Nguyễn Vĩnh Châu đài VOA, phỏng vấn thi sĩ Du Tử Lê
(Bài phỏng vấn này đã được phát thanh về Việt Nam vào sáng ngày Thứ Năm 8 tháng 10 năm 1998, lúc 11:20 giờ Hoa Thịnh Đốn tức là 10:20 tối giờ Việt Nam)
Nguyễn Vĩnh Châu (NVC): Xin chào thi sĩ Du Tử Lê.
Nhà Thơ Du Tử Lê (DTL): Xin chào anh Vĩnh Châu. Xin chào quý thính giả của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
NVC: Thú thật, nhiều lần tôi rất mong muốn gặp anh và lần này mới hân hạnh được tiếp xúc với anh. Trước tiên, Nhà thơ Du Tử Lê vui lòng cho biết cơ duyên nào anh làm bạn với nàng thơ và anh còn nhơ bài thơ đầu tiên của anh không?
DTL: Tôi không thể biết rõ cơ duyên nào khiến tôi đến với thơ. Cũng như tôi tin rằng quý thính giả nếu phải tự hỏi, tại sao mình lại có mối tình đó, chắc quý vị cũng khó mà trả lời được. Nhưng tôi có thể nói một cách chân thành thế này: Tôi là người có sáu ngón tay. Tôi bị tật ở bàn tay phải. Tuổi nhỏ của tôi rất cô độc. Tôi sống rất nhút nhát. Chắc vì thế thành ra tôi tìm trong sách vở, trong văn chương để xoa dịu sự cô đơn của mình.
NVC: Anh có bao nhiêu tác phẩm về thơ và ngoài thơ, anh có sáng tác về văn xuôi không? Nếu có, anh vui lòng cho biết ý kiến về hai thể loại này khác nhau thế nào không?
DTL: Câu hỏi của anh Vĩnh Châu khó thật. Cho đến bây giờ, tổng cộng tất cả sách của tôi in ra khoảng 36 tác phẩm. Thơ chỉ chiếm 14 cuốn mà thôi. Hầu hết phần còn lại là truyện ngắn và truyện dài. Sự thật thì chúng ta khó định nghĩa rõ ràng đâu là sự khác biệt giữa văn xuôi và thi ca. Nếu chúng ta lấy vần điệu để phân biệt giữa văn xuôi và thi ca thì chúng ta sẽ gặp câu hỏi là những bài thơ tự do, tức là những bài thơ xuôi, không có vần điệu thì sao? Cho nên theo quan niệm riêng của tôi (mà tôi cũng đã từng phát biểu nhiều lần, nhiều nơi) rằng: sự khác biệt giữa văn xuôi và thi ca là sự khác biệt về phương diện văn phạm. Văn xuôi có văn phạm riêng của văn xuôi, thi ca có văn phạm riêng của thi ca…
NVC: Trong những tác phẩm thơ của anh đã xuất bản thì anh thích thi tập nào nhất và bài thơ nào nhất? Tại sao?
DTL: Thưa, có lẽ thi tập trong tương lai, và bài thơ thích nhất cũng ở trong thi tập trong tương lai ấy.
NVC: Thường thì anh làm thơ khi nào và theo ý anh làm sao để có một bài thơ hay và một bài thơ hay gồm có những yếu tố nào?
DTL: Thưa quý thính giả tôi xin cố tóm tắt như thế này. Trước đấy, tôi làm thơ theo hứng, tức là khi cảm xúc đến thì tôi viết xuống. Sau này, tôi nhận thấy nếu làm như vậy, khi thơ đã in ra rồi, không sửa chữa được nữa. Nên tôi làm thơ bằng cách là khi cảm hứng đến, tôi viết xuống như một bài “nháp” thôi, hoặc khi có một ý tưởng nào đến, tôi ghi “note” lại. Sau đó nhiều tháng, có khi cả năm, hơn năm, có dịp, tôi trở lại với bài thơ đó. Khi đó, tôi mới thật sự làm bài thơ ấy. Đó là cách làm việc của tôi kể từ ngày tị nạn đến ngày hôm nay. Câu hỏi thứ hai là một bài thơ hay gồm những yếu tố nào? Thưa anh, tôi trả lời hết sức chủ quan, vì tùy theo quan niệm của từng người làm thơ và, tùy theo quan niệm của từng độc giả nữa. Nhưng tôi nghĩ một cách đại để, thì một bài thơ hay là một bài thơ tự nó phải có hồn tính của nó. Giống như người phụ nữ phải có cái duyên nào đó. Tôi không nói nhan sắc của bài thơ. Tôi không nói nhan sắc của người phụ nữ. Nhưng mà hồn tính thì phải có. Và hồn tính, chúng ta phải hiểu là cái gì? Theo tôi, nó là sự chân thật. Khi anh rung động thực với nó thì đó là sợi dây vô hình liên kết, nối anh vào với người đọc của anh.
NVC: Người ta nói, thi sĩ thường đa tình, lãng mạn. Xin anh cho biết cảm nghĩ của anh về quan niệm này.
DTL: Tôi nghĩ rằng, điều đó đúng với mọi người mà không đúng với tôi, thưa anh. Tôi rất khô khan anh ạ. Thưa quý thính giả anh Vĩnh Châu lắc đầu có vẻ không tin lời tôi nói…
NVC: Thơ của anh thường được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Trong những ca khúc đó, anh thích bản nhạc nào? Và theo anh thì có sự khác biệt ít nhiều gì về tình ý, giá trị giữa bài thơ nguyên thủy và thơ phổ nhạc không?
DTL: Thưa anh, câu này có hai câu hỏi. Tôi xin trả lời câu hỏi thứ nhất. Tôi tin rằng khi chúng ta có con thì đứa con nào chúng ta cũng yêu như nhau. Tôi muốn nói những bài thơ của tôi, trước khi thành ca khúc. Thứ đến, một bài thơ của tôi, sau khi thành ca khúc, thì bài nào quần chúng yêu thích nhất là bài thơ tôi yêu thích nhất. Đó là nói về bài thơ ở…ngoài tôi. Về câu hỏi thứ hai, vì sự đòi hỏi về luật của âm nhạc. Luật của âm nhạc rắc rối lắm, mặc dù tôi không phải là nhạc sĩ. Nhưng tôi hiểu là nó đòi hỏi phải đi theo với “nốt” nhạc, cho nên nhạc sĩ đã phải sửa đổi ít hay nhiều những câu thơ của tôi để thích hợp với “nốt” nhạc. Chẳng hạn “nốt” nhạc lên cao, thích hợp với dấu sắc mà chữ của tôi rơi vào dấu huyền thì nhạc sĩ phải đủ chữ nghĩa, để chọn một chữ có dấu sắc mà không làm sai lạc ý nghĩa nguyên thủy của bài thơ.
NVC: Trong những thi sĩ trước anh, cùng thời với anh và sau này, có vị nào anh cảm thấy mến mộ thi tài của họ? Và từ lúc bắt đầu làm thơ cho đến bây giờ, anh có chịu ảnh hưởng thi tứ của nhà thơ nào không?
DTL: Thưa anh, tất cả những người làm thơ kể cả những người làm thơ sau tôi, tôi đều có lòng quý trọng. Khi họ còn đến với thi ca, với tôi, đó là một hạnh phúc cho họ và cho tôi nữa. Tại sao? Tại vì họ đến với thi ca thì tôi mới có thơ của họ để đọc. Điều thứ hai tôi có bị ảnh hưởng chứ anh. Hồi còn bé, khỏang chừng mười một, mười hai tuổi, tôi là người rất mê thơ Huy Cận. Khoảng mười lăm mười sáu, tôi rất mê thơ Nguyên Sa, là người mới qua đời. Tôi nghĩ rằng, trong những giai đoạn đó, tôi có bị ảnh hưởng hai người đó rất nhiều. Đôi khi tôi thấy tôi cũng có bị ảnh hưởng thơ của ông Xuân Diệu, Chế Lan Viên…Giai đoạn đó thuộc về thời niên thiếu của tôi.
NVC: Anh làm thơ cho anh hay làm thơ cho người đọc?
DTL: Điều này, tôi phải thưa thật với quý thính giả , như tôi trình bày vừa rồi, tôi là người không được may mắn.Ngay từ nhỏ tôi có nhiều mặc cảm vì có 6 ngón tay, cho nên tất cả những gì tôi làm là làm cho tôi trước hết. Điều đó trở thành tập quán. Đến bây giờ tôi vẫn làm thơ cho tôi, hoặc cho bằng hữu của tôi, và sau đó, nếu may mắn được độc giả chia xẻ, thì đó là điều hạnh phúc thêm cho cá nhân chúng tôi.
NVC: Anh là một thi sĩ và được nhiều người mến mộ từ Việt am đến sau khi ra hải ngoại, vậy thi sĩ Du Tử Lê vui lòng cho biết cảm tưởng của anh về nền văn học Việt Nam hải ngoại và xin anh gửi lời đến những văn thi hữu còn ở Việt Nam.
DTL: Cảm tưởng của tôi về dòng văn học của Việt
NVC: Thay mặt thính gỉa đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, thành thật cảm ơn Thi Sĩ Du Tử Lê đã cho chúng tôi cuộc phỏng vấn rất thích thú hôm nay.
DTL: Xin cảm ơn anh Vĩnh Châu, và xin kính chào quý thính giả của Đài Tiếng Hoa Kỳ.
Nguyễn Vĩnh Châu,
Ghi thuật từ