Vừa rồi khi viết về Kim Tuấn, tôi lại nhớ tới Vũ Hữu Định. Không chỉ vì ca khúc nổi tiếng hơn nửa thế kỷ qua “Còn chút gì để nhớ” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Vũ Hữu Định viết về phố núi Pleiku - nơi Kim Tuấn sống và viết hơn 15 năm, mà còn có điều trùng hợp thú vị nữa là cả hai nhà thơ đều nổi tiếng từ những ca khúc phổ thơ. Với Kim Tuấn là “Anh cho em mùa xuân” và nhất là ca khúc “Những bước chân âm thầm” do Nguyễn Hiền phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” viết về phố núi Pleiku thời còn vắng vẻ hoang sơ, rừng xanh vây kín; còn “Còn chút gì để nhớ” Vũ Hữu Định viết về Pleiku năm 1970 khi chiến tranh ác liệt, nhưng dưới con mắt thi sĩ, phố núi vẫn đầy chất lãng mạn. Đặc biệt cả Kim Tuấn lẫn Vũ Hữu Định đều có dáng người thấp đậm, da mặt hồng hào và hơi ngâm đen. Khác nhau là Kim Tuấn ăn nói nhỏ nhẹ, cử chỉ từ tốn; còn Vũ Hữu Định cử chỉ và ăn nói đều nhanh lẹ.
Dẫu đã hơn nửa thế kỷ nhưng tôi không thể nào quên cái cách mà Vũ Hữu Định “làm quen” với tôi. Đó là một sáng Chủ Nhật cuối năm 1971, tôi đang ngủ nướng trên căn gác thuê trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay là Huỳnh Văn Bánh) - Phú Nhuận, bỗng nghe có tiếng gọi từ dưới sân: “Ê, Phạm Chu Sa, mày có nhà không? Tao Vũ Hữu Định đây, xuống mở cửa cho tao.” Tôi giật mình. Tuy có đọc thơ Vũ Hữu Định trên mấy tạp chí văn nghệ và biết anh là tác giả bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” được Phạm Duy phổ thành ca khúc đang rất thịnh hành, nhưng tôi chưa gặp bao giờ. Tôi la lớn “chờ một chút”, rồi vội mặc quần áo xuống mở cửa. Một anh chàng thấp, đậm người, da mặt hồng hào, bóng lưỡng, không có vẻ chi là thi sĩ cả! Anh chàng vừa bước vào cửa đã nói ngay: “Tao mới ở bến xe tới. Cho tao đi vệ sinh xong sẽ nói chuyện với mi sau.” Sau khi đã vệ sinh tắm rửa ở tầng trệt, vừa lên gác anh chàng đã hỏi: “ Mày có tiền không, chở tao đi ăn sáng đi. Tao đói bụng quá.” May quá, tôi lục hết túi trên túi dưới còn đủ tiền đi ăn bánh cuốn bình dân đầu ngõ, rồi chở anh qua quán cà phê quen, có thể ký sổ. Bấy giờ anh chàng mới để tôi hỏi: Sao ông biết địa chỉ nhà tôi? - Vậy mới là Vũ Hữu Định chứ! Định nói. Tao hỏi thằng Nam Chữ. Hình như nó cũng thường ghé mày? Tôi bảo, nó thường ghé căn gác phía sau với Võ Chân Cửu và Nguyễn Lương Vỵ. Ba đứa nó là bạn thân. (Nay thì cả Nam Chữ - sau đổi thành Phạm Mạnh Hiên, Võ Chân Cửu và Nguyễn Lương Vỵ đã lần lượt ra đi!)
Gặp thằng bạn thân ở cùng phòng tôi là Trịnh Lợi trong quán cà phê, tôi giới thiệu hai người với nhau (Mùa hè đỏ lửa 1972, Lợi bị động viên, là sĩ quan quân tiếp vụ đóng ở Đà Nẵng, lấy vợ người Hội An. Sau 75 khi đi học tập cải tạo về, Lợi làm việc ở Đà Nẵng, thường gặp Định. Chính Lợi là người báo tin tôi biết Định chết năm 1981 sau khi uống say té vịn lan can gác gỗ bị gãy đổ!). Tôi hỏi Định, nghe ông trốn quân dịch sao có thể đi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn tỉnh rụi vậy? Ông không bị cảnh sát xét giấy à? Vũ Hữu Định cười, đó là “bí quyết” của tao. Rồi Định thao thao kể bí quyết trốn lính. Chàng thi sĩ không có mảnh giấy lận lưng nhưng vẫn thường ngao du từ Trung vào Nam. Bí quyết của chàng là thường xuyên cập nhật tên và cấp bậc các sếp cảnh sát hay sếp quân cảnh của mỗi trạm trên quốc lộ 1 từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Đến một trạm nào thấy có cảnh sát lên xe xét giấy hoãn dịch, chàng sẽ vỗ vai anh cảnh sát hỏi tỉnh queo, đại úy X còn làm trưởng chi cuộc ở đây không? - Dạ vẫn còn. - Về nói có nhà thơ Vũ Hữu Định gởi lời thăm X nhé! Dĩ nhiên anh cảnh sát làm sao dám hỏi giấy ông bạn của sếp mình!
Định còn dạy thêm tôi vài chiêu khác: “Ở Sài Gòn mày nên đi bộ, trong tay nhớ cầm điếu thuốc chưa đốt… làm cảnh. Lỡ khi gặp cảnh sát đang chận đường xét giấy hoãn dịch, mày cứ bình tĩnh, đừng dại dột quay lưng đi hướng khác là nó thổi còi ngay. Mày tà tà bước tới hỏi tay cảnh sát có hộp quẹt không, cho xin tí lửa! Không thằng nào lại hỏi giấy khi mày hỏi xin lửa! Còn khi cần đi hơi xa phải chạy xe, mày nhớ đi vào giờ cao điểm và chạy đường chính, cảnh sát không bao giờ chận xe đường chính giờ cao điểm vì sợ bị kẹt xe!”
Vũ Hữu Định nói đùa: Mấy bài tao dạy để phòng khi có cơ hội dùng đến, mày và bạn mày trả công tao ăn ở nhà mày một tuần nha. Trịnh Lợi, bạn tôi nói, ok, chuyện nhỏ. Tôi cười, tôi đang hoãn dịch gia cảnh, mắc chi trốn cha nội! Nhưng đâu ngờ mấy tháng sau tôi không còn được hoãn dịch gia cảnh nữa. Gia đình tôi có bốn anh em trai, ba người anh tôi trong quân ngũ, người còn lại là tôi được hoãn dịch gia cảnh. Nhưng một ông anh tôi đào ngũ. Thế là tôi bị cúp suất hoãn dịch. Phải nhập ngũ, nhưng tôi bất phục tùng. Cũng nhờ mấy chiêu Vũ Hữu Định dạy rất hiệu quả, suốt hơn một năm chưa bị sờ gáy lần nào!
Và cũng từ khi tôi trốn lính, đồng bệnh tương lân, chúng tôi thân nhau. Nhưng chỉ Vũ Hữu Định chủ động ghé tôi, còn tôi khi lãnh lương hay có nhuận bút, muốn tìm Định lai rai mấy chai cũng không biết tìm hắn ở đâu. Khi Định gặp tôi, anh đã gần ba mươi tuổi, đã có vợ con nhưng vẫn cứ lang bạt kỳ hồ, đôi lúc hồn nhiên như trẻ thơ. Định lớn hơn tôi mấy tuổi nhưng hắn bảo, thôi gọi mày tao cho thân mật, chứ ông ông tôi tôi nghe nó xa cách quá. OK, mày tao thì mày tao. Thỉnh thoảng Định tạt qua nhà tôi như cơn gió. Hỏi, có tiền không, làm vài chai, mày. Nếu túi rỗng tôi cũng chay mượn đâu đó, hay ghé bà má nuôi xin mấy chục mời bạn vàng vài chai.
Nhân đây tôi xin đính chính bài viết của Trương Điện Thắng trên báo Thanh Niên - từ năm 2010 mà tôi không đọc được, mãi gần đây tôi mới nghe một người bạn nói và tìm đọc lại trên Google. Thắng có sự nhầm lẫn khi viết bài “Tâm sự về cố nhà thơ Vũ Hữu Định.” Thắng viết đại ý là Vũ Hữu Định nhận được nhuận bút Phạm Duy trả cho bài thơ phổ nhạc “Còn chút gì…” đã nhờ Phạm Chu Sa làm giúp giấy hoãn dịch giả, nhưng sau đó bể, cả Định và Sa đều bỏ trốn! Tôi nghĩ có lẽ Định kể trong lúc nhậu say nên Thắng nghe nhầm. Còn tác quyền thơ trong ca khúc “Còn chút gì...” do nhà xuất bản hay nhà phát hành nhạc trả chứ nhạc sĩ Phạm Duy chẳng bao giờ trả cả. Thật ra số tiền Định nhận được không bao nhiêu, vào tay Định chỉ tiêu phéng trong mấy ngày. Định nhận từ năm 1970 đến cuối năm 1973 làm gì còn để nhờ Phạm Chu Sa làm giấy hoãn dịch! Huống chi tiền làm giả giấy hoãn dịch là số tiền không nhỏ!
Chính tôi là người nhờ Vũ Hữu Định làm giúp giấy hoãn dịch giả. Một người bạn thân chung của Định và tôi là nhà thơ Phạm Thanh Chương hiện nay vẫn đang ở đường Nguyễn Trãi (góc Cống Quỳnh) biết rất rõ chuyện này. Bấy giờ, năm 1973, thỉnh thoảng Định ghé chỗ Chương trong thành Ô-ma, có khi tạt qua nhà tôi thuê gần chỗ Chương. Phạm Thanh Chương đã viết chuyện này trong ký sự về Phạm Chu Sa trên FB của anh vài năm trước. Quý vị có thể xem trên FB Phạm Thanh Chương.
Chuyện bắt đầu từ một tối đầu tháng 10 năm 1973, Vũ Hữu Định ghé tôi bảo “Tao có mối làm giấy hoãn dịch giả nhưng có gốc thật, giá năm chục ngàn. Mầy xoay tiền làm đi. Trốn chui trốn nhủi khổ lắm. Tao không có tiền phải chịu thôi. Vả lại tao đã quen rồi. Tôi nói, để tao tìm cách xoay đã. Bấy giờ năm chục ngàn là số tiền khá lớn. Tôi tuy trốn quân dịch nhưng vẫn làm báo, cả lương và nhuận bút được vài chục ngàn một tháng vừa đủ thuê nhà, ăn uống, nhậu nhẹt lai rai, tháng nào hết tháng nấy, làm gì có dư đến năm mươi ngàn. Tôi chợt nhớ cô bạn gái L.T.B.V. làm ở công ty Giấy Đồng Nai (COGIDO) mà tôi vẫn thường liên lạc mua giấy in báo TN. Lương cô khá cao, gia đình khá giả, đi làm bằng xe hơi. Thỉnh thoảng chiều cuối tuần, cô lái xe đón tôi ăn uống. Tôi hỏi mượn, ngay hôm sau cô đem cho tôi bao thư dày cộm có 100 tờ giấy bạc 500 đồng in hình Đức Thánh Trần Hưng Đạo màu đỏ mới toanh. Sáng hôm sau tôi đưa tiền cho Vũ Hữu Định, buổi chiều hắn mang giấy hoãn dịch đến cho tôi. Tôi so với giấy hoãn dịch cũ của tôi đã hết hạn từ năm ngoái, hai giấy giống y chang. Bấy giờ tôi đang thuê chung apartment cạnh rạp Khải Hoàn với Hoàng Lạc - họa sĩ trình bày báo Hòa Bình. Trước đó tôi thường vào ngủ nhờ chỗ Phạm Thanh Chương, nhà văn và là cán bộ Xây dựng Nông thôn. Tổng hành dinh của Lực lượng Xây dựng Nông thôn ở trong thành Ô-ma. Trốn lính nơi đây rất an toàn. Nhưng nhiều khi về khuya rất ngại ra vô một nơi chốn có lính canh lính gác, nên phải thuê nhà. Và để B.V. thỉnh thoảng ghé chơi cũng tiện.
Ngay buổi sáng đầu tiên có giấy hoãn dịch mới, tôi lấy xe chạy từ rạp Khải Hoàn qua quán bún bò Huế nổi tiếng trên đường Bùi Thị Xuân. Nhưng vừa tới đầu đường Bùi Thị Xuân đã thấy cảnh sát đứng chặn tuýt còi. Tôi ung dung móc cái giấy hoãn dịch mới toanh ra đưa, mặt còn ra vẻ vênh váo! Tay thượng sĩ cảnh sát có vẻ đầy kinh nghiệm, hắn lật qua lật lại cái thẻ rồi bỏ túi, nói như đinh đóng cột: “Giấy giả”, Tự nhiên tôi thấy bầu trời như sụp đổ, lần đầu trong đời tôi nghe trái đất quay dưới chân mình. Cả tôi và xe bị đưa về cảnh sát quận nhì (nơi bây giờ là Công An quận nhất), bị tạm giam chờ điều tra đường dây làm giấy giả.
Theo lời Phạm Thanh Chương kể lại trong bài viết anh đăng trên FB của anh thì, khi nghe tin tôi bị bắt, Vũ Hữu Định biến ngay khỏi Sài Gòn. Trước khi biến, Định còn nói với Chương khi hai người tình cờ gặp nhau trước tòa soạn báo Văn ở đường Phạm Ngũ Lão: “Thằng Phạm Chu Sa ngu quá, làm giấy giả để lận lưng chứ đưa cảnh sát chi cho bị bắt! Chương bèn nói nếu giấy giả thì làm chi cho tốn tiền? Định phán, làm gì có giấy thật mà làm. Nói xong Định biến mất.” (trích lời PTC). Trong khi hắn nói với tôi là giấy thật, có gốc! Điều tra viên hỏi tôi tên và địa chỉ người làm giấy giả. Tôi khai một người tên Nam gặp ở quán cà phê Năm Dưỡng trung gian làm giùm. Tôi khai tên Nam khi chợt nhớ tên cúng cơm Lê Quang Trung của Định để lừa cảnh sát, chứ Cà phê bình dân Năm Dưỡng ở trong hẻm gần góc đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Lý Thái Tổ, giá bình dân nhưng rất ngon, khách đông như kiến, cảnh sát có tới đó điều tra tới tết Công-gô cũng chưa ra!
Tôi bị tạm giam ở Nha Cảnh sát Đô Thành, má nuôi tôi đến thăm. Tôi nhờ bà lên công ty COGIDO trên đường Nguyễn Công Trứ gặp cô B.V. báo cho cô ấy biết tôi bị bắt. B.V là cháu ruột thứ trưởng bộ Nội vụ L.C.C. Cô ấy đã nhờ ông chú gọi qua bên cảnh sát, nên mấy hôm sau ra tòa, công tố viên hỏi tôi muốn đi lính hay ngồi tù? Dĩ nhiên tôi đồng ý đi lính - để còn có cơ hội đào ngũ! Tôi bị đưa lên TTHL Quang Trung, tuần sau chuyển ra TTHL Lam Sơn. Và 9 tuần sau tôi “tốt nghiệp” binh nhì, được đưa lên trung đoàn 45 - sư đoàn 23 đóng ở Ban Mê Thuột bắt đầu đời lính thú.
Cũng may ở đây này tôi gặp họa sĩ Rừng – tức nhà văn Kinh Dương Vương là lao công đào binh vừa phục hồi binh nhì thuộc trung đoàn 53, cùng sư đoàn 23. Hai đứa tôi thuê nhà ở chung để viết, vẽ. Đến đầu năm 1975, tôi đào ngũ từ Ban Mê Thuột lên Đà Lạt ẩn cư, nhưng rồi Đà Lạt sắp thất thủ, tôi chạy về Sài Gòn, rồi chạy ra Nha Trang đón gia đình từ Bình Định chạy vô nhưng không gặp ai. Trở lại Sài Gòn trong những ngày dầu sôi lửa bỏng. Tôi cố tìm B.V để nói lời cảm ơn nhưng không tìm không gặp. Chắc là cô đã di tản cùng gia đình. Đến bây giờ tôi vẫn canh cánh trong lòng món tiền mượn để làm “giấy hoãn dịch giả thất bại” mà tôi chưa trả được! Hy vọng qua bài viết này, B.V. ở một nơi nào đó đọc được, tương tác lại để tôi được cảm ơn và cho phép tôi thanh toán khoản nợ tiền duy nhất trong đời tôi chưa trả được gần nửa thế kỷ qua!
Cũng may ở đây này tôi gặp họa sĩ Rừng – tức nhà văn Kinh Dương Vương là lao công đào binh vừa phục hồi binh nhì thuộc trung đoàn 53, cùng sư đoàn 23. Hai đứa tôi thuê nhà ở chung để viết, vẽ. Đến đầu năm 1975, tôi đào ngũ từ Ban Mê Thuột lên Đà Lạt ẩn cư, nhưng rồi Đà Lạt sắp thất thủ, tôi chạy về Sài Gòn, rồi chạy ra Nha Trang đón gia đình từ Bình Định chạy vô nhưng không gặp ai. Trở lại Sài Gòn trong những ngày dầu sôi lửa bỏng. Tôi cố tìm B.V để nói lời cảm ơn nhưng không tìm không gặp. Chắc là cô đã di tản cùng gia đình. Đến bây giờ tôi vẫn canh cánh trong lòng món tiền mượn để làm “giấy hoãn dịch giả thất bại” mà tôi chưa trả được! Hy vọng qua bài viết này, B.V. ở một nơi nào đó đọc được, tương tác lại để tôi được cảm ơn và cho phép tôi thanh toán khoản nợ tiền duy nhất trong đời tôi chưa trả được gần nửa thế kỷ qua!
Sau tháng Tư 1975 là quãng thời gian khó khăn, nhưng tôi vẫn mong có dịp đi Đà Nẵng thăm lại bạn vàng, nhậu một trận nhừ tử rồi có thể “trách móc” hắn chuyện cái giấy hoãn dịch giả không có gốc nhưng hắn nói có gốc đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Nhưng tôi chưa đi Đà Nẵng được thì năm 1981, Trịnh Lợi - bạn tôi từ Đà Nẵng nhắn tin Định vừa mất, tôi buồn suốt nhiều ngày…
Là nhà thơ nổi tiếng nhưng lúc sinh thời, Vũ Hữu Định chưa in được một tập thơ. Mãi đến năm 1996 - mười lăm năm sau khi Định mất, Trần Từ Duy - một nhà thơ gốc Đà Nẵng rất thích thơ và ngưỡng mộ tính cách giang hồ của Vũ Hữu Định mới đứng ra quyên góp trong anh em văn nghệ, in tập thơ đầu tay “Còn chút gì để nhớ” cho người bạn vong niên quá cố… Mười mấy năm trước, Trần Từ Duy cũng giã từ cõi tạm, “đi theo” cố thi sĩ Vũ Hữu Định.
Gửi ý kiến của bạn