Chương Ba: Tô Kiều Ngân

30 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 6701)
Chương Ba: Tô Kiều Ngân

NGƯỜI BỊ MỆNH DANH LÀ VĂN NGHỆ VỊ ĐỊA VỊ -VỊ GHẾ NGỒI - VỊ THỜI THẾ - HAY NGƯỜI TRỞ VỀ KIẾM TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG ĐÃ MẤT?

Khi cuốn sách này còn năm trong trí dự tưởng, tôi đã nghĩ đến sự có mặt cần thiết của một sắc diện quân đội. Một sắc diện khả dĩ phản ảnh trung thực những đớn đau, những dằn vặt, khắc khoải, của thế hệ thanh niên hiện tại, của những người cầm súng hôm nay, trong giai đoạn nghiêng ngửa, điêu đứng của quê hương, của nòi giống.

Nói đến những văn thi sĩ tại ngũ quả thật là không thiếu. Nổi danh có, lu mờ có, nửa mùa cũng có. Nhưng cái khó là lựa chọn sao cho được một khuôn mặt xứng đáng, chữ xứng đáng ở đây tôi dùng với một giới hạn đó là phạm vi quân đội.

Số tác phẩm nói về đời sống, cảm nghĩ của người cầm súng, viết bởi những tác giả quân đội, tôi thấy rất nhiều, nhan nhản ở các tiệm sách, các lề đường. Có điều là hầu hết đều rơi vào hai trường hợp đáng tiếc; hoặc quá lãng mạn hóa cuộc sống thực đầy cam go dằn vặt, đầy bi phẫn, hay chán chường chua xót của người xả thân nhỏ máu tại khắp các chiến trường. Hoặc đề cao một cách lố bịch, thiếu ý htức, theo kiểu văn chương tuyên truyền giai đoạn loại rẻ tiền; khiến chính những người được nói đến, không những không vinh dự chút nào, trái lại còn thấy hổ thẹn, buồn tủi vì bị phản bội, lợi dụng một cách trâng tráo. Họ không hề nhìn thấy vóc dáng họ, dù phảng phất qua suốt tác phẩm.

Tôi không thể chịu nổi những vị văn thi sĩ ngoài mặt ngợi ca đời sống chiến binh, trong tâm thần, sự thực lại chỉ nghĩ tới chuyện giải ngũ, hay lên lon, hay làm cách này, cách nọ, làm sao kéo dài được cuộc sống nhàn hạ “ăn cơm chúa múa tối ngày” tại các văn phòng đầy đủ tiện nghi vật chất. Hoặc trước khi mặc khoác bộ quân phục, họ đã từng chạy chọt ngược xuôi, tìm đủ mọi cách trốn tránh, cuối cùng sau trăm phương nghìn kế khổ nhục, vẫn không thoát được, họ đành nhập ngũ với bao nhiêu bất mãn than trách… Sau đó, muốn được tiếp tục cuộc sống nhàn hạ cũ, muốn chữ thọ to lớn, đảm bảo hơn kẻ khác, các vị nầy đã không tiếc lời dao to búa lớn, gân cổ, gào thét, hoan hô… Nào là anh hùng dân tâộc, anh hùng cứu quốc, nào là thiên thần nọ thiên thần kia. Một mặt những vị này không bao giờ bỏ lỡ những dịp may chê bai, kết án những tác phẩm, tác giả nào xét ra không cùng quan điểm, đường lối tuyên truyền rẻ tiền như họ.

Cứ y như chỉ có họ yêu nước thương nòi mà thôi; họ làm cho người bàng quang lầm tưởng rằng nếu đất nước này không có họ thì mất về tay cộng sản từ lâu. Nếu chính phủ có cho họ giải ngũ hoặc cho lên lon, họ sẽ xua tay, lắc đầu nguây nguẩy kiểu “em chả” bà phó Đoan.

Thật mỉa mai và đáng thương thay cho những vị văn thi sĩ quân đội loại này. Trong khi những người thành tâm, thiết tha với vận nước, với quê hương lại âm thầm thể hiện nhiệt tâm của mình bằng những hành động cụ thể, những việc làm thiết thực, không ẩn ý không hèn mạt. Vì thế, tôi thấy khó vô cùng trong việc chọn lựa. Không phải tôi đòi hỏi tác giả đó phải què chân cụt tay vì chiến tranh, cũng không bắt buộc tác phẩm của họ phải lột trần được mọi cảm nghĩ, mọi sự thực của đời sống chiến binh.

Bởi tôi biết, dưới thời nào, chế độ nào, cũng có những điều muốn nói nhưnng không thể nói được vì lý do này, lý do nọ, hay nhiều khi vì chính sự ý thức của người viết. Có khi phải chờ đợi cả năm mười năm sau, cũng có khi chưa kịp nói, chưa kịp viết, đời mình đã không còn! Nhưng tôi mong mỏi nơi họ những cái mà họ có thể nói được bằng tất cả rung động chân thành thiết tha như thế, họ không tự lừa dối họ, tức đã có phần nào tự trọng, thứ nữa, họ không quá khinh khi độc giả. Còn nếu không thể viết được thì điều hay hơn cả là hãy tự im lặng, chứ đừng bao giờ dùng thủ đoạn, ép gò lý trí, bao bọc sự thực bằng một lớp son phấn phường tuồng.

Sau một thời gian dọ dẫm, cho tới khi tôi viết đã được gần nửa suốn sách này, mà vẫn chưa tìm thấy một mẫu người như tôi muốn. Không phải là không có, tôi chưa gặp, đúng hơn, và tôi đành phải tạm gác ý muốn trên lại, rồi tự an ủi rằng sau này nếu bất chợt bắt gặp khuôn dáng mộng tưởngkia, tôi sẽ viết vào cuốn sau.

Thế rồi hôm đó, một buổi sáng đi thâu thanh trên đài Quân Đội, trong Nha CTTL, đầu đường Hồng Thập Tự, ở đây tôi gặp Đại Úy Tô Kiều Ngân. Ông mời tôi và một người bạn vào phòng chơi. Tôi bước vào căn phòng còn ngổn ngang bàn ghế, tủ sách, tài liệu lung tung. Hỏi ra mới biết ông đang dọn phòng về đây. Ông hỏi tôi: “Toa có cuốn thơ của moa chưa?” Tôi trả lời chưa, nhưng đã nghe nói tới. Ông đi lại bàn giấy với lấy cho tôi một cuốn thơ Trường ca Người Lính Việt Nam. Tôi đón nhận với tất cả lòng cảm khích, cái cảm khích của một người nhỏ tuổi văn nghệ cũng như nhỏ cấp bậc. Sau đó, Đại Úy thi sĩ Tô kiếm ghế mời chúng tôi ngồi. Tôi ngắm nghía tập thơ loại bỏ túi này, rồi nhìn ông nói đùa một cậu: “Anh có cái tên thật đẹp, đã Tô (ý muốn nói loài ong) lại còn Kiều, đã Kiều lại còn Ngân”. Cả ba chúng tôi cùng phá lên cười vui vẻ.

Đúng lúc ấy, Tường Linh, Nguyễn Uyên cùng vài người nữa ì ạch khiêng chiếc tủ vào. Trong một dáng điệu hết sức nhanh nhẹn, tự nhiên ông để chúng tôi ngồi đó, đứng lên đẩy chiếc ghế băng dài ra tận ngoài cửa kê tủ. Sự việc xảy ra làm tôi hết sức ngạc nhiên. Cả một thân hình mỏng dính, gầy nhom của ông uống con xuống, gập hẳn lại, bậm môi, trợn mắt, mặt đỏ phừng phừng trước sức nặng của chiếc ghế dài. Tới đây, độc giả chắc lấy làm lạ và nực cười tôi đã quan trọng hóa một việc cỏn con vặt vãnh này. Nhưng độc giả nào đã là quân nhân sẽ thông cảm và cùng nghĩ như tôi ngay.

Vì có ở trong quân đội, sống đời sống quân ngũ, mới thấu rõ cái giá trị quyền uy của một ông “quan ba”. Nhất là ông “quan ba” đó lại làm xếp một phòng, dưới có đủ sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ.

Độc giả hãy thử tính, muốn là chuẩn úy phải qua một năm, muốn làm thiếu úy, phải qua ba hay 4 năm quân trường. Tôi còn nhớ, thời gian thụ huấn tại Thủ Đức, trong phòng chúng tôi, trên bàn thường có khắc những phương trình của các khóa đàn anh để lại như “chuẩn úy = xài xể + mồ hôi + nước mắt”.

Từ chuẩn úy muốn lên thiếu úy xưa phải qua mấy năm vô chừng, nếu không có quan thầy hoặc thiếu mẹo vặt.

Từ thiếu úy lên trung úy bình thường phải trải qua 3 năm với điều kiện không bị tù quá số ngày ấn định. Còn từ trung úy lên đại úy ít nhất cũng 15 năm, dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ… (nay quy chế thăng cấp đã có nhiều cải tiến) ấy là tôi chỉ nói tới những vị có xuất thân từ một trường võ bị nào đó, chứ chưa nói tới những vị hạ sĩ quan. Sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy, để giúp những độc giả nào không mấy rõ về ngạch trật trong quân đội cũng có thể có được một ý niệm tương đối về cái lon đại úy nó to tát, nó khó khăn vô cùng. Từ đó, độc giả thấy đại úy họ Tô đáng cho chúng ta cảm phục, khi ông cong lưng đẩy ghế, kê vai khiêng tủ, nhưng không phải vì thế mà tôi nẩy sinh ý nghĩ viết về ông.

Trước đây tôi đã gặp ông nhiều lần nhưng điều tôi ghi nhận nơi ông như trên đã nói, chỉ là giản dị, vui tính, lịch thiệp, thế thôi. Mà đó không phải là yếu tố quyết định sự chọn lựa. Tôi cũng đã từng gặp nhiều nhà thơ, nhà văn cởi mở, cũng dễ mến như ông nhưng cái thôi thúc tôi viết về ông bắt nguồn từ cuốn thơ “người lính việt nam”, trường ca.

Thoạt tiên, những tưởng với tiêu đề này, giỏi lắm, ông chỉ bằng hoặc hơn kém chút ít một vài nhà thơ quân đội đã đôi ba lần in thơ. Với loại này, bài nào nói tới đời sống quân ngũ người đọc cũng bắt gặp một số từ ngữ nay đã trở thành khuôn sáo mòn nhẵn: đó là những danh từ “như thiên thần nọ thiên thần kia, áo hoa nọ áo hoa kia; nào là anh đi chiến đấu, ở hậu tuyến, người em thơ mơ mộng, mắt huyền mắt xanh, thủy chung đợi chờ ngày anh về, choàng vòng hoa chiến thắng, vòng hoa yêu đương. Hay dù cho anh có phiêu bạt nổi trôi đường xa giói bụi, các em cũng không bao giờ quên một giây một phút; nào là trong lúc xa anh, em chỉ biết nhặt hoa ép bướm, thêu thùa, hay thơ thẩn, thẩn thơ với vườn hoa cây cảnh, rồi nhìn mây vàng, mây tím, mây xanh, mây đen… lờ đờ trôi.. các em liền gửi tâm sự vào đó nhờ cánh gió đưa đi… Hoặc nếu các anh có vì non sông mà tử tận, các em sẽ quyết tâm thủ tiết, hay sẽ chết theo anh cho vẹn chữ ân tình… Nào là đêm đêm lòng em mưa gió, lòng anh gió mưa, thầm gọi tên nhau…

Với thành kiến sẵn có, tôi càng tin hơn nữa, khi mở ra, ở phần bìa gấp, ảnh một cô gái đôi tám, tóc thả lơi vầng trán, mắt liếc mơ màng, môi bậu như nũng nịu với bông hoa nylon khá to nở xòe hơn chục cánh màu vàng ối”. Dưới tấm hình này thấy ghi một hàng chữ: “phụ bản em gái Dạ Lan”.

Bỏ hai tờ, đọc 4 câu thơ mở đầu:

Bảy giờ ba mươi mở máy thu thanh
nghe vọng tiếng người em từ hậu tuyến
tiếng em nói thiết tha ngọt ngào mê luyến
như tay ai đang vuốt nhẹ tim mình.

Với nguyên phụ bản “em gái Dạ Lan”, cũng đủ cho tôi có cảm tưởng bị đánh lừa, bị bội phản vì mấy ai không biết, gần đây, mỗi tối trên đài quân đội, một chương trình được mệnh danh là “tiếng nói Dạ Lan” do cô Dạ Lan “nữ sinh thủ đô”! phụ trách đã nghiễm nhiên trở thành một thứ người tình mơ tưởng của hàng ngàn vạn con người khắp bốn phương. Lại nữa, trong dịp Tết vừa qua, nha CTTL đã cho in cả trăm ngàn tấm hình Dạ Lan, phát không cho anh em quân nhân, nhiều người ở trong quân đội cũng cậy cục tìm kiếm cho được một tấm hình Dạ Lan. Vậy phải chăng đại úy họ Tô đã có dụng ý thương mại hay tuyên truyền khi cho in tấm ảnh trên. Theo tôi, có lẽ gồm cả (?) Sự thực đó đã khiến tôi thất vọng và sút giảm cảm tình sẵn có đối với ông. Lại thêm 4 câu thơ trên, dù cho tác giả muốn xác định vị trí không gian của nhân vật, tức đang tại tiền tuyến cũng chỉ là một cách biện minh thiếu vững chắc, bởi nếu muốn, tác giả có thể bằng nhiều cách khác, vẫn từ đài phát thanh như chương trình “tiếng ca gửi người tiền tuyến” một bản nhạc loại chiến đấu ca tương đối “sạch sẽ”…

Tôi tự hỏi thơ hay gì đây?!
Tôi thất vọng bỏ cuốn thơ xuống phản, tìm về giấc ngủ…

Cái thói quen phải đọc sách báo vớ vẩn trước khi ngủ làm tôi trằn trọc mãi, tôi nghĩ tới một tờ báo, tới tin chó chết, trộm cắp, tìm con, rao vặt, mất bằng khoán…. Nhưng bản tính biếng nhác, đang nằm phải ngồi dậy với tôi là cả một vấn đề vạn bất dắc dĩ. Nhưng không lẽ cứ để đầu óc luẩn quẩn với những lo nghĩ vẩn vơ. Tôi chợt nghĩ tại sao mình không dùng cuốn thơ để dỗ giấc ngủ. Tôi liền cầm lên, mở đại một trang, tôi đọc:

Anh đã qua những xóm tranh lầy lội
những ông già ngơ ngác
những đứa em bụng ỏng xanh xao
những bà mẹ quê má hõm mắt sâu
quen câm nín, quen thở dài, quen khóc
Hai mươi năm chiến tranh tủi nhục
chưa đêm nao giấc ngủ được yên lành
gió đìu hiu bóng tối vây quanh
gian nhà nhỏ ánh đèn leo lét
soi những nét mặt lo âu, kinh hoàng, sợ sệt
trông ngậm ngùi như số phận quê hương

Tôi ngạc nhiên bàng hoàng, những giòng chữ, những giòng chữ cứ trôi chảy ùa đầy tâm hồn tôi, cả một bức tranh quê hương nghèo khó lầm than diễn ra trước mắt tôi. Ông già nét mặt đau đớn, bà mẹ quê còm cõi lưng còng, bầy trẻ thơ trơ mảnh thân khô xương vàng vọt. Những hình ảnh thật thường nhưng đã sớm hằn in trong tiềm thức tôi. Từ ngày còn thơ dại, những khuôn mặt kinh hoàng lo sợ của mẹ tôi, của gia đình tôi mỗi khi ngoài đường đêm đó có bước chân vang dội khác thường hay chỉ một vài tiếng chó sủa, một tiếng kêu ú ớ… cũng khiến chúng tôi giật mình hoảng hốt.

Những ngày khói lửa liên tiếp kéo qua mảnh đất nghèo nàn này. Quê hương tôi cũng là thế đó. Quê hương tôi tới hôm nay cũng còn nguyên đấy nỗi đau nhục, còn nguyên đấy những bộ mặt lạc thần ngơ ngác. Người dân nước tôi, chiếc khăn tang quấn vội đưa tiễn những người thân yêu về tới đất tổ, trên mười năm nay còn mang chung một thứ tang chế cốt nhục tương tàn muôn đời không gột sạch.

Chiến tranh, thiên tai, Cộng sản, những tai họa nguy hiểm, khủng khiếp đó đã không ngớt hoành hành cào xé hạnh phúc quê hương VN.

Thấy bão lụt thổi bay nhà, chết lúa
dân đói dân gầy đắng cay nhiều quá
mà đêm đêm chúng vẫn cứ hiện về
gióng trống đập thùng khua rộn xóm quê
giết bô lão bắt dân nộp thuế
và cứ mỗi đêm bao nhiêu người mất mẹ
bao vợ mất chồng bao trẻ lìa cha
tôi làm thơ mà xót thịt, đau da
mỗi câu viết ra, mỗi lần nhức nhối
đường ta đi vẫn còn nhiều bóng tối’
tiếng ca buồn nghèn nghẹn “Ôi Quê Hương”

Ôi quê hương! Còn tiếng gọi thê thảm nào đau xót hơn nữa, nhưng tất cả cũng chỉ như cơn gió nhẹ thoảng qua, tan biến rất nhanh vì những con buôn chính trị, những tay hoạt đầu văn nghệ, cả những kẻ đang sắm vai tuồng phụ mẫu chi dân cũng chỉ lo “Những bài diễn văn, những thủ đoạn khoa trương - những danh từ nhân dân, dân chủ”. Những cái bánh vẽ ấm no hạnh phúc của chính quyền con buôn, trước thực tế phũ phàng chỉ làm người dân thêm tủi hờn căm tức. Trước những đe dọa tàn sát của bọn Cộng Sản cuồng tín, khuôn mặt quê hương này đã nhàu nát, thảm thê hơn nữa.

Tôi đọc, không tôi đang sống, tôi đang nuốt từng hơi thở u buồn của quê hương. Tác giả đã cho tôi sống lại từng giai đoạn lịch sử, đau đớn thêm một lần nữa những đau đớn đã qua hay đang diễn tiến trên sân khấu quê hương này. Sân khấu nước tôi là sân khấu của những khuôn mặt bi thảm, của tấn bi kịch trường thiên; của những hình ảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con thơ mất tình phụ mẫu. Tôi cho rằng trên bất cứ một giải đất nhược tiểu nào, cơn lốc bi thảm cũng thổi qua, xoáy tít, cái mảnh đất vốn đã sẵn nghèo nàn, cõi cằn này còn hứng thêm nhiều nước mắt, tiếp nhận nhiều máu xương, bếp lửa còn lạnh, vòng tay còn trống trơn, ánh mắt đẫn đờ tê dại. Người chết đi còn ôm theo nhiều tủi nhục, người ở lại còn mê sảng với những viễn tượng, những dĩ vãng hãi hùng kinh tởm, lưng còn còng xuống, vai còn chĩu nặng ê chề, nhọc nhằn khốn khổ của một định mệnh khốc liệt tối tăm. Cái tối tăm dày đặc chuyển lưu từ thế hệ này sang thế hệ khá. Đến đỗi “Những niềm vui không nở trọn bao giờ”. Trời chưa kịp sáng bóng tối đã vây quanh. Bóng tối tràn đầy ngay từ tâm hồn những tên vong thân bán nước, những tên lưu manh chính trị lợi dụng thế nước mong manh lòng dân xao động bàng hoàng:

1-11-1963! ngày bất công chấm dứt
cách mạng rồi tất cả múa như điên
đêm vừa qua đêm dài nhất
đêm đầu tiên
đã bao đêm đêm nhưng đêm nay không ngủ
……
Nhưng niềm vui đậu lại không lâu
lửa cách mạng như hoàng hôn le lói
đợi bay gọi ra về bóng tối
ngày tháng mịt mùng, bất trắc lo âu
từng phút từng giờ đả đảo hoan hô
chỉnh lý biểu tình xuống đường hội thảo
súng vẫn nổ và miền Trung gió bão
nước tràn về người chết nhà trôi
thôn xóm từng đêm nước mắt đầy vơi
thêm từng ngày đói nghèo tơi tả
Bãi mía vườn dâu giàn dưa mái rạ
nhìn vào đâu cũng thấy đau thương
Nhìn vào đâu cũng chỉ thấy đau thương! Mặc dù bao nhiêu thế hệ đã:
Hai mươi ba mươi xuống biển lên rừng
bỏ lại sau lưng tình yêu hạnh phúc
say chiến đấu để xóa hờn rửa nhục
vì tự do ai tiếc rẻ đời trai
quê hương mình từ buổi chia hai
cây cỏ cũng buồn núi sông ứa lệ
này xóm này thôn này trời này bể
này câu ca tiếng hát êm đềm
này tình thương này tiếng võng ru êm
này ruộng vàng thơm cò bay thẳng cánh
này mẹ này cha gác chuông tượng thánh
có thể nào để mất nữa em ơi
chúng anh đi vì mến thương đời
(nhận cách biệt để làm nên hội ngộ)

Nhận cách biệt để làm nên hội ngộ! Thật thấm thía đau đớn, cũng chỉ vì những ước vọng, khát khao (rất đơn sơ, bình dị) trong đó có mẹ già yên giấc, có em thơ nô đùa, có những người yêu nhau không còn tính chuyện biệt ly… Nhưng ao ước vẫn chỉ là ao ước (dù cho ao ước vô cùng nhỏ nhoi nghèo nàn) vì cho đến bây giờ, quê hương này vẫn còn đầy rẫy thê lương thảm cảnh, vẫn còn hoài những bà mẹ thắp nén hương đêm đêm khấn nguyện, con ra đi đầu rừng cuối bể mong sao còn lành lặn trở về.

Với một tâm hồn trung thực, thành khẩn, Tô Kiều Ngân đã đóng trọn vai trò chứng nhân của mình. Với cảnh sắc quê hương đó, với những gì tạo thành khuôn mặt thương tích nát bầm đó, trách nhiệm do ai và bởi đâu? - Dĩ nhiên bởi chiến tranh, bởi Cộng Sản và trách nhiệm trước lịch sử Việt Cộng phải gánh chịu, ngoài ra bọn con buôn xương máu đồng bào nhân dân cũng phải liên đới. Lịch sự sẽ vạch mặt chỉ danh bọn chúng.

Tổ quốc chúng ta chia lìa đôi ngả
Nam Bắc hai phương như dao cắt dạ
mà hôm nay thôn xóm còn cách ngăn
mái tóc xanh lạnh trắng vành khăn
có những người đi không bao giờ về nữa
vì chúng nó mà thôn làng bốc lửa
mà quê hương héo hắt nước sầu đau
chúng nó đi đâu chúng nó về đâu
là có ám sát có đốt nhà bắt cóc
có những tấm lòng héo đi vì tiếng khóc
nước mắt chan cơm, trắng những đêm dài’
giải phóng gì đâu?
giải phóng cho ai?

Tôi đã không dằn nổi tình cảm đang dềnh lên, bốc cao, xoắn vít tâm hồn. Tôi nghĩ về trường ca Người Lính Việt Nam của ông như nghĩ về một trận mưa trút xuống miền nắng hạn; như một giòng suối nhỏ ngọt lành chảy giữa đám rừng hoang dại… tôi nghĩ về ông bằng một trí tưởng tròn đầy những thành khẩn thiết tha trìu mến. Qua trường ca, ông đã vẽ lại gần đúng khuôn dáng người lính Việt Nam không son phấn, không điểm trang ngụy tạo. Một sắc diện chứa chất đầy ưu uất, dằn vặt, những cấu xé, những máu và nước mắt, những bội phản trắng trợn, những bất công, những khốn nhục. Nhưng người cầm súng vẫn vững tin nơi truyền thống, nơi tương lai đất nước một cách mãnh liệt:

Quên tất cả để khắc vào tâm tưởng
Rằng Việt Nam nhất định phải sống còn
Xua tan bóng tối héo hon
Dập cho nát những tỵ hiềm cách biệt
Thù trước mắt phải nhìn, phải biết
Để cùng nhau xiết chặt bàn tay
Phấn khởi tin vào thắng lợi ngày mai

Đêm nay, ngồi trước chiếc bàn viết nhỏ, trước ngọn đèn điện 15 watt, câu qua bao nhiêu chòm xóm của khu lao động mang biệt danh Chuồng Bò; khi những âu lo về cuộc sống, những đau nghiến của tình cảm, dĩ vãng, về miếng cơm manh áo đã tạm lắng dịu, tôi phân vân trước vấn đề Tô Kiều Ngân…

Bây giờ những sôi động chứa chan cảm tình lúc đầu không còn nữa, cũng như ngoài ngõ, đêm đã xuống sâu, bóng tối đã quánh đặc. Những bầy chuột cống reo vui rúc rích, bảo nhau lục soát tảo thanh những thùng rác đặt ngổn ngang dọc con hẻm. Những người đàn bà mặt hốc hác vàng bủng từ các căn nhà lụp xụp, chui ra, lột xác trở thành những nàng tố nữ, những nàng “cung phi của bóng tối”. Tôi nghĩ không lẽ mình cũng như họ, cũng phấn son trang điểm, cũng xức nước hoa tình ái rẻ tiền!!! Nên phải thành thực nói rằng tác phẩm TC NLVN của Tô Kiều Ngân đáng lẽ chưa vinh hạnh đại diện cho thực trạng bi đát, cùng quẩn của một khoảng thời gian, không gian chan hòa đau thương chiến tranh này nhưng giữa những tác phẩm dao to búa lớn, hò hét, hoan hô, ngợi ca một cách vô ý thức như trên tôi đã nói thì NLVN của ông rất đáng để chúng ta bàn nhắc, phơi bày như phơi bày tâm sự chung của những kẻ mất quê hương, mất tuổi trẻ, mất tương lai…

Hai mươi, ba mươi, xuống biển lên rừng
bỏ lại sau lưng tình yêu hạnh phúc

Và:

Nhưng niềm vui đậu lại không lâu
lửa cách mạng như hoàng hôn le lói
Dơi bay ra gọi về bóng tối
ngày tháng mịt mùng, bất trắc âu lo

Và nữa:

Cuộc chiến thê lương, năm tháng kéo dài
gian khổ dựng như trường sơn thiên lý
Nhìn vào đâu cũng chỉ thấy đau thương

Khơi dẫn từ Trường ca Người lính Việt Nam - phối kiểm bởi những lời tâm sự thành thiết, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn Tô Kiều Ngân bằng con mắt hôm qua - và trên đường đi về quê hương - trên giòng chảy trôi vào lòng dân tộc ta hãy dõi trông, và ngóng đợi, và cảm thông cùng một Tô Kiều Ngân đang lần bước đi tìm quê hương - tìm về tình người trong một khoảng trời cao rộng.

Tô Kiều Ngân - Tôi bắt đầu chú ý đến 3 chữ này và khoảng năm 1954 xuất hiện trên ban Tao Đàn và sau này trên tạp chí Sáng Tạo. Một vài bài mang tên Tô Kiều Ngân tôi còn nhớ đó là bài “khảo về hò Huế” và “phố hàng Khay”. Năm 1955, ba chữ này lại xuất hiện trên các giá sách với tập truyện ngắn “NGƯỜI ĐI QUA LÔ CỐT” – Đây là tác phẩm đầu tay của ông.

Sau đó, ba tiếng Tô Kiều Ngân mờ dần trong trí tôi. Không phải tại Ông rời bỏ những người cầm bút, trái lại, Ông vẫn còn hoạt động đều đặn và có thể nhiều hơn trước. Nhưng chính sự đều dòng không bật nổi đó khiến đám đông ít người biết tới, hoặc có biết tới rồi cũng lãng quên… Nhưng lý do chính có lẽ tại tôi, trước đây, đã không có những sinh hoạt chung với anh em, nên trong tôi chỉ còn một số vóc dáng hằn sâu với nét độc đáo riêng, lẻ của họ mà thôi.

Sau này, khi giao tiếp với một số anh em như Hiếu đệ, Thế Phong, Đinh Hùng, Uyên Thao, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Đình Toàn… mấy người này, thỉnh thoảng nhắc tới tên Tô Kiều Ngân nên ba chữ đó bắt đầu sống lại. Khi cho phát hành tập thơ Du Tử Lê, tôi tìm đến nhà ông. Tôi nghĩ, đây là dịp để quen biết với “NGƯỜI ĐI QUA LÔ CỐT”, thứ nữa ông là người phụ trách Nguyệt san Văn nghệ chiến sĩ, tờ báo duy nhất của Quân đội có mục điểm sách. Hai buổi tối ghé qua, không gặp. Buổi chiều hôm sau, khi đem nộp bản tập Thơ để xin phát hành tại Bộ Tâm Lý Chiến, đường Phan Đình Phùng, bất chợt, tôi gặp Tô Kiều Ngân tại đây.

Phải nói rằng lúc đó tôi còn ngờ ngợ không dám nhìn nhận, vì trong óc tôi hình ảnh về một Tô kiều Ngân là hình ảnh tưởng tượng có sẵn trong tôi từ ngày chú ý tới ba chữ đó, căn cứ vào ngón tiêu hào hoa với giọng ngâm đặc biệt miền Trung. May sao, nhờ có bảng tên đeo ở ngực, tôi liền bước tới.

- Xin lỗi, Đại úy là Đại úy Tô Kiều Ngân?

Ông cũng mừng rỡ:

- Vâng. Còn anh là Du Tử Lê?

Chúng tôi xiết chặt tay nhau trước con mắt mở lớn của những nhân viên trong phòng.

Vì không tiện nói chuyện nhiều, sau năm ba câu thăm hỏi, tôi cáo từ để chạy lên Văn Khố cho kịp giờ. Lúc chia tay ông dặn tôi nếu rảnh ghé qua Tòa Soạn Văn Nghệ Chiến Sĩ chơi.

Cuộc gặp gỡ bất thần, không kịp cho tôi ghi nhận gì về ông, ngoài cảm nghĩ vui vui và thầm mừng đã không phải tiếp giáp một bộ mặt khinh khỉnh, ra cái điều quan trọng…, bệnh chung của đa số những văn nghệ sĩ của nước Anman có… gần 5 nghìn năm… văn hiến.

Hai hôm sau, nhân dịp đi thâu thanh trên đài quân đội (trong nha CTLL), tôi ghé thăm ông tại phòng làm việc. Ở đây tôi gặp Huy Phương, Tường Linh. Lần giao tiếp này, không khí có phần cởi mở thân mật hơn.

Ông đưa tôi coi trước bài viết của Mai Trung Tĩnh phê bình tập thơ của tôi. Tôi đọc xong, ông hỏi:

- Sao toa có hài lòng không?

Ngưng một lát, ông mỉm cười nói tiếp:

-Được thì đăng không thì thôi. Theo tôi thấy MTT viết bài này vô thưởng vô phạt, khen một nửa, chê một nửa, dài như thế chứng tỏ cũng nhiệt thành lắm đấy chứ. Có điều tôi không đồng ý với ông Vương Tân khi viết lời bạt cho anh.

Tôi chưa kịp nói gì, Huy Phương đã tiếp.

- Du Tử Lê thế là đặc biệt lắm đấy chứ, trong tủ còn nhiều tập thơ gửi đến từ lâu mà chưa có ai viết cả.

Tôi cười, nói với Tô Kiều Ngân.

- Ồ, anh bảo người viết phê bình cho tôi là quý rồi. Còn khen hay chê tùy thuộc nơi chủ quan họ. Ăn thua gì.

Tô Kiều Ngân cười qua khói thuốc Lucky.

- Tôi sẽ cho sắp chữ ngay số này.
- Vâng, cám ơn anh.

Buổi chiều vào sở, một người hỏi tôi có gặp Tô Kiều Ngân không -Tôi trả lời có.

- Thấy thế nào?
- Chưa có nhận định rõ ràng nhưng đại khái lịch sự, bặt thiệp, hào hoa lắm - Lucky chuyên nghiệp - Thế mới khó chứ!

Rồi báo văn nghệ Chiến Sĩ số 13 phát ra. Nhiều nguồn dư luận tỏ ý tán thành hoặc bất đồng về bài phê bình của Mai Trung Tĩnh. Với tôi, chuyện ấy không mang một ý nghĩ nào khác ngoài điều nhận xét thấy tác giả bài báo đã để lộ quá rõ mặc cảm. Riêng với Tô Kiều Ngân, tôi vẫn giữ nguyên cảm tình quý mến cũ, cũng như tôi quý mến tất cả những người làm văn nghệ đi bước trước tôi. Tôi muốn nhấn mạnh ở chỗ họ đi trước thôi chứ không nói tới văn tài, sự nghiệp…

Khoảng thời gian này, tôi được nghe nhiều người nói về Tô Kiều Ngân hơn. Thường họ nhắc tới ông không ngoài những việc ông đã làm (không văn nghệ chút nào cả) và với ngụ ý không mấy tốt đẹp.

Hôm tôi ghé thăm Nguyễn Đình Toàn trên đài Sàigòn Toàn rủ tôi đi uống cả phê, đúng lúc đó, Tô Kiều Ngân cũng vừa tới. Chúng tôi mời ông đi luôn. Ngồi quán Tầu được một lát thì Tô Kiều Ngân về trước.

Nguyễn Đình Toàn bảo tôi:

- Ngân nó khéo lắm.

Rồi bằng đúng tác phong của “Những kẻ đứng bên lề” (1), Toàn sửa lại gọng kính trắng trên khuôn mặt thư sinh, lắc đầu nhè nhẹ…

(1) Một truyện của NĐT đã xuất bản

Tôi cũng im lặng cố hiểu ngụ ý cái lắc đầu đó…

Lát sau, Toàn tiếp:

- Nó chịu khó đọc lắm, cầu tiến và được cái kiêm nhiều tài…
- Ờ mình biết, “bạn ấy” bao sân gần hết từ họa tới nhạc, thơ văn, kịch, đủ thứ, hầu như món nào cũng có thể là sở trường và cũng có thể là sở đoản. Ôm nhiều là một điều hay và cũng đáng để hãnh diện lắm chứ. Nhưng nhiều quá sợ loãng…

Tới đây, tôi nhớ đến một nhận xét của mọi người đã từng cộng tác, chung lưng với Tô rất nhiều năm: “Lui có cái hay là lúc cần, có thể thản nhiên coi nhẹ tất cả dù là tình bè bạn thủy chung, khiến nhiều anh em bất mãn, nhưng lúc cần chiếm lại cảm tình cũ, lui có thể gây lại được ngay, mặc dù mình chưa quên chuyện xưa nhưng cũng không thể làm mặt giận dữ nổi”.

Đó là một phần nào những gì bao quanh người mang tên Tô Kiều Ngân.

Riêng tôi, sau một thời gian giao tiếp, tôi nhìn thấy ở ông trong khía cạnh của một người dễ mến, có nhiều cảm tình và thân mật cởi mở. Và có lẽ tôi cũng không mong tìm thấy nhiều hơn các khía cạnh ẩn chìm khác nữa.

Trong một buổi đi uống cà phê, một người bạn tôi, có nhắc đến chuyện ngắn “Phố hàng khay” của ông đăng trên Sáng Tạo bộ cũ (tôi cũng không nhớ rõ số mấy), và tỏ ý khen ngơi, thích thú. Phải chăng vì cảm kích lòng chân thực của người bạn kia, ông đã kể cho chúng tôi nghe xuất xứ của câu chuyện dí dỏm nhưng cũng rất hàm xúc.

Nguyên dạo đó, ông cùng Đỗ Tốn và cố văn sĩ Nhất Linh vào rừng Đà Lạt tìm lan. Lúc trở về, chẳng may ông bị chó cắn. Dĩ nhiên, để sau này khỏi ân hận đã mắc phải bệnh điên bởi chó dại, nhà văn kiêm thi sĩ Tô Kiều Ngân phải đi chích thuốc liền 21 ngày. Mới đi được 2, 3 hôm, thì ông gặp bà cụ người Bắc di cư cũng đưa cháu đi chích ngừa. Trong lúc chờ đợi, để tiêu thì giờ, ông gợi chuyện bà cụ. Nhưng có lẽ tại giọng nói của ông có vẻ “bắc kỳ tính” khá nhiều nên bà cụ lầm tưởng và hỏi ông:

- “Thế ở ngoài TA ông ở đâu?”

Bị “phỏng vấn” bất ngờ, ông không kịp suy nghĩ, trả lời luôn;

- “Dạ, cháu ở phố hàng Khay Hà Nội”.

Kỳ thực thì ông nào có biết Hà Nội ra làm sao đâu! Nhưng ông bảo trước sự say sưa, sung sướng của một người muốn nhắc nhở dĩ vãng. Nhất là người đó là một cụ già,ông cảm thấy không thể trả lời khác hơn được.

Bữa ấy, ông được bà cụ “tâm sự” hơn một tiếng đồng hồ về chuyện quê quán, làm ăn gia đình, con cháu… khi ra về, tìm người hỏi thăm, ông mới vỡ lẽ rằng phố hàng Khay của Hà Nội xưa là phố của Tây Đen bán vải, may mà bà cụ cũng không biết phố hàng Khay!!!

TIỂU SỬ

Lê Mộng Ngân tức Tô Kiều Ngân sinh năm 1926 tại Huế. Tuổi trẻ của ông được nuôi dưỡng trong bầu không khí trang nghiêm cổ kính của thành phố buồn, thành phố của những dấu tích xa xưa, của bao nhiêu triều đại đã hưng phế, nay chỉ còn trơ lại một nội thành với những lăng tẩm u trầm, một giòng sông Hương “Nông chờ” tháng năm lạnh lùng trôi qua, biểu tượng niềm riêng, nỗi quạnh của người dân xứ Huế.

Thuở còn cắp sách tới trường, Ngân đã sớm tỏ có chất nghệ sĩ luân lưu trong huyết quản. Trò Ngân học hành biếng nhác và thường trốn học, đi chơi đó đây với cây sáo trúc không mấy khi rời tay.

Rồi chiến tranh Pháp Việt bùng nổ toàn diện, Tô Kiều Ngân cũng nghe theo tiếng gọi kêu khẩn thiết của tổ quốc, khăn gói lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông được sung vào ban kịch của Vệ quốc đoàn khu IV.

Một ba lô, một ống sáo, ông theo đoàn kịch đi lưu diễn khắp nơi, lang thang suốt từ Huế đến Thanh Hóa. Ông kể:

Vì tính cách lưu diễn, nên chúng tôi đi hết nơi này tới nơi khác, có cái thú là những buổi chiều đi qua những làng mạc, những cánh đồng ruộng lúa bát ngát, tôi say sưa thổi sáo, những bản hùng ca của Phạm Duy, lòng cảm thấy lâng lâng, chân bước nhẹ nhõm vô cùng. Cảnh đó, bây giờ không còn được hưởng nữa.

Ở ban kịch liên khu IV được một thời gian, ông xin tình nguyện chiến đấu tại mặt trận Đèo Hải Vân. Sau đó Tô kiều Ngân bị Pháp bắt năm 1948.

Sau 3 tháng bị cầm tù, ông được thả về. Lúc đó vào khoảng cuối năm 1948.

Từ đó, Tô Kiều Ngân bắt đầu hoạt động văn nghệ. Tác phẩm đầu tiên của ông là kịch thơ 4 màn “Ngã ba đường”, do ban kịch SÔNG Ô trình diễn trên sân khấu Huế. Tiền bản quyền tác giả đã giúp họ Tô mua được một chiếc xe đạp. Hành động này đã chứng tỏ Tô Kiều Ngân là người rất căn cơ, không bừa bãi, thả lỏng, bốc đồng như hầu hết các nghệ sĩ khác. Ông là người biết điều hòa hai cuộc sống Nghệ sĩ và Thực tế.

Năm 1950 ông gia nhập quân đội. Năm 1952 ông đưa gia đình vào Nam. Tại đây, ông lần lượt viết cho các báo ĐỜI MỚI, NGƯỜI SỐNG MỚI, đồng thời ông cũng cộng tác với một vài tờ báo xuất bản tại Hà Nội như HỒ GƯƠM, GIÁC NGỘ…

Năm 1955 ông cùng Đinh Hùng và vài anh em nữa thành lập ban thi văn Tao Đàn trên đài phát thanh Sàigòn. Sau đó ông cùng Thanh Nam chủ trương tuần báo Thẩm Mỹ, rồi cộng tác với Sáng tạo, Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết tuần san v.v…

Về mặt quân độ, có thời, ông làm chủ bút tờ Quân Đội bán nguyệt san (do Nha C.T.T.L . ấn hành) và hiện tại ông đang chủ trương biên tập nguyệt san “Văn nghệ chiến sĩ” của QLVNCH. Ông thuộc loại viết nhanh và rất dễ dàng. Không kể ngày hay đêm, không cần bàn, ghế, bên máy in ông cũng có thể viết được. Ông nói: “Tôi viết theo hứng”.

TÔ KIỀU NGÂN VÀ QUAN NIỆM SÁNG TÁC

Một buổi sáng chủ nhật, tôi lại thăm ông ở nhà riêng đường Phan Văn Trị. Vừa dựng xe, tôi đã nhìn thấy ông trong bộ Pyjama sọc đang lúi húi trước giá sách kê sát lối ra vào.

Thấy tôi, ông bở dở công việc, đứng dậy với nụ cười cùng ánh mắt reo vui, ông bắt tay tôi.

- Vào chơi Du Tử Lê.

Lần đầu tiên bước vào nhà Tô Kiều Ngân, tôi bỡ ngỡ, ngồi xuống chiếc ghế salon nệm xanh.

Một lát, sau vài câu xã giao thông thường, tôi bắt đầu quan sát “Tổ ấm” họ Tô. Căn phòng khách tuy hơi nhỏ nhưng được bày biện thật gọn gàng và khéo léo, chứng tỏ chủ nhân là một tay có mắt mỹ thuật thuộc vào hạng khá!

Trên tường trước mắt tôi, một bài thơ Đường do ông dịch được đóng khung kính treo cẩn thận. Trên bức tường dối diện, tôi thấy treo một bức tranh của Nguyễn Khắc Vinh vẽ ngựa và cây., Ngay cạnh bộ salon là chiếc máy Pick-up loại Hifi. Phía trên tường là một bức tranh vẽ cảnh sông nước thuyền câu của chính ông. Ở góc trái phía ngoài cùng căn phòng, kê một chiếc giường sắt nhỏ bọc nệm. Cảnh trí này đủ nói lên cuộc sống đầy đủ gọn ghẽ, kín đáo của họ Tô.

Đang mải nghĩ ngơi về những gì thấy trong “phòng văn” chợt Tô Kiều Ngân hỏi tôi:

- Nghe nói “Toi” đang viết một cuốn sách gì đó phải không?
- Vâng. Tôi dự tính ghi lại một số nhận xét về cuộc sống của năm ba người quen biết. Sự lựa chọn của tôi hoàn toàn theo chủ quan. Trong số người đó có anh. Nên hôm nay lại anh, xin ít tài liệu…
- “Toi” cứ viết về mấy người kia cho xong đi đã, moi sẽ đưa tài liệu sau.
- Có. Tôi viết đã gần xong kể cả anh.

Tô Kiều Ngân cười nheo đuôi mắt.

Câu chuyện văn nghệ được trao đổi trong không khí chân thành cởi mở. Tô Kiều Ngân cho biết ông đang viết một tập truyện dài nhưng phải chờ đến Hòa Bình mới in ra được.

Lúc ra về, bên tai tôi còn vẳng lời tâm sự (?) Lời than vãn hay lời ăn năn của một người nhìn về quá khứ: rùng mình (?) - hướng tới tương lai: e ngại (?)

“… Ngày xưa, tôi viết dễ dàng bao nhiêu thì bây giờ việc viết lách đối với tôi trở nên khó khăn bấy nhiêu…”

Phải chăng con người mang tên Tô kiều Ngân hôm nay không còn là Tô Kiều Ngân của những ngày hôm qua nữa? Khi một người tự nhìn nhận việc viết lách trở nên khó khăn, hệ trọng, vì không thể viết những giòng phù phiếm, vô trách nhiệm; thì ít nhất trong thâm tâm họ, trong thái độ, quan niệm đã có phần biến7 thái, lột xác…

Ở Tô Kiều Ngân, tôi nghĩ có thể hôm nay ông đã nhìn về một hướng khác xưa… Bỏ cái thói thực ôm cái hư, hay bỏ cái hư ông cái thực, giữa cuộc đời hư hư, thực thực này. Đó chỉ là nhận xét của cá nhân tôi. Chúng ta vẫn cần tới thời gian vì chỉ có thời gian mới đem lại cho chúng ta một câu trả lời cuối cùng mà thôi!

PHỤ LỤC

Nhắc đến Tô Kiều Ngân, thường người ta chỉ biết ông với tư cách nhà văn nhiều hơn là một nhà thơ, và người ta lại càng biết ít hơn nữa tính chất lãng mạn, tình ái trong thơ ông.

Sở dĩ có thể, bởi vì ông rất ít đăng thơ tình cảm, hầu như không đăng bao giờ. Ông quan niệm theo kiểu một T.T.KH. ngày xưa: “Chỉ có ba người được đọc riêng” (1) chứ không muốn rao bán “cho khắp người đời thóc mách xem”. (2)

(1) và (2) thơ của T.T.KH trong “bài thơ cuối cùng”.

Ở đây, bằng tất cả tài nghệ uốn ba tấc lưỡi, rào đón nỉ non tâm sự, kẻ viết mới lấy được dăm bài thuộc loại ‘chuyền tay”… - lục đăng ở đây, để độc giả thấy rằng mặc dù có trên dưới 15 năm “lính” nhưng bản chất “hào hoa”, “đa tình”, của họ Tô vẫn có những giây phút bừng dậy, sôi động, đắm đuối. - Hay đó là cố tật của đa số những ai thuộc giòng họ Thơ - thích thương vay, khóc mướn - thích thương nhớ hão huyền, mơ tưởng không đâu về những bóng hình chưa đến đã rời xa, chưa hiện đã tan biến…

Trong một buổi tối đi chơi với ông, có thêm Chinh Yên, ông nói: “moi không hiểu tại sao cứ mỗi khi uống rượu hơi say một chút là nhớ người ấy - mặc dù đã trên tám năm yêu nhau trong ngang trái, bế tắc, người ấy vẫn không hề nghĩ tới chuyện đi lấy chồng…”

Đường ra ngoại ô tối thêm và hẹp dần. Giữa tiếng máy nổ đều đều của chiếc Simca cũ và bóng đêm tràn đầy lòng xe, tôi không thể ghi nhận khuôn mặt ông lúc đó ra sao. Nhưng tôi nghe rõ một tiếng thở dài nhè nhẹ…

Gió thật lạnh. Tô Kiều Ngân hát nho nhỏ (giọng trầm và buồn bài Sérénade của Schubert. Chinh Yên thiếp trong cơn nóng lạnh đột ngội - tôi nhớ đến một người - và tiếng hát ngân dài “… bóng tối buồn không mầu…”

VỀ KỶ NIỆM

Vẫn biết chừ yêu nhau
Mai rồi không yêu nữa
Tình hôm nay đang nồng
Mai đã tàn hương lửa 

Những bàn tay rời nhau
Mắt thôi nhìn một hướng
Bản tình ca buổi đầu
Nay chỉ còn dư hưởng 

Tình yêu như nắng chiều
Thoáng hiện rồi thoáng tắt
Đời vẫn qua hững hờ
Người gặp người cúi mặt 

Em đã hết yêu anh
Không còn chờ bên cửa
Không nhìn mưa một mình
Tim mềm thôi nức nở 

Anh vẫn đợi em hoài
Để rồi em chẳng đến
Tìm chi trong ngày qua
Quên rồi câu ước hẹn 

Ôi! Tình như bóng mây
Tan dần theo ánh nắng
Một tháng rồi một năm
Rồi những ngày trống vắng 

Nhưng sao anh vẫn buồn
Phải chăng còn kỷ niệm
Kỷ niệm thì tràn đầy
Bao ảnh hình thương mến 

Này đây em con đường
Này đây em đồng cỏ
Này đây ánh tà dương
Đây vừng trăng mới nở

*

Này đây tiếng hồ cầm
Này đây hương suối tóc
Này đây tiếng em cười
Này đây lời em khóc

*

Màu áo em tím buồn
Bài thơ em vẫn thích
Ôi! đây những con đường
Chiều thu mưa rả rích

*

Thôi… rồi thôi, rồi thôi…
Anh trở về kỷ niệm
Ngồi đợi tháng năm tàn
Xóa phai tình thương mến

*

Chờ cho phai kỷ niệm
Biết bao giờ em ơi
Mà khi chiều mới xuống
Đã thấy tương tư rồi!

 

TÌNH CA

Khi sao hôm vừa hiện cuối chân trời
Chúng tôi ngồi trên cỏ đếm sương rơi
Trời cao quá, mây vừa trăng mới chớm
Tím xanh lên cho bát ngát khung trời

*

Những hàng cây đứng nhìn nhau im lặng
Những con đường láng đẹp nối nhau quanh
Chiều cứ xuống cho đường thêm im vắng
Rơi êm êm đôi chiếc lá xa cành

*

Chỉ thiếu hương một loài hoa man dại
Là chúng tôi xây đủ mộng bình yên
Nhưng đã có mùi hương yêu êm ái
Từ tóc em buông thả suối u huyền

*

Anh gục xuống vai em tìm giấc ngủ
Ngủ cho say trong hạnh phúc thần tiên
Cầm tay anh tìm hương yêu ấp ủ
Em mơ màng trong mộng thắm triền miên.

*

Hai đứa mình yêu nhau như tiểu thuyết
Như xưa nay chưa từng được yêu nhau
Tình ta đẹp nên thơ và bất tuyệt
Từ bây giờ và mãi đến muôn sau

*

Trăng vẫn theo ta, vơi đầy sáng tỏ
Gió vẫn rất vừa chgo đủ nhớ thương
Những buổi chiều xanh có rừng lá đổ
Và những đêm mơ thao thức canh trường

*

Anh vẫn thiết tha như ngày mới chớm
Mà em thì thêm “thấm” nghĩa yêu đương
Và lòng ta vẫn chứa đầy hoa bướm
Hoa thêm nồng và bướm vẫn say hương

*

Anh vẫn biết không phải lần thứ nhất
Em yêu anh và hai đứa yêu nhau
Bọn chúng mình mãi sau này mới gặp.
Và chiếc hôn anh không phải chiếc hôn đầu

*

Nhưng anh cảm hình như là số mệnh
Buộc hai người ngàn kiếp mến thương nhau
Dù ngang trái, dù đau thương, gian khổ
Vẫn mê nhau như buổi mới ban đầu

*

Em đã nói với anh lời son sắt
Anh đã hôn lên đôi mắt não nùng
Từng hơi thở, từng nụ cười, tiếng nấc
Đều nói lên tiếng nói của tình chung

*

Trăng còn sáng tình đôi ta còn mãi
Hoa mộng này còn đẹp đến thiên thu
Hãy dìu nhau vào giấc mơ êm ái
Đến xứ tình ta vỗ cánh phiêu du.

VÌ SAO?

Sao em còn cứ hỏi: “có yêu không”?
Sao em còn thắc mắc hở em Hồng
Em không nhớ những đêm rằm dưới nguyệt
Em quên chăng lời thơ anh tha thiết
Đến bên em từng sáng với từng đêm
Em đã quên ư những phút êm đềm
Trong tay anh ta trôi vào ảo mộng
Anh còn nhớ đến phút giây rung động
Tiếng đầu tiên em khẽ nói: anh yêu
Và những đêm thu, những buổi mưa chiều
Những buổi tương tư, những giờ mong đợi
Những lúc tay anh vuốt làn tóc rối
Ôi não nùng: em đã khóc vì anh
Thì hỏi làm chi, anh tưởng không đành
Đừng hỏi nữa vì thêm thừa em ạ
Tình anh rộng bao la như biển cả
Anh trao em nguyên vẹn một tâm hồn
(Mười năm rồi như hòn đảo cô đơn
Nằm nghe gió hờn tung sóng bạc
Bỗng một hôm hàng dừa lên tiếng hát
Một chiếc thuyền buồm ghé đảo thần tiên
Đảo với thuyền từ buổi ấy nên duyên).

*

Em có nhớ lần đầu tiên gặp gỡ
Tuy đêm ấy trăng rằm không sáng tỏ
Nhưng cũng đủ làm đôi mắt em xanh
Trong mắt em vừa hiện bóng hình anh
Với những nét thân yêu, êm đềm, trìu mến
Và bữa ấy hai mình đã hẹn
Sẽ đưa nhua tìm đến cõi vô cùng
Xứ của thần tiên, ân ái tình chung

*

Ta yêu nhau đẹp như là mộng ảo
Như một vườn xuân thơm tình phương thảo
Như một bài thơ nồng cháy điên mê
Ôi nhớ nhung sao những buổi đi về
Những giọt mưa thu mờ trên cửa kính
Những buổi chia tay ngậm ngùi bịn rịn
Tính giã từ mà chửa muốn rời nhau
Ôi đắm say sao là chiếc hôn đầu
Mà dư vị còn đê mê đầu lưỡi
Hồng ơi, Hồng ơi, sao em còn hỏi?

CHUYỆN THẦN TIÊN

Như trong chuyện thần tiên: anh chợt tới
Cứu em ra thoát khỏi cửa Cung ngà
Ta vỗ ngựa đi vài nơi mộng ảo
Xứ ân tình đầy mây nước, trăng hoa

*

Đường ta đi có mây hồng, lá lục
Có suối đào vờn lượn tắm rừng xa
Có chim Tước trên cành dâng nhạc khúc
Có bướm vàng say hút nhụy muôn hoa

*

Có cả những buổi chiều thu, nắng hạ
Có yêu thương hờn giận với mong chờ
Cả say đắm, cay chua đều có cả
Chỉ vắng người, vì chỉ có hai ta

*

Chỉ hai ta mới thật là tất cả
Nếu không em, anh sẽ khổ mong chờ
Và không anh, em sẽ sầu muôn thuở
Suối với rừng đâu có thể chia xa

*

Anh là rừng gốc xanh và lá đẹp
Vững muôn hàng đùa gió mãi reo ca
Em là gió hiền hòa theo quyến luyến
Chảy quanh rừng in đẹp bóng trăng hoa

*

Em có muốn trở về nơi cung cấm
Giam hãm đời xuân, tủi lạnh phấn hương
Để than khóc với đèn khuya một bóng
Cho mi sầu tràn lệ thắm bi thương

*

Nếu không muốn! Hãy chờ anh em nhé
Khi trăng vàng vừa hiện cuối chân mây
Anh sẽ đến, chuyện thần tiên sẽ mở
Ta cỡi ngựa Hồng đến cõi mê say
Hóc Môn 58

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 4732)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 16556)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4166)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3141)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3704)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 2448)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17028)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12246)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18971)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9162)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8318)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 599)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 971)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1151)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22456)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13983)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19171)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7885)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8805)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8494)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11051)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30704)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20811)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25499)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22904)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21722)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19777)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18048)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19247)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16917)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16109)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24492)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31941)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34929)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,