(Bài chuyện về thơ Du Tử Lê tại Thư Viện Trung Ương Arlington, Virginia, ngày 28-11-93.)
Vừa là người yêu thơ vừa là người được quen biết anh Du Tử Lê từ hồi còn ngồi ở quán Cái Chùa ngó mông ra con đường Tự Do ở Saigòn, chuyện trò thời sự, văn nghệ... chuyện chính trị, chuyện dân sự, nhà binh, chuyện mưa chuyện nắng mưa, chuyện đàn ông đàn bà và các thứ... tôi thấy việc được nói về anh quả là một niềm vui, vì tôi cứ nghĩ là mình đã biết khá nhiều về tác giả, đã đọc khá nhiều thơ của chàng, đã có nghe nhiều huyền thoại về các cuộc tình giữa chàng và nàng.
Thật ra tôi chủ quan. Thật ra tôi chẳng biết gì hơn về Cõi Tôi Riêng của tác giả. Du Tử Lê từng viết:
tôi ngồi trong cõi tôi riêng
bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng, rời
phòng tôi trần thiết gương người
tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng, xưa
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão, về
Bên trong ghế lạnh của con người vừa làm những vần lục bát khiến người đọc không đồng cảnh mà cảm thấy xốn xang kia có những gì? Đó là điều băn khoăn của tôi về tác giả và như thế tôi sẽ cố hạn chế không dám phiêu lưu vào những địa hạt của những nhận định đi trước về thơ của Du Tử Lê trên bình diện hình thức, kỹ thuật; trên bình diện khám phá, hay khủng bố ngôn ngữ nói theo nhà báo Bùi Bảo Trúc. Dù là thơ lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ hay tám chữ hay tự do... ở từ tay Du Tử Lê có sự nhuần nhuyễn, bay bướm lão luyện đến độ khó tính như nhà văn Mai Thảo về rượu mà đã phải khen là thời gian gần đây Du Tử Lê làm thơ hay, có nhiều thơ hay, và đem ví với rượu, ông đã nói thơ Du Tử Lê như có được một năm nho, một mùa nho đặc biệt.
Tôi yên trí là mọi người đã dọc thơ anh, đã yêu những bài thơ của anh và đồng ý gần như nguyên vẹn những lời bình phẩm trên.
Do đó, phần còn lại là đi tìm những dấu vết của một Du Tử Lê cõi riêng, một Du Tử Lê say đắm với thơ không thua gì say đắm với đời sống, của một gã du tử không đơn côi mà rồi vẫn cô đơn trong Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra.
Không giống như Tình Khúc Tháng Mười Một, ra năm 1965, Tay Gõ Cửa Đời, năm 1967, hay Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau, 1991,... Những tập thơ của một thời đôi lúc hăm hở, đôi lúc muộn phiền, đôi lúc đớn đau vì những cuộc tình, đôi lúc ngụp lặn trong hạnh phúc, đôi lúc khách khí như Kinh Kha, đôi lúc như con dế buồn tự tử giữa đêm khuya. Thơ Du Tử Lê ở Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra là những buớc đi thinh lặng của những kỷ niệm:
giường tôi, giường tôi: hơi người
mốc chăn gối lạnh. Hồn hồi dương. Khô
Kỷ niệm hồi dương nhưng là một loại kỷ niệm khô. Kỷ niệm của một hình ảnh trong đáy tâm hồn lúc này thôi cháy bỏng, sục sôi. Người ta bắt gặp một Du Tử Lê có sự thản nhiên, một Du Tử Lê triết nhân nhiều hơn một Du Tử Lê của những dòng thơ lãng mạn, nồng cháy, bão táp cũ. Những cơn giông trong đời anh, những yêu hờn giận ghen và những hòn đá trĩu nặng trên vai anh dường như đã được anh ném ra ngoài thinh không. Trên bức tường kỷ niệm đời, anh chỉ còn những hình ảnh không tàn phai, thức dậy trong thinh lặng của yêu thương, giữ gìn đằm thắm. Dấu vết của ở cõi đi kể cả cõi về nghe rất rõ, như ở bài Năm, Bảy Tôi Và Bậu Khúc:
người ở cùng tôi mỗi mũi đường
lập lòe năm tháng nạm không gian
ngỡ ai hát nhỏ, mà, sao lạ
nghe rõ ràng
như tiếng hát nàng
Như ở Khúc Hạnh T6 một lớp sóng vỗ hòa quanh ghềnh đá thủy chung:
những môi, mắt cũng như tờ giấy
đốt thành tro,
bụi, vẫn yêu thương
Hoặc tiếc nuối một cách đằm thắm như Thơ Ở 19 Tôi, Một Lần Nữa:
trái tim từ đó như gương mới
chỉ giữ giùm ta nguồn hạnh hương
Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra những bước chân trần về lại đời sống nhìn nỗi quạnh hiu ở vầng trăng của chính mình - vầng trăng thật - của mình:
đứng trước bậc thềm tân thế kỷ
tôi viết thơ tình: hiu quạnh kinh
ngày mai: ai cũng là thi sĩ
tìm thấy vầng trăng thật: của mình
Có lẽ trong tất cả những bài thơ in ở tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, ngoài bài nói về chứng bệnh Thyroid của anh với tựa đề Cuối Năm Chuyện Vãn Với Bệnh Thyroid, thì chỉ có một bài duy nhất, nhà thơ Du Tử Lê để lộ ra ngoài một phần tâm trạng chua xót, khinh bạc, và là khi anh lồng tâm trạng lớn của cả một thế hệ những người đồng cảnh trong tuyên ngôn: Thơ Ở Một Thời Của Những Người Không Tuổi Trẻ:
chúng tôi lớn: còi cây rừng, cỏ dại
tuổi thơ chưa kịp ngọt, đã chua, lè
mỗi trang sách bật lên nghìn dấu hỏi
nguyên không gian chưa chỉ dâu đi, về
chúng tôi lớn: vào đời không chọn, lựa
hoa tình cờ nẻ đá mọc hoang mang
suối không mạch; thác không nguồn: chảy ngược
ngón vực ngờ khỏ vỡ trán cô đơn
chúng tôi lớn: ửng mặt trời đáy ngực
ngông nghênh che lạch nhỏ. Vượt biên, thùy
trí vạm vỡ: khinh ba chiều hạn, hẹp
dù tháng ngày: thường trực ủ ê khuya !?!!
chúng tôi lớn: sông nghìn năm đứt khúc
thồ nỗi buồn lên núi. Cột mây chơi
dăm đứa mượn lời ca và tiếng nhạc
rất nhiều thằng vui súng, đạn khơi khơi
thằng yếu đuối núp vô mầu áo đạo
đứa hoang đàng chết tốt bụng dao phay
đứa khụng khượng hỏi: - đâu rồi Thượng Đế?
đứa lên rừng. Đứa kèm trẻ, xâm tay
chúng tôi lớn: nứt xương rồng, sa mạc
tìm văn chương làm hố nấp tâm hồn
chữ với nghĩa có đâu là lối thoát
dăm đường dao, nhát cọ cũng hư, không
chim làm tổ. Chúng tôi tìm khói thuốc
mửa mặt đời. Nôn thốc tháo nhân sinh
thằng sở Mỹ lên gân. Thằng xách cặp
tên lao công; trốn lính. Đứa dại hình
năm mươi tuổi: hai chục năm luân lạc
những anh hùng tài tử hóa lem nhem
đời dẫu nhận hay xua thì cũng vậy
chúng tôi buồn hơn núi thọ tang sông
năm mươi tuổi: chúng tôi không tuổi trẻ
thiếu quê hương: phế bỏ võ công mình.
Ngoài tuyên ngôn bằng bài thơ tám chữ đó cho lứa chúng tôi còn hằn vết chua xót, khinh bạc..., phần còn lại là Du Tử Lê của những bài thơ rất ngắn với những mã tự mã số bí hiểm, những 7, những 9, những T. những H. Nhưng lần này là Du Tử Lê với bằng hữu nên hầu như bài thơ nào cũng không tặng cho người này cũng tặng cho người nọ và đặc biệt là những chữ Và được nối ở đầu câu: Du Tử Lê và... Điều ấy cho ta thấy một Du Tử Lê của những kỷ niệm, của Du Tử Lê chọn lựa ngồi gần, ngồi bên cạnh, ngồi ở giữa, không khí bạn bè ấm áp. Những chữ Và ở đầu mỗi bài thơ đồng thời cũng tiết lộ cái tôi riêng, cái tôi còn cô đơn, cuộc chơi còn lại cũng là: thả nốt mùa trăng giữa đáy vườn, là: chỉ giữ cho mình một chấm đen, hay: đời đóng đinh ta, thập giá người.
Ở Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra qua những bài thơ viết đề tên bạn nhưng cũng là cho mình. Vách tường Du Tử Lê đã được phết vào đó những kỷ niệm. Những cuộc tình đã hết. Những cuộc tình đã chết. Những cuộc tình còn lỡ dở...anh gom những kỷ niệm, những mùi hương, lần dở từng kỷ niệm trong trí nhớ, nhưng lần này trong một thái độ tỉnh táo. Những cuộc tình đã được xếp lại trong ngăn tủ đời anh. Những hòn đá ném xuống mặt nước, làn sóng gợn cũng đã tan, không làm rối bận Du Tử Lê trong khúc luân hồi mà người thi sĩ cuối cùng đã thiền định: trái tim ta như rừng / chẳng gió nào thổi nữa.