Mùa Địa Ngục là một truyện dài thể loại fiction gồm ba truyện vừa kết hợp (Tam Bộ Khúc/Trilogy): Một Thời Điêu Linh, Mùa Địa Ngục, và Vàng Rơi Mênh Mông. Ba truyện có một nền chung: Cuộc chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, và mỗi truyện có những nhân vật với phần đời riêng nhưng lại liên hệ với nhau.
Trên Tạp chí Văn chương Da màu online, Đặng Thơ Thơ viết:
“Một Thời Điêu Linh” của Lê Lạc Giao. Viết theo thể dụ ngôn, đặt những suy tư về thời hậu chiến vào hệ quy chiếu của ký ức chấn thương; tác phẩm này là một cách nhìn biện chứng sâu sắc về cội nguồn quá khứ Việt, một chiêm nghiệm thâm trầm và cô đọng về một dân tộc quá kiêu hãnh về lịch sử của mình “đến nỗi đánh mất dần sự khôn ngoan cần thiết…” (Lê Lạc Giao) Tác giả tiếp tục đẩy xa hơn nữa những khả thể về cội nguồn đích thực của dân tộc Việt. Khi nhân vật chính đi lạc vào bộ tộc khỉ biết nói tiếng người, anh phải đối mặt với những câu hỏi về bản thể người của mình. Có sự hoán chuyển kỳ ảo giữa chủ thể và khách thể, người và khỉ, và tính biện chứng trong các khái niệm dân tộc, lịch sử, không gian, thời gian tương đối…
Nhà văn Phan Tấn Hải nói về truyện dài Mùa Địa Ngục:
Trong truyện là ước mơ lớn về một quê nhà hạnh phúc tương lai, khi bạo lực biến mất. Đó là những hình ảnh rời, nơi này và nơi kia, của quê nhà, của tuổi thơ lớn lên trong thơ và nhạc, của những mối tình đầy thơ mộng và cũng đầy bất toàn, của những gian nan trong trại tù và ngoài xã hội, và rồi những ngày lưu vong ra hải ngoại vẫn không ngừng tha thiết hướng về nơi mình đã rời đi…
Tô Đăng Khoa nhận định Mùa Địa Ngục:
Nhà văn Lê Lạc Giao với năm tác phẩm trong vòng 10 năm với cùng một chủ đề - Chiến Tranh và Tình Yêu đã cho chúng ta nhìn thấy những hệ lụy vô cùng lâu dài và vô hình của chiến tranh trên tâm lý con người. Xa hơn nữa, qua những câu thoại rất thâm sâu của các nhân vật tiểu thuyết, Lê Lạc Giao còn phơi bày vai trò của truyền thống, của lề lối tư duy cũ, đã cầm tù và giam hãm sự phát triển của con người và xã hội Việt Nam ra sao. Lấy hệ lụy của chiến tranh làm nền, truyền thống làm hạt giống, và lề lối tư duy một chiều không bao giờ biết cật vấn truyền thống làm nước tưới tẩm hàng ngày, dân tộc Việt đã ngủ quên dưới bóng râm của “sự bằng lòng, kiêu hãnh, và tự tôn” (chữ của Lê Lạc Giao) từ tàn cây của “định mệnh dân tộc”…
Sách có bán trên Barnes & Noble giá $20.00
https://www.barnesandnoble.com/w/mua-dia-nguc-lac-giao-le/1142085085?ean=9798887574905
Đọc “Mùa Địa Ngục” của Lê Lạc Giao
Chiến Tranh và Truyền Thống Trong Sự Hình Thành Định Mệnh Dân Tộc
Tác phẩm “Mùa Địa Ngục” là tác phẩm thứ năm của nhà văn Lê Lạc Giao (LLG) do Nhà Xuất Bản Triết Văn ấn hành trong năm 2022. Bốn tác phẩm trước là: “Một Thời Điêu Linh” (2013), “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” (2016), “Có Một Thời Nhân Chứng” (2018), và “Nụ Cười Buồn Mùa Hè” (2020).
Năm tác phẩm lần lượt ra đời trong vòng mười năm là những tinh túy cô đọng của hơn 40 năm chiêm nghiệm về cuộc chiến tranh Việt Nam, và thân phận của người Việt Nam với vai trò nhân chứng hay là nạn nhân của cuộc chiến đó. Những nhận định, chiêm nghiệm cô đọng này được cảm nhận bàng bạc trong từng câu thoại của những nhân vật trong truyện của Lê Lạc Giao. Chúng là kết quả của tiến trình sáng tạo bền bỉ và lặng lẽ đúng như lời nhận định của thi sĩ Du Tử Lê:
“Đam mê và sáng tạo một cách bền bỉ và lặng lẽ, không ngừng tự tra vấn về bản thân và thế sự, trầm tĩnh nhưng rất nhạy cảm, tinh tế trong cách quan sát, nhìn nhận bằng con mắt và trái tim nhân hậu. Đó là nhận định khái quát nhất của tôi khi đọc truyện của LLG.
Đặc điểm lớn nhất trong truyện của LLG là chất liệu sống động trong đời thực, của bản thân, bằng hữu, được anh thu thập, góp nhặt lại, và, bằng một bút pháp tài hoa đã được tôi luyện, anh nâng lên thành văn chương, thành “truyện” theo một ý nghĩa dung dị nhất. Đúng như anh đã tâm sự: “Mỗi truyện ngắn là một kỷ niệm.” (Trích từ trang nhà dutule.com)
Quả thật như vậy, qua những lần hàn huyên tâm sự với anh Lê Lạc Giao qua tách cà phê hay ly vang đỏ, tôi được biết tất cả nhân vật trong truyện của LLG đều lấy cảm hứng từ những kỷ niệm giữa anh và bạn bè anh. Thế hệ của anh là một thế hệ mà khi sinh ra đời đã bị ném vào bối cảnh của một cuộc chiến tranh tàn khốc. Tuổi trẻ của thế hệ nhà văn Lê Lạc Giao ai cũng phải trải qua “Một Thời Điêu Linh”. Đỉnh điểm của thời điêu linh này là biến cố 1975 khi Sài Gòn thất thủ. Khi đó tất cả đều bị mất trắng, cái duy nhất còn lại cho thế hệ của nhà văn Lê Lạc Giao có lẽ chỉ là ký ức. Đó là thứ ký ức đau buồn về một thời điêu linh mà cả thế hệ của Anh phải gánh trên lưng như một nấm mồ:
“Khi chiến tranh đi qua, mọi người tưởng như ra khỏi cơn ác mộng nhưng sự thật không phải giản dị như thế. Bóng tối quá khứ nhuốm đen quãng đời còn lại.” (Trích “Một Thời Điêu Linh”)
Với vai trò nhân chứng của cuộc chiến, nhà văn Lê Lạc Giao phác họa cho cho chúng ta thấy những hệ lụy tuy vô hình, sâu kín, nhưng vô cùng thảm khốc của chiến tranh trên từng số phận của các nhân vật trong truyện của mình. “Bóng tối quá khứ nhuốm đen quãng đời còn lại”: Đó là những di hại về mặt tâm lý của dân tộc Việt, nhất là ở bên phe bại trận, có lẽ chưa từng được thống kê, chưa từng được nghiên cứu bởi học giả Phương Tây, như trường hợp của các cựu chiến binh người Mỹ. Nhưng tác dụng của nó vẫn được cảm nhận vô cùng rõ nét và phơi bày trên từng mảnh đời tan vỡ, trong từng nỗ lực đem chính cái chết ra đánh cuộc với cơn sóng cuồng nộ của biển khơi và hải tặc để đánh đổi một hơi thở của không khí Tự Do.
Hệ lụy của chiến tranh chỉ bao gồm một nửa vấn đề, nửa còn lại là truyền thống của dân tộc Việt. Vai trò của truyền thống và mối liên hệ giữa truyền thống và định mệnh là một chủ đề mà có lẽ nhà văn Lê Lạc Giao là người cầm bút duy nhất mà tôi được biết đã khai khác đến chỗ rốt ráo nhất: “Trên sân khấu đời, người ta thường tung hô truyền thống và nguyền rủa định mệnh, mà không biết rằng định mệnh chỉ là một thứ âm bản của truyền thống.” Nhìn vào truyền thống dân tộc của chính mình, và định mệnh của dân tộc không có gì ngoài một lịch sử với chiến tranh liên miên, nhà văn Lê Lạc Giao đã nhận diện những thái độ sống tiêu biểu của truyền thống Việt đã khiến cho dân tộc bị tụt hậu rất xa so với nhiều nước trên thế giới:
“Hậu và Tu rời bỏ quê hương, vốn căn nguyên gốc rễ bế tắc của cả hai con người, một thời là nạn nhân và nhân chứng của cuộc chiến tranh tàn bạo. Hậu còn nhận ra di sản trong người anh không chỉ của cuộc chiến tranh, mà còn cả dòng lịch sử dân tộc. Bạn bè anh, đồng bào anh cùng mang vác cái di sản vĩ đại ấy như anh, nhưng với tâm thức hoàn toàn khác biệt. Cái khác biệt phổ quát nhất là đang sống trên quê hương, dưới một bầu trời hình ống cùng một hơi thở suốt một mùa địa ngục dân tộc, mà không hề mảy may có ý chí muốn thay đổi. Vì họ không nhận ra? Hay thái độ sống ‘bằng lòng, tự tôn, kiêu hãnh’ đã cha truyền con nối, hằn sâu trong tâm khảm đến độ, họ không hề hay biết mình đang sống trong thời đại mà con người vô cùng nhạy cảm với sự u mê, ngu muội của chính mình?” (Trích “Mùa Địa Ngục”).
Hơn bốn mươi năm trôi qua là quãng thời gian vừa đủ dài để những vết thương vật chất và tâm lý của từng cá nhân và cả dân tộc được lắng dịu, nhưng đó cũng là khoảng thời gian mà ký ức cộng đồng về cuộc chiến cũng bắt đầu hoen rỉ và nhạt nhòa. Chính vì thế, những tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn Lê Lạc Giao ra đời vào thời điểm này là cần thiết. Tuy mang hình thức truyện dài tiểu thuyết, nhưng đồng thời cũng có thể xem như hồi ký của một nhân chứng lịch sử. Những gì cần phải quên đi, cho vết thương tâm lý được chữa lành, thì chúng ta hãy để mặc cho thời gian bôi xóa. Nhưng những gì cần ghi nhớ, cần gìn giữ, những bài học xương máu của chiến tranh cần phải được ghi lại. Những tác phẩm tiểu thuyết của Lê Lạc Giao, với tác giả là những kỷ niệm, nhưng chúng cũng đồng thời là những sự thật lịch sử cần được lưu trữ lại về “một thời điêu linh” của một thế hệ khi đi qua mùa giông bão lịch sử dân tộc và một “mùa địa ngục” kéo theo sau.
Tác phẩm “Mùa Địa Ngục” của nhà văn Lê Lạc Giao, về cấu trúc là một truyện dài bao gồm ba truyện vừa (a trilogy) có liên hệ với nhau qua một nhân vật mang tên Hậu. Ba phần của “Mùa Địa Ngục” bao gồm: “Một Thời Điêu Linh”, “Mùa Địa Ngục”, và “Vàng Rơi Mênh Mông”.
“Một Thời Điêu Linh” xoay quanh nhân vật Hậu với bối cảnh bắt đầu từ những năm sau 1975, khi Hậu và cả tuổi thơ của anh bỗng chốc bị mất tất cả, hành trang không còn gì ngoài ký ức. Cái duy nhất còn lại này là thứ mà Hậu không biết rõ là điều hạnh phúc hay một bất hạnh trá hình. Nét đặc biệt của Hậu là anh tuy bị ném vào những khổ nạn đau thương nhưng không hề than thân trách phận, không nung nấu thù hận, anh vẫn tư duy theo lối riêng của mình để tìm ra một lối đi chung cho dân tộc trong đó bao gồm cả phe thắng trận và phe bại trận:
“Hậu về trại chừng mươi ngày, trại lại nhận thêm ba mươi trại viên. Những con người cần phục hồi sau chiến tranh. Tính ra, hòa bình đã tám năm mà vẫn còn những người cần phục hồi. …
Bên thua cuộc phải được phục hồi, như chiếc xe bị hư cần sửa chữa mới có thể sử dụng lại được. …
Sân bóng quê hương chỉ dùng để tranh hơn thua với kẻ thù xâm lược. Không bao giờ anh em sát phạt với nhau để có phe thắng phe thua, dẫn đến việc sơn sửa quả bóng lịch sử. Được như thế, dân tộc mới thực sự kiêu hãnh với nụ cười vì đã chấm dứt được sự nghi kỵ, hận thù, chia rẽ, đã từng bao lần làm đất nước khốn khổ điêu linh…
“Mùa Địa Ngục” là truyện thứ hai trong “trilogy” và cũng là tựa chung của toàn tập. Câu chuyện “Mùa Địa Ngục” lấy bối cảnh Hậu trở về sau khi đi “học tập cải tạo” và gặp lại người bạn thân năm xưa tên Tu. Mở đầu câu truyện Lê Lạc Giao có viết lời dẫn: “Đã một thời tuổi trẻ đi qua bóng tối mùa dông bão lịch sử, và tiếp nối một mùa địa ngục phía sau…” Mùa Địa Ngục có thể được xem như là những cơn hậu chấn tâm lý vẫn âm ỉ trong từng nhân chứng và nạn nhân của cuộc chiến. Sống trong “Mùa Địa Ngục”, sự hiện hữu của Hậu chỉ có thể nhận biết qua hơi thở:
“Suốt thời kỳ điêu linh trong các trại cải tạo, Hậu nhận ra mình tồn tại, sinh hoạt như mọi người nhưng với tâm thức tàn phế, tri giác đui mù và thân phận trói buộc…
Hậu tuyệt vọng. Anh chỉ còn một giải pháp duy nhất là nín thở. Nhưng nhiều đêm nhận thức tình trạng nín thở của mình, Hậu tự hỏi, “Không lẽ phải nín thở suốt đời còn lại của mình.” Rồi những đêm tiếp theo, Hậu mơ thấy mình cô đơn đứng mải miết trên ghềnh đá núi cao lắng nghe tiếng thác, tiếng ì ầm sấm động từ chân mây xa. Thức giấc dư âm giấc mơ lãng đãng, Hậu thấy mình dễ chịu hơn rất nhiều, tuy ý thức nín thở không hề biến mất, nhưng không đè nặng như trước kia. Cứ như thế mãi đến lúc Hậu được tha về với xã hội, những khó khăn chồng chất còn làm nổi bật hơn nữa hiện thực nín thở của mình. Có lúc tuyệt vọng, Hậu nghĩ đến cái chết như một phương thuốc giải quyết cơn bệnh trầm kha kia. Lúc bấy giờ cơn mơ trở về. Lần này trong tiếng sấm ì ầm kia từ miền chân trời, anh nhận ra một đôi mắt. Từ đôi mắt ấy vọng tiếng nói mơ hồ nhưng không hề xa lạ, “Về đi anh!” Thế thôi Hậu thức giấc, đếm hơi thở của mình nhận ra dường như có thêm một hơi thở thứ hai thúc đẩy hơi thở thứ nhất. Việc này xảy ra vào những lúc tinh thần Hậu suy sụp nhất. Nhưng Về Đi mang ý nghĩa gì ngoài việc Không Thể Chết và Trở Về nơi có thể cưu mang, chứa chấp cùng dung thứ, nếu có những mâu thuẫn, tranh chấp. Hậu nghĩ đến một quê hương vô vọng dành cho những con người như anh, và từ đó anh nhận ra mình thỏa hiệp với chính hơi thở duy nhất của mình.” (Trích “Mùa Địa Ngục”)
Trong “Mùa Địa Ngục” những nhân chứng của chiến tranh như Hậu thì đành “nín thở qua cầu” còn những nạn nhân chiến tranh như Tu thì ôm những vết thương tâm lý như ôm những trái bom nổ chậm mà nếu không khéo, khi đối diện với áp lực của truyền thống sẽ nổ tung và giết chết nạn nhân. Bi kịch của Tu trong “Mùa Địa Ngục” là sự khuếch tán của những âm bản truyền thống thành những định mệnh oan nghiệt đời thường trong bối cảnh những hệ lụy âm ỉ khôn lường của thời hậu chiến.
Tam bộ khúc (Trilogy) “Mùa Địa Ngục” kết thúc bằng truyện thứ ba “Vàng Rơi Mênh Mông” lấy bối cảnh của Hậu và những người bạn trong tiến trình hội nhập vào xã hội mới tại Mỹ. Khoảng thời gian hơn mấy mươi năm nhưng sức ảnh hưởng của “một thời điêu linh” và “mùa địa ngục” lên suy nghĩ và hành động của người Việt tỵ nạn vẫn rất rõ rệt. Cuộc hội nhập vào xã hội mới đòi hỏi cá nhân bỏ đi một số điều cũ và tiếp thu một số điều mới. Hình ảnh lá vàng rơi mênh mông trên triền núi, như xóa mờ cái cũ, dọn tâm thức tiếp nhận cái mới. Nhưng đối với nhân chứng chiến tranh như Hậu, sau những từng trải, Hậu bằng lòng xếp lại “một thời điêu linh” và một “mùa địa ngục” như một giấc mơ:
Hậu ôm Ngâu chỉ lên triền núi bảo, “Nhìn mùa thu, nhìn màu rừng phong vàng rơi mênh mông trên cao kia, làm anh nhớ về một giấc mơ.” Hậu giải thích, “Giấc mơ của những kẻ lang thang tìm lại bóng mình như tìm lại quê hương đã mất. Kẻ Mất Quê hương ví như người Mất Bóng. Mất Bóng chính là vốn liếng di sản bao đời cha ông để lại hôm nay không còn nữa. Chúng ta mất nhưng lại không quên di sản ông bà, tựa như chúng ta mất quê hương, nhưng không quên ánh nắng chiều quê nhà; như màu vàng rơi mênh mông trên triền núi chiều nay nơi xứ người, đưa anh trở về một giấc mộng. (Trích “Vàng Rơi Mênh Mông”)
Nhà văn Lê Lạc Giao với năm tác phẩm trong vòng 10 năm với cùng một chủ đề - Chiến Tranh và Tình Yêu đã cho chúng ta nhìn thấy những hệ lụy vô cùng lâu dài, và vô hình của chiến tranh trên tâm lý con người. Xa hơn nữa, qua những câu thoại rất thâm sâu của các nhân vật tiểu thuyết, Lê Lạc Giao còn phơi bày vai trò của truyền thống, của lề lối tư duy cũ, đã cầm tù và giam hãm sự phát triển của con người và xã hội Việt Nam ra sao. Lấy hệ lụy của chiến tranh làm nền, truyền thống làm hạt giống, và lề lối tư duy một chiều không bao giờ biết cật vấn truyền thống làm nước tưới tẩm hàng ngày, dân tộc Việt đã ngủ quên dưới bóng râm của “sự bằng lòng, kiêu hãnh, và tự tôn” (chữ của Lê Lạc Giao) từ tàn cây của “định mệnh dân tộc”. Âm bản của tư duy truyền thống không chỉ bắt gặp ở từng định mệnh đời thường mà ở một tầng cao hơn kết tụ thành một “định mệnh dân tộc” khiến cho lịch sử Việt Nam toàn là chiến tranh.
Xin cám ơn sự cống hiến và sức sáng tạo bền bỉ của nhà văn Lê Lạc Giao và trân trọng giới thiệu tác phẩm “Mùa Địa Ngục” với các bạn đọc gần xa.
Tô Đăng Khoa
8.5.2022
@font-face {font-family:"Cambria Math"; panose-1:2 4 5 3 5 4 6 3 2 4; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:roman; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:-536870145 1107305727 0 0 415 0;}@font-face {font-family:Calibri; panose-1:2 15 5 2 2 2 4 3 2 4; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:swiss; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:-536859905 -1073732485 9 0 511 0;}@font-face {font-family:Cambria; panose-1:2 4 5 3 5 4 6 3 2 4; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:roman; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:-536870145 1073743103 0 0 415 0;}@font-face {font-family:Lato; panose-1:2 15 5 2 2 2 4 3 2 3; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:swiss; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:-520092929 1342237951 33 0 415 0;}@font-face {font-family:"UTM Times"; panose-1:2 11 6 4 2 2 2 2 2 4; mso-font-alt:Cambria; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:roman; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:5 0 0 0 2 0;}p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-unhide:no; mso-style-qformat:yes; mso-style-parent:""; margin-top:0in; margin-right:0in; margin-bottom:8.0pt; margin-left:0in; line-height:107%; mso-pagination:widow-orphan; font-size:11.0pt; font-family:"Calibri",sans-serif; mso-ascii-font-family:Calibri; mso-ascii-theme-font:minor-latin; mso-fareast-font-family:Calibri; mso-fareast-theme-font:minor-latin; mso-hansi-font-family:Calibri; mso-hansi-theme-font:minor-latin; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}.MsoChpDefault {mso-style-type:export-only; mso-default-props:yes; font-size:11.0pt; mso-ansi-font-size:11.0pt; mso-bidi-font-size:11.0pt; font-family:"Calibri",sans-serif; mso-ascii-font-family:Calibri; mso-ascii-theme-font:minor-latin; mso-fareast-font-family:Calibri; mso-fareast-theme-font:minor-latin; mso-hansi-font-family:Calibri; mso-hansi-theme-font:minor-latin; mso-bidi-font-family:"Times New Roman"; mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}.MsoPapDefault {mso-style-type:export-only; margin-bottom:8.0pt; line-height:107%;}div.WordSection1 {page:WordSection1;}