VŨ THƯ HIÊN - Hạnh phúc

05 Tháng Tám 20229:53 SA(Xem: 4352)
VŨ THƯ HIÊN - Hạnh phúc
Con chó này lạ. Tôi chưa thấy con nào như thế. Nó xinh xắn, mặt ngắn, mũi hếch, hai mắt tròn xoe, cái nhìn tươi rói. Tóm lại, một sinh vật rất chi là dễ thương. Nhưng nó có cái đặc biệt, không giống đồng loại. Là ở chỗ này: thân nó dài ngoẵng, cứ như thể được tạo hoá vui tính nối thêm một nửa thân nữa vào cái vốn có.

Các ngài đã thấy một con chó như thế bao giờ chưa? Chưa, phải không? Tôi cũng vậy.

Nó nhỏ như một con Chichihuahua, nhưng lại có hai cái tai lớn buông thõng của giống Cavalier King. Với bề ngoài kỳ cục, nó đúng là chó, chó trăm phần trăm, không thuộc loài nào khác.

Chủ con chó là bà hàng xóm, cùng chung cư, nhưng khác tầng. Tôi thường gặp bà dẫn chó đi dạo. Người Pháp nói “cho chó đi dạo” nghĩa là cho nó đi vệ sinh. Nhà xí của chó là các gốc cây. Nếu phố không có cây thì vỉa hè nào cũng là chỗ tiện lợi, chó không xét nét trong lựa chọn. Du khách mọi quốc tịch nhận xét: Paris là thành phố nhiều cứt chó nhất thế giới. Các thành phố khác trên khắp nước Pháp tình hình cũng y hệt .

- Ông thấy nó có ngộ không? – bà chủ Filou nói khi thấy tôi cứ ngẩn ra mà ngắm nó – Bảo đảm khắp tỉnh này không đâu có một con nào như thế. Không phải chỉ ở đây, mà ở bất cứ đâu.

- Đúng vậy – tôi đồng ý.

Bà là một thiếu phụ ở tuổi trung niên thuộc loại phụ nữ không chịu trang điểm khi ra khỏi nhà. Tôi thích gương mặt mộc của bà. Nó chân thực. Nó không giả. Tôi đoán bà trạc giữa tứ tuần và ngũ tuần, khi nhan sắc ì ra, không trẻ lại, chẳng già thêm.

Người cùng chung cư gặp nhau chan chát, hết Bonjour lại Bonsoir, riết rồi cũng thành thân. Người Pháp nói Bonjour, Bonsoir chỉ có nghĩa là chào, không phân biệt chào buổi sáng hay chào buổi chiều, buổi tối như cách chuyển ngữ của nhiều dịch sĩ nước ta.

Một hôm, giữa câu chuyện tào lao về thời tiết, bà ngập ngừng:

- Khí không phải, nhưng tôi cứ đánh bạo hỏi ông: Ông có thể giúp bà già này một việc nho nhỏ không?

Tôi lịch sự trả lời như một gentleman:

- Sẵn lòng, thưa bà. Bà cần gì, xin cứ cho biết.

- Tôi muốn nhờ ông trông giúp em Filou của tôi một buổi.

Filou là một tên phổ biến của loài chó. Tôi nghĩ em Filou của bà phải có một tên gì khác, thích hợp hơn với nó.

Tôi hết hồn. Tôi gãi đầu tìm câu trả lời. Đưa Filou về nhà ư? Có mà điên.

- Rất tiếc, thưa bà - tôi nhẹ nhàng từ chối phắt – Chả là vợ tôi bị dị ứng phấn hoa và lông thú. Các con tôi thích mèo, nhưng bà ấy không cho nuôi. Chúng chỉ chơi với mèo hàng xóm một lát thôi mà khi chúng về nhà là bà ấy đã nước mắt nước mũi ứa ra rầm rầm, hắt hơi ầm ĩ…

- Tội quá! – bà lắc đầu, ái ngại.

- Bà không gửi được ở nhà nào khác sao?

- Không, ông ạ - mặt chảy dài, bà ảo não - Nhiều người nhìn em Filou cứ như em ấy là quái vật í.

- Tôi hiểu, thưa bà. Nói thế nào nhỉ, quả là em nó có chút khác biệt.

- Không phải một chút, mà nhiều, ông ạ - cái nhìn của bà như nguýt – Vì thế tôi cưng em lắm. Mà không phải chỉ vì thế mà thôi, thưa ông … Filou gắn liền với những kỷ niệm của đời tôi.

Bà nói, mắt ướt nhoè.

Người nào mà chẳng có quá khứ. Quá khứ nào cũng chứa kỷ niệm – cái thì chán phè không muốn nhớ, cái thì sâu đậm, muốn quên cũng chẳng được.

Tôi phải dừng lại ở đây để nói chút ít về mình. Ngoài công việc ở sở, tôi còn phụ trách một trang web của hội đồng hương. Người châu Á lưu lạc nước ngoài quen tụ lại với nhau theo cách ấy. Người ta dùng trang web để liên lạc với nhau, để góp chuyện: chuyện mình, chuyện người, chuyện các món ăn, cách nấu… thôi thì đủ thứ linh tinh lang tang.

Ờ… - tôi nghĩ bụng - Chuyện con Filou rất có thể là một đề tài xôm tụ cho trang web nhàm chán cũng nên.

Một hôm, bà chủ Filou đột nhiên hỏi tôi:

- Tôi lấy làm lạ: tại sao ông không có một cái ô tô, nhỉ?

Câu hỏi bất lịch sự, nếu không nói là trắng trợn. Trong trường hợp khác ắt tôi bực mình lắm đấy, nhưng trong trường hợp này thì không. Khi phép lịch sự bị bỏ qua thì nó lại chứng tỏ thân tình.

- Tôi có vấn đề về mắt, bà ạ - tôi phân trần – Tôi không được cấp bằng lái.

- Thật tiếc – bà buồn xỉu - Người tốt bụng như ông thì tôi mới có thể nhờ.

Có nghĩa bà ta coi tôi không phải người xấu bụng. Chắc hẳn do tôi đã có lần âu yếm vuốt ve tấm thân kỳ dị của Filou.

- Bà có thể gọi taxi.

- Không được đâu, ông ơi – bà lắc đầu, thở dài - Taxi không chịu chở Filou. Nhìn thấy nó là họ lắc. Có dễ họ nghĩ em nó mang lại sự xúi quẩy.

- Xì. Thời buổi điện tử mà còn có người tin nhảm.

Bà lại thở dài:

- Nếu không mang được em nó theo thì tôi đành đi một mình.

Tôi lại gãi đầu:

- Cần một cái lồng, thưa bà.

Bà ta thở dài:

- Tôi đã tìm. Không có cái nào vừa.

- Ờ nhỉ.

Mặt bà đần ra. Nhìn mà thương.

- Để tôi nghĩ cách -tôi an ủi bà.

Tôi có anh bạn cùng sở chạy uber. Nhà đông con, chạy uber là một cách kiếm thêm. Anh chạy khi tan sở. Anh chạy cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

- Tớ không ngờ đấy – anh ta cười tinh quái – Hoá ra cậu nhờ tớ chạy cho một nàng. Ây da, thế mà tớ cứ tưởng cậu đứng đắn lắm.

- Cậu hiểu nhầm rồi, không phải bạn gái, mà hàng xóm. Bà ấy muốn mang theo một con chó ra nghĩa trang. Taxi không chịu chở.

- Sao vậy?

Tôi trình bày nguyên cớ.

- Thế à? Cậu đã nhờ thì tớ không thể từ chối. Nhưng con chó ấy thế nào, nó có hôi lắm không?

- Không hề. Nó được tắm ngày hai lần. Bằng xà phòng Dove. Thơm phức.

Tôi báo tin vui cho bà.

- Tuyệt vời!

Bà ôm lấy tôi, ôm chặt, thơm tôi ba cái liền.

- Ông có thể đi cùng tôi sáng chủ nhật này không?

- Có cần tôi đi không?

- Cần, ông ạ. Nhỡ bạn ông đổi ý, chỉ chở tôi đi mà không chở tôi về. Có ông vẫn hơn. Cho nó chắc. Ông chưa tới nghĩa trang bao giờ à?

- Chưa.

- Hoài. Nó đẹp lắm lắm ấy.

Bà nói bằng giọng tấm tắc, như thể nghĩa trang là Disneyland.

Đến hẹn, anh bạn tôi cứ trợn mắt nhìn con chó siêu nhiên, quên cả ngồi vào xe để lái đi.

Trên xe, bà hàng xóm ghé vào tai tôi:

- Ông ấy sẽ đợi ta chứ?

Tôi cũng thì thào:

- Đâu có được. Ông ấy phải chạy tiếp để kiếm khách. Nhưng ông ấy sẽ quay lại vào giờ hẹn.

- Thế thì nhất rồi. Tôi sẽ trả thêm quãng đường ông ấy phải đón mình.

- Bà thật chu đáo.

Nghĩa trang không quá xa thành phố. Không khí thoáng đãng, rất dễ thở cho những người không còn thở. Tôi hít căng lồng ngực. Bao quanh nghĩa trang là những hàng thông cao. Nghe rõ tiếng gió rì rào trên tán lá. Mùi nhựa thông thoang thoảng. Những con sóc nâu nhạt phóng thoăn thoắt giữa những hàng mộ chí.

- Đây là Paul, ông chồng đầu tiên của tôi – bà giới thiệu với tôi người nằm dưới đất – Một con người cực tốt, ông ạ, nhưng chỉ sau này tôi mới biết khi đã muộn. Có phải không, Paul? Thế mà em đã hành hạ anh biết bao nhiêu?

Bàn tay không búp măng nhẹ nhàng tần ngần xoa xoa trên mặt đá hoa cương.

Con Filou nằm dài, hoay hoáy nhìn chủ.

- Em chỉ biết than thở. Em chỉ thốt ra những điều oán trách, phải không Paul? Chung quy tại em đòi hỏi anh quá nhiều. Anh lại là người ham công tiếc việc. Anh thích công việc của mình. Mà em thì chỉ muốn anh biết một mình em thôi, không biết đến cái gì khác. Rồi em chán anh. Khi người đàn bà chán chồng thì không có cái xấu nào mà người ấy không đổ lên đầu chồng. Ôi Paul, em đã làm những gì với anh, em đã nói những gì về anh? Toàn những lời tệ bạc, phải không anh? Vậy mà anh không ghét em, anh không giận em, anh chỉ một mực yêu em thôi…

Bà nấc lên:

- Anh không phải là người, anh là một ông thánh. Ôi, Paul yêu dấu của em. Đã hai tháng rồi em mới lại đến với anh. Đừng trách em nhé! Ờ, mà anh có trách em bao giờ đâu, anh nhỉ? Em đến lần này thăm anh, không có hoa… Em không đi mua hoa được, anh ạ. Chân em yếu lắm rồi. Cửa hàng hoa thì xa. Lại vướng em Filou nữa. Muốn thăm anh luôn cũng không được. Không xe nào chịu chở Filou. Mà em muốn nó cùng đi.
Lặng một lát ngắn, bà nói tiếp:

- May mà có ông bạn này giúp… - bà quay lại nhìn tôi, như thể Paul của bà cũng thấy tôi - Filou đi cùng em thăm anh đấy, anh có hay nhớ đến nó không? Em cưng nó lắm - kkỷ vật anh cuối cùng của anh để lại cho em.

Tôi đứng sau bà, đầu cúi, im lặng trong tư thế mặc niệm.

- Ông ạ, con người ta là thế. Nó chỉ hối hận khi không còn có thể vớt vát những gì nó gây ra – bà nói, giọng nước mắt - Tôi mang nhiều tội, nhiều lắm ấy, với Paul của tôi, ông ạ. Nhưng Paul không bao giờ trách tôi, dù một lời nói lạnh nhạt, dù một cái nhìn nghiêm khắc.

Ngồi với Paul của mình một lát, vuốt ve tấm bia một lát, bà thút thít nói lời chia tay, rồi nặng nhọc đứng lên.

Nếu không đến nghĩa trang, tôi không biết là có nhiều người chết đến thế.

Người Pháp chết lạ lắm. Như cách họ tự dưng biến mất ấy. Tôi ở chung cư này mười lăm năm, nhưng chưa từng chứng kiến cái chết nào. Chắc chắn phải có ai đó chết, không thể không. Có điều người ta không làm đám như bên ta, không kèn trống, không tiếng khóc. Người chết biến mất, người sống ở lại, mọi sinh hoạt vẫn bình thường như không hề có sự vắng mặt của người hôm qua còn gặp.

- Còn đây là Michel, ông chồng thứ hai của tôi.

Chúng tôi dừng lại trước một ngôi mộ khác, với tấm bia giống hệt bia ở ngôi mộ trước. Cả hai đều thuộc loại sản xuất hàng loạt.

Tôi bỏ bà, thả bộ lăng quăng.

Ngoái lại, tôi thấy bà ngồi xệp, lầm rầm nói chuyện với người nằm dưới đất. Tôi không nghe bà nói gì.

Lối đi giữa những hàng mộ chí được trải đá vụn. Cỏ xanh trồi lên ở những kẽ đá. Cỏ là biểu tượng duy nhất cho vĩnh cửu. Không gì sánh được với nó.
Từ xa, tôi thấy bà gục đầu vào tấm bia, vai rung lên khe khẽ.

- Ông biết không? – trên đường ra cổng nghĩa trang, bà tâm sự - Paul ấy mà, anh ấy biết tôi thích Michel. Paul không ghen, hoặc là anh ấy ghen thầm cũng nên, tôi không rõ.

- Michel ở ngôi mộ thứ hai?

- Phải. Michel là bạn chung của chúng tôi.

- Ờ, rồi bà chia tay với Paul?

- Vâng, nhưng đó là chuyện về sau. Paul có công việc ở một thành phố khác mấy tháng liền. Trở về thấy Michel trong nhà mình, Paul vui vẻ ôm hôn bạn, không nói câu nào, rồi bỏ đi.

- Ông ấy đi đâu?

- Paul ra ngoại ô. Từ khách sạn Paul gọi điện cho tôi: “Anh chúc em hạnh phúc”.

Bà nấc lên, không nói tiếp được.

- Paul mất vì ung thư gan. Michel chết vì tai nạn xe cộ. Hai người yêu dấu của tôi đã bỏ tôi mà đi cùng một năm, ông ạ. Tệ thế!

Chúng tôi ra về. Ông bạn uber đã ở cổng, đúng hẹn.

Trên đường về, bà thủ thỉ:

- Tôi là một người tột cùng hạnh phúc, ông ạ. Khi người ta lấy nhau, người ta chiếm hữu nhau. Bằng hôn nhân. Bằng mảnh giấy của nhà nước chứng nhận. Nói toạc ra là như vậy. Tôi khác, tôi đã được gặp tình yêu hiến dâng, không phải tình yêu chiếm hữu.

Một lát sau, lau khô nước mắt, bà mới nói tiếp:

- Tình yêu, nói cho cùng, phải là sự hiến dâng, ông ạ. Tình yêu hiến dâng là tình yêu chỉ cho đi mà không đòi được cho lại.

Con người hai lần hạnh phúc nói về hạnh phúc của mình giữa những tiếng nấc và hai hàng nước mắt lã chã.

2010
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Mười Một 20245:34 CH(Xem: 270)
Nét bút của người đàn ông, đã chết từ lâu.
10 Tháng Mười Một 20244:37 CH(Xem: 590)
Giải Nobel Văn học năm 2024 đã được trao cho Han Kang, một tác giả người Nam Hàn, vì "văn xuôi thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người".
04 Tháng Mười Một 202410:41 SA(Xem: 289)
Từ lúc trung học đệ nhị cấp, tôi đã là người cọp sách chuyên nghiệp.
31 Tháng Mười 20245:51 CH(Xem: 986)
Ở hai bên con đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu.
31 Tháng Mười 20248:41 SA(Xem: 464)
Chỉ định ghé vào tiệm sách mua mấy chiếc bao thư và một lọ hồ dán mà ông lại lang thang giữa các quầy sách gần hai giờ đồng hồ
21 Tháng Mười 20248:22 SA(Xem: 342)
Thời đó, lũ con trai chúng tôi khoái chơi với ve sầu, dế hơn là bươm bướm.
13 Tháng Mười 20242:31 CH(Xem: 624)
Mãi mãi tôi chờ quỳnh dưới đáy hồ nước xanh trong và thơm như môi nàng.
25 Tháng Chín 20247:47 SA(Xem: 834)
Bên bờ Đông Hồng Hải, trong buổi chiều đang chìm dần theo một Mặt Trời rất đỏ, có người trai Lebanon lặng lẽ giữa những nỗi-niềm-chung-riêng-quá-đỗi
15 Tháng Chín 20249:22 SA(Xem: 951)
Ngược dòng. Tôi ngược dòng trận đại hồng thủy và loạt vỡ núi kinh dị trong lịch sử khí hậu Việt Nam...
07 Tháng Chín 20249:21 SA(Xem: 1100)
hãy nghĩ về những ngọt ngào thú vị ngày xưa
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21332)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16074)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17730)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10447)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18967)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5285)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1976)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2586)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2370)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23692)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20138)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8956)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10046)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9331)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12505)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31954)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21622)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26757)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24170)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22978)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21117)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19045)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20266)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17782)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16847)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26069)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33356)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35668)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,