PHAN NGỌC KHUÊ - Phạm Tăng còn vài điều muốn kể... Ai nào hiểu được nỗi lòng cho ai!

10 Tháng Sáu 20234:20 CH(Xem: 2334)
PHAN NGỌC KHUÊ - Phạm Tăng còn vài điều muốn kể... Ai nào hiểu được nỗi lòng cho ai!

Với mấy người vẫn tới lui hoặc điện đàm, có lẽ anh Phạm Tăng chỉ còn hai hay ba đứa tụi
tôi để có dịp giãi bày tâm sự cho vơi nỗi buồn lúc cuối đời. Bây giờ nói ra điều đó dễ bị
chụp cho cái thói thấy sang bắt quàng làm họ... bởi tụi tui hơi bị vô danh, vô giá nên chỉ muốn
ký bằng họ là Nguyễn, là Phạm, là Phan... còn tên thì xin miễn.


Đau lòng là lúc anh vĩnh viễn ra đi, lũ chúng tôi, do tuổi tác với thân xác mỏi mòn, thời tiết
khắc nghiệt... nên không đứa nào tới được để đưa tiễn anh, chia buồn cùng chị và tang quyến!
Sự thể anh ra đi là mang lại bao đau buồn, thương tiếc nơi những người thân... Nhưng xin
thành thực thú nhận là lũ tôi, khi trao đổi với nhau, đều có lời mừng cho anh! Xa lìa cõi tạm
này vào lúc này như vậy là anh đã thoát ra khỏi cái vòng ‘sinh diệt, hữu hạn chật hẹp’ mà anh
không ngớt bực bội than phiền cùng bạn bè xa gần...


Tò mò, hỏi anh về nguồn gốc phương pháp tạo hình độc đáo đã làm anh nổi tiếng từ lúc sống ở
Rôma. Anh đáp: do học bổng nghèo nàn, nên phải tá túc ở trụ sở của giáo phận Phát Diệm và
Bùi Chu tại Rô-ma. Ở đấy anh thường đùa rỡn đối nghịch với tư tưởng, lý luận của mấy ‘ông
cha nhà thờ (linh mục công giáo)... để rồi có thói quen suy nghĩ sâu trước khi hành động. Và
từ đó nảy sinh phương pháp tạo hình khác người... nhái theo Hóa-công


Nói đùa, nhưng mà là nói rất thật, rằng anh đã khám phá ra những mâu thuẫn tàn nhẫn hằng
có trong cõi sống chung quanh từ khi anh chập chững bước vào đời qua cánh cổng trường Cao
Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương... Rồi tới khi đã trưởng thành về mặt nghệ thuật, đã thành danh
ở thủ đô Rô-ma của nước Ý-đại-lợi, đã khẳng định được con đường sáng tác của mình là con
đường sáng tạo tự do như của Thượng Đế, của ông Trời...! ‘Tôi thường đùa với mấy ông linh
mục rằng tôi muốn bắt chước ông Trời khi ông ta sáng lập vũ trụ với muôn loài... theo như
sách ‘Genèse (sáng thế ký) ...’


Anh giải thích: 'Nghệ thuật hội họa của tôi là đường nét, là màu sắc do chúng tự sinh ra trong
tự do chứ không bị tạo thành trong gò bó, không bị sao chép theo những khuôn mẫu đã có, đã
thấy... Cứ như thế, tranh tôi sáng tác, không ép người xem phải cảm thấy, cảm nhận đúng theo
những gì tôi muốn... y như khi đứng trước thiên nhiên của tạo hóa, mọi người đều tự do cảm
xúc tùy theo mỗi nhỡn quan, mỗi trình độ... Người nhìn ngắm tranh của tôi được tự ý tham gia
vào sự sáng tạo của bức tranh... theo ý niệm, trình độ kiến thức và sức tưởng tượng của mình...’

 

Phạm Tăng phủ định: "Những bức tranh tôi vẽ hồi ở trong nước không do tôi sáng tác, vì đó
chỉ là nhai lại những gì phương Tây đã nhả ra theo thầy này, thầy nọ, theo trường phái này,
trường phái nọ đã có, đã nổi danh, nghĩa là đã được công nhận như với những ‘môn bài’ đã
được cấp bởi phương Tây...! Những người đã sắp nghệ thuật hội họa của tôi theo một môn
phái, hoặc tự đặt cho tôi một môn phái mới... đều không hiểu thấu được ý niệm, tâm thức tự
do sáng tác của tôi. Tôi không hề mưu tính lập một môn phái nào, dù là nó là tiên tiến, hiện đại
hay hậu hiện đại... Một chiếc lá, một bông hoa trên cành, hay đã rụng xuống... thì đường nét
của chúng, màu sắc của chúng lúc đó là theo trường phái nào vậy?!." Bởi thế tranh của tôi là
một tiến trình thai nghén, là engendrer, chứ không phải là tạo thành... như không biết trước
nó sẽ có những nét cong, đường thẳng như thế nào, những sắc mầu nguyên chất tinh khiết hay
cuốn quyện, pha lẫn, nhạt nhòa vào nhau như thế nào. Chúng không bị áp đặt đâu là trên, đâu
là dưới, đâu là đầu, đâu là đuôi... Chúng tự bùng phát, biến hóa ra theo một trình tự tự do như
tình cờ mà lại y như là theo một qui luật rất lô-gích, rất tuần hoàn... như do một sắp đặt khéo
léo của hóa công, của ông Trời. Hóa công ấy, ông Trời ấy là Tôi!’’


Với đỉnh cao hội họa Phạm Tăng


Giải thích tới đó, Phạm Tăng cười, cười lớn tiếng, cười hồn nhiên vui tươi như đứa trẻ đang
nô đùa thỏa thích. Đúng là lúc ấy, Phạm Tăng nói đùa, nhưng lại là lúc thực lòng nói thật suy
tư của anh!


"Nghệ thuật hội họa khác người của tôi là do phương pháp tạo hình, tạo màu ngẫu hứng, dành
phần lớn cho một tự do tự tác thành theo hứng tung hoành của khối óc và bàn tay, không cân
lượng, không thời lượng... Tôi chỉ là kẻ đắp, dán để những mầu nguyên chất và vỏ trứng gối
chồng lên nhau... Đến khi các chất liệu ấy đã khô cứng, gắn kết chặt với nhau thì tôi dùng sự
chà sát của bàn tay, cứ mài mài... lúc nặng, lúc nhẹ, để những chất liệu vô tri ấy bỗng lộ diện
ra bởi một sinh lực huyền bí, màu nhiệm, hài hòa, mỹ thuật... mà chính tôi cũng không thể ngờ
kết cục là như vậy! Tôi coi phương pháp đó là sự thai nghén ra tác phẩm, ra đứa con tinh thần
nghệ thuật của tôi. Uớc muốn của tôi là thử nắm bắt, lưu giữ lại một khoảng khắc nhỏ lúc ‘big
bang’(đại bùng nổ)... nhỏ tới mức không thể cân đo, đong đếm được, nghĩa là phi vật chất,
không giới hạn trong thời gian, không gian...với muôn hình, muôn màu của vũ trụ lúc sáng thế
(genese)... Đấy là một lát cắt của những hạt li ti vô cùng nhỏ (infiniment petit)... chúng sinh
thành trong cái vô hạn bao la (infiniment grand...)’’. Đấy là trò vui đùa của Hoá Công và của
... Tôi."


Phạm Tăng thổ lộ trong đời anh có hai niềm vui thống khoái là hai mối tình tuyệt đối... nhưng
rồi cả hai đều đã tan vỡ đau đớn bởi ngoại tâm, ngoại cảnh, tức là không do anh quyết định...
nhưng chúng đã để lại trong tâm hồn anh một vết hằn, một cái sẹo cô đơn không thể nào xóa
đi hoặc an ủi xoa dịu... Đó là mối tình với hội họa và mối tình với người yêu đầu đời của anh.
"Tôi đến với hội họa như kẻ ăn xin, muốn học một nghề mà tôi thích để sinh nhai... như mọi
họa sĩ khác... chưa có gì là đáng kiêu hãnh, nghĩa vẽ để kiếm ăn, chứ chưa có được phong cách
sáng tác gì tiêu biểu để gọi là thành danh. Còn về thơ thì thật ra chỉ là thú vui vụng về riêng lẻ
để tự than thở với tôi mà thôi. Có người nói hội họa của tôi là bài thơ ca ngợi vũ trụ, còn thơ
của tôi thì lại là bức tranh đầy màu sắc... Đấy là họ đã quá khen. Bởi chán nản cuộc đời nên tôi
làm thơ... Bởi thất vọng cuộc đời nên tôi đã bẻ cọ, không vẽ nữa.


Rất nhiều người muốn tìm hiểu tại sao Phạm Tăng, sau bức họa ‘vũ trụ’ có ký rõ niên biểu
1976, và rồi từ ấy anh không còn sáng tác nữa .. thỉnh thoảng chỉ vẽ vài bức chân dung vì nể
tình mà thôi...

 

Tôi đã cố cật vấn trong những lúc tâm sự vụn với anh để tìm hiều tại sao anh không sáng tác
nữa. Thoạt đầu anh giải thích rằng với bức tranh mà người ta đặt tên là bức ‘vũ trụ’... thì anh
coi như đã đạt tới đỉnh của phương pháp tạo hình ấy, nên không còn có thể sáng tác ra một tác
phẩm hay đẹp hơn thế. Tôi phản đối và không chấp nhận lối giải thích cái lý do khiến một họa
sĩ ngưng sáng tác... như vậy.


Cho tới một hôm, khoảng cuối thu 1981, Linda Lê, một nhà văn nữ Việt kiều bắt đầu nổi tiếng
trên văn đàn Pháp với cuốn L’évangile du crime (Thánh kinh của tội ác), tìm đến xem tranh
của anh... Lúc đó anh còn đang ngụ tại căn hộ ở quận 13, Paris. Linda Lê đã mê tranh của anh,
đã tặng anh cuốn Solo (cô đơn) vừa mới xuất bản. Nàng như đã tìm thấy nơi anh một tâm hồn
đồng điệu trong nỗi cô đơn... Bởi nàng cũng đang sống trong day dứt sau khi phải bỏ nước ra
đi .. Và anh đã cao hứng làm bài thơ ‘Solo’ để tặng người bạn trẻ mới quen mà đã trở thành tri
kỷ. Anh đã đọc bài thơ này cho tôi nghe và giải thích rằng quả thật hai tâm hồn, tuy cách nhau
về tuổi tác nhưng gần nhau vể tâm sự... Bài thơ kết thúc với hai câu:


Người buồn nhân thế thê lương
Kẻ đau đất nước đoạn trường như nhau.


Nghe vậy, biết vậy, không mấy chú ý tới ở anh, nỗi ‘đau đất nước’ nó ‘đứt ruột’ tới mức nào.
Nhưng rồi sau, bà chị của ‘mối tình đầu’ sang Paris thăm anh, rồi mang một số bài thơ của
người em rể, về Hànội, lo xuất bản thành tập ‘Thơ Phạm Tăng’. Nhưng nhà xuất bản Văn Học
đã bỏ hai câu cuối trong bài thơ đó, nên anh bực mình giải thích: ‘Họ không hiểu nổi nỗi đau
đất nước đã khiến mình không còn hứng để mà sáng tác nữa...’ Đây là thứ nhì, Phạm Tăng cho
biết thêm một trong những nguyên do đã làm anh mất hứng sáng tác!


Nhân đây, cũng xin nói thêm một chi tiết về tập thơ Phạm Tăng, để hiểu rõ hơn về tính cao kiêu
vời vợi của anh. Trong bài ‘Rỡn Trời’ ở trang 77, có một câu đã bị sửa khi xuất bản tại Hànội,
khiến anh bực mình. Vì lời sửa đã làm mất hết ý nghĩa tư duy đùa nghịch vô thần của Phạm
Tăng. Lời sửa là:


‘Đạo này, thuyết nọ, không’ qua lỗ mồm


Nguyên bản là:


Chữ Lời dệt gấm thêu hoa
Nho, Công, Thích, Mác chẳng qua lỗ mồm


Anh giải thích chữ ‘Lời’ viết hoa là dịch từ Le Verbe của sách Sáng Thế Ký (Genese) của Do
Thái giáo và Thiên Chúa giáo... Có cuộc tranh cãi rằng sách này cũng chỉ là do con người (lỗ
mồm) nói ra mà thôi... tức là ông Trời cũng chỉ là do con người bày ra khi đặt tên kẻ tạo ra
vũ trụ là ông Trời... Sách ấy nói rõ khi người trông thấy con gì,vật gì thì đặt tên cho nó là con
ấy, vật ấy... Đây là lập luận đùa nghịch khích bác nhái lại mấy linh mục, bạn anh ở Rô-ma ...
Tức là Nho giáo, Công giáo, Phật giáo, Cộng sản (Mác-xít giáo) cũng chỉ là trò bày đặt của
con người... Thế nên buồn đời anh làm thơ trách giỡn trời là Mây cứ y cũng có lúc buồn muốn
khóc...


Mỗi khi vướng núi, Mây (viết hoa) buồn lại mưa!


Càng về sau, anh càng cho biết thêm tâm trạng hụt hẫng của anh sau biến cố 30 tháng Tư năm
1975. Bởi sau ngày ấy, có tin gia đình anh ở VN gặp đủ thứ khó khăn, nên nài nỉ anh phải làm
sao vận động đưa cả nhà gồm anh em và bố mẹ ra sống ở nước ngoài. Lúc ấy, anh còn đang
sống tại Rô-ma, danh tiếng đang vang dậy, lại thêm bà vợ người Ý thuộc gia đình vọng tộc, nên
anh đã nhờ bộ ngoại giao Ý can thiệp hữu hiệu để đưa cả gia đình sang Ý, rồi sang Mỹ... Đây
là điều có thể là đáng mừng, nhưng với Phạm Tăng thì đấy là một nỗi đau khôn nguôi, vì hòa
bình đã tới quá thê thảm với đất nước làm anh vỡ mộng phũ phàng!


Ít ai hiểu được lòng yêu nước, thương dân của Phạm Tăng nó nặng tình nghĩa đến mức nào. Với
ai, dù thân hay sơ giao, anh cũng thường khoe gốc gác thuộc về hai nhà nho tiết tháo của vùng
đất Yên Mô, Ninh Bình là cụ Phạm Bành, với cuộc khởi nghĩa Ba Đình, sau bị Pháp bắt, cụ đã
tự vẫn trong tù. Còn cụ Phạm Thận Duật thì cũng vì kháng Pháp nên bị đưa đi đày... nhưng cụ
chết trên tàu... và bị thủy táng, nhưng anh tin là cụ đã tuẫn tiết trên đường lưu đày... Riêng anh,
thì lúc còn niên thiếu, cũng từ bị cò Arnault tát tai và giam tại bót Hàng Trống, ven Hồ Gươm


... Thật sự là anh Phạm Tăng có một mối thâm thù với thực dân Pháp, do vậy mà anh từ chối
không muốn bạn bè tổ chức cho anh một cuộc triển lãm tại Paris... Đó cũng là thêm một lý do
khiến anh không thể sống vui ở đất Pháp. Anh thú nhận cuộc đời anh là một chuỗi mâu thuẫn
bất hạnh... do tính cao ngạo của anh trước những nghịch cảnh đau đớn...


Nhớ lại lúc đang cao hứng vẽ tranh cổ động tham gia kháng chiến ở vùng Nam Định thì được
anh Lưu Quyên, một người bạn anh rất mến phục vì tính tình ngay thẳng... đã nhắn tin ‘đảng’
đang bắt đầu phát động phong trào chỉnh phong, loại bỏ thành phần tiểu tư sản ra khỏi hàng
ngũ kháng chiến... và khuyên anh nên ‘dinh tê’ vào Hànội y như mấy văn nghệ sĩ ‘tạch tạch sè’
(tiểu tư sản) khác. Lại thêm lòng oán giận trường hợp không dám dùng thuốc cao cấp để cứu
mạng sống của một đứa em (do chính bs Nguyễn Danh Đàn thổ lộ)... Nên anh quyết định dinh
tê theo ngả Phát Diệm... nơi anh làm quen với mấy linh mục công giáo... (để sau này lại có dịp
gặp và sống với mấy tu sĩ ấy tại ở Rôma...) Rồi sau đó là gặp gỡ mối tình đầu lí tưởng và người
yêu sau cũng bỏ gia đình theo anh di cư vào Nam năm 1954. Tại Sàigòn, mối tình đầu ấy đã tan
vỡ rất đau đớn vì cái tính đam mê bướng bỉnh của anh. Đấy là lần vỡ mộng lớn nhất đời anh.

Vào Sàigon, do bạn bè lôi kéo, anh làm việc cho một hãng dầu lửa với lương cao và gia nhập
nhóm làm tờ nhật báo Tự Do với nhà thơ Hà Thượng Nhân, nhà văn Nguyễn Hoạt, nhà báo
Như Phong... Lúc đó anh vừa có danh, vừa có tiền... Anh nổi tiếng nhờ mấy bức hí họa rất
sâu sắc... được độc giả bình bàn vui vẻ. Tôi nhớ rất rõ vài bức hí họa đó, như bức vể lãnh tụ cs
Hung-gia-lợi Imré Nagy bị thòng lọng treo cổ dưới cái lưỡi liềm, khi Hồng quân Xô-viết tràn
vào Budapest để đàn áp cuộc nổi dậy... Một bức khác rất khôi hài là cảnh một bộ đội cs đội
nón cối gầy ốm tong teo, đu bám dưới tàu lá đu đủ mà lá không gãy... Bức thứ ba thì thật là có
ý nghĩa mỉa mai hết cỡ chế độ cs với ba bức tranh cùng một cảnh ngộ, cùng một câu hỏi ‘Tại
sao anh bị giam ở đây?’: người bị nhốt đáp: ‘Tại tôi chống Cao Cuơng!’. Bức thứ hai thì lời
đáp là: ‘Tại tôi ủng hộ Cao Cương!’; lời đáp ở bức thứ ba là: ‘Tại tôi là Cao Cương! Ghi chú:
Cao Cương là nhà bất đồng chính kiến với đảng cs Tàu...!


Lúc cuối trào tổng thống Ngô Đình Diệm, tờ Tự Do bị coi là có xu hướng chống đối, nên bị cải
tổ, và có vài người bị tạm giam để điều tra, trong đó có Phạm Tăng... Sau tất cả bị đưa ra tòa
và anh được trắng án. Có tin là tại anh là tác giả bức hí họa số báo xuân với quả dưa hấu bị ba

con chuột đang đục khoét... mà lật ngược bức tranh là thấy rõ có hình nước Việt, chữ S. Thực ra
anh không phải là tác giả bức hí họa ấy. Nhưng bạn bè và anh thấy vẫn bị theo dõi. Nhân có học
bổng cho sang Ý để quan sát về hội họa Ý. Bạn bè đẩy anh đi. Học bổng ấy chỉ cấp từng năm,
nhưng anh không muốn về... nên cứ mỗi năm lại phải ghi tên để xin học thêm một môn khác...
Lần lượt anh học về trang trí kiến trúc, trang trí nội thất, vẽ hình mẫu dụng cụ, vẽ thời trang...
phảng phất nét trang trí...


Nhưng anh không ưa những phương pháp vẽ hàn lâm máy móc ấy. Anh cố suy nghĩ tìm tòi để
có được một phương pháp tạo hình mới mẻ, và anh đã tìm thấy nó khi thử kết hợp hai phương
pháp sơn dầu của phương Tây với phương pháp sơn mài của ta... Anh đã say mê phương pháp
tạo hình mới mẻ ấy. Những bức tranh không đề, không khung, không đầu, không đuôi ấy đã
được giới hội họa Ý đón nhận nồng nhiệt với những lời ca ngợi của những nhà phê bình có uy
thế nhất tại Ý và trên thế giới. Vẽ xong bức nào là có tay tài phiệt Ý tới thỉnh đi ngay. Anh bắt
đầu thử tài với những cuộc triển lãm ở Bỉ, ở Brazil, ở California, ở New York... Có lần anh
chỉ được cho triển lãm ké với một họa sĩ nổi danh khác, nhưng rồi báo chí chỉ nói về mấy bức
tranh của anh mà quên hẳn vị họa sĩ nổi danh kia. Rõ ràng là anh đang trên đường thành công,
thành danh vang dậy...


Nhưng sau thì bỗng nhiên anh đã rời bỏ tất cả, bỏ vẽ, bỏ nước Ý ra đi... Tại sao?


Anh đang sống trong một thứ lâu đài huy hoàng của gia đình bà vợ Ý, ngay giữa thủ đô Rô-ma.
Anh đang hăng say sang tác. Nhưng có lẽ ông Trời đã ghen tức với anh? Bỗng bà vợ qua đời
vì bệnh nan y. Đứa con gái duy nhất của anh cũng bị khủng hoảng tâm thần nặng. Rồi lại xảy
tới ngày Sàigòn thất thủ... gia đình anh ở quê nhà kêu cứu... Hai biến cố động trời ấy đã đốn
ngã tính kiêu hãnh của anh. Anh cảm thấy danh vọng tiếng tăm của anh chỉ là thứ phù du...
anh không còn muốn gặp gỡ ai nữa. Chung quanh anh chỉ toàn là xa lạ... Thiên hạ muốn khai
thác anh, chứ không chút thân tình. Muốn có một bạn tri âm để tâm sự cũng không có. Để giải
khuây, anh qua Paris, nơi anh gặp nhiều bạn bè Việt. Anh tìm thấy ở đây một sự đầm ấm, thận
cận y như ở quê nhà... Và anh quyết định rời bỏ Rô-ma!


Ở Paris, anh tìm thấy một thú vui rất bình dân của dân Paris: thú đánh cá ngựa, rất hợp với đam
mê đỏ đen của anh. Ở Paris có hàng chục tờ báo chuyên bình bàn về các độ cá ngựa diễn ra
hằng ngày trên lãnh thổ Pháp. Nghiên cứu về các độ cá ngựa là cả một thứ tìm tòi thông minh
nên nó giúp anh quên mọi nỗi u buồn ám ảnh... và rồi anh trúng lớn...! Anh mua nhà ở quận
13, ngay giữa hang ổ của Việt kiều. Tại đó, từ đó bạn bè đến với anh nhiều vô kể. Những bạn
cố tri ở trong nước mỗi lần qua Paris đều tới ở nhà anh. Tại đây, tôi đã gặp các văn, thơ, nghệ
sĩ nổi danh như Huy Cận, Xuân Diệu, Hữu Ngọc, Phan Kế An...


Nhưng rồi cá ngựa đã từ từ phản anh, lấy lại những gì anh đã được... Lúc này ở quê nhà đã
bước vào thời ‘đổi mới’, văn nghệ sĩ trong nước nay có tiền rủng rỉnh, sang Paris họ ở khách
sạn, ít còn tới anh... Khi anh lập gia đình và dọn về khu ngoại ô Bonneuil thì bạn bè lại càng
thưa đi nhiều.


Buồn tình đời anh chỉ còn thú vui cá ngựa, lai rai làm thơ và hút thuốc lào... cũng may là vào
buổi chiều của cuộc đời anh may mắn có được bà vợ đài các đảm đang chăm sóc anh... trong
khung cảnh gia đình nhung lụa đầm ấm. Nhưng rồi chung số phận của mọi tuổi già, anh chị và

anh phải vào sống tại bệnh viện lão khoa Charles Foix. Rồi anh lặng lẽ ra đi... và tro tàn đành
tạm gửi lại quê người.


Tôi nói tro cốt của anh tạm nằm lại quê người, vì tôi biết rõ chính anh đã mưu tính về sống vĩnh
viễn tại nơi đất quê cha Yên Mô, nơi anh đã chỉ cho tôi thấy rõ trong ảnh, căn nhà họ tộc của
anh nay chỉ còn lại cái nền gạch trơ trọi.


Năm 1994, sau khi về thăm lại thôn cũ, vườn xưa, anh đã vui mừng khoe với tôi rằng khi tới
thăm chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông này đã hứa sẽ giúp đỡ, nếu anh muốn, thì sẽ dành
một căn nhà cho anh làm nơi lưu niệm một số tranh tiêu biểu của hội họa Phạm Tăng, đứa con
danh tiếng quốc tế của đất Ninh Bình.


Sau đó về lại Paris, anh hăng hái chuẩn bị một hồ sơ về hội họa Phạm Tăng mà trọng tâm là bức
danh họa ‘vũ trụ’ cùng một album video ghi lại hầu hết các bức tranh hiện đang do mấy tài phiệt
Ý lưu giữ ở Rôma. Album video này sẽ do anh Huỳnh Tâm và tôi qua Ý cùng anh để ghi hình...

 

Anh còn có dự tính sẽ chuộc lại vài bức để cùng mang về nhà lưu niệm ở Ninh Bình. Trong
khi chờ đợi đi Ý, anh Huỳnh Tâm và tôi đã ghi hình những gì anh đang giữ ở Bonneuil... để
hoàn thành nòng cốt cho cuốn Album sẽ xuất bản trên giấy, cùng với một đĩa video.


Rồi anh đã trở về thăm quê hương một lần nữa và là lần chót. Sau đó trở lại Paris, anh buồn
bực báo cho tụi tôi biết, anh đã bỏ ý định lập nhà lưu niệm hội họa Phạm Tăng tại Ninh Bình.
Trước thắc mắc của tụi tôi, anh kể: lần này về gặp lại chính quyền, thì chủ tịch UBND tỉnh là
một người khác. Khi gặp, anh có nhắc tới dự án lập nhà lưu niệm... thì ông chủ tịch nói rất
cửa quyền nguyên văn như sau: "Việc ấy chưa gấp, cứ thủng thẳng rồi ta tính. Xin lỗi anh vì
hôm nay công việc rất bề bộn, nên tôi chỉ có thể tiếp anh trong mươi phút thôi!’’. Anh Phạm
Tăng cụt hứng đành chào và cám ơn xã giao ông chủ tịch vì đã dành thời giờ quí báu để tiếp
anh. Sau đó về Hànội, kể lại cuộc gặp gỡ kia, thì anh em văn nghệ sĩ khuyên anh nên bỏ ý định
mang tranh về tặng tỉnh Ninh Bình, vì bây giờ người ta chỉ lo tính tìm cách đẻ ra công việc để
làm ra tiền thôi...


Theo tôi thì tỉnh Ninh Bình đã bỏ lỡ cơ hội để được lãnh nhận bức danh họa Vũ trụ. Vì đấy là
một tác phẩm kiệt tác, một đời đại họa sĩ chưa chắc có thể thực hiện được một tác phẩm như
thế. Các nhà phê bình hội họa thế giới đã ca ngợi nó như một đỉnh cao của nghệ thuật hội họa.
Nó sẽ là cái đinh của một viện bảo tàng quốc gia y như bức La Joconde đối với viện bảo tàng
Le Louvre của nước Pháp...


Kể thêm về anh Phạm Tăng như vậy, tôi nghĩ đây không còn là chuyện riêng tư. Vì đây là một
vấn đề liên quan tới một kiệt tác xứng đáng được coi như một di sản của quốc gia (patrimoine).

 

(Nguồn: Báo Thơ • Tháng 06 năm 2023 • Năm thứ 2 • Số 8)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười 202411:32 SA(Xem: 157)
Tôi thấy lớp nhà văn, nhà phê bình độ tuổi trên dưới 40 hiện nay rất đáng nể, tôi tin là họ sẽ làm nên chuyện.
10 Tháng Mười 20241:03 CH(Xem: 268)
Thơ tài tình luôn luôn hiếm hoi và thường đến từ sáng tạo của những nghệ sĩ tài hoa.
26 Tháng Chín 20244:37 CH(Xem: 234)
Màu, khối, nét, bố cục, ánh sáng đã thay ông kể mãi những câu chuyện của con người.
27 Tháng Tám 202410:07 SA(Xem: 353)
Người nhạc sĩ đã gửi vào ánh sáng một tuổi thơ biết đi đứng, chạy nhảy.
21 Tháng Tám 202410:15 SA(Xem: 384)
Bài viết sau cùng của ca sĩ Quỳnh Giao
14 Tháng Tám 20245:17 CH(Xem: 365)
Đã đến lúc phải coi biên giới là một khái niệm mở, văn hóa cũng là biên giới. Mất văn hóa là mất nước.
31 Tháng Bảy 202410:07 SA(Xem: 428)
70 năm đã trôi qua kể từ cuộc thiên di vĩ đại nhất Việt Nam đương đại.
25 Tháng Bảy 20246:38 SA(Xem: 597)
Năm tôi 25 tuổi, lần đầu nhìn thấy cô Lê Thị Ý lúc ấy đã 40 tuổi ở ngôi nhà Nhật Tảo,
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21158)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15982)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17610)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10330)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18809)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5158)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1905)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2458)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2291)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23596)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20071)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8891)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9927)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9297)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12378)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31850)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21570)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26635)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24076)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22870)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20986)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19004)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20185)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17745)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16822)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25914)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33243)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35628)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,