Từ lúc tậu được smartphone, gần như ngày nào, M cũng gửi e-mail cho tôi, kèm theo hình mới chụp cách đó mấy giây đồng hồ, còn nóng hổi. Có khi hai, ba e-mail với hình đính kèm trong vòng vài phút. Hình đám đông lúc nhúc kiến cỏ khi đường xe điện ngầm M phải lấy bị tắc nghẽn. Hình hộp cơm trưa M sẽ ăn ở sở, được vợ chăm bón, trình bày đúng bài bản bento Nhật Bản. Hình đồng nghiệp M bỏ việc, xúm đen xúm đỏ xem trận chung kết World Cup năm nay. Hình một góc street art trên bức tường gần nhà. Đôi khi cả một đoạn video ngắn. Đôi khi chua thêm một câu bình luận dí dỏm. Đôi khi chỉ đơn giản một màu hoa lạ chụp được trong công viên, hay một khoảnh đùi, một mảng ngực mùa hạ hớ hênh của ai đó M chộp vội chiều tan sở giữa thủ đô. Cũng may, M không phải là fan của trò selfie thời thượng, lây lan từ ông tổng thống Mỹ tóc đã muối tiêu đến bà nhóc tì mới lên ba miệng còn nhép ti, nên chưa bao giờ tôi nhận được qua internet khuôn mặt M với nụ cười cố hữu ngoác đến mang tai, vẫn đôi khi ám ảnh trong vài giấc ngủ cạn, giống hệt một smiley! Dần dà, tôi đâm thích, mê, rồi ghiền lúc nào không biết cái trò chơi mới này. Không đánh mà khai, nó giúp tôi biết M đang ở đâu, làm gì, thấy gì, thậm chí, qua hình chụp kiểu này góc nọ đã dần thành quen thuộc, tôi còn tạm có thể đoán được ý nghĩ của M ngay thời điểm ấy. Tự nhiên, tôi có được một đôi mắt thứ hai, nghiêng-ngáo-ngó-nhìn-thu-nhận bao ảnh hình ở một nơi xa lắc so với những chốn tôi thường lui tới mỗi ngày. Chúng khác hẳn đoạn phim thời sự trên truyền hình, hay bức ảnh tuyển chọn thấy được giữa trang nhật báo, chúng chính là những vụn vặt đời thường thu được qua ống kính-mắt của M, gửi qua liên mạng để chia xẻ với tôi.
Đùng một cái, bặt! Một ngày, một tuần rồi một tháng, không e-mail, không hình ảnh, không cả Facebook, Twitter lẫn Instagram, YouTube. M biến mất khỏi web. Tôi đợi, bồn chồn trong ngày, thao thức nhiều đêm, lóng ngóng tay chân, quay quắt nhớ, lúc nào cũng trong tình trạng báo động đỏ, chực chờ bên hộp thư e-mail, mong nhận tin, xem hình M gửi.
Đến giữa tháng thứ hai, không chịu đựng nổi nữa, bất chấp mọi lề luật tự đặt ra cho mình, tôi bấm điện thoại, gọi M. Số di động rơi ngay vào tin nhắn. Tôi đành gọi số điện thoại nhà. Đầu kia nhấc ngay máy, như đang đợi cuộc gọi của tôi. Giọng vợ M, oà vỡ. Giữa tiếng còn, tiếng mất, tiếng nấc, tiếng nghẹn, tôi nghe được loáng thoáng : «…M mê cái trò đó, ở đâu, lúc nào, cũng chụp chụp, gửi gửi, đang trên xa lộ, thấy tai nạn bên đường cũng không bỏ, thế là lạc tay lái, đâm ngay vào đấy. Smartphone vỡ nát, mảnh vụn bắn đầy hai mắt. Giờ, đang chờ kết quả giải phẫu, bác sĩ cũng chẳng dám hứa hẹn gì…» Tôi lùng bùng lỗ tai, bỏ điện thoại, bưng mặt, nước mắt dòng dòng. Lỗi tại tôi, tại M, tại smartphone, hay tại kỹ thuật số? Chẳng rõ, chỉ biết từ nay, tôi đã mất hẳn đôi mắt ảo của M, để có thể nghênh ngang nghiêng ngó thu thập bao ảnh hình ở một nơi xa lắc so với những chốn tôi thường lui tới mỗi ngày. Chỉ khẩn cầu một điều: y học tân tiến sẽ trả lại cho M đôi mắt thật của mình, lành lặn như từ thời cha sinh mẹ đẻ.