TRẦN BẢO ĐỊNH - Bến Vắng, nhịp thời gian trong thơ Phùng Quang Thuận

05 Tháng Mười 202210:44 SA(Xem: 2628)
TRẦN BẢO ĐỊNH - Bến Vắng, nhịp thời gian trong thơ Phùng Quang Thuận

 

Phùng Quang Thuận, kỳ vọng và gửi gắm điều gì qua những con chữ chắt chiu ắp ủ bao năm? Và, cũng bởi chắt chiu ắp ủ, thơ họ Phùng đầy nhịp dư vị tiệp màu thời gian. Con chữ thơ, khác chi con thuyền luân lạc mang nỗi hoài hương da diết quay về cố thổ Bến vắng. Đó là, tên thi phẩm Bến vắng của họ Phùng chào đời giữa trùng vây Covid-19 trên khắp miền đất nước, do nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, quý II, năm 2021.   

Nếu, bạn trông chờ lối mỹ từ phổ biến hiện nay, bạn tìm kiếm một đường hướng cách tân thúc đẩy thơ ca tấn tới thì có lẽ không bắt gặp Phùng Quang Thuận. Còn nếu, bạn tìm đường trở lại quê cũ, tâm can thắt thẻo niềm thương nỗi nhớ chốn xưa thì bạn, đủ lắng và đọng để tĩnh tại cảm nghiệm nhịp thời gian trong thân tâm. Bấy giờ, bạn có thể nhận ra họ Phùng giữa mịt mù hư ảo đời sống  như cánh chim phiêu bồng bay giữa khung trời hoài niệm

 

1. Muôn nẻo đường tình

Tình mẹ

Tâm hồn và thể xác thống nhất như nội dung và hình thức. Chuyển tải tình mẹ và tình quê không cách nào bằng cách thế chân thành. Trở về - âm vang hai tiếng ấy - , an trú trong lòng mẹ và tình mẹ; người thơ họ Phùng vẫn giữ nguyên hình hài ban đầu - chân tâm thuở lọt lòng - . Danh lợi cõi người chỉ là phù phiếm, đáng gì trước lòng mẹ. Rũ bỏ hết để trở về bản nguyên sinh hiện.

Lòng mẹ như biển cả

Con chỉ là hạt sương

Nghìn kiếp không thể trả

Dù con là đế vương…  

(Mẹ, tr.4)

 

Mẹ, là cội nguồn, là bến bờ giúp con vin lấy không lạc nẻo lầm đường trên bước đường đời buôn ba nơi đất khách quê người. Đêm thanh vắng, bản nguyên tình mẹ trong con trỗi dậy, thức tỉnh lương tri xua tan giấc mộng hư vinh giữ được tình mẹ, mai sau còn lối quay về:

 

Nửa đêm giữa phồn hoa

Bỗng thương gà nhớ vịt

Nhớ quê nghèo tịch mịch

Nhớ nước mưa ngọt ngào

Nhớ mẹ già tóc bạc

Chờ con giữa vườn rau …

Bất giác chợt bừng tỉnh 

(Sài Gòn nửa đêm, tr.5)

 

Tình mẹ, ngoài sự vĩ đại của đấng sanh thành còn tạo điều kiện giúp con định vị bản thân giữa đời sống. Bóng hình mẹ gắn với bến vắng quê nhà, chỗ neo đậu tâm hồn, nơi con nhận diện được chính mình trong cuộc mưu sinh. Ngày cha mẹ lặng lẽ bỏ trần gian, cũng là ngày con rơi vào vòng đời luân lạc và bơ vơ giữa vận thế đầy vợi

 

Mẹ đã đến thiên hà bát ngát

Cha về ngàn đỉnh đá xa xôi

Nơi trần thế đàn con linh lạc

Người mỗi phương trôi dạt tơi bời

Đường quê cũ tuổi già ngăn lối

Anh chị em gối mỏi lưng còng

Ngày cuối năm vọng về cố thổ

Nhớ Mẹ Cha ngửa mặt ngó trời 

(Ngẩng nhìn trời, tr.14)

 

Phùng Quang Thuận, không khoa phóng tình mẹ bằng những mỹ từ thống thiết. Họ Phùng, giữ đúng chân tâm, lời ăn tiếng nói hồn hậu của người sông nước miền Tây. Mẹ nhà thơ họ Phùng người làng Hòa Bình, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Bà họ Lưu, cả đời sống trọn vẹn với ý nguyện: "Phần thịt thì để cho chồng/ Phần xương em gậm, phần lòng cho con" (Ca dao miền Nam). Do vậy, Phùng Quang Thuận không dám khoa phóng tình mẹ bằng những mỹ từ thống thiết mà chỉ cố giữ bền tính dung dị, giữ chắc chất chân thật của người mẹ. Và, nhờ đó, bóng hình mẹ trong thơ họ Phùng dẫu không mới nhưng đã chạm tới tình mẫu tử phổ quát trong cuộc sống con người.

 

 

Tình người

Người em siêu hình nào đó xuất hiện thường xuyên trong thơ Phùng Quang Thuận. Có thể, bóng giai nhân mơ ước! Nhưng, nếu nhìn rộng hơn, bạn đọc sẽ thấy đó là ẩn dụ/biểu tượng sự hồn nhiên đầy và tràn nhựa sống. Thông qua biểu tượng ấy, nhà thơ gửi gắm tình yêu cuộc sống. Tình người cũng là tình mình. Khi nhà thơ gửi tình đến người (tha thể), cũng là lúc thi nhân nhận lại nguồn tình (chủ thể). Chẳng trách, họ Phùng mải mê chìm đắm trong tình người, trải lòng với muôn người muôn nơi, đưa mình hòa vào tha thể. Do vậy, tình người trong chữ nghĩa họ Phùng như phóng thể sinh hiện, bởi lẽ sống căn cơ không thể không sinh tình. Sinh hiện cũng là sinh tình. Nhà thơ hồn nhiên sống với tình. Ấy là, những khi hồn thơ tinh khiết, lời thơ vằng vặc như ánh trăng:

 

Con đường đỏ hương nồng bay trong gió

Bảo Lộc bình an khoác áo thu vàng

Giữa hoang lạnh ngàn quỳ hoa nở rộ

Tôi ước thành con ong nhỏ lang thang

Thấm đẫm hương dã quỳ trên cánh mỏng

Bay tìm em kể mãi chuyện hoa vàng 

(Mùa dã quỳ, tr.31)

 

Họ Phùng, không trau chuốt hay tìm kiếm tứ thơ độc lạ. Bởi, sự thành thực thuộc bản chất của đất rừng phương Nam, sông nước Cửu Long: hào sảng thay hào hoa, phóng khoáng thay phong lưu. Thơ họ Phùng hiển hiện trên chữ nghĩa như con ong hồn nhiên bay tìm mật ngọt của các loài hoa gọi mời – tình người muôn nơi. Và, họ Phùng, người đàn ông sương gió mải miết dặm trường.

 

Tình đời cùng nỗi biệt ly

Cõi sống với họ Phùng là chốn ly biệt muôn đời. Giữa người với người chẳng có gì ngoài cách biệt. Tương phùng hôm nay, ẩn chưa xa vắng ngày mai. “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. Và, “Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”[1]. Đời tan rồi hợp. Trăng tròn rồi khuyết. Gặp gỡ chẳng có nghĩa lý gì ngoài chia xa. Tình người hôm nay hãy ràng rịt quấn quýt hôm nay - ngày mai - ngày mai nào biết sẽ ra sao! - .Tình đời với họ Phùng chẳng khác gì “ga chiều” đưa tiễn.

 

Ta đứng sân ga đợi chuyến tàu

Thật tình không biết đợi bao lâu

Chẳng biết bao giờ tàu sẽ đến

Và sẽ đi về những nơi đâu!”  

(Ga chiều, tr.130)

 

Thi nhân chợt nhân ra bản chất muôn đời. Gặp gỡ rồi ly tan, chỉ trong đêm còn lại, mình đối diện với chính mình. Có lẽ, nữ sĩ Ngân Giang ngày trước với họ Phùng hôm nay chung cùng ám ảnh sân ga. Cõi người ta với tình người, chung quy cũng chỉ là trạm bến dừng chân thoáng chốc:

 

Tầu về rồi tầu lại đi

Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga”  

(Ngân Giang nữ sĩ)

 

Và, họ Phùng:

 

Con tàu xưa cũ từ thiên cổ

Sẽ chở ta vào những đêm sâu

Sân ga hờ hững người đưa tiễn

Ly khách bơ vơ lặng cúi đầu”  

(Ga chiều, tr.130)

 

Con tàu thời gian của họ Phùng chở người vào bóng tối. Hình ảnh ẩn dụ cho bến đời tịch diệt mà hễ một lần chia cách khó mong cơ hội tương phùng. Cảnh tượng biệt ly còn gì lạ lẫm giữa trần thế. Đọc "Ga chiều" của Phùng Quang Thuận, chợt nhớ "Lâm giang tống Hạ Chiêm", bài thơ của Bạch Cư Dị (772 - 846) tiễn Hạ Chiêm, người bạn già yếu thế vô gia cư:

 

Muôn dặm thương anh, lệ biệt sầu
Bảy mươi tuổi tác, cửa nhà đâu?
Buồn trông ngọn gió theo thuyền nổi
Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu 
                     (Tản Đà dịch)

 

Về đâu? Cô độc nỗi tận cùng của cô đơn chỉ có sóng bạc đầu làm bạn với kẻ bạc đầu!

Ngàn năm trước, ngàn năm sau gặp gỡ càng thắm thiết thì ly biệt càng não nề. Mối giao tình xưa nay vẫn rơi vào hố thẳm lo sợ tan vỡ. Ám ảnh tan vỡ gắn liền với ám ảnh thời gian. 

 

Ta tự trăm năm đến chốn này

Mất còn xem nhẹ tựa như mây

Vẫn biết lẽ đời là tan hợp

Vậy mà ly biệt mắt còn cay

 

Hoặc

 

Em đi cùng ai trong chuyến này

Hành trang có gì trên đôi tay

Ga sau ta chắc không còn gặp

Có nhớ xin tìm chút khói bay… 

(Ga chiều, tr.130)

 

 

Cảnh ngộ ấy, khiến ta nhớ:

 

Adieu jolie Candy
C'est à Orly
Que finissent
Les vacances à Paris

 

(Adieu jolie Candy, Alain Boublil và Michel Hursel)

 

 Tạm dịch:

 

(Vĩnh biệt Candy xinh đẹp

Ở Orly

Đã qua rồi

Những kỳ nghỉ ở Paris)

 

Rồi, chợt dưng lòng nhớ:

 

Tiễn chân anh tận phi trường

Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về

Mù sương phi cảng não nề

Thôi anh ở lại buồn về em mang

Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm một hàng lệ mau
Cuộc cờ thế sự binh đao
Phút giây tái ngộ ngàn sau biết còn

Môi em trong cảnh hao mòn
Một anh đất khách nhớ tròn tháng năm

Trời Tây rẽ bước âm thầm

Ngàn năm mỏi cánh chim bằng tha hương

(Khúc ly đình, Cao Thị Vạn Giả)

 

Phùng Quang Thuận cũng từng gặp phải cảnh ngộ "Tống biệt hành" như Thâm Tâm:

 

Đưa người ta không đưa sang sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Nắng chiều không thắm không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

 

Hình thức cô đọng ngôn từ không đâu bằng thơ và cũng vì vậy, thơ dễ thấm ngấm vào tiềm thức (subconcious mind); đồng thời, nơi đáy tiềm thức dung chứa sự cô đơn mà rằng, cô đơn là bản diện hiện hữu của con người. Có lẽ, họ Phùng hiểu được điếu ấy nên biết tiết chế không vượt ngoài cảm khái xưa nay.

 

 

Tình quê

 

Từ lúc khai sinh, họ Phùng mang hai dòng máu Hoa - Việt nơi Bến vắng đất mẹ. Rồi, đất mẹ điêu linh, bao chàng trai cô gái "Nụ hôn vừa chạm làn môi/Thì làng quê đã bom rơi đạn cày" (Trống đình làng, Trần Bảo Định). Phùng Quang Thuận rời quê mẹ, không quay lại Trà Ban - nơi cha cất tiếng chào đời - , không trở về Quảng Đông - cội nguồn dòng tộc họ Phùng "phản Thanh phục Minh" - mà anh, khởi hành vào đường đời lưu lạc. Đời lưu lạc dường như chuỗi di truyền từ buổi ly hương vong quốc, cho tới cuộc diện nước Việt hậu bán thế kỷ XX. Kể từ tiếng khóc ban sơ, họ Phùng bắt đầu đưa thân chìm nổi giữa dòng đời. Càng lăn trở giữa đời sống, có lắm khi tha phương xa xứ, trái tim họ Phùng vẫn khôn nguôi nhớ quê mẹ Hòa Bình. Càng nhớ quê mẹ, chữ nghĩa của thi nhân càng sầu muộn, u hoài... và mạch nguồn ấy, chảy từ niềm hoài hương phảng phất Đường thi lăn tăn sóng vỗ chân cầu Bến vắng. Đêm thinh vắng, đâu đó lay lắt hình bóng Phùng thi sĩ xao động lồng bóng Trích Tiên Nhân. Mối cảm hoài từ “tĩnh dạ tứ” đến đêm cao nguyên Kon Tum cùng một riềng mối. Chân du tử như cánh diều bay mà lòng còn buộc chặt cố hương. Bước giang hồ chạnh niềm nhớ quê cũ khiến lòng kẻ lãng du sao tránh khỏi ngậm ngùi. Lạc loài đất khách, tấc dạ mang mang trơ trọi giữa trời đất mịt mờ sương khói. Biết ngó chốn phương nào ngoài nơi chôn nhau cắt rốn. Hình như, ánh trăng họ Phùng vọng nhớ cũng là ánh trăng hơn ngàn năm trước Lý Bạch đã cử đầu.

 

Chiều chưa tàn mù sương đã vương

Núi xanh xa cũng nhuộm sắc buồn

Phố lạnh đìu hiu chiều tịch mịch

Độc ẩm bên lầu tư cố hương  

(Kon Tum, tr.19)

Có lẽ, nét đìu hiu vắng lặng miền sơn cước đưa tâm hồn du tử trở về miền tịch liêu xóm cũ, thuở bước chân Minh Hương vừa đặt chân đến Đàng Trong, miền duyên hải trơ vơ vắng vẻ trong chiều chạng vạng tối còn hằn trong tâm thức họ Phùng. Nỗi nhớ cố hương của họ Phùng kéo dài đằng đẵng theo thời gian lịch sử, với những vĩ sử đời người trải rộng theo chiều kích không gian địa lý. Thân người bé nhỏ, vậy mà, hồn người chất chứa cả trời quê hương yêu dấu!

Nhớ quê, "Ray rức nhìn sao thức suốt đêm". Phải chăng số kiếp Minh Hương của họ Phùng cũng là số mệnh lưu vong lạc loài của tộc Việt trải bao lần thiên di về phương Nam suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước. Những mảnh đời lạc loài như cánh chim bay giữa miền giông bão, cùng gặp nhau nơi dải đất nghĩa tình. Chim Việt trời Nam vẫn mãi ngóng trông phương trời cũ. Niềm hoài cựu thúc bách lòng người quay về cố thổ. Lưu dân khai phá đất phương Nam, trong số đó, hẳn có những cánh chim mất tổ vì tranh giật vương quyền. Hễ gió trở chướng, chim Việt liền bùi ngùi nhớ ngày Tết, lòng những rộn ràng lóng ngóng:

 

Chim thiên di về trong gió chướng

Bãi lầy xa gốc nhãn trơ già

Có phải bao hồn người khai phá

Trở về ăn Tết với quê hương”  

(Bạc Liêu, tr.23)

 

Chẳng biết thi nhân có chủ đích hay không, nhiều bài thơ viết cho quê nhà mang đậm dấu ấn văn hóa. Có lẽ, họ Phùng muốn tái hiện một cách chân thành và xúc động nét đẹp quê hương mình. Đó cũng là lẽ thường tình. Nơi nào đẹp cho bằng nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi "vào cuộc trần ai khóc trước cười" (Làm quan bị cách, Nguyễn Công Trứ) và cũng là, nơi "sống gửi thác về". Phùng thi sĩ nhắc đến quê hương bằng chất giọng hiền hậu rưng rưng cảm xúc. Kèm theo đó, các lớp văn hóa trên mảnh đất nối liền khúc ruột đến với độc giả, vừa trên phương diện cảm xúc vừa trên phương diện thông tin. Độc giả thử một lần cùng họ Phùng về miền Tây sông Hậu để cảm nghiệm tình người nghĩa đất Cửu Long.

 

Chúng ta sinh ra trong đồng lúa

Lớn khôn phiêu dạt bốn phương trời

Quê hương bên kia bờ sông Hậu

Mỗi lần về ăn Tết qua sông

Nước phù sa vẩy lên xao động

Lúa mùa xuân chín rộ trên đồng

Những đứa con của người khai phá

Mừng gặp nhau hò hét vang sông

Những đứa con đồng bằng hào phóng

Ra đi bao kẻ lại quay về?!

Như lục bình sinh trong bờ cạn

Nở hoa trôi theo dòng Mekong

Trên trường giang ngậm ngùi cố giả

Phù hoa khoe sắc bờ biển Đông! 

(Bên kia bờ sông Hậu, tr.52)

 

Tình quê trong thơ họ Phùng biểu hiện ở nhận thức nguồn cội và ý thức giữ gìn hồn cốt quê nhà. Dẫu luân lạc, người xa quê càng thêm gìn giữ, để tránh mất gốc lạc bờ. Có vậy, trên bước đường tha phương không thấy xa lạ với chính mình. Giữa cuộc thế xô bồ hôm nay, không ít người vội thấy quê hương nghèo khó đã ngoảnh mặt và đôi khi, đành đoạn chối bỏ mảnh đất khai sinh.

 

2.  Hàn sĩ hay du tử phiêu bồng

Chiếm phần lớn dung lượng tập thơ, Du Tử là “căn cước chữ nghĩa” khẳng định phong cách và cá tính thi sĩ của Phùng Quang Thuận. Trái tim kẻ lãng du chưa bao giờ thôi thổn thức. Nhứt là, trước những cái mới lạ của đời. Bàn chân họ Phùng dong ruổi khắp nơi trên cõi hoàn cầu. Không ít nơi đọng lại trong hồn thi sĩ cảm xúc riêng biệt. Chuyến du hành của Phùng thi sĩ, có thể nói là cuộc truy tìm những điều mới lạ. Nhưng, cõi đời nay, dẫu trải qua muôn triệu năm vẫn không thôi mới mẻ. Thế nên, bàn chân người thơ sẽ còn rong ruổi mải mê.

 

Về Bảo Lộc nhớ đồi trà bên chợ

Nhớ núi Đại Bình mờ mịt trong mây

Nhớ lũng Nam Phương với ngôi làng nhỏ

Có em K’Hor hào phóng ngực đầy

Trên lối mòn thấp thoáng giữa ngàn cây

Không mặc áo, cười hồn nhiên trong nắng 

 (Về Bảo Lộc, tr.30)

 

Có điều, họ Phùng không nói hoặc chưa nói về những năm tháng nghèo khó sau ngày đất nước hòa bình. Một hàn sĩ ẩn mình nơi mình sinh ra, dạy học trường Bổ túc Văn hóa, Bạc Liêu. Rồi, buông phấn trắng rời bảng đen, tay cày tay cuốc khai hoang làm ruộng; giả từ cánh đồng vỡ hoang, họ Phùng buôn muối lậu thời "ngăn sông cấm chợ" và liệu không xong, chàng hàn sĩ họ Phùng gia nhập "đạo quân nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá" chui rút trong rừng U Minh Hạ, lênh đênh trên biển Đông biển Tây... Khi biên giới Tây Nam ngút trời khói lửa chiến tranh, hàn sĩ họ Phùng bỏ cuộc sống bình yên, theo người chú thứ Chín - tức Chín Hoa kiều - xông vào đất giặc Pôn Pốt. Biên giới Tây Nam yên tiếng súng giặc thù, chàng hàn sĩ họ Phùng chuyển sang nghề du lịch và kinh doanh. Dù ở lãnh vực gì hay ở môi trường nào, họ Phùng vẫn giữ được khí chất của người cựu sinh viên Trường Đại học Văn khoa, Viện Đại học Sài Gòn.

 

Trải qua dâu bể, họ Phùng không như lắm người xem chữ nghĩa như cách chưng diện để trở thành bậc trưởng giả quý phái (Salon littéraire) và lắm kẻ muốn thành tài tử liền giở thói trêu cợt giai nhân. Cái mới lạ với Phùng thi sĩ có phải nét phồn thực. Có lẽ không! Bởi, cảm xúc còn đọng lại trong vài câu ngắn ngủi là tình yêu cuộc sống căng tràn. Thi nhân phát hiện và hòa mình vào cuộc sống đại ngàn hồn nhiên chất phác. Với họ Phùng, cuộc sống phải chân thật dung dị và gần gủi như thế. Giữa người và thiên nhiên không cách biệt, người chan hòa với thiên nhiên núi rừng. Từ đó, cuộc sống toát ra vẻ đẹp phồn thực, phóng khoáng. Du tử ở chỗ phóng khoáng, không phải ở cách thế quý phái, trưởng giả.

Khao khát xê dịch, bàn chân họ Phùng không chôn chặt chốn nào. Tinh thần du tử kết hợp lãng mạn và mong muốn trải nghiệm nhiều trạng thái khác nhau của đời người. Bàn thêm về xê dịch, Tuấn Thừa Sắc hồi nửa đầu thế kỷ XX đã trứ danh khắp miền Bắc Việt. Thế nhưng, với họ Phùng, càng xê dịch lòng người càng nhận ra quê hương trong con người mình. Quê hương càng đi xa càng sáng tỏ, đẹp đẽ. Dẫu xứ người hào nhoáng tân kỳ, nhưng trìu mến đằm thắm quê nhà không gì thay thế được. Đó là, điều khiến cho chân du tử không lạc lối, giữa phồn hoa đô hội. Lúc nào cũng vậy, quê nhà và hình bóng mẹ giúp cho họ Phùng định vị mình trên bước lãng du cùng trời cuối đất.

 

Ta đến Paris ngày đông giá

Tuyết rơi trên áo khách đường xa

Eiffel không biết ta vừa đến

Dòng Seine không biết ta vừa qua

Ta kẻ lữ hành từ xa lạ

Giữa Khải Hoàn Môn chợt nhớ nhà

Ta lặng ngắm mái nhà trắng xóa

Nhìn tuyết rơi rơi, nhớ Mẹ già”  

(Paris, tr.51).

Trên chuyến du hành, người thơ không khỏi bồi hồi khi đối diện với thời gian. Nhứt là, những phế tích cố đô thuở trước. Nỗi ngậm ngùi thời gian, nỗi thương tiếc thời thế. Ngẫm về sức lăn trở thời gian, họ Phùng bất giác hồi tưởng, suy tư:

 

Sen tàn trong hồ cạn

Rêu phong phủ đá hoa

Đền các giữa rừng già

Người vật đều hóa đá

 

Cảnh u tịch, huyền bí

Nơi tận địa thiên nhai

Mỹ lệ và hoang phế

Nửa trời, nửa trần ai”  

(Đền Angkor Wat, tr.43)

 

 

Có lẽ, khi còn ngồi ghế giảng đường dưới mái trường Đại học Văn khoa, Phùng Quang Thuận đã đọc nhận định về Angkor Wat của Henri Mouhot (nhà tự nhiên học và thám hiểm người Pháp giữa TK.XIX), rằng "Một trong những ngôi đền đó-một đối thủ của đền Solomon và được một số Michelangelo thời cổ đại dựng lên - có thể có một chỗ đứng trang trọng bên cạnh những công trình đẹp nhất của chúng ta. Nó vĩ đại hơn tất cả những gì người Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta, và thể hiện một sự tương phản đáng buồn cho tình trạng man rợ mà đất nước đang mắc phải.". Và, hẳn nhiên, người thơ họ Phùng không thể nào quên “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long thành hoài cổ - tuyệt bút - cùa Bà huyện Thanh Quan). Mối u hoài cựu thời đưa hồn người nhập vào vết tích thời gian. Dường như, họ Phùng trải nghiệm thăng trầm cùng quá khứ và nhận ra, biến cố thời đại đã từng xảy đến. Chợt lòng rộn lên lời truy vấn, chẳng biết tạo hóa vì nghĩa lý gì tạo ra cuộc biển dâu, biến đời sống yên bình ngăn nắp thành ngổn ngang chiến địa. Người đời họa theo mấy câu thơ của Ngân Giang nữ sĩ, chắc cũng chung cùng mối cảm hòa ấy chăng. “Thân không trời đất mà mưa gió/ Lòng chẳng binh đao cũng chiến trường”. Phùng thi sĩ điếng lặng trước phế đô và lúc ấy, người thơ hồn phiêu hốt đối diện với nhịp thời gian.

 

Bãi biển thành nương dâu

Đức vua giờ nơi đâu?

Hàng mãng xà bảy đầu

Còn chờ bao thế kỷ? 

(Đền Angkor Wat, tr.43)

 

Sống tràn xúc cảm, trước ngoại vật nhà thơ dễ gì kềm hãm được sự rung động và đó, nét nổi bật của phong cách lãng mạn. Nếu du tử là thể, thì lãng mạn là dụng. Thơ họ Phùng thường nắm bắt ngoại vật để bộc lộ cảm xúc. Hay nói cách khác, nhà thơ gặp gỡ ngoại vật cho lòng mình tự vang lên tiếng thơ. Lòng dạ người thơ như thứ nhạc cụ vang lên thanh âm mỗi khi bắt gặp thế giới bên ngoài - nhứt là mưa -. Dấu ấn “nước” trong thơ Phùng thi sĩ có nét tương đồng cảm nghiệm “tình thơ” Hồ Dzếnh, lại có nét ẩn ức nếu nhìn theo lối phân tâm vật chất của Gaston Bachelard. Từ con nước Cửu Long đến cơn mưa muôn đời, hợp thành tâm hồn du tử. Và, ta hãy lắng nghe Mưa bong bóng từ tâm tư Hồ Dzếnh:

 

Trời mưa rồi trời mưa

Sân nhà đầy bong bóng

Hai tôi ngồi mơ mộng

Đếm mãi vẫn đương thừa

(…)

Bong bóng tàn theo mộng

Nhân duyên dần hết mùa

- Ai như Hiền áo trắng

Loáng thoáng qua hơi mưa?”  

(Mưa, tập Quê ngoại, 1943)[2].

 

 

Đến mưa rào rào của họ Phùng:

 

Mưa rào rào qua hàng cau thưa

Nhớ con chim nhỏ của ngày xưa

Đã bay đi mất vừa khô cánh

Quên chút tình người trong gió mưa” 

(Mưa Sài Gòn, tr.67)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Tám 20246:53 SA(Xem: 138)
Thông tin từ các bạn thơ tri kỷ, “Mắt Biếc” là tập thơ cuối đời của nhà thơ Linh Phương sau những tháng ngày phải chống chọi với căn bệnh tai biến,” đến nỗi khi được tin thi phẩm này được Hội Nhà Văn cấp phép anh đã khóc trên giường bệnh!
10 Tháng Tám 20248:59 SA(Xem: 165)
Hơn ba mươi năm trở lại đây, trên các báo Việt ngữ ở hải ngoại, độc giả đã quen biết bút hiệu Vương Trùng Dương, một cây bút viết nhanh, viết đều, đủ loại,
30 Tháng Bảy 20247:18 SA(Xem: 179)
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao,
18 Tháng Bảy 20246:03 CH(Xem: 237)
Vực trắng là tập thơ mới nhất của Lữ Mai gồm 54 bài thơ, được chia làm 6 phần:
02 Tháng Sáu 20245:41 CH(Xem: 550)
Chỉ trong 2 năm 2023-2024, Vũ Ngọc Giao - một cây bút nữ xứ Đà thành đã cho ra đời 4 tác phẩm,
22 Tháng Năm 20244:58 CH(Xem: 569)
Phan Nhật Nam tính tình hào sảng, sẵn sàng móc túi đến đồng bạc cuối cùng để giúp đỡ những trường hợp khó khăn dẫu chỉ quen biết hay sơ giao.
12 Tháng Năm 202410:42 SA(Xem: 567)
cuộc sống và sự nghiệp sáng tạo của Đỗ Hồng Ngọc rất sinh động, và phong phú.
05 Tháng Năm 20241:31 CH(Xem: 713)
Tập thơ có bề dày 249 trang gồm ba tiểu đề: ngẫu hứng, mai anh về miền Trung và những bài thơ khác và khổ lụy.
24 Tháng Tư 20249:47 SA(Xem: 768)
Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.
21 Tháng Tư 20244:20 CH(Xem: 704)
Trái tim người nhạc sĩ tài hoa đã ngừng đập vào ngày 8, tháng 12, năm 2021 hưởng thọ 73 tuổi. Rời cõi tạm, ông để lại cho hậu thế một gia tài âm nhạc đáng nể.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20380)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15338)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17184)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9877)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18262)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4740)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1508)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2032)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1925)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23268)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19821)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8615)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9624)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9087)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11958)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31506)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21396)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26307)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23733)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22513)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20622)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18782)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19918)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17529)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16659)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25512)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32873)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35468)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,