Chúng tôi chào đời vào buổi không mấy vui. Cái vui chưa đúng là vui, không đáng nhớ. Cái buồn đi lố cái gọi là buồn, phải kèm thêm từ “thảm.” Trốn đi đâu cũng chẳng thể ra ngoài nỗi nhớ.
Cuộc đời thì dài dặc, niềm vui biến đâu mất tiêu. Cứ nghe cha đêm khuya thở dài. Mẹ ru con toàn nỗi nhớ // Chiều chiều ra đứng ngõ sau / nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều // Nhớ ai không nhớ, nhớ người thất thế sa cơ // Chiều chiều én liệng truông mây / cảm thương chú Lía bị vây trong thành //
Nhớ, là một cõi từ trường của nam châm. Chúng tôi, một thế hệ người mang bệnh “giàu cái nhớ”. Một thứ cố tật hiện nay chưa có thuốc chữa.
Ngồi chốn Sài Gòn, nhớ những ngày bề thế mộng mơ trước 1975. Bên cốc cà phê trên đất Mỹ, nhớ quê hương mù mưa nắng bụi.
Chừng như nói tới cái vui là chuyện bình thường. Thì thầm nỗi nhớ, những kỷ niệm, lòng ta mới bùi ngùi sâu thẳm. Mới man mác nổi trôi.
Đến như Phạm Duy, trong tình yêu quê huơng, yêu người, vui gì thì cũng đầy nỗi nhớ. Nhớ người ra đi, nhớ anh thương binh, nhớ Hoàng Thị, nhớ mẹ cha bên chiếc đèn dầu hao, nhớ anh nông phu áo chàm quảy lúa trong nương chiều.
Cùng Thế Lữ, Phạm Duy nhớ:
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu ánh trăng vàng
Ϲòn đâu ánh trăng vàng, mơ trên làn tóc rối?
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu bước chân người
Ϲòn đâu bước chân người, mơ trên đường chiều rơi?
Ϲòn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng!
Ϲòn đâu sương tan trăng nội mơ màng?
Ϲòn đâu em ngoan, tóc rối ngổn ngang
Tuổi em đôi mươi, xuân mới vừa sang…
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu giờ nhung lụa?
Mộng trùm trên bông, tình nồng trong gối…
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu mùi cỏ dại?
Ϲhút tình thơ ngâу, Không còn trên đôi má.
Là nhà văn, khi cầm bút, quá khứ luôn đứng đầu chỗ ngọn bút. Mỗi giọt mực là một giọt / dòng dĩ vãng. Tất cả cái “bản đồ số phận” trong Cõi Nhớ ấy, trong một thời / không gian có hạn định, đã từ lâu trôi qua. Có khi trôi tít mù trong bộ nhớ của nhân loại. Nó như xác một con gián chết khô trong kẹt tủ, dưới gầm bàn bỏ quên. Mà chúng tôi vẫn nhớ. Nhớ tận mạng, li ti, ray rứt. Không có thước tấc nào đo đạc đủ bề sâu chiều rộng cái Nhớ ấy.
Nhìn chung, chúng tôi, chừng là một tộc người đang đánh mất hiện tại, mù đôi mắt nhìn ra tương lai. Chỉ dặm dài, hun hút một đôi-mắt-luôn-sau-ót, phản chiếu những phó bản của Ngày Qua.
**
Nói / Viết về Phạm Duy, cũng là cách tôi mò mẫm quá khứ, kể lể về mình. Tôi đã lỡ biết đánh đàn, đi theo tiếng đàn từ thuở bé, lớn lên đi theo các ban nhạc hát hò. Vào cõi âm nhạc Việt Nam là không thể không biết đến Phạm Duy.
Các đấng tài hoa trong âm nhạc như Văn Cao, Lê Thương, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương… đến với tôi như các ga tàu. Lên ga này một đoạn đường, rồi xuống ga, giã từ. Đến ga khác.
Phạm Duy, là con đường tàu dài, xa / suốt. Lên tàu, xuống tàu, từ Ải Nam Quan, tận Miền Nam trả ơn cái cối cái chày, vẫn một con đường, vẫn những “ga Phạm Duy”. Ở đó luôn là những âm vang dội lại từ nụ cười tiếng khóc, nhịp điệu nhân gian qua tháng ngày.
Phạm Duy, ông đến từ Hôm Ấy, vắng mặt Hôm Nay. Ông cỡi-hạc-ra-đi đã nhiều năm, nhưng ông vẫn còn lơ lửng trong mắt người. Như một con diều giấy rực rỡ bay trong một chiều vàng no gió, khi diều đã đứt dây, rơi rụng, bọn trẻ nhắm mắt, con diều thân yêu vẫn còn bay trong bóng tối mắt mình.
Có thực mỗi ngày một sự Mới? Ngôi sao đã lặn đêm qua, đêm nay đã trở lại trên bầu trời. Giọt sương đã tan sớm qua, hôm nay mặt trời lên, giọt sương vẫn long lanh trên lá. Cuộc biến đổi, lắm khi, chỉ là những hóa thân. Phạm Duy luôn, và thường trực hóa thân, ít ra trong ngôn ngữ riêng ông. Vẫn những dòng ngôn ngữ cũ mòn ấy, những hình thái đã ẩm mốc tháng ngày, qua Phạm Duy, bỗng mới ra, bỗng dìu dặt tang bồng, tách lìa cái vừa qua, trong tiến trình sáng tác nơi ông. Phạm Duy, người sáng tạo ngôn ngữ Phạm Duy, là Có, cũng là Ảo. Như có thực, như ta đặt điều mà nói. Ta khó diễn tả tận lòng một thế giới bao trùm. Nói chuyện này chưa xong là kỷ niệm kia hiện về. Sao là thế? Vì, chính Phạm Duy, luôn dẫn dắt người đi với Tiếng Lòng của ông. Sông rộng đường dài, từ ngỏ ngách tâm tình mở khép, khi trực ngộ, khi lung lạc huyền ảo. Phạm Duy rất thực, nhưng thoát ngoài những sự thế bình thường.
Phải chăng, Phạm Duy rất tục lại rất thanh. Phạm Duy tinh khiết mà lầy lội những tình nhân thế. Nghịch dị, luôn ở trong môt con người, Phạm Duy.
**
Tôi có cái duyên may, từ sáu tuổi đã học đàn. Lên tám, đã thành thạo đàn mandolin. Lúc này tôi theo học tại trường tiểu học Kế Xuyên – École Primaire de Kế Xuyên. Thời thanh bình. Cành tre bụi trúc vườn cỏ dại, nơi nào cũng một vẻ đẹp, an nhiên. Chừng trong gió mùa có bước chân một ai về. Gần với tiếng đàn, chừng là gần gũi với điều thanh cao, những thanh tẩy tâm hồn.
Tuy không vào học tại một trường / viện âm nhạc nào – thuở ấy chưa hề có, nhưng tôi được học nhạc lý khá bài bản, cả phương pháp sáng tác, tưởng mai sau sẽ thành một nhạc sĩ. Nhưng cuộc đời lại đẩy đưa tôi cầm bút, rồi lênh đênh chữ nghĩa, bèo giạt mây trôi tận cuối cuộc đời.
Đầu tiên tôi học với người anh ruột, lúc này anh đang theo học ban Thành Chung tại trường Viên Minh, Phố cổ Hội An. Thời Kháng chiến học thêm ở Thầy Lê Khắc Bạc. Học đến trình độ cao trong lĩnh vực sáng tác. Học guitar với anh Hàn Vỹ, 1954 anh tập kết ra Bắc, từng là khoa trưởng một khoa của Nhạc Viện Hà Nội. Học violon với anh Phan Tùng Lâm, nhưng gặp lúc kháng chiến, ban nhạc luôn phải gọn nhẹ, dân dã, thường trực di chuyển, nên chỉ thuần dùng mandolin, guitar, sáo trúc, khó bước vào với cây đàn “quý tộc” này.
Nhìn chung suốt nhiều chục năm, nhất là chín năm kháng chiến, tôi rất gần gũi với tiếng đàn. Cả diễn kịch, tôi đi khắp nơi. Nơi nào cũng đầy dấu đạn bom của quân Pháp oanh tạc. Những làng thôn quê nhà nghèo khó, thiếu thốn. Chỉ lòng người là gần gũi chia sẻ ngọt đắng thân phận cùng nhau.
Tôi rành nghề cũng do thời Kháng chiến, nhu cầu hưởng thụ tinh thần của quần chúng vô cùng thiếu thốn. Không có máy hát. Không nhạc băng đĩa, radio – tuyệt không có một chiếc máy thu phát thanh nào – truyền tin tức rất hạn chế.
Suốt chín năm sống trong vùng Liên Khu V, tôi chưa hề nghe bất cứ một bài hát, một bản tin nào từ bất cứ một hệ truyền thanh Hà Nội, Huế, Sài Gòn, nói chung trong lẫn ngoài nước. Chúng tôi sống khá cách biệt với thế giới bên ngoài. Bên ngoài này cũng hàm nghĩa một bên này với bên kia sông, giữa vùng Việt Minh và vùng Pháp chiếm – kể từ năm 1949 gọi là Vùng Quốc Gia.
Dân chúng làm việc tối ngày, lâu lâu có một đêm kịch, nhạc. Thèm nghe như thèm chả. Ban nhạc phần đông chỉ đàn dây, mandolin, ghita, dàn trống cồng kềnh – chưa có nhạc cụ gì điện tử. Một ban nhạc đàn mandolin.
Những nhạc cổ điển, bán cổ điển từ thời Pháp hãy còn phổ biến rất nhiều – những Sérénata [Enrico Toselli – về sau Phạm Duy viết lời, gọi tên “Chiều Tà”] Les Flots du Danube [Iosif Ivanovici], Beau Danube Bleu [Johann Strauss – về sau có lời Việt Phạm Duy là Dòng sông xanh] – Sérénade (Schubert), Plaisir d’amour, Célèbre Valse (Brahms)…
Nhạc Việt có những bài hòa tấu rất hay như Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối, Cung Đàn Xưa của Văn Cao… Điệu valse rất hợp với đàn dây. Dễ khích động đám lỗ tai dân dã.
**
Thuở tôi học trò, thuở Phạm Duy đã có bài Cô Hái Mơ 1942, nước ta là thuộc địa của người Pháp. Lấy nước Pháp làm nước Mẹ, Mẫu quốc. Lúc chào cờ hát quốc ca Pháp là bài Marseillaise. Chào quốc kỳ Pháp ba màu xanh trắng đỏ, gọi là cờ tam tài. Con trai Việt, ngay lúc bé nhỏ, đã phải biết mình có tổ tiên Gaulois. Nos ancêtres sont des Gaulois // Tổ tiên chúng ta là người Gaulois.
Phạm Duy thời buổi này đã ngoài hai mươi tuổi. Ảnh hưởng được một nền văn hóa Pháp, đã giỏi tiếng Pháp. Tầm ảnh hưởng của một nền văn hóa Hán Nôm hãy còn sâu rộng, hẳn ông đã đọc được nhiều kinh điển, văn hóa của Đông Phương.
Tiếng đàn của tôi bấy giờ đã thành thạo, tròn vang, nhưng trí não non tơ, tâm hồn cỏ dại, chưa hiểu gì nhiều lời thơ, ý nhạc. Nhưng buổi đầu đời trong sáng ấy, lấp lánh hoang mơ, như là lời mở đầu Con Đường Cái Quan của ông, “Ra đi từ lúc trăng tơ…”
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Năm mươi người ngược núi rừng
Đã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi Ơi người ơi
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương
ngăn đường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi Ơi người ơi
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn
thương ai đầu nguồn…
[Con Đường Cái Quan – lời lữ khách]
**
Từ “buổi trăng tơ” ấy, bầu trời âm nhạc Việt có một vì sao sáng tỏa. Một Phạm Duy man mác trữ tình, nồng nhiệt. Một tổng hợp tình tiết nhân gian, hoạt cảnh xã hội, mảnh tâm tình buồn vui nơi mỗi lòng người. Hô hào kháng chiến, hăng hái lên đường, nhưng lời ca tiếng hát ấy không hề là khẩu hiệu, kích động sự chém giết. Hùng tráng mà không thô cứng. Sức mạnh ấy từ một tâm hồn đa cảm, tấm lòng rộng mở, cưu mang.
Do vậy bao nhiêu bản hùng ca thịnh hành một thời, rất hữu dụng cho công cuộc cách mạng, chống ngoại xâm, chỉ một thời gian ngắn sau, người đời quên bẵng. Tiêu biểu, Lưu Hữu Phước chẳng hạn.
Phạm Duy ca ngợi anh chiến binh, bà mẹ chiến sĩ, chiến thắng sông Lô, đánh được đồn Tây, nhưng là những bản “tình ca”, thời nào cũng hát được.
Nhạc người họ Phạm buồn, đầy nỗi nhớ, niềm yêu đánh mất, nhưng không bi lụy, cải lương dài dòng, khóc lóc kiểu ngôn tình. Vậy đấy. Kháng chiến có Phạm Duy. Thanh bình đôi chút còn Phạm Duy đôi nơi.
**
Người ấy đi từ Hôm Ấy tới Hôm Qua. Cùng nhịp bước của vô thường, Người đã bỏ đi.
Một đêm của năm 2016, trên đất Mỹ, tôi được Nhà báo Hòa Bình Lê, mời dự đêm tưởng niệm Phạm Duy tại hội trường Việt Báo, Westminster, Nam California. Tưởng niệm là đương nhiên, ông đã về với thần tiên từ ba năm qua, từ 2013, nhưng tôi vẫn tìm ông quanh quất, trong cái tiềm thức chợt hiện.
Không thấy Phạm Duy đâu. Ông, chỉ là tấm chân dung to lớn, vẫn mái tóc bạc, nụ cười ngạo nghễ. Gặp lại hình ảnh ông trong một hội trường lớn của Việt Báo, đầm tiếng ca, nỗi nhớ, qua Tình Hoài Hương, Tình Ca, Ngày Trở Về, Giọt Mưa trên Lá… Phạm Duy, ông là chiếc bóng phủ dụ trên nhiều phận người.
**
Cõi đời, có phận rủi may mang người trôi những dặm trường dung rủi. Thời tuổi thơ, đến lúc tôi là một “văn công nhí” ca hát chín năm vùng Kháng Chiến Việt Minh Liên Khu Năm. Ca hát nhạc Phạm Duy chỉ được ba bốn năm đầu khởi chiến, [1946 – 1949] tôi gọi đó là “Thời lãng mạn kháng chiến”, rồi Phạm Duy vắng bóng. 1975, ông ra đi.
Tưởng ông là một kẻ biệt cố hương. Nhưng. Cái “nhưng” không mong đợi, tôi lại gặp ông từ đất Mỹ trở lại, năm 2000. Buổi gặp đầu tiên tại khách sạn Continental, Sài Gòn. Lần lượt, khá đông người đến thăm ông. Bạn bè, người quen cũ, những người trẻ yêu mến ông, và… rất đông những người làm văn nghệ thuộc chính quyền đương thời.
Phạm Duy về nước đôi lần, dò xem cái quê hương cũ có là Đất Mẹ, như ông từng thương nhớ, hay nay đã là vùng Đất Hiểm, khó dung tha người quay lại.
Được. Sau vài lần dò dẫm, ông ở luôn quê nhà.
Thật kinh ngạc, Phạm Duy mần đơn xin Nhà nước cho phép hát nhạc… Phạm Duy!
Sự “ trái gió trở trời” này của Phạm Duy, là một “sự cố” thêm vào, để cho người đời, những kẻ vốn dè bỉu ông có thêm “mồi” để tiếp tục xơi tái ông.
Với tôi, quả là chúng ta thấy một Phạm Duy đã thực sự là một hài nhi. Một suối nguồn thơ trẻ, bấy lâu ẩn nấp trong chốn thiên tài.
Đời một nhà sáng tác, sáng tạo, chỉ tác phẩm lưu đời mới chính là Đời Sống của họ. Chẳng ai nhớ tới cái nợ nần, cái say sưa của Tản Đà, chẳng cần biết mỗi sáng ông uống cà phê hay uống trà, chỉ biết mỗi Tản Đà sống tàn một cuộc gió bụi, mơ hoặc trong cõi điêu linh, đã để lại cho đời những vẫn thơ trác tuyệt.
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…
Phạm Công Thiện, một kỳ nhân, kẻ đã động tâm với cuộc thong dong, đã thốt lời, “Đi cho hết một đêm Hoang vu trên mặt đất”, đã mê ngẩn với cái tâm thượng ngoài cõi của Tản Đà “Cái hạc bay lên vút tận trời.
Và tôi, tôi cũng mong sao, đươc phiêu bồng trong Cõi Biệt, “Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.”
***
Dù sao, thế nào, vậy chăng! Người đời gởi Phạm Duy làn trầm thơm, nụ hoa hồng, lẫn những trách hờn cay đắng.
Với tôi, Phạm Duy là Người gieo hương. Những hương tơ trúc nồng nàn. Những hương của Âm, Lời rộng tỏa. Ấm, lạnh, nó vẫn đi suốt những linh hồn. Tôi đến với ông từ tuổi còn bé thơ, tới hôm nay, khi viết những dòng này, tuổi đời đã vào thềm 90, đời đã riêng bề, một góc nhỏ.
Đến với Phạm Duy là đến với, là trở về, là tìm lại, những mảnh hồn quê, những tình nhân gian, những tiếng khóc cười dâu bể, những kể lể êm đềm câu chuyện tưởng là nhỏ / vặt / đáng quên. Đi với ông là đi với những phận đời theo cùng nước non, sử lịch. Mỗi con người, chiếc thuyền đơn trắc ẩn trong biến động dập vùi.
Cảm ơn núi non đã cho những tầm cao. Cảm ơn những cổ thụ đã cho bóng mát, đã gieo trong tôi cái ý niệm trường tồn.
(nguồn: Da Màu)
Gửi ý kiến của bạn