Sau hiệp định Genève, Nguyễn Tấn Triết vào Qui Nhơn học trung học. Đến năm đệ nhị anh phải vào Nha Trang cách nhà hơn 300 cây số để học trường công lập lớn nhất Nam Trung bộ bấy giờ là trung học Võ Tánh. Thành phố biển thơ mộng đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê nghệ thuật trong anh, đến nỗi năm 1958 lúc đang học chuẩn bị thi tú tài, Lâm Triết đã bỏ học, ra Huế thi vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật mới mở. Anh là sinh viên khóa đầu tiên. Hai năm học ở trường Mỹ Thuật Huế là thời gian tuyệt vời của chàng sinh viên Nguyễn Tấn Triết. Anh tìm hiểu về hội họa phương Tây với những bậc thầy mà anh ngưỡng mộ: Chagall, Van Gogh, Renoir… Năm 1960, lúc đang là sinh viên năm thứ 3, Nguyễn Tấn Triết tham gia cuộc triển lãm “Hội Họa Mùa Xuân” tại Sài Gòn, lần đầu anh ký bút danh Lâm Triết. Và ngay lần đầu này, anh đã đoạt Huy chương đồng. Phần do sự phấn khích khi đoạt giải thưởng, phần anh cảm thấy mình đã học được căn bản hội họa - và quan trọng hơn - anh muốn vượt thoát khỏi những bài học khuôn mẫu, đóng khung trong học đường để vươn tới sự sáng tạo đích thực. Lâm Triết bỏ học dở chừng, trở về quê nhà Bồng Sơn, vừa sáng tác vừa dạy vẽ ở trường trung học Tăng Bạt Hổ.
Năm sau anh chuyển vào dạy vẽ tại trường Trung học Phan Bội Châu, Phan Thiết. Và thị xã ven biển này là bệ phóng cho chàng họa sĩ trẻ tuổi Lâm Triết trên con đường nghệ thuật. Chính quãng thời gian ngắn ngủi dạy vẽ ở trường Phan Bội Châu Phan Thiết là thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Lâm Triết. Và cũng thời kỳ này anh khởi bước vào một thế giới hội họa khác: Tượng trưng rồi trừu tượng. Họa phẩm “BẾN” mang nét đặc trưng đầu tiên của Lâm Triết trong lĩnh vực trừu tượng với những đường cong gợi một mạn thuyền và cánh buồm cùng với mảnh lưới nhạt nhòa, mờ ảo trong sắc xanh nhạt của biển trời mênh mông của Phan Thiết… Nhưng chính họa phẩm “NGỰA” mang phong cách tượng trưng tạo nhiều ấn tượng tại cuộc triển lãm Mùa Xuân 1962 đã mang đến Lâm Triết huy chương vàng toàn quốc (miền Nam) khi anh vừa 24 tuổi!
Trong bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Bách Khoa sau khi đoạt huy chương vàng Hội họa Mùa Xuân 1962, Lâm Triết nói anh không nuôi sẵn ý định mình sẽ đi theo truờng phái nào, mà anh đi tìm kiếm lối đi đáp ứng được khao khát sáng tạo của mình. Anh khởi đầu vẽ theo trường phái ấn tượng rồi qua dã thú đi đến biểu tượng, trước khi dừng lại ở trừu tượng. Chính Lâm Triết cũng không thể ngờ rằng mình dừng lại mãi ở trừu tượng cho đến những ngày cuối đời lúc nhớ lúc quên trong căn nhà xinh xắn bên bờ sông Lại Giang quê nhà.
Sau khi đoạt huy chương vàng Hội Họa Mùa Xuân 1962, Lâm Triết xin chuyển về dạy tại trường trung học Võ Trường Toản, Sài Gòn. Một phần để tiếp tục học thêm trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định nhằm hoàn tất chương trình dở dang thời ở Huế, một phần về Sài Gòn để có dịp tiếp xúc với anh em văn nghệ sĩ thủ đô, tạo hưng phấn sáng tác. Dù đã tạo được tên tuổi trong nghệ thuật, nhưng tranh Lâm Triết hầu hết là tranh trừu tượng rất kén người mua, mà lương dạy vẽ khá khiêm tốn, không đủ mua màu, toil… để vẽ.
Năm 1968, Lâm Triết ra Huế dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật. Nhưng chỉ năm sau anh trở lại Sài Gòn dạy trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định. Thời kỳ này cuộc sống gia đình Lâm Triết không được đầm ấm. Anh lên Đà Lạt ẩn cư và vẽ. Nhưng thiếu tiền mua toil, màu… Có lúc Lâm Triết sắm xe tải nhỏ, tự mình lái đi mua rau, trái cây chở về Sài Gòn bán và… thất bại hoàn toàn! Anh phải xoay qua làm đủ nghề để kiếm sống và vẽ!
Hơn mười năm từ 1963 đến 1974, hàng năm Lâm Triết đều có triển lãm cá nhân tại Sài Gòn. Anh cũng có hai cuộc triển lãm Quốc tế (Paris 1963 và Sao Paulo, Brasil 1966). Năm 1967, Lâm Triết tham gia Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam. Tuy vậy, anh nói, có thể coi thời kỳ 1970 - 1975 là “bước đệm của sự khủng hoảng sáng tạo” của anh, khi mà những Picasso, Miro, Van Gogh - kể cả Chagall mà trước kia Lâm Triết rất mê - cũng không còn hấp dẫn anh!
Lâm Triết rời Việt Nam cuối Tháng Tư 1975. Do bị kích động bởi biến cố lớn, trên đường di tản Lâm Triết bị động kinh, dẫn đến mất trí nhớ hơn nửa năm mới bình phục. Cuộc sống ban đầu ở Mỹ không dễ dàng hội nhập. Lâm Triết làm đủ nghề để nuôi con: công nhân đóng hộp của một hãng điện tử, lái xe giao hàng, làm nhà in, rồi mở nhà hàng…Khi có thời gian rảnh anh đi tham quan các viện bảo tàng mỹ thuật, được xem tận mắt những kiệt tác của các danh họa. Nhưng Lâm Triết không vẽ được. Chỉ có một lần lúc mới sang Mỹ anh có vẽ mấy bức tham gia triển lãm với bạn bè cốt để khuây khỏa, đỡ nhớ màu sắc, toil, cọ… Thời gian làm nhà in, Lâm Triết có hỗ trợ một số bạn bè văn nghệ sĩ lưu vong làm một số tạp chí văn học nghệ thuật. Rồi anh làm họa sĩ trình bày bìa sách cho nhà xuất bản Melrose Square tại Los Angeles.
Năm 1990, khi các con đã trưởng thành, Lâm Triết về Việt Nam thăm lại quê hương sau mười lăm năm xa cách. Anh gặp người bạn cũ là họa sĩ Rừng vừa mở cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên sau 1975. Cuộc triển lãm có tên “Bình Minh Mới” khá thành công. Rừng rủ Lâm Triết đi dạo phố Tự Do xưa, tức Đồng Khởi sau 1975. Hai người ghé gian hàng sơn mài Hương Việt của Kim Minh - một người quen của Rừng. Lâm Triết ngờ ngợ khi gặp lại cô học trò cũ ở trường Phan Bội Châu, Phan Thiết gần ba mươi năm trước. Dĩ nhiên Kim Minh nhớ ngay người thầy cũ mà ngày xưa cô đã thầm yêu! Sau này Rừng kể, anh hết sức bất ngờ khi Lâm Triết móc trong ví ra tấm hình Kim Minh hồi 15 tuổi đang học đệ tứ! “Thế là chúng nó ríu rít nói chuyện với nhau, quên cả sự có mặt của mình luôn!" - Rừng kể.
Ít lâu sau tôi ghé thăm Kim Minh ở đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận và gặp Lâm Triết ở đó. Kim Minh giới thiệu tôi với Lâm Triết. Tôi nói, tôi đã từng xem tranh anh ở Sài Gòn trước 1975. Nhưng phải thưa thiệt với anh, bấy giờ xem tranh trừu tượng của anh, tôi như lạc vào cõi hồng hoang hỗn mang! Lâm Triết rất thú vị khi nghe tôi nói về cõi hồng hoang trong tranh anh. Anh bảo, nơi đây giờ là chốn an bình của mình. Tôi buột miệng, vậy là anh từ cõi hồng hoang đã về chốn an bình!
Ban đầu Kim Minh - Lâm Triết ở đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận. Sau chuyển sang đường Đồn Đất (Thái Văn Lung) quận 1 mấy năm, trước khi an cư ở đường Thảo Điền, quận 2. Đó là một căn biệt thự hai mặt tiền, rộng cả ngàn mét vuông, có hồ bơi bên cạnh studio và phòng trưng bày riêng dành triển lãm thường trực tranh trừu tượng Lâm Triết. Anh thường gặp gỡ các bạn họa sĩ thân thiết cùng thế hệ như Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Trương Đình Quế, Rừng, Đỗ Quang Em… Khi thì tại tư gia, lúc thì ở Hội Mỹ Thuật. Gặp gỡ trò chuyện về nghệ thuật và đôi khi đánh bài vui chơi, giải trí.
Thời gian này Lâm Triết đắm mình trong hội họa. Đến thăm thấy lúc nào anh cũng vẽ. Anh say mê vẽ không biết thời gian qua đi. Thời gian như ngưng đọng lại trong tranh Lâm Triết. Qua những tảng màu, khoảng không gian xa xôi, những thiên hà xa thẳm cũng cháy bùng lên trong niềm hưng hấn vô biên trong tranh Lâm Triết. Tôi đến thăm, nhiều khi ngồi ngắm anh vẽ cả giờ đồng hồ nhưng anh không hay biết. Tôi cũng không muốn phá vỡ “cơn lên đồng” của anh. Khi Lâm Triết buông cọ, người anh phờ phạc, thẫn thờ như vừa qua cuộc chạy đua với vị thần sáng tạo. Nó vắt kiệt sức họa sĩ, nhưng ánh mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc.
Năm 1992 khi trở lại Mỹ thăm con sau hai năm về sống ở Việt Nam, Lâm Triết mang theo một số tranh anh đã vẽ trong hai năm ở Việt Nam, mở một phòng triển lãm nhỏ tại nhà con trai cả của anh. Phòng tranh không mở cửa thường xuyên, chỉ khi có ai đến thì mới mở cửa đón tiếp! Dịp này anh gặp Tiến sĩ mỹ thuật Maria Kubaiska đến phỏng vấn, Lâm Triết nói: “Tôi đã mất hết niềm tin và rời bỏ nghệ thuật trong thời gian ở Mỹ. Mãi đến khi trở về Việt Nam năm 1990, quê hương đã làm tôi sống lại ngay lập tức. Chỉ trong hai năm mà tôi đã làm được những gì không làm được ở Mỹ trong 15 năm!”
Năm 1993, Lâm Triết mang tiếp loạt tranh vẽ ở Việt Nam qua Mỹ chuẩn bị mở cuộc triển lãm với tên gọi “Từ Cõi An Bình” - cũng là tên tất cả tranh trưng bày! Chỉ vì cái tên gọi phòng tranh mà anh đã bị nhiều kẻ chống cộng cực đoan phản đối kịch liệt, đe dọa đập phá phòng tranh nếu mở cửa. Họ bảo anh ca tụng Việt Nam dưới chế độ cộng sản là cõi an bình!!! Lâm Triết giải thích đó là “cõi an bình” trong tâm hồn anh. Nhưng họ vẫn không để anh yên, nên cuộc triển lãm bất thành. Tôi nhớ có đọc bài viết của họa sĩ Khánh Trường trên tạp chí Hợp Lưu có tựa “Về cuộc triển lãm bất thành.” Trong bài viết Khánh Trường phê bình thẳng thừng những người phá đám cuộc triển lãm của Lâm Triết. Sau này Lâm Triết có mấy lần mang tranh sang Mỹ triển lãm tại các gallery của Mỹ, chứ không trưng bày ở khu người Việt nữa!
Mấy năm sau cuộc triển lãm bất thành ở Mỹ, năm 1997 Lâm Triết lần đầu mang tranh ra Hà Nội tổ chức triển lãm tại Gallery 29 Hàng Bài. Cuộc triển lãm mang tên “Lắng đọng” (tên tiếng Anh là “Saved from the Silence”). Công ty tổ chức triển lãm đã gửi đơn xin phép sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội từ trước đó khá lâu, nhưng họ cứ hẹn lần hẹn lữa mà không cấp phép! Hỏi thì được trả lời là “người có trách nhiệm ký giấy phép bận đi công tác.” Thư mời đã gửi. Đến ngày khai mạc theo kế hoạch, thân hữu và khách đến đông đủ mà tranh vẫn để dưới sàn, dựa vào chân tường phòng triển lãm chứ KHÔNG ĐƯỢC TREO! Khách đến tham dự vẫn uống rượu và xem tranh để dưới đất! Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân có mặt hôm đó, nói nửa đùa nửa thật, đại ý: “Giới hội họa Hà Nội phải cúi người xem tranh Lâm Triết!” Đó có lẽ là cuộc triển lãm hội họa đặc biệt nhất ở thủ đô ngàn năm văn hiến!
Từ năm 1993 đến 1998, tôi có mấy bài viết và phỏng vấn Lâm Triết - chủ yếu để anh nói về tranh trừu tượng. Bài “Họa sĩ Việt kiều Lâm Triết - từ cõi hồng hoang về chốn an bình” và bài phỏng vấn đều đăng trên tuần san Thanh Niên chủ nhật do tôi phụ trách văn hóa nghệ thuật. Kể cả bài ký sự nhân vật Lâm Triết đăng trên tạp chí “Phong Cách Sống” (Life Style). Tôi nhớ mãi năm 1998, khi tôi đi công tác miền Tây về, ghé thăm Lâm Triết. Thấy anh cạo trọc đầu, tôi hỏi đùa, ông làm gì mà bị bà xã cạo đầu vậy? Lâm Triết cười, năm nay moa tròn hoa giáp - sáu mươi chẵn. Coi như mới sinh ra nên chưa mọc tóc! Sau đó Lâm Triết rủ tôi cùng về thăm quê hương Bình Định. Bồng Sơn - quê Lâm Triết phía bắc Bình Định, cách Phù Cát quê tôi khoảng 60 cây số. Trên đường đi anh kể biết bao kỷ niệm thời anh còn đi học, thường đón những chuyến xe đò Qui Nhơn - Nha Trang - Phan Thiết - Sài Gòn… Chúng tôi ghé Phan Thiết ngủ lại một đêm để Lâm Triết nhớ lại một thời. Ghé Nha Trang, Lâm Triết bảo anh lái xe đến trường Trung học Võ Tánh xưa - giờ đã đổi tên - nơi bốn mươi năm trước anh đã từng theo học! Lâm Triết tần ngần đứng ngoài cổng trường nhìn vào như cố tìm chút kỷ niệm xưa có còn sót lại gì không!
Kim Minh cùng Lâm Triết thường tổ chức những chuyến đi làm từ thiện, phân phát lương thực cứu trợ bà con bị thiên tai, địch họa. Tôi cũng có lần đi theo phụ giúp phân phát lương thực sau cơn bão càn quét qua Bà Rịa - Vũng Tàu - hình như năm 2006. Sau đó Lâm Triết tổ chức bán đấu giá tranh anh lấy tiền làm từ thiện. Cuộc đấu giá tranh Lâm Triết tại gallery nhà, bán được 4 bức thu 85 triệu đồng. Lâm Triết dành toàn bộ làm từ thiện.
Thời gian này, thỉnh thoảng Kim Minh tổ chức tiệc buffet tại ngôi biệt thự trên đường Thảo Điền mời bạn bè văn nghệ sĩ của Lâm Triết đến lai rai, đàm đạo. Hầu hết bạn của Lâm Triết là họa sĩ nổi tiếng từ trước 1975. Có cả bạn của Kim Minh trong giới văn học, báo chí.
Những cuộc gặp gỡ thưa dần, vì sức khỏe Lâm Triết ngày càng yếu. Tôi đến thăm, nhiều khi rất ái ngại khi thấy anh lúc nhớ lúc quên. Nhất là căn bệnh động kinh tái phát thường xuyên. Gia đình còn có con cháu, Kim Minh rất ái ngại, phải chuyển anh về quê nhà Bồng Sơn sống với người cháu, hy vọng anh an dưỡng nơi không khí trong lành mát mẻ cùng với những ký ức thời thơ ấu sẽ giúp anh phục hồi. Hằng tháng Kim Minh về Bồng Sơn thăm anh và chuyển tiền cho cháu anh lo cho chú. Thời gian đầu sức khỏe Lâm Triết có tiến triển. Sáng sáng anh tản bộ dọc bờ sông Lại Giang, trí nhớ đã ổn hơn, bịnh động kinh thưa dần… Nhưng mối liên lạc giữa Lâm Triết và Kim Minh ngày càng thưa dần và đứt hẳn khi bạn sang Mỹ định cư.
Lâm Triết ngày càng suy sụp. Mấy lần tôi gọi thăm nhưng anh không còn nhận ra tôi! Lâm Triết mất ngày 17 / 12 / 2018 - hai ngày sau sinh nhật thứ 80 của anh!