“Dòng sông không ra biển” đã lấy trọn của tôi hai ngày, không chút đắn đo. (Hình: FB Zennie Trang)
Đã lâu lắm rồi, lâu đến nỗi tôi không nhớ lần cuối cùng mình đã ngồi đọc liền mạch hết một cuốn sách là khi nào. Có lẽ từ khi bước chân ra khỏi căn phòng tuổi thơ êm ả, thì cảm giác được ngồi say sưa với một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết cũng không còn. Tôi chấp nhận điều đó với tâm trạng tội lỗi và luôn tìm lý do để bào chữa. Vậy mà, trong những tuần cuối cùng của năm, “Dòng sông không ra biển” đã lấy trọn của tôi hai ngày, không chút đắn đo. Cảm giác trôi theo từng con chữ, sống với từng trang giấy đã trở lại, và kết thúc trong một ngày Đông của mùa Vọng.
Người xưa nói: “Trăm sông đổ về một bể.” Những con sông đều chảy ra biển lớn, là “bể chứa” nước cuối cùng. Nhưng tác giả chọn là một “dòng sông không ra biển.” Tại sao? Tôi tò mò ngay buổi đầu tiên biết về quyển sách. Và tôi chờ đợi khi biết đây là quyển sách “chuyện làm nghề” – một nghề mình đã từng.
Ngay vài trang đầu tiên, tôi thích thú với cách sắp đặt nội dung của tác giả – tức nhân vật “tôi”. Nó không nhàm chán với cách hành văn truyền thống “mở bài, thân bài, kết luận.” Tôi như đang nghe “tôi”, với lối diễn khoan thai, vốn từ phong phú, và một trí nhớ siêu phàm, kể lại câu chuyện về một dòng sông từng muốn chảy ra biển lớn.
Tôi nói tác giả có trí nhớ siêu phàm là dựa vào sự phỏng đoán có căn cứ của chính mình. Vì nếu Zennie Trang không có thói quen viết nhật ký để ghi lại sự kiện của từng ngày từ Tháng Năm, năm 2003 đến nay, thì trí nhớ của cô đúng thật là đáng nể. Cô nhớ từ buổi sáng mùa Đông ở Missouri có cái “màu bạc sỉu” cho đến giấc ngủ nửa tỉnh nửa mơ, đầy mộng mị của một cô gái vừa qua tuổi đôi mươi, lần đầu tiên xa người thân đến nửa vòng trái đất. Tôi đoán khi Trang viết “Dòng sông không ra biển” là hơn 20 năm sau kể từ giấc mơ ấy, nhưng cô vẫn nhớ rõ từng chi tiết của căn phòng tối, có mụ phù thuỷ và nhóm bạn thân. Phải là một người sống nội tâm, yêu từng giây phút đã qua trong đời mình, và có một trí nhớ tốt mới có thể ngồi viết lại những diễn biến trong giấc mộng của hơn 20 năm trước.
“Dòng sông” của Trang có ba khúc rẽ lớn. Mỗi khúc sông lại có nhiều đoạn rẽ nhỏ khác. Thú vị là mỗi đầu đoạn rẽ như một ngày mới của cô bắt đầu. Dù trong ngày hôm ấy, ở Missouri hay California, ở toà lâu đài của bác Kỳ ở San Diego hay phòng trọ chật hẹp ở Santa Ana, ở văn phòng làm việc hay căn phòng nồng nặc mùi thuốc trong bệnh viện, thì Trang đều kết thúc với một cánh cửa mở. Cô không nhốt mình vào bất kỳ chiếc vòng bế tắc nào. Cũng như hơn 20 năm trước, cô đã tự vẽ cho mình ba vòng tròn, “sẵn sàng”, “hãy đợi đấy” và “tránh xa”, để rồi tự chọn cho mình một vòng tròn để bước vào, quyết liệt và đầy năng lượng.
Khúc rẽ thứ nhất của Trang, tức “Chương 1 – Gieo mầm trên đất lạ”, là nơi tôi nhìn thấy hình ảnh cô gái nhỏ, hai tay tay mang hai trái cầu thuỷ tinh. Một cái có chữ “Tôi”, một cái có chữ “Giấc Mơ Mỹ.” Cái nào cũng lung linh và mỏng manh như nhau. Trang chỉ được chọn một. Khi chọn xong, trái cầu kia sẽ vỡ tan, như chưa bao giờ hiện diện. Cuộc đời vốn dĩ không cho ai tất cả. Chỉ một và một. Trang đã cố gắng nắm trái cầu “Giấc Mơ Mỹ” trong nhiều tháng liền. Ước mơ vươn tới một vì tinh tú ngoài hành tinh mình đang sống chưa bao giờ và không bao giờ sai. Thời gian không dài của khúc rẽ thứ nhất trên dòng sông ra biển của mình, Trang đã được trải qua nhiều cung bậc ở một xứ sở mà người ta tìm đến với mục đích duy nhất: “Giấc mơ Mỹ.”
Tôi thích thú dõi theo những cung bậc ấy của Trang, để hiểu thêm một góc nhìn khác về cuộc sống Mỹ, và cũng để tìm thấy hình ảnh của một thời mình đã qua. Tôi biết, cô đã có một chương bắt đầu không dễ dàng, nhưng cũng không phải là quá khó. Ít ra, trên khúc sông đầu nguồn ấy, Trang đã có nhiều cơ hội nhìn rõ bóng mình in trên mặt nước. Từ đó, cô mạnh mẽ mở bàn tay để thả rơi trái cầu “Giấc Mơ Mỹ.”
Trang chọn trái cầu thuỷ tinh “Tôi” để “tìm thấy hành trình mạch lạc tinh tấn nhất cuộc đời.” (trích đoạn cuối, trang 79). Khúc rẽ thứ hai của Trang, “Chương 2 – Kể trên đường làm nghề” đã bắt đầu từ đó.
Tác giả - Zennie Trang. (Hình: FB Zennie Trang)
Những trang hồi ký về nghề hiển hiện rõ hơn về nhân vật “tôi” của Chương I. Cô gái nhỏ từng loay hoay với ba vòng tròn của những ngày lang thang từ Missouri, đến New York, rồi Bắc, Nam California, dứt khoát không cho phép ai ở Sài Gòn lấy đi của cô sự hãnh tiến mà cô mang về từ “Giấc mơ Mỹ.” Đó là tất cả tài sản Trang góp nhặt cho riêng mình: kiến thức, hoài bão, tinh thần học hỏi, sức chịu đựng, sự cố gắng… tất cả là của cô. Bằng chính năng lực của mình, Trang không ngừng hành trình tìm kiếm đi ra biển lớn. Cô đã một lần chọn trái cầu thuỷ tinh “Tôi”, thì cô phải giữ chặt nó bằng mọi cách, và làm cho nó lớn lên, lung linh hơn theo thời gian.
Chương II của “Dòng sông không ra biển” là những ngày cố gắng không ngừng nghỉ của Zennie Trang. Trong đó, có thương, có ghét, có vui, có buồn, có thất vọng, có vinh quang, có tất cả hỉ nộ ái ố. Trang viết lại, kể lại mỗi ngày làm việc của cô trong hơn mười năm qua bằng kinh nghiệm và lòng chân thành của một người trân quý con đường mình đã chọn.
Cũng từ nơi đó, mà dần dần dòng sông từng cuồn cuộn, luôn chực chờ để chảy ra biển của cô đã âm thầm dịu lại, lặng lẽ trôi theo con nước xuôi dòng, mặc cho thuỷ triều lên hay xuống. Trên dòng sông đó, Trang tìm bình yên và hạnh phúc vẫn bằng đôi chân và trái tim luôn rực lửa với nghề. Tác giả dành khá nhiều đất và chữ cho khúc rẽ này. Ở vào thời điểm đó, con đường sự nghiệp là tất cả đối với cô.
Rồi cũng trên dòng sông đang êm đềm ấy, một cơn xoáy giữa dòng đã đưa cô rơi xuống dòng nước. Sông sâu, nước mạnh. Tôi hình dung ra một cô gái đang nỗ lực bám lấy con thuyền bằng tất cả sức mạnh và nghị lực trong cơ thể. Nhưng hình như khi giờ đây ngồi đặt bút viết lại khoảnh khắc không dễ dàng ấy, Trang như thở hắt ra, buông nhẹ nhàng: “Cũng chỉ vậy thôi.”
Ngược lại với diễn biến nghẹt thở mà Trang trong Chương III phải đối diện, tôi đọc với tâm trạng nhẹ nhàng, và tràn đầy ngưỡng mộ. Tôi cảm thấy như mình đang đứng ở phía sau cánh cửa phòng bệnh, tình tĩnh dõi theo những cơn đau của nhân vật, với niềm tin mãnh liệt là “cô ấy sẽ vượt qua.” Có lẽ vì tôi đã quen, đã biết Trang của Chương I, Chương II thế nào.
“Dòng sông không ra biển” của Trang kết thúc ở trang 527, đơn giản là câu nói của người thân: “Bố ơi, Trang khóc...” Hơn 20 năm trước, loay hoay một mình giữa dòng xoáy ở xứ lạ, cô không khóc. Chống chọi mỏi mệt trên con đường lập nghiệp, cô không khóc. Một phần cơ thể không còn là của mình, cô không khóc. Nhận hung tin căn bệnh tử thần, cô không khóc. Trang chỉ khóc một lần duy nhất trong “Dòng sông không ra biển” khi có một ánh sáng cuối đường hầm, dù nó đang làm cô đau đớn tận cùng xương tuỷ.
Hiểu một cách thực tế theo nghĩa đen thì “Bố ơi, Trang khóc...” để đóng lại cuốn sách hơn 500 trang của cô. Nhưng nếu đơn giản như thế thôi thì không phải là “Dòng sông không ra biển.” Với tôi, câu kết thúc cuốn sách này thật sự lột tả rõ ràng nhất về tác giả, Zennie Trang Nguyễn. Khóc vì cơn đau đang xâm nhập vào từng dây nơ-ron thần kinh? Khóc vì căn bệnh đã có hy vọng chữa khỏi? Khóc vì không biết mình còn có thể nghe lại bản Concerto pour une jeune fille nommee Je t’aime một lần nữa không? Khóc vì ánh mắt hun hút sâu thẳm của Mẹ ngày đưa ra phi trường? Khóc vì nghĩ đến đồng nghiệp, nghĩ đến chị Thiên Thanh – người chị, người sếp ảnh hưởng rất lớn đến con đường làm nghề của Trang?...
Dù bất cứ lý do gì, thì bây giờ, Trang đã khóc. Cuối cùng, cô đã khóc. Với tôi, đó là một sự giải thoát dẫn đến miền ánh sáng khác, cho “dòng sông không ra biển” của cô.
Tôi nhớ trong tiểu thuyết “The Wave”, nhà văn Virginia Woof viết rằng: "Hạnh phúc nằm ở những điều bình yên, bình dị. Một cái bàn, một cái ghế, một cuốn sách với một con dao rọc giấy kẹp giữa các trang sách. Và cánh hoa hồng rơi xuống, giữa ánh sáng lung linh, chúng ta ngồi im lặng."
Thì ở đây, với “Dòng sông không ra biển”, tôi nhìn thấy hạnh phúc của tác giả, sau chuỗi ngày dài nhiều đoạn rẽ, là sự góp nhặt từng ngày nắng, từng ngày mưa, với cả những gì không còn toàn vẹn. Nói cách khác, sau lần “Trang khóc” ở chương cuối cùng ấy, dòng sông của Trang sẽ không ra biển nữa. Cô chọn mình chảy một nơi có Mẹ, có Bố, có gia đình, có chị Thiên Thanh, có cô Hạnh Tuyền, có tất cả những người đã vội vã đi qua, để lại những con sóng lăn tăn trên dòng sông của riêng cô.
Ai đã từng ở trong dòng sông Truyền thông - Tiếp thị chắc chắn sẽ nhìn thấy chính mình trong “Dòng sông không ra biển” của Zennie Trang. Bạn trẻ nào chuẩn bị bước vào đời với lựa chọn đi trên dòng sông ấy, chắc chắn sẽ tìm thấy những chất xúc tác để vững tay chèo đi tiếp, hoặc, bạn sẽ rẽ sang một dòng sông khác.
Trang số 527 khép lại cuốn sách. Đêm qua, trăng ngoài cửa sổ rất sáng, tuy hai ngày nữa trăng mới tròn vành. Tôi biết rõ vì sao mình thao thức.