Trong suốt nhiều năm ở Sài Gòn gần như tuần lễ nào tôi cũng ghé ngang qua tiệm của ông. Nói rõ hơn, từ năm cuối của trung học đệ nhất cấp, khi có cái xe đạp và biết thêm được ít đường xá ở Sài Gòn, cho đến năm 1973, không tuần lễ nào tôi không ghé tiệm sách của ông, ngoại trừ mấy năm không ở Việt Nam.
Trong những năm mười bốn, mười lăm, tôi hay đi cùng với một người bạn tới tiệm của ông để đọc cọp những cuốn sách bầy trong tiệm mà không có tiền để mua. Lớn lên, là để ghé mua, khi thì mấy cuốn sách, khi thì mấy tờ báo. Từ trường đại học văn khoa ở đường Nguyễn Trung Trực ra tiệm sách của ông chỉ một đoạn đường ngắn, băng qua đường Lê Thánh Tôn, là đến tiệm sách của ông trên đường Lê Lợi.
Suốt nhiều năm ghé nhà sách Khai Trí tôi ít khi thấy ông, mà chỉ thấy bà, một phụ nữ nhỏ nhắn, luôn luôn với chiếc áo dài mầu nhạt, ngồi ở quầy tính tiền ở phía tay phải lối vào.
Tôi học được tính yêu sách vở từ ông bố, và cũng chính ông bố tôi đã dẫn tôi tới tiệm sách của ông lần đầu để sau đó, tôi trở lại với những quầy sách của ông trong suốt nhiều năm.
Tôi rất yêu những tiệm sách trên đường Lê Lợi, trong đó có các tiệm Tự Lực, Việt Bằng, Phúc Thành, Lê Phan, và trên đường Tự Do, góc Passage Eden là Xuân Thu.
Nhưng tôi yêu nhất và ghé lại nhiều nhất vẫn là tiệm sách của ông, tiệm Khai Trí.
Một phần là vì sách bầy trong tiệm của ông nhiều hơn những tiệm sách kia, và phần nữa là tiệm của ông để mặc cho những người như tôi tha hồ đọc cọp sách cũng như báo, trong nước cũng như ngoài nước. Không bao giờ những người vào tiệm bị hối thúc phải mua cuốn sách này, tờ báo nọ. Chúng tôi đọc cọp, ra về thảnh thơi. Về sau, tôi biết được đó là chủ trương của ông. Ông không chỉ cốt bán sách mà ông muốn cho mọi người đọc sách.
Sau năm 1975, nhà sách của ông bị tịch thu, ông bị bỏ tù nhiều năm, vì đối với Cộng sản, tội của ông không nhỏ. Ông sang Mỹ ở vài năm rồi về lại Việt Nam và qua đời tuần trước.
Việc Cộng sản coi tội của ông không nhỏ là một điều đúng. Ông đã giúp rất nhiều cho đời sống trí thức của mấy thế hệ ở miền Nam mà không hề có bất cứ một trợ giúp nào của hai nền cộng hòa.
Ông đóng góp rất lớn cho việc phổ biến các ấn phẩm mà Cộng sản coi là có hại cho họ.
Cả đến một nhà tu như người chủ trương nhà xuất bản Lá Bối cũng bị trừng phạt nặng nề đến nỗi khi ra khỏi nhà tù chỉ còn một chiếc quần lót để đi về nhà.
Nhà xuất bản An Tiêm cũng cùng chung số phận.
Ông Nguyễn Hùng Trương của nhà sách Khai Trí ở tù lâu hơn vì tội của ông lớn hơn.
Tội của ông với Cộng sản càng lớn thì công của ông với những người yêu sách Việt càng lớn. Ông cung cấp cho bao nhiêu người những thực phẩm cần thiết để nuôi dưỡng trí tuệ. Ông không phải chỉ là chủ một nhà sách, một nhà xuất bản, mà ông còn giúp đưa sách vở đến với người đọc bằng tấm lòng của một người thực tình yêu sách.
Từ những cuốn sách bỏ túi Livre De Poche, những tác phẩm văn học của Sagan, của De Beauvoir, của Sartre, Camus tới những tạp chí Science Et Vie, Paris Mach, Tin Tin, Spirou, France Rire, Le Canard Enchainé, Express, Le Nouvel Observateur... bằng tiếng Pháp đến những cuốn sách tiếng Anh hồi ấy vẫn còn khó kiếm, các sách giáo khoa, văn học Việt, ông còn có nguyên một quầy để bầy những thứ khó bán nhất, những tập thơ của Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hoàng Bảo Việt, Cao Mỵ Nhân, Quách Thoại... tất cả đều cũ, dấu tích của nhiều người đã đọc qua.
Ông giúp đỡ tận tình một số nhà văn bằng cách in tác phẩm của họ và trả những khoản tác quyền lớn như Trần Tuấn Kiệt có lần đã cho biết.
Ở Mỹ, thấy những cuốn sách nhà Khai Trí xuất bản được in lại ông coi đó là một chuyện tốt, vì việc làm đó ít ra cũng giúp làm đầy những tủ sách gia đình ở hải ngoại. Ông cũng làm một cố gắng trở lại với sinh hoạt xuất bản ở hải ngoại, nhưng sau khi nhìn ra những khó khăn hết sức lớn của một thị trường rất nhỏ so với trước đây, ông đành bỏ dự tính.
Ông là người cùng với các ông Từ Mẫn, Thanh Tuệ là những người nhiều người trong thế hệ lớn lên trước năm 1975 rất yêu quí. Tiếc là chẳng bao giờ chúng tôi nói ra được với các ông lòng quí mến đó.
Các ông đã giúp chúng tôi bớt đi mặc cảm sau khi nghe một câu của Vuơng Dương Minh: kẻ sĩ mà ba ngày không đọc sách thì mặt mũi xấu xí, ăn nói vô duyên.
Đó là nhờ sách vở của các ông.
Các ông, trong đó nhiều nhất, là ông Khai Trí, như tên của tiệm sách ông sáng lập, đã giúp mở ra những con đường cho trí tuệ chúng tôi bằng tình yêu các ông đã dành cho sách vở.
Ông Nguyễn Hùng Trương, ông Khai Trí, như tên chúng tôi vẫn gọi ông, là một người tốt, có công không nhỏ với những tâm hồn Việt Nam.
Ông mất đi, chúng tôi tiếc lắm.
Gửi ý kiến của bạn