Là một người gốc Bình Định, ngụ cư Sài Gòn. Sống bằng nghề dạy khí công, thiền… dạy thở & thở ra thơ, quờ tay ra tranh…rượu trà ra ngụ ngôn.
nickname Bagan… nhưng cái gàn của ông là gàn có quy hoạch, gàn của một người tài.
tài thật!
“... cái bất thình lình thật đẹp”.
Quý ngài Ba Gàn đã nói vậy trong một bài thơ ngắn của ông. Cũng như nhiều câu nói rất “đời thường” ngôn từ bụi bặm nhưng khi khéo léo đưa vào thơ, đưa vào ngữ cảnh thích hợp, những thình lình ấy nẩy bật hàm tính phát hiện... một thuộc tính cần của Thơ. Ba Gàn đã thơ hóa mọi va đập quanh ông [tôi cảm thấy thế]. Thơ Ba Gàn là quy hợp của vô số “bất thình lình”. Tác giả có công “lạ hóa” những thân quen thường ngày mà mỗi chúng ta nhìn thấy, va đụng.
Thật may mắn cho ai, khi đối diện, đương đầu với cuộc sống này bằng một phong thái nghễu nghện, bất cần, coi ta là đỉnh, coi ta là đáy... & coi ta là cỏ lá vệ đường. Sống với tâm thức ấy thì tự mình vạch đạo cho mình hướng đến. Và, tôi tin những ai đạt tầm thơ hóa, hài hóa... coi mọi sự trên đời là hiển nhiên và biến nó thành thức ngon cho tâm hồn... thì kẻ ấy sẽ đạt nguyện. Hạnh phúc & bất hạnh cũng chỉ góc nhìn... bởi xét cho cùng cuộc sống của mỗi con người, một linh thể... quý nhất ấy là vẫn còn không khí để thở & biết thở.
Bạn là người may mắn khi đang cầm trên tay cuốn sách này. Bởi bạn sẽ thấy mình ẩn/hiện đâu đó trong những minh họa, những khúc thơ... Mà thật, chính xác các tác phẩm trong tập sách này như là “hơi thở” mỗi khắc trôi qua của mỗi chúng ta. Bạn sẽ không cô đơn đâu, khi một mình với tập thơ này. Bởi trong bạn sẽ bất ngờ bừng tỏa tiếng cười của chữ, à không... tiếng cười đầy sảng khí của chính hóc hẽm thâm u trong bạn, mà chữ nghĩa trong tập thơ này vô tình rọi thức.
Một nghĩa nào đó, khi rượu, trà, thơ, một mình... là uống chính cái sự cô độc. Là đóng băng mọi cái xù xì, rổn rảng, loăng quăng ngoài kia... rồi “lôi cổ” bọn chúng vào ngồi cạnh bên, ngả ngớn cạnh bên bạn để hầu hạ bạn, để nghe bạn hahaha. Và, xem chúng tía mặt hồng tai thế nào trước thái độ rất ngang tàng, tếu táo của bạn. Thưởng thức cái thú vị từ chính lòng mình, hưởng cái tự tại, tự do từ mình, thói quen thường nhật ấy vô tình hóa bạn thành kẻ bất thường, bất thường ở đây gần nghĩa với phi thường bởi bạn đã biết chối bỏ hoặc kiếm nhặt. Cõi người, cõi đời là dòng trôi bất tận. Trong cái cõi “hầm bà lằng” ấy, ta tìm ra giọt trong cho cái khát để sống thì đời này cần “cái đinh” gì nữa mà lăn tăn, đúng không?
Đọc Ba Gàn, tôi ngẫm ngợi và gán vào lưng ông những định nghĩa khác về thơ.
Thơ - thêm một dấu hỏi, một nghi hoặc là thở
Thơ- thêm một dấu huyền, một bay ngang là hiển lộ một đức tin
Thơ - thêm một dấu sắc, mọi thứ trở nên chẳng còn là chính nó...
và cứ thế hahaha... ấy là Thơ.
Như nhịp tim, nhịp thở bình thường, cuốn sách tập hợp phần lớn là những bài thơ ngắn, gần như bài thơ nào cũng được hiện hình, được minh họa với những “phóng tác” rất có nghề, sát với những gì bài thơ muốn nói. Sự phối ngẫu “thơ – họa” này thêm một sự khác biệt so với các tập thơ khác. Thơ không cầu kỳ, minh họa ngộ nghĩnh... nhưng để thể hiện được vậy, tôi mường tượng thấy bao nhiêu trằn trọc, bao nhiêu trà, rượu, gió trăng được Ba Gàn chắt lọc mà thành. Lật trang rồi gấp trang, đọc rồi nhắm mắt lại để thấy, tôi đã đọc Ba Gàn như vậy, ngạc nhiên, thú vị và bạn hẳn sẽ chẳng khác tôi là mấy... Được vậy, điều gì đã làm nên?
Hãy đọc, à không, hãy thở cùng với Ba Gàn trong sát na này, xem nhé:
Đỗ quyên già nở hoa trên đỉnh mù sương
Không có ai hoa vẫn nở
Không có thơ chợ vẫn đủ mùi hương
Ha ha. . . ha. . .
Không có đường nhưng ta vẫn thường qua núi. [Nirvana]
Vờ như Ba Gàn đang dắt ta đến chân Phú Sĩ, vừa huơ tay chỉ chỏ... ta chưa kịp nhận ra cái đẹp, thì ông đã “bất thình lình” cười vang rồi nghịch ngợm “Không có đường nhưng ta vẫn thường qua núi” Cái núi ổng thường qua, không cần đường... ở đâu, cao thấp, nóng lạnh, hiểm trở thế nào ai mà biết?
...
Rồi sau một “ngày đàng” mệt nhọc, khi còn lại chỉ mình Ba Gàn với hương xuân se lòng, với không ai, với không gì cả... là tôi đoán thế thôi. Ổng Khẳng khái:
“Bỏ thiên hạ ngoài cổng
Đốt có không ta nấu ấm trà xuân
Bâng khuâng quét thơ và sách
Hốt thật sạch
Bón cho cây khô đời, ta khơi nụ tầm xuân
Ha ha . . .ha . . .
Bút không ngòi nở ra hoa pháp tánh
Đàn không dây thánh thót khúc diệu âm
Này gió
Trà cỏ nấu xong
Trà thơm hay xuân thơm [Trà cỏ, gió và ông già]
Bạn đã bao giờ thế chưa, bạn quét thơ, sách, tiếng đàn... và cả kinh kệ, mọi thứ quanh bạn, trên dưới bạn, ngoài tầm tay bạn... rồi “đốt” để lấy tro bón “nụ tầm xuân”. Đồ rằng “nụ tầm xuân” này cũng chẳng có thật với ông bấy giờ. Mọi thứ như là cái đã từng va quyệt đâu đó trên đường đời cứ “vểnh râu” mà bước của ông. Trà cỏ thơm, hay xuân thơm, kinh thiêng, hay đức tin rực rỡ có nghĩa chi nếu chúng không cho người ta chút lòng thảnh thơi. Nhưng ai cho, chẳng ai khác là chính mình. Phật trong mỗi người và Thượng đế đôi khi nằm trong cái dáng ngóng con xa trở về của bao người mẹ.
Đọc Ba Gàn là đọc cái mâu thuẩn nội tạng của con người, là chấp nhận cái mâu thuẫn giữa “hình & tiếng”. Gặp ngoài đời, hẳn phần lớn sẽ ngộ nhận gã Ba Gàn này rất gàn... bởi cái “bụi bặm” thường trực trong “lời ăn tiếng nói”. Nếu mặt dưới văn bản thơ không mách bảo mà chỉ phớt qua chữ rồi quy kết nghĩa, giống như:
“Con nhái yên lặng bơi
Mặt hồ lẳng lặng nằm chơi không tiếng động
Bỗng
Con nhái leo lên bờ rồi nhảy xuống ao
Lao xao kêu: Tõm!
Nhận biết yên lặng rong chơi
Chư Phật bặt tăm hơi không tiếng động
Bỗng
Nhận biết thiện thệ giảng về tánh
Hề hề. . .
Tánh không đánh mà kêu: Đau!” [Tõm]
Nhưng không, anh bỡn cợt với chính đời mình, với mọi thứ, với cả Thánh Thần... chẳng qua để hóa giải cái chữ “đau”.
Chữ “tõm” nghịch ngợm của Ba Gàn làm tôi sực nhớ đến bài thơ “Con Ếch” theo thể thơ Haiku Nhật Bản:
“Ao cũ
con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao”
Con ếch của Basho là một ẩn số, như một hòn đạn bay vào cõi thâm u. Cái “ao” ở đây có thể là cái ao tù sau mưa, có thể là hồ nước nơi quê nhà, và có thể nó là chiếc ao đời... cái ao vũ trụ bao lấy cõi thế nhân. Con ếch nhỏ nhảy vào ao nước, như chính cuộc đời nhỏ bé nhảy vào cái ao vũ trụ. Nhưng thực thể nhỏ bé ấy lại làm vang lên, làm chấn động cả không gian tĩnh mịch của vũ trụ bao la, đó là bản chất đạt ngộ của Thiền tông.
Tất cả chúng ta đang sống trong cõi Ta bà đầy đau khổ. Mọi người luôn hướng về một cái tôi của riêng biệt, bất biến. Nhưng trong Thiền tông, xác định cái tôi chỉ tồn tại tạm thời trong thân xác và nó luôn thay đổi tùy hoàn cảnh khác nhau. Sống như con thuyền vượt biển, đương đầu gió giật sóng dồn, để đến khi lắng lại, thụ nhận yên ả dịu dàng. Thơ Ba Gàn đầy ý niệm tiếp nhận chân lý vô ngã – vô thường, để trút bỏ hết mọi gánh nặng trần ai, đánh thức Phật tính trong mỗi con người. Đỉnh cao của Phật tính trong mỗi con người là tâm hồn được thanh tịch, mọi thứ tham sân si bị tận diệt. Như Tham Thiền [zazen] để tĩnh tâm chứng ngộ Phật tính vốn có trong mình nhằm mang lại sự bình an, tự tại ngay giữa những rối ren, xáo động của nhân thế. Ba Gàn nói với chính mình, mách bảo chúng ta rằng: Mọi vật đều mang Phật tính, không cần năng lực nào hóa giải mà chỉ cần tâm Thiền thì có thể chứng ngộ Niết bàn. Vì vậy vạn vật đều bình đẳng như nhau, không hơn không kém, cho dù luôn xem chúng là những kiếp nhỏ bé thấp hèn. Không thể nhận định, đánh giá vạn vật hữu sinh, vô tri, bất giác trong cuộc đời này vì chính bản thân chúng cũng có thể hóa Đại Phật. Ba Gàn phải chăng là chân tu mộ đạo, nhưng ông không cần chùa chiền, không cần không gian khung cảnh phù hợp...Ba Gàn vừa đi vừa uống trà vừa uống rượu vừa hát ca vừa thơ phú...vừa thiền. Ba Gàn thiền động!
Rất nhiều bài thơ trong tập thơ này tác giả viết với tâm thế hướng Phật [có thể là vô thức] nhưng tính thiện, hướng thiện của thi nhân cứ vô tình mà gợi lành, gợi thiện cho người đọc:
“Em yêu cái bình vỡ đáy
Anh mê say cái hoa ngoài đồng
Nhưng tình yêu lớn hơn mênh mông
Nên không cần sở hữu.
...
Ta sống nốt cuộc đời đạo đức
Để lai sinh được mặc sức làm người
Học hạnh đất
Thiên hạ đạp chân lên đất ngồi trên đất
Học hạnh trời
Thiên hạ vô tư, đứng giữa trời chơi hít khí trời
Hề hề. . .
Học hạnh người
Ta sẽ yên lặng mỉm cười khi có người làm trời làm đất"
Mỉm cười và chấp nhận cuộc sống với người đời như vậy không thiền thì là gì? Anh chấp nhận tốt xấu giữa cõi đời này như chấp nhận mưa nắng, chấp nhận trái gió trở trời, bởi:Thảnh thơi ta nhặt hoa rơi/ Hỏi người tri kỷ chào đời hay chưa?
Đọc Ba Gàn là đọc cái sự phong phú của đời sống này, đọc cái xôn xao của phố sang, ngõ xẹp, đọc cái nhăn trán, đọc cái búng tay. Anh không trau chuốt thi tứ, chữ nghĩa. Thơ anh là đời sống của anh, là ngày, là đêm, là trà suông, rượu sém. Anh thành kính thánh thần, trân trọng bản thân, biết mình là ai giữa đất trời này, anh chiêm ngộ, thấu triệt lẽ đời rồi bật cười hahaha khi bỗng dưng...rất là thình lình: ối giờ ôi sao tôi hay ho thế, kiểu như:
“ Kiếp sau xin chớ lùng bùng
Làm con chim đứng anh hùng giữa sông
Khi nào nước lớn mênh mông
Anh hùng vỗ cánh xù lông bay vèo
Hề hề...” [Kiếp sau]
Thật khoái khi giữa đời đọc được những lạc quan, tếu táo, như được biếu không nụ cười. Thơ anh không bóng bẩy, bởi tôi đoán Ba Gàn coi thơ như là hơi thở của từng khoảnh khắc sống...Mà hơi thở thì cần chi phải trau chuốt, thở khỏe, thở đều, thở thơm tho là xong “nhiệm vụ” của thở.
Thế nên, những bài thơ ngắn [phần lớn trong tập thơ] là những bài thơ ngắn, được bắn ra từ “thiền xạ thủ’ Ba Gàn... nó cứ bay bay bay bay... sức “công phá” nó đến đâu, bung nở ra cái gì tùy thuộc nhiều vào đích đến. Đích đến ở đây là bạn, một người đọc đang cầm trên tay cuốn sách này.
Thế nên, những bài thơ ngắn [phần lớn trong tập thơ] là những bài thơ ngắn, được bắn ra từ “thiền xạ thủ’ Ba Gàn... nó cứ bay bay bay bay... sức “công phá” nó đến đâu, bung nở ra cái gì tùy thuộc nhiều vào đích đến. Đích đến ở đây là bạn, một người đọc đang cầm trên tay cuốn sách này.
Hanoi, thu 2024
HMT
Gửi ý kiến của bạn