Nếu bị đày ra một hoang đảo và chỉ được phép đem theo một tập thơ duy nhất để đọc trong lúc nhàn rỗi – ở hoang đảo một mình đương nhiên là nhàn rỗi – tôi sẽ không đắn đo suy nghĩ cầm theo tập thơ của nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường Xuân Hương. Tại sao? Bạn có thể hỏi tôi như thế và tôi xin trả lời là, mặc dù thơ của nữ sĩ họ Hồ có thể không trác tuyệt, không “nâng tâm hồn lên” như thơ của nhiều thi sĩ khác nhưng ngồi một mình trên hoang đảo, hết ngày này qua ngày khác, trong vô vọng, chỉ có thơ của bà với phong cách vừa thanh vừa tục, vừa nghiêm túc vừa đùa bỡn, mỗi lần đọc lại đều thấy có cái gì mới mẻ lấp lánh ló dạng từ giữa những câu thơ, giữa những con chữ, mới giúp tôi quên thời gian nặng nề, chậm chạp trôi qua. Bởi tôi sẽ không bao giờ chán đọc thơ bà trong bất kỳ cảnh huống nào. Bởi thơ của các thi sĩ khác – trác tuyệt hơn đấy, trí tuệ hơn đấy, gợi cảm hơn đấy – nhưng đọc qua một lần đã thấy “ngan ngán,” phải đợi thời gian khá lâu, cả tuần, thậm chí cả tháng trời, đọc lại mới thấy thú vị, mới có thể tiếp tục đọc, và ví bằng như thế chắc tôi sẽ chết vì buồn chán mất thôi.
Đã có không ít giấy mực nói về thơ Hồ Xuân Hương. Đầu thế kỷ XX những người như Nguyễn Hữu Tiến, Tản Đà đưa ra những nhận định về thơ bà như một cố gắng muốn làm giảm nhẹ tính dâm tục để tránh cho bà tiếng đĩ thõa mà bọn đạo đức giả thường hay gán lên bà. Các nhà nghiên cứu văn học như Trương Tửu, Nguyễn Văn Hanh thì tìm cách lý giải dựa trên cái nhìn thô thiển và dễ dãi của bệnh lý phân tâm học, họ đưa ra kết luận bảo bà là người đàn bà bị ẩn ức sinh lý nên làm thơ như thế như một hình thức giải tỏa ức chế. Thế rồi đến giữa thế kỷ, các nhà lý luận Mác-xít như Đặng Thanh Lê nhảy vào biện biệt và gán lên thơ bà cái nhãn hiệu sặc mùi Xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giai cấp như [bà là người] “đầy tinh thần chiến đấu chống lễ giáo phong kiến,” “một phụ nữ tài hoa và dũng cảm đã lên tiếng trên giấy trắng mực đen, đấu tranh cho quyền lợi của mình,” vân vân. Gần đây nhất nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy lại đưa ra một phương cách tiếp cận khá mới mẻ và độc đáo để đọc thơ Hồ Xuân Hương, trong đó, ông kết hợp tín ngưỡng phồn thực trong dân gian Việt Nam với lý thuyết “vô thức tập thể” của nhà phân tâm học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. Thậm chí, học giả người nước ngoài (như ông John Balaban) cũng đặc biệt chú ý đến bà và dịch thơ bà sang Anh ngữ. Học giả người Nga Niculin thì dịch thơ bà sang tiếng Nga và có cả một chuyên luận lý giải thơ bà dựa trên “Nguyên lý hội hóa trang.” Và còn không biết bao nhiêu công trình khác tôi không biết đến, mỗi người từ một góc độ khác nhau chiếu giọi luồng sáng vào thơ bà.
Hiếm thấy một tác giả Việt Nam nào, trung đại, cận đại hoặc hiện đại, được chiếu cố kỹ càng như thế. Bởi vậy, tất cả những gì tôi định ca ngợi “Bà Chúa Thơ Nôm” chỉ là những điều thừa thãi, không nên rườm rà, chỉ làm phiền tai thiên hạ. Ở đây tôi chỉ mượn tên tuổi bà như cái cớ để nói đến sự kiện mà tôi thấy khá độc đáo trong văn học Việt Nam. Đó là, văn học Việt Nam không cần đợi đến thời hiện đại, trước khi dân tộc va chạm với nền văn hóa phương Tây, đã có những người làm thơ phái nữ kiệt xuất, đã có những vị anh thư được gọi bằng danh hiệu đầy trang trọng: nữ sĩ. Tuy con số không nhiều nhưng không ai dám phủ nhận thi tài của họ đôi khi vượt trội cả phái nam, và nhờ thế họ lưu lại cho hậu thế nhiều sáng tác thi ca bất hủ. Từ thời nhà Lê, chúng ta có bà Đoàn Thị Điểm; bước sang triều đại nhà Nguyễn, chúng ta có thêm các bà: Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và hai nhân vật khác ít danh tiếng hơn, Phan Mi Anh và Năng Văn Nữ Sĩ (bà này là chị ruột cụ Nguyễn Công Trứ).
Sinh sống trong một xã hội nắm đầu bởi tập đoàn vua quan khư khư bám chặt lấy ý thức hệ Khổng-Mạnh (mà phần nhiều là cái bề trái phù phiếm của lý học Tống-Nho), khệnh khạng với truyền thống “trọng nam khinh nữ,” xem đó như sự đương nhiên, đàn bà không được đi học mà phải ở nhà, đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng hay quay tơ, dệt vải, nuôi con. Mặc dù thế, vẫn có không ít những trường hợp ngoại lệ, vẫn có những phụ nữ chứng tỏ được sự kiên quyết, vượt qua không biết bao nhiêu trở ngại, khó khăn ngặt nghèo để đạt đến ước nguyện sau cùng của mình, trở thành người biết chữ nghĩa, và họ gửi gắm tâm tư mình vào những lời thơ. Tuy thế điều quan trọng hơn, theo tôi, là sự trân trọng của người dân trong xã hội Việt Nam thời ấy đối với những tác phẩm thơ văn giá trị. Một xã hội phong kiến; ý thức hệ Tống Nho hủ lậu, với những quy luật khắt khe, phi lý vây hãm tỏa chiết tâm tư người đàn bà, ăn sâu từ muôn kiếp trước trong nền nếp suy nghĩ và lề thói sinh hoạt; sự bất bình đẳng trong điều kiện xã hội; sự thiên lệch trong cung cách đối xử; tất cả những bất công ấy như mạng lưới chằng chịt trì kéo, chèn ép đời sống người phụ nữ thời phong kiến tưởng chừng không thế lực, không ý thức hệ nào có thể chặt đứt nổi. Nhưng khi đem thơ phú ra làm đối tượng nghệ thuật, khi thưởng ngoạn và bình phẩm thơ văn một cách nghiêm túc, tính cách phân biệt nam nữ hình như tan biến. Không ai dùng nó để thẩm định và biện biệt giá trị văn học. Đứng trước tòa nhà văn chương, đột nhiên, áo the đen và áo tứ thân nâu bình đẳng ngang nhau. Một bài thơ hay được truyền tụng trong dân gian mà không cần biết tác giả nó là nam hay nữ. Sự trân trọng này hiển lộ trong bài tựa tập thơ Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương do một trong những bằng hữu xướng họa thơ văn của bà, người có biệt hiệu là Tốn Phong Thị, viết vào năm 1814. Lời lẽ hết sức trân trọng của bài tựa cho thấy giá trị văn học trong thi ca nữ sĩ họ Hồ đã được đánh giá rất cao bởi những nhà Nho cùng thời.
Điều ấy không hề tồn tại trong xã hội Tây phương thời quân chủ.
Trong cuốn tiểu luận Căn phòng riêng xuất bản năm 1929, nữ tiểu thuyết gia người Anh Virginia Woolf, bằng tất cả nhiệt tâm và lòng thành thật, mở ra cho chúng ta thấy bức tranh cực kỳ bi đát về cảnh huống những văn thi sĩ phái nữ ở châu Âu gặp phải dưới thời phong kiến. Bà bảo, vào thời Shakespeare, người phụ nữ của sân khấu kịch nghệ thường bị người đời ví như con chó bông xù làm trò trong gánh xiệc! Họ xuất hiện trên sân khấu chỉ làm trò cười cho khán giả. Còn thơ văn thì sao? Không ai xem trọng thơ văn phái nữ. Đàn bà có chút thiên tư dùng ngòi bút diễn tả tâm tư mình, ngay tức khắc, sẽ bị dán lên người nhãn hiệu con mụ điên, thậm chí, con mụ phù thủy già nua xấu xí sống trong ngôi nhà ma quái nơi bìa rừng bị mọi người ghê tởm, lánh xa! Người phụ nữ viết văn, làm thơ là người chịu đựng không những mọi bất công của xã hội chụp lên đầu mà còn chẳng bao giờ có đời sống gia đình bình thường, “bởi lúc nào bà cũng phải sống trong tình trạng căng thẳng thần kinh và tiến thoái lưỡng nan, một tình trạng có thể dẫn đến cái chết.” Hậu quả khó tránh là bà sẽ chết tức tưởi và thân xác bà bị vùi chôn trong nấm mồ vô danh nào đó ngoài đồng nội. “Giả sử bà không chết, nhưng ngay cả thế những gì bà viết cũng sẽ bị bóp méo và biến dạng, kết quả của những đầu óc tưởng tượng lệch lạc và bệnh hoạn.” Woolf viết như thế.
Đến giữa thế kỷ XIX, tình trạng này khá hơn, nhưng phụ nữ viết văn, làm thơ vẫn bị người đời bỉ báng không thương tiếc. Họ phải ký bút danh đàn ông, bởi nếu không, sẽ chẳng ai thèm tìm đọc những điều họ viết, chẳng nhà phê bình văn học nào quan tâm và tác phẩm của họ như thế sẽ chìm ngay vào quên lãng. (Như trường hợp chị em nhà Brontë trong văn học Anh. Ba chị em, Charlotte, Emily và Anne – tác giả những thiên tiểu thuyết bất hủ Đỉnh gió hú, Jane Eyre, Agnes Grey mà cho đến ngày nay vẫn còn sức lôi cuốn người đọc – khi xuất bản sách đã phải ẩn giấu tên tuổi mình dưới những bút danh phái nam: Currer, Ellis và Acton Bell. Bà Mary Anne Evans, một tiểu thuyết gia khác, cũng phải làm thế dưới bút danh George Eliot.)
Bước sang thế kỷ XX, sau những tranh đấu gay gắt, phong trào nữ quyền, manh nha khởi đi từ Mỹ và Anh quốc, bắt đầu le lói và dần dà lan tỏa khắp thế giới. Yêu cầu của nó là một khí quyển xã hội mới, trong đó nam nữ bình quyền. Nhưng quan trọng hơn, nó cố tẩy xóa những định kiến vốn sẵn hằn sâu trong nhận thức xã hội về giá trị, khả năng và vai trò của người phụ nữ. Tuy vậy, vẫn theo lời Virginia Woolf thì vào thời của bà, phụ nữ vẫn chưa thực sự bình đẳng với phái nam. Trong trường đại học, phụ nữ không được quyền đặt chân vào thư viện tra cứu sách vở nếu không có thư giới thiệu của viện trưởng hay giáo sư phụ trách, thậm chí, trong sân trường, phụ nữ không được phép đi trên thảm cỏ mà phải cuốc bộ dọc theo lối đi trải sỏi. Trường học của nam sinh viên thì sung túc, thừa thãi, toàn giáo sư giỏi nhất nước về giảng dạy; còn các ngôi trường nữ thì gần như bị bỏ quên.
Châu Âu văn minh là như thế, còn Việt Nam mình thì sao?
Tôi không chối cãi sự thật là cho đến thời điểm hai thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ XX, tại miền Nam Việt Nam, vẫn còn tình trạng nam nữ không bình quyền (bộ luật Gia Đình do bà Trần Lệ Xuân đưa ra chỉ là trò hề và, dù sao chăng nữa, nó chết theo anh em ông Diệm). Trong khi đó, trên bình diện văn học, không biết Nữ quyền luận đã xuất hiện ở Việt Nam lúc ấy hay chưa, nhưng sự hiện diện đông đảo của những cây bút nữ là hiện tượng đáng lưu ý. Nó mặc nhiên hiện hữu không như một thử thách hay thách đố nào mà như một sự kiện tự nhiên, không có không được. Nó chẳng cần ai lớn tiếng kêu gào bênh vực cho nó. Tiêu biểu nhất của thế hệ ấy có lẽ là những nhà văn, nhà thơ như Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Đỗ Phương Khanh, Hoàng Hương Trang, Minh Đức Hoài Trinh... rồi đến những người viết mạnh dạn hơn trong phong cách văn học, mới mẻ hơn trong loại hình, như Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca, Hồng Khắc Kim Mai, Trần Thị NgH... Tất cả đã góp phần không nhỏ vào sức sống của văn học miền Nam lúc đó.
Sức sống ấy truyền ra đến hải ngoại. Ngày nay không ai chối cãi sự kiện văn học Việt Nam hải ngoại sở dĩ còn tồn tại và có bản sắc riêng là nhờ một đội ngũ đông đảo những ngòi bút sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ phái nữ! Thế hệ nào cũng có những người viết nữ xuất sắc bước ra ở hàng đầu. Phong cách sáng tạo của họ không những khiến độc giả giật mình mà các nhà văn, nhà thơ phái nam phải nhìn nhau ngẩn ngơ. Nó có tính công phá, nhất là ở những phạm vi “ta-bu” như tình dục. Và nếu văn học hải ngoại có tương lai sống còn hay không thì tương lai ấy nằm trong tay các nhà văn, nhà thơ phái nữ chứ không phải các nhà thuộc giới “mày râu.”
Bên trên tôi dùng từ “hiện tượng” để diễn tả sự xuất hiện của những người viết phái nữ trong văn học Việt Nam. Nói như thế là sai. Nó không phải hiện tượng, nếu hiểu hiện tượng là nhận thức chủ quan, xuất hiện đột ngột, trong khoảnh khắc rồi tan biến. Kỳ thực, nó là con đường kế thừa. Kế thừa một truyền thống dân tộc luôn luôn quý trọng các tác phẩm văn học giá trị. Kế thừa một truyền thống văn chương không kỳ thị nam nữ. Kế thừa một Hồ Xuân Hương, một mình một cõi, đường bệ và ngạo nghễ, suốt chiều dài lịch sử trong khu vườn văn nghệ Việt Nam.
Và tôi chẳng bao giờ sợ bị lưu đày ra hoang đảo bởi lúc nào tôi cũng thủ sẵn tập thơ của vị nữ sĩ họ Hồ.
(Trích trong: Chỉ Là Đồ Chơi, tác giả Trịnh Y Thư)