“Hỡi những người bị chúc dữ, hãy đi xa Ta, mà vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỷ cùng chủ thầy của nó.”
Mt. 25.41.
Niên học mới của tôi bắt đầu bằng một ngày nắng ấm. Cảo chở tôi đến trường. Chàng cẩn thận tìm lớp cho tôi đâu đấy rồi mới trở về văn phòng làm việc. Buổi trưa chàng tới cafeteria, cùng ăn với tôi. Nếu còn giờ, hai đứa kéo nhau lên ngọn đồi sau trường, nằm hay ngồi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Đây là dịp chàng kể tôi nghe cuộc đời chàng cũng như cuộc đời tôi. Dưới những tàng phong đổi mầu theo từng mùa, tôi thấy cuộc đời dường như trôi chảy dễ dàng theo những mơ ước nhỏ bé, khiêm nhường của mình. Một hôm được nghỉ sớm, Cảo tươi tỉnh khác thường. Chàng nói:
“Hôm nay anh cần mua ít đồ supply. Thiện đi theo anh không?”
Tôi ngạc nhiên:
“Đi chứ. Bộ anh Cảo muốn tống Thiện về nhà giờ này cho “nỗi buồn gác trọ” nó gậm nhấm Thiện sao?”
Cảo nói, cần phải hỏi kỹ để sau này tôi khỏi ân hận. Ân hận? Cảo nói gì kỳ vậy? Hay có điều bất thường xảy tới cho chàng? Có thể lắm chứ. Tôi ném một hòn sỏi dò đường:
“Nếu anh Cảo không muốn Thiện đi theo làm quẩn chân anh thì Thiện vào thư viện. Xong việc anh đón Thiện cũng được.”
Cảo lắc đầu:
“Đâu có chuyện dễ vậy. Hôm nay không phải mua đồ supply cho anh mà mua cho Thiện.”
“Cho Thiện?”
“Chứ còn ai vào đây?”
Cảo trả lời chắc nịch.
“Thiện chưa đổi nghề mà anh.”
Vừa lái xe Cảo vừa hát khẽ khẽ bằng giọng mũi. Đó là thói quen của chàng những lúc lòng đầy hứng thú. Tôi quay ngang nhìn chàng. Biết bị nhìn, Cảo càng làm bộ tỉnh. Chàng khoe:
“Sáng nay anh trúng mối.”
“Vậy tối nay Thiện sẽ được ăn ngon?”
“Trăm phần trăm. Nhưng...”
“Nhưng gì cơ anh?”
“Thiện quên mình cần đi mua đồ supply sao?”
Tôi gật đầu:
“Thiện vẫn chưa hiểu.”
Nắng trong veo, nhảy múa trên những nóc nhà xám, hiếm như những lần tình cờ bắt gặp tuổi nhỏ của mình trên đường phố. Tôi thấy trong mắt Cảo những tàng phong cũng nhảy múa, cũng chập chờn như niềm vui khác thường chưa được bật mí ở nơi chàng.
Một tuần qua, tôi sống với những mơ ước, những khát khao mỗi ngày được làm đầy hơn. Tôi đã có lấy cho riêng mình một chiếc giường, một bàn học, một bàn phấn, một bàn ăn và những chén đũa, những nồi niêu cần thiết cho một gia đình con con. Mỗi lần bước xuống bếp tôi lại tự hỏi có thực Cảo đang mang lại cho tôi những cần thiết để làm thành một gia đình con con? Hai chữ gia đình, lần nào chạm tới, cũng làm tôi đỏ mặt. Cái sung sướng hòa lẫn thẹn thùng, ngượng ngập. Cái sung sướng được nhận chìm xuống, được che dấu đi. Tôi muốn giữ nó cho riêng mình. Giữ mãi. Thật riêng, cho tới lúc nào không thể giữ được nữa. Được bao lâu? Chưa biết. Nhưng được ngày nào, hay ngày nấy.
Cảo vẫn hát khi lí nhí, khi cao giọng, nhảy xọ từ bài này qua bài khác. Làm như chàng quên biệt cái bí mật mà chàng mới chỉ hé mở chút xíu cho tôi. Sự quên tiệt của Cảo khiêu khích cái tò mò trong tôi. Những câu hỏi, những suy nghĩ vẩn vơ như đám cỏ dại gặp mùa mưa lũ, thi nhau lan tràn mọc. Tôi nói:
“Anh Cảo...”
Cảo nghiêng đầu:
“Gì cơ Thiện?”
“Nói cho Thiện nghe đi.”
“Nói cái gì?”
“Vụ supply của anh í...”
Cảo cười lớn:
“Supply nào của anh?”
Cảo trả lời ngon lành, chắc nịch.
“Thì của Thiện vậy.”
“À. Có thế chứ. Giờ này mới chịu thua phải không?”
Tôi cười theo, buột miệng:
“Có khi nào Thiện muốn ăn anh đâu. Suốt đời Thiện chỉ muốn được thua. Và, chỉ thua một mình anh Cảo mà thôi.”
Cảo đột ngột quay hẳn người lại. Tôi giật mình về câu nói của mình. Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại nói như vậy. Khuôn mặt của Cảo dịu xuống, xa vắng. Lòng tôi cũng chùng lại, như những tàng cây nhãn dại hai bên đường dường uốn thấp thêm theo chiều gió thổi. Cảo nói:
“Anh biết Thiện cần một số vật dụng cá nhân. Những vật dụng cần thiết cho một người phụ nữ mà, anh không biết rõ nó là những thứ gì. Cái này... cái này. Thiện phải tự lo lấy cho mình mà thôi...
Tôi chợt hiểu. Hôm qua, trước khi chở tôi đi học, nhìn thấy mấy cái túi xách và một valise lớn, vứt trong closet, Cảo hỏi tôi rằng đồ dặc tôi chỉ có chừng đó thôi sao? Ủa. Không lẽ tôi có nhiều hơn? Đó là tất cả “gia tài” tôi gom được khi rời khỏi nhà dòng. Từ năm mười một tuổi, bước vào nhà Dòng, nhu cầu đời sống tôi đâu có gì khác hơn tiếng chuông, những buổi đọc kinh, sách giáo lý và ít quần áo thay đổi. Hôm nhận được giấy phép của tòa án giáo hội, chính thức cho phép trở lại đời thường, dọn tủ, thu xếp đồ đạc của mình, tôi cũng nhận thấy là “đồ tế nhuyễn của riêng tây” của tôi quả có ít thật. Điều đó, với tôi nào có quan trọng? Dẫu sao, sự quan tâm, nhắc nhở của Cảo cũng làm tôi cảm động. Tôi hiểu Cảo tình cảm Cảo dành cho tôi không chỉ là tình cảm của một người anh, dành cho một đứa em gái. Nó hơn thế. Nó là tình cảm của một người cha. Một người cha thương đứa con gái côi cút, quê mùa, lạc lõng.
Giờ tôi hiểu. Càng hiểu tôi càng thấy thương yêu, kính trọng Cảo hơn nữa. Cảo đã lo tất cả mọi chi phí liên quan tới việc học của tôi. Càng đã chu đáo lo cho tôi, những gì mà một người phụ nữ cần phải có. Khốn nổi, đó lại là thứ mà Cảo không biết. Những ngày qua, bao lần tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Cảo. Những ngày qua, bao lần tôi muốn chảy nước mắt khi Cảo bê về cho tôi, cái giường, cái chăn. Từ cái nhỏ nhặt nhất là cái bàn chải đánh răng cho tới cái khăn mặt, cái ly uống nước. Cảo lo cho tôi như một bà mẹ cẩn thận lo cho đứa con nhỏ vô tâm, chậm đụt... Nghĩ lại tôi càng thấy thương Cảo. Nghĩ lại tôi càng muốn được khóc trong tay chàng, như một đứa nhỏ, khóc trong tay người cha. Như một đứa con, khóc trong tay người mẹ. Tôi muốn khóc. Thực sự tôi lại muốn khóc rồi đấy.
Cảo thả tôi vào một tiệm bách hóa của phụ nữ. Chàng dặn:
“Thiện có một tiếng muốn chọn gì, mua gì thì mua. Nhớ chỉ đúng một tiếng thôi nghe. Anh qua tiệm sách bên kia. Đúng giờ sẽ quay lại. Hai đứa mình đi ăn.”
Tôi đứng nhìn theo bóng Cảo nhỏ bé, lao chao, chìm khuất trong đám người Mỹ cao lớn, mà không rõ lòng mình buồn hay vui nữa!