Tới hôm nay, dù cố gắng, tôi vẫn không thể nhớ: Ai đã giới thiệu cho tôi, người thanh niên đó! Tôi không nghĩ là Thi sĩ Nguyên Sa. Cuối năm 1980, anh Nguyên Sa chưa làm tờ Dân Chúng. Báo Dân Chúng ra khoảng giữa năm 81. Tạp chí Đời, rồi Phụ Nữ, cũng phải một vài năm sau.
Tôi không nghĩ đó là Nguyễn Mạnh Trinh. Thời gian đó, Nguyễn Mạnh Trinh chưa, hoặc mới tới trại, đảo vùng Mã Lai Á. Tôi cũng không nghĩ đó là Lê Dũng, dù cho thời gian này, Tạp chí Trắng Đen, thỉnh thoảng có bìa offset lộng lẫy đang tung hoành thị trường báo chí người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. Thời gian này, Trắng Đen đóng “chốt” ở thành phố Glendale; và Lê Dũng, cùng Phương đang làm cho một nhà in Mỹ ở Los Angeles.
Tôi không nhớ người giới thiệu, nhưng buổi gặp gỡ đầu, với người thanh niên đó, tôi lại không quên, dù gần hai mươi năm.
Tôi không hiểu điều bí ẩn nào, đã làm thành sự giai giẳng, lâu, dài đằng đẵng, đến như thế; khi mà, đó chỉ là một gặp gỡ bình thường, (nhàm chán,) giữa hai người đàn ông. Càng bình thường (nhàm chán) hơn, khi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, diễn ra tại một căn nhà khuất nẻo, thành phố Orange (hay Anaheim,) chỉ để tôi mặc cả giá in bìa tờ Nhân Chứng.
Đúng ra, tôi cũng chẳng cần phải tìm đến người thanh niên đó làm gì, vì, bìa Nhân Chứng của chúng tôi thời đó, chỉ có hai mầu. Nhưng người giới thiệu nhấn mạnh, nếu muốn được in nhanh, nội trong một đêm, với giá “rẻ không thể ngờ được,” thì, đó là địa chỉ, tôi phải tới.
Lần tiếp xúc đầu, với người thanh niên kia, tôi nhớ, đâu khoảng 11 giờ sáng. Anh nói, anh chỉ có duy nhất giờ đó, để gặp tôi, và, cũng chỉ trong vòng nửa tiếng. Lý do, cả đêm, anh ở anh in. Sáng sớm về ngủ, trưa, trở lại nhà in. Làm tới chiều. Về ăn cơm. Xong, lại nhà in. Tới sáng. Tôi nhớ, dường như tôi đã không dùng tới một nửa số thời gian anh có thể dành cho tôi. Tôi nhớ, tôi đưa anh coi bản “master” cái bìa nơi chiếc bàn ăn kê gần nhà bếp. Tôi nhớ anh đưa lên ánh sáng, xăm soi những hàng chữ cắt dán, chiếc hình đen trắng. Anh coi theo cách của anh, tôi nhớ thế. Đó là cách nghiêng tờ bìa khoảng 45 độ. Lắc đầu. Anh dựng thẳng tấm giấy lay out. Lắc đầu. Vừa lắc đầu tỏ dấu thất vọng, anh vừa cho mẫu bìa nghiêng thêm nữa, ở chiều khác. Lại lắc đầu, nhiều hơn. Tôi chột dạ, nghĩ, có thể bị từ chối. Hình dung mang tấm bìa về, làm lại từ đầu, tôi không còn tinh thần. Tôi muốn nói với anh rằng, tôi không phải là dân trong nghề. Tôi cũng không biết cách lay out. Mấy người bạn chỉ sơ sơ, theo sự hiểu biết cũng sơ sơ của họ... Nhưng, tôi im lặng. Tôi biết tôi đang đứng trước một “thứ thiệt” trong nghề... Tôi biết, tôi không thể có một chọn lựa nào, khác hơn, im lặng.
Cuối cùng, anh gật đầu. Anh bảo tôi, mai lấy. Tôi hỏi giá. Anh nói, và nhấn mạnh, đó là giá thấp nhất, anh có thể nhận. Tôi đứng lên. Không mặc cả. Đúng. Đó là thấp nhất anh có thể làm, trong niềm hân hoan của tôi.
Đôi mắt sáng, tốc độ nói vừa phải, rõ ràng, rất dễ gây thiện cảm, của người thanh niên tầm thước theo tôi suốt dọc đường về. Nhưng, dường như vẻ rạng rỡ, tự tin, với chút gì giống như sự phúc hậu nơi gương mặt người thanh niên trẻ tuổi (có phần trẻ hơn tuổi thật,) đánh vào tôi mạnh mẽ nhất.
Tôi cũng không biết, có phải trước khi gặp, người giới thiệu, đã cho tôi biết, đó là người Việt Nam đầu tiên lọt vào (và,) trở thành một nhân vật quan trọng trong một nhà in Mỹ chuyên về lọc mầu, offset, nên, trong tôi, sau gặp gỡ thứ nhất kia, lòng nể phục người thanh niên đó, đã như một hạt mầm, bốc lớn, thành cây.
Từ đó, mỗi tháng một lần, tôi đến nhà riêng của anh, giao bìa (và,) nhận lại. Tình thân giữa tôi và người thanh niên đó, tuồng không nhờ thế mà gia tăng. Nhưng cả hai chúng tôi, đều cảm, nhận được trong mắt nhau, lòng trân trọng và niềm tương kính.
Dù với một giá in rất tượng trưng, bao giờ người thanh niên cũng cho lại chúng tôi, những tờ bìa đẹp, ngoài mơ ước, tới xót xa mỗi khi chúng bị cào xước...
Cuối năm 82, tôi quyết định đình bản tờ Nhân Chứng, vì, sự quá đà của người anh em trong chúng tôi, nơi sòng bài. Từ đó, tôi không có cơ hội gặp người thanh niên có đôi mắt sáng, tự tin, và vẻ phúc hậu thấp thoáng đâu đó, nơi gương mặt trắng trẻo của anh. Hai năm sau, năm 1984, khi phải tái bản tập Thơ Tình/ Love Poems, cần một nơi in tốt cả bìa lẫn ruột, tôi mới gặp lại người thanh niên này.
Lần này, nơi tôi đến, không phải nhà riêng của anh.
“Khu kỹ nghệ, toàn Mỹ không hà,” anh Nguyên Sa mô tả.
“Sang lắm. Hơi xa nhà ông. Nhưng không sao. Để tôi nói trước cho,” tác giả “Áo Lụa Hà Đông,” sốt sắng.
Đúng như mô tả của Thi sĩ Nguyên Sa, khu sang thật. Toàn Mỹ thôi. Sau lớp kính dầy, buớc vào, bên trong, cũng toàn... Mỹ thôi. Một phụ nữ Mỹ ngồi nơi bàn làm việc bên trái, hỏi tôi cần gặp ai, có hẹn trước không? Tôi ấp úng. Tôi nói dối, tôi có hẹn trước. Giờ này. Tôi ấp úng nói tên người thanh niên tôi quen.
Tôi nghĩ, tôi sẽ thấy anh, từ những cánh cửa, những hành lang chạy hút vào phía trong, trước khi tỏa ra phần diện tích nở, phình với những cỗ máy khổng lồ, rầm rập chạy, (mà,) tôi thoáng thấy mỗi khi những người thợ Mỹ nhộn nhịp vào, ra.
Tôi nghĩ, tôi sẽ phải chú ý vì người thanh niên này sẽ mất hút, sẽ khó thấy giữa đám người khổng lồ kia...
Nhưng, tôi không phải chờ đợi lâu. Tôi cũng không phải chú ý tìm kiếm người thanh niên, lẫn trong đám thợ người Mỹ nhộn nhạo đó. Bởi vì, ngay sau đó, tôi nghe được giọng nói quen, (tiếng nói với tốc độ nhanh vừa, rõ ràng, từng chữ,) từ bên tay phải tôi. Tiếng nói người thanh niên. Anh đi ra từ căn phòng bên tay phải. Anh chào đón tôi bằng nụ cười, vẻ rạng rỡ, vẻ phúc hậu thấp thoáng đâu đó, trên gương mặt trắng trẻo, có phần trẻ hơn tuổi thật.
Anh kéo tôi vào phòng riêng của anh. Căn phòng có chiếc bàn lớn. Thật lớn. Bề bộn. Hóa đơn. Mẫu in. Điện thoại. Máy tính. Anh tiếp tôi, tự nhiên, thân mật, như tiếp một người bạn lâu ngày gặp lại.
Chúng tôi hỏi thăm nhau, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất... Từ quê nhà, đất nước, qua tới Bolsa, băng nhạc, dạ vũ... Những chuyện không một chút ăn nhậu gì, tới chuyện in ấn, chuyện tác phẩm. Chúng tôi cười hô hố với nhau, tự nhiên, như tại nhà... mình. Thỉnh thoảng, mạch chuyện tào lao của chúng tôi, lại bị khựng, ngắt bởi những người Mỹ mang mẫu in vào cho người thanh niên, xin lệnh in.
Thỉnh thoảng, mạch chuyện trời ơi đất hỡi của chúng tôi, lại bị ngưng, ngắt bởi cô thư ký hỏi người thanh niên kia, có muốn nói chuyện với người này, người kia không, (và,) họ đang chờ trên điện thoại... máy? Người thanh niên thường bảo cô thư ký, trả lời lúc khác gọi lại... Tới lúc này, tôi hiểu, một cách không lầm lẫn, rằng, người thanh niên kia, chính là chủ nhân cơ sở ấn loát này.
Hạt mầm nể, phục có sẵn trong tôi, từ buổi gặp đầu, không chỉ nở, bung mà, bỗng lớn cao rợp tàng ngưỡng mộ.
Tới lúc ra về, tôi mới nói chuyện với anh về cuốn sách tôi muốn tái bản. Người thanh niên bắt tay tôi, bảo, “chuyện nhỏ.”
Và, “chuyện nhỏ” thật. Bởi không chỉ cuốn sách ấy, (mà,) rất nhiều cuốn sách khác của tôi, sau này, cũng đều là “chuyện nhỏ” đối với người thanh niên kia, mỗi khi tôi cần sự giúp đỡ, tìm đến...
Tháng chín năm ngoái, trong một buổi tiệc, do nhóm thân hữu tổ chức khoản đãi tôi ở Boston, gặp Cường Nguyễn, tôi mới được biết, người thanh niên kia là một trong những cao đồ của Võ sư Lê Sáng, người thay thế Sư tổ Nguyễn Lộc, đảm trách vai trò Chưởng môn Vovinam.
Cường Nguyễn giải thích thêm, cho tôi hiểu Vovinam là tên gọi tắt của Việt Võ Đạo, ra đời từ năm 1938 ở Hà Nội. Tới thời Chưởng môn Lê Sáng, họ Lê đã khai triển (và,) tóm gọn nhân sinh quan của Việt Võ Đạo vào bốn chữ: Thần. Thân. Luân. Lao.
Thần: giá trị tinh thần. Thân: giá trị thân thể. Luân: giá trị luân lý. Lao: giá trị lao động.
“Rộng hơn, về thần, môn sinh Vovinam trọng danh dự, không khuất phục trước bất cứ một cám dỗ nào; về thân, họ quan niệm, không thể có một tâm hồn khỏe mạnh, trong một thân thể suy nhược; về luân, họ luôn luôn tự chế lòng háo thắng, rèn luyện lấy cho mình tinh thần nhân ái, góp phần xây dựng một xã hội tốt lành; về lao, họ đề cao giá trị của sức lao động, cần cù, đồng thời tạo mọi điều kiện để giúp đỡ kẻ khác, cho mọi người chung quanh cùng phát triển (và,) tiến bộ, tức ‘trồng cây và giữ vườn’,” Cường Nguyễn nói.
Tôi bảo Cường Nguyễn, bây giờ thì, tôi hiểu, tại sao, từ đâu, người thanh niên kia lại có được niềm tự tin, tinh thần giúp đỡ, và sức làm việc ngày, đêm, như anh đã...
Cường Nguyễn ngơ ngác hỏi:
“Anh nói gì?”
Tôi đáp:
“Không. Tôi chỉ muốn nói, nếu tôi cũng được là môn sinh của Vovinam; nhiều phần, cuộc đời tôi, sẽ khá hơn...”
DU TỬ LÊ
(2-1999)