Tôi không thể nào nhớ được lần đầu tiên mình gặp Du Tử Lê ở đâu, và nhân duyên nào xui khiến chúng tôi quen nhau, để trở nên thân tình. Bởi lẽ đã hơn 35 năm trời trôi qua, với bao cuộc biển dâu rồi còn gì.
Nhưng chắc chắn một điều: Tôi đến với Du Tử Lê vì tôi là người yêu thơ, mà anh lại là người làm thơ quá hay, nhất là những bài thơ tình...
Thuở đó chúng tôi còn rất trẻ.Vào thời chinh chiến, nhưng sao Sàigòn vẫn thanh bình lắm, êm đềm lắm. Hầu như sáng nào chúng tôi cũng gặp nhau tại quán cà phê Hân, trên đường Đinh Tiên Hoàng. Uống ly cà phê đầu ngày. Ngồi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời, trước khi đến chỗ làm việc. Tôi có nhiều kỷ niệm với anh, nhưng kỷ niệm vui nhiều hơn buồn, chẳng thể nào quên được. Nhiều bạn bè thân hoặc sơ, kể cả những người biết nhưng không quen Du Tử Lê, những khi trà dư tửu hậu, thường nhắc đến Du Tử Lê như một gã làm thơ lãng mạn, đa tình. Tật lãng mạn và đa tình thì anh làm thơ nào không mắc phải? Ngay cả kẻ làm thơ xoàng xĩnh như tôi.
Nhưng chơi thân với Du Tử Lê, tôi hiểu được rằng, yêu ai anh cũng yêu bằng tất cả sự rung cảm của trái tim. Cũng bắt gặp ở đó những buồn vui, khổ đau một cách hồn nhiên, chân thật. Không bằng sự chủ quan mà bằng sự thấu hiểu sâu sắc tôi nhận ra rằng: Bạn tôi bị Trời hành. Bắt phải chịu đựng nỗi cô đơn triền miên. Nỗi cô đơn không chỉ đến, mỗi khi anh đối diện với chính mình mà, với cả cuộc đời. Không chỉ bị cô đơn hành hạ, Du Tử Lê còn mang một trái tim quá nhạy cảm, một tâm hồn quá lớn nên phải ứa thành những bài thơ hay, để tự vỗ về, an ủi mình. Nhưng với anh, tất cả đều chật chội. Những năm tháng cuối cùng trước khi Sàigòn thất thủ, Du Tử Lê từ giã căn phòng nhỏ nhắn, nhưng luôn phải đón tiếp quá đông bằng hữu ở số 8 Hồng Thập Tự để về làng Báo Chí ngoài xa lộ. Thế là anh trở thành láng giềng của tôi. Sáng 29/4/75, tôi gặp anh lần cuối ở đầu cầu xa lộ, nói với nhau một vài câu rồi chia tay. Mỗi đứa mỗi đường. Chẳng biết đi về đâu? Rồi sẽ sống chết ra sao?
Về sau nghe đâu Du Tử Lê may mắn lên được một chiếc tầu hải quân,, ra khơi từ bến Bạch Đằng và đến được Hoa Kỳ. Còn tôi ở lại quê nhà, khăn gói vào trại cải tạo, hơn 10 năm lao lý. Vậy mà tôi biết chắc chắn có một thời gian quá dài, nhiều bạn bè thân thiết, trong đó có cả Du Tử Lê, nhìn tôi như người đã chết! Một kẻ đã quay lưng với quá khứ của chính mình. Tôi âm thầm sống. Âm thầm trôi đi giữa hai dòng nước bằng cảm nhận đau đớn của riêng mình. Tôi sống đâu phải chỉ như một câu thơ của Vũ Hoàng Chương, “nợ áo cơm để lụy đến hình hài”, mà còn hơn thế nữa!
Một buổi tối cách đây nhiều năm, tình cờ tôi gặp lại DuTử Lê trên đường phố. Mừng lắm! Nhưng anh chỉ gật đầu chào, với cái bắt tay lạt lẽo và vài câu chiếu lệ rồi quay đi. Đó là lần gặp lại sau 30 năm xa cách! Tôi cứ tưởng sẽ vô cùng cảm động. Chúng tôi sẽ ôm chầm lấy nhau cho thỏa lòng; chứ sao anh lại hững hờ như thế? Dĩ nhiên tôi rất hụt hẫng! Nhưng mọi chuyện đều có lý do của nó! Tôi không trách anh. Không trách bất cứ một bằng hữu nào mà chỉ tự trách mình. Càng già mình càng phải tỉnh táo để nhận trách nhiệm với chính bản thân mình. Ngay cả khi bị ai đó ngộ nhận hay cố tình ngộ nhận thì mình cũng phải tự xét: Ít ra ta đã làm một điều gì khiến cho người ta phán xét mình, dù là thuận lý. Mới đây thôi, Du Tử Lê mới hiểu, và tình bạn ngày xưa mới được tiếp nối bằng những lá thư, những cuộc điện thoại nối liền nửa vòng trái đất. Có một điều rất đáng nói nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thơ Du Tử Lê. Cho dù anh đã sống tha hương hơn 30 năm; nhưng nói như lời của Trịnh Công Sơn trong bài “Tình nhớ”, “người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây...”
Quả thật Du Tử Lê vẫn hiện diện giữa lòng quê nhà, thông qua những bài thơ phổ nhạc của anh, luôn vang vọng trong từng quán café, những sân khấu ca nhạc, phòng trà và trong nhiều gia đình Việt
“Thích lắm. Đó là thơ bạn tôi.” Cô gái xoe tròn đôi mắt tỏ vẻ không tin:
“Đó là thơ Du Tử Lê ở tận bên Mỹ làm sao là bạn chú được?”
Tôi cụt hứng. Nhưng hơi đâu mà giải thích. Mà ví như có giải thích đi nữa, thì chắc gì cô gái đã tin. Dường như cô gái sợ mất lòng tôi, giọng cô trở nên thân thiện:
“Hay quá chú nhỉ. Cháu thích nhất là câu ‘ơn em ngực ngải môi trầm.’ Ghê gớm thật. Nghe đến tê cả người. Chữ nghĩa như thế thì cực kỳ…”
Tôi đâm ra quý mến cô gái. Bởi vì nếu như cô ta thuộc thế hệ tôi thì chẳng nói làm chi. Đằng này, tuổi cô ta xem chừng được sinh ra sau chiến tranh nhiều năm; lại là người Hà Nội, mà biết Du Tử Lê thì mới thật đáng phục cho người yêu thơ lẫn người làm thơ. Một lần khác, tôi lên Đồng Đăng đưa tiễn một đứa cháu sang Trung Hoa du học. Nửa đêm, sương khuya giăng kín ga nhỏ héo hắt, chỉ còn lại một quán café duy nhất mở cửa, bán kèm theo mấy món hàng ăn. Thấy chú cháu tôi bước vào, bà chủ quán đang độ tuổi sồn sồn, còn đang ngái ngủ, vội đưa tay bật nút chiếc máy nghe nhạc. Tuyệt vời thay, trong cái không gian và thời gian đó mà nghe giọng hát Khánh Ly cất lên “Khúc Thụy Du” thì còn gì bằng. Có thể nói đó là trong những lần nghe nhạc gợi cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Tôi hỏi bà chủ:
“Chị cũng thích bài này?”
Giọng bà trở nên sôi nổi:
“Chả giấu gì bác, trước đây em là giáo viên cấp 1, mới đổi sang buôn bán mấy năm nay, nên vẫn còn yêu văn nghệ lắm. Nhưng âm nhạc thì phải như thế mới tê tái. Nhạc ra nhạc. Ca từ ra ca từ. Nghe mà cứ da diết trong lòng. Cái ông Du Tử Lê này chắc là phải khổ đau vì tình lắm mới viết được như thế bác nhỉ.” Không nói ra nhưng tôi nghĩ, trong cõi người ta này, thiếu gì kẻ đau vì tình, nhưng đâu có phải bất cứ ai đều thốt lên được những lời tha thiết điếng tê như thế. Không biết có chủ quan hay không, nhưng tôi cho rằng không ai có thể hát ca khúc “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng, phổ thơ Du Tử Lê, hay bằng nhạc sĩ Bảo Phúc. Số là, một buổi tối cách đây khá lâu, tôi đến dự khán một chương trình ca nhạc khá quy mô, được tổ chức tại một rạp lớn, thuộc loại nhất nhì Saigòn. Gần cuối chương trình, người MC giới thiệu một tiết mục đặc biệt. Đó là sự xuất hiện đặc biệt của nhạc sĩ Bảo Phúc - một nhạc sĩ sáng tác và hòa âm rất thành công hiện nay. Bảo Phúc bước ra sân khấu với một bộ complet mầu đen xám. Cúi gập người chào khán giả, xong anh ngồi xuống chiếc ghế đặt sau cây đàn piano, tự giới thiệu tác phẩm mà anh sắp hát. Đó là ca khúc “Trên ngọn tình sầu.” Từng giọt dương cầm thánh thót, lan tỏa trong khan phòng im lặng như tờ. Bảo Phúc hát bằng chất giọng trầm ấm: “Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi từ những ngày con nước về”…Và chỉ mới một câu đầu tiên thôi, hàng tràng pháo tay tán thưởng vang lên không dứt.
Rõ ràng Du Tử Lê vẫn mãi sống, mãi hiện diện giữa lòng quê nhà, và như thế anh là một người hạnh phúc. Và, ngày càng có thêm nhiều người yêu thơ anh, quý mến anh, dù thân hay sơ, dù quen hay không quen. Như đêm nay, Saigòn vừa tan một cơn mưa. Không khí trở nên mát dịu. Chúng tôi đang ngồi trong quán khuya, nhắc đến Du Tử Lê bằng tất cả nhớ nhung. Dường như mọi người đã thấm hơi men, và ai đó cất giọng hào sảng: “Hát đi Bảo Phúc! Hát ‘Trên ngọn tình sầu’ đi, Bảo Phúc! Hát trong không khí này mới là phiêu linh!”Ôm cây đàn ghi-ta cũ kỹ, Bảo Phúc rót vào hồn chúng tôi tiếng hát ngọt buồn đến rưng rưng: “…Môi thâm khô từ thuở định hôn người - ngày tháng hạkhi không mà trở rét – Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa…”
Và như thế, Du Tử Lê, không phải chỉ đêm nay mà mãi mãi giữa lòng Saigòn. Giữa lòng quê hương, luôn có những người ngồi nhớ anh. Chẳng khác nào thương nhớ nhân tình!
(Tháng 10 – 07.)