NGUYỄN HỒNG - Con kiến bị giết

28 Tháng Tám 20224:30 CH(Xem: 4814)
NGUYỄN HỒNG - Con kiến bị giết
Tôi vừa giết một con kiến vô tội. Là con kiến lửa. Chắc chắn nó màu đỏ. Đỏ từ chân lên đỉnh đầu. Nếu phóng to lên qua kính hiển vi, dưới ánh nắng như nung giữa mùa hè nó thực sự là một đốm lửa. Đốm lửa di chuyển trên tay tôi. Trầy trật trèo qua lớp lông măng lởm chởm nhớp nháp mồ hôi. Tôi chả biết nó trèo lên tay tôi bằng cách nào và từ khi nào. Chỉ thấy xót xót, nhột nhột phía tay nên tôi để ý. Nó chưa cắn tôi. Vì nếu đã cắn, tôi đã cảm thấy đau, mẩn ngứa, sưng tấy. Nó chưa kịp cắn tôi thì tôi đã giết nó. Trong đầu tôi lúc đó chả suy nghĩ gì nhiều, chỉ mơ hồ xoẹt qua đầu ý nghĩ rằng nó sẽ cắn mình, sắp cắn mình không lúc này thì lúc khác. Nhưng đó không phải là nguyên nhân tôi giết nó. Tôi chẳng thể cắt nghĩa được. Tôi dí ngón tay. Bình thản. Tôi không cần phải dùng sức quá nhiều. Nó quá nhỏ bé. Tôi ấn nhẹ. Chắc nó cũng chẳng kịp giãy. Hoặc nó có giãy, tôi cũng chẳng thể biết. Nó quá nhỏ bé, quá tầm thường. Một con vật vô tri, nhỏ nhoi như hạt bụi. Nó vừa chết dưới tay tôi mà chưa biết lý do gì. Một cái chết tức tưởi, oan ức.

Làm phận kiến chết là bình thường. Chết vì đào hào đục tường làm tổ nơi có con người sinh sống. (Tất nhiên, nếu nó có ý thức xây tổ ở một nơi khác không động chạm gì đến sự bình yên của loài người chắc chắn nó không chết vì bị giết). Chết vì cắn xé miếng ăn của con người. Người xưa khuyên chó treo mèo đậy. Đối với kiến thì dù có treo, có đậy, có che chắn đằng trời thì kiến vẫn cứ hoàn kiến. Chúng bu đen bu đỏ trên thức ăn trông phát khiếp. Ăn vào không đặng, đổ đi xót lòng. Từ xa xưa, thức ăn luôn là đối tượng được trân trọng, là mồ hôi nước mắt của người lao động, là xương máu của những nhà buôn, đôi lúc là liêm sỉ, là danh dự, là tự trọng của những người lóng ngóng với kinh tế thị trường và lơ ngơ với thời cuộc. Lũ kiến chẳng cần đổ mồ hôi, không phải đổ máu, không mất chút danh dự, liêm sỉ nào. Chúng ngang nhiên hưởng lợi. Sự ngang nhiên chiếm đoạt ấy nếu không trót lọt phải trả giá bằng tính mạng. Nếu trót lọt thì chúng bị loài người nguyền rủa, chửi bới. Đại loại là, mả cha lũ kiến, quay đi quay lại chưa kịp ăn chúng đã ăn nát hết cả rồi. Nhưng những câu chửi ấy được phát ra bằng ngôn ngữ của loài người. Loài kiến có ngôn ngữ của loài kiến, chúng không thể hiểu ngôn ngữ của loài người được. Mà lỡ có phiên dịch để hiểu được thì những chì chiết, chửi bới ấy cũng diễn ra đằng sau lưng chúng. Thành thử người chửi thì người nghe. Thì đã sao, kiến đã xử lý thành quả một cách trọn vẹn ở một nơi nào đó khuất mắt loài người.

Bỏ qua những cái chết bất đắc kỳ tử, chết vì tai bay vạ gió, chết vì bị chấn thương, bị tai nạn… Mọi cái chết đều có quy luật của nó. Nhưng con kiến sáng nay tôi giết thì chết chả theo quy luật nào, chả vì lý do gì cả. Nó chưa kịp cắn tôi. Cũng có thể nó chả thèm cắn tôi. Nó chỉ bò qua tay tôi để đến một điểm khác nhiều thức ăn hơn, nhiều điều mới mẻ hơn, nhiều đồng đội hơn. Nó chỉ một mình. Và nó đã chết một mình.


Khi ngón tay tôi giơ lên dí vào con kiến cho đến chết, tôi chẳng nghĩ ngợi gì. Cùng lắm, trong vô thức tôi bỗng nghĩ phải giết con kiến này không thì nó sẽ cắn. Tôi lơ đễnh ngắm phố, ngắm dòng người bươn bả xuôi ngược. Tay trái tôi cầm tách cà phê nâu màu cánh gián, nhấp môi rồi đặt xuống. Tay phải tôi dùng để giết con kiến. Khi ngụm cà phê vừa đi qua cuống họng, tan trong một cảm giác rất đã thì con kiến đã nằm thẳng đơ. Nó chẳng động đậy gì nghĩa là nó đã chết. Tôi nhấp thêm ngụm cà phê, thổi xác con kiến khỏi tay và đứng dậy. Tất nhiên trước khi rời khỏi chỗ ngồi, tôi để lại tờ tiền vừa đủ mệnh giá với ly cà phê, chắn hờ dưới cốc nước chè xanh đang uống dở, gọi với vô trong bảo thằng bé chạy bàn ra lấy tiền. Nó đã quen với mỗi sáng tôi ngồi đây nên thủng thẳng chào. “Chị về đi, để tiền đó chốc em ra lấy”. “Cẩn thận gió bay nhé”. Tôi dặn thêm. Nó chả ậm ừ gì, chỉ cười một nụ cười ổn định, cũ rích với tôi cũng như với tất cả mọi người. Tôi trả lại chỗ ngồi cho quán. Có người đi ngược đường gật đầu chào tôi. Một người quen mặt mà chưa biết tên. Chắc là khách quen uống cà phê sáng của quán. Tôi gật đầu chào. Gã cũng gật đầu chào lại. Gã ngồi vào chỗ cũ tôi vừa ngồi. Nhác thấy tờ tiền để lại, gã gọi luýnh quýnh. “Chị ơi, chị quên tiền”. Tôi bảo là tiền tôi giả cà phê đấy. Gã ngây ngô cười trừ. Trên tờ tiền một con kiến đang bò. Là kiến lửa. Tôi thấy gã giơ cao ngón tay như sắp dí vào con kiến. Tôi nín thở, theo dõi. Nhưng không, gã với tay bật công tắc quạt. Tờ tiền và con kiến bay khỏi mặt bàn. Không hiểu sao tôi thấy thở phào nhẹ nhõm. Tôi nở nụ cười cùng gã. Là nụ cười hiền giống như biết ơn. Nếu đã thân thiện, có thể tôi sẽ ngồi thêm với gã một chút, kể dăm ba câu chuyện tầm phào và chắc chắn tôi sẽ kể với gã là sáng nay tôi vừa giết một con kiến tại chỗ này. Nhưng cả tôi và gã đều chỉ là những người uống cà phê quen mặt, gật đầu chào nhau vậy là đã thân thiện lắm lắm rồi. Ơn trời là gã đã không giết con kiến. Tôi đi thẳng vô phòng làm việc. Trên quãng đường đi bộ, hình ảnh con kiến vừa bay vụt khỏi mặt bàn thoát chết hiện ra lởn vởn trong đầu tôi. Chỉ trong gang tấc, nó đã thoát chết. Thật kỳ diệu. Tự dưng tôi thấy vui vui vì điều này. Thật lạ là niềm vui này đến ngay sau khi tôi vừa giết một con kiến. Tôi bắt đầu thấy phân vân về sự nhẹ nhõm của tôi khi con kiến vừa thoát chết. Vì sao? Tôi chưa lý giải được. Ừ nhỉ? Vì sao mình lại vậy nhỉ? Vì sao mình vui vì con kiến ấy thoát chết nhỉ? Vì sao lúc sáng mình giết con kiến một cách vội vàng vậy nhỉ? Nó đã không cắn mình. Cớ sao mình giết nó nhỉ? Động cơ nào khiến tôi giết nó? Nếu chỉ để bảo vệ sức khỏe và tính mạng thì con kiến bé xíu này đã làm được gì tôi cơ chứ.  Cùng lắm thì mẩn ngứa. Ngứa thì gãi. Gãi không đã thì bôi thuốc. Mặt tôi ngây thuỗn ra. Tôi nghĩ lan man đủ thứ. Tôi gặp một đồng nghiệp. Tôi gật đầu chào. Đồng nghiệp đang vội vã việc gì đó vừa đi vừa chạy vừa nói như dặn dò. “Sếp có hỏi thì bảo anh vừa ra ngoài nhé. Anh đau bụng quá. Chắc sáng nay ăn cháo canh nhà bà Mập không hợp”. Tôi gật đầu nhận lời làm đồng minh cho đồng nghiệp. Gì chứ nói dối sếp là chuyện nhỏ nhé. Kiếp làm nhân viên có thâm niên không nói dối sếp to thì cũng nói dối sếp nhỏ đôi ba lần. Mấy câu dối thỏn mỏn chỉ để trốn giờ làm cà phê cà pháo hay bù khú shop – ping linh tinh khi công việc đã cảm thấy ổn định làm gì đã đến nỗi cháy nhà. Nhất là sự nói dối đó chưa xâm phạm đến quốc gia đại sự, chưa ngay lập tức làm tăng âm lực giọng nói cũng như cơn tam bành của sếp khi việc cần người mà kiếm người không có. Chắc đồng nghiệp cũng chỉ bớt xén thời gian công vụ chốc lát để dỗ cái bụng cho êm thôi chứ lâu lắc gì. Tôi định níu đồng nghiệp lại nói nhỏ chuyện về con kiến. Chí ít thì đó là một trong số ít đồng nghiệp tôi có thể chuyện trò. Nhưng thấy đồng nghiệp vội vã quá, tôi cất đó, tiện thì sẽ nói. Đằng nào thì tôi cũng đã giết nó mất rồi.

Cái chết đến với nó thật nhẹ, vào một buổi sáng đẹp trời. Tôi bắt đầu thấy day dứt. Đáng lẽ tôi không nên giết nó. Nhưng sự ân hận của tôi đã quá muộn màng. Con kiến nhỏ nhoi đó chỉ còn là một cái xác. Nó nhẹ bẫng. Tôi thổi phát nhẹ hều đã theo gió bụi bay đi. Những suy nghĩ mông lung cứ chộn rộn trong đầu tôi. Thực sự nó gần giống với nỗi thương cảm.

Tôi vào cơ quan. Hình ảnh con kiến đã chết dưới tay tôi ám ảnh không dứt. Cái cảm giác con vật nhỏ bé mỏng manh cồm cộm dưới vân tay cứ đeo bám trong tâm trí. Tôi thấy khô khan trong cuống họng. Tôi phải kể chuyện này với một ai đó. Đồng nghiệp tôi gần 200 con người. Ai nhỉ? Biết chia sẻ cùng ai nhỉ? Qua tầng một. Tôi thấy nhốn nháo tiếng người. Một nhóm người đang tụ tập uống nước, ăn quà sáng và chắc chắn là kể đôi ba câu chuyện làm quà đầu ngày. Có người kể chuyện, có người nghe, có người cười to, phát ra thành tiếng hô hố không kìm được, có người cười mỉm, nhẹ nhàng. Mỗi khuôn mặt là một tâm trạng, một nụ cười ổn định. Nhưng chỉ cần rời khỏi đám đông ấy, những nụ cười hớn hở vừa mở ra sẽ đóng lại ngay tắp lự. Đôi lúc người ta còn chả biết mình đã nói gì, đã cười gì, đã phụ họa được những gì trong đám đông. Người này ôm eo người kia, khen áo đẹp, váy đẹp, xe đẹp, nhà đẹp. Họ khen nhau mê mải. Có đôi người không đợi được lời khen, họ tự khen luôn cho nhanh. Họ hào hứng kể về thành tích của con cái họ, chiến tích thương trường của vợ chồng họ, quan hệ rộng rãi với những ông to bà lớn của bản thân họ. Những ánh mắt thán phục, ngưỡng mộ. Những câu khen ngọt như mía lùi. Những ôm vai bá cổ thắm thiết như huynh đệ tỷ muội. Tôi không thể len vào giữa đám đông ấy được. Không có chỗ nào dành cho tôi. Cơn hưng phấn tập thể sẽ nguội ngắt khi cái mặt đần thối của tôi lò dò bước vào. Có thể họ sẽ rủ tôi nhập cuộc. Hoặc có thể họ sẽ tiếp tục câu chuyện như không có tôi. Khi ấy tôi chắc cũng như con kiến đi kiếm ăn một mình ấy. Nếu trót lọt, tôi sẽ đi vào, trèo qua đám đông như con kiến đã nỗ lực trèo qua cánh tay tôi, lại bàn nước, lấy một ly nước uống, rồi lặng lẽ đi ra mà không để lại dư âm gì. Nếu không may, tôi rơi vào ánh mắt khó chịu của một ai đó. Là phận kiến, tôi sẽ bị giết chết ngay tắp lự. Họ chả cần dí tay. Họ dùng điệu bộ, là ánh mắt, là lời nói. Tôi chả biết họ nói được những gì về tôi nhưng tôi đoán lờ mờ rằng họ cũng sẽ nói về tôi với đồng nghiệp abc nào đấy như đã từng nói đồng nghiệp abc nào đấy với tôi. Chả có ai tốt đẹp trong mắt họ cả. Nói là quyền của họ. Nghe là quyền của tôi. Đặt ai đó lên máy chém là quyền của họ. Chọn sống hay chết là quyền của mình. Đơn giản. Cũng như tôi đã giết một con kiến trong vô thức, chả cần nguyên cớ. Thấy ngứa mắt thì giết. Mặc dù tôi biết, nếu hiểm họa xảy ra nó chả thấm tháp vào đâu. Tôi vô hại như con kiến. Nhưng tôi đã giết một con kiến. Tôi rùng mình ân hận. Nỗi ân hận kéo khuôn mặt tôi thành dị hợm. Tôi thấy khuôn mặt tôi dài ngoẵng, tội lỗi qua tấm kính cửa phản lại. Tôi quyết định không đi vào đám đông. Tôi không tìm được sự đồng điệu ở đó. Vì ngay bây giờ, tôi chỉ muốn có người để chia sẻ mớ tâm trạng hỗn độn này. Tôi muốn nói với  ai đó về việc tôi vừa giết một con kiến. Chỉ thế thôi nhưng điều tôi mong muốn lại quá sức tưởng tượng của đám đông. Họ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt kinh ngạc. Cũng có thể họ sẽ thốt lên hoặc không thốt lên nhưng trong đầu họ tôi chẳng khác nào một con điên. Có điên mới phân vân về việc đã giết một con kiến. Nào ghê gớm gì cho cam. Những ổ kiến lửa bị dội nước sôi chết nguyên tổ, bị đổ dầu luyn châm lửa cháy phừng phừng người ta còn chả thèm lưu tâm. Có người hậm hực phải tìm cho bằng được con kiến chúa để giết. Xong việc thì phủi tay, rửa bằng nước dầu thơm sạch sẽ. Thế là xong. Đơn giản. Nhẹ cả người. Từ nay đỡ phải lo các vấn nạn về kiến. Ý thức được sự lạc lõng của mình, tôi bỏ qua đám đông về góc phòng quen thuộc. Tôi bật máy tính. Một chú kiến lửa đang bò trên bàn phím giương mắt vểnh râu nhìn tôi rồi đoạn đành bò nhanh tránh tôi như tránh quỷ dữ.  Nếu nó hiểu được, tôi sẽ giơ tay đầu hàng nó. Tôi sẽ nói với nó là bây giờ tôi còn không đủ sức để giết một con kiến để nó an tâm. Nỗi ân hận đày đọa tôi, dày vò tôi. Nếu nó hiểu, tôi sẽ chia sẻ với nó chuyện sáng nay tôi vừa giết một con kiến vô cớ, là kiến lửa, là đồng đội của mày và cầu xin lòng trắc ẩn từ nó. Nhưng nó chả hiểu gì. Nó chạy mỗi lúc một nhanh. Tránh voi chả xấu mặt nào. Tránh người cũng chả xấu mặt kiến. Nó muốn thoát khỏi con quái vật khổng lồ trước mặt càng nhanh càng tốt. Nhìn dáng nó quýnh quáng, nỗi thương cảm trong tôi lại dấy lên. Tôi dẹp một vài tài liệu trước mặt đang là vật cản để nó có thể đi nhanh hơn. Vừa là để giải thoát cho nó, vừa là để giải thoát cho tôi. Nỗi ân hận đang đeo đá. Một chốc, một lát thì nó cũng gặp đàn. Tôi thở phào… Thì ra là một con kiến lạc bầy. Chắc chắn là có một tổ kiến đang tồn tại xung quanh tôi. Bọn chúng hành quân ngay ngắn trước mắt tôi. Bóng người như những bóng ma đe dọa sự bình yên của chúng sao chúng cứ tự do đi lại thế nhỉ. Còn biết sắp hàng tăm tắp, còn hôn hít chào nhau như giễu cợt, như thách thức trước mắt loài người. Có thể chúng ý thức được thân phận. Đã là phận kiến thì chỉ biết phận kiến. Chúng an bằng sinh sôi, cặm cụi làm việc. Sống chết có số rồi. Có nguyên nhân hay không tìm được nguyên nhân phỏng giải quyết được gì. Sống hay chết đều chỉ là những trạng thái.

Tôi thấy nguôi dần nỗi ân hận vì đã giết một con kiến. Màn hình hiện một cái vẫy tay mặc định. Tôi mỉm cười. Tôi cười với tôi. Hay với cái máy tính trước mặt. Đôi lúc tôi thấy cười với một cái máy còn dễ cười hơn giữa đám đông. Tôi bắt đầu công việc. Tôi quên hết. Cả đám đông ồn ào và cả con kiến bị chết oan ức. Đã mang phận kiến thì chỉ biết phận kiến. Hình như con kiến lúc nãy đang quay lại với tôi, nó vểnh râu nhìn tôi như chia sẻ. Có những tội lỗi nảy sinh trong vô thức. Hãy chế ngự.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Mười Một 20245:34 CH(Xem: 292)
Nét bút của người đàn ông, đã chết từ lâu.
10 Tháng Mười Một 20244:37 CH(Xem: 636)
Giải Nobel Văn học năm 2024 đã được trao cho Han Kang, một tác giả người Nam Hàn, vì "văn xuôi thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người".
04 Tháng Mười Một 202410:41 SA(Xem: 395)
Từ lúc trung học đệ nhị cấp, tôi đã là người cọp sách chuyên nghiệp.
31 Tháng Mười 20245:51 CH(Xem: 1016)
Ở hai bên con đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu.
31 Tháng Mười 20248:41 SA(Xem: 651)
Chỉ định ghé vào tiệm sách mua mấy chiếc bao thư và một lọ hồ dán mà ông lại lang thang giữa các quầy sách gần hai giờ đồng hồ
21 Tháng Mười 20248:22 SA(Xem: 439)
Thời đó, lũ con trai chúng tôi khoái chơi với ve sầu, dế hơn là bươm bướm.
13 Tháng Mười 20242:31 CH(Xem: 757)
Mãi mãi tôi chờ quỳnh dưới đáy hồ nước xanh trong và thơm như môi nàng.
25 Tháng Chín 20247:47 SA(Xem: 1135)
Bên bờ Đông Hồng Hải, trong buổi chiều đang chìm dần theo một Mặt Trời rất đỏ, có người trai Lebanon lặng lẽ giữa những nỗi-niềm-chung-riêng-quá-đỗi
15 Tháng Chín 20249:22 SA(Xem: 1124)
Ngược dòng. Tôi ngược dòng trận đại hồng thủy và loạt vỡ núi kinh dị trong lịch sử khí hậu Việt Nam...
07 Tháng Chín 20249:21 SA(Xem: 1236)
hãy nghĩ về những ngọt ngào thú vị ngày xưa
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21448)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16141)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17802)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10500)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19034)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5309)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1995)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2611)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2382)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23710)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20154)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8994)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10089)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9361)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12550)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31998)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21639)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26806)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24202)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23013)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21150)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20292)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17800)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16858)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26118)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33399)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35682)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,