từng chùm ánh sáng
Những bướm đêm lượn vòng theo ngọn khói
Lượn vòng theo mùi hoa
Mùi lá cây
Mùi bụi đất
Lượn vòng theo một nghi lễ bí ẩn
Chưa kịp đặt tên
*
Đằng sau nhịp thở êm
Đằng sau làn da ẩm
Đằng sau mịn màng mạch máu chảy sôi
Đang âm ỉ những gì không thể thấy
Những cơn đau không còn mơ hồ
Những cơn đau cứ nhói lên nặng nề
Như một nhắc nhớ
Còn bao nhiêu việc phải làm
Còn bao nhiêu điều phải trải nghiệm
Những hoa dại mới nẩy mầm
Bài văn của con sai chính tả
Một chiếc khăn quàng cổ đan dở dang
Còn bao tâm hồn muốn sẻ chia
Còn bao cơn mưa muốn tràn ngập
Dự tính gì cho ngày mai
Trong ngôi nhà nhiều im lặng
Những đồ vật cũ ngân nga như chuông
Kể về một đời sống cũ
*
Rồi sẽ là hiện thực (không xa lắm)
Nơi kết thúc của mọi câu chuyện
(Nơi những phần quan trọng [và không quan trọng]
Rủ nhau về ngủ say trong cái chết)
Chỉ sau bức tường ảo ảnh kia
Đơn giản như là sự vắng mặt
Có một người đi xa đã quên mất khu vườn
Quên mất chiếc xích đu đang đong đưa nhịp chậm
Dưới tàn vú sữa xanh nâu


9. Trong thế giới hoảng loạn của sự mục ruỗng

Những chiếc răng dường như đang run rẩy
Chúng đã bị mài mòn đến cùng kiệt
Đã chịu đựng đau đớn và vất vả
Những mặn ngọt chua cay giòn dai nóng lạnh của thức ăn
Sự uốn lượn mơn trớn giảo hoạt của lưỡi
Cuộc nếm trải nhàm chán mỗi ngày
Những chiếc răng sứt mẻ xấu xí
Ngượng ngùng giấu mình trong vòm họng tối đen
Sự va chạm của chúng khẽ khàng như một lời xin lỗi
Hốt hoảng như một tiếng kêu cứu
Đã tưởng cứng nhọn sắc bén là tha hồ hung hãn
Những chiếc răng giờ yếu đuối biết bao


10. Nhớ gió

Ngày bất động ghim chặt thế giới vào khung tranh cũ nát
Nhớ làm sao những ngọn gió phóng túng rượt đuổi nhau qua những ngọn đồi
Những lượn cỏ ngả nghiêng đổi sắc màu đắm đuối
Có khi gió đến từ những ngón tay
Có khi quá đà làm bùng lên bão táp
*
Có rất nhiều những hân hoan dịu dàng vin nhờ vào gió
Cả những lay động mãnh liệt
Những tan hoang kinh hãi
Những oằn người chống đỡ
Những lạnh lẽo tím tái bấn loạn
Không quanh co né tránh lừa mị
Gió buộc chúng ta nhìn vào mình
Trong trạng huống trần trụi nhất
*
Ngày bất động ngồi nhìn ra khu vườn
Thấy mắt lá bất động nhìn vào khung cửa
Một không gian hẹp
Vắng bặt âm thanh
Tưởng nơi chốn cuối cùng bị lãng quên của thế giới sống
Chờ gió đến
Mang thân xác nặng nề ném vào núi


11. Với con tầu mắc cạn

Sinh ra là để đi
Để dịch chuyển tự do
Để đối mặt với bát ngát xa xăm phơi mở những chân trời sóng
Chiều nay con tầu mắc cạn chết sững sờ bãi cát
Bất lực chịu đựng bao ánh mắt
Thảng thốt giấc mơ về lại biển khơi
Chiều nay con tầu đã làm tôi buồn quá
*
Chúng đã từng bồng bềnh duyên dáng
Từng ngạo nghễ rướn tấm thân vạm vỡ
Từng rúc vang những hồi còi náo động
Những cánh tay đã vẫy chào
Những hải âu đã bay vờn
Những lượn sóng bạc đã dựng tường thành cao vút
Những sao đêm đã nhấp nháy cười
Chúng có thể tan nát nơi ghềnh đá
Có thể nhàn rỗi rũ buồn trong bến cảng già nua
Có thể chìm sâu đáy đại dương
Không một tưởng tượng nào về con tầu sừng sững cô đơn đứng chôn chân trên cát mịn
*
Sinh ra là để khát khao
Rạch trên bao la xanh những con đường bạc
Mỗi lần rời bến là một lần sáng tạo
Những lối đi những hải cảng không trùng lắp
Một chân trời khép mở một chân trời
Chiều nay con tầu kinh ngạc chết trong bất động
Kinh ngạc chết mãi không sao hiểu được
Vì sao
Đám đông hiếu kỳ ném vào con tầu cái nhìn giễu cười thương hại
Mơ hồ những dự báo đáng sợ
*
Sinh ra là để mơ
Những giấc mơ sẽ vẫn tiếp tục tràn trề biển khơi và ánh sáng
Khi những giây leo xanh xanh lạnh bắt đầu bò lan
Khi bóng tối mục ruỗng thân tầu lặng lẽ đến
Cùng những con còng lăng xăng gió


12. Những bông hoa độc

Những bông hoa chỉ ở gần đâu đây. Tôi biết. Bụi phấn của chúng làm ra cơn ho của tôi. Và mùi hương tạo nên cơn nhức đầu. Xoay tròn choáng ngợp.
Đôi tay tôi khóc. Chết bằng những ngón run. Và màu trắng bệch nhũn ra từ kẽ móng.
Đó là buổi trưa thứ bảy — một ngày tháng tư. Tiếng cánh ruồi bay ri ri che lấp gian phòng. Nhà bên có tiếng mở khoá. Những mũi tên bén ngọt bay thành hàng ngang xuyên qua tất cả. Chậm rãi và bén ngọt đi qua để lại những lỗ thủng những vết thương trong suốt.
Đừng ngạc nhiên trước lá lìa cành và những ngón tay đột ngột gãy rời.
Mềm mại. Trong suốt. Như những con sứa trên mặt đường.


13. Một công viên xây mãi không thành

Nơi đây. Những cây bạc đầu. Dâng hoa lên đầu cây. Bạc trắng. Tầng tầng lớp lớp hoa ken vào nhau. Tầng tầng lớp lớp cây nối tiếp nhau. Tháng 12 hào phóng. Tung toé sắc màu hương thơm.
Nơi đây. Đu quay chưa bao giờ quay. Vòng ghế tròn như cánh quạt của chiếc cối xay gió khổng lồ. Cô đơn. Sừng sững. Han gỉ rồi mục ruỗng. Sừng sững phô bày trọn vẹn sự cay đắng hổ thẹn và đau đớn của một sinh thể chưa sinh ra đã chết. Chưa được sống đời sống của mình.
Nơi đây. Những bãi cỏ. Những hàng tùng. Những cây hoàng hậu trổ hoa tím buồn rũ rượi. Im ắng hoang vu. Và đương nhiên buồn.
Nơi đây. Tràn đầy nỗi sợ.


14. Cái chết của những bông hoa

Những cánh hoa
Những ngón tay khép vào nhau
Nâng niu
Níu
Mùi hoa ngòn ngọt héo
Mỗi ngày qua
Chút tươi xinh còn lại dịu dàng buông
Không làm sao cầm được màu sự sống
Những cánh hoa
Những ngón tay rụt rè
Dần xếp lại
Bịn rịn
Thả trôi
Hơi thở cuối
Những thì thầm trong căn phòng thinh lặng
Những thì thầm
Những thì thầm bất tận
Những cánh hoa
Từ phương xa
Nằm xuống
Thành nấm mồ xa xứ
Sáng lên trong lạnh buốt
Đẹp và buồn


15. Nhà tù

Những đám mây trắng đôi khi trôi vào căn phòng. Đôi khi những đám mây đen. Nhưng thường xuyên hơn. Lượn lờ. Là những đám mây xám.
Đó không là một sáng tạo. Cũng không có công thức rành mạch rõ ràng. Cay đắng. Giễu cười. Đơn giản. Đó. Sự cẩu thả cợt đùa đau đớn của số phận. Những đám mây màu trắng và những đám mây màu đen trong lúc muốn thoát ra, muốn đổi chỗ cho nhau, đã va vào nhau.
Và tan vào nhau.
Và bất lực trói buộc nhau trong cõi xám xịt loay hoay chán ngắt.
...
Cho đến một ngày căn phòng sũng nước.


16. Mùa bỏ mả

ta chôn nhau
đôi nấm mộ xanh tràn
cỏ mấy mùa mưa
khô
non tơ
héo rụi
ta chia nhau
đôi người đôi nửa
tiếng chiêng từng nghe bên rẫy
tiếng khóc âm u
lũ hoa thổn thức
bầy bầy bướm cải
chết
chết
dưới vòng vòng bánh xe trôi
mỗi ngày ta mớm cho nhau
vài ngụm hận thù
đôi phần cay độc
vạn lời riết róng
dưới nấm mồ tối tăm
ta tự chuốc
ngàn ngàn thương đau
mỗi ngày mỗi siết chặt
vệt đường mòn trói quanh chỗ ta nằm
mỗi ngày mỗi vắng bặt
ngọn gió lạnh vuốt quanh chỗ ta nằm
ta nghe điên
nghe đêm
nghe đen
ta nghe ta dành dụm
nỗi quên
chờ đầy lên
đầy lên
đầy
đủ cho một mùa bỏ mả


17. Một ví dụ về vòng quay mùa hè

Những câu chuyện phiếm, giấc ngủ, bữa ăn… đã chiếm dụng thời gian ít ỏi của ngày, mùa hè thu mình như con cuốn chiếu, mỏng hơn, mỏng hơn, mỏng hơn… mỏng đến lúc bằng cọng tóc mai con gái, cọng tóc mai nấp vào củ sen nâu, củ sen nâu ngủ dưới đầm lầy mịn mát…
Mùa thu đường bệ bước ra, đẩy cánh cửa sương mù trường học, chiếm dụng những câu chuyện phiếm, giấc ngủ, bữa ăn…bằng cái vẻ dịu dàng mơ phai mà không nhân nhượng, hoà hoãn…
Thật dài sao những ngày công việc xếp hàng, đến phải ngột ngạt kêu lên hãy sống giùm thở giùm, (nhưng lại không thể không yêu ngày sống giùm thở giùm đáng sợ đó…)
Dưới kia giữa mát lạnh bùn lầy, mùa hè cọng tóc mai nằm mơ, giấc mơ có biển, có mênh mang đêm ngón tay trong tóc, có sinh nhật ngày mưa tiếng tù và vỏ ốc rúc lên u u sóng vỗ…
Giấc mơ đánh thức củ sen nâu, củ sen nâu trở mình nẩy lá, lá sen non tơ chở mùa hè đầy đặn chín mươi ngày dập dềnh mặt nước…
Ôi mùa hè! Sẽ phải làm gì đây với bữa ăn, giấc ngủ, câu chuyện phiếm cùng những chiếm dụng khác trong thời gian ít ỏi của ngày?
Mùa hè bắt đầu thu mình như con cuốn chiếu, mỏng hơn, mỏng hơn, mỏng hơn…


18. Tất thảy những khung cửa đều mở ra rờn rợn

... người ta đang ăn đến hết những con nhộng bướm
Tây Nguyên tháng tư. Những buổi trưa đất trời hanh hao nắng. Những con bướm khát nước bay tán loạn. Những con bướm — những cánh mỏng vàng nhạt — mang trên nó tất cả vẻ nhẹ nhàng, mềm mại, linh hoạt đầy quyến rũ — tràn ngập khắp nơi. Không thể quay nhìn vào đâu, né tránh vào đâu, để thoát khỏi đường bay ngổn ngang của chúng. Không gian bạt ngàn nắng gió này, cùng sự dịch chuyển của mọi thực thể trong nó dường như cũng bị chi phối bởi những nhấp nhánh — chấp chới — vút lên sà xuống — vụng về rối loạn mà chính xác đến không tưởng của những cánh mỏng trắng vàng phủ đầy bụi phấn kia.
Đó. Mùa bướm. Mùa sinh sôi nẩy nở tuôn dậy của côn trùng.
Ai đã nói về những giọt mật bướm. Về việc những con bướm đã chẳng thể làm ra một giọt mật nào — dù chúng hút hết mật ngọt của những bông hoa. Nhưng làm sao chúng ta phải cần những giọt mật bướm? Có lẽ những con bướm kia không cần làm ra mật. Bởi chúng đã làm ra cái đẹp. Ai có thể thay chúng làm ra một không gian mê hoặc với những cánh trắng vàng cuồng nhiệt - say đắm nhường kia?
*
Tây Nguyên tháng tư này. Không nhiều nữa những khung cửa mở ra rờn rợn bướm. Đúng ra khung cửa còn. Nhưng những cánh bướm đã thưa vắng. Những cánh bướm đã rờn rợn nơi nao?
Trưa nay, bọn trẻ con trong xóm mang đến cho tôi một túi nylon đầy những con nhộng bướm. Những con nhộng hình thoi thuôn dài, màu lá non, to bắng mút đũa. Chúng ngụy trang như chiếc lá nhỏ với một đường sọc dài vàng nhạt giữa thân. Những con nhộng nằm trong lớp tơ trắng mỏng. Treo sát ngọn lá muồng. Không trang bị bất cứ vũ khí nào để tự vệ. Kể cả tiếng kêu. Kể cả sự trốn chạy..
Làm sao có thể ăn những con nhộng này? Làm sao có thể: hoặc bọc lá chuối nướng — hoặc rang — hoặc xào những sinh thể bí ẩn kỳ lạ này? Những sinh thể hình thoi xấu xí đang náu mình im lặng. Thu nhận vào mình tất cả: trời xanh - nắng – gió – hương hoa - tiếng chim. Để một ngày lột xác biến thành giấc mơ. Tôi nhìn những con nhộng, tự hỏi điều gì đang xảy ra trong chúng? Trong màu lá non nhạt? Trong tư thế treo mình lửng lơ trên ngọn lá? Trong những chuyển đổi chầm chậm? Trong khô xác? Trong nhẹ tênh? Bền bỉ. Mỗi ngày. Mỗi giờ. Mỗi phút. Trong chúng chứa đựng sức sống nào? Khát vọng nào? Những vẫy gọi tự do nào?
*
Tây Nguyên. Buổi trưa. Trời hanh hao nắng. Tôi mang những con nhộng trải ra cái sàn tre đặt vào nơi yên tĩnh dưới bóng cây trong vườn.
Cần bao nhiêu thời gian? Để những con nhộng này nở thành bướm. Bay đi.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 202410:52 SA(Xem: 179)
Hạ Vi dùng lối viết lặp lại, một chữ, một nhóm chữ, nhiều lần trong một bài thơ.
12 Tháng Mười Một 20243:51 CH(Xem: 212)
Tác giả Phạm Tấn Dũng sinh năm 1961 tại Gò Nổi, làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hội Viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam.
03 Tháng Mười Một 20249:59 SA(Xem: 216)
Là một người gốc Bình Định, ngụ cư Sài Gòn. Sống bằng nghề dạy khí công, thiền… dạy thở & thở ra thơ, quờ tay ra tranh…rượu trà ra ngụ ngôn.
05 Tháng Mười 20243:56 CH(Xem: 340)
Tôi thương ông vất vả như tôi thương tất cả những ai đeo đuổi công việc sáng tác từng nếm mùi cay đắng, thất bại, khổ đau.
22 Tháng Chín 20248:53 SA(Xem: 312)
Vừa qua họa sĩ Nguyễn Đình Thuần gọi cho biết, Cung Tích Biền mới tổ chức sinh nhật thứ 88. Mừng anh tuổi cao nhưng còn khỏe. Mong anh tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm “cay” hơn.
25 Tháng Tám 20246:53 SA(Xem: 434)
Thông tin từ các bạn thơ tri kỷ, “Mắt Biếc” là tập thơ cuối đời của nhà thơ Linh Phương sau những tháng ngày phải chống chọi với căn bệnh tai biến,” đến nỗi khi được tin thi phẩm này được Hội Nhà Văn cấp phép anh đã khóc trên giường bệnh!
10 Tháng Tám 20248:59 SA(Xem: 408)
Hơn ba mươi năm trở lại đây, trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, độc giả đã quen biết bút hiệu Vương Trùng Dương, một cây bút viết nhanh, viết đều, đủ loại,
30 Tháng Bảy 20247:18 SA(Xem: 413)
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao,
18 Tháng Bảy 20246:03 CH(Xem: 472)
Vực trắng là tập thơ mới nhất của Lữ Mai gồm 54 bài thơ, được chia làm 6 phần:
02 Tháng Sáu 20245:41 CH(Xem: 791)
Chỉ trong 2 năm 2023-2024, Vũ Ngọc Giao - một cây bút nữ xứ Đà thành đã cho ra đời 4 tác phẩm,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21411)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16134)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17791)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10492)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19031)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5304)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1989)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2603)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2379)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23704)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20147)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8983)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10077)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9353)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12533)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31987)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21635)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26794)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24192)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23002)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21141)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20286)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17796)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16853)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26105)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33386)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35678)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,