Tôi coi mình là người may mắn. Trong đời, tôi đã gặp được, tuy không nhiều, những người mà tôi ngưỡng mộ. Người nào cũng để lại trong tôi kỷ niệm. Gặp Hữu Loan là một may mắn bất ngờ.
Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan gắn chết trong trí nhớ của tôi. Và của rất nhiều người cùng thế hệ. Chắc chắn thế.
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
Không cần một cuốn sách. Không cần nhiều bài. Chỉ vài câu cũng đủ. Nhà thơ được gọi là nhà thơ là như thế.
Bài thơ trên được một đồng đội nắn nót chép tay cho tôi. Nó đã đi cùng tôi suốt những dặm dài kháng chiến.
Ở Sài Gòn, thập niên 90, tôi có một căn phòng trên lầu sáu chung cư Nguyễn Thái Bình. Đang mổ cò một truyện ngắn bằng cái máy chữ Japy vừa mua được ở chợ giời Huỳnh Thúc Kháng thì có người đẩy cửa, thò đầu vào:
- Vũ Thư Hiên, phải không?
- Vâng, là tôi.
Người đến là một ông lão gày, tóc bạc bơ phờ.
- Hữu Loan đây.
Tôi trợn mắt. Tôi không chờ đợi cuộc gặp gỡ này. Không may mắn thì còn là cái gì.
Tôi ôm choàng khách.
- Nhà có gì uống không? – Hữu Loan đảo mắt nhìn căn phòng.
- Rượu có – tôi nói - Quốc lủi.
Anh tự tìm ghế. Rút cái quạt giấy, quạt phành phạch.
- Không – anh lắc – Giờ này uống rượu có mà chết.
- Có nước chanh trong tủ lạnh.
- Không. Nước lã. Đang khát khô cổ họng đây.
Uống rồi, anh trách:
- Cậu ở cao thế?
- Có một chỗ trú chân là may mắn rồi. Tôi không mong hơn.
Anh tu một hơi nửa chai nước.
Đã khát rồi, anh bảo:
- Tri túc dã túc. Bây giờ thì trà.
Hữu Loan quan sát bộ đồ trà. Ngó vào lòng ấm, xem từng cái chén.
- Bộ Thế Đức gan gà này được. Trong ấm đã có trà đóng cao. Kiếm được là giỏi.
Tôi ngượng. Còn lâu tôi mới có được nghệ thuật thưởng trà của các bô lão.
- Tôi mua ở chợ trời – tôi nói – Của một người đàn bà.
- Quý đấy. Chắc của người cha đã khuất núi.
- Chắc vậy. Bán rẻ như cho.
Hữu Loan thở dài nhẹ.
- Người đi. Của ở lại. Rồi quý vật lại tầm quý nhân.
Tôi đỏ mặt. Tôi có bao giờ được là quý nhân?
- Khá. Có dư vị - Hữu Loan nhấp một ngụm, gật gù – Thái Nguyên?
- Tân Cương đấy.
- Là sao? Trà Tàu?
- Không phải. Ở Thái Nguyên có một nơi tên như thế. Tôi từng ở đấy. Thời bộ đôi.
Anh ngắm tôi. Có vẻ anh muốn tìm ở tôi dấu vết một thời chinh chiến.
Xong tuần trà, anh than:
- Cậu ở cao quá. Leo mỏi cả chân.
- Tôi có rượu thuốc. Anh bóp nhá?
- Khỏi. Tớ không phải công tử.
Tôi không biết nhiều về Hữu Loan. Anh là nhà thơ nổi tiếng, chấm hết. Nghe kể thì dường như anh có vướng tí chút vào vụ "Nhân văn - Giai phẩm". Thời ấy, nhiều người vướng vào chuyện đó lắm. Cũng nghe kể thì đang yên lành Hữu Loan bỗng đùng đùng bỏ việc, về quê. Mà có phải cán bộ thường đâu. Cấp cao, lương lớn.
Văn Cao bảo:
- Đạn lạc thôi. Hũu Loan đâu có dính dáng bao nhiêu với "Nhân văn - Giai phẩm”.
Người khác kể:
- Ông ấy bỏ là bỏ. Về Nga Sơn, làm nghề thồ đá. Một dị nhân.
Tôi tế nhị, không hỏi anh chuyện ấy.
Tự anh nói:
- Chán thì về thôi.
- Anh chán cái gì?
- Chán cái nhân tình thế thái. Còn chán cái gì nữa.
Tôi cũng chán lắm cái nhân tình thế thái bấy giờ. Nhưng tôi không bỏ việc. Tôi không biết làm gì khác ngoài việc đang có trong một tờ báo. Ở đó tôi có lương. Lương cán sự 3, 63 đồng/ tháng. Tôi đã có gia đình – vợ và hai đứa con.
Tránh trời không khỏi. Tôi không bỏ việc. Người ta lôi tôi khỏi công việc để nhét vào tù. Những 9 năm cơ đấy.
Sự đi tù dài của tôi chắc hẳn chắn đã dẫn Hữu Loan đến với tôi.
- Một thời tớ cũng đã nghĩ tới chuyện người ta sẽ bỏ tù mình – anh nhìn tôi, tâm sự - Nhưng không, người ta không làm thế. Tớ bỏ việc, người ta mặc, không cản, không truy nguyên nhân.
Tôi nhìn anh. Vóc dáng ấy mà thồ đá?
Anh hiểu cái nhìn của tôi:
- Người ta làm được thì mình làm được.
- Vào đây anh ở nhà nào?
- Khối chỗ. Người quen có, người không quen cũng có.
- Anh ở đây đi.
- Cũng được.
Mấy ngày anh ở lại, chúng tôi có nhiều dịp tâm sự. Thời ấy những bạn tôi đều nghèo. Nhưng về tâm sự thì ai cũng là đại gia.
Tôi kéo anh lang thang Sài Gòn. Anh thích ngắm phố phường. Như một du khách.
Trong những lời tâm sự của anh, tôi nhớ nhất một câu:
- Có lẽ tôi sai, ông ạ. Khổng Tử nói: “Đời đục, ta trong làm sao được”. Ông ấy đúng. Nhưng tôi không có chỗ trong cái đúng ấy. Tôi tất nhiên có thể tự chọn chỗ cho mình. Có điều nó lại ảnh hưởng tới con, tới cháu. Nga Sơn, quê tôi, là chốn khỉ ho cò gáy, không có một trường học cho ra trường.
Tôi thở dài cùng anh.
- Anh còn làm thơ chứ?
- Không.
- Tại sao?
- Thơ là khách. Nó đến rồi đi. Cái tâm mình không muốn giữ thì nó ở làm gì.
Tôi tiếc hồn thơ Hữu Loan. Cuộc đời quá tệ với anh.
Tôi gặp Hữu Loan có thế thôi.
Thời gian ngắn. Nỗi nhớ dài.
Kỷ niệm với Hữu Loan còn một tấm hình do anh bạn Nguyễn Quốc Văn chụp.
Cảm ơn Nguyễn Quốc Văn rất nhiều.
Gửi ý kiến của bạn