Lần đầu tiên tôi đọc “Bài thơ của một người yêu nước mình” là khoảng cuối năm 1968, trên tờ Tạp chí Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cảm giác đầu tiên của tôi là bài thơ rất lạ, lạ từ ý đến lời, nói chung là hoàn toàn lạ, hoàn toàn mới trong cách làm thơ, trong cách nghĩ về thơ. Ngay cái bút danh của nhà thơ cùng lạ: Trần Vàng Sao!
Tôi đọc và bị cuốn hút. Người làm thơ như không có ý định làm thơ. Anh chỉ đang nói lên những gì mà anh đang nghĩ, đang yêu, đang thương, đang buồn, đang đau, đang đợi chờ…
Những thứ mà anh yêu là hết sức bình thường, và chính tôi cũng yêu.
Này nhé:
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở goá nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Đó thương người mẹ nghèo. Rồi thương người con gái cùng tuổi học trò:
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Ai đã từng đi qua tuổi học trò, từng yêu một tình yêu tuổi học trò, chắc chắn sẽ nhận ra chính mình trong những dòng thơ tưởng như chỉ làm cho vui, nghĩ gì viết nấy ấy. Chắt lọc từ cuộc đời là đây chứ đâu. Máu chảy từ tim là đây chứ đâu!
Tình yêu đất nước là gì? Giản dị thôi mà! Không có gì cao xa đâu, không cần cao đàm hùng biện gì đâu:
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Có ba ông táo thờ trong bếp, một tứ thơ chưa từng có bao giờ!
Rồi điều mà mọi người gọi là khát vọng nước nhà thống nhất cũng được Trần Vàng Sao nói lên theo cách của mình:
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Giản dị thế thôi! Dân dã thế thôi! Chân lý của đời là thế thôi!
Có thể nói: cả bài thơ của Trần Vàng Sao không có cái gì mới, nhưng cũng không có cái gì cũ. Tất cả những gì quen thuộc, qua tay nhà thơ, qua tấm lòng nhà thơ, đều đã hoá thành mới mẻ, đầy sức lay động.
Thế thì thơ là gì? Là cái tài biển hoá chữ nghĩa của nhà thơ? Là những phép tu từ, là những trò ảo thuật của nhà thơ, vân vân và vân vân…?
Không! Trước hết, anh có yêu thật không, yêu đến độ tha thiết đớn đau không? Anh có đau khổ đến tan vỡ cả trái tim không? Anh có khát khao đến cháy bỏng một điều gì ở đời không?
Chữ nghĩa mọi thứ chỉ giống những thứ mặt nạ trong một đêm hội Halloween thôi. Đêm hội xong, mọi thứ mặt nạ sẽ rớt xuống.
Nhớ một nhà thơ Pháp từng nói: Anh hãy gõ vào chính trái tim anh, thiên tài là ở đó!
Sau khi vào Sài Gòn nhiều năm, đời sống tàm tạm, cứ mỗi mùa hè tới lại một lần về thăm quê. Cứ mỗi lần, tôi lại ghé xuống Huế và gọi Ngô Minh.
Nhiều lần tôi bảo Ngô Minh chở xuống Vỹ Dạ chơi với Trần Vàng Sao. Vào một hẻm nhỏ, ngôi nhà hắn ở có dáng dấp như một phủ đệ của một ông hoàng hay một vị quan hưu trí nào đó. Nhưng tất cả đều cũ kỹ, meo mốc, bệ rạc đến tận cùng. Không có ghế bàn tiếp khách, cả chủ lẫn khách ngồi trên mấy cái ghế nhựa cũ để ngoài sân, dưới bóng một cây cổ thụ leo đầy cây trầu bà. Một lát thì có một người phụ nữ mang quang gánh bước vào. Nhìn cái vẻ già nua khắc khổ ấy, tôi biết ngay là mạ hắn. Đúng mạ hắn thật.
Tôi rủ hắn đi uống bia. Mặt hắn tươi lên, đứng dậy theo tôi ngay.
Ngô Minh nói nhỏ:
– Thằng ni hắn nghèo lắm thầy à.
Không cần nói, cứ nhìn thì biết hắn nghèo, rất nghèo rôi.
Uống bia xong, trước khi ra về, tôi dúi vào tay hắn mấy trăm:
– Mai mi đi uống bia một chắc.
Ai ngờ hắn nắm chặt mấy tờ bạc:
– Ôi tốt quá! Cứu khổ cứu nạn!
Mấy năm gần đây, sau khi Ngô Minh mất, tôi không ghé Huế. Ai ngờ gần đây, nghe tin hắn, Trần Vàng Sao, đã qua đời!
Ngày hôm qua, đọc báo thấy có thông tin: Quyển sách “Bài thơ của một người yêu nước mình” được Giải thưởng Sách quốc gia. Mừng cho hắn quá. Mừng cho mạ hắn nữa.
Nghe nói tập thơ này được ra đời là nhờ công khó của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Một cái kết có hậu, tuy cái hậu ấy hơi muộn màng!
HÀ NHẬT