“Những hạt giống khác nữa rơi vào gai, và gai vươn lên, làm chúng chết ngạt.”
Mt. 13.7.
Đường phố ập tối. Mưa xầm xập với những bước chân vội vã quành trở lại, như cùng lúc có hàng triệu con sóng cùng vỗ một lần vào bờ cát. Tin thời tiết trên TV đã loan sẽ còn mưa trong nhiều ngày nữa. Ảnh hưởng trận bão thổi qua miền Nam Mexico,
Tôi gọi cho mình một ly cà phê đen. Tôi chưa từng uống cà phê. Hôm nay tôi muốn thử. Thêm nữa, tôi muốn tự nhắc nhở “mình đã lớn”. Bề gì tôi cũng đã hăm mươi lăm. Hai mươi lăm rồi chứ bộ? Nhỏ nhít gì nữa! Tôi đã chọn lựa. Lần này, ở tuổi hai mươi lăm, lần đầu tiên tôi quyết định lấy đời mình. Ngày ba má tôi, gửi tôi vào nhà dòng, tôi mới mười một. Hơn mười năm đã qua. Cuộc đời bỗng rẽ ngang. Trước mặt tôi là cánh rừng già. Tôi chưa từng một mình đi trong bất cứ cánh rừng nào, dù nhỏ. Bây giờ tôi đi. Không những một mình và cánh rừng không có lối. Tôi biết tôi phải rẽ lấy cỏ tranh, gạt mây song mà bước. Tôi chưa từng học lấy cho mình một môn võ để phòng thân. Không sao. Tôi tin tôi đủ sức tự vệ trước hố hầm, trước móng vuốt của mọi loài thú dữ. Tôi chưa được trang bị một hành trang, một võ khí nào, như những người đi rừng, như những nhỏ bạn tôi, lớn lên giữa cuộc đời... Có đứa đã có gia đình, con cái. Có đứa đã ra trường lâu, đã giữ những chức vụ chỉ huy trong các công tư sở. Các bạn tôi, cũng có đứa đã chết, trên biển. Cũng có đứa ở lại Việt
Sau lần Cảo thình lình hôn tôi (trong bộ áo nữ tu) giữa đường phố, trước mặt mọi người, tôi có gặp lại chàng đôi lần. Tôi phải gặp vì công việc. Tôi gặp Cảo với tất cả cái ngượng ngùng chín đỏ. Cảo ngược lại, tỉnh bơ. Chàng không tỏ một dấu ăn năn, hối hận hay tha thiết quyến luyến gì hết. Cái tỉnh khô của chàng làm tôi bực mình. Tôi bực mình lắm. Nhưng biết sao bây giờ. Cuối cùng, rồi tôi cũng phải quen đi. Không quen cũng chẳng được. Dần dà, sự bơ bơ với cái mặt lúc nào cũng như cười cười, cợt cợt của Cảo, giúp tôi cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Tôi bớt dần cái lo sợ, cái lính quýnh mỗi khi đem các em ra làm việc cho nhà xuất bản và nhà sách của Cảo. Dẫu sao, lần này tôi tin, Cảo sẽ khác. Phải khác chứ bởi đây là lần thứ nhất, tôi hẹn hò với chàng. Hai chữ này chạm vào tâm trí tôi, như hai tia lửa ngọn, đốt tôi cháy xém cả mặt mày.
Tôi chuẩn bị kỹ càng mọi thứ. Tôi đặt ra những câu hỏi mà chàng sẽ hỏi. Tôi chuẩn bị những lời nói, sao cho Cảo không thể coi thường, không thể nghĩ sai về sự táo tợn của tôi. Dám hẹn hò với Cảo.
Nhưng mọi chuẩn bị, mọi dự trù đều sai bét. Cảo xuất hiện trong tầm nhìn của tôi là một chiếc bóng chạy vụt vào quán. Chàng không mặc áo mưa, cũng không có dù. Mưa đọng trên tóc, trên áo chàng, lấp lánh như những hạt thủy tinh óng ánh. Chàng cười hề hề. Tôi bất giác cười theo.
Gặp gỡ do tôi hò hẹn đã diễn ra một cách suôi chảy, tự nhiên hơn tôi tưởng. Cảo hỏi:
“Ai cho Thiện sự rảnh rỗi kỳ lạ vậy kìa?”
Tôi chưa kịp trả lời, Cảo nhìn thấy ly cà phê của tôi, chàng ngúc ngoắc cái đầu:
“Hôm nay còn bày đặt uống cà phê nữa ta?”
Tôi cười gượng, không biết phải mở lời như thế nào. Trả lời ư? Nói một câu gì khác ư? Có nhẽ Cảo không biết tôi đã cởi áo tu. Có nhẽ Cảo không biết tôi không còn là một ma soeur của chàng nữa. Phút chốc, tôi đã thành một con bé, lơ ngơ, lóng cóng, lạc lõng... trước cuộc đời. Chẳng thể nói Cảo không biết được. Trong lần gặp sau chót, ở nhà Dòng, tôi có nói với Cảo, ý định cởi áo tu của tôi. Tôi nhớ, Cảo lúc đầu tưởng tôi đùa. Cảo không tin. Sau Cảo trân trọng lắng nghe. Cảo nghiêm trọng khuyên tôi bỏ đi cái ý định đó. Rồi một lần nữa, khi các em loay hoay xếp giấy trong nhà kho, ở phòng tiếp khách của nhà xuất bản, tôi lập lại ý định... Cảo lắc đầu. “Đừng có điên. Thiện ạ”. Tôi nghiệm thấy khi nói một chuyện gì quan trọng, Cảo gọi thẳng tên tôi, chứ không gọi bằng ma soeur. Tôi biết, Cảo bất mãn. Cảo thất vọng không ít. Cảo bảo “cuộc đời mọi người cần tới một Thiện nữ tu, chứ không cần tới một Thiện thiếu nữ. Chúng ta, xã hội vật chất này, có quá nhiều thiếu nữ, nhưng lại có quá ít những nàng tiên áo nâu, áo trắng”. Tôi vẫn không cãi chàng. Tôi vẫn không hé lộ dù chỉ một tí thôi, cho Cảo hiểu, quyết định kia, từ chàng mà có, từ chàng mà nên. Tôi chỉ cúi đầu. Tôi lắng nghe. Tôi im lặng. Như tôi đã hằng im lặng suốt hai mươi mấy năm sống trong gia đình, sống trong nhà Dòng. Như tôi đã im lặng và chỉ chảy nước mắt sống khi Mẹ Bề Trên bước ra khỏi phòng ngủ của tôi. Mẹ để lại cho tôi câu nói bất hủ “không nhất thiết phải đi tu mới giúp được đời... Bất kể kẻ nào, tự làm tốt lấy chính mình, thiết tha và chân thật trong nỗ lực giúp người thua kém thì, cũng giống như vai trò của một tu sĩ, có khi còn đáng ca ngợi hơn nữa!” Và, cái mẹ mang đi ra khỏi phòng tôi là chiếc bóng gầy gò, khắc khổ in trên nền gạch hoa... Tôi nhớ, tôi đã im lặng từng giờ từng phút dưới chân tượng Đức Mẹ, dưới chân tượng Chúa để nghe được những tiếng nói thương yêu trìu mến, từ người.
Cảo đâu biết tôi đau biết là chừng nào, trước sự hồn nhiên, đùa cợt, như thể không có gì. Đã không có một thay đổi nào dù rất nhỏ xẩy tới cho tôi. Hay chàng không quan tâm tới mình? Hay chàng không nhớ, ngay những điều quan trọng nhất mà mình đã chọn chàng để thổ lộ? “Cảo”, tôi gọi chàng bằng đôi mắt muốn khóc, nhìn thẳng, “Cảo”, tôi gọi chàng bằng một thứ âm thanh câm lặng. Chỉ đôi mắt tôi muốn nói hộ tôi, nói thay tôi bằng những giọt lệ đang muốn chảy quanh. Tôi bảo mình “đừng. Đừng khóc nghe nhỏ. Khóc cái gì? Xấu lắm. Đừng. Đừng khóc. Việc gì phải để chàng thấy. Mày đã không muốn chàng biết. Mày đã không muốn chàng bị liên lụy, dù là liên lụy gián tiếp, liên lụy tự nhận trong việc làm của mày. Hãy để chàng giữ mãi cái hồn nhiên của người đàn ông trẻ con. Hãy để chàng sống tiếp cái ngây thơ, cái trẻ dại của chàng. Mọi ràng buộc, mọi hiểu nhầm, không giúp gì chàng, cũng chẳng giúp gì mày hết, Thiện à...”
Tiếc thay, khi tôi bảo mình “đừng. Đừng khóc nghe” thì cũng là lúc mà nước mắt tôi đã bật chảy. Tôi vội vàng cúi xuống. Nhưng tôi có hành động nhanh chóng, mau lẹ khéo léo tới đâu, cũng không dấu được đôi mắt tinh anh, sắc sảo của chàng. Tôi biết chắc, như thế.
Cảo cầm lên chiếc khăn giấy đưa cho tôi. Chàng nói:
“Thiện”.
Tôi đáp theo thói quen:
“Dạ”.
Sự thực chàng chẳng có điều gì để nói với tôi. Sau này, nhớ lại, tôi hiểu chàng chỉ muốn nhắc nhở tôi cầm lấy tấm khăn giấy mà thôi.
Trong lúc tôi chậm nước mắt, Cảo châm thuốc hút, xong đăm chiêu nhìn ra ngoài mưa. Chàng cố tránh cho tôi khỏi xấu hổ trước mặt chàng? Hay chàng đã hiểu mọi sự? Cách nghĩ nào, tôi cho, có lẽ cũng đều đúng cả.
Lúc bình tĩnh lại, tôi ngỏ lời xin lỗi Cảo. Tôi phân bua với chàng rằng, tôi không hề có ý định làm như vậy. Chẳng qua, tôi không kềm giữ được tôi mà thôi. Cảo lắc đầu nguầy nguậy:
“Anh hiểu. Thiện không cần phải nói nữa.”
Tôi gật đầu, thay vì phải nói cảm ơn Cảo.
Trận mưa giữ Cảo lại bên tôi tới khuya. Rời quán cà phê, Cảo cho tôi đi ăn. Ngồi với nhau trong một nhà hàng Mỹ, Cảo gỡ sợi dây chuyền nhỏ có tượng Chúa trên thập tự giá, đưa cho tôi. Tôi ngập ngừng không hiểu. Rồi tôi đánh liều thò tay ra nhận. Cảo cầm lấy tay tôi. Bóp lại từ từ. Hai nhịp tim đập được nối liền bằng tượng Chúa và hơi mát của sợi dây kim loại. Chúng tôi nhìn nhau. Thẳng thắn nhìn vào mắt nhau. Cảo gật đầu. Tôi cũng gật đầu.
Từ đấy cho tới lúc chia tay, chúng tôi không nói với nhau một lời nào. Cảo cũng không hề cầm lại tay tôi. Chàng ngồi trong xe dõi theo tôi khuất sau cửa nhà chị Hảo.
Mưa vẫn nặng hạt. Trên lầu cao, tôi thấy xe Cảo chuyển động mờ mờ, như bị nhận chìm dưới mưa và trôi trong biển nước. Tôi tiếc mình không đủ mạnh dạn, cầm lấy tay Cảo, hoặc, ít nữa, cũng nói với chàng một câu gì. Một câu gì? Chẳng hạn... Bạn muốn nghe? Xí! dại gì...