CỔ NGƯ - Tản mạn một chuyến đi

14 Tháng Chín 202311:59 SA(Xem: 3958)
CỔ NGƯ - Tản mạn một chuyến đi

 

- Cậu đi chơi Maroc thật à?

 

- Vâng, cuối tháng này.

 

Ông Aziz ngập ngừng nhìn tôi đang lựa mấy trái cà chua trong cửa tiệm chạp phô nhỏ xíu của ông.

 

- Tôi... tôi muốn nhờ cậu một chuyện. À, mà cậu định đi thăm những đâu?

 

- Tôi cũng chưa biết nữa. Tính tôi thích lang thang... Nhưng có lẽ tôi sẽ chọn miền nam Maroc.

 

- Vậy thì tuyệt quá! Nếu có ghé thành phố Ouarzazate, cậu chụp hộ tôi một tấm ảnh nhé?

 

- Ouarzazate nằm ở đâu vậy ông Aziz?

 

- Cậu không biết Ouarzazate à, nó là cửa ngõ chính để vào sa mạc. Ngày xưa tôi ở đó. Lâu lắm rồi...

 

Tôi đã giữ đúng lời hứa. Không phải một tấm hình mà gần hết cuộn phim. Tôi cố ghi lại bằng hình ảnh tất cả những điều mà ông Aziz đã kể cho tôi nghe bằng một giọng run run hồi tưởng: cánh cửa nhà ông bằng gỗ nâu bóng có vẽ bàn tay nàng Fãtima, cánh cửa xanh nhà đối diện với ngôi sao David, ngôi đền cổ, nghĩa địa xưa, máy nước công cộng và quảng trường rộng lót đá trắng, nơi thường diễn ra những cuộc hội hè, đình đám của dân trong xóm. Tôi đã tìm về cái ngày xưa của ông Aziz, cái thời chú bé tóc xoăn mắt sáng còn thoăn thoắt khắp các hẻm ngang ngõ dọc phía sau ngôi thành cổ Taourirt. Người thanh niên tôi nhờ dẫn đường đã ngạc nhiên, không hiểu sao một gã đàn ông da vàng lạ hoắc lạ huơ ở đâu tới lại rành rẽ đường đi nước bước đến thế ở trong cái khu bàn cờ này. Anh ta hỏi tôi, câu hỏi mà tôi đã nghe hơn một chục lần kể từ lúc đặt chân lên phần đất Phi châu này:

 

- Ông là người Nhật hả?

 

- Không, tôi người Việt Nam.

 

Thấy mặt anh ta ngẩn ra, tôi phải bồi thêm: nước tôi hơi xa nước Nhật một chút, nằm phía nam nước Tàu, kế bên nước Thái. Tới đây thì một người Maroc bình dân đã có thể thoả mãn với câu trả lời rồi. Nhưng còn tôi, với cái tự ái dân tộc vỗ ngực xưng danh con rồng cháu tiên gần năm ngàn năm văn hiến? Người Nhật, người Tàu, người Thái, xứ sở họ được cả đến những người berbère miền núi Atlas lẫn dân du mục sa mạc Sahara biết đến, nhắc đến với sự ngưỡng mộ, còn người Việt, họ ở đâu vậy kìa?

 

Tôi mời Mohammed Hassan, người thanh niên dẫn đường, vào quán uống nước. Ở Maroc mới vài ngày, tôi đã như muốn quên hẳn tách cà-phê để quay sang mê ly cam vắt ngọt ngào mát rượi hay bình trà bạc hà đậm đà ngát hương. Mohammed muốn Coca-Cola, và như nhiều, rất nhiều công dân của địa cầu những năm cuối thế kỷ hai mươi này, chàng thanh niên vùng ven sa mạc mặc áo sơ-mi, quần jeans và mang giày thể thao. Mohammed đưa cho tôi xem một tấm hình. Mặt trước anh thắt cà-vạt. Mặt sau, anh ghi tên tuổi, địa chỉ với nghề nghiệp: diễn viên điện ảnh.

 

- Anh là diễn viên điện ảnh?

 

- Vâng, tôi có đóng một vai phụ trong phim "Kundun". Mà ông đã xem phim đó chưa?

 

Tôi cười, lắc đầu. Phim ảnh, hình như không nằm trong sở thích của tôi, nhưng câu nói của Mohammed làm tôi nhớ đến ông Aziz.

 

- Tôi có biết một ông già ngày xưa cũng ở thành phố này. Ông ta nói có đóng vai phụ trong phim "Lauwrence d'Arabie" thì phải.

 

Mắt Mohammed như rực lên. Vậy đó, họ là một trong hàng trăm, hàng ngàn diễn viên phụ chỉ xuất hiện đôi phút, thậm chí một vài giây trên màn ảnh, nhưng cái ánh hào quang nhỏ nhoi ấy cứ mãi chói chan trong trí tưởng của họ suốt cả cuộc đời. Có thể tôi nghĩ sai về Mohammed chăng, khi câu hỏi tiếp theo của anh như đột ngột chuyển sang một hướng khác.

 

- Ông có quen người Maroc nào khác ở Pháp không?

 

- Tôi có vài người bạn thời sinh viên. Bây giờ cũng có, làm chung sở.

 

- Người ông quen là bạn trai hay bạn gái, khoảng bao nhiêu tuổi?

 

Tôi nhìn Mohammed. Đâu phải công an trá hình. Cặp mắt nâu trong veo trước mặt tôi đầy thành khẩn. Anh chàng này muốn gì đây?

 

- Đủ cả, tuổi thì cỡ tôi, hoặc trẻ hơn một chút, cỡ anh...

 

- Tôi muốn nhờ ông một việc. Ông có thể chuyển tấm hình này cho một người bạn gái Maroc của ông được không, cô nào cũng được, nhưng phải chưa có gia đình...

 

Đến đây thì tôi hiểu ra điều Mohammed muốn nói đến. Một đám cưới. Một đám cưới "trắng" với những giấy tờ hợp lệ, sẽ đưa anh rời khỏi vùng đất khô cằn này để bước vào nơi rực rỡ ánh sáng, bước vào một "giấc mơ Pháp" diễm lệ. Không muốn bóp vỡ những ảo ảnh óng ánh cầu vồng của Mohammed, nhưng cũng không thể làm kẻ lừa mị, tôi hỏi:

 

- Anh muốn bỏ xứ à?

 

Mohammed đảo mắt nhìn quanh trước khi trả lời. Thật nhỏ:

 

- Vâng!

 

- Tại sao vậy?

 

- Ở đây cực quá! Anh em họ của tôi ở Pháp viết thư về, nói đời sống bên đó sung sướng, tiện nghi hơn nhiều.

 

- Mấy người đó đi lâu chưa?

 

- Đâu cũng hai mươi lăm, ba chục năm gì đó...

 

- Anh muốn đi Pháp, vậy anh có đọc báo hay coi truyền hình để theo dõi tình hình không?

 

- ... không...

 

- Vậy thì tôi chỉ có một lời khuyên thôi: anh đừng quyết định vội. Hoàn cảnh của nước Pháp hiện tại và hoàn cảnh của nước Pháp cách đây hai mươi lăm năm khác nhau xa lắm. Anh hãy nghe, nhìn và nghĩ cho kỹ đi đã...

 

- Ông muốn nói...

 

- Tôi chẳng có quyền gì ngăn cản hoặc khuyến khích anh cả. Nhưng với một dự tính quan trọng như vậy, anh nên suy nghĩ cho chín chắn. Cuộc sống thật bao giờ cũng phức tạp hơn nhiều so với những lời lẽ viết trong thư.

 

- Vậy là, ông không giúp tôi?

 

Tôi lắc đầu dứt khoát.

 

- Không được đâu!

 

Mohammed cúi xuống xoay xoay lon Coca. Tôi nhìn những lọn tóc của anh lay nhẹ theo từng đợt gió nóng. Thời tiết dự báo một trận bão cát. Lòng anh có đang nổi gió không?

 

.

 

Buổi sáng. Không phải vội vã tung chăn bật người dậy theo tiếng réo gọi của đồng hồ báo thức, rồi cuống cuồng đuổi theo những đoàn tàu điện ngầm để đến sở đúng giờ. Không phải đi một vòng bắt tay chào xếp lớn xếp nhỏ, bạn đồng nghiệp dễ thương, bạn đồng nghiệp dễ ghét. Không phải xếp hàng chờ đến lượt mình bỏ mấy đồng bạc vào máy, ấn nút và nhận được một ly cà-phê lỏng le, chua loét. Buổi sáng hôm nay, tôi thảnh thơi ngồi nhón hai ngón tay nhúng cục đường trắng tinh vào tách cà-phê. Chờ cho màu nâu lan dần đến hai phần ba cục đường, tôi mới thả tay rồi khuấy khoắng. Tiếng lanh canh của kim khí chạm vào thành sứ tách cà-phê bao giờ nghe cũng vui tai. Như tiếng reo của phong linh trong gió. Tôi nhìn sang Michel đang cặm cụi phết mứt dâu lên lớp bơ miếng bánh mì nó cầm trên tay. Michel, hỗn danh Mic, đi Maroc và về Pháp cùng chuyến bay với tôi. Nhưng chúng tôi chỉ thực sự cùng nhau thăm thú cảnh quan ở Marrakech ngày đầu và hai ngày cuối của chuyến đi mà thôi, còn thì mạnh đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ. Vì, trong khi tôi bị vùng núi Atlas và sa mạc Sahara quyến rũ thì nó lại thích lê la ở Casablanca, Agadir và các thành phố ven biển khác. Michel mê biển, thèm biển, một năm mà không trông thấy được biển thì muốn phát điên. Dân vùng Normandie, con cháu giống Viking có khác! Tôi nghĩ mình chắc cũng có gần năm mươi phần trăm máu rồng như ai, nhưng tổ tiên có lẽ theo mẹ Âu đi sâu vào núi sinh cơ lập nghiệp, nên đến đời cháu chắt chút chít thấy họ hàng, bạn bè mình xuống biển vượt biên suýt chết chìm, đâm sợ, cứ thấy biển là rờn rợn trong người. Biển của tôi không có tiếng hát nhân ngư mà chỉ ngụp lặn rống gào từng bầy thuồng luồng, giao long, thuỷ quái... Nhưng có lẽ Michel và tôi cùng có chung một điểm: thích lang thang và bị cái mới, cái lạ, cái bất bình thường, cái khác-mọi-ngày mê hoặc. Hai thằng du mục, đồng nghiệp trong sở vẫn gọi đùa như vậy. Xểnh một cái là chúng tôi lại khăn gói quả mướp lên đường.

 

Ngang dọc khắp các đồng đất Âu châu, độn thổ thăm Luân Đôn, đằng vân viếng xứ Mỹ, rồi bây giờ quá hải đến đây. Tôi vẫn mơ sẽ có ngày cùng Michel khám phá đất nước tôi. Hà Nội, cho đến lúc này, vẫn chỉ thơ mộng trong lời kể lại của bố mẹ. Huế vẫn chỉ trầm mặc trong những tấm bưu ảnh, những bài hát tha thiết. Và Sài Gòn. Sài Gòn một thời của tôi... Tôi nhớ Sài Gòn da diết. Mà không nhớ làm sao được, khi đang ngồi nhâm nhi tách cà-phê buổi sáng trong bóng mát của những cành đa lòng thòng rễ phụ, giữa cái nóng khô rang như nắng mùa Tết xưa, và trước một tường hoa giấy, hoa dâm bụt, hoa trúc đào ngũ sắc. Quê hương, ai mà không nhớ, đứng ngồi ở đâu mà chẳng nhớ? Nhưng cái nhớ một cơn mưa bóng mây, một trận giông ngày bão rớt hay cái nắng xanh trời mùa giáp Tết của Sài Gòn chỉ thì thầm trong tôi mười mấy năm qua. Cái nhớ chìm sâu xuống, nhường chỗ cho những lượng thông tin mới ồ ạt dồn đến từ ngũ quan. Mười mấy năm ở trời tây, hết thảy đều lạ lùng, bỡ ngỡ, từ ngôn ngữ, cử chỉ của người chung quanh cho đến nhánh cây, ngọn cỏ, bông hoa, cánh bướm. Nắng cũng khác, mưa cũng khác, còn tuyết và băng thì làm sao tìm được trong ký ức về một cõi Sài Gòn mới 20°C đã rực rỡ áo len, áo khoác? Tôi đã dửng dưng với bụi trúc vườn Luxembourg, với rừng hồng Bagatelle, với cả con cọp sở thú Vincennes. Chúng không giống, không gợi lại những gì tôi đã thấy, đã nghe, đã ngửi, đã nếm, đã sờ mó. Chỉ đôi khi, bâng khuâng một chút lúc chợt bắt gặp mùi đất ải sau cơn mưa, mùi khói lá đốt trong vườn nhà, mùi cỏ ngái khi vừa xén, hay, một lần, giữa những kênh rạch chằng chịt Venise, cái mùi bùn tanh tanh của con lạch cầu Trương Minh Giảng. Còn ở đây, như đất hạn gặp mưa rào, nỗi nhớ được dịp tưng bừng mở hội, trương cờ gióng trống, ào ào trỗi dậy chiếm lĩnh tôi. Nắng đó, hoa đó, lá đó, ngay cả tiếng chim líu lo đâu đây dường như cũng quen thuộc. Cổng nhà Bạch Hạc ngày xưa có dàn hoa giấy tím. Vườn nhà tôi ngày xưa có hàng rào dâm bụt đỏ. Cây đa đường Nguyễn Du trên lối đến trường mỗi sáng cùng Hảo và Mạnh, hân hoan từng vòng xe lăn theo nhịp chân đạp. Những cánh hoa dừa nước, hoa móng tay, những con sâu róm gớm ghiếc chờ ngày hoá bướm trong thân nhộng ánh vàng ánh bạc treo lủng lẳng dưới phiến lá trúc đào thuôn thuôn thời thơ ấu.

 

Nỗi nhớ bóp tôi muốn nghẹt thở. Nỗi nhớ đè tôi muốn tắt hơi. Tôi một mình vùng vẫy, chống chọi. Không có ai để chia để xẻ nỗi nhớ dùm tôi, không có ai để tôi xả đi, để tôi vứt bớt cho nhẹ gánh quá khứ. Michel ngồi kế bên, tỉnh queo. Làm sao nó hiểu nổi vẻ mặt đờ đẫn đần độn của tôi lúc này. Nó vẫn giữ nguyên cái háo hức của kẻ phiêu lưu đi tìm vùng đất lạ. Như tôi đã từng có, những giờ phút đầu, khi chưa bị nỗi nhớ gặm nhấm, hành hạ đến phát điên, phát sốt lên. Và thống khoái hả dạ trong cái đau, như thời bé tí cầm cây kim gút nhấp nhấp rồi đâm lút vào chiếc mụn bọc mưng mủ. Chất lỏng phọt ra. Nhói. Sợ. Nhưng cái tưng tức của da bị căng, cái nhưng nhức của thịt bị nén cũng mất. Sướng. Thoả mãn. Thở phào. Nhẹ nhõm. Tôi chợt nhận ra nỗi nhớ cũng như một chiếc mụn độc, cần được giữ cho chín, rồi phải đem khơi, đem cạy, nặn cho vỡ toé ra, để lũ chân rễ ngòng ngoèo của nó không còn dịp đâm sâu vào những giấc mơ, mà khi thức dậy, đôi khi đã thấy đầm đìa nước mắt. Hình như khóc khi ngủ dễ dàng hơn lúc thức. Con người trần trụi không mặt nạ tướng, không áo hề, không bằng cấp danh phận gần với con người cha sinh mẹ đẻ hơn là con người cứng ngắc thấy được trong gương mỗi sáng trước giờ vào sở. Con người trong giấc mơ chân thật với chính mình hơn, hiểu mình hơn, và cũng dễ dàng tha thứ cho mình hơn. Tôi trong giấc mơ, đã hơn một lần lòng vòng đạp xe mãi mà không tìm ra được nhà mấy thằng bạn thân, cuối cùng buồn bã nhận ra rằng mình đã ở thật xa Sài Gòn. Tôi, trong giấc mơ, cũng đã hơn một lần bị em từ chối môi hôn, chỉ vì vòng tay ôm cứ càng lúc càng lỏng lẻo theo nỗi hãi sợ đã đến rồi ngày mãi mãi phải chia xa. Và tôi đã khóc ngon lành như đứa bé đánh mất con gấu bông yêu quý nhất của mình, trong mơ. Tôi đã mất Sài Gòn, với những ngày tháng cũ của nó. Mãi mãi...

 

Michel hỏi tôi:

 

- Ê Lập, sáng nay coi bộ mày hơi ít nói. Bộ còn nhớ tới ông già gặp chiều hôm qua hả?

 

Cái thằng cũng kỳ! Hình như cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa chúng tôi và người cựu binh lê-dương đã để lại trong nó một dấu ấn lớn. Cứ lải nhải nhắc hoài! Ừ, thì cũng đáng để ghi nhớ (lại nhớ!), dặm mắm dặm muối, hoa hoè hoa sói thêm vào chuyến đi này. Michel cứ trố mắt há mồm làm người chứng cho cuộc đối thoại giữa ông già Ả-Rập và tôi trong chợ chiều Marrakech.

 

- Anh người Đông dương hả?

 

- Sao ông biết hay vậy? Ai cũng nói tôi là Nhật hay Thái.

 

- Nhật làm sao được! Nhìn là biết người Đông dương.

 

- Tôi người Việt Nam.

 

- Việt Nam à? Xứ Bắc, xứ Trung hay xứ Nam?

 

- Bố mẹ tôi người Hà Nội, còn tôi sinh ở Sài Gòn.

 

- Sài Gòn hả? Vậy anh có biết cap Saint Jacques không?

 

- Ông muốn nói tới vùng biển ở gần Sài Gòn phải không? Chúng tôi gọi là Vũng Tàu.

 

- Ờ... ờ... lâu lắm rồi... Tôi có thời gian đóng quân ở đó, có lúc ở Hoà Bình, có lúc ở Tourane.

 

- Ông có biết nói tiếng Việt không?

 

- Có chứ, mấy chữ thôi, "bẩm quan," "tốt lắm." Tôi thích xứ đó lắm, nhớ xứ đó lắm!

 

Người lính Lê-Dương già ấy đã trải qua một phần đời ở đất nước tôi, có thể đã ngạo nghễ trước Điện Biên Phủ và cúi đầu chấp nhận thất trận cùng tù tội sau Điện Biên Phủ. Người lính Lê-Dương già ấy bây giờ sống nốt chuỗi ngày tàn, bằng lòng với chân gác cổng một cơ quan chính phủ. Đằng sau nụ cười móm mém và đôi mắt hấp hem kia, biết đâu chính là kẻ đã bắn chết bác tôi và hãm hiếp cô tôi trong một trận càn năm xưa. Sao tôi không nghe lòng hận thù sôi sục, vung gươm tuốt súng? Tôi chỉ biết đến người bác chết trẻ qua tấm hình mờ nhạt để trên bàn thờ. Tôi chỉ nghe nhắc đến người cô út bỏ đi tu kín rồi kẹt lại miền bắc sau hiệp định Genève và được cả nhà xem như đã mất tích. Thằng Michel ngồi cạnh tôi có cả một gia đình ông cậu họ xa bị Nhật giết ở Hà Nội ngày đảo chính. Chúng tôi đứng từ những vị trí khác nhau và cảm nhận những đồng vọng khác nhau về cuộc chiến cũ. Với Michel, có thể đó chỉ là một loại chuyện cổ tích hương xa. Với tôi, đó đã là lịch sử, được xếp ngang hàng với thuở dân Việt xâm hai chữ Sát Thát lên cánh tay trước giờ ra trận. Thời chiến tranh huynh đệ tương tàn, thời lính Mỹ kéo vào rồi rút khỏi miền Nam, thời Sài Gòn sụp đổ, thời đất nước thống nhất trong đói nghèo và khủng bố đã đủ ngập đầy cái tầng ký ức của những năm thơ dại rồi, còn chỗ đâu cho mấy cái kỷ niệm-được-nghe-kể-lại về cuộc chiến tranh Việt Pháp chen chân vào. Nhưng còn người lính Lê-Dương già, ông đã tham dự, có thể đã để một phần máu thịt lại cho cuộc chiến ấy, ông nói nhớ nhiều đến xứ sở tôi. Thời trai trẻ, ông, cũng như tôi lúc này, có lẽ đã nhìn bóng lá, màu hoa mà nhớ về quê cũ, nhớ gia đình, nhớ những nàng fatma kiều diễm. Tâm tình của ông đối với miền đất ở mãi cuối trời Á ấy, có thể vì vậy mà sâu đậm hơn chăng, so với những xứ sở khác mà ông đã ghé chân qua trong suốt chặng đường binh nghiệp máu lửa triền miên để bảo vệ quyền lợi cho một nước Đại Pháp cuối thời, già nua, tàn tạ? Tôi dường như cảm thông hơn với người Maroc sau chuyến đi này. Về đến Paris, tôi sẽ đem tặng ông Aziz xấp hình mới chụp, để sẽ lại nghe ông kể lể về thời thơ ấu, về những ngày đầu xuất ngoại, làm thợ nề thợ mộc cho một nước Pháp hậu chiến đang tái thiết, về một chuỗi dài những lên voi xuống chó, lấy vợ đẻ con, về cái chắt bóp tằn tiện nuôi đủ bầy con sáu đứa nên người, đến nỗi mãi mà không dám bỏ tiền ra làm một chuyến du lịch về thăm quê cũ. Rồi để lại nghe ông ấy chép miệng: mà có còn ai để về thăm đâu cậu, gia đình tản lạc hết cả rồi, lớp chết, lớp làm ăn xa, còn hàng xóm láng giềng thì chắc đâu có ai còn nhớ tới mình. Nghĩ đến mà buồn! Về đến Paris, tôi sẽ tìm cắt vài bài báo về hiện tình kinh tế, chính trị nước Pháp để gửi cho Mohammed Hassan. Địa chỉ nhà anh nằm phía sau tấm hình tôi vẫn giữ trong bóp. Có lẽ tôi sẽ gửi thêm những bài báo nói về cộng đồng người Maroc sống ở đây, về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của đảng Mặt trận Quốc gia đang hồi ầm ỹ. Tôi sẽ cố tìm cho đủ những thông tin để giúp Mohammed không áy náy ân hận sau khi quyết định, dù đó là quyết định ở lại hay ra đi. Về đến Paris, tôi mong Michel sẽ giữ đúng lời hứa khi nó gật đầu không dụ dự sau câu hỏi của tôi, lúc chiếc xe Toyota mà chúng tôi mướn đang phóng vèo vèo trên những con lộ thưa vắng của vùng ngoại ô khô cằn quanh Marrakech:

 

- Mic, năm tới, mày với tao làm một chuyến thăm Việt Nam, đồng ý không?

 

a

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Mười Một 20245:34 CH(Xem: 284)
Nét bút của người đàn ông, đã chết từ lâu.
10 Tháng Mười Một 20244:37 CH(Xem: 627)
Giải Nobel Văn học năm 2024 đã được trao cho Han Kang, một tác giả người Nam Hàn, vì "văn xuôi thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người".
04 Tháng Mười Một 202410:41 SA(Xem: 344)
Từ lúc trung học đệ nhị cấp, tôi đã là người cọp sách chuyên nghiệp.
31 Tháng Mười 20245:51 CH(Xem: 1001)
Ở hai bên con đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu.
31 Tháng Mười 20248:41 SA(Xem: 567)
Chỉ định ghé vào tiệm sách mua mấy chiếc bao thư và một lọ hồ dán mà ông lại lang thang giữa các quầy sách gần hai giờ đồng hồ
21 Tháng Mười 20248:22 SA(Xem: 357)
Thời đó, lũ con trai chúng tôi khoái chơi với ve sầu, dế hơn là bươm bướm.
13 Tháng Mười 20242:31 CH(Xem: 668)
Mãi mãi tôi chờ quỳnh dưới đáy hồ nước xanh trong và thơm như môi nàng.
25 Tháng Chín 20247:47 SA(Xem: 899)
Bên bờ Đông Hồng Hải, trong buổi chiều đang chìm dần theo một Mặt Trời rất đỏ, có người trai Lebanon lặng lẽ giữa những nỗi-niềm-chung-riêng-quá-đỗi
15 Tháng Chín 20249:22 SA(Xem: 1015)
Ngược dòng. Tôi ngược dòng trận đại hồng thủy và loạt vỡ núi kinh dị trong lịch sử khí hậu Việt Nam...
07 Tháng Chín 20249:21 SA(Xem: 1143)
hãy nghĩ về những ngọt ngào thú vị ngày xưa
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21407)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16133)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17791)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10492)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19031)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5304)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1989)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2602)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2378)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23704)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20147)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8983)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10075)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9352)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12532)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31984)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21635)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26792)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24192)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23001)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21140)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19055)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20285)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17796)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16853)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26104)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33383)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35677)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,