NGUYỄN MẠNH HÙNG - Chiều Chủ Nhật buồn, những mất mát trong đời

11 Tháng Mười Hai 20242:38 CH(Xem: 218)
NGUYỄN MẠNH HÙNG - Chiều Chủ Nhật buồn, những mất mát trong đời

Một chiều đông xứ người, ngồi buồn một mình nghĩ đến những mất mát trong đời, những người bạn quý không còn nữa.

Phạm Dương Hiển là một mất mát sớm nhất và lớn nhất. Hiển là một nhà ngoại giao lịch thiệp, nhưng cũng nổi tiếng nóng tính. Nghe nói anh bị triệu hồi từ Côte d’Ivoire về nước vì trong cơn nóng giận đã quẳng cái gạt tàn thuốc lá vào ông Đại sứ của mình. Hiển thông minh, đọc nhiều, Nói chuyện vớí anh là có trao đổi hai chiều về những vấn đề quan tâm chung giữa những người hiểu biết. Chẳng biết Hiển ham chơi hay đúng hẹn, anh nói là làm. Có lần chúng tôi đi trượt tuyết ở Snowshoes, West Virginia. Rủ Hiển từ Maryland đến chơi mạt chược. Hôm ấy, tuyết bay đầy trời. Đúng hẹn là Hiển xuất hiện. Hiển rất quý bạn. Anh là người hiểu tôi nhiều nhất trong cuộc sống, công cũng như tư. Hiển ở xa, cách tôi khoảng một giờ lái xe. Mỗi lần tôi buồn, cần anh là anh đến ngay, bất kể ngày, đêm. Anh bất ngờ bị tai biến mạch máu não một buổi sáng mùa đông năm 1997. Khi tôi đến bệnh viện thì Hiển không còn nữa. Ngày an táng. tôi đọc điếu văn cho anh, theo lời yêu cầu cùa con trai anh.

Sau Hiển 15 năm là Đặng Văn Hiền. Hiền lịch sự “như Tây” với phụ nữ, tự xưng là Alain Delon nhưng bạn bè cứ gọi là Alon Delain. Hiền rất quý bạn, sẵn sàng cho bạn vay tiền và nhờ vả. Có lần bạn chỉ mượn máy cắt cỏ, nhưng anh đem ngay máy của mình đến và cắt cỏ dùm. Tôi phàn nàn sao anh dễ để người ta lợi dụng. Hiển nói ngay không suy nghĩ, “Sao mày không lợi dụng tao đi?” Tôi nhớ mãi những bữa cơm ngon đầm ấm ở nhà anh, Sau này mới biết các em gáí nấu hộ anh để anh hâm lại thết đãi bạn. Hiền mất năm 2012, và tôi cũng là người đọc điếu văn.

Phạm Văn Thuyết, chuyên gia kinh tế Ngân Hàng Thế Giới ra đi năm 2015. Thuyết thông minh, học giỏi, nhưng ngang bướng, ham chơi và hoài cổ. Khi tôi mới lập gia đình, Thuyết thường đến ăn cơm tối và ngủ lại để tránh nạn pháo kích của cộng sản. Ăn xong, anh lẹp bẹp đi dép vào buồng tắm rửa chân, rồi ra ngồi sofa vỗ hai chân vào nhau cho... chóng khô, như kiểu “các cụ ngày xưa.” Thuyết là tác giả cuốn sách mỏng: Việt Nam, Mãnh Hổ hay Mèo Rừng, trong đó anh khéo léo và giản dị vạch rõ những nhược điểm và triển vọng phát triển của Việt Nam. Thuyết có cách nói dí dỏm và khôi hài. Anh đã cho tôi những lời khuyên khôn ngoan trong việc giữ sức khỏe và đầu tư, nhưng tôi có những lý do để không làm theo. Thuyết là một trong những người di tản đầu tiên mua nhà về sống ở Việt Nam. Anh ra đi Tháng Giêng năm 2015, và là người thứ ba được hay bị tôi đọc điếu văn.

Sau Thuyết đến lượt Đinh Cường. Anh mất đúng một năm sau Thuyết. Cuộc sống tình cảm của Cường “âm thầm huyền ảo,” khác hẳn với những cuộc tình ồn ào của người bạn thân Trịnh Công Sơn. Cường và Sơn thân nhau đến độ họ Trịnh khi viết một số bài hát và thư gửi cho người tình cũng bàn với anh. Cường tính tình hiền hòa, không muốn làm mất lòng ai. Anh là môt họa sĩ tiên phong trong nhóm Họa Sĩ Trẻ Việt Nam thời thập niên 1960. Tôi thích mầu sắc tranh của Cường, đặc biệt là màu xanh huyền ảo của ánh trăng trên thềm rêu trong ngôi nhà cổ. Cường “sính Tây” và thích Paris. Anh thích được tôi đưa đi ăn ở Le Chat Noir vì nó có không khí của “quán nhỏ Paris,” thich cà phê ở Bayou Bakery vì nó “bụi,” và thích nghe nhạc jazz ở Blues Alley nơi có “người da den thổi kèn đồng” những điệu buồn da diết. Cường yêu bạn và có bạn ở khắp nơi. Những năm cuối đời, anh sống nhiều trong thế giới ảo qua internet với những bài “thơ ghi” gửi bạn trong đêm khuya hoặc qua điện thoại. Có lần đang ngồi chơi với tôi, Cường lấy điện thoại gọi cho một người ở một nơi nào đó, nói “Moi đang cà phê với Hùng. Ông nói với Hùng đi.” Rồi đưa điện thoại cho tôi nói tiếp. Mùa Thu 2015 tôi đi Singapore làm việc. Cuối năm ấy, Cường gọi điện thoại hỏi tôi “Bao giờ ông về?” Tôi linh cảm có điều gì không ổn. Đầu Tháng Giêng 2016, khi từ phi trường về, mới đặt chân vào nhà tôi gọi Cường thì Toàn Bò bắt máy, bảo “Mày nên đến ngay.” Khi đến, tôi thấy Cường gầy gò, mệt mỏi nằm trên giường, nhưng vẫn lạc quan hẹn “tuần sau sẽ đi ăn với ông ở Georgetown.” Cái hẹn không bao giờ được thực hiện. Cái hẹn duy nhất thực hiện được sau khi Cường mất là cuốn Truyện Tình, gồm những bản văn tôi dịch 5 truyện ngắn của các tác giả thành danh ngoại quốc một số thơ của Nguyễn Tường Giang, tranh của Đinh Cường và của đứa con yêu Đinh Trường Chinh. Cường mất ngày 7/1/2016. Gia đình anh muốn tôi đoc điếu văn tưởng niệm anh. Ở vùng này, sự ra đi của Đinh Cường và sau này của Nguyên Thế Toàn là những mất mát, đối với tôi, không thể nào thay thế.


Cao Thế Dung được người đời gán cho nhiều danh hiệu: sử gia, nhà văn, nhà báo, nhà biên khảo, học giả, chiến sĩ. Anh viết nhanh, viết khỏe, viết dài, và chỉ viết tay, không đánh máy hay viết trên computer. Dung có sách xuất bản và nhiều bài đăng trên các tờ báo Việt ngữ. Anh từng nói với tôi rằng anh đang thai nghén một cuốn sách viết về những nhân vật người Việt ở hải ngoại, nhưng Viên Linh lại bảo “Hắn dọa thế để những người không muốn bị “đánh” trong cuốn sách ấy không dám chỉ trích Cao Thế Dung.” Viên Linh đúng, cuốn sách ấy không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Theo diện “đảng tử, đảng tôn,” anh là đảng viên và lãnh tụ của Quốc Dân Đảng hải ngoại. Dung đã tham gia nhiều phong trào kháng chiến chống cộng ở hải ngoại, từ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam của Hoàng Cơ Minh và Phạm Văn Liễu đến Chính phủ Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh, và chính phủ lưu vong của Lê Tư Vinh. Dung thường gửi cho tôi những bài anh viết khen tôi, và đã giúp tôi rất nhiều trong việc gặp gở các nhân vật đảng phái quốc gia để hoàn thành bộ sách Đảng Phái Quốc Gia Việt Nam, 1945-1954. Anh khuyên tôi muốn khỏe và sống lâu thì mỗi buổi sáng khi tỉnh dậy nên uống một ly nước trước khi đặt chân xuống đất. Anh mất năm 2017, cách đây 7 năm. Tôi đến nhà quàn một chiều mưa lạnh, dự tang lễ tiễn anh, và đứng phía cuối sát tưởng để nghĩ đến anh và nghe những lời ai điếu.

Năm 2019 đến lượt Du Tử Lê, người thi sĩ của thơ tình, bắt “con dế buồn tự tử giữa đêm sương.” Anh là người có những bài thơ tình mà tôi thích nhất, một phần vì chúng hay thật, phần khác vì Lê là bạn tôi, Anh là một trong số hiếm những người gọi tôi bằng “mày,” Chữ nghĩa của Lê nhiều khi đã trở thành thành ngữ, như “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau,” v.v… Hình như Du Tử Lê chỉ sống để làm thơ. Anh xuất bản hết tập thơ này đến tập thơ khác rồi gửi cho tôi đọc, Lê là người đa tình, đa tài, đa tật, và có may mắn được chết bình yên bên cạnh những người thân. Một buổi tối Tháng Mười, anh kêu mệt, lên giường nằm ngủ, và không dậy nữa.

Hai năm sau đến lượt Lê Lai, một người bạn từ thập niên 1960 khi tôi là sinh viên Cao học trường Đại học Virginia, đồng thời cũng là người bảo trợ tôi khi tôi là người tỵ nạn năm 1975. Lúc chúng tôi là sinh viên thì Lai còn làm thêm ở đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ở đây anh nổi danh với cái tên Lê Văn, “ông Lê Văn đài VOA.” Mỗi khi tôi từ Charlottesville lên DC thăm Lai tôi thường ghé VOA, ở đó đôi khi anh bắt tôi dịch bài cho “chóng xong để còn đi chơi.” Buổi sáng, nhìn xuống đường thấy anh complet cravate hớt hải đi mua nước cam vắt cho tôi trước khi vào sở mà thấy cảm động. Có lần tôi tố xì phé thua hết tiền học bổng, tôi gọi điện thoại cầu cứu là anh gửi ngay tiền cho tôi tiêu tháng ấy. Đầu Tháng Năm, 1975 biết tôi đang ở trong trại tỵ nạn, anh gửi ngay giấy tờ bảo lãnh tôi vào trại mà không đợi tôi yêu cầu. Lai là người sành rượu vang và thích rượu vang. Năm 2021, anh biết mình bệnh nặng, nhưng vẫn tỉnh bơ tận hưởng thú ăn ngon, rượu tốt … như thường. Tháng Mười, linh tính bảo tôi phải đi Houston thăm bạn. Khi tôi đến, Lai đang ngồi trên ghế, và tỉnh táo nói chuyện với tôi như không có gì xẩy ra. Một lúc sau Lai kêu mệt. Tôi đưa Lai vào giường nằm, và anh không dậy nữa. Lai mất ngày 23/10/2021.


Năm 2022 là năm tôi có những mất mát dồn dập. Đinh Thạch Bích và Nguyễn Thế Toàn kéo nhau đi Tháng Tư. Cung Tiến mất một tháng sau đó. Những mất mát dồn dập ấy khiến tôi nghĩ đến câu hát của Trầm Tử Thiêng viết về những mất mát trong thời chiến:

Người về một ngày một lưa thưa
Người đi càng đêm càng đông dần

Đinh Thạch Bích mất ngày 19/4. Tôi biết Bích khi tôi đang học luật, sau khi anh ở chiến khu Trình Minh Thế về, và kết hôn với Á hậu Minh Thu. Anh nổi tiếng với kịch bản được giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1957: “Ái Tình Bôn Sê Vích.” Đối với tôi lúc đó, Bích là người văn võ song toàn. Anh có tính ngang tàng và bậm trợn. Tôi nhớ, trong cuộc bầu cử Thượng Viện năm 1971, Liên danh Ba Cây Dừa mà Bích là một ứng viên có trụ sở tranh cử ở tầng trên một cơ sở cũ của Công An, nhiều nguời tin rằng những người bị đánh chết ở đó sẽ trở thành ma, ám ảnh người sống. Bích không sợ, cứ mình trần ghế bố ngủ qua đêm ở nơi ấy. Những năm cuối đời, Bích sống nhiều với ảo tưởng, luôn luôn dùng 6 comptuters liên lạc với các “đàn em” ở trong nước. Tôi đến thăm Bích trong căn hộ anh ở một mình vài tháng truớc khi anh mất. Anh trông khỏe mạnh, rât tỉnh táo, và vui vẻ ôm vai tiễn tôi ra về, Đó là lần cuối tôi gặp người bạn thân, “ông tướng núi” Đinh Thạch Bích.

Nguyễn Thế Toàn, hỗn danh Toàn Bò, là chủ tiệm phở Xe Lửa trong Eden Center, nơi lai vãng của nhiều người nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, Từ xa đến, cứ ra Phở Xe Lửa là thế nào cũng gặp bạn. Toàn có tính ăn nói đốp chát làm nhiều người mất lòng, nhưng lại rất quý và trung thành với bạn. Có lần anh đuổi một người bạn chung ra khỏi tiệm phở vì nói xấu tôi. Anh nổi tiếng với câu trả lời một yếu nhân đòi thêm nước, rằng “Tôi bán phở chứ không bán nước.” Theo tôi, phở Xe Lửa là phở ngon nhất vùng này. Những chiều đi họp ở DC về, ghé tiệm phở, tôi thường được Toàn cho ăn tối, khi thì thức ăn do những người cộng sự nấu khi thì do bạn bè mang đến. Đó là những bữa cơm ngon và thân tình không còn nữa sau khi anh mất. Khi còn sống, Toàn làm nhiều người bực bội, nhưng sau khi chết, không ai không nhớ “ông Toàn” với cái quán phở thân quen và tính nết ngang bướng nhưng dễ thương của ông chủ. Những tháng cuối đời Toàn bị bị liệt vì đột quỵ, Ngày đầu tiên thấy mình bị liệt, Toàn ghé vào tai tôi, nói “tao chỉ muốn chết.” Cuối cùng Toàn đã toại nguyên. Toàn mất ngày 24/4/2022.

Gần ba tuần sau đến lượt Cung Tiến, tác giả của nhưng bản nhạc trang nhã và êm dịu viết trong tuổi học trò: Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa. Tôi cho Tiến là một thân đồng. Làm sao một đứa trẻ 14-15 tuổi, chẳng biết đã biết yêu chưa, mà viết được câu tuyệt hay “Lòng cuồng điên vì nhớ?” Chẳng biết làm cách gì mà anh học trò non choẹt ấy cảm thông được với Nhị Hồ, Nguyệt Cầm, Cô Tô? Tiến nhẹ nhàng nhưng kiêu kỳ và khó tính. Anh biết ăn và biết diện. Ba người chúng tôi --Cung Tiến, Nguyễn Tường Giang, và tôi—đã đi chơi cùng nhau trong nhiều chuyến du hành Âu Châu, và có những kỷ niệm đẹp khó quên, Sức khỏe của anh bị suy yếu từ lâu mà chúng tôi nhận ra trong những chuyến đi chơi ấy. Tháng Năm, 2022, trước khi tôi ra mắt sách ở Orange County, Tiến viết điện thư nói sẽ tham dự, rồi hẹn sau đó cùng tôi đi “cơm tây, rượu chát.” Nhưng Tiến không đến. Sau đó, tôi nhận được một điện thư khác trong đó Tiến nói muốn gặp tôi hôm sau ở nhà cô em tôi. Nhưng không thấy Tiến đến mà chỉ thấy vợ con anh. Khi cửa xe mở ra, Josee, người đẹp “mắt biếc” của Tiến, ngả đổ vào tôi, khóc nức nở, “Tiến mất rồi!” Josee kể, một buổi chiều Tiến ăn cơm xong kêu mệt, vào giuờng nằm rồi đi luôn. Gia đình Tiến muốn làm một đám tang giản dị chỉ với vài người rất thân, sau đó mới công bố. Trước khi về Virginia, tôi hứa giữ kín, và hẹn tuần sau sẽ trở lại. Tôi giúp Cung Thúc Đăng Quang, con trai duy nhất của Tiến, viết cáo phó tiếng Việt, và được yêu cầu nói vài câu về Tiến trong đám tang. Tro xác của Tiến được hỏa thiêu và chôn trên một ngọn đồi do anh chọn trước, Tiến mất ngày 10/5/2022.

Cuối năm năm 2023 Nguyễn Đình Toàn từ giã cõi trần. Toàn nổi tiếng với chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên đài phát thanh Sài Gòn năm xưa, với giọng nói thủ thỉ, quyến rũ. Tôi bị hấp dẫn bởi giọng nói và văn chương của anh, nhưng trước năm 1975 sau khi chỉ nghe được mấy lời đầu tiên là phải bỏ đi dự tiệc tùng vì nghề nghiệp. Sang tới Mỹ, lần đầu tiên tôi mới được nghe trọn một chương trình Nhạc Chủ Đề mà anh gửi cho tôi. Càng nghe càng thấy thấm thía và nhớ xót xa quê hương và tuổi trẻ đã mất. Khi Toàn mới sang định cư ở Mỹ, Đỗ Đình Tuân rủ tôi đến kéo Toàn đi ăn steak ở quán của Lê Quỳnh, rồi sau đó tôi mới có dịp gặp Toàn nhiều hơn. Toàn có cái cười ngây thơ và nỗi buồn muôn thuở. Cái buồn nhẹ nhàng nhưng thấm thía ấy đã hiện ra trong câu hát đầy chất thơ:

Quê hương và cuối ngày
Chập chờn trong lá bay

Toàn mất ngày 28/11/2023.

Mất mát gần nhất của tôi là cái chết của Viên Linh, một nhà văn, nhà thơ, và một người trình bày bìa báo rất giỏi. Anh là người mẫn cảm và thơ lục bát của anh thì khó có người theo kịp. Ngay những năm tháng đầu trong cuộc đời tỵ nạn, nhà thơ còn trẻ ấy đã viết được những câu thơ bi phẫn, như:

Xưa một kẻ u cư
Bốn mươi đầu bạc trắng

Ta thân xác phần thư

Đời tro than nguội lạnh.

...........

Mấy năm rồi ngóng đợi
Bằng hữu biệt muôn phương

Có chiều ta xén cỏ

Lệ rơi trong góc vườn.

Viên Linh là người mẫn cảm với thời cơ. Năm 1982, chỉ hai năm sau cuộc "khủng hoảng thuyền nhân," anh cho ra mắt tập thơ Thủy Mộ Quan, khóc cho những người mà thể xác đã chìm sâu đáy biển trên đường đi tìm tự do. Anh cũng là người đầu tiên giới thiệu tập thơ "Tiếng Vọng Từ Đáy Vực" của Nguyễn Chí Thiện với những bài phổ nhạc của Phạm Duy ở trường đại học George Mason nơi tôi dạy học. Những năm cuối đời Viên Linh mắc bệnh quên lãng và phải rời California về Fairfax để được gần các con. Anh quên thường xuyên, nhưng lúc cần thì rất tỉnh. Ngày gần cuối, hôm tôi đến thăm, Viên Linh đang ngồi gục đầu xuống bàn. Nhưng khi Thúy Diệm, người vợ cũ của anh, đưa ra một cuốn Thủy Mộ Quan bảo anh viết tặng. Anh tỉnh táo lấy bút viết đề “Bản của Thúy Diệm." Tôi thường tới thăm anh ở nhà dưỡng bệnh. Lần cuối tôi thăm anh chỉ vài ngày trước khi anh mất. Các con anh nhờ tôi đọc điếu văn cho anh. Anh ra đi êm đềm, ngủ rồi không dậy nữa. Viên Linh mất ngày 28/3/2024.

Viên Linh là người cuối trong danh sách tính sổ của tôi hôm nay. Mất mát nhiều quá rồi, tôi không muốn đếm thêm nữa.

NMH

08/12/2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Giêng 20254:44 CH(Xem: 134)
Đám tang của nhà văn Mai Thảo qui tụ hầu hết những người bạn thực sự yêu thương quí trọng anh,
01 Tháng Giêng 20259:40 SA(Xem: 168)
Khánh Trường vốn dân Nhảy Dù, chiến đấu tới cùng, dù phải tham chiến trong thế yếu.
24 Tháng Mười Hai 20244:13 CH(Xem: 1661)
Ngược lại Mai Thảo chưa ghét bỏ ai bao giờ. Anh chửi, như một thói quen, một cách mắng yêu, chỉ trong bàn nhậu.
26 Tháng Mười Một 20249:39 SA(Xem: 361)
Là Giáo sư Thực vật học của Việt Nam, ông nổi tiếng với bộ sách ba quyển "Cây cỏ Việt Nam" (An illustrated flora of Vietnam, 1999) và quyển "Cây có vị thuốc ở Việt Nam" (2003) cùng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
27 Tháng Mười 202411:07 SA(Xem: 442)
Thơ Nguyễn Đình Toàn thơ đã có sẵn nhạc tính riêng nên chỉ cần nghe lại lời thơ của mình là ông có thể ghi thành một bản nhạc
05 Tháng Mười 20243:45 CH(Xem: 445)
Anh Võ Phiến, vậy thì xin cầu chúc anh vĩnh hằng ở một cõi khác,
13 Tháng Chín 202411:17 SA(Xem: 502)
À, mà tự nhiên tối nay, tôi lại muốn gọi hỏi "người đi trên mây": "thế Chú đã gặp lại Bố cháu chưa?"
12 Tháng Chín 20248:54 SA(Xem: 387)
Cho dù thân xác có gục xuống thì nghệ thuật của anh ta vẫn mãi mãi lên đường. Mãi mãi khai mở.
31 Tháng Tám 20248:25 SA(Xem: 611)
Nhà thơ Đinh Hùng sinh ngày 3/7/1920, làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông.
22 Tháng Tám 20249:28 SA(Xem: 689)
"Khi Cuộc Tình Đã Chết" thơ Du Tử Lê, Phạm Đình Chương phổ nhạc, vẫn cứ là một trong những tình khúc đạt nhất của ông và của chung những tình khúc Việt Nam nữa.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 11553)
Chính Mai Thảo là người đầu tiên, vào từ miền Bắc, mở được cánh cửa tương thông, thân ái giữa những người làm nghệ thuật ở hai đầu “thế giới” lạ lẫm.
(Xem: 19477)
Tôi biết tôi dường còn muốn nói với NXH, nhiều hơn nữa,
(Xem: 8852)
màu vàng rực rỡ của dã-quỳ đã dắt tay tôi trở lại Pleiku
(Xem: 21851)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16345)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 15108)
Du Tử Lê, ông ấy là ai? Sao định mệnh tôi cứ mãi gắn liền với những dòng thơ của ông ta? Nghe nói bây giờ đang ở tại Mỹ
(Xem: 5526)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 2226)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2806)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2566)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 20292)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 9150)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10263)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9454)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12754)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 32208)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21718)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26994)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24384)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23190)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21344)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19149)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20424)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17914)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16933)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26380)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33607)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35787)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,