LÂM CHƯƠNG - Người Chết Hiện Về Bằng Xương Bằng Thịt

11 Tháng Hai 20225:12 CH(Xem: 2743)
LÂM CHƯƠNG - Người Chết Hiện Về Bằng Xương Bằng Thịt

Tôi thường nghĩ về thế giới siêu hình, và luôn đặt câu hỏi: có hay không? Câu hỏi ấy lớn dần lên theo số tuổi đời. Con người càng ngày càng đi gần về phía hố huyệt bi thảm sau cùng, cho nên vấn đề “có” hay “không” thế giới bên kia là mối bận tâm của nhiều người. Và vấn đề này, không sao giải quyết dứt khoát giữa khoa học và tâm linh. Các tôn giáo đều cho rằng ngoài thân xác, con người còn có linh hồn. Chỉ có tin, hay không tin mà thôi. Đem khoa học thực nghiêm ra chứng minh, cũng khó.
Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều sự việc không thể giải thích. Xin kể lại một cách bình thường, không có ý biện luận hay bài bác. Giữa thời đại khoa học cực thịnh, nói về cõi giới siêu hình thần linh ma quỷ, dễ làm nhiều người dè bỉu chê cười. Nhưng thâm tâm tôi, ngờ rằng còn có một điều gì đó không ổn khi ta hoàn toàn phủ nhận một cõi giới mơ hồ, với những hiện tượng mà khoa học cố tình làm ngơ.

Người Chết Hiện Về  Bằng Xương Bằng Thịt

Sao Nhót là người bà con bên họ ngoại của tôi. Năm mười bảy tuổi, nó bỏ nhà theo du kích, hoạt động lén lút ở địa phương và các vùng lân cận Tây Ninh. Thỉnh thoảng, có người gặp nó ở những nơi hẻo lánh. Vài năm sau, không còn ai thấy nó nữa. Một số người quen, tiết lộ rằng nó đã rời khỏi nơi đây, gia nhập vào Quân Chủ Lực Miền Việt Cộng. Thời gian trôi qua, chiến cuộc càng khốc liệt hơn, gia đình cũng bặt tin nó luôn. Má nó bí mật liên lạc với người trong mật khu, người ta nói nó đã chết trong một trận bom B52. Và tin này, cũng chẳng lấy gì làm xác tín. Có người bày vẽ, nên nhờ thầy “bắt hồn”. Nếu nó còn sống, thần linh sẽ cho biết. Nếu nó chết, thần sẽ dẫn hồn về nhập cốt để nói chuyện với thân nhân.

Má Sao Nhót nghe lời, tìm đến một bà cốt, nói rõ mục đích của mình. Bà cốt này tu trong một cái am, chuyên nghề đồng cốt, được sự tin tưởng của nhiều người. Không khí trong am có vẻ u trầm nhang khói. Ánh sáng bên ngoài chiếu rọi một cách yếu ớt qua những cửa sổ luôn luôn có màn che. Chính giữa có một bàn thờ lớn. Hai bên có hai bàn thờ nhỏ hơn. Tất cả đều che lại bằng những tấm màn màu đỏ. Khi bà cốt vén tấm màn lên, trên bàn thờ hiện ra những bức tượng sơn đỏ. Có tượng mặt mày dữ tợn. Có tượng mặt mày hiền lành. Khách đến am, tự nhiên cảm thấy có một vẻ gì linh thiêng huyền bí, và tỏ lòng kính ngưỡng bằng những cử chỉ hết sực nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động. Nói chuyện với nhau cũng bằng những lời thầm thì. Không ai dám nói lớn tiếng trong am. Khi nhang đèn được thắp lên, ánh sáng từ những ngọn đèn cầy, và những cây đèn dầu nhỏ hắt ra, làm bớt đi vẻ âm u lúc đầu, nhưng cũng làm tăng thêm lòng tin vào sự linh thiêng của thần thánh.

Bà cốt đứng chắp tay khấn vái lầm thầm trước bàn thờ. Thỉnh thoảng bà đưa tay cầm dùi gõ ba tiếng vào cái chuông nhỏ trên bàn thờ. Rồi bà bảo má Sao Nhót cũng khấn và xin với thần linh giúp đỡ. Sau đó, bà cốt ngồi xếp bằng giữa tấm chiếu trải trước bàn thờ, đầu và mặt che phủ bằng miếng vải đỏ. Những người thân của má Sao Nhót, ngồi chung quanh. Khoảng mười lăm phút sau, đầu bà cốt lắc lư, đồng thời hơi thở cũng dồn dập khác thường. Mọi người im lặng hồi hộp chờ đợi.
Bỗng, bà cốt nói: “Má ơi, con là Sao. Con về đây thăm má.” Giọng nữ của bà cốt bỗng chuyển thành giọng nam. Rõ ràng đây là giọng nói của Sao Nhót.

Mọi người nửa tin nửa ngờ. Má Sao Nhót trong lúc bất chợt, không biết phản ứng ra sao, chỉ ngồi im.

Có người giục: “Hỏi đi.”

“Con có khoẻ không?” Má Sao Nhót luýnh quýnh hỏi.

Mọi người bật cười vì câu hỏi ngớ ngẩn.

Sao Nhót, qua xác của bà cốt, nói: “Con đâu còn xác người nữa, mà má hỏi khoẻ hay không.”

Dì của Sao Nhót tiếp lời: “Con có phải là Sao thật không?”

“Con không biết nói thế nào để dì tin. Má con có thể đặt câu hỏi để kiểm chứng.”

“Hồi trước con biết tuổi của ba má, bây giờ con nói đi?”

“Ba tuổi Sửu 61. Má nhỏ hơn bốn tuổi, má tuổi Tỵ 57.”

“Con hãy nói chuyện về con ngày trước và chuyện gia đình, để má tin chắc là hồn của con.”

“Lúc nhỏ con bị tai nạn suýt chết. Một lần con bị té giếng, may nhờ có người hàng xóm trông thấy, vớt lên, cứu tỉnh bằng cách trút ngược đầu xuống đất cho nước tháo ra. Một lần con đi coi diễn kịch ngoài trời, bị người ta đặt mìn phá hoại, có nhiều người chết, nhưng con chỉ bị thương ở chân. Vết thương này làm con thành tật, đi cà nhắc.” Nói đến đây, bà cốt đứng dậy, đi qua đi lại trong am bằng những bước khập khểnh, chân thấp chân cao, kiểu đi của Sao Nhót.

Má Sao Nhót kêu lên: “Trời ơi, đúng là con tôi.” Và bà khóc, muốn chồm lên ôm bà cốt. Những người chung quanh kéo bà lại.

Bà cốt ngồi xuống chỗ cũ, nói tiếp: “Những năm trộm cướp nhiều, ba má thường giấu tiền trong áo gối, vàng thì chôn dưới giường ngủ của má...”

Má Sao Nhót vừa khóc vừa đưa tay chặn lời bà cốt: “Thôi, con ơi, bấy nhiêu đủ rồi.” Hình như bà sợ hồn của đứa con còn tiết lộ thêm những điều bí mật khác của gia đình. “Má tin chắc đây là hồn của con. Con hãy cho má biết tại sao con chết?”

Hồn Sao Nhót nghẹn ngào bi thiết: “Những năm trong mật khu, con khổ lắm, thiếu thốn mọi thứ. Phải di chuyển luôn để tránh bom đạn và Mỹ Nguỵ càn quét, không thể liên lạc với gia đình.”

Dì Sao Nhót nói: “Làm cách mạng phải hi sinh gian khổ. Chuyện ấy, gia đình hiểu rồi. Con hãy cho má của con biết tại sao con chết?”

“Con bị sốt rét. Thuốc men không đủ điều trị, lại không được nằm yên nghỉ ngơi. Người ta khiêng con trong chiếc võng, chạy từ nơi này đến nơi khác. Sau cùng người ta bỏ con lại giữa rừng, trong một cuộc chạy tránh càn quét. Người ta nói sẽ trở lại đón con, nhưng không có ai trở lại cả.”

“Rồi con thế nào?”

“Rồi con chết một mình trên chiếc võng treo giữa rừng.”

Má Sao Nhót khóc than vật vã: “Trời đất quỷ thần ơi, người ta nở lòng nào bỏ con tôi chết thảm. Bao nhiêu năm nay má thương nhớ đau khổ vì con...”

Mọi người chung quanh vỗ về an ủi: “Thôi, dù sao nó cũng chết rồi. Chị nên bình tĩnh, dành thì giờ nói chuyện với con.”

“Trước đây, má được tin con chết vì bom B52. Bây giờ, con nói con chết vì bệnh sốt rét. Tại sao lại có chuyện khác nhau?”

“Người cho tin không biết rõ trường hợp của con. Người ta chỉ trả lời cho qua chuyện, để gia đình đừng tới lui tìm hiểu, làm lộ tung tích bí mật của những người khác.”

“Má tin là con đã mất vì sốt rét. Bây giờ, con có muốn nhắn lại với ai điều gì, hoặc yêu cầu má làm điều gì cho con hay không?”

Hồn Sao Nhót nói giọng sầu thảm: “Thôi, má ơi, chết là hết. Con không muốn gửi gấm cho ai lời gì làm bận lòng người còn sống. Con chỉ yêu cầu má một điều. Hồn con lang thang vất vưỡng đói khát, má lập cho con một cái bàn thờ, và hằng bữa, xin má cúng cho con một chén cơm.”

“Má sẽ làm theo lời con. Và con cũng nên phù hộ cho gia đình mình được bình yên.”

“Âm dương cách biệt. Con nhìn thấy mọi chuyện xảy ra trong gia đình, nhưng không có cách nào con làm thay đổi được những việc trên thế gian. Tất cả những tốt xấu, may rủi đều do âm đức của con người, xin má hiểu như thế. Con mượn xác để nói chuyện với má cũng lâu rồi. Xác đã mệt, con phải trả xác lại. Xin từ giả má và mọi người. Con đi!”

Bà cốt lắc lư cái đầu, thở hắt ra, rũ người mệt mỏi.

Má Sao Nhót đưa tay lên, chới với: “Hãy khoan! Má còn muốn hỏi thêm. Con chết ngày tháng nào, xác bỏ tại đâu? Con cho má biết, để má lấy về chôn cất, và hàng năm làm giỗ kỵ cho con”

Bà cốt không còn trả lời. Hồn Sao Nhót đã thăng.

Trước khi ra về, ngoài mâm hoa qua cúng trên bàn thờ, má Sao Nhót gởi lại một số tiền công cho bà cốt, nhưng bà không nhận tiền. Bà nói bà chỉ làm phước, và giúp đỡ mọi người theo ý của đấng thiêng liêng.

Cuối tháng Tư, năm 1975. Những kẻ từ rừng núi tràn về làng mạc, thành phố. Họ hân hoan rộn rã. Cờ đỏ bay phất phới khắp nơi. Bao người ra đi ngày nào, bây giờ trở lại đoàn tụ với gia đình. Tiệc lớn tiệc nhỏ bày ra, đón mừng thân nhân. Trong khi người ta say sưa kể lại những thành tích anh hùng và những thắng lợi thần kỳ của kháng chiến, má của Sao Nhót ngồi rầu rĩ trước cửa nhà. Bà nhớ con, nếu nó còn sống, thì gia đình bà cũng vang rộn tiếng cười trên bàn tiệc. Và nhất là những người láng giềng sẽ tới lui tấp nập chúc mừng, bà cũng hưởng lây được chút hãnh diện của con sau cuộc đổi đời. Mất con, bà đã buồn, nỗi buồn ấy tưởng đã nguôi ngoai theo ngày tháng. Giờ đây, nhìn thấy những đứa bạn cùng ra đi với con bà ngày trước, trở về trong vinh quang, bà càng tủi thân, càng buồn nhiều hơn nữa...

Hai tháng sau. Một người bộ đội, mang quân hàm thượng úy, bước khập khểnh chân thấp chân cao, đi về đứng trước hiên nhà má Sao Nhót. Anh ta cởi bỏ chiếc ba lô xuống thềm, tay che lửa, bật quẹt, khum đầu đốt điếu thuốc.

Má Sao Nhót ra trước nhà, thấy người bộ đội. Bà đứng ngó sửng. Khi anh ta vừa ngẩng đầu lên, bà dội ngược lại, hoảng hốt: “Trời đất! Nam Mô A Di Đà Phật. Sao ơi, con sống khôn thác thiêng, đừng hiện hồn về nhát má tội nghiệp.”

Người bộ đội cười: “Má không nhận ra con sao?”

Nghe thế, bà lấy lại bình tĩnh: “Má nhận ra con, nhưng con đã chết rồi. Má đã lập bàn thờ.”

“Ai nói với má là con chết?”

“Người trong mật khu nói con đã chết. Má tới am nhờ đồng cốt gọi hồn, và hồn con đã về nói chuyện với má.”

Người bộ đội ấy chính là Sao Nhót, anh ta cười lớn: “Ối, cái loại đồng bóng bày trò mê tín dị đoan, lừa gạt người ta. Má tin làm gì!”

Sao Nhót vừa nói dứt lời, bà nhào đến ôm người con bằng xương bằng thịt. Và bà khóc còn nhiều hơn ngày nghe tin con chết.

Tôi kể lại chuyện này cho thầy tôi nghe, đồng thời cũng nêu lên những thắc mắc:

- Tại sao bà cốt từ giọng nói của người đàn bà, có thể chuyển thành giọng của đàn ông, mà lại giả đúng giọng của Sao Nhót?

- Bà cốt xa lạ với gia đình của Sao Nhót. Tại sao bà biết được những tai nạn lúc ấu thời của Sao Nhót?

- Có những bí mật của gia đình, chỉ người trong nhà mới biết. Tại sao bà cốt biết được chỗ giấu tiền và vàng của má Sao Nhót?

Thầy tôi nói, thầy tin rằng có hai thế giới hữu hình và vô hình, sống đồng thời trong một không gian mà không hề ngăn ngại lẫn nhau. Trong thế giới vô hình có những chúng sinh, người đời thường gọi là thần linh, ma quỷ.

Sách nhà Phật có nói, chúng sinh ở cõi giới này, đương nhiên có được:

- Thần túc thông (nghĩ đến nơi nào, thì đến được nơi ấy ngay, không cần phải di chuyển để vượt qua không gian và thời gian).

- Tha tâm thông (biết được ý nghĩ của người khác).

Đồng cốt, cũng có người lợi dụng sự mê tín để lừa mị người khác, kiếm ăn. Cũng có người là đồng cốt thật. Trường hợp của Sao Nhót, bà cốt “lên” thật, nhưng không phải hồn của Sao Nhót. Theo lời thầy tôi giải thích, tại địa phương của gia đình Sao Nhót, có con ma, nó biết ý định của má Sao Nhót. Nó đi theo đến am của bà cốt, và giả hồn của Sao Nhót, nhập cốt để đánh lừa hưởng chút hương hoa dâng cúng, hoặc dối gạt người đời, lấy sự đùa giỡn làm vui. Nó giả đúng giọng của Sao Nhót và kể những tai nạn, vì nó biết rõ Sao Nhót từ lúc ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Nó biết những bí mật gia đình Sao Nhót, vì nó nhìn thấy được những hành vi, đọc được ý nghĩ của người đời.

Có lẽ, ngoài cách lý giải của thầy tôi, không có câu trả lời nào đáp ứng thoả đáng được những câu hỏi nêu trên.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 20249:24 SA(Xem: 274)
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm,
02 Tháng Tư 202411:15 SA(Xem: 345)
Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.
27 Tháng Ba 20243:59 CH(Xem: 345)
Đêm nay, có một người đàn bà ôm con bên hiên, thẫn thờ nhớ thương.
09 Tháng Ba 20244:34 CH(Xem: 550)
Người lính, ba lô trĩu vai, cắm cúi đi trong đêm.
04 Tháng Ba 202410:08 SA(Xem: 550)
Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết.
28 Tháng Hai 20249:43 SA(Xem: 401)
Ở nơi đâu mà núi chẳng cựa mình…
10 Tháng Hai 20248:41 SA(Xem: 821)
Vậy mà mùa xuân đã về rồi. Mùa xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao thừa,
27 Tháng Giêng 202410:13 SA(Xem: 679)
Dưới ánh trăng rực rỡ và đỏ như màu của máu ai, tôi thoáng thấy gương mặt em thảng thốt, vói theo cùng tiếng nhạc như một lời oán trách trăm năm.
15 Tháng Giêng 20248:59 SA(Xem: 818)
Sau mùa đông năm đó, nàng đã không quay lại KAUST.
09 Tháng Giêng 202410:11 SA(Xem: 735)
Khi anh ngẩng mặt lên thì trời đã sáng rõ. Cả bầu trời như đang cất mình lên cao cao mãi và những tia nắng đầu tiên của một mặt trời da cam rực cháy chiếu thẳng vào mắt anh.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19002)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9185)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7906)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,