Nhà thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư, từ Huế, gửi cho chúng tôi những bài thơ sau đây. Chị là một nhà thơ hiếm hoi ngay từ khi xuất hiện đã xác định cho mình lối đi riêng. Tinh thần tự do của chị, tính độc đáo (originality), một phần nào chất nữ quyền, ý thức về sinh thái, làm nên các giá trị chính yếu. Nhưng chị cũng là nhà thơ của tình yêu, của trữ tình cá nhân mạnh mẽ.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư
Cô gái không hề để ý gì về thời gian yên bình của mái tóc Cho đến khi cô nhận ra Cần phải cắt bỏ những chiếc vây cá mềm mại đang bơi trong cái chậu bằng thủy tinh Bởi chúng quá hẹp và mắc vướng Cô bắt đầu tập ăn tóc Cô bắt đầu ăn từ những ngọn khô giòn quá lưng Cô ăn mỗi ngày
Giấc mơ của một bài thơ trữ tình là tính âm nhạc: nhịp điệu làm dừng lại dòng chảy, cho phép chúng ta sống lâu hơn một khoảnh khắc. Nhịp điệu trong thơ chị là ký ức. Các hình ảnh đôi khi cũng có tính nguyên thủy, tiền ngôn ngữ. Từ khi xuất hiện cho đến nay, Nguyễn Hoàng Anh Thư trung thành với lối viết của mình, với sự mô tả táo bạo, cảm giác hài hước và châm biếm.
Đó là cách chúng ta có thể đâm sầm vào Một thế giới đang chuyển động Mà không hề hấn gì Em nắm mây trong tay Kéo ngày lại giữa nỗi nhớ mùa hè oi bức Từng câu chuyện không lời Em ôm mây nóng bỏng
Nguyễn Hoàng Anh Thư được giải thưởng Văn Việt về thơ vào năm 2016, điều này giúp xác định vị trí của chị trong văn học hôm nay. Chị là một trong số ít người viết thường xuyên tìm kiếm và làm mới chính mình. Thơ đề cập đến môi trường thiên nhiên như một không gian sống, như căn nhà tâm hồn. Đó là sự mô tả có phần lãng mạn, nhưng nhiều hơn là từ góc nhìn xã hội, quan hệ giữa con người và hoàn cảnh. Đó là một chủ nghĩa hiện thực sầu muộn, tinh tế, sự tiết chế xúc cảm, với những cực đoan về tâm lý.
Mọi bi kịch đều phải dàn dựng Mỗi cuộc ra đi Phải rắc thêm vài nhúm tro tàn Những bàn tay rờ rẫm trên con đường thẫm sâu Những ngày buồn lạnh tràn xương trắng Giọng nói ngày trầm đục Chia lìa Chia lìa Từng lời nguyện ước mịt mù xanh
Thơ tình ấy c ũng là một tiếng nói nhân ái, sự bảo toàn các giá trị của con người.Tôi muốn thấy trong thơ chị nhiều yếu tố hài hước hơn nữa. Thơ chị tạo ra những giai thoại, kể những câu chuyện từ góc cạnh khác nhau của đời sống, tách bạch sự thật và giả dối, giữa khai mở và mê muội.
Thơ hiện nay không nhất thiết phải dày đặc và tối tăm như bạn có thể tưởng. Một bài thơ phải mang lại cảm xúc, hoặc gợi lên những suy nghĩ mới ở độc giả, lý tưởng nhất là cả hai, nhưng nếu không thì một trong hai thứ ấy. Có những cảm xúc vui tươi và những cảm xúc sầu muộn. Thơ hôm nay ngày càng có khuynh hướng gây phiền phức cho người đọc, không để họ yên lành, chúng chứa đầy những câu hỏi và thách thức, những mơ ước tuyệt đẹp và phản ứng giận dữ, sự thất vọng chua chát. Thơ bây giờ làm chúng ta suy nghĩ.
T. S. Elliot từng nói rằng: Thơ không phải là sự trào dâng cảm xúc nhưng là sự vượt thoát khỏi nó; thơ không phải là sự biểu hiện của nhân cách, nó là sự thoát khỏi nhân cách.
Thời nào thì con người cũng đi tìm trong thơ những điều sâu kín như hy vọng và thất vọng, chán chường và đau đớn, sự thật và tất nhiên, tình yêu. Chúng ta đang sống qua một thời kỳ khó khăn: dịch bệnh, tàn phá môi trường, độc tài và tham nhũng, nô lệ hoá con người. Tôi nghĩ, chúng ta cần nhiều hơn những tiếng nói như của Nguyễn Hoàng Anh Thư, dịu dàng và dũng cảm.
Trân trọng giới thiệu. Nguyễn Đức Tùng
1- Ăn tóc
Cô gái không hề để ý gì về thời gian yên bình của mái tóc Cho đến khi cô nhận ra Cần phải cắt bỏ những chiếc vây cá mềm mại đang bơi trong cái chậu bằng thủy tinh Bởi chúng quá hẹp và mắc vướng Cô bắt đầu tập ăn tóc Cô bắt đầu ăn từ những ngọn khô giòn quá lưng Cô ăn mỗi ngày Chúng có mùi vị của nắng cháy và rụm rụm của từng sợi buồn xào giòn Chiều chiều cô lại tựa vào chiếc ghế cũ thong thả ngồi ăn nỗi buồn từ ngọn tóc chết Chúng có mùi vị của tế bào quy tắc đóng hộp Chúng có mùi vị của thời gian hơi chua Thời gian đã hết hạn dùng từ bốn mươi năm trước Khi cô đã bắt đầu biết ăn những sợi tóc máu từ trong bào thai mà mẹ cô chưa kịp cạo đi Cô chẳng nhớ được gì Nhưng cô nhớ rằng cô chẳng hàm ơn chúng điều gì Bởi chúng có mùi vị mằn mặn, tanh tanh cứ mắc vào cuốn họng Và đau đến buồn nôn Từng cơn buồn nôn khó chịu Từng ngọn tóc đã rối và mắc vướng Vào trong thớ thịt và đôi mắt mờ dần của mẹ Cô vẫn đang ăn Những sợi tóc có mùi vị hạnh phúc và bạc bẽo Ăn mãi cho đến khi tóc sẽ không còn sợi nào bạc hơn Cô vẫn đang ăn Cho đến khi cô biến thành đất để được ăn tóc mãi mãi
2 - Người thiếu phụ trang điểm
Mười hai giờ mười tám phút Người thiếu phụ đang ngồi khỏa trắng giấc mơ Trong chiếc gương có hình oval cũ kỹ Cô đang kéo đôi chân mày chạm về phía mặt trời Có thể là dài như một tiếng thở Cô dùng lớp phấn hồng quét ngược Đôi mắt xanh màu thảo nguyên Chiếc gương bây giờ là hình trái đất Đôi mắt màu đại dương Từng lớp phấn phủ như cơn lốc về Trăng vỡ mềm môi Sau lớp thủy tinh Lỗ chỗ thịt da rát bỏng Cô mở hộp tìm mấy câu đồng dao Tám lẻ dôi Đôi lên chín Chín lẻ một Mốt lên mười Cô chuyền chuyền đôi tay Chuyền một Chuyền hai Chuyền ba Trăng vỡ Cô chuyền trên tay Đôi mắt xanh màu đại dương Đôi mắt xanh màu thảo nguyên Sau lớp thủy tinh Lỗ chỗ thịt da rát bỏng
3- Một thế giới lệch
Đặt hai con mắt chéo bên dưới sống mũi Mọi thứ bắt đầu chéo Một thế giới chéo Ta nhìn nhau lệch về một bên Anh thấy tấm lưng em khuyết trũng như ngọn núi Chúng ta nhìn lệch qua tuổi già Con đường lệch qua để tránh bão Mọi thứ đang đeo bám trong ngôi nhà lệch nghiêng Ngọn tháp nghiêng thì đứng thẳng lại Chúng ta nhìn lệch thời gian, xáo tung mọi thứ trong tuần Thứ hai ngủ vùi, chủ nhật bắt đầu một tuần mới Những bức tượng hoá lỏng chảy tràn con đường Chúng ta thản nhiên Ngẩng mặt hít thở khí trời, mở miệng hát và nghĩ đến bất cứ điều gì mình thích Chúng ta nhìn lệch từng Khớp xương đang chuyển động rất khó khăn Nhìn cho đến khi chúng bất động Treo ngược thế giới lên Chúng ta sẽ nhìn thấy được gương mặt nhăn nhó như đang cười Để yêu nhau
4- Hoang phí
Một thau nước xà bông Với một cọng lá đu đủ Cô bé thổi cả ngàn giấc mơ Vỡ Một bờ biển Với hai bàn tay Cô bé nhặt rất nhiều vỏ sò Ngàn hải lý nằm trong chiếc túi Một con phố, một ngõ hẻm Vài tiếng gõ lóc cóc, cơn mưa đen sắp ập đến Giờ cô chẳng còn một giấc mơ nào trong túi Để mua lấy ngày xưa mang về
5- Mây
Đó là cách chúng ta có thể đâm sầm vào Một thế giới đang chuyển động Mà không hề hấn gì Em nắm mây trong tay Kéo ngày lại giữa nỗi nhớ mùa hè oi bức Từng câu chuyện không lời Em ôm mây nóng bỏng Chạy về phía mặt trời Em nắm mây trong tay đắp ngày muốt mềm mi mắt Đó là điều kỳ diệu nhẹ nhàng để có thể quên đi thế giới Nơi mà chúng ta đang đứng đây Trên sự trì nặng của đôi chân và đôi mắt mệt mỏi Trên rất nhiều ô cửa giả Có thể đó là một bí mật mà chúng ta có thể mang theo Cùng với hơi thở Của cuộc sống vốn dĩ im lặng Có thể đó là chiếc áo em khoác cho những lúc bất chợt buồn Em nắm mây Chờ sự im lặng nở bung Trôi Trôi Chẳng có con đường nào để biết được hết điều bất tận Em chờ từng ngọn mây ngã rạp xuống Trong hơi thở Để nỗi nhớ bất động cùng đám rong rêu Bên dưới ô cửa nhỏ
6- Sự chờ đợi
Điều hy vọng phải chăng bay lên chứ Như màu xanh của tán cây măng cụt kia Từng chiếc lá vẫn còn níu lại sau cơn bão Cứ xanh lên mỗi khi mặt trời hiếm hoi rơi xuống giữa mùa đông Xanh như núi Ngự Bình đầy những nấm mồ giữa hương khói màu xám xịt. Vậy mà dưới chân Mỗi buổi sáng Từng móng nhọn của những chú chó Riết chặt như thể Tôi sẽ đi ra khỏi nhà mà quên nói lời tạm biệt Những đôi mắt trong veo Một ngày của tôi Là 3 ngày của chúng Tôi đi mất 4 giờ, chúng phải chờ đến nửa ngày. Tại sao khi anh tạm biệt Anh đã không hiểu 1 giờ Là cả thế kỷ của em.
7- Thư gửi anh
Sự lẫn tránh của ngôn ngữ Làm cho bài thơ hụt hẫng Nỗi sợ sệt mùa đông Cứng trên từng khớp tay Này anh, câu chuyện mà em đã kể cho anh nghe hôm qua Đó là một ngày thần thoại Đám mây trắng và hàng cây xanh Cứ thầm thì kể mãi Câu chuyện của chúng ta đang trượt trên một đường link Anh tin không Nó nhỏ như sợi tóc của em dưới ánh nắng ban mai buổi sáng Vờn trên những nhánh mây Đang là mùa hè Giá như nỗi nhớ anh Có thể lột xác như đám ve Em sẽ để lại nỗi buồn trên nhánh cây Với màu hoa phượng đỏ cháy Giờ này mẹ đang nấu cơm Một nơi nào đó đang có chiến tranh Thời gian đang sôi sùng sục Một nơi nào đó có tiếng kêu gào trong đám cháy Có quá nhiều thứ đang bốc hơi Giờ này, chúng ta đang làm gì Im lìm trong nhà bếp Mọi thứ đang dần bốc hơi
8- Trong căn bếp
Cô cắt vây, đánh vảy, cắt nhỏ bài thơ, rồi rán lên thơm lừng Bỏ vào một cái đĩa Cho bữa sáng lũ chó Chúng lắc đầu bảo: thiệt vô vị Lần tới, cô sẽ để nguyên con, thêm một chút gia vị, rồi rán lên
9- Đôi khi
Đôi khi, ngỡ là hơi thở bị nhốt trong căn phòng kín Chúng chảy thành một đống lan giữa sàn nhà Cũng chẳng ngạc nhiên cho lắm Chúng ta chẳng đủ can đảm ngước lên để thở sâu hơn Chúng ta không dám ngợp chìm giữa màu hoàng hôn đang khuyết rạn Để thấy chúng đang tràn qua trái tim pha lê vỡ Muôn vàn mảnh thời gian trong vắt Đi xuyên qua ngực chúng ta Đôi khi, ngỡ là lời nói đang bị đóng băng trong tủ đá thật lạnh Những ngăn tủ hình vuông, hình chữ nhật, nhà mồ, nghĩa trang, hay những chiếc quan tài, chúng ta từng hình dung Những lời nói bị đập ra, bị cắt đi, rồi tan ra trong những chiếc ly làm bằng trái tim pha lê ấy Chúng ta uống những lời nói có vị băng tan giữa mùa hè thẫm máu Với nỗi đau thương ngọt lịm Đôi khi, ngỡ là đôi mắt của chúng ta đang bị dính chặt vào bàn tay Mũi Miệng Hơi thở Và từng lời Từng lời nói Chúng đang chảy thành một đống giữa sàn nhà Cũng chẳng ngạc nhiên cho lắm
10- Lá không màu
Mọi bi kịch đều phải dàn dựng Mỗi cuộc ra đi Phải rắc thêm vài nhúm tro tàn Những bàn tay rờ rẫm trên con đường thẫm sâu Những ngày buồn lạnh tràn xương trắng Giọng nói ngày trầm đục Chia lìa Chia lìa Từng lời nguyện ước mịt mù xanh Thấm trong bức tường ẩm mốc Mọi bi kịch đều phải ra đi Đổ lỗi vài trò ảo thuật Hơi ấm không còn nằm yên trong chiếc áo Bàn tay không còn định hình trên con đường thẫm sâu Để xoay mòn mỏi Những trục yêu thương cũ kỹ Đêm nay Những ngọn lá không màu Mù mờ rơi trí nhớ Như mái tóc em đang đổ xuống Từng sợi dài vô tận nỗi buồn n.h.a.t
Có thể có người không đồng ý, nhưng theo tôi, Nguyễn Ngọc Tư là hiện tượng tiểu biểu, nổi bật nhất của sinh hoạt văn xuôi Việt, 40 năm qua, kể từ 1975 tới 2015 trong số những người viết trẻ.
Tuổi đời, chắc tôi chỉ tuổi em gái ảnh. Tuổi văn, tuổi viết này viết nọ, tôi chỉ cỡ môn đệ, hoặc có tự mình đánh giá cao hơn, thì cũng chỉ là lớp cầm viết hậu sinh, đúng nghĩa.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.