(Bài nói chuyện trong buổi Chiều Thơ Nhạc Du Tử Lê Dallas, ngày 22 tháng 3-97.)
Nhà văn Đào Vũ Anh Hùng
Du Tử Lê đến
Lần thứ hai, ngày Father Day năm ngoái, Du Tử Lê đến Dallas với bạn bè, dự buổi trao giải thưởng Young Leaders Awards, nói chuyện về thơ với giới trẻ. Sau đó, chúng tôi đã tổ chức cho Lê một đêm họp mặt ở nhà hàng Thanh Thanh. Một họp mặt gói gọn, rất gọn trong một vài gia đình bạn hữu thân và yêu thơ Lê. Nhỏ, hẹp thôi, nhưng dư âm ngầy ngật, ra về nuối tiếc. Bởi đêm đó là đêm thơ Du Tử Lê nghe bằng nhạc và qua giọng hát Tú Nga, với lối trình diễn vượt ra ngoài khuôn mẫu. Thơ Du Tử Lê cũng là thứ ngôn ngữ ở bên ngoài khuôn mẫu, nên giữa thơ, nhạc và người ca sĩ đã có một sự hòa hợp tuyệt diệu, bài ca trở nên tuyệt diệu.
Tú Nga nồng nàn trong giọng hát, trong lối diễn tả.
Đó là hai lần Lê đến
Tôi thân biết Du Tử Lê từ trước, nhưng đọc và yêu thơ Lê một cách muộn màng. Tôi thấy mình như trẻ lại, thanh xuân. Như sống lại một thời để yêu, yêu nồng nàn. Và một thời để nhớ, nhớ nồng nàn.
Yêu và nhớ. Thơ Lê đầy những yêu và nhớ. Những hạnh phúc say điên của gần gụi và hạnh phúc buồn rầu của chia xa. Lê đã đến Dallas, đem theo lần ấy, đĩa CD Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau, trong đó có bài thơ do Trần Duy Đức phổ nhạc: Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời, tiếng hát Lê Uyên, có những câu, trước đó, tôi không thể tìm ở đâu, và sau này, có lẽ, cũng không đâu có được những câu thơ nói về cái nhớ mênh mang tha thiết đến độ ngậm ngùi, như thế.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp, tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.
Phải hát lên. Phải hát lên, dù giọng hát hay hay dở, cũng phải hát lên, mới thấy tất cả rung động của thơ Lê trong âm điệu:
đôi khi nghe ấm trên da thịt
chăn gối thơm hơi người
như thể ai đi mới trở về.
.....
người đi để lại hồn thơ dại
tôi vó câu buồn
sâu sớm mai.
Tôi nghe Lê Uyên hát mà rúng động từng sợi tơ non cảm xúc. Bài thơ phổ nhạc đầy âm hưởng tây phương nhưng mang hồn đông phương cổ kính, đã cho tôi hình dung ra nỗi nhớ thê thiết vô ngần của khúc Chinh Phụ Ngâm ai oán:
chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
Tôi đã đọc những bài thơ tình của Du Tử Lê, khởi đầu chỉ là sự chu toàn một bổn phận bạn tôi nhờ cậy, tổ chức “Chiều Nay Chiều Thơ Nhạc,” để Lê về
thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
kinh kệ nghìn pho có một tên
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo: - kinh mà không phải kinh.
Đêm hôm đó anh Thanh Hùng đã ngâm bài thơ này, giọng ngâm như lời kinh cứu khổ, như bài kệ chiêu niệm Tình Yêu, ngân nga đến tê tái lòng. Có phải chăng yêu là khổ? Yêu là chia lìa? Là ngăn cách? Là tan vỡ? Là trống vắng? Cô đơn? Buồn thảm?
rồi em bỏ tôi đi
anh ở lại như con sâu kèn
ngủ vùi trong bao kín tối tăm
Nỗi buồn không phải chỉ gói ủ trong trái tim Lê. Nó đã tràn phủ, đã tưới đầy,đã thấm ướt tất cả mọi cảnh, mọi vật, mọi hình ảnh chung quanh. Để thơ Lê, không những chỉ là nhạc, mà còn là tranh vẽ. Có khi chỉ là vài nét chấm phá rất như sơn thủy của Đường Thi. Có khi là tranh tĩnh vật lạnh lùng, nhưng Lê đã ban cho gỗ đá một linh hồn sống động mà u uất, biết buồn dùm, mang hộ và đã cùng nhà thơ chia sẻ mối sầu ảm đạm của cô đơn. Điềm đạm thôi, nhưng vô ngần thống thiết:
tháng hai bụi phủ từng vai ghế
tôi với bàn: chia nỗi ngổn ngang.
Những bức tranh sầu buồn hoài niệm những gì đã mất đi, nhưng thực vẫn hoài hoài trong trái tim hôi hổi của người nghệ cảm. Có phải không? Lê cũng như chúng ta đã mất quê hương, để từ nỗi mất kéo theo niềm day dứt nhớ, trầm thống nhớ và Lê ai oán kêu lên:
nhớ lại trong đêm nay
nơi quê hương khuất bóng.
.....
nhớ lại trong đêm nay
nhớ ngày mới mở mắt
chiến cuộc lùa ta bay
theo đường bay tang tóc.
.....
nhớ lại trong đêm nay
từ ngôi trường thơ ấu
nhớ mặt từng ông thầy
nhớ chỗ ngồi cuối lớp.
Thơ Tình Du Tử Lê được yêu chuộng, là vì nó không phải là thơ tình thường của thứ thơ viễn mộng, than gió khóc mây, mơ trăng sao tưởng hoa bướm, gọi nắng réo mưa, thở than đến làm người nghe sốt ruột. Ngôn ngữ của Lê hay “cõi thơ” của Lê gồm đầy, có đủ những thứ đó nhưng được trình bày một cách riêng, rất riêng, cách lạ, rất lạ, rất Du Tử Lê, mà trong đó, Tình Yêu được nâng cao đến thiêng liêng. Như hình ảnh những người nữ, Em Và Mẹ, Và Quê Hương. Quê Hương là Mẹ, là Em, là đối tượng cực cùng cao trọng mà Lê thánh hóa:
hãy hỏi Chúa đi, rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá, lá như mây
rừng khuya thổi rớt bao tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai?
hỏi môi đi, môi còn muối mặn?
hỏi tóc đi, sông những buồn vui?
và hỏi Chúa đi, Chúa sẽ trả lời
trong tay Thánh Nữ, có đời tôi.
Trong thơ Lê có nhạc. Bởi thế mà nhiều nhạc sĩ đã hứng cảm lấy thơ Lê phổ nhạc. Trường hợp thơ phổ nhạc không hiếm thiếu, nhưng tác giả có nhiều thơ được phổ nhạc và được quần chúng đón nhận nhiệt tình và nhiệt tình yêu thích, tôi nghĩ, chỉ có Du Tử Lê. Người ta yêu thích thơ Lê, bởi thơ Lê đưa dắt chúng ta bước thẳng vào cuộc đời, thiết tha ôm ấp lấy đời sống. Chắt chiu cưng quý đời sống vì đời sống đó của Lê, có tình yêu, có bạn bè, có những điều mà chỉ những người có cảm năng nhậy bén và tài hoa nghệ sĩ như Lê mới nhận thức, mới thấu suốt được mọi tế vi huyền nhiệm của tình yêu và Lê đã đem khả năng mình để âu yếm tôn vinh, say mê tận tụy khi nhìn vào một nơi chốn mà Lê gọi là Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Chỉ một mình Lê hiểu và Lê có sứ mạng thiêng liêng phải đem truyền giảng:
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ lấy được những gì?
về bên kia thế giới
ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi.
Có phải không? Thơ Tình của Lê đầy ắp mùi Thiền, chứa chan kinh điển của mọi thứ tôn giáo mà Lê nhiệt thành rao giảng trong vai trò của một cấp thừa sai. Tôi thật tình không thể biết được có bao nhiêu người nữ đã đi qua đời Lê. Nhưng tôi biết Lê chung thủy, yêu say đắm và giữ gìn trân trọng kỷ niệm, những cuộc tình vỡ tan cũng đẹp,với những người con gái yêu Lê và Lê yêu. Tôi nghiệm ra điều đó vì tấm lòng của Lê đối với bạn bè cũng thủy chung, đằm thắm như vậy, và vì chúng tôi hiểu nhau.
Thơ tình Du Tử Lê không chỉ thế thôi đâu. Nó chứa đựng không phải chỉ tình yêu người nam với người nữ, giữa Lê và những người con gái yêu Lê và Lê yêu. Nó là tổng hợp cả tình Lê với Mẹ, với Chị, với Em, với Anh em bạn bè, với Đất nước, Quê hương. Em Và Mẹ Và Tôi Là Một. Du Tử Lê Với Quê Hương Là Một. Nhà văn Mai Thảo gọi đó là “cõi” thơ Du Tử Lê, mênh mông, sáng tạo, sung mãn, mới và mới không ngừng. Nguyên Sa, Nguyễn Mạnh Trinh, Đỗ Quý Toàn, cùng những người phê bình khác gọi “cõi thơ Du Tử Lê” là những gì rất lớn, bởi Lê là một nhà thơ lớn của văn học nghệ thuật miền Nam, tiêu biểu và độc đáo, không thuộc một trường phái nào cả.
Nói như Đỗ Quý Toàn: “...Thơ Du Tử Lê gần đây, phải gọi là lạ. Phải nói là mới. Phải nói là những người khác không thể làm được. Nếu có khổ công dùi mài thì cũng chỉ có thể giông giống mà không có cái thần độc đáo. Thần khí độc đáo đó, chỉ có nơi những người sống chết với thơ, như Du Tử Lê, mới có thể có được mà thôi.”
Tôi không dám và không thể mệnh danh thơ Du Tử Lê, mà chỉ giản dị và thân mật, yêu mến gọi đó là thơ Lê, thơ Du Tử Lê. Tôi không làm cái điều phê bình hay phân tích thơ Lê ngày hôm nay. Vì tôi không đủ khả năng. Tôi chỉ xin phép được nói lên cảm nghĩ và sự yêu thích thơ Lê, trong “cõi” riêng của tôi. Bởi vì thơ Lê lạ lắm, nó đã cho tôi rất nhiều cảm động. Hứng khởi có, ngậm ngùi có. Về tình yêu người, yêu thương đời sống. Tôi tìm thấy đầy đủ những cái rất riêng tư của mình trong thơ Lê. Nhất là tình yêu và tuổi thơ, cùng niềm say mê thú vị với cây đũa nhiệm mầu của bà Tiên, ở trong tay Lê đã ban cho chim chóc, núi đồi, sông lạch, cỏ cây, gỗ đá những linh hồn sống động, khiến tôi thấy như được quay về với tuổi thơ tôi, tuổi thơ Lê nơi ngôi trường Hàng Vôi, Hà Nội mà chúng tôi đã có một thời thơ ấu cùng nhau. Hà Nội, mùa đông, những chiếc lá bàng nằm quằn quại thở thoi thóp trên sân trường. Những con vật vẽ nói tiếng người trong phim hoạt họa ở rạp Lửa Hồng... Những con rối diễn tuồng cổ tích trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội của Họa sĩ Mạnh Quỳnh, để Lê có: con dế buồn tự tử giữa đêm sương; có: giòng sông tội lỗi, bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ, con sóng tình vỗ mãi một âm quên, hay: tháng hai cành nhớ lá sương đầy, Hay: tôi buồn như phố cũ như tay...bàn chân từng ngón ngưng không thở.., còn nhiều, nhiều nữa. (...)