Thưa chị,
Nhẽ ra, lá thư này, đã được gửi chị từ năm ngoái; khi H., bạn tôi, nói với tôi, về các biệt kích; những đứa con Việt Nam, lớn lao ngoại khổ của đất nước.
Cũng từ năm ngoái, thưa chị, nhẽ ra, tôi đã được gặp chị. Tôi đã được quen, biết người phụ nữ có tinh thần hy sinh, sức chịu đựng và, lòng thủy chung (cũng) ngoại khổ, như những đứa con lớn lao, ngoại khổ kia, của đất nước!
Nhưng, có thể, do chưa đủ túc duyên, do thiếu may mắn, tôi bị mất cơ hội đó.
Vì thế, hôm nay, thưa chị, tôi xin phép được gửi chị, lá thư này, như một bổ khuyết, điều chỉnh cho sự thiếu may mắn ấy.
Thưa chị, tôi không biết chị còn nhớ câu chuyện Kinh Kha? Một chuyện xẩy ra từ thời Tần Thủy Hoàng; đến nay, vẫn còn là "mẫu mã" tráng sĩ, cho văn chương, cho rất nhiều người; mỗi khi họ đề cặp tới những anh hùng, với các chuyến đi không trở lại...
Một thời, thưa chị, cá nhân tôi, cũng nghĩ về Kinh Kha, như thần tượng.
Tôi nghĩ về Kinh Kha, trong cảnh tượng, trước khi băng qua sông Dịch, giữa giờ tiễn đưa, thấy trong số khách tống biệt mình, một người con gái có bàn tay như ngọc, Kinh Kha buột miệng khen. Ai ngờ, Thái Tử Đan, kẻ chủ sự việc nhờ Kinh Kha làm thích khách giết vua Tần, đã rút gươm, chặt đứt bàn tay người tỳ thiếp yêu dấu nhất của mình, đặt vào khay vàng... Xong, đích thân ông, nâng chiếc khay vàng đựng bàn tay đẹp, dâng ngang mày, tặng, tiễn Kinh Kha!...
Một thời, thưa chị, cá nhân tôi, cũng ngưỡng mộ Kinh Kha, như khuôn mẫu chói chang, anh hùng; lênh láng, lãng mạn.
Thưa chị, suốt niên thiếu, qua văn chương, tôi cũng đã sống, với biết bao hình dung, tưởng tượng tiếng sáo Cao Tiệm Ly. Tiếng sáo, như lời kinh bi tráng, đuổi theo, (ve vuốt) bước chân Kinh Kha, tự bờ này, sông Dịch.
Xin chị nhín cười, để tôi được thú nhận với chị, một chuyện, dường tôi chưa từng kể. Đó là tôi, những ngày niên thiếu; những ngày ở Saigòn, nơi ngôi nhà trông vào con đường Trần Hưng Đạo, những năm giữa thập niên 50.
Chẳng biết có phải vì ám ảnh tiếng sáo (tưởng tượng) của Cao Tiệm Ly hay không; (mà,) tôi đã tự học...thổi sáo.
Tôi có rất nhiều buổi trưa đánh mất hồn mình trong tiếng sáo với "Tình quê hương" của Việt Lang. Tôi đã...làm khổ, đã... “tra tấn” rất nhiều trưa hè, Saigòn; rất nhiều giấc trưa ngột ngạt, của những người ở cư xá Hòa Bình thuở đó. Tôi cũng tra tấn, khủng bố luôn cả Văn Cao, (nếu ông nghe được) "Trương Chi" (của ông) qua tiếng sáo kinh hoàng của...tôi.
Thưa chị, khi lớn thêm, lúc chiến tranh lan tràn miền Nam, khi những người thân trong gia tộc tôi; những người bạn thiếu thời của tôi, trở thành những người ra đi (và,) vĩnh viễn không trở lại; tôi bắt đầu cảm thấy: "Cũng thường thôi Kinh Kha!"
Tiếng sáo Cao Tiệm Ly trong tôi, thuở thiếu thời, thưa chị, bị tiếng trực thăng, tiếng đại bác, tiếng đạn pháo kích, (bất kể ngày, đêm,) thay thế.
Lớn thêm nữa, khi chính tôi, trở thành một người lính, tham dự trận địa, thưa chị, tôi lại càng cảm thấy rõ hơn, cái xoàng xĩnh, sự tầm thường của hình ảnh Kinh Kha, tráng sĩ. Bởi, tôi bị chứng kiến quá nhiều, trong đời thường, giữa chiến tranh những cái chết bi tráng, đau thương...
Từ đấy, thưa chị, hình ảnh Kinh Kha, tiếng sao Cao Tiệm Ly, những thần tượng thuở thiếu thời tôi, lần lần, phai nhạt.
Thưa chị, tôi không biết sự triệt tiêu kia trong tôi, kéo dài bao lâu. Tôi chỉ nhớ, cách đây hơn năm, sau khi nghe H., bạn tôi, nói về biệt-kích - những anh hùng; những người (mà,) tôi muốn gọi là "Những đứa con Việt Nam, lớn lao ngoại khổ của đất nước;" (thì,) hình ảnh Kinh Kha tráng sĩ, Kinh Kha băng qua sông Dịch, đã bất ngờ, trở lại.
Thưa chị, phải chị muốn hỏi tôi, ý nghĩa sự "trở lại" của những hình ảnh xa xưa ấy?
Vâng, nếu quả đó là câu chị muốn hỏi, (thì,) thưa chị, tôi xin trả lời ngay, rằng, trở lại đó, chỉ mang ý nghĩa so sánh. Những so sánh bình thường, đương nhiên, và, rất đơn giản.
Thưa chị, tôi đã so sánh biệt-kích, những Đứa con Việt Nam lớn lao ngoại khổ của đất nước, với Kinh Kha thời Tần Thủy Hoàng.
Như Kinh Kha băng qua sông Dịch, những biệt-kích của chúng ta, cũng ra đi không hẹn ngày trở lại. Có khác nhau chăng, chỉ khác ở chỗ, các biệt-kích ra đi âm thầm, không kèn, trống.
Họ ra đi, với không một lời tiễn biệt; chẳng một níu áo, chia tay. Cũng chẳng có tiếng sáo vụng về của một Cao Tiệm Ly (tự nhận) nào, duổi theo bước chân họ. Cũng chẳng có một thái tử, hoàng tử nào, chặt tay người đẹp, đặt lên khay vàng, nâng ngang mày, dâng, tặng họ. Họ chỉ có trong tim, ngọn lửa tình yêu tổ quốc rưng rưng (và,) nồng nàn tinh thần hy sinh, lẫm liệt.
Hơn ai hết, chị biết rõ, sau nhiều chục năm bị lãng quên, trong vùng đất địch; trải qua bao tầng địa ngục; không kể những biệt-kích đã vĩnh viễn nằm xuống; ngay những biệt-kích còn sống sót, nào đã được mấy người nhắc tên! Nào đã được mấy ai ca ngợi!
Nhưng, hiển nhiên, họ, biệt-kích, những Đứa con lớn lao ngoại khổ của đất nước, của chúng ta, là những anh hùng, chói lọi.
Dù, chẳng một bia đá nào, ghi công họ. Dù, chẳng một sử xanh nào, khắc, in đích danh tên tuổi họ. Nhưng, thưa chị, theo tôi, không vì thế mà họ, kém lớn lao. Không vì thế mà tiếng thơm của họ, thua sút bất cứ một anh hùng lớn lao, nào khác.
Thưa chị, trái ngược lại, theo tôi, chính họ, mới vòi vọi, mới lớn lao làm sao!
Chính họ, những Biệt-Kích-Vô-Danh kia, mới thực sự là những anh hùng.
Họ xứng đáng với thứ "danh" (mà,) Lão Tử từng định nghĩa, rằng: "danh khả danh, phi thường danh;" tức, "danh" còn gọi được tên, nói được tuổi, (thì,) chưa phải là "danh" thực sự.
Thưa chị, đó là tôi chưa nói tới, một đáng kể hơn nữa. Điều đáng kể hơn cả cái "thực danh / chính danh" của Lão Tử, mà, riêng những biệt-kích có được. Đó là, sự kiện, họ đã nhận được trọn vẹn trái tim, tình yêu, lòng chung thủy của những người đàn bà Việt Nam, như chị, dành cho họ.
Thưa chị, chính vì trái tim, tình yêu, lòng thủy chung cũng lớn lao, ngoại khổ của chị, dành cho Đứa con Việt Nam lớn lao, ngoại khổ của đất nước, (mà,) hôm nay, tôi viết lá thư này; như một bày tỏ bày (không hết,) lòng cảm phục, ngưỡng mộ của tôi...
Thưa chị, chỉ có điều đáng tiếc, là, tôi đã không thể đẽo, khắc chân dung chị, để dựng tượng chị ở khắp mọi nơi, trên mặt đất này. Đó cũng là điều tôi không làm được, dù rất muốn làm như thế, với những bà mẹ, người vợ của những người lính Việt Nam khác, trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam, gần nửa thế kỷ qua!
Cũng vì không được là điêu khắc gia, nên, xin chị, xin những người mẹ, người vợ của những người lính miền Nam, Vô Danh, hãy nhận lá thư, có phần muộn màng này, của tôi; như nhận bức tượng chân dung đích thực, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, theo một nghĩa nào đó.
Trân trọng kính chào chị.
Du Tử Lê,
(July 18 2001.)