1
Tôi gặp Thanh Phương lần đầu tại Trường Cấp 3 Nguyễn Trãi (lúc ấy đóng ở Trường Duy Tân). Thế là Phương vào Nam khi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, theo chuyến chi viện thứ 2 sau chuyến đầu của tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một cô gái khá bé nhỏ, nhanh nhẹn, và có phần nóng nảy. Tuy nhiên, tôi không quan tâm nhiều, bởi cô ấy tốt nghiệp sau tôi những 16 năm, kém tôi những 17 tuổi.
Rồi Phương có cô bạn ở trường tỏ ra thích tôi, Phương sốt sắng làm bà mai. Kết quả thì Phương “bắn không nên, đền đạn.
Năm học sau, tôi được chuyển vào trường Phan Bội Châu, Phan Thiết, bởi lúc này đã cùng một tỉnh mới với Phan Rang là tỉnh Thuận Hải. Cứ như số phận trớ trêu, vào đầu năm học 1977-1978, Phương được chuyển vào trường Phan Bội Châu.
Vậy là mọi chuyện bắt đầu.
Trong khi ấy, ở Sài Gòn, gia đình bắt đầu một cuộc phản đối. Khi năm học vừa kết thúc, ông thân sinh đã lấy ngay một quyết định từ Bộ Giáo dục chuyển Phương về Sài Gòn, Nơi Phương nhận công việc là Công an TP HCM.
Điều này lại đưa đến cho Phương một sự quyết liệt: phải bảo vệ tình yêu của mình. Phương nói với gia đình: nếu con không lấy được anh Cán thì quyết sẽ không lấy ai! Nếu cần thì sẽ bỏ việc, ra Phan Thiết, xin đi dạy mẫu giáo để gần chồng.
Cuối cùng, như người ta nói, trời không nghe đất thì đất nghe trời. Bà má đồng ý, rồi ông thân, hôm ấy trước mặt hai chúng tôi, khi Phương đưa ra tờ đơn xin phép kết hôn, đặt bút ký vào tờ đơn.
Khi tiễn tôi ra cửa, Phương rất xúc động: “Bây giờ em mới tin chắc em sẽ là vợ anh.”
Sau này, có những lúc khó khăn, cứ nghĩ đến giây phút này, tôi lại càng yêu, càng quý trọng và biết ơn người vợ của mình.
Tôi trở về Phan Thiết, cầm giấy tờ, đi làm đăng ký kết hôn ngay.
Rồi chúng tôi làm lễ kết hôn tại Trường Phan Bội Châu. Đó lại là một ngày rất đặc biệt: ngày 17 Tháng Ba, 1979, đúng cái ngày mà me-xừ Đặng Tiểu Bình tuyên bố chấm dứt cuộc tiến quân để “dạy cho Việt Nam một bài học” ở biên giới phía bắc nước ta.
Sau này học trò tôi có đứa hỏi: sao thầy hơn cô nhiều tuổi thế? Tôi nói đùa: Bởi tại năm đó, sau khi vừa tốt nghiệp đại học, thầy đi qua một trường mẫu giáo, có em bé lúc ấy học lớp chồi, cứ đòi theo thầy về nhà, thầy bèn bảo: em cứ học đi, bao giờ em lớn, anh sẽ đến đón em về nhà anh.
Cưới nhau rồi nhưng chúng tôi vẫn phải xa nhau, thỉnh thoảng tôi vào Sài Gòn, hoặc Phương ra Phan Thiết thăm chồng.
Ngày 23 tháng 6 năm 1980, Phương được làm mẹ. tôi định đặt tên con là Bạch Dương, nhưng Phương bảo: nhỡ nó đen thì sao? Bèn chuyển thành: Thùy Dương. Tôi lại bảo: chỉ sợ nó không “thùy.”
Đầu năm 1982, tôi chuyển được vào Sài Gòn, dạy Trường Cao Dẳng Sư Phạm.
Ngày 21 tháng 1 năm 1984. Phương sinh con trai: Lương Duy Bình.
Phải nói rằng vợ chồng tôi đã trải qua những năm tháng cực kỳ vất vả kiếm sống nuôi con. Chúng tôi làm đủ việc để có tiền, từ giữ xe, giặt thuê, bưng bê cà phê… mà vẫn không có tiền. Nhiều lúc tôi thấy rất buồn và lo: có đủ sức nuôi các con khôn lớn không?
Cuối cùng thì những ngày khó khăn nhất cũng qua đi.
Một ông bạn cùng khoa làm đầu nậu ra sách tham khảo, đặt tôi viết sách Thực hành Tập làm văn lớp 6. Nhuận bút là mười phần trăm giá bìa nhân với số lượng sách in. Phải nói là món tiền cũng khá. Cả ngày, ngoài giờ dạy ở trường, tôi ngồi viết, không thấy mệt, không thấy mỏi, cứ như được tiếp một nguồn năng lượng vô tận. Sách in ra, tôi được trả tiền ngay. Mang tiền về cho vợ, Phương mừng quá, đi mua ngay mấy chỉ vàng.
Hễ Bộ Giáo dục ra quyển sách văn nào là tôi phải có ngay sách tham khảo. Còn cả quyển sách luyện thi đại học dày cộm. Rồi tôi nhận bình thơ cho Đài Truyền hình HTV, mỗi tháng một kỳ. Đến lúc các trung tâm luyện thi đại học mở ra như nấm, hầu như trung tâm nào cũng mời tôi. Tôi hầu như phải chạy đi chạy lại suốt ngày khắp thành phố để lên lớp. Kết quả là thỉnh thoảng tôi mang về cho vợ một cục tiền. Vợ tôi lại lo cất trữ.
Tôi trở thành mấy ông vua: vua viết sách tham khảo, vua luyện thi.
Một cô học trò cũ của tôi nói: không ngờ một nghệ sĩ như thầy mà lúc thực tế thì thực tế được như vậy. Có lẽ nó vừa khen vừa chê.
Tôi trả lời nó: nghệ sĩ gì thì nghệ sĩ, nhưng làm thằng đàn ông mà để vợ con nghèo đói thì nhục lắm.
Năm 1991, vợ chồng tôi được giúp đỡ mua một mảnh đất rộng đến gần 200 mét vuông, rồi xây được cái nhà cấp 4. Có nhà riêng, mừng vô cùng.
Tiếc là lúc này mẹ tôi đã mất gần hai năm. Lúc còn sống mẹ tôi thường mong: vợ chồng mày có được cái nhà, dù bằng cái chòi cũng được.
Năm 2000, vợ tôi bàn chuyện cho Thùy Dương ra nước ngoài. Lúc ấy tuy đã khá nhưng vẫn phải mượn tiền ký quỹ vào ngân hàng, rồi chuyển dần tiền ra nước ngoài. Chúng tôi chọn cho nó học New Zealand, vì nghe nói đây là một đất nước thật yên bình, con người rất thân thiện. Đó là một đất nước không có trộm cướp, không có người ăn xin… Vả lại, lúc ấy, một Đô Mỹ ngang giá 2 Đô New, tính ra nhà có thể chu cấp được. Con bé cũng lanh, giờ rảnh nó đi làm thêm cho một chị người Việt, kiếm thêm tiền tiêu vặt.
Được 2 năm thì nó về, không muốn sang New nữa.
Lúc này vợ chồng tôi vừa làm nhà, cũng hơi túng nên để nó ở nhà.
Đến năm 2006, vợ chồng tôi lại quyết định cho nó sang Mỹ. Nhớ một chuyện cũng vui. Khi ra lãnh sự quán, được yêu cầu chứng minh thu nhập của gia đình, nó trưng ra bao nhiêu giấy tờ chứng nhận đều không được. Cuối cùng, nó trưng ra quyển sách dày cộm của NXB Giáo dục in tên và ảnh các tác giả đã có sách được in, thấy một trang in tên và ảnh tôi cùng với một dãy dài hơn chục quyển sách, cô gái phỏng vấn bèn hỏi:
- Đây là sách do cha mày viết à?
- Ừ, cha tao viết.
- Cha mày giỏi quá. Oke, mày được chấp nhận.
Thế là nó được cấp visa. Rồi đến năm 2014 thì nó được nhập quốc tịch Mỹ.
Năm 2015, theo bảo lãnh của con gái, vợ chồng tôi được cấp visa. Ở Mỹ được 5 tháng, vợ chồng tôi trở về Việt Nam, được phép ở Việt Nam 2 năm thì phải trở lại Mỹ.
Năm 1918, Phương qua Mỹ một mình. Chờ xin phép trở về Việt Nam, đến cuối năm thì Phương trở về.
2
Mảnh đất mà gia đình tôi đang ỏ hiện nay, nguyên là do của cậu em vợ mua, được chuyển cho vợ tôi như là đền cho phần thừa kế từ ngôi nhà của bố mẹ. Lúc ấy, mảnh đất này cứ như thuộc vùng sâu vùng xa. Mỗi lần đến xem đất mà ngao ngán, đường toàn đất với đá, vắng vẻ, lại đi qua mấy điểm khá nguy hiểm. Mấy lần tôi nghĩ đến chuyện bán lấy tiền nhưng rao mãi chả thấy ai trả được giá.
Vậy mà đến đầu năm 2010 thì Phương đưa ra quyết định làm nhà. Tôi nói:
- Tiền đâu mà làm? Với lại, nhà mình ở đây rộng rãi rồi mà.
- Em bảo làm là làm. Thiếu tiền thì vay
Thế là chúng tôi xây nhà. Lúc này Phương đã về hưu, hàng ngày ngồi xe buýt từ nhà sang. Tôi thì đang dạy luyện thi, phải trả bớt giờ.
Ngao ngán nhất là những ngày đầu. Đất ven sông là đất bùn không chân. Ngày nào cũng ngồi xem máy ép cọc chống lún. Theo sơ đồ của thầu xây dựng, phải đóng cả thảy ba mươi cái trụ. Mỗi cái trụ là ba cái cọc bê tông lần lượt cọc này chồng lên cọc khác, đến lúc mỗi cọc chịu được 100 tấn thì dừng lại. Sau đó mới là trụ móng và sàn bê tông. Tính ra, chiều cao của ngôi nhà chỉ 12 mét, mà chiều sâu dưới đất đên 24 mét.
Giữa năm 2011, sau khi cho con trai cưới vợ, gia đình chính thức chuyển về nhà mới. Đúng là cả một thời vất vả. Về nhà mới, tôi cũng chính thức kết thúc việc dạy học.
Mấy năm sau này, dần dà tôi cũng hiểu ra vì sao vợ mình hăng hái chuyện làm nhà như vậy. Hiểu rồi càng phục càng quý vợ mình.
Nguyên do là đầu những năm 2000, Phương hay bị mệt. Rồi đi khám, xét nghiệm máu thì thấy men gan cao, Xét nghiệm kỹ hơn thì biết nguyên nhân là do nhiễm viêm gan siêu vi C. Thế thì gay rồi. Nhưng vì sao mà Phương bị ám bởi con siêu vi ấy? Sau này Phương mới nhớ có một lần đi khám phụ khoa ở phòng Y tế quận, lúc ấy đang thời kỳ mọi thứ thiếu thốn, lạc hậu, Phương bị nhiễm mà không biết. Tôi và các con lo lắng, đi xin khám và xét nghiệm, không ai bị gì cả.
Lúc này, chưa có thuốc đặc trị cho viêm gan siêu vi C. Cách duy nhất để đương đầu là uống thuốc hạ men gan, hết đợt này đến đợt khác.
Thế rồi, đầu năm 2009, ở Mỹ xuất hiện một thứ thuốc đặc trị siêu vi C, có một cái tên có lẽ không mấy ai biết: Pegasus. Một bác sĩ ở Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới lúc ấy, vốn chủ nhiệm khoa gan mật, mà cô em vợ tôi gọi là thầy, tiếp nhân loại thuốc ấy, và nhận điều trị cho Phương. Hay quá. Theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi đưa Phương đến Trung tâm Hòa Hảo xin xét nghiệm. Kết quả là: trong mỗi ml máu có đên 750.000 con (copies) siêu vi C! Bác sĩ bảo: dưới một triệu con là còn tốt.
Phương vào bệnh viện 30-4, bắt đầu điều trị. Ống thuốc bé như đầu ngón tay út kèm kim tiêm, có giá 5 triệu, được lấy ra từ tủ lạnh.
Đúng như cảnh báo của nhà sản xuất, khoảng đến ngày thứ 3 là phản ứng dữ dội. Phương đau đớn đến quằn quại. Nhìn thấy, thương quá mà không giúp gì được. Sang ngày thứ 6,7 cơn đau dịu dần rồi hết. Lại chích mũi thứ hai, thứ ba… cứ thế hàng tuần. Xong được 4 mũi, đưa Phương sang Hòa Hảo, làm xét nghiệm. Buổi chiều, tôi đi lấy kết quả xét nghiệm. Tôi phải đọc đi đọc lại: số lượng siêu vi không tìm thấy = âm tính. Mừng đến phát khóc lên. Thế là thuốc có tác dụng.
Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục tiêm thuốc hàng tuần. Và Phương vẫn phải tiếp tục những cơn đau vì phản ứng thuốc. Có điều là đã có niềm vui để chịu đựng.
Cứ thế được 6 tháng, bác sĩ cho xét nghiệm lại, vẫn âm tính, cho phép ngưng điều trị.
Sau này, năm 2015, đi khám sức khỏe để làm hồ sơ đi Mỹ, Phương được nhận ngay, trong khi tôi thì bị treo một tháng rưỡi để kiểm tra phổi. Rồi sang Mỹ, Y tế quận lại mời tôi lên kiểm tra lại, chờ tháng rưỡi mới có kết quả. Phương thì chẳng việc gì.
Hóa ra có một chuyện mà Phương đã băn khoăn từ lâu nhưng tôi thì cố tình bỏ qua đi. Đó là việc do bị viêm siêu vi C mấy năm liền, trong gan của Phương đã có một chút xơ dù rất nhỏ. Và tất cả tai họa bắt đầu từ cái vết xơ nhỏ bé ấy.
Không ngờ là Phương sâu sắc và lo xa đến thế. Phương sắp đặt hết mọi thứ cho chồng cho con.
Cuối năm 2018, sau 5 tháng qua Mỹ, Phương trở về nhà rồi ăn tết vui vẻ. Đầu năm 2019, như tiện thể, Phương vào BV 30-4 khám sức khỏe. Rồi bệnh viện này giới thiệu qua BV Đại học Y Dược.
Như sét đánh ngang trời: Phương đã bị ung thư gan!
Tôi báo tin cho con gái. Nó về ngay. Cả nhà, vợ chồng cùng con gái, con trai, cùng hai cháu nội, ngồi chụp một tấm ảnh. Đây là tấm ảnh cuối cùng của cả nhà. Trong tấm ảnh này, mặt Phương còn tươi roi rói.
Các con tôi bàn chuyện xin ghép gan cho mẹ. Gia đình cũng chuẩn bị số tiền để có thể đưa Phương sang Singapore. Tuy nhiên, các bệnh viện cho biết: do chỗ ung thư sát ngay động mạch chủ, không thể ghép được.
Thế là chỉ còn may ra có phép màu. Phép màu đã không đến. Phương càng ngày càng yếu. Gần một năm trời, Phương hết nằm Bệnh viên Đại học Y Dược lại đến BV 30-4. Trong BV 30-4. Phương được dành riêng một phòng.
Rồi cuối cùng điều đau buồn cũng đến. Tại bệnh viên, chúng tôi mời công chứng viên đến, làm đầy đủ hồ sơ, vợ chồng ký tên giao hết nhà cửa cho con gái và con trai. Phương còn bảo con trai đến chùa đăng ký chỗ đặt tro cốt cho cả hai vợ chồng.
Con gái từ Mỹ lại về chăm cho mẹ được một tuần cuối.
Chiều ngày 28 tháng 2-2020, hai đứa con xin phép đưa mẹ về nhà, Phương gật đầu đòng ý.
Gần tối thì xe cứu thương về trước cửa. Phương được đưa vào phòng. Sợ mẹ sẽ đau đớn như người bị ung thư vào thời gian cuối, Bình đã xin mua sẵn một số morphin nhưng không phải dùng đến.
Tôi ngồi cạnh giường, thấy Phương càng lúc càng mê man. Cầm tay Phương, thấy mạch càng lúc càng yếu. Cứ thế, Phương cứ mê dần đi.
Một đêm dài dần qua.
Gần sáng, ngày 29 Tháng Hai, 2020, tức ngày 7 Tháng Hai Âm lịch, lúc 4 giờ 34 phút, Phương thở hắt ra một cái cuối cùng.
Cha con tôi cùng òa khóc. Thế là vĩnh viễn cha con tôi đã mất Thanh Phương!
Gửi ý kiến của bạn