Tôi sẽ nói gì về Phiến Hạ khi mùa hè chưa tới? Khi biển đã rộn ràng khơi nồng trong gió?
Tôi có thể gợi khêu gọi nắng lên nhân quần khi lạnh gây vẫn u ẩn không gian?
Có lẽ tôi sẽ mơ một khắc giây hội tụ, khát vọng liền tâm. Những mối dây xoắn gút cột thắt linh hồn. Ôi tôi mong bức đứt, chặt phăng mắt xích trói ghì.
Thế mà cứ từng bước, tôi bắt gặp tôi nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, thu tóm những sợi dây đứt khúc và bắt đầu bện lại thành một mạng lưới ôm gọn lấy tôi. Tôi mất hút trong ấy như một vật thể không hình dáng. Chỉ còn những ô mắt cá dai dẳng quấn lấy, cột trói mình tôi. Tôi nhìn ra thế giới bên ngoài qua mắt lưới. Tôi hoan hỉ ôm chầm mạng lưới. Mạng lưới tình yêu. Không hối tiếc. Tôi dứt khoát. Tôi chỉ sống để yêu...
Em sẽ ngồi với anh thật lâu
Và hôn anh như trên đời không còn ai nữa
(NỤ HÔN MÙA THU)
giữa muôn trùng xa cách
em không hẹn kiếp sau
chỉ có thể hứa
vĩnh viễn không hối hận
vĩnh viễn không quay đầu
(LỜI HỨA)
Cuối tháng tư, trong khí hậu u ám bên ngoài bật dậy niềm ẩn mật bên trong, tôi đọc bản thảo “Phiến Hạ” của nhà thơ Trần Hạ Vi. “Phiến Hạ” gồm 81 bài thơ, đa số là thơ tự do và cũng đa số với chủ đề Tình Yêu. Tình Yêu được viết hoa vì người nữ sĩ ấy sống chết bằng trái tim hực lửa dâng tình, cho dù thế giới có hững hờ với cô. “Thế giới” ở đây không hẳn là cõi nhân gian ngoài kia mà có thể chỉ xoay quanh một số người đàn ông, những người đàn ông đã bước vào tâm hồn cô. Tuy vậy, khí hậu thơ tạo cho người đọc một nghi tình, người yêu của cô có thể chỉ là cái bóng, một người không bao giờ có thật/hay có thật [?], một người cô chưa bao giờ gặp mặt/hay đã gặp mặt [?]. Một mối tình ảo thêu dệt trên mạng xã hội chăng? Tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ trong bài “Mon rêve familier” của Paul Verlaine mà tôi muốn sửa chữ “đàn bà” thành “đàn ông” cho xứng hợp với tâm tình của tác giả ở đây, “Tôi thường mơ một giấc mơ lạ lẫm và thấm thía / Về một người đàn ông chưa hề biết, mà tôi yêu, và yêu tôi” (Je fais souvent ce rêve étrange et pénétrant / D'un homme inconnue, et que j'aime, et qui m'aime). Cô yêu hoài một người không thấy, inconnue? Có thể lắm.
Chìm đắm trong một tình yêu ảo ảnh
Mơ màng nhập nhòa mông lung
Không dạng không hình
...
Tình yêu của chúng ta giữ trong chiếc hộp bé xinh
Hai mươi bốn giờ một ngày
Sẽ sống
Miễn còn pin điện thoại
(ẢO MÊ TÌNH)
người ta xài ma túy
em cũng xài ma túy
ma túy của em là người
nhưng em không cần sex
em chỉ cần say
trong ảo tưởng diễm tình
trong lời thơ huyễn hoặc
lên mây
lên mây
(MA TÚY CỦA HẠ VI)
tìm về thế giới em tự tạo nên
Beauty and the Beast
quả hồng mềm
núm vú cương cứng
hồi sinh từ sạch trơn quên lãng
hãy để em yêu
hãy để em yêu anh
the Beast của em
(BEAUTY AND THE BEAST)
Hạ Vi dùng lối viết lặp lại, một chữ, một nhóm chữ, nhiều lần trong một bài thơ. Một kỹ thuật viết để nhấn mạnh mà cũng có thể tương tự hiện tượng nói nhịu, khi một người quá dao động vì áp lực bất thình lình. Sự lặp lại tới lui làm sự kiện chốc lát trở nên bức thiết, căng thẳng hơn, tạo cho người đọc cảm giác treo ngược đợi chờ,
cô ấy nói yêu anh đến thiên thu
còn tình yêu của em
ở đâu
ở đâu
(MẶT MỘC)
anh còn tiếc nuối tình yêu người đàn bà
em không ghen không nổi đóa
cát xa tuyết xa cát xa tuyết xa
(TÌNH CA NOVA SCOTIA)
Thơ Hạ Vi có khi tưởng chỉ nói đến tình yêu nam nữ đơn thuần nhưng thật ra cô dẫn đến những vấn đề sâu thẳm hơn, những khúc mắt nhân sinh, những vỏ bọc, những chiếc áo khoác, những mặt nạ làm thế giới trở nên xa cách, làm tình nhân rẽ chia,
Căn phòng bí mật có nhiều cánh cửa
Mở khóa một lần
lại thêm cửa bên trong
...
Anh - củ hành mộc mạc
chiều nay
cởi thêm một lớp
làm mắt em cay...
(CỦ HÀNH)
Cuối con đường có một ngôi nhà
Trong đó có một người đàn bà
Của anh
và không phải của anh
(SỞ HỮU)
Bắt gặp sự cuồng nhiệt và tha thiết trong thơ Hạ Vi không khỏi nhớ đến Juliet của Shakespeare nghiêng người trên ban công dáo dác kiếm tìm Romeo, O Romeo, Romeo! wherefore art thou Romeo? Ngày và đêm, sáng và tối thường được dùng như một mô típ trong vở kịch Romeo Juliet và cũng thường thấy xuất hiện trong thơ Hạ Vi. Có thể nói thơ tình Hạ Vi là hình ảnh một Juliet thường trực đứng ở ban công đợi chờ, một ban công sững đứng với thời gian, frozen in time...
Em nhớ anh
cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát
Em mong anh
mơ lắm một bàn tay!
Yêu em đi
ngoài kia ngày vẫn là ngày
Đêm vẫn là đêm, chỉ chúng mình là bỏng rát
Cuộn trào trong từng cơn khát
Khát anh khát em
quằn quại đam mê khát tình...
(TÌNH NHÂN ƠI)
Và cô cho mình ưu điểm hơn cả AI (Artificial Intelligence) xứng đáng với người yêu đến kỳ cùng,
Em không phải AI
Khi em chết đi thơ sẽ biến thành AI
Sex với anh mỗi ngày
(SEX VÀ AI)
Một trong những bài thơ trong tập “Phiến Hạ” khiến tôi thích thú ngay khi đọc những câu đầu như thế này:
tự trái mận có bài thơ
nhưng bài thơ không phải về trái mận
tự anh có em
(TỰ THƠ)
Bài thơ thật thơ mộng và đơn giản, thế mà không đâu những luồng sóng ba đào dội về. Chỉ mấy lời mà đào sâu khôn tả vạn thể biển dâu. Tại sao “tự anh có em”? Thế giới hiện hữu nhiệm màu của người nữ bắt đầu từ một chiếc xương sườn của người đàn ông lúc sáng thế? Thế giới này sẽ như thế nào nếu không có Anh. Và Em. Hay từ thinh không, hễ có âm ắt phải có dương. Bất ngờ từ trái mận nảy sinh bài thơ, nhưng nói trái mận chỉ là một cách nói, nói trái mận để liên tưởng tới người yêu dấu. Đẹp của thi ca là ở chỗ đó, sự liên tưởng. Liên tưởng dẫn đến bồng phiêu, nếu mượn lời Bùi Giáng, “Hoặc phiêu bồng tâm sự tân toan lệ / Hoặc phiêu bồng tâm ý du dương tiếu / Hoặc phiêu bồng tâm mộng trúc loạn ty “. Từ Trái mận => Bài thơ => Anh => Em. Tình yêu diệu kỳ vì nó không có điểm khởi đầu và nơi kết thúc, một vòng tròn không nguyên cớ, theo đuổi để bắt gặp hoang vu. Hãy đọc nguyên bài thơ để thấy nhị nguyên sấp ngửa của từng cặp đôi đau thương/hạnh phúc, chiến tranh/hòa bình, hủy diệt/xây dựng, tốt/xấu. Bao giờ chúng ta mới thôi bị trì kéo, giằng co giữa hai bờ chọn lựa? Thi sĩ trở nên hiền giả chăng, bởi chưng nhân duyên có thể chỉ là một điều ngẫu nhiên rất mực đơn sơ, con chó trầm cảm / tự con mèo xù lông, hay bởi vì bao mối xích xiềng trói buộc phía sau?
TỰ THƠ
tự trái mận có bài thơ
nhưng bài thơ không phải về trái mận
tự anh có em
nhưng em không thuộc về anh
tự đau thương có hạnh phúc
tự chiến tranh có hòa bình
loài người loay hoay
hủy diệt và xây dựng
cái tốt và cái xấu
con chó trầm cảm
tự con mèo xù lông
Tập thơ Phiến Hạ, không chỉ nói đến tình yêu, một số bài mang tính cách thời sự như chiến tranh Ukraine, Afghanistan, những mong nhớ về mẹ, về quê hương. Sự xa cách địa lý không làm vơi đi lòng nhớ thương đến chốn cũ yêu dấu, có lẽ không riêng gì đối với Hạ Vi mà cũng là tấm lòng chung của những người con Việt xa xứ.
Thèm nghe một tiếng cằn nhằn
Lời kinh mẹ đọc tiếng răn ngọt lòng
Thèm thêm miếng bưởi miếng bòng
Tướp tươm nước bọt trưa chồng bóng sân
(THÈM)
Ký ức của em đâu
sinh ra giữa mùa không bom đạn
chỉ đói nghèo làm bạn
quấn mãi đôi bàn chân
(SINH SAU 1975)
oOo
Tôi quen biết nhà thơ Trần Hạ Vi cũng như thơ của cô qua mạng xã hội FaceBook mấy năm gần đây. Được biết cô là một Tiến sĩ ngành Tài chánh và hiện là giáo sư Đại học StFX, Nova Scotia, Canada. Một trí thức bên ngoài nước nhưng bao giờ cũng yêu tiếng Mẹ, sống chết với ngôn ngữ Việt, dù Hạ Vi thừa khả năng du nhập với tiếng nói, văn hóa nước người. Người đọc có thể ngạc nhiên hỏi tại sao những con số khô khan trong lãnh vực tài chánh lại trở thành những câu thơ trữ tình diễm lệ? Nhà thơ Hạ Vi tâm sự như thế này: “Có những khoảnh khắc là bất tử, có những lời nói cứ ngỡ 'gió cuốn mây trôi' nhưng lại chìm vào mê đắm lòng, ta giữ lấy, ta quyện quấn, ta trân quý, ta nắm níu như chiếc phao cứu sinh duy nhất trong bể đời chìm nổi. Có những kỷ niệm tưởng đã lãng quên mãi mãi lại trỗi về mãnh liệt từ hư không. Chỉ là một đêm mưa, ngày ấy, đêm nào. Người tình nằm lơ đãng nói vài câu giữa tiếng mưa gió lá rơi rụng bên ngoài.”
Sau tập thơ “Vi” xuất bản năm 2020, thơ tự do vẫn là sở trường của Hạ Vi. Tuy nhiên ý, từ đã sâu sắc, cô đọng, và trực diện với hiện thực hơn. Với “Phiến Hạ”, cô vẫn là nhà thơ của tình yêu nhưng chữ nghĩa tiến gần đến sự bộc lộ, thẳng thắn du hành vào vùng tiềm thức không cần che đậy, phát huy rực rỡ hơn. Điều đó làm thơ Hạ Vi gần gũi với người đọc, khiến chúng ta nghe như tâm sự của chính mình.
Nếu Annie Ernaux có thể viết những câu chuyện đời mình
Giọng văn khô khan sắc lạnh
Và được giải Nobel văn chương
Thì tại sao nàng không được quyền
Viết câu chuyện của anh và nàng
Tất nhiên
Theo cách nàng tưởng tượng
(CÂU CHUYỆN CỦA NÀNG)
Quả vậy, Hạ Vi đã dẫn người đọc theo một cách rất riêng của nàng từ đầu đến cuối tập thơ, để lại trong lòng người đọc một lửng lơ nghi vấn: Người yêu của nàng, thật hay ảo? Hãy để đó là một ẩn mật phiêu nhiên thơ mộng.
Vũ Hoàng Thư
Cuối tháng tư, 2024