Du Tử Lê thường được xem là một trong bảy nhà thơ hàng đầu của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cùng với Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Hùng và Nguyên Sa. Cây thơ cuối cùng ấy đã hết còn lá xanh giữa mùa thu này trên mảnh đất không phải là quê Mẹ.
Ra hải ngoại ngay từ 1975, cho đến nay ông là tay bút cựu trào hiếm hoi vẫn còn viết, viết hay cho đến ngày tháng chót.
Từ lâu, đây cũng là một trong không nhiều thi sĩ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong dư luận công chúng, cả bài thơ lẫn bài ca “Khúc thụy du” (1968) đã có thể thay tên tác giả.
Trong hàng chục năm qua, với thi lực sung mãn (và có phần nào chạy nhanh hơn Nàng thơ), chàng thi-tử họ Lê xuất bản sách gần như mỗi hai năm, để rồi cuối cùng lưu lại “ở chỗ nhân gian không thể hiểu” gần 80 tác phẩm ở nhiều thể loại. Tuyển tập “em cho tôi mãi nhé: ấu thơ mình” (2019) là thi phẩm cuối cùng; còn trong năm 2018, tại TP HCM đã có 4 đầu sách được xuất bản và tái bản.
Ở tập “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới” (2010), thi sĩ thể hiện rất rõ sự càng thêm điêu luyện của mình khi giữ chắc âm nhịp làm cho ý tưởng và ngôn từ bay lên trong các thể thơ tự do mang tinh thần hiện đại và hình thức cách tân.
“em nhường tôi chỗ ngồi
mang theo mọi chú thích”.
(“Bài bọc bên ngoài thảm kịch,”)
Kể từ đó, với câu thơ trên, “chỗ ngồi” không chỉ là nơi chốn địa lý; mà còn là chốn thơ!
Ra hải ngoại sau một thời gian viết trong lối cũ, Du Tử Lê đã kéo thơ hiện đại Việt cuốn vào thi pháp của riêng mình, và tạo ra những lối rẽ mới bằng cú pháp, ký hiệu, dấu… Nhiều khi làm khó chịu không chỉ các con mắt đọc thơ theo lối cũ.
Các dấu gạch chéo (slash) “ / “, dấu gạch nối (hyphen) “ – “ , cách đặt dấu chấm, phẩy, không viết hoa tất cả các chữ, v.v… từng được “made by Du Tử Lê”. Hãy đọc chúng như các thể nghiệm lý thú!
Trích đoạn sau đây từ bài “chào năm mới ở garden grove, california,” nên xem như dấu ấn thơ đương đại Du Tử Lê:
“vẫn buồn (kép,)
chia đôi:
thiên đàng / địa ngục.
em chiếc nêm
chêm giữa – –
ngực đơm / môi /
triền thơ ấu nghiêng,
thiêng bầu vú mẹ.”
Không chỉ thân thuộc giữa cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, Du Tử Lê là nhà thơ gốc Việt được giới thiệu nhiều nhất trong các trường đại học tại Mỹ.
Thơ họ Du đi với nhạc điệu như hình với bóng mà đó lại là tiêu chí đầu tiên của thơ Việt. Ngôn ngữ của ông đại chúng mà sang cả: già-trẻ, Tây-Ta, cũ-mới đều hiểu dù ít dù nhiều. “Tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn”, “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay” là hai trong nhiều câu thơ của ông mới nghe ta đã choáng và sẽ còn ngợp mãi. Không chỉ mỗi khi nghĩ đến những câu thơ đã có trên đời về… ngón tay.
Bài thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” (1977) và trường ca “Mẹ và Biển Đông” (1989) là hai đứa con quý nhất mà tác giả trao gửi tiếng thơ mẹ Việt, trong ý nghĩa Du Tử Lê như một người thơ của tâm trạng di dân lớn lao.
Xét ở nhiều mặt, Du Tử Lê là một nhà thơ rất tiêu biểu cho thi ca hiện đại Việt Nam – một Việt Nam của chiến tranh và của tình yêu.