Không biết, có phải, biến cố tháng Tư, 1975, đã biến tôi từ một kẻ “vô thần,” trở thành người tin tưởng mãnh liệt nơi đấng vô hình, vô tính, (mà,) chúng ta thường gọi là ông Trời, hay Thượng Đế? Điều tôi cảm nghiệm (là,) nếu tôi không tiễn gia đình anh chị Quỳnh tôi, cùng gia đình bác Lộc (hàng xóm của anh tôi;) (và,) em gái cùng hai cô cháu của bác Lộc ra bến Bạch Đằng, chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975... (thì,) hôm nay tôi còn không? Ở đâu? Thế nào?
Tôi không biết! Điều tôi còn nhớ được: Tôi không hề có ý định di tản. Hai ngày trước đó, buổi trưa, tôi còn ngồi ăn với nhà văn Mai Thảo ở một nhà hàng sau khu nhà Chú Hỏa. Chúng tôi còn nói với nhau rằng, nhà văn, trường hợp nào, cũng không thể bỏ nước ra đi. Vì, chữ nghĩa chỉ có giá trị, ý nghĩa khi nó được sống, thở trong môi trường của dân tộc ấy. Ra khỏi lòng dân tộc, chữ nghĩa chỉ là những xác chết!?!
Điều tôi còn nhớ được: Là kẻ tiễn người đi, tôi hình dung mình sẽ đứng ở cầu tầu, ngước mặt, vẫy tay anh, chị và các cháu tôi xa, lìa đất nước. Tôi đâu ngờ, khi còn khá xa cầu tầu, hàng ngàn người đã bị chặn lại bởi những con ngựa kẽm gai và, cả trung đội quân cảnh hải quân ghìm súng, nhắm thẳng vào đám người lúc nhúc, cùng đường. Họ đỏ mắt, tuyệt vọng, thèm thuồng nhìn những kẻ may mắn có thân nhân là lính hải quân, từ trong Bộ Tư Lệnh, ra đón... Người em rể của bác Lộc (một thượng sĩ hải quân,) là kẻ có quyền... “thưởng/ phạt” ấy. Tới giờ hẹn, ông chạy chiếc mobilette ra hàng rào kẽm, xác nhận với những người lính quân cảnh: Ông chỉ đón vợ và, hai người con gái của ông.
Những người lính quân cảnh hải quân kéo ngựa kẽm gai, cho ba người này vào; trước sự ngỡ ngàng, và, loạt súng cảnh cáo, bắn nà trên đầu đám người bị bỏ rơi, ngay khi họ vừa xấn tới...
Tôi không hiểu điều gì khiến định mệnh nổi hứng tinh nghịch, mỉm cười với tôi - - Bằng cách chỉ cho người chỉ huy an ninh bến Bạch Đằng giờ phút đó, trung tá Xuân, thấy tôi. Ông lại gần, với nụ cười (giống như nụ cười của định mệnh!) Nụ cười và, những lời thăm hỏi thân tình, biến tôi từ kẻ tiễn người ra đi, thành kẻ dẫn đường cho gia đình anh tôi, bác Lộc và, bám theo, nhiều thanh niên khác...
Sau đó, những ngày lênh đênh trên biển, những ngày nằm trong lều vải, nghe gió, cát rát mặt ở đảo Guam, tôi chợt cảm nghiệm, dường như mọi chuyển biến, nhỏ nhặt như buồn/ vui; lớn lao như thành/ bại, sống/ chết không hề bị chi phối, điều động bởi hai chữ “tình cờ,” may/ rủi. Mọi biến chuyển, theo tôi, dường đã được lập-chương bởi ông Trời, hay “Đấng Một.”
Tôi cũng không cho là “tình cờ,” một đêm cuối tuần, mùa đông, 1992, trên sân khấu quán Café Tay Trái, ở thành phố Santa Ana, nhạc sĩ Trần Duy Đức xuất hiện. Đức trình bày một số ca khúc phổ từ thơ của tôi (thời chưa quen biết.) Đó là những sáng tác Đức viết, khi còn rất trẻ. Khi Đức là “lính thú,” đồn trú Pleiku núi, đồi, khói, sương, bụi đỏ.
Thời gian này, tôi đang làm tạp chí Nhân Chứng, tuần báo Tay Phải, cùng với Việt Dzũng, Lê Văn Hào, Đỗ Vẫn Trọn, Cao Đông Khánh, Trần Đình Thục... Rất mau chóng, Trần Duy Đức trở thành một cộng tác viên đắc lực.
Sau đó, vai trò của Trần Duy Đức đối với sự sống còn của Nhân Chứng và Tay Phải còn mang tính “quyết định” hơn, khi Việt Dzũng phải trở lại Houston, cùng Lê Văn Hào dựng bảng World Printing. Đỗ Vẫn Trọn về San Jose, “khai phá” cánh rừng truyền thông, báo chí...còn quá hoang sơ (khi ấy.) Ít lâu sau, tới phiên Cao Đông Khánh quyết định đem gia đình về Dallas (trước khi di chuyển về Houston,) hùn hạp với một người bạn, mở văn phòng luật sư, chuyên lo bồi thường tai nạn xe cộ...
Anh em nói, hãy để họ “hùng cứ” mỗi người một phương. Mỗi người ra đi, sẽ là một “đầu cầu” cho tôi; cho số anh em còn lại, khi cơ nhỡ...
Tôi cũng không cho là “tình cờ,” khi ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi, ở Ranchero Way, Garden Grove, sớm trở thành... “nhà chung” của bất cứ anh em nào, cần tá túc. Đó là thời gian nữ ca sĩ Lệ Thu “gửi” Võ Thạnh Đông cho tôi. “Dì” Từ Hạnh “nhặt về” cho tôi, Lê Giang Trần. Trần Duy Đức “tha về” tòa soạn, Đặng Thanh Phong... Đó cũng là thời gian nhà văn Mai Thảo từ giã tờ Đất Mới ở Seattle, về nam Cali, trông coi tờ Hồn Việt cho Nguyễn Ngọc Tùng, ở Glendale.
Mai Thảo về Orange County không lâu, (thì,) một người bạn thân của ông, nhạc sĩ nhạc sĩ Phạm Đình Chương, rời trại, đảo, đến Hoa Kỳ. Căn nhà đường Ranchero Way của chúng tôi, lại trở thành nơi gặp gỡ cuối tuần của Mai Thảo, Phạm Đình Chương và, Nguyễn Cao Kỳ (một người bạn thân khác,của họ.)
Tôi cũng không cho là “tình cờ,” khi Võ Thạnh Đông chia tay tôi, đi “tỵ nạn tình cảm” ở New Orleans... Đặng Thanh Phong “ra riêng,” sau vài tháng được hãng Continental Airline, tuyển làm chuyên viên cơ khí, phi trường Los Angeles. Lê Giang Trần cũng tìm đến những khoảng trời cao, rộng để thỏa chí “bình sinh.”
Người còn lại, ở với nghiệp báo, ở với tôi lâu nhất, lại chính là chàng “lính thú” thư sinh ngày nào. Trần Duy Đức không chỉ ở với thăng, trầm của tờ Tay Phải, rồi tuần báo Nàng, (mà,) Trần Duy Đức còn ở với những sấp, ngửa, dập, vùi đời riêng, tôi nữa.
Tuy nhiên, cách gì, đó cũng là thời gian hạnh phúc nhất của chúng tôi: Khi Đức còn quá trẻ; và, tôi, tuổi bốn mươi, bước tới.
Tôi cũng không cho là “tình cờ,” khi có một thời gian khá dài, căn nhà đường Ranchero Way, chỉ còn tôi Đức. Rất nhiều ngày tôi đứng bếp, làm cơm với hai món thịt kho và, trứng tráng...Buổi tối, ngồi dưới chùm đèn nơi chiếc bàn ăn thênh thang, chúng tôi vừa ăn, vừa cố mang lại cho nhau, những câu chuyện, như những lời an ủi (hay tự dỗ dành, phủ dụ,) cảnh đời đìu hiu. chiếc bóng, của nhau. Nhưng, càng cố bao nhiêu, chúng tôi càng thấy rõ hơn chiếc bóng mình, rớt, ngã trên mênh mông vắng, lặng; trên hoang phế, ê chề ghế trống. Những giây, phút không biết nói gì, chúng tôi đối mặt với trái núi im lặng. Cái im lặng trì chiết, đá tảng. Cái im lặng nổi rợn niềm quạnh vắng, heo hút thân phận, cảnh đời...Đôi lúc, tôi tưởng nghe được, hơi thở của nhau. Đôi lúc, tôi tưởng nghe được, cả sự nuốt xuống, nghẹn lại, của những hạt cơm gạch, ngói!?!
Đó là thời gian C. đem hai con về Pháp. Th. quyết định dứt khoát chia tay tôi, bằng cách cho biết, T. đã có bạn: Anh Kent! Đó cũng là thời gian T. H. hiện ra, như chiếc cầu vồng ngũ sắc, giữa chúng tôi. Nhưng cách gì, T.H. cũng không thể ở với tôi ngày, đêm liên lũy. H. có quá nhiều khó khăn. Những khó khăn của một người nạn nhân biển đông. Những khó khăn của một tỵ nạn hết trợ cấp, ghi danh học lại; không học bổng; không đủ điều kiện vay tiền chính phủ...
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nói, có dễ, đó là thời gian hạnh phúc (dù liu điu thất lạc) nhất của chúng tôi. Đó là thời gian tôi hoàn tất tập “Thơ Tình/ Love Poems;” tập truyện “Tan theo ngày nắng vội.” Thời gian ấy, Đức cũng cho thấy sức sáng tác sung mãn - - Điển hình là các ca khúc “Tan theo ngày nắng vội,” “Nhớ lại trong đêm nay;” (và,) “Khúc tháng chín” - - Một trong những bài thơ đi ra từ cuộc tình nắng/ mưa nghiệt ngã giữa tôi và T.H., một người con gái gốc Tiều Châu.
Tôi cũng không cho là “tình cờ,” khi Trần Duy Đức gặp Lê Nguyệt Hạnh trong buổi ra mắt tập truyện “Tan theo ngày nắng vội,” do Việt Dzũng và Lê văn Hào, tổ chức ở Houston, cuối 1983 - - Tình yêu, như mầm cây trong cổ tích, vươn vai, thần tốc lớn theo chiều gió thổi. Đức viết ca khúc “Khi bắt đầu của tuổi ba mươi,” như quà “ra mắt;” hay, sính lễ đầu tiên, cho Nguyệt Hạnh...
Nếu tôi nhớ không lầm thì, chưa đầy một năm sau, tôi được yêu cầu là người hướng dẫn ông cụ thân sinh của Đức, qua Houston, đón Hạnh về làm dâu dòng họ Trần.
Và, chưa tới hai năm, do tài quán xuyến, tính cần kiệm của Hạnh, họ mua được căn nhà ở đáy hẻm cụt La Vergn Way, thành phố Santa Ana.
Tôi cũng không cho là “tình cờ,” khi ngôi nhà của Đức-Hạnh, mau chóng trở thành “nhà chung” cho rất nhiều anh em, khắp nơi, tìm về, dừng chân. Tôi nhớ địa chỉ kia, một thời, là địa chỉ thường trực của một Phạm Công Thiện, nhà văn - - Nơi dừng chân ngắn hạn của một Từ Công Phụng, Vũ Thành An, nhạc sĩ - - Một Tô Thùy Yên, thi sĩ - - Một Anh Ngọc, “Frank Sinatra Việt Nam,” khi ông về California thu đĩa.
“Nhà chung” của Đức/ Hạnh, cũng là nơi tôi có một thời gian khá dài, tá túc, “tỵ nạn!” Căn nhà đáy kiệt La Vergn nọ, cũng là nơi tôi tiếp tục những tuần báo của mình, sau khi ra khỏi ngôi nhà Ranchero Way. Đó cũng là địa chỉ để T. liên lạc với tôi, khi T. còn kẹt ở Saigòn.
Nhưng, đáng kể hơn cả, với tôi, đó là qúa nửa những bài thơ làm thành các tập như “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau;” và trọn vẹn “Trường khúc mẹ về biển đông,” đã được viết xuống, tại địa chỉ ấy.
Sau này, ngôi “nhà chung” của Đức/ Hạnh,” cũng là nơi ghi nhận một thay đổi lớn của nhà văn Mai Thảo về lục bát tôi. Trong nhiều họp mặt đông đảo anh em, Mai Thảo, với ly rượu thường trực trên tay, bằng giọng, điệu rất...Mai Thảo, ông đã đọc và “bình luận” dí dỏm một số câu lục bát của tôi, ông thuộc, cho mọi người nghe. (1) Điều này, cho thấy, ông không còn khó chịu, không còn“gai mắt,” lên án lục bát tôi, như những năm quê nhà, trước 1975; chỉ vì tôi muốn cách tân thể lục bát! (2)
Tôi nghĩ, nên nói thêm rằng, ngôi “nhà chung” của Đức Hạnh, cũng là nơi tôi viết bài thơ ngắn “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau,” đề tặng Đức/ Hạnh, giữa lúc tình yêu, hôn nhân của họ có dấu hiệu bị đe dọa bởi nhiều địa-chấn- ngộ-nhận! (Tự thân bài thơ ngắn ấy, cũng như phần số tôi, riêng, nhận lãnh biết bao ngộ nhận!!!)
Với bài thơ ngắn kia, tôi chỉ muốn nhắc nhở Đức/ Hạnh (sau khi đã nhắc nhở chính tôi,) rằng: Hạnh phúc hay khổ đau; gặp gỡ hay chia lìa; thành công hay thất bại, may mắn hay bất hạnh; vinh quang hay nhục tủi... Thậm chí sống/ chết, cũng chỉ là hai mặt của một đồng tiền nhân sinh; hay vòng tròn luân hồi không điểm đứt!?!
Tôi cũng không cho là “tình cờ,” khi tình yêu của Đức/ Hạnh đem lại cho họ, hai đứa con: Đạo, khôi ngô. Nguyệt Lãm, có nhiều nét của những bức chân dung thiếu nữ, trong hội họa, khi chớm vào teenager. Nhưng, tôi thực sự chấn động, ngỡ ngàng, choáng váng khi hay tin Lãm mắc chứng bệnh buồn, vui bất thường - - Danh từ chuyên môn là “bipolar;” ở tuổi mười lăm.
Tôi choáng váng, điếng, lặng, bởi tôi không thể hình dung, Lãm, đang từ một đứa trẻ tiềm tàng nhiều năng khiếu; bỗng trở nên vô cảm, trước mọi sự. Lãm của những bức tranh gây kinh ngạc nhiều người. Lãm với tiếng hát trời cho, được bình chọn là tiếng hát hay nhất của ca đoàn nhà trường. Lãm với những bài luận văn được mang đọc, nhiều lớp... Lãm, như thế - - Lãm, là hy vọng, niềm hãnh diện, không chỉ của Đức/ hạnh; (mà,) còn của ngôi trường đang học. Lãm, một sớm trở thành nạn nhân của một trong những vụ thiếu niên bạo động, sân trường. Đó là buổi sáng, Lãm bị định mệnh dắt tay tới trước hai nhóm học sinh thanh toán nhau, nơi hành lang. Máu người tung tóe. Máu người chảy thành dòng nơi “locker” riêng, của Lãm. Và, niềm hy vọng, hãnh diện của trường, giọt máu đi ra từ tình yêu của Nguyệt/ Đức đã ngã xuống! Ngã xuống. Cái ngã xuống, thình lình của một đọt măng mượt, mượt bị máu hỏa thiêu, cháy, nám!!!
Tôi hiểu, từ giây phút đó, tai họa đã gõ cửa căn “nhà chung” của Đức / Hạnh. Tôi hiểu, từ đó, Lãm trở thành nạn nhân, hay “trò chơi” tai ác, trong bàn tay tráo trở định mệnh. Tôi choáng váng, điếng, lặng, Đức nghe kể, hơn một lần, Đức hốt hoảng chạy đi tìm con. Thấy Lãm đứng hát say sưa, trước sự ngơ ngác của những người khách trong một tiệm bách hóa, bên cạnh tiệm cho thuê video của gia đình, Đức đem con về. Mở cửa sau căn phố, bước ra khu để thùng rác, Đức bật khóc. Tôi hiểu, những giọt lệ hiếm muộn từ đôi mắt gập ghềnh bất hạnh, vơi, đầy tro, than của một người đàn ông trên năm mươi tuổi. Tôi hiểu, bởi vì, tôi cũng từng, (nhiều lần từng,) là người đàn ông khóc thầm, vụng, như thế. Khác chăng, chỉ ở nơi, tôi đã ngoài sáu mươi...
Bạn-tôi,
Khi ngồi xuống viết những dòng chữ trên, như một kêu oan, một khiếu nại với Thượng Đế, về sự hàm hồ (mà,) định mệnh giáng xuống mái đầu trẻ thơ, Nguyệt Lãm - - Tôi đã định sẽ ra khỏi “đơn khiếu nại,” bằng một bức thư gửi cho Đức/ Hạnh. Nhưng, giờ tôi mới thấy: Không thể!!! Tôi không thể nói một điều gì, dẫu cho ngớ ngẩn, vu vơ, với Đức. Tôi không thể, ngay khi chỉ tôi, một mình, với màn ảnh - - Chỉ tôi, một mình, những khuya khoắt, ngồi soi bóng chiếc. Tôi hiểu, đời sống, tai ương đã chẳng cho tôi chọn lựa nào khác hơn: Cuối đầu. Im lặng.
Bạn-tôi,
Từ đó, tôi hiểu, tôi không nên nói gì thêm, với Đức, về tính tráo trở, sấp/ ngửa trên lộ trình nhân sinh, mỗi đời kiếp. Tôi hiểu, tôi cũng không nên nói gì thêm, với Đức, về tính lăng loàn, trắc nết phần số; hoặc tính giảo quyệt của rủi/ may; mất/ còn duyên, nghiệp...Tôi nghĩ, Đức biết, tất cả những điều ấy. Có khi Đức còn thấu thị, hơn tôi, nữa.
Vì thế, bạn-tôi, có dịp, tôi xin hãy cho Đức/ Hạnh biết, tôi yêu, quý lắm nhân cách của họ. Cái nhân cách làm thành bởi những ăn, ở thủy chung, trời, đất. Có dịp, tôi xin, bạn-tôi hãy nhắc Đức nhớ: Đức may mắn hơn tôi, nhiều lắm. Đức đừng quên, bẩm sinh, tôi vốn là đứa trẻ tật nguyền... Trưởng thành, tôi cũng có những đứa con tật nguyền. Trưởng thành, tôi còn có những đứa con xanh, nõn, nuột nà, chết sớm... Và, những đứa con, lâu rồi, không muốn thấy mặt cha!?! Trong khi, với Đức, Lãm vẫn còn đó. Một ngày kia, tôi tin, Lãm sẽ khỏi bệnh... (Như quá khứ, những Hemingway, những Van Gogh, từng mắc chứng bệnh giống Lãm, cũng đã khỏi.)
Bạn-tôi,
Tôi cũng xin, có dịp, bạn-tôi, hãy cho Đức biết, những ngày, tháng chúng ta cùng nghe ca khúc Trần Duy Đức. Những ca khúc đầy bóng cây (và,) tiếng hú thống thiết của những con gió tâm tưởng, băng băng vực, đèo đời ta, dốc ngược. Những con gió trong bối cảnh “như núi sớm hao gầy – và dòng sông sớm cạn - Bây giờ mùa mưa luôn thánh thót vườn đời ta - thánh thót vườn đời ta...” Hoặc “...như con thú đã bạt khỏi rừng – đã chạy cuồng về cuối biển – bây giờ nơi những dấu chân quen - có chút gì tội nghiệp...” Nhưng một khi “thương nhớ đã như cây”- Thì chúng “sẽ phải còn lớn mãi..” Và, “nơi cuối mỗi cuộc đời - xin người phải tin: trái tim ta với những lời nói thật...” (Đời mãi ở phương đông, nhạc Trần Duy Đức.) (3)
“Những lời nói thật” của âm nhạc Trần Duy Đức, như “những lời nói thật” trong các ca khúc của một Phạm Đình Chương (đã khuất,) một Từ Công Phụng, Đăng Khánh, Anh Bằng, Nguyên Bích, Vũ Thành An, Nguyễn Linh Quang...(rất xa),) từng làm chúng ta quặn, thốn gan, ruột...
Bạn-tôi, tôi muốn nói, cách gì, những khuôn nhạc, những âm giai mang tên Trần Duy Đức (và, những người tôi vừa kể,) cũng đã là những chủng tử gieo, cấy trên bờ, luống tâm hồn, thần thức ta. (Những tình sâu, những nghĩa nặng bạn-tôi dành cho tôi, tôi nghĩ, cũng là chủng tử!) Những chúng tử, theo tôi, chính là dấu, vết nhận dạng, để ta tìm nhau trong đời sau hay, kiếp khác.
Bạn-tôi, có dịp, tôi xin hãy nhắc Trần Duy Đức, (và, luôn cả bạn-tôi nữa,) những điều tôi nói hôm nay, ở đây. Những điều tôi trích ra từ dòng nhạc Trần Duy Đức (cũng hôm nay, cũng ở đây,) là “những lời nói thật!” Những lời nói của người đã già! Một người, đang cuối, kiếp!
Bạn-tôi, nếu cuộc đời không còn cho chúng ta cơ hội cùng nghe “những lời nói thật,” nhưng, có dịp, tôi vẫn xin bạn-tôi, nhắc nhở Đức / Hạnh: Cách gì buồn/ vui; hợp/ tan; sinh/ tử... cũng chỉ là hai mặt của một đồng tiền chuyển hóa. Như “đi với về, cũng một nghĩa như nhau!”
Cho nên, bạn-tôi, cho phép tôi được viết những dòng cuối cùng của bài viết này, cho bạn-tôi. Những dòng cuối, hiểu theo nghĩa như những giọt lệ sót lại, trong tôi, những ngày nằm bệnh. Những ngày “đợi chết,” tôi thấy, kẻ nào, cuối cùng, cũng chỉ là một sinh vật tội nghiệp, lẻ loi, liu điu tìm về nấm mộ, riêng mình.
Lại nữa, ngày nào, sau khi tôi chết, có dịp, tôi vẫn xin bạn-tôi, đừng quên nhắc nhở Đức/ Hạnh, cái ý nghĩa tận cùng, ý nghĩa đằng sau câu thơ “đi với về, cũng một nghĩa như nhau” (mà,) tôi từng tặng họ.
Và, rốt ráo, cũng xin bạn-tôi, đừng quên đọc thầm cho tôi, câu thơ trên, những khi bạn-tôi thản hoặc dềnh, dâng chút tưởng, nhớ tôi, kẻ không còn, nữa!!!
-------------------
Đọc thêm Lê Văn: “Hứng nhạc trong thơ Du Tử Lê - - Du Tử Lê, Tác giả & Tác phẩm,” tập IV. H.T. Productions, Calif., USA, ấn hành 2000.
Đọc thêm Nguyễn Hưng Quốc: “Nghĩ về thơ.” Nhà xuất bản Văn Nghệ, Calif., USA, ấn hành, 1989.
Nghe thêm Trần Duy Đức, CD: “Em hiểu vì đâu chim gọi nhau.” Nguyệt Lãm Productions, Calif., USA, thực hiện, 1992.