Trong ngày tiễn đưa nhà thơ Du Tử Lê “về bên kia thế giới”, hãy cùng điểm lại những tác phẩm của ông được ra đời những năm gần đây tại Việt Nam.
Tên tuổi Du Tử Lê đã nổi tiếng trên văn đàn miền Nam Việt Nam từ trước 1975. Sau, ông định cư tại Mỹ, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động sáng tác. Trong nhiều năm trở lại đây, khi nền văn nghệ hải ngoại và trong nước ngày càng rút ngắn khoảng cách, nhiều đầu tác phẩm của Du Tử Lê đã được xuất bản tại Việt Nam và nhận được phản hồi tích cực từ những người yêu văn chương.
Thơ
Du Tử Lê nổi tiếng nhất với tư cách một thi sĩ. Thơ cũng là thể loại tác phẩm đầu tiên của ông khi trở lại xuất bản ở quê hương, với tập Giỏ hoa thời mới lớn, gồm 138 bài, được gạn lọc từ những bài thơ từng xuất hiện từ thời kỳ Du Tử Lê mới bắt đầu làm thơ.
Trong đó, đa số là các bài thơ đã được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như: Khúc Thụy Du, Tình sầu Du Tử Lê, Kiếp sau, Xin giữ lại đời cho nhau, Về từ vô vọng... với các phụ bản ảnh về tranh sơn dầu, màu nước của tác giả và một số tranh minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Không thể phủ định, các nhạc sĩ đã đóng vai trò cây cầu nối để đưa dòng thơ Du Tử Lê đến gần với quần chúng. Những bài thơ tụng ca nhân tình, quê xứ, yêu đương của ông đã là chất men phiêu lãng cất cánh thành ca từ trong những sáng tác nổi tiếng của các nhạc sĩ tài hoa: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Đăng Khánh, Trần Duy Đức. 50 bài thơ tình, thơ thế sự đã được phổ nhạc, rất phổ biến của Du Tử Lê trong nửa thế kỷ qua đã được tuyển chọn trong tập thơ Khúc Thụy Du với một sự sàng lọc kỹ lưỡng của chính tác giả và những người làm sách.
Tập thơ gói lại rất nhiều sáng tác nổi tiếng của Du Tử Lê: Khúc Thụy Du, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Ta tiếc thiên đường mới lập xong, Người từ phương Đông qua... và cập nhật sáng tác mới nhất của ông ở thời điểm đó: Nuôi người, trang sách thơm.
Tuy nhiên, dẫu không có đôi cánh của âm nhạc thì thơ Du Tử Lê vẫn bay trên những đường chân trời, bay trên những vực tình và bay trên những năm tháng đời người, bằng chứng rõ nhất là tập thơ Trên ngọn tình sầu (2018).
Du Tử Lê được nhận định là một người thơ, một giọng tình thăm thẳm nhưng khuất lặng, hay một người viết ngụ ngôn tình nơi biển đời vang động. Thơ ông là sự kết hợp giữa tính tự sự và chất trữ tình. Nói một cách nào đó, thơ Du Tử Lê là một giọng tình bay trên những đỉnh sầu của đời người.
Khác với màu sắc tình yêu của Trên ngọn tình sầu, tập thơ Chúng ta, những con đường lại là những tâm tình của nhà thơ về quê hương, về bè bạn, những hoài niệm, những suy tư về thân phận con người... Đó là “câu chuyện mới của một người Sài Gòn ly hương, một hiện thân Sài Gòn gần gũi ở nơi xa xôi”.
Những ngả đường dường như đã nói lên tình cảnh băn khoăn đứng giữa nhiều lựa chọn khó khăn của một thế hệ trước những biến cố lịch sử. Theo Nguyễn Tường, thi ca Du Tử Lê vẫn chọn “con đường” giãi bày những thao thức bằng một thứ ngôn từ thao thức nhưng không buông rời mỹ cảm lãng mạn chủ nghĩa.
Hơn nửa thế kỷ sáng tác, thơ của Du Tử Lê thay đổi theo thời gian, nhưng âm điệu của lời thơ và ý tứ vẫn luôn tuôn trào, lúc nỉ non, khi chua xót.
Tùy bút
Ngoài tư cách nhà thơ nổi tiếng, Du Tử Lê còn được biết đến là một cây bút truyện ngắn và tuỳ bút tương đối đặc sắc của văn chương Sài Gòn trước 1975. Tùy bút của ông đã được chọn lọc và xuất bản thành ba cuốn sách tại Việt Nam.
Một là tập Du Tử Lê, Tùy bút tuyển chọn gồm 17 tác phẩm, được lựa chọn từ hàng trăm tùy bút viết sau 1975 của Du Tử Lê. Qua 17 tùy bút chọn lọc này, bạn đọc sẽ có cơ hội bước sâu vào các góc khuất của những phần đời riêng, từ tình cảm, tới hiện thực cuộc sống nám cháy đa tầng nơi quê người của họ Lê.
Hai là tập Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời, do tác giả và Phương Nam Book tuyển chọn. Những tùy bút trong tập này phản ảnh ít nhiều phần đời riêng, tựa tác giả soi gương, nhìn lại cuộc lữ hành nhân sinh chìm nổi gập ghềnh, khi ông đã bước vào tuổi 70, ở xứ người. Tuy không sắp xếp theo thứ tự thời gian, nhưng các tùy bút vẫn có chung mạch chảy giữa đời thường và văn chương. Giữa mất - còn. Giữa hạnh phúc - khổ đau. Giữa sống - chết của một đồng tiền hai mặt.
Ba là tập Giữ đời cho nhau gồm 10 bài tuỳ bút trong quyển Mùa hoa móng tay do Tạp chí Văn ấn hành năm 1972 và 16 tuỳ bút mới được viết sau này. Tuyển tùy bút này có hai phần chính: Ngày tháng tôi và Hương kỷ niệm, đi theo một mạch xuyên suốt: chuyển từ những xúc cảm, chuyện kể thuộc đời riêng đến những ký ức về văn hóa Sài Gòn qua những chân dung nhân vật một thời: Từ Mẫn, Phạm Đình Chương, Trần Phong Giao, Lê Tài Điển... hay những hiện tượng văn nghệ Sài Gòn như: Sinh hoạt phòng trà, làm tạp chí, xuất bản, sinh hoạt mỹ thuật...
Mỗi tùy bút, tùy cảm quan của độc giả mà, người đọc sẽ bắt gặp những tái hiện lấp lánh nghẹn ngào hay, bi phẫn quá khứ 40 năm của một người đem được thơ vào văn xuôi như nhận định của nhà văn Mai Thảo trên tạp chí Văn Sài Gòn trước tháng 4/1975.
Mặc dù đây là loại bán hồi ký của một cá nhân, nhưng nhiều phần, bạn đọc cũng sẽ thấy được ít nhiều dung nhan đời mình, như một thứ công nghiệp của những con người có chung một đất nước, một ngôn ngữ...
Tiểu thuyết
Với nhau, một ngày nào là một tiểu thuyết của Du Tử Lê, ra mắt vào cuối năm 1974, bản in đầu tiên do Nhà xuất bản Ngạn Ngữ của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu xuất bản.
Nội dung cuốn sách kể lại một câu chuyện tình buồn: Một cô gái yêu một người đàn ông đã có gia đình và sống hết mình cho tình yêu đó, nhưng lại phải nhận một kết cục đau đớn, buồn thảm. Những trang viết rất thật, rất đời làm cho câu chuyện thấm sâu vào người đọc. Bối cảnh Sài Gòn - Đà Lạt cũng làm cuốn tiểu thuyết trở nên gần gũi, cảm thấy như mỗi người đều có một chút gì trong câu chuyện đó.
Tuy tác phẩm này ra đời đã lâu, nhưng những bi kịch trong đó thì không hề cũ. Những cảm xúc và xung đột trong tình yêu, gia đình, bè bạn đều là những chuyện chúng ta có thể gặp mỗi ngày mà không hề xa lạ. Và bối cảnh trong truyện, những chuyến xe đò, những quán cà phê, chuyện cơm áo, cảnh đôi tình nhân đi chung trên xe máy... tất cả đều rất Việt Nam, rất Sài Gòn.
Tác giả hy vọng, trên dặm trường văn chương nắng, gió, Với nhau, một ngày nào rồi đây sẽ tự tìm lấy cho nó những “tri kỷ thầm lặng” cũ, mới.
Trước Với nhau, một ngày nào, Du Tử Lê cũng đã xuất bản một tiểu thuyết khác trong nước là Qua hình bóng khác.
Trường khúc
Dựa trên khả năng sáng tác thơ, ông đã mạnh dạn thể nghiệm mình ở một thể loại nặng ký hơn: trường khúc. Bản thảo trường khúc này đã được ông gửi cho NXB Hội nhà văn và được xuất bản thành sách vào năm 2017.
Dựa trên câu chuyện chôn cất người mẹ tại ngoại quốc, Mẹ về biển Đông của Du Tử Lê mở ra hai không - thời gian: Cuộc sống hiện tại ở Mỹ và hồi ức về những tháng năm tại Việt Nam. Tác phẩm là một khúc hoài niệm tha thiết và đầy cảm động về cội nguồn xứ sở, nơi mỗi người dù ở bất cứ chân trời góc bể nào cũng đều khắc khoải hướng về, là cái gốc bền chắc gìn giữ bản sắc trường tồn của dân tộc.
Theo thông tin từ Phanbook - đơn vị hiện hợp tác và nắm giữ bản quyền một số tác phẩm của Du Tử Lê tại Việt Nam, nhà thơ vẫn còn một dự định dở dang, đó là một tập bản thảo tùy bút về sinh hoạt văn hóa miền Nam đã được ông viết xong, vừa trao đổi hoàn thành khâu biên tập vào đúng một tuần trước khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Trong những email mới nhất, ông mong muốn cuốn sách này được ấn hành sớm. Ông đã có một dự định trở về quê hương, gặp gỡ, trò chuyện bạn đọc vào tháng 3/2020 tới, nhưng đã không kịp. Tuy vậy, hy vọng rằng việc thực hiện cuốn sách sẽ suôn sẻ, để độc giả còn có cơ hội được gặp lại một Du Tử Lê trong diện mạo mới.