VĨNH QUYỀN - Nỗi đau này ở đâu cũng thê thiết

15 Tháng Chín 20249:22 SA(Xem: 296)
VĨNH QUYỀN - Nỗi đau này ở đâu cũng thê thiết

 

 "thê thiết chiều mẹ khản tên con

nơi đâu vùi lạc nơi đâu

xác dại hồn khôn mẹ rước về..."

 

Ngược dòng. Tôi ngược dòng trận đại hồng thủy và loạt vỡ núi kinh dị trong lịch sử khí hậu Việt Nam vừa giáng xuống dải Trường Sơn miền Trung mùa đông 2020. Mưa khi phất phơ lụa phơi khi rào rạt roi quất, cũng có lúc ráo hửng trong ánh sáng rờn rợn. Tôi ngược Đường 71 độc đạo xuyên rừng tìm con sông xa ngái thế giới bên ngoài với cái tên như tựa một bài thơ đương đại. Rào Trăng.

 

Là cái tên nằm lòng từ sau 0 giờ, 12 tháng 10. Cả nước mỗi ngày đọc báo xem truyền hình hóng tin cuộc tìm kiếm 17 công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích dưới ba triệu mét khối bùn đá lở từ đỉnh núi cao hơn 120 mét đổ nhào xuống khu nhà điều hành giữa đêm mưa dầm, tràn lấp một diện tích chừng 3.000 mét vuông, theo số liệu Thông tấn xã Việt Nam.

 

Chừng ấy đau thương chưa đủ. Thiên tai bồi tiếp đòn chí tử lúc 0 giờ đêm sau, 13 tháng 10, cách Rào Trăng 3 chỉ ba cây số. Một quả núi âm thầm hóa bùn sau nhiều ngày no nước mưa rùng mình phát nổ, biến thành lũ ống khổng lồ hung hãn cuốn phăng những khối đá lớn tầm xe cẩu từ mái dốc quét xuống bốn gian nhà Trạm kiểm lâm Sông Bồ tiểu khu 67. May sáng hôm ấy nhân sự của trạm đã rút về nơi an toàn.

 

Nhưng oái ăm, lúc 9 giờ tối, tức ba tiếng đồng hồ trước khi lũ ống hình thành, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp Quân khu 4 trên đường đến Rào Trăng 3 kiểm tra tình hình sạt lở lại dừng chân và quyết định nghỉ qua đêm tại trạm này. 13 trong số 21 thành viên tử vong. 7 giờ tối, 15 tháng 10 lực lượng cứu nạn mới tìm được toàn bộ thi thể.

Trong khi đó, sau ròng rã gần bốn tháng, khởi từ 13 tháng 10, dù đã huy động gần 3.000 lượt người, trên 2.000 lượt xe cơ giới, ba máy bay trực thăng, cả flycam và công nghệ tầm nhiệt, cuộc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn quy mô chưa từng ở Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ với kết quả từ chiều 22 tháng 11: thu hồi được 6 trong số 17 thi thể tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Vâng, thi thể. Vào thời điểm này, từ chỉ huy hiện trường, đến gia đình nạn nhân, và cả nhà báo, đã cạn niềm hy vọng thầm gửi trong khái niệm mất tích. Phép mầu đã không xuất hiện cũng như không còn điều kiện để có thể xuất hiện.

 

Tôi lái xe thận trọng trên Đường 71 hẹp nát, lắm nơi chẳng còn vết nhựa thảm. Giữa hoang liêu mừng nghe động cơ rền nặng từ sau rừng cây trước mặt. Là cặp đôi xe đào, xe ủi cuối cùng của đội tìm kiếm tạm rút quân trước tết Tân Sửu. Trên hai cỗ máy cồng kềnh lấm bùn tươi hiện trường sạt lở là mươi gương mặt đàn ông hốc hác buồn hiu. Những cái gật chào giữa kẻ xuôi người ngược. Những ánh mắt dõi theo tôi như muốn hỏi sao vào ngày năm cùng tháng tận còn xe biển số 51 ngược Rào Trăng.

 

Cuối chiều qua Thư gọi tôi hỏi đang ở đâu. Tôi nói Huế. Vẫn Huế? Thư ngạc nhiên. Ờ Huế, đang trông thợ lợp ngói, sau bão 13 nhà dột. Thư nói em nhớ lần anh bảo đó là ngói liệt, loại ngói xưa, đúng hông? Đúng, may Huế có nơi sản xuất vật liệu phục vụ trùng tu kiến trúc cổ. Thư chuyển giọng: Hương khói gia tiên mồng một, mồng hai bay vào ăn tết với em. Ờ, tôi đáp và đoán: Đang ở tòa soạn? Thư dạ, reo lên: A, em mới nghĩ ra chuyện này, anh giúp nghen. Ờ, muốn mua gì ngoài này à?

 

Thư bỏ qua lời tôi, nói càng lúc càng nhanh: Em vừa biên tập bản tin của phóng viên thường trú Huế. Anh biết không, hôm nay các báo đồng loạt làm tin kết thúc giai đoạn bốn tìm kiếm thi thể nạn nhân vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3, sau Tết bắt đầu giai đoạn năm, và có thể kéo dài thêm. Giờ nhìn lại, em thấy mấy tháng qua tin bài về thảm họa Rào Trăng đuổi theo thời sự nên phân mảnh, thiếu cái nhìn toàn cảnh với những nhận định có nền tảng khoa học cũng như chưa phát đi thông điệp cần thiết, chưa cất tiếng lòng, tiếng nói nhân văn, là chiều sâu đọng lại sau khi tính thời sự, kể cả mất mát đau thương, phai nhạt và che lấp bởi những lớp sóng thời sự mới hơn, liên quan nhiều người hơn, như Covid 19 lúc này. Em nghĩ số xuất bản ngày cuối năm, là dịp tốt để tờ báo bù đắp khoảng trống đó. Và anh là người tốt nhất em có được lúc này, cho việc này…

 

Cắt lời Thư, tôi kêu lên: Ôi, anh làm sao gánh nổi mấy thứ khoa học, nhân văn, thông điệp cao siêu gì đó. Thư cười khúc khích: Nói cho hết lẽ đó mà, còn mình làm được nhiêu hay nhiêu, miễn có cố gắng. Tôi tiếp tục bàn lùi, nói chẳng còn thời gian thực hiện một bài nặng ký cỡ vậy đâu. Thư khăng khăng: Anh cùng làm thì không những được mà em còn mơ đến một bút ký độc đáo nữa. Là em đang nghĩ đến hình thức phối hợp giữa hiện trường và tòa soạn, kiểu combining reports. Thế này nghen, sáng mai anh ngược Rào Trăng. Tất nhiên sẽ chẳng còn cảnh người và phương tiện cơ giới khẩn trương, rầm rộ đào tìm như trong những ngày qua. Thật ra em muốn anh đưa bạn đọc đến một Rào Trăng khác, Rào Trăng tịch mịch để chiêm nghiệm, hình dung về những gì đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra, nơi này nơi kia trong cả nước. Cũng không dừng ở tình cảnh xót xa mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha ngày cận Tết, mà nhìn sâu vào thảm họa gãy vỡ cân bằng thiên nhiên do tác động khai thác của con người, đồng thời không quên kèm câu hỏi quan trọng: Tại sao? Anh sẽ chụp ảnh, quay clip và tường thuật điều nghe thấy ở Rào Trăng cùng những cảm xúc, suy nghĩ và bình luận ngẫu hứng tại chỗ qua điện thoại. Em trong này trực tiếp nghe, ghi âm, xả băng, đặt câu hỏi cho anh, chèn số liệu, nghĩ về một kiểu tường thuật trung thực mà ấn tượng. Chừng cuối giờ chiều em bắt tay viết, được phần nào bắn ra phần đó để anh góp ý. Hạn cuối chuyển bài nhà in là 11 giờ tối. Cùng lúc post lên trang điện tử. Sau đó anh em mình ăn khuya online có rượu vang, đồng ý nghen đồng tác giả? Thư dứt lời, tôi chỉ có thể vò rối mái tóc vốn đã rối: Yes, madam!

 

Tôi xuống xe đốt điếu thuốc, nhìn quanh. Theo Google Maps thì trước mặt là cầu Khe Cát. Ngầu đục nhưng con nước lúc này đã thu mình trở lại kích thước ngày thường, khoan hòa róc rách dưới gầm cầu. Mở máy tính bảng tôi xem lại clip bắt đầu ghi ở thời điểm 2 giờ 30, chiều 12 tháng 10 bởi một thành viên trong đoàn công tác kiểm tra tình hình Rào Trăng 3.

Một Khe Cát hoàn toàn khác. Mưa lất phất nhưng nước tràn bờ. Mấy chiếc ô-tô SUV đỗ nối đuôi trước dòng chảy cuồn cuộn, dâng quá mặt cầu hơn nửa mét, tạo những xoáy ốc đe dọa. Sau hội ý, đoàn công tác quyết hoàn thành nhiệm vụ. 21 thành viên kẻ trước người sau chật vật bám dây thừng níu nhau lần từng bước vượt qua khe đã thành sông. Chỉ vài trong số họ mặc áo phao gây cảm giác bất an. 3 giờ chiều, đoàn bắt đầu đi bộ, tiếp tục quãng đường còn lại, khoảng mười cây số, để đến hiện trường sạt lở. Hết clip.

 

Sự cố ngăn cắt này xảy ra trên Đường 71, chỉ cách sở chỉ huy tiền phương chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, cũng là điểm đoàn công tác tập kết và xuất phát, chừng năm cây số. Vâng, chỉ năm cây số. Điều này cho thấy biến động địa hình khu vực mưa lũ cực đoan ẩn chứa bất ngờ và thách thức thế nào đối với công tác thông tin liên lạc trong điều kiện khẩn cấp.

 

Lùi lại thời điểm 12 giờ, trưa 12 tháng 10. Một người dân gọi điện đến một phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, cấp báo núi lở lúc 0 giờ tại Thủy điện Rào Trăng 3, hàng chục công nhân chết và mất tích. Tỉnh họp khẩn, tổ chức ngay đoàn công tác kiểm tra tình hình, đề xuất phương án cứu hộ sớm nhất có thể. Đoàn 21 thành viên, dẫn đầu bởi các lãnh đạo cấp cao: Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó tư lệnh Quân khu 4, Phó cục trưởng Cục tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Bộ quốc phòng, Chủ tịch huyện Phong Điền…

 

Hai tiếng đồng hồ sau khi nhận tin dữ, đoàn công tác ngược Rào Trăng.

 

Có thể nói bất ngờ Khe Cát là một cảnh báo sớm. Rằng đoàn được cơ cấu nhân sự có thẩm quyền và toàn quyền để đưa ra quyết sách, quyết định cấp thiết sát thực tế nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất trong công tác cứu nạn, nhưng đoàn lại thiếu thông tin thực địa, thiếu trang bị bảo hộ cá nhân, cũng như thiếu phương tiện cơ giới. Giá như nắm được thông tin lộ trình 13 cây số có đến 11 điểm ngăn cắt để điều động xe lội nước đặc chủng công binh và xe cơ giới mở đường thì sẽ không phát sinh bất ngờ là đoàn phải di chuyển bằng chân dưới những cơn mưa càng về chiều tối càng nặng hạt và phải soi đường với những cây đèn pin càng lúc càng le lói. Từ đó sẽ không dẫn đến phát sinh kế tiếp là thay vì đến Rào Trăng 3 trong ngày theo kế hoạch đoàn phải qua đêm tại Trạm kiểm lâm 67, điểm hẹn của tử thần. Hoặc giá như đoàn tiếp nhận cảnh báo từ Khe Cát, tạm hoãn cuộc hành quân để khắc phục thiếu sót, điều động phương tiện cần thiết trước khi tiếp tục thay vì nhất định không bỏ cuộc, với châm ngôn "làm theo mệnh lệnh trái tim", như lời người sống sót tường thuật, thì cái kết đã khác.

 

Chừng nửa giờ sau tôi đến điểm dừng thứ hai. Đất bùn và đá phủ lấp xác bốn gian nhà đổ nát của Trạm 67. Duy bức bình phong xây gạch cách đấy hơn 20 mét với những dòng chữ to khuyến cáo bảo vệ rừng đã bị con lũ cào xóa nhưng vẫn đứng vững như một phép mầu. Tôi thắp nắm hương trước bình phong tỏ lòng kính trọng và thương tiếc những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ.

 

Chiều 13 tháng 10, đội tìm kiếm cứu nạn nhặt được một máy quay phim nằm cạnh các thi thể bị vùi dưới bùn. Thẻ nhớ lưu hình ảnh cuối cùng của đoàn công tác, bắt đầu ghi vào lúc 9 giờ 20, tối 12 tháng 10. Về sau, được biết chủ nhân máy quay phim là nhà báo quân đội, cũng là một trong số tám người sống sót. Nhóm này ngủ chung một gian, nửa khuya còn người thao thức, nghe tiếng nổ bất thường từ quả núi sau Trạm, hô hoán chạy tháo thân trước khi lũ ống quét đến.

 

Dù đã xem nhiều lần, tôi vẫn nguyên xúc động khi xem lại clip ngay tại hiện trường.

 

Lúc ấy Trạm mất điện, đoàn công tác nhặt củi khô chất giữa sàn. Mọi người xúm quanh đống lửa, vừa sưởi ấm vừa hong áo quần ướt sũng. Họ nói cười như quên bẵng đoạn trường gian nan vừa trải. Tìm thấy hủ gạo, chai nước mắm và mấy trái ớt trong tủ bếp, vậy là có bữa cơm nóng ngon xuýt xoa. Thiếu tướng Phó tư lệnh Quân khu 4 giọng chân phương nhắc mọi người ngủ sớm lấy sức sáng mai lên đường sớm. "Cứu người là việc hệ trọng và khẩn trương", thiếu tướng nói thêm. Cũng là lời cuối ông để lại. Hết clip.

 

Tôi gọi, bảo Thư tường thuật chuyện đau xót như vậy, dù dưới hình thức nào, thì cũng là việc không nên, lại vào ngày cuối năm. Thư nghĩ khác, cho rằng đó là việc chẳng đặng đừng của báo chí. Cô không muốn mất mát đáng tiếc kia phí hoài trong quên lãng. Bút ký này chỉ thành công khi khơi dẫn được một câu chuyện khác, một cảm xúc phái sinh, một đòi hỏi tha thiết trong tâm trí người đọc, rằng đến lúc chúng ta cần xây dựng một lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp.

 

Điểm đến thứ ba cũng là điểm cuối hành trình. Tôi dừng lại trên một sườn đồi, nơi có góc nhìn bao quát vùng sông núi Rào Trăng vỡ nát. Nhiều năm đi rừng, tôi không lạ hình ảnh này. Chẳng cần xảy ra thiên tai, nơi nào bị chọn làm vị trí xây dựng công trình thủy điện nơi ấy núi rừng lở loét, sông suối phơi lòng đá cát. Sốc hơn nếu xem ảnh vệ tinh trước và sau khi rừng bị cắt, núi bị xẻ, sông bị ngăn, thế cân bằng địa chất một khu vực rộng lớn bị phá vỡ. Sốc hơn nữa nếu biết phải mất hàng triệu năm sông núi ấy mới hình thành được xu thế cân bằng vĩnh cửu.

 

Cái giá phải trả lâu dài khi khai thác nguồn năng lượng thủy điện phục vụ lợi ích kinh tế và xã hội chưa ai có thể đo đếm hết. Trên lý thuyết, giới chuyên môn ngành thủy điện luôn có hồ sơ giải pháp bù đắp, gia cố nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Nhưng thực tế luôn có nhà đầu tư tìm cách hạn chế chi phí hạng mục này, cũng như luôn có nhà quản lý làm ngơ sai sót của nhà đầu tư.

 

Mùa mưa năm 2020 tại các tỉnh miền Trung được cho là bất thường với một đợt mưa liên tục 15 ngày đêm, bắt đầu từ ngày 6 tháng 10. Mưa lớn và kéo dài là nguyên nhân trực tiếp gây ra một loạt sạt lở ở các tỉnh, làm bộc lộ những bất cập tại các công trình xâm lấn, gây đứt gãy thế cân bằng địa chất. Thủy điện Rào Trăng 3 là một trong nhiều trường hợp như vậy.

 

Trong khi hầu hết báo chí mải tập trung vào thời sự cứu hộ cứu nạn, clip trả lời phỏng vấn VTV1 của tiến sĩ Nguyễn Quốc Thành thuộc Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là tiếng nói lẻ loi nhưng cần thiết. Theo ông, khu vực Rào Trăng vốn có nhiều đứt gãy. Ngay dưới vị trí xây dựng nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 có một đứt gãy đi qua, đứt gãy Rào Trăng…

 

Bữa ăn tối online Huế-Sài Gòn với Thư không diễn ra như đã hẹn. Tôi lấy cớ sau 11 giờ đêm khó tìm nhà hàng ở một thành phố có thói quen nghỉ ngơi sớm như Huế. Tất nhiên không vì cuộc trao đổi đôi co khi thực hiện bút ký.

 

Thư đã dùng phép nhân hóa, gọi hiện tượng mưa lũ kéo dài và vỡ núi dồn dập trong tháng 10.2020 tại miền Trung là cuộc trả thù của tự nhiên dành cho con người về hành vi gây thương tổn thế giới tự nhiên. Tôi thì không muốn gán cảm tính hay thuộc tính của người cho tự nhiên. Thiên tai ngày càng nhiều càng dữ dội là kết quả của diễn tiến biến đổi khí hậu mà con người là một tác nhân, cộng với mức khai thác tự nhiên vượt ngưỡng an toàn, lại cũng do con người. Tự nhiên trở nên cực đoan là hệ quả, không hề mang chứa lòng oán hận hay ý chí trả thù.

 

Đồng ý với tôi, Thư vẫn cho rằng báo chí có thể nhân hóa hiện tượng tự nhiên với mục đích tăng hiệu ứng cảnh báo. Điều này cũng phổ biến trong ngôn ngữ giới khoa học địa chất và khí hậu. Thư còn viện dẫn cả Friedrich Engels với câu nói được xem là khuôn vàng thước ngọc từ những năm 80 thế kỷ 19: “Không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên bởi mỗi lần ta đạt được một thắng lợi là mỗi lần giới tự nhiên lại trả thù chúng ta”.

 

Tôi bảo Thư được thôi, em cứ viết như Engels, như hàng trăm nhà báo khác đang viết, nhưng đừng đính tên anh vào mục đồng tác giả, bởi đơn giản đó không phải anh. Thư lặng mấy giây rồi cười khúc khích: Bật video call đi, em muốn thấy mặt anh lúc này. Tôi cười theo, nhưng không video call.

 

Sau đó không có cả bữa ăn tối online. Thật ra cùng một lý do. Là tôi không thể giấu vẻ mặt buồn ám mang theo từ Rào Trăng và tin rằng nó làm hỏng không khí hào hứng nghề nghiệp của Thư vào thời điểm xuất bản bài bút ký.

 

Tôi cũng đã không chia sẻ với Thư điều tình cờ chứng kiến trước khi rời hiện trường Rào Trăng 3. Ngại Thư yêu cầu thực hiện cuộc phỏng vấn báo chí, mà trong trường hợp này tôi cho là chẳng khác những câu hỏi quấy rối. Tôi đã giữ riêng cho mình hình ảnh người mẹ già đổ bóng trong ánh chiều cuối năm tịch mịch vừa vái nắm nhang thơm tứ phương vừa khản giọng gọi tên đứa con bất hạnh đang ẩn khuất đâu đó dưới vỡ nát núi rừng sông suối Rào Trăng.

 

"tịch mịch rừng xanh Rào Trăng

lỗ chỗ vết lở phơi lòng đỏ

tịch mịch sông đục Rào Trăng

vỡ đôi bờ khúc trầm xa biển

tịch mịch bùn bãi Rào Trăng

thê thiết chiều mẹ khản tên con

nơi đâu vùi lạc nơi đâu

xác dại hồn khôn mẹ rước về..."

Trích tiểu thuyết "Thương Ngàn"

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 20247:47 SA(Xem: 192)
Bên bờ Đông Hồng Hải, trong buổi chiều đang chìm dần theo một Mặt Trời rất đỏ, có người trai Lebanon lặng lẽ giữa những nỗi-niềm-chung-riêng-quá-đỗi
07 Tháng Chín 20249:21 SA(Xem: 287)
hãy nghĩ về những ngọt ngào thú vị ngày xưa
31 Tháng Tám 20248:20 SA(Xem: 372)
Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!
21 Tháng Tám 20245:08 CH(Xem: 331)
Phán quan để tập giấy trắng xuống trước mặt tôi.
14 Tháng Tám 20247:13 SA(Xem: 358)
Thành thử anh Bình Định hấp dẫn, đầu đuôi chỉ vì một lối di dân nhì nhằng.
07 Tháng Tám 20247:15 SA(Xem: 337)
Ngày tôi còn bé, chưa đến 10 tuổi, những lúc mình không phải đến trường thì mẹ tôi lại đưa tôi ra chợ suốt cả buổi
31 Tháng Bảy 20247:01 SA(Xem: 908)
Họ phải thức từ 1-2 giờ sáng; có người sớm hơn, để cùng lặng lẽ lao vào dòng sống theo từng cách riêng của mình,
24 Tháng Bảy 202410:20 SA(Xem: 565)
Chợt nghe hơi thở dịu dàng trong giai điệu thổn thức ngọt ngào mà xa vắng Je ne suis que de l'amour… Bài hát tôi từng nghe chiều nay trong quán cafe ở phố Hàng Bạc...
17 Tháng Bảy 202411:22 SA(Xem: 730)
Tôi vừa buông tay ra thì ông ngừng thở. Ông chết nhẹ nhàng như gấp lại một cuốn sách. Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày.
07 Tháng Sáu 20248:55 SA(Xem: 1018)
Những ngày sau, rồi những ngày sau nữa, tôi không gặp lại anh ta. Tôi vẫn đều đặn ngồi uống cà phê chỗ công-tơ, ngồi một mình. Cà phê quán này làm như không còn ngon như trước...
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20748)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15719)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17361)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10065)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18475)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4917)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1682)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2172)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2085)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23397)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19921)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8728)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9743)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9169)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12118)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31655)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21450)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26430)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23877)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22666)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20769)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18869)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20025)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17613)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16729)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25684)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33018)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35532)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,