“Ga Cuối Đường Tàu” của Chú Huy Phương, chưa hẳn đã là ga cuối. Cái ga cuối vẫn mãi là nỗi khắc khoải bến Quê Nhà!
Trong rất nhiều nhà văn, thơ và nhạc tôi có dịp chụp chân dung, Chú Huy Phương là một trong mấy vị tôi chụp nhiều hình nhất, nhưng số lượng những vị này rất ít ỏi. Chú, trong cả hai nghĩa với riêng tôi, là một hình mẫu đúng nghĩa!
“Chụp cho chú đẹp đẹp nghe!”
Bao giờ chú cũng nhắc khi chúm chím môi cười. Cái nào ưng là chú nói, không ưng chú lẳng lặng. Sự lẳng lặng đôi khi cũng là một cách nói chân thành, hiệu nghiệm.
Những năm sau này tôi lùi lại, chậm lại, thậm chí muốn dừng lại mọi thứ nên ít ra ngoài gặp gỡ bằng hữu như xưa. Biết chú bịnh nặng cũng không đi thăm, nhưng thường theo dõi qua trang facebook. Thăm người thân hay người quen bịnh nặng, với tôi thường đem theo về những nỗi u hoài, ray rứt có nhiều khi gãy gập lòng.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn nói đúng, cuối đời nơi chúng ta đến thường xuyên nhất là bệnh viện và nghĩa trang.
Bây giờ, tôi hay đi lang thang giữa nghĩa trang những lúc nắng xế tàn, để tìm thấy nơi đó sự sống dạt dào và thống thiết đến lạ lùng…
Giống như Chú hay tâm sự, sau này chú ít đi chùa, chú chỉ đưa Cô đến, rồi về, hoặc giả đứng ngoài cổng. Tại sao phải chọn lựa một tâm thế chênh vênh như vậy? Nhưng tôi thấu cảm điều Chú nói.
Chúng ta đem tất cả mọi thứ vào chùa, rồi để đó, quay lưng đi nhẹ nhỏm, thỏa mãn với những ảo tưởng đã buông bỏ được não phiền. Mấy ai hiểu cho những người ở lại, công phu quét nhặt mấy mùa lá rụng kín sân…
Ga Cuối Đường Tàu, hay con Tàu Huy Phương chỉ mới chuyển bánh. Tiếng còi hụ báo một tương lai Đất nước đầm ấm và con người bao dung hơn giữa đêm trường mịt mùng Việt Nam. Mai sau vẫn đòng vọng trong tâm thức của những đứa con xa xứ, hay đã được trở về.
Ngày đó dẫu còn xa xôi, nhưng tiếng con tàu rời ga đã hiệu báo….
Mặc Cốc, 22 tháng Giêng, 2022
Gửi ý kiến của bạn