Họa sĩ Phạm Tăng, con phượng hoàng Việt Nam

26 Tháng Hai 20224:24 CH(Xem: 4402)
Họa sĩ Phạm Tăng, con phượng hoàng Việt Nam
PhamTang_03
Hoạ sĩ Phạm Tăng (trái) và nhà thơ Du Tử Lê, 2016. (Hình: dutule.com)

 

1. Họa sĩ Phạm Tăng trên bầu trời nghệ thuật tây phương 

Trận mưa nhỏ nhưng dai dẳng từ trưa, trên phố phường xám của “thủ đô ánh sáng,” đã tô thêm màu xám cho Paris, khi chúng tôi rời căn phòng trên tầng lầu 3, một chung cư ở quận 11. Đó là lúc mưa nặng hạt hơn. Trời thấp hơn và, những trận gió cũng mang theo nhiều lát dao giá buốt sắc lẻm hơn, liếc qua, liếc lại trên phần thân thể không được phủ kín. Đó là lúc những bước chân vội-vã-xám của dòng người cúi mặt, tìm đường vào hầm metro. Hai giờ chiều. Toàn bộ thành phố nhớp nháp, lấm lem như một tấm chăn bông khổng lồ ố bẩn, bị nhúng nước mà, đám người lúc nhúc như những sinh vật bé nhỏ cóng, rét, quay quanh cái trục ngơ ngác, bất lực của chính mình.

Càng cố gắng thở cho đủ lượng khí trời cần thiết, để theo kịp bước chân hăm hở của Lê Hoàng Vân, Vũ Thư Hiên, luôn cả T., tôi càng thấy rõ mình bị hụt hơi. Tựa hai lá phổi của tôi, cũng đồng lõa với mưa-xám-Paris, chỉ để lại cho tôi lượng oxy tối thiểu trước khi cắt đứt.

Chốc chốc, T. lại quay nhìn, ngó chừng; hoặc đi lui, nắm tay tôi như truyền sức mạnh, chia xẻ nỗi hăm hở phía trước của T., cho tôi.

Trong bốn chúng tôi, người nôn nao nhất giữa cuộc “bơi” trong Paris-mưa-xám, tôi nghĩ nhiều phần là T.

Hơn ai hết, có dễ T. nôn nao muốn được giáp mặt một họa sĩ VN, như con phượng hoàng, sớm ra khỏi ao tù đường nét và màu sắc của tù túng quê nhà, soải cánh giữa bát ngát trời/ đất phương tây, mà T. chỉ được biết được qua khá nhiều huyền thoại…

Nơi chốn chúng tôi lặn lội tìm tới là quảng trường Bonneuil Sur-Marne, ngoại ô Paris.

Nhân vật cả bốn chúng tôi cùng muốn gặp là một họa sĩ một thời nổi tiếng giữa quảng trường Văn Học Nghệ Thuật miền Nam, rồi bỗng dưng, thình lình biến mất!

Những người biết chuyện, cho hay, người họa sĩ từng là tâm bão của bức tranh bìa Xuân nhật báo Tự Do, xuất bản đầu năm 1960, đã hoàn toàn biến mất khỏi tất cả mọi sinh hoạt văn nghệ, truyền thông, báo chí, đời thường sau một scandal chính trị vào năm 1959…

Đến nay, sự thật dường vẫn chưa nghiêng hẳn phía nào - - Dù cho ông đã đôi lần lên tiếng: Ông không phải là tác giả của bức tranh 5 con chuột đục khoét trái dưa hấu. Mà, tác giả bức tranh (không ký tên) đó, là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, một người bạn thân thiết của ông. (1)


Bức tranh ít màu. Nét vẽ chân phương. Sống động. Nhưng nếu xoay ngược thì nó lại có hình dạng bản đồ Việt Nam bị đục khoét. Theo tài liệu ghi, bức tranh hàm ý nói về gia đình của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm…

Với nhiều người, kể cả những người nặng lòng với nền hội họa Việt Nam đương đại thì, người họa sĩ kia, kể như đã biến mất. Đã “bốc hơi!” Họ không nghe, thậm chí không biết! Hoặc không có một chút ý niệm cụ thể nào người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ ấy!

Đôi ba người tỏ ra “thành thạo tin tức văn giới” hay muốn chứng tỏ mình là người nắm được nhiều bí ẩn đằng sau tấm màn nhung thế sự, cũng rụt rè đưa tin: Người họa sĩ lớn lao đó vẫn sống ẩn dạng, âm thầm ở Roma, nhiều chục năm, sau khi ông được ghi nhận là đã đoạt vị trí khôi nguyên khi tốt nghiệp một trường cao đẳng hội họa danh tiếng ở Roma. (Mặc dù, ông chỉ nhìn thành tích vẻ vang kia của ông, ngang bằng một “certificate/ chứng minh thư” - chữ của ông - mà thôi.)

“Giựt gân” hơn, có người ngậm ngùi, ái ngại mà cho rằng, ông mất đã lâu!!! Nhưng tôn trọng di nguyện của người quá cố, thân nhân gia đình ông đã im lặng, tựa góp thêm một dòng sông thinh lặng, vào biển thinh lặng vốn có từ hơn nửa thế kỷ trước, kể từ khi ông rời khỏi Saigon, với một học bổng 5 năm về Hội Họa ở La Mã.

Chính vì khao khát đi tìm dấu vết của con phượng hoàng hội họa VN, soải cánh giữa trời/ đất phương tây mà, chúng tôi phải trải qua một lộ trình dài, với hai chuyến metro, một chuyến xe buýt ra khỏi thủ đô Paris, đi qua những thành phố xám. Mưa xám và, những lưỡi dao buốt giá sắc lẻm, liếc qua liếc lại trên thân thể, lúc nhiệt độ Paris đã tuột xuống gần zero độ - - Để về tới Bonneuil Sur-Marne.


Cuối cùng, trên một cao ốc đường Place des Libertés, người họa sĩ ngoại khổ ở tuổi 91 đã mở cửa. Ông hiện ra: - Cao nhòng. Mảnh khảnh. Giản dị trong chiếc quần vải trắng. Áo khoác đen. Rộng thinh. Chiếc mũ len trên đầu… Tất cả cho thấy ông giống một tu sĩ về hưu, hơn là một họa sĩ nổi tiếng thế giới.

Ngọn đèn sau lưng, xô chiếc bóng chông chênh của ông ngã gập, vắt trên vai lan can sắt, chạy dọc hành lang hẹp ẩm hơi nước của buổi chiều theo mưa, tới sớm.

Với tôi, hình ảnh này như một phản quang hình ảnh đời riêng, lặng lẽ và, xa cách hoàn toàn giữa ông cùng nhân thế…

Vẫn với tôi, chỉ riêng đôi mắt sáng quắc, nụ cười nhân hậu, hóm hỉnh của ông, mới cho thấy sức sống, nội lực tiềm ẩn trong ông, vẫn là những ngọn lửa bập bùng, nóng bỏng đời thường và, thao thức kiếm tìm cái mới…


Người đàn ông xuất hiện, chắn ngang khung cửa hẹp đó, là họa sĩ Phạm Tăng - - Mà không ít người từng đinh ninh, ông không còn nữa. Ông đã “bốc hơi” đâu đó, từ lâu, giữa Roma, mịt mù. Xa lạ…


2. Phạm Tăng và, đóng góp độc đáo cho khuynh hướng nghệ thuật Op Art

Bầu trời Paris xám, tiếp tục nôn thốc những trận mưa nặng hạt hơn và, gió cũng giận dữ, ghim trong lòng nó nhiều hơn những mũi kim rét, buốt, khi chúng tôi trở lại trạm xe buýt ở quảng trường Bonneuil Sur-Marne. Chuyến xe buýt đến chậm hơn giờ ghi nơi bảng chỉ dẫn. Một hành khách chờ xe buýt trước chúng tôi, chán nản bước vào mưa, sau khi cầu nhầu, nói gì đó với Vũ Thư Hiên.


Tôi không biết tác giả “Đêm Giữa Ban Ngày” nghĩ gì (?) Sau khi ông trở lại căn hộ quen thuộc của họ Phạm! Tôi cũng không biết Lê Hoàng Vân nghe được những gì (?) Khi Vân kéo xụp chiếc mũ len che kín đôi tai đã ửng hồng. Nhưng tôi biết T. bị ám ảnh bởi chuyện kể những ngày Việt Nam và, nhất là những năm tháng lạc lõng của họ Phạm - - Người họa sĩ Việt Nam mang trong tâm khảm hai ngọn lửa đối nghịch: Mặc cảm nghèo khó, bị khinh rẻ của một con dân thuộc một đất nước bị người Pháp đô hộ dài lâu và, khát vọng cháy bỏng thể hiện tài năng của một nghệ sĩ Việt Nam đơn độc giữa Roma, thánh địa của nghệ thuật tạo hình thế giới.

Tôi biết T. bị ám ảnh về hai cụm từ “nhà nghèo” và “nỗi nhục” bị ngoại bang đô hộ mà họ Phạm lập lại nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện…

Trở lại California, nhờ mượn được bộ sưu tập tranh cũng như những bài báo viết về vũ trụ tranh Phạm-Tăng, của nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, (2) tôi mới biết thế giới ca ngợi tài năng Phạm Tăng thế nào? Ra sao? Đó là phần họ Phạm cố tình… “bỏ quên,” không nói tới, dù chỉ ít lời!

Theo cảm nhận của T. thì đấy chính là đức khiêm cung của một tài năng thực sự, lớn. Sau này, thản hoặc, T. còn nhắc tôi rằng, đừng quên, người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ kia, trước sau chỉ nhận mình là “một thằng thợ vẽ”!?!

Trong bộ sưu tập tranh và, các bài viết về họa sĩ Phạm Tăng, của Phạm Hải Nam ngoài những bài phê bình của các nhà phê bình hội họa quốc tế, tôi chú ý tới bài viết của một nhà phê bình hội họa Hoa Kỳ. Bài viết này được học giả Hữu Ngọc, một bạn thân của họa sĩ Phạm Tăng, thời đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (1945), chuyển ngữ. (3)

Đó là bài báo có tựa đề “Phương Đông Gặp Gỡ Phương Tây” đăng trong tạp chí “Sức Khỏe & Đời Sống số 54, đề ngày 4 tháng 5-2002, về sự gặp gỡ giữa họa sĩ Vance Kirkland (Hoa kỳ) và Phạm Tăng (Việt Nam), một gặp gỡ vừa thú vị giữa hai tài năng ngoại khổ, lại vừa như một minh chứng cụ thể của tên tuổi Phạm Tăng, đã sớm vươn xa khỏi Âu châu. Nhưng đáng chú ý nhất, theo tôi, là ghi nhận về đóng góp độc đáo của Kirkland và Phạm Tăng cho khuynh hướng “Nghệ thuật hiệu quả thị giác/ Op Art” - - Một hãnh diện lớn cho VN mà, đa phần chúng ta không hay biết. Và, chính người sáng tạo, họa sĩ Phạm Tăng cũng không hề nhắc tới trong những cuộc trò chuyện.

Bài báo tựa đề “Phương Đông Gặp Gỡ Phương Tây” được học giả Hữu Ngọc chuyển ngữ và, giới thiệu, nguyên văn như sau:

“Đó là tên một bài bình luận ở Mỹ gần đây giới thiệu một bức tranh của họa sĩ Phạm Tăng, vẽ cách đây 42 năm (sáng tác ở Rôma, Ý), do cố họa sĩ Mỹ Kirkland (1904-1981) hơn Phạm Tăng 24 tuổi mua, (rồi cho trưng bày) trong một cuộc triển lãm do Quỹ Vance Kirkland tổ chức ở Denver Colorado.

“Bài báo nói về cuộc gặp gỡ Phạm Tăng – V. Kirkland như sau:

“ ‘Viện bảo tàng Kirkland mượn bộ sưu tập một bức tranh Việt Nam bằng sơn mài và vỏ trứng, tác phẩm của họa sĩ bậc thầy Phạm Tăng. Đây cũng là một bằng chứng kỳ lạ giữa phương Đông và phương Tây. Tất cả bắt đầu từ khi Vance Kirkland và Phạm Tăng trở thành bạn của nhau từ sau cuộc triển lãm ở Rôma năm 1960. Phạm Tăng sinh sống ở Rôma từ 1959 và mở triển lãm vào năm 1969 tại Galleria Schneider, nơi Kirkland cũng có cuộc triển lãm năm 1960. Kirkland mua một bức tranh của Phạm Tăng trong cuộc triển lãm đó để biểu thị sự cảm phục sáng tác của bạn mình. Vào cuối những năm 1960, cả hai họa sĩ đều sáng tác nhiều tác phẩm có những hình ảnh được tạo nên bởi mảnh vỡ.

“ ‘Tranh của Kirkland gồm các chấm nhỏ, còn tranh của Phạm Tăng thì gồm những mảnh vỏ trứng vỡ. Các bức tranh chấm khổ nhỏ của Kirkland vào những năm 1966 và 1967 được treo cạnh bức tranh năm 1968 của Phạm Tăng để thể hiện rõ mối liên hệ hấp dẫn này - mặc dù chất liệu tranh Kirkland dùng sơn dầu và màu nước, Phạm Tăng dùng sơn mài và vỏ trứng, nền tranh Kirkland dùng vải, Phạm Tăng dùng bảng gỗ; quá trình sáng tạo nghệ thuật và tiểu sử của hai họa sĩ rất khác nhau.

“ ‘Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Kirkland thể hiện rõ sự quan tâm thích thú đến hiệu quả thị giác (optical effects) của màu sắc sống động và những gì ẩn đằng sau các hình ảnh (đóng góp độc đáo vào khuynh hướng Op Art tức là Nghệ thuật hiệu quả thị giác). Phạm Tăng lại dùng các chất liệu độc đáo để thể hiện những hình ảnh và sự sắp đặt các hạt màu hết sức trừu tượng, tạo nên sự hấp dẫn cho con mắt người xem. Có lẽ đây là lần đầu tiên trưng bày tác phẩm của hai họa sĩ - khác nhau về nhiều mặt và ngưỡng mộ nhau’ …”

Không biết có phải để bổ túc bài nhận định của một nhà phê bình Mỹ về tranh của mình và Kirkland hay không (?) Mà, sau đó, họa sĩ Phạm Tăng đã có một thư riêng cho dịch giả Hữu Ngọc. Và vị học giả tên tuổi của Việt Nam này, đã ghi lại một đoạn thư riêng của họ Phạm, nơi phần cuối bản dịch của mình:

“ ‘… Sự móc nối giữa tôi và Kirkland là do những chấm nhỏ li ti, các cellule (tế bào) màu khởi đầu cái thời kỳ nghệ thuật dots (dấu chấm) của Kirkland - giống như những tế bào trong tranh của tôi. Có điều khác là những dots trong tranh Kirkland là nguyên sắc (1 màu), còn ở tranh của tôi thì trong mỗi tế bào là một tổ hợp gồm 2-3 khoanh tròn cùng một tâm (concentrique) màu đối nhau (contraste) tạo nên những màu sắc linh động hơn.’…” (Nđd.)

 

Phạm Tăng và, bức tranh được huy chương vàng hội họa UNESCO, 1967

Sau khi được đọc bài viết của một nhà phê bình hội họa Mỹ, ở Denver, Colorado, và nhất là phần thư riêng, của họa sĩ Phạm Tăng, gửi cho học giả Hữu Ngọc, giải thích rõ hơn về những hạt tế bào (cellule) nguyên sắc (1 màu) của Vance Kirkland và mỗi tế bào trong tranh họ Phạm là “… một tổ hợp, có từ 2 tới 3 khoanh tròn cùng tâm (concentrique) màu đối nhau (contraste) nên bức tranh linh động hơn…” (4) - - khiến tôi chợt nhớ một trong những biểu lộ tình thân đầu tiên của họa sĩ Phạm Tăng dành cho chúng tôi là, ông đã đưa cho T. và, tôi, mỗi người một kính lúp khá to - - Lúc ông thấy chúng tôi, ngẩn ngơ trước bức tranh “Vũ Trụ” rất lớn, màu sắc bao la, bát ngát như một giải ngân hà lấp lánh những vì sao, muốn tràn khỏi canvas… (5)


Tôi thấy mình như bị hút vào hố đen do Big Bang để lại, cách đây nhiều triệu năm, theo thuyết tương-đối-rộng của Albert Einstein. (6)

Tôi không hỏi cảm nhận của T. sau nhiều phút ngẩn ngơ trước từng mảng tranh nhỏ, được soi rọi bởi kính lúp. Phần tôi, khi đưa kính lúp sát vào bất cứ một phân tranh nào của bức “Vũ Trụ,” lập tức nó cho tôi thấy, đó là những… “hố đen” lấp lánh nhiều màu sắc. Mà, khi rời kính lúp khỏi mảng tranh, nhìn lại, tôi lại chỉ thấy đó là những chấm mầu đen, nhỏ như những hạt đậu, được bao quanh bởi những họa tiết (tinh vân?) màu xanh nhung, vàng ươm, đen và đỏ thắm… Những gì thị giác tôi nhận bắt được trước đấy, đã tức thì, biến mất! Tựa như tôi bị ném khỏi cái vũ trụ lóng lánh ánh sáng của những vì sao, để trở lại thực tại đời thường!?!


Trước kinh ngạc tới bàng hoàng, tôi chưa kịp định thần để có câu hỏi thì, dường như thấu hiểu, tâm trạng của chúng tôi, họ Phạm đã từng tiếng, chậm rãi:

“Tôi không ngoa ngôn đâu, tôi tự hào là người đầu tiên mở được con đường để người xem tranh có thể tham dự vào bức tranh của tôi… Tùy theo trình độ, cảm nhận của mỗi người…”

Tôi buột miệng:

“Có phải anh muốn cho người xem tranh của anh, trở thành tác giả thứ hai, hay là người cùng vẽ với anh bức tranh ấy?”

“Đúng thế! Nhưng tôi sẽ không bao giờ nói về kỹ thuật ấy.” Họ Phạm trả lời. Dứt khoát.

Cùng lắng nghe với chúng tôi về những giải thích ngắn, gọn của họa sĩ Phạm Tăng là nhà văn Vũ Thư Hiên (một trong vài người viết truyện ngắn đáng bậc thầy, hiện nay, theo tôi) - - Và cô em Lê Hoàng Vân của ông (thỉnh thoảng mang đến cho họ Phạm một vài món ăn tiêu biểu đất Bắc, không thể tìm được ở Paris.) Tôi nghĩ hai người này đã nhiều lần được nghe họ Phạm nói về… nội hàm tranh của người họa sĩ Việt Nam, đứng ngang tầm thế giới này. Nhưng không vì thế mà, họ suy giảm niềm hân hoan, rạng ngời trên gương mặt.

Tôi hiểu họ thường xuyên viếng thăm họa sĩ Phạm Tăng để tác giả “Vũ Trụ” vốn ít giao tiếp, bớt cô đơn, chỉ sống với dăm ba bức tranh còn giữ được - - Tựa đó là những người bạn thân thiết nhất, sẽ ở với ông đến phút lâm chung; cùng người bạn đời thứ hai của ông (hiện trong tình trạng bấp bênh, sức khỏe!?!.)

Sau nhiều ngày trở lại đời thường, trong tôi hôm nay, vẫn còn vẳng tiếng nói chậm rãi (không một chút… “ngoa ngôn” khi họ Phạm kể, ông đã từ chối vinh dự được mời vào Viện Hàn Lâm Nghệ thuật Ý - - Vì tự thấy, ông là một họa sĩ Việt Nam lẻ loi, cô độc giữa xứ người, nên không muốn các bạn họa sĩ Ý của ông xì xầm, ganh tỵ. Nhưng ông lại không dấu một vinh dự khác trong cái “nghiệp” của một “thằng thợ vẽ” (lập lại, chữ của chính ông), khi ông được trao huy chương vàng cuộc triển lãm hội họa, do cơ quan Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa UNESCO, thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Roma năm 1967.

Tôi hiểu, thành tích đạt được kể trên của họ Phạm, đã phần nào xoa dịu “vết thương” quá sâu: Nỗi nhục của một nghệ sĩ sinh trưởng trong một đất nước chậm tiến, có một trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ và khinh bỉ! (7)

Nhớ lại những gì người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ này kể, trong lần gặp gần nhất, tôi nghĩ, tôi hiểu thêm phần nào mối hận của ông, khi tổ tiên dòng họ Phạm, trải qua nhiều đời với những thảm kịch khủng khiếp… Như bị người Pháp vứt xuống biển hoặc, phải tự tử… Cụ thể là cụ cố Phạm Thận Duật, Thượng Thư Triều Nguyễn, đại diện Việt Nam ký hiệp ước Patenôtre với thực dân Pháp, bị tiểu đường, thay vì được chữa thì đã bị người Pháp vứt xuống biển. (8) Hay cụ Phạm Bành, chiến đấu ở mặt trận Ba Đình, Thanh Hóa, bị quân Pháp bắt. Nhưng cụ đã tự vẫn trong tù v.v…

Nếu mỗi tài hoa tự thân đều ẩn tàng những bi kịch nhiều đời sau vẫn còn chảy máu thì, họa sĩ Phạm Tăng là một tiêu biểu cho những trường hợp ấy - - Dẫu ông có trải lòng, cũng không thể nói hết!!!

 

4. Thế giới ghi nhận những gì qua tranh Phạm Tăng?

Với hàng trăm bài báo, được viết bởi những nhà phê bình hội họa tên tuổi khắp Âu châu và, Hoa Kỳ viết về bản-sắc cõi tạo hình của họa sĩ Phạm Tăng, học giả Hữu Ngọc đã chọn và, chuyển ngữ một số nhận định mà, ông cho là tiêu biểu cho tài năng ngoại khổ của họ Phạm. (9) Những phần chuyển dịch đó của học giả Hữu Ngọc, nguyên văn như sau:

“… Ngay từ năm 1967, Giải Nhất của Unesco (tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên hiệp quốc) ở La Mã đã đánh dấu sự công nhận quốc tế tại ngay Đất Thánh hội họa thế giới.

“Nhà phê bình Bỉ Alanh Ghémô nhận định là họa sĩ Việt Nam Phạm Tăng ‘đã dạy một bài học về khiêm nhường và cảm xúc cho tất cả những người ở phương Tây đặt cọc vào bạo lực, thô lỗ, ấn tượng thô bạo vì họ không còn tin vào sức mạnh của đầu óc tế nhị (Báo Xpênxin Bruyxen, 4 - 12 – 1968)

(…)

“… Ông G.G. Acgan, Chủ tịch quốc tế những nhà phê bình nghệ thuật, nguyên thị trưởng La Mã, giới thiệu Phạm Tăng như sau: ‘Từ nhiều năm nay, ông làm việc ở La Mã, ông nổi tiếng và được đánh giá cao trong các giới nghệ thuật Ý do tính tình hòa nhã kín đáo, tính chất nghiêm túc của tìm tòi hội họa. Và tính chất tế nhị nên thơ của sáng tác. Vẽ đối với ông là một sự thể hiện bản chất về tinh thần... Chất liệu ông dùng vỡ tan ra thành nhiều mảnh nhỏ li ti… Hình như vật chất tan vỡ ra để chiếm nhiều không gian hơn, vượt qua giới hạn của mình và lan rộng ra chung quanh. Vật chất dường như tìm lại được nhịp điệu tự nhiên, có vẻ như nó đã tan vỡ theo một bình đồ đã hoặc định sẵn.’

(…)

“ ‘… Nghệ thuật của Phạm Tăng là một chuỗi liên tiếp những khám phá choáng ngợp bởi vì người ta không bao giờ biết được tác phẩm khởi đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu, mỗi bức tranh là hằng hà sa số vũ trụ mà mắt ta lướt trên đó chẳng khác gì một phi thuyền không gian đi tìm các thế giới’. (André H. Lemoine, 1968 - Nhà phê bình)

“Quan niệm nghệ thuật của Phạm Tăng đã mang lại một giải pháp để giải quyết sự bế tắc của hội họa phương Tây từ khi xã hội công nghiệp – kỹ trị thành hình: sự đối lập giữa tượng hình và trừu tượng. Mặt khác, nó cũng vạch một con đường độc đáo trong nghệ thuật phương Đông, khác Trung Quốc và Nhật Bản…” (Hữu Ngọc, “Phạm tăng và cảm quan vũ trụ”) (Nđd) (10)

Đó là một số ghi nhận của các tác giả về thế giới tạo hình của danh họa Phạm Tăng. Nhưng đâu là lên tiếng chính thức của họ Phạm về vũ trụ đường nét của ông?

Căn cứ theo bộ sưu tập về họa sĩ Phạm Tăng, của nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, thì ở Giai Phẩm Xuân Bách Khoa, Saigon, 1974, tạp chí này đã đăng tải một thư rất dài của họ Phạm, gửi cho ông Lê Ngộ Châu, chủ biên tạp chí Bách Khoa; nhằm trả lời một số câu hỏi Bách Khoa đã gửi cho họa sĩ Phạm Tăng.

Trong “Lời tòa soạn,” người chủ biên Bách Khoa viết:

“Họa sĩ Phạm Tăng là người đã trình bày và minh họa cho Bách Khoa từ cuối năm thứ nhất (1957) đến liên tiếp hai ba năm sau, để lại trên các số báo này nhiều hình vẽ tuyệt đẹp đã được dùng làm phụ bản một số tác phẩm văn nghệ xuất bản ở Saigon (…)

“Bao nhiêu năm im lặng hầu như để ‘tu dưỡng cho nghệ thuật được trưởng thành’, thấy Phạm Tăng đã lên tiếng giãi bày nghệ thuật của mình, Bách Khoa liền gửi thư sang phỏng vấn anh về sự học tập ở nước ngoài, về tình trạng hội họa ở Tây phương, về đường lối sáng tạo của riêng anh v.v…

“Có lẽ vì thấy cuối năm 1973, Bách Khoa như ngọn đèn chập chờn sắp tắt, nên anh xúc động vội cố gắng trả lời bằng một lá thư thật dài, mà chúng tôi xin đăng tải nguyên văn dưới đây. Cám ơn anh Phạm Tăng đã cặm cụi viết 13 trang thư dài gửi về, chứng tỏ tấm lòng của anh đối với các anh em cũ và bạn đọc Bách Khoa, đúng như anh nói, vẫn nguyên vẹn như 15 năm trước…”

5. Phạm Tăng, nói gì về sáng tạo: Tổ hợp tế bào trong tranh của mình?

Trong bức thư dài trả lời báo Bách Khoa cuối năm 1973, họ Phạm viết:

“Nguyên liệu đầu tiên để xây dựng họa phẩm của tôi là tế-bào. Ai cũng biết tế-bào là nguyên ủy của sự sống kết tinh từ thuở khai thiên lập địa. Trong cảnh hỗn mang của trời đất tế-bào sinh sôi nẩy nở kết tụ, thành mọi sinh vật sống từ côn trùng, cây cỏ, cầm thú cho đến con người. Trời đất hỗn mang khi xưa có khác chi cái xã hội hiện tại mà chúng ta đang sống? Tro bụi, điêu tàn, băng hoại, đổ vỡ.

“Gieo tế-bào như gieo mầm sống mới, trong một thế giới mới, với một tổ chức, một trật tự mới đặng thế vì cho những cái tàn rụi, nát rữa, trong hội họa, ngoài xã hội và ngay cả chính ta nữa…”

Bằng vào quan niệm trên, họ Phạm cho biết, ông bắt đầu từ cái tế bào nhỏ bé, và ông có cảm tưởng như đang xây dựng lại chính con người của ông vậy.

Nói cách khác, vẫn theo họa sĩ Phạm Tăng thì, từ tế-bào đầu tiên là cái tôi nguyên thủy, ông đi dần tới sự tập hợp của hàng triệu tế bào tuần tự nẩy sinh, dẫn hình ảnh của cái tôi khác nhau, nối kết lại từ hình dạng bào thai trở thành con người. Kết cuộc là gì? Là những hình ảnh được cấu tạo trong tranh của họ Phạm, có thể ví như những hình ảnh của chính tác giả.

Toàn thể tranh là cái tôi cuối cùng.”

Ông nhấn mạnh và giải thích thêm rằng, ngẫm cho kỹ thì cứ mỗi giây phút trôi qua, không biết bao nhiêu là cái tôi không giống nhau, trùng điệp, cái nọ lan sang cái kia, tựa như một vết mực loang trên mặt giấy. Không ngưng đọng một hình thể cố định nào. Bởi vậy chúng ta sẽ không thể nào có được một bức ảnh chụp hình ảnh của tâm tư con người luôn biến động, dù chúng ta có trong tay một chiếc máy ảnh tinh vi nhất.

Quan điểm này của họa sĩ Phạm Tăng rất gần với quan điểm của Phật giáo cho rằng, cái tâm vốn động hay, những suy nghĩ của con người như sự chuyển động không ngừng, cụ thể qua hình ảnh “Tâm viên, Ý mã.” (11) Hoặc, một tư tưởng, hình ảnh vừa mới nhớm lên thì, một ý tưởng hay hình ảnh khác, đã nhào tới. Hiện ra. Không giây lát ngưng nghỉ!

Tuy nhiên ở đây, chúng ta thấy có một sự khác biệt, nếu không nói là đối nghịch lớn, giữa quan điểm của Phật giáo và họa sĩ Phạm Tăng:

Phật giáo quan niệm để cho tâm có được những giây phút bình an thì, chúng ta phải triệt tiêu những lăng xăng, bất nhất, đổi thay không ngừng của tâm trí. Đó là lý do ra đời của các môn phái Thiền. Riêng, họa sĩ Phạm Tăng thì ngược lại. Ông nói:

Những hình thể mà tôi tạo nên tranh không khuôn bó trong một chu giới nhất định. Tôi dụng ý để cho những hình thể đó khi ẩn, khi hiện, lúc tỏ, lúc mờ. Hình nọ lan sang hình kia, tựa hồ như những khối tế bào được tự do co dãn, nảy nở.”

Từ đó, ông đi xa hơn:

Để thể hiện sự sống mong manh của từng tế-bào, tôi tạo những vòng đồng tâm li ti kết tụ quanh hạt nhân ở giữa. Mỗi đường vòng là một mầu đối chiếu trong ngũ sắc. Mầu nọ phản ứng mầu kia tạo nên một cảm giác tựa hồ như có tính chất phát quang. Ánh sáng đó có thể gọi là ánh sáng tự tại xuất phát tự bên trong từng cái sống nhỏ nhoi thoi thóp của từng tế bào một.”

Ý họ Phạm muốn nói, cũng như trong cơ thể của một con người, mỗi giây phút đếu có hàng triệu tế bào chết đi và, cùng lúc hàng triệu tế bào khác cũng được sinh ra, làm thành sự sống toàn diện của con người có cảm xúc trên bức tranh: Từ một, hai hay nhiều ngàn ánh sáng nhỏ tập hợp lại, kết tụ vào nhau, chuyển vận thành những hình dạng sinh động của những vật thể mới, ươm mầm và, ngoi lên tìm sự sống trong ánh sáng.

Ông quan niệm, muốn được như thế, phải kết hợp những tế bào nhỏ li ti theo một nhịp nào đó của đường nét mà ông gọi là “nhịp sống.

Bước vào phần kỹ thuật tạo hình được xây dựng trên quan điểm nghiêng nặng về tính thuần nhiên, hoặc cũng có thể nói đó là quan niệm thẩm mỹ hội họa mới (mang tính triết lý của riêng Phạm Tăng), họ Phạm nhắc nhở rằng, sống là động, là chuyển dịch cả trong những trạng thái tĩnh nhất. Không chỉ ở những sinh vật sống, thuộc loài động vật hay thảo mộc mà, ngay cả những vật vô tri cũng chuyển đổi không ngừng… Đề cập tới những chuyển động ngoại (không mang tính nội tại, như không khí), họa sĩ Phạm Tăng viết:

 

“Nhìn những mạch chuyển động của lớp không khí bao trùm địa cầu, thực chẳng khác chi những đường vân xoay tròn trong con ốc biển. Nhìn vào lòng mình, tôi cũng thấy hiển hiện những đường nét đó… Nhất nhất mọi trạng thái cảm xúc đều có thể vẽ thành những đường nét uyển chuyển trùng điệp gắn bó vào nhau, chẳng khác chi những đường nét biểu hiện cái nhịp sống của sự vật…”

Vẫn theo họ Phạm thì, dù bên trong hay ngoài, “nhịp sống” kia vẫn chi phối tất cả. Nếu thể hiện nó lên tranh thì, nó sẽ tác động tới những hình thể đã được kết tụ do tổ hợp các tế bào, khiến cho những hình thể đó trở nên sống động.

Như vậy có thể nói tranh không còn là phản ảnh của thực tại, cũng không còn dấu vết gì gợi nhớ đến những cái thường thấy, mặc dù nguồn cội thâm sâu của nó vẫn xuất nguyên từ tạo vật.” Chủ nhân sáng tạo những tổ hợp tế-bào trong tranh, khẳng định.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc phần quan niệm hay, nỗ lực khai phá con đường riêng của mình, họa sĩ Phạm Tăng kết luận:

“… Theo ý tôi, những sự giảng giải trình bầy kia thực là vô ích. Giả sử có ích lợi chút nào thì chỉ cho riêng tôi để có thể nhìn lại chính mình, xếp đặt mọi sự trong tôi có trật tự hơn. Ngoài ra đối với người xem không có chi là quan hệ. Tại sao vậy? Tôi xin trả lời ngay: Tại cái hồn tranh. Nếu tranh có hồn như một vật thể sinh động thì tự nó hấp dẫn người xem. Giữa người xem và nó có sự thông cảm trực tiếp, không cần phải có kẻ đứng sau nó mà giảng giải. Nếu tranh không có hồn thì dù có giảng giải bằng thiên kinh vạn quyển nó cũng không thể sống được, và như thế cùng lắm cũng chỉ có thể vứt tranh vào đống rác hoặc trong một bảo tàng viện nào đó để cho nhện chăng mà thôi!” (12)

 

6. Tương quan giữa bi kịch và tài hoa Phạm Tăng?

Tôi vẫn nghĩ, một tài năng ngoại khổ thường có những bi kịch và, ám ảnh một đời của riêng họ.

Bi kịch và ám ảnh sẽ là những đôi cánh đưa tài năng thiên bẩm của họ lên tới đỉnh cao, hoặc sẽ nhận chìm họ xuống tận cùng đất đen, hiểu theo nghĩa đó là một bất hạnh của định mệnh cay nghiệt.

Danh họa Phạm Tăng, ở trường hợp thứ nhất.

 

Trong buổi nói chuyện thân mật với chúng tôi tại căn nhà ở ngoại ô Paris, quảng trường Bonneuil Sur-Marne, đầu Tháng Giêng, 2016 vừa qua, có hai chi tiết mà họ Phạm nhắc tới với tất cả xót xa hay ám ảnh khôn rời, đó là sự kiện người bạn đời đầu tiên của ông, bà Nguyễn Thị Băng Tâm - - Một người mà theo ông kể thì ngay khi mới 16 tuổi, bà đã viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Sau đó, bà được một học bổng của chính phủ Pháp, để qua Paris học về văn chương Pháp…

Nhưng người họa sĩ Việt Nam ngoại khổ, Phạm Tăng, đã rất chân thành, ngay thật khiến chúng tôi, nhất là T., đã rất cảm động, khi nghe ông tâm sự:

“Vì sợ mất vợ, nên tôi đã không đồng ý cho bà ấy đi du học.”

Rồi, cũng thời gian này, giữa lúc người bạn đời của họ Phạm, vì thương, chìu chồng, từ chối cơ hội tiến thân khó có được… thì vị danh họa của chúng ta, lại gây tạo thêm một “biến động” rất lớn khác, đó là sự kiện ông đem tất cả tiền phòng thân, hơn 7,000 đồng, dành dụm từ bao nhiêu năm của người bạn đời, “nướng” sạch trong một đêm tại sòng bài Đại Thế Giới, ở Chợ Lớn. (13)

Một số người hiểu chuyện cho rằng hai sự kiện vừa kể đã dẫn tới sự qua đời khi còn rất trẻ của bà Nguyễn Thị Băng Tâm. Sự kiện này, từng trở thành “scandale” một thời (chữ của họa sĩ Phạm Tăng), trong giới văn nghệ và báo chí.

Tuy nhiên, ngược lại, vẫn theo danh họa Phạm Tăng thì ngay sau biến cố này, ông lại được quá nhiều những cơ quan ngôn luận lớn, kể cả những tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp, ở Saigon, mời cộng tác. Ông nói, thời gian đó, trung bình mỗi tháng ông được trả tiền nhuận bút không dưới 5,000 Mỹ kim.

Ông kể, mặc dù kiếm được nhiều tiền, nhưng không biết làm gì:

“Cuối tuần, với chiếc áo của nhà tu, tôi thường lái xe xuống núi Châu Thới ở đó qua đêm, hay nguyên một cuối tuần, trước khi trở ngược về Saigon...”

Tôi không biết ám ảnh về cái chết của người bạn đời đầu tiên trong đời mình, có đeo đẳng họ Phạm tới ngày hôm nay hay không? Nhưng hiển nhiên, ám ảnh về cái mà ông nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi là “Mối nhục của một người Việt Nam trước sự cai trị và khinh bỉ của thực dân Pháp!”

Ám ảnh này, như đã trình bày, bắt nguồn sâu xa từ nhiều danh sĩ, tiền bối thuộc dòng họ Phạm của họa sĩ Phạm Tăng đã bị chính quyền Pháp sát hại hoặc bức tử… đã như những chiếc bóng bất hạnh đeo đẳng ông cho đến hôm nay.

Ở lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật, họ Phạm cũng nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi rằng, “Người Pháp cũng coi khinh văn hóa của chúng ta! Cụ thể, ở lãnh vực hội họa, họ cũng không muốn mở trường đào tạo họa sĩ cho người Việt Nam. Đầu thập niên 1900, rõ hơn, năm 1901, họ mới mở trường Bá Nghệ ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đến năm 1903, họ mở trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Biên Hòa và, 1913, là trường Mỹ Thuật Gia Định - - Năm 1940 đổi tên thành trường Mỹ Nghệ Thực Hành Gia Định… Nhưng dù trường tên gì chăng nữa thì họ cũng chỉ nhằm mục đích đào tạo những người thợ thủ công, để đáp ứng nhu cầu thủ công nghệ của nước Pháp mà thôi…”

Khi đề cập tới trường Mỹ Thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux – Arts de l’Indochine), là trường hội họa mà sau này, họa sĩ Phạm Tăng có thời gian theo học, ông cũng nhấn mạnh:

“Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập từ tháng 10 năm 1924, bởi họa sĩ Vitor Tardieu. Nhưng phải mất nhiều năm vận động mạnh mẽ, miệt mài của ông Tardieu, trường này mới có cơ hội chào đời!” (14)

Cũng vì những ám ảnh hay “mối nhục” của mình mà, người bạn đời chính thức thứ hai của họ Phạm – Một thiếu nữ người Ý, sau khi sinh được cho ông một người con gái, qua đời vì bạo bệnh, khiến ông có một thời gian khá dài, chấm dứt mọi hoạt động nghệ thuật, cũng như mọi giao tiếp xã hội...

Mãi nhiều năm sau, để nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương, đồng bào…, đồng thời cũng để chấm dứt nhiều năm sống lạc lõng, lẻ loi ở Ý, họ Phạm đã chọn cho mình người bạn đời thứ ba, một phụ nữ gốc Việt, quốc tịch Pháp, cũng thuộc một gia đình thế giá từ trước tháng 4-1975, ở Paris… Ông đã rời bỏ nước Ý để tạm cư tại Pháp. Nhưng vì không thể quên mối hận thực dân Pháp, nên tới hôm nay, ông vẫn không chịu nhập tịch Pháp, quốc gia mà ông cho đó là kẻ thù chung của dân tộc Việt. (15)

Ông tâm sự:

“Càng lớn tuổi, sức chịu đựng cô quạnh càng kém đi. Trong khi nhu cầu muốn được sống gần với tập thể của dân tộc mình càng gia tăng, nên tôi buộc lòng phải chọn Paris, cho những năm tháng cuối của đời mình…”

Cảm nghĩ trên của danh họa sĩ Phạm Tăng cho thấy, bất cứ ai, dù với một định mệnh bình thường hay; chói lòa giữa quảng trường hội họa thế giới, như họ Phạm thì, nhu cầu tìm về với đồng hương máu mủ, với ruột thịt nguồn cội, vẫn là một nhu cầu thiêng liêng không thể phủ nhận.

Để kết luận bài viết này, chúng tôi xin mượn bốn câu thơ của chính danh họa Phạm Thăng, ghi dưới bức thư gửi cho tạp chí Bách Khoa, Saigon, cách đây hơn 40 năm:

Múa bút vườn hoang, vẽ láo chơi!
Sôn sao sỏi đá nói nên lời!
Đỏ, xanh sáo trộn hồn cây cỏ
Nhẹ gót vào tranh, chiếc lá rơi!
(*)

Phạm Tăng.

________

Chú thích:

(1) Wikipedia-Mở cho biết, họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Chương Mỹ, Hà Tây. Năm 1954, họ Nguyễn di cư vào miền Nam. Ông mất năm 1993 tại Saigon. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người đã làm một cuộc cách mạng cho tranh sơn mài Việt Nam.

Về sinh hoạt đời thường cũng như công trình lớn lao vừa kể của họ Nguyễn, trang mạng Wikipedia ghi nhận:

“… Về lãnh vực hoạt động chính trị, người ta được biết, cuối thập niên 1930, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã cùng với nhà văn Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Văn Luyện, Khái Hưng, Hoàng Đạo, thành lập Đại Việt Dân Chính Đảng. Vì những hoạt động chính trị vừa kể mà ông bị chính quyền thực dân Pháp bỏ tù một thời gian ở Sơn La.

Cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, họ Nguyễn chuyển sang sáng tác thể loại tranh Sơn Mài. Với chất son, sơn than, vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội họa này trong nền mỹ thuật Việt Nam. Như các bức: “Cảnh nông thôn”, vẽ năm 1939. Hay bức “Thiếu nữ bên cây phù dung,” vẽ năm 1944… Ông được họa giới trong và ngoài nước công nhận như là người làm cuộc cách mạng ngoạn mục cho tranh sơn mài VN”.

Vẫn theo Wikipedia-Mở thì ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, Nguyễn Gia Trí luôn cho thấy chủ tâm đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, hy vọng đặt cạnh hoài niệm...

Cách đây nhiều năm, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã được quy định là Quốc bảo. Vì thế, những tác phẩm của ông, đã lâu, không được phép mang đi khỏi Việt Nam.

(2) Nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam, chủ tịch Hội ảnh nghệ thuật Sunrise, là em rể của họa sĩ Phạm Tăng. Cuối năm 1973, đầu năm 1974, Phạm Hải Nam được một học bổng của chính phủ Ý qua Roma, theo học chương trình tiến sĩ Kinh tế. Vì thế, ông có một thời gian dài, sống cùng một nhà với họa sĩ Phạm Tăng…

(3) Học giả Hữu Ngọc sinh năm 1918. Tính tới hôm nay, cụ đã 98 tuổi nhưng vẫn còn làm việc hăng say, như thời trai tráng. Tác giả Đỗ Ngọc Yên, trên tờ Văn Nghệ QĐ đã ghi nhận về học giả Hữu Ngọc như sau: “Trong những chuyến đi điền dã với các đoàn công tác trong và ngoài nước đến các vùng miền khác nhau của đất nước, cụ (Hữu Ngọc) đi bộ, leo núi thoăn thoắt như con sóc rừng. Có thể hành trình đi kiếm tìm những chứng tích văn hóa Việt Nam còn tiềm ẩn trong thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam chưa bao giờ ngưng nghỉ đối với cụ. Cùng với các bộ ‘Phác thảo chân dung văn hóa Pháp’, ‘Mảnh trời Bắc Âu’, ‘Văn hóa Thụy Điển’, ‘Hồ sơ văn hóa Mỹ, ‘Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam’, ‘Khám phá văn hóa Việt Nam’... Cách đây vài năm nhà văn hóa Hữu Ngọc lại cho ra mắt bạn đọc Việt Nam và thế giới bộ ‘Lãng du trong văn hóa Việt Nam’ (...) “Thực ra, ‘Lãng du trong văn hóa Việt Nam’ được xuất bản bằng tiếng Anh lần đầu tiên với tên gọi ‘Wandering through Vietnam Culture’, nhưng mãi đến giữa năm 2007 cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Việt do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành… (Nguồn Wikipedia - Mở).

(4) Mời đọc cùng một người viết: “Phạm Tăng và, đóng góp độc đáo cho khuynh hướng nghệ thuật Op-Art”, nhật báo Người Việt, Thứ Bảy, ngày 16 tháng 1-2016; hoặc trang nhà dutule.com

(5) Họa sĩ Phạm Tăng cho biết bức tranh “Vũ Trụ” của ông, được nhiều người hỏi mua, kể cả một vài Bảo tàng viện. Nhưng ông không bán, dù với giá nào.

(6) Theo Wikipedia-Mở thì: “…“Lỗ đen (hố đen hoặc hốc đen) là một vùng trong không-thời gian mà trường hấp dẫn ngăn cản mọi thứ, bao gồm cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng (của Albert Eisntein) tiên đoán một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không-thời gian để trở thành lỗ đen…”

(7) Họa sĩ Phạm Tăng sinh năm 1925 tại Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; là quê hương của nhiều danh nhân tiêu biểu như: Trần Triệu Cơ, Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật, Tạ Uyên, Vũ Xuân Hồng… (Theo Wikipedia-Mở)

Sách Đại Nam nhất thống chí có nói đến "Trường Yên thất hào", bảy người Ninh Bình nổi danh đời Lê. Đó là Hiển trung đại phu Hoàng Trọng Cung người huyện Yên Khánh, Tham nghị Nguyễn Tử Dự người Giá Hộ (Hoa Lư), Thừa chính Nguyễn Đoan Tước người Phúc Am (thành phố Ninh Bình), Thị độc Ninh Tốn, người Côi Trì (Yên Mỹ, Yên Mô), Hiến phó sứ Nguyễn Đình Chí, người Bồ Xuyên (Yên Thành, Yên Mô), Thiêm sự Trịnh Xuân người Yên Liêu (Khánh Thịnh, Yên Mô) và Tham chính Phạm Kiêm Huyền người Thiên Trì, Yên Mạc, Yên Mô (một ông tổ khác của họa sĩ Phạm Tăng). (Nguồn Wikipedia-Mở).

(8) “Hiệp ước Patenôtre hay còn gọi là Hiệp ước Giáp Thân 1884, là Hiệp ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1884 tại kinh đô Huế… gồm có 19 điều khoản. Đại diện của phía nhà Nguyễn là Phạm Thận Duật- Toàn quyền đại thần, Tôn Thất Phan - Phó Toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phụ chính đại thần và phía Pháp là Jules Patenôtre - Sứ thần Cộng Hòa Pháp”. (Wikipedia-Mở)

(9) Theo tạp chí Minosse, số 23, năm thứ XVI thì họa sĩ Phạm Tăng sinh năm 1928 tại Ninh Bình (chứ không phải là năm 1922, 1925 hay 1926 như một số tư liệu khác). Đồng thời tạp chí này cũng ghi triển lãm đầu tiên của họ Phạm là năm 1945 ở Hà Nội; sau đó là năm 1946 ở Nam Định, năm 1950 ở Ninh Bình, năm 1960 ở Firenze, và năm 1961 ở Roma v.v…

Mặt khác, một tạp chí ở Hà Nội đã ghi lại buổi thảo luận về cuộc triển lãm Tháng 8-1946, có sự tham dự của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời đó. Trong số này, ngoài Phạm Tăng, người ta còn thấy những tên tuổi khác, như Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chù, Văn Cao, Phạm Văn Đôn…

(10) Trong phần Giới Thiệu, trước khi mở vào thi phẩm “Thơ Phạm Tăng”, do Nhà XB Văn Học, Hà Nội, ấn hành năm 1994, nhà thơ Trần Lê Văn viết:

“Phạm Tăng là bạn cố tri của Hữu Ngọc và tôi. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi đã làm báo với nhau ở Nam Định. Khi thành phố bị tạm chiếm, chúng tôi đi cùng với tòa báo về các vùng nông thôn. Hữu Ngọc và tôi chuyên viết. Phạm Tăng chuyên vẽ. Anh vẽ minh họa báo, vẽ tranh đả kích địch, tranh biểu dương tinh thần yêu nước chống giặc của quân dân ta. Hồi ấy tôi nhận thấy ở Phạm Tăng một nghệ sĩ trầm mặc, có đời sống nội tâm sâu lắng, ít bộc lộ ra bên ngoài, tài và tình có nhiều phần còn tiềm ẩn…” (Nđd).

- Về nhà thơ Trần Lê Văn, trang mạng Wikipedia-Mở ghi: Trần Lê Văn tên thật là Trần Văn Lễ, bút danh Trần Lê Văn, Tú Trần. Ông sinh năm 1923, tại Vị Xuyên, Nam Định (…) Ông là người cùng họ và cùng làng với thi hào Tú Xương (Trần Tế Xương). Từ thời trẻ ông đã tự trang bị cho mình một vốn học vấn, dù ông khiêm tốn tự nhận là " thường thường bậc trung", nhưng có thể nói là khá dày dặn (…) Ông đã từng tham gia cuộc chiến tranh với Pháp từ những ngày đầu khai chiến, là hội viên sáng lập Hội Nhà Văn VN, có thơ in chung với Quang Dũng từ năm 1957 (tập “Rừng biển quê hương”). Nhưng phải hơn 20 năm sau (1979) Trần Lê Văn mới có tập thơ in riêng, tập “Giàn mướp hương” khá mỏng mảnh về số trang (…) Ông và người bạn thân Quang Dũng có sự gặp gỡ ở cách làm thơ dung dị nhưng có sức truyền cảm lớn. Từ đó đến nay, nhiều bạn trẻ vẫn nhớ và thuộc thơ ông: Tập “Tiếng Vọng”- ra đời năm 1987, đầy hân hoan, ngập tràn tình yêu và niềm tin vào cuộc sống… Ông mất năm 2005, thọ 82 tuổi.

(11) “Tâm viên” là tâm vượn, là tâm loạn động như vượn hay khỉ. Loài khỉ thường hay nhảy nhót, khọt khẹt, đứng ngồi không yên, thường chuyền hết từ cành cây này sang cành cây khác, lại hay phá phách bắt chước nên người đời có câu "liếng khỉ" (…) “Ý mã” tượng trưng cho ý nghĩ của con người rong ruổi, đuổi theo ngoại cảnh, không dừng lại, giống như ngựa phi vậy. Hằng ngày, ý tưởng trong đầu chúng ta, cứ chạy lung tung như ngựa chứng… (Nguồn Wikipedia-Mở)

(12) Nguồn: Tạp chí Bách Khoa, Giai Phẩm Xuân, Saigon, 1974.

(13) Sòng bài Đại Thế Giới bị đóng cửa năm 1955, theo lệnh của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. (Nguồn Wikipedia-Mở)

(14) Có thể đọc thêm Wikipedia-Mở.

(15) Nhà văn Vũ Thư Hiên cho biết, họa sĩ Phạm tăng từng có nhà riêng ở quận 13, thành phố Paris - - Nơi tập trung nhiều người Việt nhất. Một nguồn tin khác cũng cho hay, sau biến cố tháng 4-1975, qua một số người thân tại Hoa Kỳ, họa sĩ Phạm Tăng đã đầu tư vào nhiều lãnh vực thương mại ở Mỹ.

(*) “Sỏi đá đây là chất liệu mầu sắc, gạn lọc ở sỏi đá mà ra, ý muốn tạo hồn cho những vật vô tri; chiếc lá thành người vào chơi trong tranh.” (Chú thích của Tòa soạn Tạp chí Bách Khoa, giai phẩm Xuân 1974).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 21445)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
22 Tháng Tám 202412:00 SA(Xem: 16141)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
29 Tháng Năm 202412:00 SA(Xem: 17802)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
24 Tháng Tư 202412:00 SA(Xem: 10500)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
29 Tháng Mười Một 202312:00 SA(Xem: 19033)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
14 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 13906)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
12 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 20586)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
06 Tháng Chín 202312:00 SA(Xem: 10663)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
02 Tháng Tám 202312:00 SA(Xem: 10144)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
21 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 35198)
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21445)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16141)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17802)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10500)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19033)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5309)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1994)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2610)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2382)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23710)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20153)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8989)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10086)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9360)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12548)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31996)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21639)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26804)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24201)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23010)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21149)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20291)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17800)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16858)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26115)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33397)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35682)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,