Thân tặng: Anh Du Tử Lê, và
Nông Duy Trường, Nguyễn Phúc Anh Lan - người giúp điều khiển các buổi thả thơ
Phan Dụy - người phụ trách diễn ngâm các câu thơ
Minh Tân - người phụ trách phần viết các câu thơ
Diễm Hồng, Hoàng Lan. Lộc Quy - người giúp soạn các câu thơ cùng các bạn hội VHKHVN đã giúp điều hành các gian hàng.
Đứng giữa gian hàng, trên một bục gỗ cao phủ khăn trắng nuốt, người thiếu nữ trông nổi bật hẳn lên với trang phục tuy rực rỡ sắc mầu nhưng không kém phần dịu dàng, tao nhã. Cô mặc môt chiếc yếm tơ trắng bên trong chiếc áo tứ thân tha thướt những mảnh lụa hai mầu, đào non và tím nhạt. Ở ngang lưng áo cô, một giải thắt lưng mầu xanh lá mạ được quấn vòng quanh, kết thành nùi phía trước rồi buông thõng hai đầu lụa xuống đến gần đầu gối. Khuôn mặt cô vốn đã khả ái, lại càng thêm khả ái dưới lớp khăn vành dây bằng nhung mầu huyết dụ đang gói tròn mái tóc búi cao, thả những lượn đen nhánh lòa xòa trước trán. Bên cạnh cô, một tập giấy trắng khổ lớn, bề ngang độ bốn gang tay, bề dài cũng phải gần một thước, được đặt trên một chiếc giá ba chân. Cạnh trên của tập giấy cao xấp xỉ với chiều cao của cô.
Phía bên phải thiếu nữ là một hán tử trong y phục khăn đống áo dài cổ truyền mầu xanh thẫm. Bên trái là một thiếu phụ đang độ tuổi của một đóa hoa mãn khai, trông lộng lẫy một vẻ quý phái với chiếc khăn xếp vàng và chiếc áo dài gấm đỏmặc bên trong lớp áo khoác kiểu hoàng hậu rực rỡ sắc hoàng kim. Cả hai đứng trên bục gỗ nhỏ, có chiều cao bằng nửa chiếc bục của người thiếu nữ.
Nở một nụ cười tươi tắn, người thiếu nữ nhẹ nhàng lật trang giấy trên cùng và vắt về phía sau chiếc giá, để lộ ra một trang giấy mới. Trên trang mới này, người ta trông thấy hai câu thơ, được viết bằng bằng mực đen, với nét chữ đẹp một vẻ mềm mại.
đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
và thấy trong ___ đủ bóng hình
Kẻ chỉ có một kiến thức tối thiểu về thi ca cũng có thể dễ dàng nhận ra hai câu thơ ấy bị thiếu mất một chữ. Đó là chữ nằm giữa hai chữ “trong” và “đủ”. Nói đúng hơn, chữ này không phải bị bỏ sót mà bị che khuất bằng một mẩu giấy xanh mầu da trời và dài khoảng gang tay. Ngay dưới câu thơ, có năm chữ viết sẵn bằng mực mầu lá cây, mỗi chữ kèm với một con số:
1) gương
2) kinh
3) thơ
4) mơ
5) trăng
Bao quanh thiếu nữ, nhưng ở vị trí thấp hơn nhiều, là những chiếc bàn dài dùng để đặt các tấm bìa cứng mầu hồng điều. Mỗi tấm có diện tích gần bằng mặt bàn và được chia thành năm ô hình chữ nhật, ghi số từ 1 đến 5. Những chiếc bàn này cũng là ranh giới của gian hàng. Phía bên trong, khoảng mươi, mười lăm thiếu nữ, xinh xắn trong những chiếc áo dài gấm xanh, bận rộn với trách nhiệm điều hành. ễ bên ngoài, hàng trăm khách yêu thơ đang chen chúc đứng nhìn hai câu thơ trên tập giấy, đặt trước tầm mắt của họ.
Họ nhíu mày suy nghĩ. Họ bàn tán lao xao. Họ đang chọn lựa một trong năm chữ để ghép vào câu thơ bị thiếu.
Hán tử phía bên phải thiếu nữ lên tiếng:
- “Đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ; và thấy trong ... đủ bóng hình”. Câu thơ thật tuyệt vời. Vua Tự Đức viết câu này thì nhất định ngài phải dùng chữ “gương”: “đập cổ kính ra tìm lấy bóng; xếp tàn y lại để cầm hơi”. Phạm Thiên Thư là tác giả thì dù có bị đuổi ra khỏi chùa, cũng chữ “kinh” là cái chắc: “nến khuya lửa hắt hiu vàng; trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa”. Giả tỉ câu này của Đinh Hùng thì sao, bắt buộc phải chữ “thơ”. Quý vị có nhớ hai câu thơ thật hay của ông ấy không? “Trang thơ xõa tóc cười e lệ; nét chữ thu gầy, vóc ngậm sương”. Một hình ảnh đẹp, quá đẹp! Ấy, nhưng nếu nhà thơ Nguyên Sa mà viết câu này thì lại là chuyện khác: “và nghe em ghé vào giấc mộng, vành nón nghiêng buồn theo gió đưa”. “Mộng” tức là “mơ”, chắc chắn phải là “mơ”, “mơ”, “mơ”!
- Còn nếu cụ Nguyễn Du viết hai câu ấy, quý vị biết cụ ấy dùng chữ gì không? - hán tử lên tiếng hỏi đám đông.
- Chữ gì? - có người hỏi lại.
- “Mày ai trăng mới in ngần; phấn thừa hương cũ bội phần xót xa”. Thúc Sinh thương nhớ Thúy Kiều đấy! Một vành trăng khuyết làm bồi hồi thương, làm day dứt nhớ một nét mày cong. Tuyệt, tuyệt vời! Hay, hay quá! Cụ Nguyễn mà viết câu thơ ấy thì nhất định phải “đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ; và thấy trong trăng đủ bóng hình”. Quý vị đồng ý chứ?
- Đồng ý! nhưng mà, tác giả hai câu thơ đang đố là ai vậy anh? - một thiếu nữ trong số khách yêu thơ cất giọng hỏi.
- À, hai câu thơ ấy của ông Du Tử Lê.
- Ơ hay, thế thì đâu có gì liên hệ đến vua Tự Đức, đến cụ Nguyễn Du, đến Đinh Hùng, Nguyên Sa, và Phạm Thiên Thư?
- Thì thế! Thế mới nói! - hán tử áo xanh trả lời, giọng tỉnh khô. Mọi người cười ồ.
Trên bục cao, phía bên trái gian hàng, người thiếu phụ áo gấm đỏ đưa mắt nhìn năm chữ ghi bên dưới hai câu thơ. Chị chọn một chữ để thay vào chữ bị thiếu, rồi cất tiếng ngâm:
đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ
và thấy trong thơ đủ bóng hình
Trong khoảnh khắc, những ồn ào vụt tắt, chỉ còn tiếng thơ bồng bềnh bay, trải rộng ra trên một vùng không gian tịch mịch. Giọng ngâm chị thật điêu luyện và truyền cảm. Chả trách có một cụ già, sau khi chống gậy đứng đôi ba tiếng đồng hồ thưởng thức tiếng thơ, đã phải buộc miệng thốt lên lời ca ngợi: “tự thị thiên thượng
Tiếng ngâm vừa dứt, tiếng huyên náo lại trỗi dậy. Người ta nói, người ta cười, người ta bàn bạc với nhau, và người ta tranh nhau ném các phiếu tiền nho nhỏ mầu xanh vào những ô số kẻ trên mặt giấy hồng điều. Ô nào cũng có.
Đợi đến lúc mọi người đặt tiền xong xuôi, người thiếu nữ áo tứ thân vói tay chuẩn bị gỡ mảnh giấy che chữ bi thiếu. Cả một cõi không gian lại yên tĩnh lạ thường. Mọi người hồi hộp, nín thở. Những ánh mắt như dán chặt vào bàn tay xinh xinh của người thiếu nữ.
- Khoan, khoan, chờ chút, còn tôi nữa!
Một thanh niên từ phía sau hớt hải rẽ đám đông tiến lên chiếc bàn kê ở giữa. Đưa một đồng cho thiếu nữ áo xanh có trách nhiệm tại bàn, anh bảo:
- Cô đổi cho tôi một phiếu và đặt hộ vào chữ “trăng”, số 5 đó!
Đưa cánh tay lên ngang mặt và gập lại thành một hình vuông thước thợ để biểu lộ sự quyết thắng, anh nói với những người chung quanh bằng một giọng chắc nịch: “Tôi nhớ mang máng câu thơ này mà. Năm ngoái thua cả đôi ba chục bạc, năm nay nhất định phải thắng lớn. Bế môn luyện công mấy tháng trời rồi đấy!”. Lời nói của anh phảng phất một thanh âm tự tin đến độ có đôi ba người chuyển tiền từ những ô khác sang ô số 5.
Trên bục cao, người thiếu nữ lại đưa tay chạm vào mảnh giấy. Hán tử khăn đống áo dài hô to: “và thấy trong... trong ... trong...”
Thiếu nữ lật mạnh bàn tay, tấm giấy xanh rời ra, để lộ một chữ viết bằng mực đỏ.
- Trong “kinh” đủ bóng hình! Số 2 thắng! Số 2 thắng! Xin chúc mừng quý vị đặt số 2!
Cả một khu rộng lớn bỗng vang dậy tiếng reo hò tở mở của người đặt trúng xen lẫn với tiếng suýt soa của kẻ đặt sai. Các thiếu nữ phụ trách gian hàng tíu tít bận rộn trong việc thu tiền và chung tiền.
- Sao lại là “kinh”? Ông Du Tử Lê có đi tu hồi nào đâu! - tiếng một phụ nữ phản đối.
- Hình như có lần ông ấy thương một ni cô. - hán tử cười cười nói đại - Bài thơ có tên “vì em tôi đã làm sa di” đấy!
Vài người gật đầu, tỏ vẻ giác ngộ. Ở trên bục cao, người thiếu nữ áo tứ thân mỉm cười, lật tờ giấy ra phía sau. Những câu thơ mới được trình làng. Cuộc chơi tiếp tục.
***
Đối với đồng hương tại
Thả Thơ là một thú vui tao nhã rất được sự ưa chuộng của các nhà nho thuở xưa. Thú vui này đã được nhà văn Nguyễn Tuân kể lại qua hai truyện ngắn trong tác phẩm bất hủ Vang Bóng Một Thời của ông. Truyện đầu mang tựa đề Thả Thơ mà trong đó, sự giải thích quy luật của trò chơi được lồng vào những buổi thả thơ trên sông do một quan nghè về hưu chủ xướng. Truyện sau có tên Đánh Thơ, thuật chuyện một đôi tài tử giai nhân nặng nợ giang hồ, thơ một túi, đàn một cây, đi khắp giải đất miền Trung để đem thi ca bầy cuộc cờ bạc cùng thiên hạ. Cả hai truyện đều hay, đặc biệt là Đánh Thơ. Lý do bởi trong truyện này, bên cạnh những tiếng bình thơ, tiếng ngâm thơ, tiếng nguyệt cầm, và những thanh âm khác nơi chiếu bạc, là sự hiện diện của một nhan sắc đầy quyến rũ, từng khơi động bao ước muốn của những người đàn ông thanh lịch chốn thần kinh.
Quy luật thả thơ của các cụ và quy luật cải biến của hội VHKHVN
Quy luật áp dụng cho trò chơi thả thơ của các cụ có thể được tóm tắt như sau [1]:
Cuộc vui thả thơ thường được bầy ra trên mặt chiếu tại một tư gia với sự tham dự của khoảng mươi, mười lăm người. Kẻ tổ chức cuộc chơi, thường được gọi là nhà cái, chọn một câu thơ thất ngôn viết vào một mảnh giấy trắng, chiều dài gần bằng chiếc đũa và bề ngang to gấp đôi bề dầy một ngón tay.
Điểm đặc biệt là câu thơ chỉ được ghi sáu chữ. Chữ còn lại đuợc thay thế bằng một khuyên tròn và được gọi là chữ “vòng”. Thí dụ như nhà cái thả câu “quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần” (anh đến Tiêu Tương, tôi đến Tần) của Trịnh Cốc và chọn chữ “hướng” thứ hai làm chữ vòng, người này sẽ viết vào mảnh giấy “quân hướng Tiêu Tương, ngã O Tần”. Tiếp theo, nhà cái sẽ quyết định một chữ cho chữ được vòng. Nếu chọn chữ “phản” (đi về), nhà cái sẽ viết chữ này vào đầu mảnh giấy rồi cuộc tròn đầu giấy như cái tổ sâu kèn để giấu đi, chỉ chừa hở khoảng viết mấy chữ “quân hướng Tiêu Tương, ngã O Tần”. Lúc trình làng câu thơ thì phải ngâm hoặc đọc “quân hướng Tiêu Tương, ngã vòng Tần”.
Sau khi câu thơ được đặt trên mặt chiếu, trước mặt các khách chơi, nhà cái sẽ đưa ra các chữ thả, thông thường là năm chữ, để khách chọn điền vào chữ được vòng, thí dụ như các chữ “cố” (ngoảnh lại), “tại” (ở), “vọng” (ngóng về), “phản”, và, dĩ nhiên, cả chữ “hướng” trong nguyên văn. Đợi đến lúc mọi người đã chọn chữ mà đặt bạc, nhà cái mới khe khẽ thổi cho đầu giấty sâu kèn từ từ dãn ra, để lộ chữ “phản” cho mọi người trông thấy. Ai chọn chữ “phản” là đặt đúng, đặt một đồng thì được ba đồng.
Thể thức thả thơ của các cụ tuy mang tính cách văn chương nhưng dựa khá nhiều trên sự may rủi. Lý do là nhà cái có toàn quyền thay thế nguyên văn câu thơ ở chữ “vòng”, nên khách tham dự cuộc chơi cần đoán đúng ý nhà cái chứ không cần thiết phải thuộc nhiều thơ. Hơn nữa, chữ “vòng” ở cùng một câu thơ có thể được nhà cái thay đổi trong một kỳ thả thơ khác. Với thí dụ vừa nêu, nhà cái có thể dùng chữ “cố” cho chữ vòng trong kỳ thả thơ kế tiếp tại cùng địa điểm
Trò chơi thả thơ của tiền nhân đã được hội VHKHVN thay đổi một phần quan trọng để cống hiến khách yêu thơ tại hải ngoại. Thứ nhất, các câu thơ thả không phải chỉ bó buộc theo thể thất ngôn mà thuộc nhiều thể thơ vần như thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bẩy chữ, và lục bát. Thứ hai, nhà cái không trình làng một câu như các cụ mà là bốn câu cho thơ bốn chữ, năm chữ, và hai câu cho các thể khác. Thứ ba, các chữ “vòng” là nguyên văn tác giả dùng cho câu thơ. Những thay đổi về quy luật vừa kể khiến khách yêu thơ có xác xuất đặt trúng cao hơn nhiều so với thể thức thả thơ của các cụ. Đặc biệt là điều cải biến sau cùng mang lại lợi thế cho những vị khách thuộc nhiều thơ, hoặc hiểu biết sâu rộng về thi ca để có thể đoán được khuynh huớng của các thi nhân nổi tiếng.
Như đã được trình bầy ở phần mở đầu, tại gian hàng, các câu thơ thả được viết trên một tập giấy lớn (flip chart), đặt trên giá cao. Một chữ trong các câu này bị che khuất bằng một mẩu giấy. Bên dưới câu thơ có ghi năm chữ theo thứ tự từ 1 đến 5 để khách tham dự chọn cho chữ bị che. Khi mọi người đã chọn chữ mình cho là đúng và để tiền vào ô số dành cho chữ này, người điều khiển sẽ gỡ mảnh giấy che. Sau đó, các người phụ trách gian hàng sẽ thu tiền kẻ đặt sai và chung tiền kẻ đặt trúng. Đặt một ăn một hoặc một ăn hai tùy theo câu thơ nhà cái nghĩ là khó hay dễ đoán. Thỉnh thoảng, có câu đặt một ăn đến ba.
Bên cạnh những thay đổi về luật lệ, trò chơi đã được hội VHKHVN thực hiện theo một hình thức mới để gây hứng khởi cho người tham dự. Thông thường, thành phần điều hành một buổi thả thơ bao gồm ba nhân vật chính: người điều khiển chương trình, người diễn ngâm các câu thơ thả, và một thiếu nữ mặc y phục cổ truyền đứng trên bục cao phụ trách việc trình làng các câu thơ cùng gỡ mảnh giấy che chữ thả khi mọi người đã đặt tiền. Người điều khiển cần có khả năng đối đáp bén nhậy, dí dỏm và một kiến thức tạm đủ về thi ca để có thể luận bàn về các câu thơ đem thả. Người ngâm thơ cần biết ngâm nhiều thể loại khác nhau. Người thiếu nữ, dĩ nhiên, cần một dung mạo mà khách tham dự có thể thấp thoáng trông thấy qua một số câu thơ.
Về các câu thơ thả, chúng tôi đã cố gắng chọn lựa những câu thơ hay của các thi sĩ nổi tiếng để trình làng và luân phiên thay đổi câu thơ với những thể khác nhau (ngũ ngôn, thất ngôn, hoặc lục bát), nội dung khác nhau (thơ vui hoặc thơ buồn, tả tình hoặc tả cảnh), và thời điểm sáng tác khác nhau (thơ cũ hoặc thơ mới) v.v... Một câu thơ thả đặc sắc phải hội đủ hai yếu tố. Thứ nhất, câu thơ vốn hay; và thứ hai, những chữ thay thế phải cùng hay để khi ghép vào, tuy đem lại ý nghĩa khác cho câu thơ, nhưng làm câu thơ nghe chẳng kém, hoặc có khi còn hay hơn nguyên văn. Một nguyên tắc chúng tôi luôn luôn tôn trọng là các câu thơ thả phải được trích ra từ những tác phẩm đã xuất bản. Ban điều hành phải sẵn sàng trình khách tham dự xem các câu thơ trong những tác phẩm này khi có sự đòi hỏi của khách. Chuyện này xẩy ra khá thông thường tại các gian hàng thả thơ.
Để tham dự cuộc vui, khách yêu thơ phải đổi tiền lấy các “phiếu đánh thơ”, mỗi phiếu trị giá một mỹ kim. Vì đây là trò chơi mang tính cách văn hóa nên ban tổ chức giới hạn số tiền đặt cuộc cho mỗi câu thơ là từ một cho đến ba đồng. Bất cứ lúc nào muốn ngừng chơi, khách có thể dùng các phiếu này để đổi lấy sách báo, băng nhạc, hoặc đổi lấy tỰền mặt nếu việc đổi tiền này không vi phạm luật lệ của hội chợ.
Thả Thơ Với Thơ Du Tử Lê
Có thể nói các câu thơ được hội VHKHVN đem ra cống hiến khách yêu thơ trong suốt bốn năm qua là những câu thơ thật hay, tiêu biểu cho các khuynh hướng sáng tác từ đời nhà Lý đến hiện đại. Trong số các thi sĩ có thơ được chọn để bầy cuộc vui, thơ của anh Du Tử Lê chiếm phần đa số. Lý do rất đơn giản, tôi là người phụ trách chính trong việc chọn các câu thơ thả, và đối với tôi, ngoài số lượng phong phú với đủ thể loại, thơ anh tuyệt hay, đặc biệt là thơ tình. Tôi yêu những bài thơ anh viết từ những ngày tôi còn là cậu bé con, lẫm chẫm vụng về khua những đường gươm đao tình ái đầu đời. Tôi cũng yêu những bài thơ anh sáng tác sau này, dẫu rằng tự bao giờ kiếm đã phong, đao đã gói. Vâng, tôi yêu lắm lắm những bài thơ mang âm hưởng bồng bềnh của anh, thứ âm hưởng có thể len lỏi vào từng ngõ ngách của tâm hồn ta; rồi mơn trớn, rồi vuốt ve, và thấm lần vào các tế bào của cảm nhận. Đọc những bài thơ ấy, thoắt cái, ta thấy hồn mình dậy lên một nỗi buồn dịu dàng, man mác (có bài thơ tình tuyệt tác nào mà lại không phảng phất nỗi buồn?). Cuộc đời vốn mười phần thì bẩy tám chẳng được như ý, chửa đủ buồn sao hà cớ lại tìm thêm cái buồn mà đến, cho nó vận vào người? “Mỗi lời là một vận vào khó nghe” mà! Không, tôi không hoàn toàn tin câu nói ấy của cậu em Vương Quan dùng để khuyến cáo cô chị Thúy Kiều. Có những vần thơ làm dậy trong ta một nỗi buồn nhẹ nhàng, tha thiết khiến tâm hồn ta đẹp hơn, thơm tho hơn, và làm cuộc đời ta có ý nghĩa hơn. Bạn ngờ vực ư? Bạn cứ thử đọc xem:“Lối mòn cỏ lợt mầu sương; lòng quê đi một bước đường một đau” của Nguyễn Du đấy! “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp; con thuyền xuôi mái nước song song; thuyền về nước lại sầu trăm ngả; củi một cành khô lạc mấy dòng” của Huy Cận đấy! “Tôi ngồi trong cõi tôi riêng; bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng rời; phòng tôi trần thiết gương người; tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa; tóc người chẩy suốt cơn mưa; ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về”, của Du Tử Lê đấy! Bạn đọc xong rồi ư? Hãy khép hờ đôi mắt và lắng nghe thử xem. Phải chăng tâm hồn bạn như đang man mác một thứ hương thơm của đời? Đấy, tôi nói nào có sai. Bạn tin tôi rồi, phải không?
Trở lại với trò chơi thả thơ, thêm một lý do khiến chúng tôi sử dụng nhiều thơ của anh vì ngôn ngữ trong thơ anh linh động vô cùng. Theo tôi thì bên cạnh khả năng xếp chữ thành thơ, một nhà thơ cần có một tâm hồn nhậy cảm và một trí óc bén nhậy để ghi nhận chính xác những rung động của hồn.
Ở anh Du Tử Lê, là sự dư thừa những điều vừa kể. Người đương thời vừa không hoàn toàn cảm được những rung động của anh, vừa không bắt kịp ngôn ngữ anh sử dụng nên có lẽ đối với họ, chữ trong thơ của anh như hình ma bóng quỷ, thoắt cái thế này, thoắt cái thế kia. Hậu quả là thiên hạ càng khó đoán chừng nào thì quỹ của hội VHKHVN chúng tôi lại dồi dào thêm chừng nấy.
Có lần chúng tôi mang ra thả hai câu thơ sau đây của anh:
tìm em gió hú rừng hiu quạnh
ôi tấm lòng em như cẩm ___
Bên dưới câu thơ, có năm chữ để chọn: 1) nhung, 2) vân, 3) tâm, 4) văn, và 5) lai.
Hôm ấy, nhằm lúc giữ nhiệm vụ điều khiển trò chơi, tôi giải thích vắn tắt với các bạn trẻ rằng: 1) cẩm nhung là loại hàng vải quý có vân, 2) cẩm vân là một thứ cỏ thơm, 3) cẩm tâm có nghĩa lòng gấm, như câu thơ trong truyện Kiều “giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường”, 4) cẩm văn lấy từ chữ “chức cẩm hồi văn”, tên của điển tích ghi chuyện nàng Tô Huệ, đời nhà Tấn, thêu một bài thơ trên bức gấm dâng vua để xin cho chồng đang trấn thủ nơi xa được trở về, và 5) cẩm lai là một loại gỗ sắc vàng với những đường vân không đều mầu nâu sậm. Giải thích xong, tôi nhấn mạnh là trong năm chữ này, “cẩm lai” thích hợp nhất với chữ “rừng” ở câu trên.
Lúc bấy giờ, vì ngờ tôi giăng bẫy nên chỉ có một hoặc hai người chọn chữ số 5 còn hầu hết dồn tiền cho các chữ từ số 1 đến số 4, phần đông chọn số 2 hoặc số 3, tức là “cẩm vân” hoặc “cẩm tâm” . Lúc tấm giấy che được gỡ ra, cả làng ồ lên những tiếng thất vọng khi trông thấy chữ “lai”.
- Đã bảo “cẩm lai” hợp với chữ “rừng” mà không chịu nghe. Rừng thì phải có cây có gỗ chứ! - tôi đùa với mọi người.
- Lòng liếc gì mà lại ví như gỗ đá, làm mất toi đồng bạc - có tiếng phụ nữ cằn nhằn.
Tôi giải thích mò:
- Có lẽ ông ấy ví von lòng người với cẩm lai bởi loại gỗ này vừa quý, vừa đẹp, lại vừa chắc, chắc như tấm lòng chung thủy của ... của ...
- Của ai?
- Của ông Du Tử Lê!
Mọi người cùng cuời, có vẻ hả hê với một khám phá mới. Rằng ví von một tấm lòng chung thủy với cẩm lai nghe cũng đặng lắm chứ.
Như đã đề cập ở trên, tôi là người phụ trách chính trong việc chọn các câu thơ thả. Trong những năm qua, tôi được sự trợ giúp đắc lực của ba người bạn trẻ và cũng là hội viên hội VHKHVN: Diễm Hồng ở Knoxville, Tennessee; Lộc Quy ở Claymont, Delaware; và Hoàng Lan ở Atlanta, Georgia. Tuy trưởng thành tại Hoa Kỳ và theo đuổi các ngành khoa học kỹ thuật nhưng các cô rất sính thơ văn. Mỗi khi tổ chức gian hàng, mỗi người lại soạn gửi tôi độ mươi, mười lăm câu. Đặc biệt, giống như tôi, các bạn trẻ này đều yêu thơ anh Lê nên trong số này bao giờ cũng có vài câu của anh. Có lần cô Hoàng Lan thả hai câu trong bài “Tôi có người để nhớ đến tương tư”:
gọi tên nhau - cho biển hết bồi hồi
hôn nhau nữa - cho đời sau có sử
Trong hai câu thơ trên, cô thả ở chữ “sử” và đưa ra các chữ để chọn gồm: “sử”, “mộng”, “bão”, “sóng”, và “truyện”. Tôi nhớ là hầu như không người nào đánh trúng câu này. “Nụ hôn ta sẽ làm nên lịch sử!” Ít ai có thể ngờ trên cuộc đời đầy hệ lụy này, có kẻ lại quan trọng hoá một nụ hôn đến là dường ấy.
Du Tử Lê là một trong số rất ít thi sĩ làm thơ tuyệt hay với đủ mọi thể loại. Tuy nhiên, có lẽ anh được nhắc nhở nhiều nhất với thể thơ lục bát. Lý do là trong suốt ba thập niên qua, anh đã liên tục thực hiện các cuộc cách tân thể thơ này. Những bài thơ của anh, tuy vẫn có âm hưởng bềnh bồng quyến rũ của những bài lục bát tuyệt vời, nhưng lại mang một tiết điệu khác lạ. Kể từ giữa thập niên 60, anh đã bước những bước mạo hiểm đầu tiên là thay thế lối ngắt nhịp chẵn cho cả hai câu hoặc nhịp lẻ đều (3-3) ở câu sáu bằng một thứ nhịp chúng ta tạm gọi là nhịp lẻ đơn hay nhịp chỏi. Thí dụ như hai câu sau đây trong một bài thơ sáng tác năm 1966:
phố cao, gió nổi, bóng mờ (2-2-2)
đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi (2-2-3-1)
Đề cập đến cuộc cách mạng thứ nhất này, có lần nhà thơ giải thích sở dĩ anh dùng nhịp chỏi cho một số câu lục bát là để diễn đạt trung thực của sự cảm nhận từ một thế giới đầy xáo trộn, đầy bất trắc của thời đại chúng ta hôm nay. Ít lâu sau, có lẽ anh cảm thấy trong một vài trường hợp, dấu phẩy chưa đủ để diễn tả điều cần diễn tả. Nó còn hiền từ quá, còn dịu dàng quá. Thế là dấu chấm được giao ngay nhiệm vụ. Trong hai câu thơ sau của anh, hai dấu chấm đặt ở trước hai chữ “thôi”, khiến người đọc không khỏi không liên tưởng đến hai khoảnh khắc im lặng đột ngột, được tiếp nối bởi hai tiếng thở dài:
cũng đành. Thôi cũng đành. Thôi
sáng, em chải lại đường ngôi chia lìa
Vài năm sau, nội công tăng mấy thành công lực, nhà thơ lại làm thêm một chuyến cách mạng. Lần này, anh lôi một số ngôn từ kép trong thơ ra, vận nội lực bẻ làm đôi rồi gắn trả lại câu thơ. Nói theo danh từ kiếm hiệp thì đây là chiêu thức “bẻ chữ, thêm nghĩa”. Chẳng hạn như hai câu nêu trên, nếu được sáng tác trong giai đoạn này, tôi tin là anh sẽ viết như sau:
cũng đành. Thôi cũng đành. Thôi
sáng, em chải lại đường ngôi chia, lìa
Bạn thấy sự khác biệt chăng? Dấu phẩy ở giữa hai chữ “chia lìa” đấy! Thêm dấu phẩy này, câu thơ vừa có thêm một nhịp chỏi (1-3-2-1-1 thay vì 1-3-2-2) vừa rõ thêm nghĩa là chia đôi xong rồi mới lìa xa biền biệt.
Sau một thời gian nghịch ngợm với những chấm, phẩy, phẩy, chấm; cơn hứng thú ban đầu ngó bộ cũng hơi giảm. Nhà thơ ngồi bần thần suy nghĩ...
Suy nghĩ... suy nghĩ... suy nghĩ... và rồi, sáng chế ra một món đồ chơi mới: dấu gạch chéo (back slash, /). Theo quy ước anh đặt ra, khi một chữ hay một nhóm chữ của một câu thơ được ngăn chia bằng một hay nhiều dấu gạnh chéo, độc giả có thể tự hoán vị các chữ hay nhóm chữ này tùy ý thích mỗi người. Thí dụ như hai câu dưới đây là nguyên văn trích trong bài “Tôi Nào?” của anh:
rừng trồi / hương / nuôi môi / vui
hạt khuya rụng / đỏ / góc nguôi, lắng, chờ
Với cuộc cách mạng này, nhà thơ đã giao một phần sáng tác cho người đọc. Chẳng hạn như trong câu thơ thứ hai nêu trên, bạn có thể tự chọn một trong sáu câu sau đây để ngâm nga:
hạt khuya rụng đỏ góc nguôi, lắng, chờ
hạt khuya rụng góc đỏ nguôi, lắng, chờ
hạt khuya đỏ rụng góc nguôi, lắng, chờ
hạt khuya đỏ góc rụng nguôi, lắng, chờ
hạt khuya góc rụng đỏ nguôi, lắng, chờ
hạt khuya góc đỏ rụng nguôi, lắng chờ
Ngày giờ thấm thoát thoi đưa, lá ngô đồng rụng thêm vài lớp nữa, công lực nhà thơ lên đến bậc thượng thừa. Một lần nữa, bậc cao thủ lại hạ sơn, xuất chưởng. Lần này, anh phá bỏ cả luật bằng trắc của thể thơ đã từng đưa địa vị cụ Nguyễn Du lên ngôi bắc đẩu chốn giang hồ. Trong một số trường hợp, anh đã bỏ âm trắc bắt buộc ở chữ thứ 4 của câu sáu để tăng thêm cường độ các tâm trạng rã rời, buồn thảm, và tuyệt vọng v.v.. Thí dụ:
ngày tôi ngày tôi băng ngàn
trí khô hốc đá thân lành mũi dao
Tự dưng tôi có một ý tưởng nghịch ngợm khá thú vị: giả tỉ tôi là anh Du Tử Lê, ngày hôm nay tôi nhất quyết uốn nắn lại câu thơ “cũng đành...” của thời xưa cũ như sau (phải đổi “chải lại” thành “rẽ chải”, trân trọng xin lỗi anh Lê nhé!):
thôi đành. Thôi đành, đành. Thôi
sáng, em rẽ / chải đường ngôi. Chia. Lìa
Chữ nghĩa đã bị bẻ vụn, thể thơ ở câu sáu đã bị phá tung, chấm chấm phẩy phẩy đã ngang dọc tung hoành, lại được bổ xung quân số bằng một đường gạch chéo. Tuyệt! “Rẽ, chải” hay “chải, rẽ”? Bạn thích thế nào tùy bạn. Em tách khỏi anh, rẽ vào một ngã ba ngã bốn để chải lại cuộc đời? Hay em chải lại những rối ren của lòng trước khi rẽ đời sang hướng khác? Vâng, tùy bạn - và, dĩ nhiên, tùy em.
Tôi dài dòng đôi chút về sự nghiệp “cách mạng” của nhà thơ cốt để nhấn mạnh một điều: Đã được thượng đế ban cho một trí tưởng tượng phong phú đến tận cùng, anh lại còn vầy vò, đảo lộn ngôn ngữ thi ca như thế, người đời làm sao theo kịp. Người đời không theo kịp thì sao? Xin thưa: thì chúng tôi tha hồ vơ tiền thiên hạ trong các lần thả thơ bằng thơ của anh. Thú thật, mỗi lần nghe tin anh xuất bản một tập thơ mới, là chúng tôi lại lòng vui như mở hội.
Bạn vẫn còn đôi chút ngờ vực ư? Xin mời bạn thử thời vận qua vài câu thơ sau.
trưa về trên ___ xanh non
gọi tôi cát ẩm, bãi còn sông, trôi
1) lũng 2) rẫy 3) nương 4) đồng 5) non
giường tôi, giường ___: hơi người
mốc chăn gối lạnh. Hồn hồi dương. Khô
1) nhớ 2) vắng 3) nhạt 4) khuya 5) tôi
Khi thả những câu lục bát của Du Tử Lê mà chữ bị che là chữ thứ 4 của câu sáu và các chữ để chọn có cả âm bằng lẫn âm trắc như hai thí dụ nêu trên, chúng tôi luôn luôn trình bầy cùng khách tham dự về cuộc cách mạng “phá thể” do anh khởi xướng. Vì vậy, có thể nói chúng tôi đang là những cán bộ nỗ lực tuyên truyền cho lý thuyết cách mạng của anh. Tuy nhiên, hoặc vẫn chưa thể quen với tiết điệu lạ của một câu sáu với tất cả âm bằng, hoặc ngỡ chúng tôi nhắc đến cuộc cách mạng phá thể này để đánh lừa họ, hầu hết khách tham dự trò chơi thường chọn các chữ có vần trắc để đặt.
Bạn cảm thấy đặt tiền vào mấy câu thơ phá thể kiểu này coi bộ khó ăn quá phải không? Chẳng sao, tôi hiểu tâm trạng e dè của bạn mà. Hay là, mời bạn thử thời vận qua đôi câu bẩy chữ sau đây.
vết son trên tách trà bông cúc
vai ghế còn thơm sợi tóc, ___
1) vương 2) rơi 3) rời 4) người 5) còn
lòng tôi lũng thấp ___ hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
1) tâm 2) mưa 3) đêm 4) rừng 5) buồn
nhớ ai mùi tóc thơm hương ___
những bậc thang lên cõi biệt. Lìa
1) cốm 2) tối 3) suối 4) . Tóc 5) . Nhớ
Trong năm chữ ghi trên, bạn cần ghi nhận là trước chữ “Tóc” ở số 4 và chữ “Nhớ” ở số 5 có dấu chấm đấy nhé.
Bạn đã đặt tiền xong xuôi rồi phải không? Mời bạn xem giải đáp ở phần ghi chú [2]. Bạn vẫn còn ngần ngừ cơ à? Đã quá quen thuộc với những lối cách tân anh Du Tử Lê ứng dụng cho các thể thơ mà bạn còn bối rối đến thế, huống chi là bàn dân thiên hạ.
Trong phần kế tiếp, tôi xin kể với các bạn câu thơ thú vị nhất trong số hàng ngàn câu thơ chúng tôi đã sử dụng ở các buổi thả thơ. Đây cũng là câu thơ đã mang lại số lời nhiều nhất cho gian hàng.
Một buổi đêm của hơn hai năm về trước, trong lúc ngồi soạn thơ để thả cho hội chợ Tết 1996, tôi bắt gặp bốn câu thơ năm chữ của anh Lê. Vừa thoáng thấy câu thơ, tôi đã mừng như kẻ khó bắt được vàng. Kết quả là bốn câu này được mang trình làng tại hội chợ năm ấy:
ngôi nhà như trí nhớ
tiếng quạ như ngày mưa
ai buồn như tổ quốc
hồn sầu như quê ___
1) nhà 2) hương 3) xa 4) xưa 5) chưa?
Tôi còn nhớ, ngay khi vừa trông thấy câu thơ và các chữ để chọn, nét mặt hơn trăm vị khách yêu thơ xúm xít quanh gian hàng bỗng rạng rỡ một cách lạ thường. Tất cả đều kết hoặc chữ “xưa” hoặc chữ “chưa?”; kể cả một nhà thơ nổi tiếng và một nhà văn lừng lẫy của văn học Việt Nam đang hiện diện lúc bấy giờ. Thiên hạ tranh nhau ném các phiếu tiền vào ô số 4 và 5. Chẳng mấy chốc, những phiếu xanh xanh bề dài chỉ độ đốt ngón tay đã họp thành một tụ cao và che kín diện tích của hai ô số vừa kể. Thông thường, mọi người chỉ đặt một đồng cho mỗi câu thơ nhưng riêng câu này, đa số đặt đến mức tối đa là ba đồng. Thêm nữa, vì đây là câu thơ đặt một ăn hai, nên có người cẩn thận đặt cả hai số 4 và 5 cho chắc. Thua một nhưng ăn đến hai cơ mà, còn lời chán. Làm sao có thể thua được vì trong năm chữ để chọn, chỉ có “xưa” và “chưa?” là cùng vần với chữ “mưa” ở câu thứ hai. Thơ ông Du Tử Lê chứ bộ, đâu phải thơ... con cóc mà thua!
Tuy nhiên, khi tấm giấy che chữ nguyên văn của tác giả được gỡ ra, cả một cõi không gian đang náo nhiệt giọng nói tiếng cười đột nhiên chết sững trong khoảnh khắc, rồi nổ bùng lên những ồn ào phản đối.
- Thơ gì kỳ cục vậy? Xin cho xem nguyên tác!
- Có ngay, xem này, “Du Tử Lê, Tác Giả Và Tác Phẩm”, tập 1, trang 92. Đấy, anh thấy rõ chưa, chị trông kỹ chưa. “Xa” rành rành ra đấy.
Hôm ấy, tôi vắn tắt trình bầy với mọi người là nếu ở địa vị khách chơi, tôi cũng sẽ chọn giống như họ. Lý do là nhà thơ sử dụng vần “rộng” trong khi tâm hồn chúng ta còn bị gò bó trong khuôn khổ vần “hẹp” của thi ca. Sau này, nghĩ lại, tôi cảm thấy thán phục cách dùng chữ của anh vô cùng. Chữ “xa” trong câu thứ tư làm tôi liên tưởng đến nhận định của nhà văn Doãn Quốc Sỹ về chữ “hà” lạc vận trong bài ca dao Đêm Buồn, bài ca dao tôi nghĩ là độc đáo nhất của dân tộc chúng ta.
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải ngân hà,
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chẩy hãy còn trơ trơ.
Đề cập đến bài ca dao, trong tác phẩm Người Việt Đáng Yêu, ông Doãn Quốc Sỹ viết: “Mờ với Hà vần lạc đi một chút như ánh sáng (của vì sao) gặp mặt nước bỗng chệch đường. Phải chăng chính đó là lúc hồn thơ vừa thoát được sức hút của trái đất, thoát được sức hút của hạ giới mà nhập vào vũ trụ, nơi có lẽ là siêu âm thanh, siêu thời gian, siêu không gian nên giọng điệu mới chợt lạc đi như vậy” [3].
Bây giờ, bạn thử nghe lời tôi xem. Bạn hãy nhắm mắt lại và thầm đọc bốn câu thơ vừa rồi của anh. Phải chăng khi đọc đến câu “tiếng quạ kêu ngày mưa”, trong trí bạn chợt lung linh ẩn hiện những hình ảnh, âm thanh ở “nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên; giang phong ngư hỏa đối sầu miên” cũa Trương Kế thuở trước? [4]. Một vành trăng lưỡi liềm lơ lửng giữa không trung; một cõi sương mù bềnh bồng, la đà trên sóng nước; có ánh lửa thuyền chài thấp thoáng xa xa; và rải rác, có tiếng quạ não nuột kêu trong đêm gió lạnh. Những hình ảnh ấy, những âm thanh ấy thấm dần qua từng tế bào nhậy cảm, rồi nhập thêm vào khối buồn xa xứ đã đọng sẵn trong tâm hồn bạn. Và rồi, “hồn sầu như quê xa”, cái âm thơ hơi lạc vận tạo thành một sức chấn động, va mạnh vào khối buồn, làm khối buồn nở bung, trải rộng ra bên ngoài. Thế có nghĩa bạn đang buồn từ trong buồn ra đến ngoài, buồn ra mãi, ra xa, xa tắp (tôi đi guốc vào bụng bạn mà). Tất cả cũng chỉ bởi “lòng quê đi một bước đường một đau”, “xa” chừng nào thì hồn sầu thêm chừng nấy. Tuyệt! “Xưa” với “chưa” làm sao mà bì được.
Có lần, một người bạn trẻ sính làm thơ hỏi tôi tại sao nhiều câu thơ của Du Tử Lê vượt ra ngoài khuôn khổ, luật lệ của thi ca mà đọc lên nghe “phê” quá.
Tôi không trả lời thẳng mà chỉ trích dẫn một lời Phật dậy trong kinh Bát Nhã, đại khái là “đạo như chiếc thuyền đưa người sang sông, khi sang đến bờ rồi thì bỏ thuyền lên bờ mà đi, chứ vác mãi thuyền làm gì”. Thấy bạn cười tỏ vẻ tán thành, tôi nói thêm: “nhưng cậu này, mình còn cần cái thuyền ấy khá lâu, nhiều phần là cần suốt đời đấy; cái bờ nó còn tít mù chửa thấy đâu, nói chi chuyện sang với đến; thôi, đừng mơ hão, tiếp tục chèo đi”. Bạn lại cười tán thành, bảo: “dĩ nhiên, dĩ nhiên!”.
Cách nay vài hôm, được biết tôi chuẩn bị viết bài này, một người bạn ở xa cho tôi biết anh hiện có trong tay tập thơ nhan đề “Lục Bát Tình”, do thân nhân từ Việt
cũng đành người đã quên tôi
con chim nào cũng một lời kêu than
cây phong đã đỏ lá vàng
quán sâu tôi quấn khăn quàng đợi đêm
phải người quá nhẹ chân êm
tôi nghe như thể gió vin cửa ngoài
cũng đành người đã ham vui
núi non nào cũng một đời cô đơn
tuyết trên mái cổ nghiêng hồn
dưới chân cổ tượng cũng bồn chồn theo
xe không nào sẽ qua đèo
đêm nay chắc lá lại nhiều chiếc rơi
cũng may tôi có một đời
để đau, để khổ, để ngồi trông thư
(Dinfos 11-69)
Đọc hàng lạc khoản, chúng ta biết anh Lê sáng tác bài thơ này khi sang tu nghiệp tại Hoa Kỳ trong năm 1969.
Có lẽ những người theo dõi sinh hoạt nghệ thuật tại quê nhà trong hơn hai thập niên qua vẫn nhớ là mới chỉ một thời gian ngắn trước đây, thơ anh Lê còn bị xem như một thứ quốc cấm, sản phẩm của “bọn biệt kích văn nghệ”, nói theo ngôn từ của nhà cầm quyền. Tại quê nhà, khoảng hơn hai năm trước, trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam, hội âm nhạc đã công bố danh sách những nhạc phẩm hay nhất theo sự chọn lựa của quần chúng. Trong số những nhạc phẩm này có “Trên ngọn tình sầu” do nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc từ một bài thơ của anh. Ấy thế nhưng khi công bố kết quả, người ta chỉ ghi tác giả là Từ Công Phụng. Họ vẫn còn bị dị ứng với tên anh.
Qua những kinh nghiệm ở quá khứ, nguồn tin nỗ lực cách tân thi ca của anh Lê được ghi nhận trong một tuyển tập xuất bản tại Việt Nam, có lẽ đã mang một ngạc nhiên không nhỏ đến với nhiều người. Tuy nhiên, với tôi, đây là một điều sớm muộn cũng phải xẩy đến. Người ta có thể lật đổ một triều đại hay một chế độ nhưng không thể trói buộc tâm hồn con người, nhất là thứ tâm hồn luôn luôn khát khao đón nhận những chân thiện mỹ của nhân loại. Vì lý do này, trong hơn hai thập niên qua, dù bị cúp hộ khẩu và bị truy lùng ráo riết, những bài thơ tuyệt vời của miền Nam giai đoạn 54-75 vẫn dễ dàng tìm được nơi an toàn để trú ẩn. Đó là những hang cùng ngõ thẳm sâu kín nhất của lòng người. Những bài thơ ấy, chúng không chết thì sẽ có ngày chúng công khai lộ diện. Ông Hồ Quốc Nhạc và ông Hiếu Dũng đã làm một điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu không có các ông ấy hôm nay, chắc chắn sẽ có những ông Nhạc ông Dũng khác của ngày mai. Vấn đề chỉ là yếu tố thời gian. Và, có vẻ như, thời gian đã bắt đầu chín đủ.
***
Hôm giữa tháng giêng vừa qua, anh Du Tử Lê được hội Người Việt Cao Niên tại Austin, thủ đô của Texas, mời đến thành phố này thuyết trình về đề tài “Nhu cầu đổi mới văn chương” trong một buổi hội thảo do hội tổ chức. Xong việc, trên đường trở về California, anh ghé Houston độ đôi ba giờ và điện thoại rủ một vài thân hữu ra quán nước ngồi hàn huyên. Gặp nhau hôm ấy có anh, tôi, anh Lê Văn Hào, và anh Đăng Khánh, người phổ nhạc hai bài thơ của anh là “Em ngủ trong một mùa đông” và “K-khúc của Lê”. Trong câu chuyện, anh có kể việc Tủ Sách Văn Học Nhân Chứng dự định xuất bản tuyển tập “Du Tử Lê, Tác Giả và Tác Phẩm”, tập III. Tôi nổi hứng, chiêu một ngụm bia, bảo: “em sẽ viết một bài về thơ anh”. Anh có vẻ vui.
Nói thì hăng thế nhưng đến lúc chuẩn bị viết thì tôi hãi. Ngày trước, ông Cao Bá Quát từng dơ hai tay lên trời, lắc đầu chịu thua mà phát ngôn rằng “thi chi nan ngôn giã” (thật khó mà nói chuyện thơ). Mấy năm trước đây, ông thày cũ ở Chu Văn An của tôi là nhà thơ Đỗ Quý Toàn, sau khi làm thơ suốt hơn nửa đời người, đã triết lý một câu rất cao siêu là “thơ cũng giống như hạnh phúc, nói khó lắm”. Tôi đã hàng trăm lần nghe Ý Lan hát bài “Trên ngọn tình sầu“ của anh với những câu mở đầu “hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi ...” nên tôi biết hạnh phúc là thế nào rồi, quả thật là khó nói! Vậy thì, tôi dại gì mà nói về thơ.
Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy; nhưng đã hứa rồi thì sao đây? Đang cơn bối rối, tôi nẩy ra ý định viết về trò chơi thả thơ của hội chúng tôi. Chẳng gì chúng tôi đã mang một món nợ ân tình đối với anh. Trong bốn năm qua, những câu thơ hay và lạ của anh vừa đem lại thêm sinh động cho các buổi thả thơ, lại vừa giúp chúng tôi lắm phen vơ tiền của thiên hạ. Tôi vẫn biết ăn tiền của người, nhất là của những kẻ yêu thơ, là điều không nên không phải. Đức Khổng Tử đã chẳng dậy “quân tử dụ ư nghĩa, bất dụ ư lợi” đó sao? Nhưng, chúng tôi biết làm thế nào bây giờ? Lỗi đâu phải ở chúng tôi. Lỗi ở những vần thơ của anh Lê đấy chứ!
Vâng, với tôi, thơ quả là khó nói. Trong cuộc đời đầy hệ lụy này, tôi đã từng đọc biết bao bài nhận định thơ, phê bình thơ. Người ta viết thế nào là ý, là tứ, là cấu trúc, là bố cục, là nội dung, là hình tượng, là ngôn ngữ, là âm thanh, là tiết điệu, vân vân và vân vân... của một bài thơ hay. Những thứ này vượt khỏi kiến thức và khả năng khiêm tốn của tôi. Tôi đến với thơ bằng một tấm lòng đơn giản, như ngày trước ông Xuân Diệu đã đến với tình yêu: “ai đem phân chất một mùi hương; hay bản cầm ca, tôi chỉ thương; chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc; như thuyền ngư phủ lạc trong sương”.
“Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc; như thuyền ngư phủ lạc trong sương”. Vâng, tôi đã đối đãi với thơ như thế kể từ ngày mới lớn, và chỉ muốn như vậy suốt phần đời còn lại. Với tôi, thơ cũng rất thân tình, đến với tôi lắm buổi không một lời hẹn trước, dù giữa một đêm thanh vắng hay trong một sớm mai nắng chan hòa, dù ở lúc nhàn hạ bên tách cà phê nơi góc vườn hay khi đang lao đao với những công thức toán trong giờ làm tại sở. Những khoảnh khắc ấy, tôi là thuyền lạc trong sương và thơ là những đợt sóng nâng tôi lên cao, vượt trên mọi hệ lụy của cuộc đời. Trong những đợt sóng ấy, tôi biết chắc, có những đợt êm đềm nhất là những bài thơ của anh, anh Lê.
Giờ đây, tôi đang ngồi ở những phút giây sau cùng của buổi tối cuối tháng hai, vừa viết bài vừa lắng nghe CD nhạc “Quê hương là người đó”, gồm những thi phẩm phổ nhạc của anh Lê trong suốt 30 năm trời tận tụy với chữ nghĩa. Bên tai tôi, tiếng hát của Vũ Khanh và Ý Lan đang quyện vào nhau ở những tiếng ngân cuối cùng của bài Khúc Tháng Hai, do Trần Duy Đức phổ nhạc:
tôi đã buồn hơn chiếc bóng tôi
mai kia tôi sẽ bỏ xa đời
tuổi, tên, thôi cũng đi về đất
riêng ở nơi này vẫn tháng hai
Về đất! Vâng, một ngày nào đó chúng ta sẽ đi về đất, và cuộc đời vẫn trôi theo những quy luật của cuộc đời. Từng tháng hai sẽ đến, từng tháng hai sẽ đi, trăng sẽ tàn, rồi trăng lại tỏ.
Nhưng, tôi có thể đoan quyết rằng, những tháng hai ngày mai cũng giống như tháng hai ngày hôm nay: tháng hai có những nguời yêu nhau, và, tháng hai có thơ Du Tử Lê.
Những người ở thế hệ mai sau ấy! họ sẽ phải yêu nhau như chúng ta bây giờ. Họ hạnh phúc, họ đọc thơ anh để hạnh phúc của họ được đẹp hơn. Họ đau khổ, họ đọc thơ anh để đau khổ của họ được đẹp hơn. Và, đối với những người đang đau khổ, họ sẽ hiểu rằng khổ đau là con đường họ phải kinh qua, để có thể đến được khu vườn hạnh phúc.
Như chúng ta, những người yêu thơ anh, đã hiểu!
Houston 28/2/1998
Phần Viết Thêm
Mùa thu năm 1971, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, tôi nộp đơn xin đi du học Hoa Kỳ. Để chuẩn bị cho kỳ khảo sát Anh văn, tôi theo học tại một trường sinh ngữ dành cho các nhân viên sở Mỹ, nhờ quen biết với người điều hành trường. Ngôi trường nằm ở cuối một con đường cây cao bóng mát gần trung tâm thành phố Sài Gòn. Vị phụ trách giảng dậy môn đàm thoại cho lớp là một cô giáo chỉ hơn tôi hai tuổi và là sinh viên năm thứ ba tại đại học Văn Khoa.
Tuy kém tuổi cô, nhưng tôi có vẻ sớm cằn cỗi nên dần dần chúng tôi khá tâm đầu ý hợp trong các câu chuyện chẳng liên hệ chút nào với bài vở (có lần cô bảo tôi là một trái cây chín... dú). Đến trường độ hai tháng, tôi khám phá một điều là ngồi gần cô trong một quán cà phê thú vị bội phần hơn ngồi với cô trong lớp học. Cô dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đen mượt, thướt tha buông dài đến ngang lưng; và đôi mắt, chao ơi, đôi mắt cô thật to, thật trong, và thật đẹp. Cô có một nét nhìn vừa hồn nhiên, ngây thơ, lại vừa dịu dàng, đằm thắm. Khi quen thân nhau, có lần tôi bảo cô đôi mắt ấy mà đặt trên bục giảng của lớp học là một điều nghịch lý, và trái hẳn với ý muốn của thượng đế.
Thời gian trôi dần qua, ba lần mỗi tuần, tôi đến trường nghe cô giảng, và sau giờ học, chở cô trên chiếc yamaha cà tàng của tôi để đến một trong những quán cà phê quen thuộc, Hân, Chiêu, Pasteur, Thu Hương, hoặc Hầm Gió. Thật ra thì quán nào cũng được, nơi chốn không cần thiết, bởi tôi chỉ cần một mái tóc, một ánh mắt, một môi cười. Đó là nói theo kiểu các nhà văn nhà thơ, chứ nói một cách dân dã thì trong những ngày tháng ấy, tôi cần cô giáo của tôi. Chúng tôi ngồi bên nhau, huyên thuyên đủ thứ chuyện trong đôi tiếng đồng hồ, rồi tôi đưa cô trở lại trường để lấy chiếc xe cô gửi. Thỉnh thoảng, thay vì đến quán, chúng tôi rủ nhau vào một rạp xinê. Cô thường bắt tôi để cô trả tiền. Có lần, đi ăn tối với cô ở tiệm Hoàng Gia trên đường Tự Do, tôi nhất định dành trả tiền đến độ cô phát cáu. Cô nói thẳng: “mình làm sở Mỹ, lương khá lắm, đừng có dành!” Sau này nghĩ lại, tôi đoán là lúc ấy, thể nào trong bụng cô cũng cười thầm mà mắng: “thôi, đừng sĩ diện hão nữa, tiền xin của bố mẹ để mà dùng vào việc khác”. Cô vốn tế nhị.
Tối 30 tết năm 1972, tôi ghé thăm cô. Nhà cô ở trong một cư xá nhỏ khá khang trang và có vườn hoa nhỏ, được bao quanh bằng lớp tường gạch quét vôi trắng cao chỉ gần đến vai cô. Cô ở chung với bà mẹ già góa bụa. Các anh chị cô đã lập gia đình và ra ở riêng. Cô là con út.
Tôi bấm chuông, cô ra mở cổng, tôi cười cười kiểu nửa đùa nửa thật và hát khẽ vào tai cô: “em đến thăm cô đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi, em nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng...”[5]. Cô cười khanh khách giơ tay bịt miệng tôi bảo “đủ rồi, đủ rồi”. Tôi thoáng thấy mặt cô hơi ửng đỏ.
Tôi bước vào phòng khách, cúi đầu chào mẹ cô. Bà hỏi chuyện tôi đôi câu rồi ý tứ bước vào nhà trong. Tôi đã gặp bà vài lần. Bà vẫn ngỡ tôi là bạn cùng lớp ở Văn Khoa với cô, như lời cô giới thiệu trong buổi tôi đến thăm cô lần đầu cách đó mấy tháng.
Chúng tôi ngồi bên nhau trong căn phòng vắng. Gần giao thừa, tôi đứng dậy giã từ.
Ra đến sân, cô bảo: “gượm đã, còn sớm mà”. Tôi đứng lại bên cô. Trời sắp tết, thỉnh thoảng có tiếng pháo từ xa vẳng lại. Năm ấy, cường độ cuộc chiến lên đến mức khốc liệt, tuy chính quyền cấm đốt pháo nhưng vẫn có những kẻ yêu phong tục đến độ bất chấp luật lệ. Trong màn đêm im ắng của đất trời, tôi như nghe tiếng động của cả một cõi không gian đang từ từ dãn nở và tỏa nhẹ ra một thứ hương thơm dịu dàng của giây phút giao mùa. Đột nhiên, tôi biết tôi lầm, đó chính là hương thơm phảng phất từ mái tóc cô tha thướt. Trong khoảnh khắc, không kềm chế được, tôi ôm cô vào lòng. Cô không đẩy tôi ra. Tôi nghe được tiếng tim cô đang đập dồn dập, dồn dập, như tiếng tim tôi. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi ôm một người con gái. Tình yêu của chúng tôi vốn trong sạch.
Giao thừa đã điểm, những tiếng pháo, và có lẽ cả những tiếng súng, nổ liên tục hơn. Xa xa, từng trái hỏa châu được phóng lên, hắt một mảng sáng lập loè trên nền trời đêm. Chúng tôi đứng im lặng bên nhau ngay sát bờ tường rào. Cả hai cùng lộ vẻ xúc động. Cô vắt mái tóc dài qua một bên vai, thả suối tóc phủ lên một bờ ngực. Tựa một cánh tay lên gờ tường, cô nhìn tôi đăm đăm. Tôi như bị cuốn hút vào đôi mắt trong sáng, lung linh sắc mầu thơ ngây ấy.
Bất chợt, cô cất tiếng khe khẽ hát. Tiếng cô nhẹ như làn gió thoảng:
ta như sương cao mà người như hoa sâu
ta dối gian nhau nên nát nụ hôn đầu
tình đi từng bước trên đầu gió
gieo xuống lòng nhau hạt thương đau
người một phương ta cũng một phương
phố cao ngày thấp nắng mưa trùng
mắt sâu để nhốt trời giông tố
ta là hồn câm cho bão lên
người ở đây, ta cũng ở đây
lòng không như mặt, lòng lệ đầy
chân đi theo gió, sầu ba hướng
tay vói một trời, trời mưa bay
người đã vì ta tan ước mơ
phấn son chưa ngát thịt da ngà
môi non đã lỡ tình đau đớn
mộng vữa theo trời hoa phượng xưa
người chôn đời mà ta đắng cay
cây im lá ngọn, khói sương bầy
chim treo mỏ cóng trơ xương mục
sống đã chẳng cùng, chết sao hay?
người ở đâu, ôi người ở đâu?
cỏ xanh áp má những đêm buồn
dế giun còn tiếc mùa ân ái
từng phiến trời mang bao vết thương
Hát xong, cô thì thầm bảo tôi: “Bài Tình Sầu, thơ Du Tử Lê đấy, Bảo thích không?” Tôi gật đầu [6].
“Đọc thơ ông ấy, tâm hồn mình cứ như là phảng phất một chút hương thơm “, cô tiếp lời, giọng vẫn thì thầm. Tôi lại gật đầu.
Thơ anh Lê đến với tôi (hay tôi đến với thơ anh Lê?) ngay từ lúc ấy.
Tháng bẩy cùng năm, hụt chuyến du học Hoa Kỳ, tôi bị gọi nhập ngũ và khăn gói vào trường Sĩ Quan Thủ Đức. Dần dần, chúng tôi xa nhau. Tuổi học trò, vòng ôm còn quá lỏng.
Xa cô, tôi có những người bạn gái mới. Tuy vậy, thỉnh thoảng đôi mắt cô và những vần thơ của anh Lê vẫn đi đi về về trong ký ức tôi. Có khi thơ anh Lê dẫn đôi mắt của cô đến. Cũng có lúc đôi mắt cô đưa thơ anh Lê về. Dù cách nào đi nữa, ở trong tôi, mắt và thơ, cũng luôn luôn xuất hiện có đôi, có cặp.
Mỗi lần như thế, lòng tôi lại rung lên những âm ba, gờn gợn một nỗi buồn dịu dàng, môt nỗi buồn tuy mỏng mà rộng.
Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tôi sang tÿ nạn tại Hoa Kỳ năm 1975 và định cư tại Houston. Năm sau, tôi gặp nhà tôi và cuối năm 1980, chúng tôi làm lễ cưới. Thuở ấy, nhà tôi được những người đương thời tôn là một trong số ít ỏi giai nhân của thành phố. Trong bao năm qua, nhà tôi được mọi người chung quanh quý mến vì tính tình. Tôi kể điều này với các bạn để nói lên sự may mắn của tôi. Chúng tôi hạnh phúc đến độ giả tỉ được làm lại cuộc đời từ thuở hai mươi năm về trước, tôi vẫn sẽ thương nhà tôi, cầu hôn nhà tôi, và dĩ nhiên, hạnh phúc với nhà tôi. Tháng 12 năm 1995, trong dịp một số thân hữu tổ chức kỷ niệm 15 năm thành hôn cho chúng tôi, tôi đã bước lên sân khấu lẩy vài câu Kiều tặng người bạn đời:
trăng thề còn đó trơ trơ
mười lăm năm ấy bây giờ là đây
tháng tròn như gửi cung mây
càng yêu vì nết, càng say vì tình
Thương nhau đến thế, hạnh phúc đến thế mà hỡi ơi, đôi mắt của thời xa xưa ấy đôi lúc vẫn thản nhiên trở về trong trí tôi. Nó đến không báo trước mà cũng chẳng thèm gõ cửa, cứ xồng xộc tự tiện bước vào nhà, ở chơi chán chê rồi mới ra đi. Cấm, nó vẫn đến; đuổi, nó vẫn ở. Tôi quả thật bất lực. Hình như có ông triết gia danh tiếng nào đó đã khuyên là nếu không thể ngăn ngừa được một tình trạng, hãy cố thích ứng và tìm ... hạnh phúc với chính tình trạng ấy. Than ôi, tôi còn biết làm gì khác?
Vâng đôi mắt ấy vẫn đến vẫn đi. Nó kiêu hãnh vì hơn đôi mắt nhà tôi ở một điểm: nó không có tuổi già, luôn luôn lung linh một mầu trong sáng và thơ ngây như hăm sáu năm về trước. Là người hiểu biết, nhà tôi vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt này. Tuy vậy, có lần nhà tôi đùa, bảo: “em phải điều tra xem cô giáo đang ở đâu để thuê người đến chụp lén cô ấy một bức chân dung của ngày hôm nay; một bức chân dung thật cận ảnh, cận sát ngay đôi mắt - tha hồ mà xem!” Tôi cũng đùa, trả lời: “ác!”
Hôm nay, tôi chợt lẩn thẩn nghĩ rằng tôi vốn có duyên với thơ anh Lê, nên trước sau gì tôi cũng gặp gỡ và yêu quý thơ anh. Tuy nhiên, nhờ gặp thơ anh ở buổi đêm giao thừa năm ấy, tôi được lợi một đôi mắt. Một đôi mắt của riêng tôi, một đôi mắt đẹp mãi mãi, và trẻ mãi mãi.
Đẹp mãi mãi, và trẻ mãi mãi, như những vần thơ Du Tử Lê. Trên cuộc đời, có những thứ vượt được thời gian. Những thứ ấy, chẳng bao giờ có tuổi.
Những thứ ấy, làm đẹp cuộc đời.
Chú Thích:
[1] Quy luật về trò chơi thả thơ cũng đã được người viết đề cập đến trong bài “Ngày Xuân Đỏ Đen Với Chữ Nghĩa”, đăng trên Việt Báo Kinh Tế, giai phẩm xuân Mậu Dần 1998.
[2] Nguyên văn các câu thơ như sau:
a) trưa về trên rẫy xanh non
gọi tôi cát ẩm, bãi còn sông trôi;
b) giường tôi, giường tôi: hơi người
mốc chăn gối lạnh. Hồn hồi dương. Khô;
c) vết son trên tách trà bông cúc
vai ghế còn thơm sợi tóc, rơi;
d) lòng tôi lũng thấp tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi;
e) nhớ ai mùi tóc thơm hương tối
những bậc thang lên cõi biệt. Lìa
[3] Doãn Quốc Sỹ, “Người Việt Đáng Yêu”, Nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965.
[4] Nguyên văn bài thơ: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên; Giang phong ngư hỏa đối sầu miên; Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự; Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Bản dịch (hình như là của Tản Đà): Quạ kêu trăng lặn đêm sương; Lửa chài gió lạnh nằm buồn mộng mơ; Thuyền ai đậu bến Cô Tô; Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn
[5] “Anh Đến Thăm Em Đêm Ba Mươi”, thơ Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An phổ nhạc. Bốn câu đầu: anh đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi, anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.
[6] “Tình Sầu Du Tử Lê”, thơ Du Tử Lê, Phạm Duy phổ nhạc, 1969. Bài nhạc có vài chữ khác với nguyên bản trong thơ để thích ứng với âm điệu của nhạc.