“Nếu một người có một trăm, con chiên, mà một con chiên đi lạc, há người ấy lại không bỏ chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?”
Mt. 18.42.
Lúc bước ra khỏi xe của chị Hảo, tôi choáng váng, lảo đảo như người say rượu. Cơn mưa chưa dứt hẳn. Tàng phượng dại giao nhau trên cao, làm thành chiếc vòm nõn xanh. Gió mang những sợi chỉ vô hình xâu đám lá run rẩy xen khẽ, đan kết chặt chẽ như cái kén lớn mà, tôi là con sâu nhỏ, bẩm sinh không biết cắn hầu tìm đường chui ra. Nằm trong kén như nằm trong khoảng chân không, tôi đâu biết người ta từng ví đời sống như một mặt nước và, mỗi con người là một viên sỏi, ném xuống. Tôi chưa từng là một viên sỏi, đã hẳn rồi! Hồi nào giờ tôi chỉ là chiếc lá, để bay cho tới một lúc, sự đưa đẩy của cuộc đời hay do sự xếp đặt của Chúa, tôi biết được cái cảm giác chóng mặt của sự gia tăng tốc độ cũng là một quyến rũ ghê gớm. Nó giống như hấp lực tự nhiên của trái đất. Điều quen thuộc tới mặc nhiên, khiến con người không cần thắc mắc sao ta lại đứng được trên mặt đất.
Sự quyến rũ vào cái chóng mặt xây xẩm của tốc độ, tôi không chỉ nghĩ thế. Tôi thực sự cảm thấy như thế. Kể từ lúc tôi nhấn mạnh ngòi bút cho mực chảy ra, thấy chữ ký mang tên mình, trên phần giấy trắng cuối lá đơn, xin cởi áo tu... ra khỏi nhà Dòng, tôi thực sự cảm thấy như thế. Rõ ràng, tôi đã rơi. Tôi đã rơi với một vận tốc được tính theo cấp số nhân, cấp số lũy thừa. Tôi không rơi với sức nặng của một viên sỏi mà sức nặng của một khối đá, như sức nặng của một cánh bướm so với con nhộng lúc còn trong kén.
Mỗi giây phút đi qua, khoảng trống trong tôi một rợn ngợp. Trọng lượng của thân thể tôi tăng trưởng cấp kỳ. Nó gia tăng mãi tới lúc tôi không còn cảm giác được cái vùn vụt lao xuống mà dường như tôi đã chính là sự rơi. Sự đánh mất mình, sự mất phân biệt giữa mình và mọi thứ quanh mình, là điều tôi chỉ mới nhận ra gần đây, sau những ngày mưa xầm xập. Những ngày mưa trắng lóa, bôi xóa không gian, bôi xóa trời đất, bôi xóa mọi dấu vết, kỷ niệm, rung động làm nên tôi. Những ngày mưa cậy tróc, dọc tuốt tôi, trần trụi tôi trước một tôi run sợ trong mắt nhìn nghiêm khắc của một tôi được đúc khuôn gấp nếp.
Khi cơn mưa dứt, trời đất hừng lên giữa lúc các xoáy nước cuồn cuộn đất đỏ, ào ạt chảy trôi, bật lộ ra những vạt cỏ, vạt đất tươi sáng tinh khôi như một tờ giấy mới. Tôi lại thấy nhen lên từ đó, một nhớ nhung mơ hồ, rất lạ. Nó không giống niềm nhớ nhung của đứa nhỏ lúc xa cha mẹ. Nó cũng không giống niềm thương nhớ của một người bạn xa một người bạn...
Cảm nhận này không có ở nơi tôi, ở tuổi dậy thì. Cảm nhận này, không có ở nơi tôi, ở những năm bước vào đời thiếu nữ. Nó chỉ thập thò, chỉ lấp ló đâu đó, kể từ lần gặp sau chót, người đàn ông tôi ngỡ sẽ mãi thấy như một người anh cả hay anh hai trong gia đình.
Bao nhiêu tháng sau, tôi còn thấy trong mỗi nhớ lại, một hòn than hồng nóng rẫy, cháy bỏng trên phần thịt da mà người đàn ông kia, đã liều lĩnh một cách hung tợn hôn lên và, tôi cũng đã ngỡ ngàng, (trong ngây ngất sung sướng) đón nhận. Bây giờ, trong mỗi nhớ lại, tôi vẫn gặp lại nguyên vẹn cảm giác rùng mình xấu hổ. Cái xấu hổ kỳ cục của kẻ không bao giờ nghĩ tới chuyện ăn vụng vậy mà lại bị bắt gặp, bị trông thấy như một kẻ chủ tâm ăn vụng, và cái rùng mình bởi không kịp biết sự nóng bỏng đến từ đôi môi của chàng hay khởi đi từ thịt da, từ khao khát thầm kín nơi mình.
Không cần ghi nhật ký, cũng chẳng cần ai nhắc lại tôi vẫn nhớ, đó là một cuối tuần đầu của mùa chay, Mẹ Bề Trên bảo tôi xuống phố mua cho nhà Dòng ít vật dụng cần thiết chuẩn bị cho ngày lễ trọng, tôi tới khu thương mại của người Việt
Sau này, những lúc quỳ gối trong nhà nguyện, tôi lần lần hiểu rằng, tôi đã thương Cảo, tôi đã, yêu Cảo lúc nào, tôi không hay. Việc nhìn Cảo như một người anh lớn trong gia đình, có lẽ, đó cũng chỉ là lớp sương mù là màn mưa mỏng manh, che dấu một sự thật rất tầm thường, rất thấp hèn, nhưng cũng rất người. Sự thật muôn đời của thân xác. Sự thật muôn đời của những rung động bản năng, thắp lên bởi những đụng chạm, cọ sát. Không biết tôi có ngụy biện chăng khi đã nghĩ rằng, ngay khi con rắn trong vườn địa đàng, không xúi bẩy, không dụ dỗ bà Eva thì cuối cùng, chính bà cũng sẽ tự tìm tới, tự là nạn nhân của chính mình, bởi trái cấm trước mặt kia. Cũng như tôi cho Chúa thật nhất, gần với con người nhất, khi ngài mặc khoác dạng người, là lúc Chúa run sợ trước linh cảm quân dữ sẽ tới bắt ngài. Lúc ngài bỏ các đồ đệ trong nhà, một mình bước ra ngoài trời, ngửa mặt, kêu Chúa Cha và hỏi Chúa Cha rằng tại sao Chúa Cha lại có thể bỏ ngài một mình với nỗi run sợ như thế?
Sau này, nhìn lại, tôi biết, ngay từ những gặp gỡ thứ nhất, lúc Cảo xuất hiện giữa nhà dòng, giữa chúng tôi, như một người anh lớn, như một con chiên lành của Chúa, tôi đã nhìn Cảo khác hơn một người anh. Khác hơn một người anh là gì? Chẳng biết nữa. Có thể, lúc nào, mỗi con chiên được Chúa thương mến, gọi tới dưới chân Ngài, cũng đi kèm những thử thách không ngừng, quyết liệt. Có thể Chúa đã mang Cảo đến gặp tôi trong cuộc hành trình mười bốn đoạn đường khổ giá. Mười bốn đoạn đường Chúa đã trải qua, đã đi trong thánh ý cứu chuộc tội tổ tông, cứu vớt chuộc tội cho con cái của ngài. Tôi không biết mình đã vượt qua được bao nhiêu đoạn đường khổ giá này. Tôi không bao giờ tự hỏi sau lưng tôi, có bao nhiêu đoạn đường đã được bỏ lại? Hay tôi vẫn chưa vượt khỏi đoạn đường thứ nhất? Điều đó, có còn quan trọng không? Còn ý nghĩa không? Còn được phép nhắc tới nữa hay không? Một khi trái tim tôi đã mù lòa. Một khi tâm hồn tôi đã ẩn nấp dưới tàng lá xum xuê của quỷ dữ.
Mới đầu, mỗi khi hình ảnh Cảo, tiếng cười, đôi mắt lúc nào cũng như cười, ngay cả chàng không hề cười, xuất hiện, lấp ló đâu đó, dù chỉ thoáng chốc trong đêm tối, giữa bữa ăn, trong lúc cầu nguyện... tôi đều gạt đi. Tôi dập tắt được nó một cách dễ dàng, như dập tắt điều xấu, xa, bôi xóa sạch sẽ sự cám dỗ của Sa tăng. Nhưng mỗi lần thêm gặp Cảo, mỗi lần thêm, tiếp xúc với Cảo, qua những ngày dài, dẫn các em đến làm việc cho nhà xuất bản kinh, sách của Cảo, tôi thấy một sự xóa bỏ một khó khăn hơn. Nó không còn dễ dàng như trước. Mỗi lần gặp gỡ, mỗi lần tiếp xúc thêm với Cảo, tiếng cười ròn rã của chàng, giọng nói nhanh, cao, dí dỏm của chàng, một ngân vang, lâu dài hơn trong tôi. Thời gian có hàm răng vô hình nhưng khỏe và tốt hơn răng loài chuột, gậm nhắm hình ảnh Sa Tăng để mỗi ngày tôi một thấy tình cảm của Cảo dành cho tôi không phải tình cảm của Sa Tăng (hay loại Sa Tăng dễ thương.) Cám dỗ, cứ tạm gọi như vậy, nếu có nơi Cảo, là một cám dỗ nhẹ nhàng, phớt thoảng nhưng chặt chẽ và bền bỉ. Đó là sự bền bỉ của những sợi dây cước làm thành những tấm lưới chịu đựng nổi nắng mưa, chịu đựng nổi sự ma chiết của thời gian với bao đợt sóng hưng phế. Có điều, thời gian chưa chứng thực bao nhiêu sự bền bỉ của tấm lưới cám dỗ thì tôi đã là người rơi hẫng, ngã chúi vào chiếc lưới êm ái mà oan trái này.