D-: 6 giờ chiều. Tôi ngồi đợi người bạn đến từ
Sau mười năm luân lạc, điều tôi học được nát gan, xé ruột, nhất là những cơn đau của dạ dày. Người thầy thuốc nổi tiếng về bao tử, Bác sĩ TKT nói: “Anh nên bớt suy nghĩ. Anh phải relax. Trạng thái tinh thần depress, là nguyên nhân tạo ra quá nhiều chất acid, trong dạ dày. Sự ăn uống thất thường, cũng là một cơ nguy cho bệnh trạng ấy.” Tôi gật đầu cám ơn anh, cám người thầy thuốc. Cám ơn và nghĩ tới, mười năm đã sống. Mười năm, như mười kiếp. Mười năm, như ác mộng. Mười năm, hằng đêm tôi trương phình thần kinh, trương phình trí óc, trên những sợi dây kẽm gai nung đỏ quá khứ. Mười năm thất lạc, mười năm bầm dập áo, cơm. Mười năm, tôi không gửi một tấm ảnh về lại quê nhà. Dù thư nào, mẹ già cũng hỏi. Mười năm, tôi không hé răng nói với mẹ tôi, cảnh tượng đời tôi đang sống. Thư quê nhà gửi ra, rất đều. Thư nào mẹ cũng hỏi gầy, ốm. Cũng hỏi ăn uống? Cũng hỏi buồn vui! Cũng hỏi bàn tay có mềm? Làn da có mịn? Làm sao tôi có thể trả lời rằng đứa con út lưu lạc của bà, không còn nữa, cái hình ảnh mập mạp. Không còn nữa, tay mềm con gái. Không còn nữa má đỏ, say nắng. Làn da tôi đã sần sùi, đã khô nháp. Làm sao tôi có thể cho bà biết rằng, tóc tôi đã, những sợi bạc. Mắt tôi đã, cận thị.
Tôi ngồi đợi người bạn đến từ
Ở chỗ ngồi cũ, với buổi chiều xuống chưa hết một đoạn ngắn của đại lộ Sunset, tôi được nghe lại Trên Ngọn Tình Sầu, có từ năm 1967, với tiếng hát Xuân Sơn trước 75. Từ Công Phụng 84, ở hải ngoại. Bài thơ nằm trong dòng thơ nói với một người con gái lớn lên tự bến Chương Dương, đã sớm chôn đời thanh xuân giữa những tường đá âm u của một dòng tu khổ hạnh. Bài thơ mở ra, khép lại như ấu thơ tôi, tức tưởi cảm xúc.
Ở chỗ ngồi cũ, với buổi chiều chưa hết một đoạn đường dài đại lộ Sunset, tôi được nghe lại Tình Sầu Du Tử Lê, bài thơ được phổ nhạc từ năm 1971. Bài thơ có câu “chân đi theo gió sầu ba hướng - tay với một trời, trời thương đau.” Đến giờ tôi vẫn không thể trả lời câu hỏi: Tại sao ba mà không là bốn, là một hướng? Thi ca luôn có những bí ẩn, mà, mọi nỗ lực tìm kiếm hay soi bói đều vô ích. Tôi gọi đó là những bí tích của thi ca, hay những ẩn số của chữ nghĩa. Những bài thơ, nghe lại, thấy xa lạ, như thể đó là tiếng nói của một kẻ khác. Không phải tôi. Những rung động ngất thiếp trong mỗi nghe lại, trước đây, không còn. Sự phẳng lặng dấy lên từ một mặt nước dĩ vãng đá băng. Tựa có người ném hoài hủy những viên sỏi xuống mặt hồ - quá khứ tôi. Và, không tăm nào, sủi lên. Tôi tự hỏi, ta có còn là ta? Hay ta đã hình ma, bóng quế? Đời có còn là ta? Hay gió, đã đi qua, rừng sâu, đã mất dạng.
D-: 1 giờ sáng. Đêm đổ những mảng ánh sáng xuống nền đất. Sương mù như những tấm lụa đục, mỏng treo lơ lửng giữa trời. Con đường yên lặng, bình an như bằng lòng với sự an bài định mệnh. Người con gái đứng trong khuôn cửa đã bị khóa trái. Bóng người đàn ông, một nửa vắt ngang bờ tường, nửa còn lại in lên phần thấp của khung gỗ. Những ngón tay thuôn dài của người con gái cố gắng vét tấm màn gió về một phía. Người đàn ông nhìn thấy trọn vẹn khuôn mặt nàng. Đôi mắt suối trong. Làn môi bình minh. Mái tóc rừng thưa. Cánh mũi thon như hai đài hoa chụm lại. Người đàn ông nói: “Ra với anh.” Và xòe những ngón tay áp vào miếng kính lạnh. Người đàn ông lập lại trong lúc những ngón tay anh điên rồ tưởng chạm được thịt da người con gái. Anh lập lại “Ra với anh. Đi. Chó con.” Gió tạt tiếng gọi kêu thảng hốt của người đàn ông trở lại với chính anh.
Người con gái vẫn im lặng. Nàng dán đôi môi vào kính phẳng. Hơi thở của người con gái, mờ hoen một khoảng diện tích. Người đàn ông lấy tay chùi thật nhanh... Phần diện tích bị mờ hoen gây bởi hơi thở của người con gái, gia tăng. Người đàn ông tuyệt vọng hôn lên đôi môi người con gái ở bên kia mặt kính. Hơi sương lạnh, sự giá buốt của tấm kính giúp anh trực nhận: Chẳng thể nào, anh có thể chạm tới nàng. Ngay hơi thở, tiếng nói, cũng chỉ là một im lặng, bằn bặt.
Đôi mắt người con gái bên trong khung kính, buồn nẫu, nàng có nét buồn như thế. Người con gái mang hình ảnh của Lara trong Docteur Zhivago. Lara và, niềm tuyệt vọng nhọn hoắt. Nàng không thể nghe dù một tiếng nói khô của người đàn ông. Nàng biết, người đàn ông đang điên cuồng, giận dữ với những ngón tay bấu vào mặt kính. Người con gái nói. Nói. Người đàn ông nói. Nói. Và đêm, cũng nói, bằng tiếng nói của sương mù, những hàng đèn chìm lẫn; bằng tiếng động từ xa vọng lại, đôi khi giống tiếng hú lầm than của một con sói, đói bạn.
D-: Chiếc xe chồm lên. Khoảng đường dốc. Ngọn đèn cao rọi, gắt. Sau lưng ngọn đèn, trên cao, trời xanh thẫm. Những mái nhà nâu, đổ nghiêng vào lòng đường và mặt kia giao nhau ở phía khuất lấp, dưới thấp.
Ánh sáng tráng một lớp mỏng trên mặt hai người đàn ông. Nhìn từ chỗ ngồi của người đàn ông trẻ tuổi, khuôn mặt người đàn ông lớn tuổi tựa miếng bìa đen bị cắt thành nhiều góc, gẫy.
Người đàn ông lớn tuổi nói:
- Chúng ta là những kẻ không ăn gian của đời, dù chỉ lấy một đồng. Ta sẵn sàng trả giá cho điều ta đã nhận. Dù, cuối cùng, chỉ tồi tệ, sót lại.
Người đàn ông nhỏ tuổi:
- Anh có tin tình yêu đến với ta, như một định mệnh. Đó là một thứ “For whom the bell ring” của Ernest Hemingway. Một thứ “Chuông gọi hồn ai” của những cuối đời, thất lạc?
- Tôi tin chứ. Nhất là, với những cuộc tình muộn. Cuộc tình của những kẻ đã định hình một điều gì, giữa xã hội. Đó là một thứ định mệnh, khốc liệt. Đó là một chọn lựa, tử, sinh. Một đãi lọc thành toàn. Và, không ai hiểu tại sao, như thế!
- Tôi không hiểu được, sự xô đẩy? Tôi không hiểu được, sự xóa bỏ, đổi kiếp. Anh cho người ta có thể hóa kiếp ngay khi trái tim mình đang đập?
Người đàn ông nhỏ tuổi nói. Người đàn ông lớn tuổi đáp:
- Sự khốc liệt của một cuộc tình nằm ở chỗ đó. Sự xóa bỏ toàn thể, những đời cũ. Cũng nên nói cho họ hiểu, ta đã vào bàn bạc. Ta đã bắt đầu cuộc chơi.
Một canh bạc ta có thể thua nhẵn đời ta. Một canh bạc, cho ta tất cả; hoặc đứng lên, bước ra, chỉ còn mộ huyệt, đón chào. Nên tôi không chịu được mọi hình thức gian lận, dù lý do nào. Ta không thể dùng bạc giả để ăn những đồng tiền thật. Còn một điều nữa, tôi muốn nói, với anh, đêm nay.
- Sự ân hận?
- Chính thế.
- Tôi chưa bao giờ ân hận về điều đã làm. Có chăng, chỉ lấy làm tiếc. Tiếc cho lòng ta. Tiếc cho tình ta. Và, tiếc cho đời ta.
- Thì cũng thế. Tiếc và ân hận không hề là hai điều khác biệt. Tôi rất sợ ngày kia, sự hối tiếc sẽ đến, từ một trong hai kẻ. Hãy bảo nhau, điều đó, khi cách gì, cả hai, đều không thể quay gót.
Người đàn ông nhỏ tuổi, tìm thuốc lá hút. Người đàn ông lớn tuổi trầm ngâm. Khuôn mặt anh bình thường, phẳng lặng, như nếp nhăn đã xéo, kéo trên vầng trán và, hai bên mép.
Lát sau, người đàn ông này nói:
- Anh đang tiêu những đồng tiền thật. Ta có quyền đòi hỏi người bạn đường, cũng thế.
Người đàn ông lớn tuổi kể lại một truyện ngắn, anh đã viết từ nhiều chục năm trước. Bãi Cỏ Tím. Câu chuyện kể về một cặp tình nhân, đưa nhau ra khỏi thành phố. Họ tới vùng cỏ biếc. Họ lìa xa nhân gian. Họ ra khỏi đời sống. Nằm với nhau, như thế, ở đó. Sống với nhau, như thế, ở đó. Nhưng khi trở lại thành phố, thì tình yêu của họ, chỉ còn là những con số. Vấn nạn được đặt ra: Người ta có thể yêu nhau, vô điều kiện, như đất? Hay đâu là môi trường thực, để tình yêu tồn tại?
Người đàn ông nói xong, mở cửa bước xuống. Đêm thở toàn gió lạnh và, sương ướt. Người đàn ông dỗ chiếc bóng xiêu đổ của anh lên chiếc hành lang xi măng hẹp, dẫn vào một khuôn cửa đóng kín.
D-: Người bạn cũ trong một khung cảnh mới, nói về bao cố gắng tuyệt vọng của những cánh đại bàng với muôn trùng dậm sải, nay chỉ còn một khoảng trời cỏn con, xám ngoét. Người bạn cũ, nói về bao đời kình ngư giữa biển cuồng sóng, nay ao hồ, chật hẹp không đủ cho một lần trở đuôi, quẫy đạp. Đó là những cố gắng tội nghiệp của một thứ văn chương đã lìa xa tổ quốc, Đó là một thứ mặc cảm phạm tội và bất lực, trước những lao tù, những khổ ải, những khóa họng, bẻ bút của hàng ngàn anh chị em, trong bàn tay căm hận vì văn chương, thiếu trời xanh, thiếu “cỏ tím” của những người Bôn-xê-vích.
Dẫu sao, văn chương vẫn còn có đó. Dù trong quẩn, chật và, thất lạc của nó. Dẫu sao, biển lớn vẫn còn, đưa đến bãi bờ tự do này, cho chúng ta, một số bằng hữu cũ, một số lên đường mới. Sự tựu thành kia. Cách gì, ta cũng không thể phủ nhận vai trò phía sau sân khấu. Vai trò của những kẻ vô danh, ẩn khuất sau tấm màn nhung. Ánh sáng chói lòa của vinh quang, vỗ tay, ngợi ca, xưng tụng, không bao giờ, chạm, đụng tới. Tôi gọi đó là sự có mặt âm thầm, của những người nữ. Của những đôi mắt, thấp thoáng, trong văn chương. Tôi gọi đó là những diễm tuyệt của sự quên mình, của chết lặng, một đời, cho văn chương bạn đường, có thể rộ nở. Tôi nghĩ đến, những đêm thức trắng của A.C. cho những bài thơ rất Pháp Hoa, rất Lăng Nghiêm của T.T.H.. Tôi nghĩ đến, những bương bả, ngược xuôi, những giờ thứ mười của một ngày của T.V., tê chết thịt da trong một xưởng điện tử, cho một K.T. phiêu hốt, giang hồ. Tôi nhớ những chiều lệ tủi, nuốt xuống của T.N một thời, của T.C. nửa kiếp. Của Nhím. Của H.T., Huế, Pleiku, Sài Gòn, giấu mặt. Của người đàn bà tên N. trong thơ N.S.. Của bỏ đi bật máu trong văn xuôi của M.T. Người đàn bà trong “Cửa sau,” của cô L. Trong đời của một người học giả đã khuất: N.H.L.. Của O., cho tiếng thơ bắc đẩu của thi ca Việt Nam, V.H.C., yên ngôi. Của và, của... nhiều nữa!
Tôi gọi đó là những chiếc bóng, những bên lề, mang yếu tính quyết định sự nghiệp văn chương một người cầm bút. Một sự nghiệp, lẫy lừng, hay hư không.
Với bao tử lộn trái, cho thấy những sớ thịt láp nháp và rớm máu. Với cơn đau bẻ vụn người thành trăm mảnh... Tôi nghĩ đến câu hỏi: “Ta có gì cho những người đàn bà như những nguồn cội của văn chương đó? Ta có gì? Ta để lại gì? Không ai sống được với niềm kiêu hãnh chẳng bao giờ biến thành thực phẩm. Không ai sống được với mớ giấy mủn, với những tập sách bụi phủ. Văn chương chẳng giúp gì cho ai. Văn chương chả làm được gì cho những người còn lại, khi nhà văn không còn nữa. Nhưng những N., những A.C.. Những T.N.. Những T.C., những Nhím, những L., những H.T., những N., vẫn phải sống. Sống với tai họa đã lùi xa, hoặc chưa vữa nát. Tôi nghĩ sự nằm xuống thình lình của tôi, chắc chắn, là một hạnh phúc lớn, cho nhiều người. Tôi nghĩ, sự nằm xuống của tôi là nỗi mừng vui chói lọi nhất, giải thoát tốt đẹp nhất cho T.C., cho T.N., cho Nhím, cho những chiếc bóng thảm đạm bên lề của những đời văn chương, tả tơi và bất trắc.”
Cơn đau. Cơn đau. Cơn đau. Tôi ôm lấy, cơn đau đang rớm máu trong ruột gan. Tôi ôm lấy, cơn đau, nằm nơi mặt trong bao tử. Cái mặt trong của một túi cơ, có những sớ thịt láp nháp, có thực phẩm, có cà phê, có khói thuốc. Có luôn những nhục nhằn, có luôn những hạt lệ, tôi đã nuốt xuống, đã nhốt giữ, đó.
Chó con,
Chó con yêu dấu của anh. Hôm qua, trận mưa bạt ngàn đã cật lực chém xả cánh rừng anh thâm u, nhiều năm khép kín. Chó con, yêu dấu của anh. Hôm qua, cơn hồng thủy đã dâng lên - đã trôi đi, đã cuốn, dĩ vãng quá khứ anh. Đời sống anh, chỉ còn một nơi để trí nhớ tìm đến. Dòng máu anh, chỉ còn một mắt sâu, để tuôn chảy. Nhưng chó con. Nhưng dấu yêu, đời vẫn còn rất nhiều, rất nhiều Phạm Thái. Đời vẫn còn nhiều, rất nhiều những cuồng điên, những “chí lớn không đầy một cặp mắt mỹ nhân.” Nhưng đời lại không còn, cách gì cũng không một Trương Quỳnh Như?
Chó con. Yêu dấu, quá muộn màng để trả lại nhau, đời sống. Cách gì cũng quá muộn màng, để chặt đi, dẫu ngón tay dư của một bàn tay sáu ngón. Cách gì cũng, quá muộn màng, để giết đi, những đêm vàng thứ nhất.
Cách gì, cuộc tình ta, cũng tựa như một lời nói dối. Duy, “những chiếc lá chưa rơi. Chỉ như lời nói dối,” mà thôi. Văn chương, chưa bao giờ như, hay, là một lời nói dối.
D-: hai đứa ngồi với nhau trong chiếc xe um mùi thuốc lá. Nhím nói về cuốn truyện của tôi, mới đọc. Nhím nói về “nhan sắc muôn đời không tàn phai, là nhan sắc của kỷ niệm” trong Tan Theo Ngày Nắng Vội. Nhím hỏi về một người con gái không tên gọi trong “Ông Mèo Rừng.” Tôi quờ quờ những ngón khét lẹt trên khuôn mặt nàng, như ngọc. Nhím hỏi về người con gái có mái tóc bị gió tạt hết về phía sau “như một cái bờm sư tử.” Tôi nói, đó là một kỷ niệm chưa xa, nhưng đã lùi sâu, đã khuất dạng. Hồng thủy đã đem đi, làn môi đó, mái tóc đó, thân thể đó. Nhím hỏi về nhân vật tên Th. trong “Hạnh Phúc Riêng Tôi”, trong “Tan Theo Ngày Nắng Vội.” Tôi, nói trận bão bạt ngàn đã thổi qua. Địa chấn đã chẻ đôi mặt đất. Núi rừng đã tiêu hóa. Địa cầu đã liền mặt. Tôi, chỉ còn một điều để nghĩ tới.
Nhím hỏi:
- Điều gì?
Tôi nói:
- Một con dao yếm.
Nhím cười rung những sợi tóc tơ. Nụ cười đỏ vết son thơm mùi hoa dại. Nhím nói:
- Lúc nào anh cũng tự tin như... Robot.
Tôi nói:
- Trên một số phương diện nào đó, anh sự thực là một thứ Robot, hiểu theo nghĩa vĩnh viễn không thể khác.
Trưa nắng, đôi mắt Nhím long lanh, in dấu những hàng cây sao chạy dọc đôi bờ đại lộ, tối nào tìm nhau. Trưa nắng, đôi mắt Nhím, in dấu căn phòng, ngọn đèn, chiếc TV gắn trên tường, ngón tay trên mặt nệm và ngấn cổ trắng. Tôi bảo: “Một cái nha,” Nhím lắc đầu “Không được!” Tôi lập lại “Một thôi!”
Nhím bảo đã hứa thì phải giữ. Hứa là không bao giờ nữa.
Mọi từ chối chỉ có tác dụng kích thích thêm khao khát, đòi hỏi. Tôi nói “cứ,” và vùi mặt trên ngực Nhím. Mùi hơi quen thuộc. Làn da mịn, hâm hấp nóng.
Tôi nhớ mẹ tôi. Tôi nhớ bà cụ. Nhớ ấu thơ, xưa. Nhím nghịch những sợi tóc tôi. Những ngón tay rất từ mẫu. Nhím mắng “Hư lắm. Cu con.”
Chẳng hiểu Nhím được ở đâu ra hai chữ “cu con” để gọi tôi. Phải nhận Nhím có khả năng tinh nghịch phong phú. Nàng không chỉ thông minh, sắc bén; còn dí dỏm, rất Việt Nam. Trong cái tên Nhím dùng để chỉ thị tôi, tự nó nói đủ, cùng lúc, tấm lòng người mẹ dành cho một đứa con hư, và tấm tình trăm năm, chưa hết.
Chó con, yêu dấu của anh,
Buổi tối, yêu dấu đưa anh đã về. Đường khuya em hát, lúc trăng trên cao, và, sương mù đã quành quang ngấn cổ những mình cây thun người lại trong hạnh phúc. Lúc những ngón tay anh chạm tới vết son trên cánh tay chó con. Lúc bàn tay anh, ngừng lại trên ngực yêu dấu... đêm đã lụa. Phố đã tranh. Đời đã một cõi khác, ai đó hát: “đường em có đi, hằng đêm bước qua, nở những đóa hoa ôi dị kỳ... Đường êm có khi, nhìn em bước qua là nghiêng giấc mơ ước thề... Đường dìu qua bao ngõ đắng cay, dừng chân phút giây, xong, chia lìa. Đường dài thêm bao nỗi đắng cay, dài thêm nắng mưa, thêm ê chề...” anh đứng lại trên một mặt đường ướt. Em trở lui. Tiếng hát mất. Làn môi mất. Bàn tay mất. Đôi mắt mất. Anh mất. Mất đến bao giờ. Đến bao giờ, hỡi chó con! Hỡi yêu dấu!
Anh đứng lại, và cơn đau bao tử, xốc tới. Ruột gan anh, lúc đó, chứa duy nhất chất: acid.