Trần Thu Miên

11 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 5668)
Trần Thu Miên

 

 

Hành Trình Sáng Tạo Của Du Tử Lê

 

Sáng tạo là ý thức hiện hữu của bản ngã. Sáng tạo thường bắt đầu bằng những cuộc ra đi của bản thân, gia đình, hay liên hệ tình cảm và xã hội. Ra đi là mất mát, là từ bỏ, là kiếm tìm và cũng là sự trở về. Sự ra đi còn mang ý nghĩa vượt ra những ràng buộc quen thuộc, những gò bó, những thông lệ của tư duy hay đời thường. Sáng tạo chấm dứt sự trở về với bản ngã, với những gì gần gũi quen thuộc trong đời sống.

 

Đọc qua một số tác phẩm của Du Tử Lê người ta sẽ thấy thơ văn của ông đều chất chứa những hình ảnh gắn liền với sự ra đi của tình cảm, mối liên hệ gia đình, bằng hữu, quê hương, hay tư tưởng. Hành trình sáng tạo của Du Tử Lê dù không phải là đường tròn ba trăm sáu chục độ của hình học, nhưng đó là đường có điểm khởi đầu và điểm chấm tận nằm trên một vị trí: bản ngã. Sự từ bỏ bản ngã để rồi trở về với chính mình là hành trình sáng tạo của Du Tử Lê. Như chính Du Tử Lê đã tuyên bố, “Đi với về cũng một nghĩa như nhau”. Có thể câu nói này hàm ngụ một nghĩa khác khi tác giả viết, nhưng độc giả có thể hiểu như là một lời tuyên ngôn về ý nghĩa và định mệnh đời sống. Không phải ai cũng ý thức được điều này. Nhiều nghệ sĩ sáng tác đến lúc qua đời vẫn chưa trở về với bản ngã mình. Du Tử Lê là một hiện tượng hiếm thấy trong văn chương. Ông đã ý thức được sự ra đi và lúc trở về với bản ngã mình. Sự ý thức này giúp ông vượt ra khỏi những ràng buộc của đời sống, những câu nệ của văn chương để sống và sáng tác theo con đường mình tự chọn. Và cũng chính sự ý thức này giúp ông trở lại với đời sống và những thông lệ văn chương một cách dễ dàng, không hụt hẫng, không thất vọng.

 

Trong bài nói chuyện, “Du Tử Lê, Ấu Thơ, Mẹ Và, Tác Phẩm” tại The Stage Theatre liên tiếp hai ngày 21 và 22 tháng 8, 1999 ở San Jose, California, thính giả đã được nghe Du Tử Lê nói về con đường sáng tạo của ông. Con đường này khởi đầu và tiếp nối bằng những sự ra đi. Sự ra đi vĩnh viễn của bố, của anh, của chị từ lúc ông mới lên ba, “Thầy tôi chết, rồi một người chị, một người anh của tôi, lần lượt theo nhau qua đời.” Sau này, ở tuổi trung niên, sự ra đi của mẹ ông cũng là một biến cố để lại nhiều ấn tượng, nhiều dằn vặt, “Nhưng dù mẹ tôi có yêu thương tôi cách mấy, dù tôi có cần thiết biết bao nhiêu, phải có bà cho đời sống của mình; cuối cùng, rồi mẹ tôi cũng qua đời.” Vâng, cuối cùng thì mọi người cũng ra đi, ngay cả chính tác giả. Những cái chết hay sự ra đi vĩnh viễn của người thân và những cuộc di tản, di cư vì chiến tranh ở tuổi thơ, tuổi thanh niên của ông chính là những hạt giống thi ca đã đơm hoa kết trái bằng những tác phẩm ông đã và sẽ để lại cho đời, cho văn học Việt Nam và văn học thế giới. Chuyện chết chóc, mất mát là những sự rất bình thường đã xảy ra cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trước Du Tử Lê và sau thế hệ ông cũng đã có rất nhiều người là nạn nhân của mất mát, là chứng nhân của chết chóc, chia lìa. Thế nhưng đối với nghệ thuật, những bi cố này đã trở thành sự thôi thúc và chất liệu cho tác phẩm. Sáng tác có thể là sản phẩm của hư cấu, nhưng hư cấu không có nghĩa là hư vô. Ngoài sự ra đi của người thân (bố, chị, anh, rồi mẹ), ông còn chứng kiến những sự ra đi của tình yêu. “Đó là thời điểm đầu thập niên 90. Thời điểm mà, những người phụ nữ bỏ tôi ra đi. Thời điểm của những cuộc tình khốc liệt. Những cuộc tình duyên mang đến cho tôi, cùng lúc hạnh phúc chói, gắt; và, tai tiếng xấu xa, thậm chí, cả những lời nguyền rủa nữa.” Đó là những sự ra đi của liên hệ tình cảm. Còn sự ra đi của chính bản ngã Du Tử Lê có lẽ bắt đầu từ lúc “Năm mười sáu tuổi, tôi chính thức khai sinh tên tôi lần thứ hai... từ đó tôi bắt đầu làm thơ...” Sự việc một thiếu niên chọn cho mình một tên mới để khai sinh, một cuộc đời mới cho mình là một sự việc đáng để ý. Việc thiếu niên Lê Cự Phách tự đặt tên mới cho mình để bắt đầu đời làm thơ là một hành động sáng tạo. Cũng có những thiếu niên mười lăm mười sáu như Lê Cự Phách đã mơ trở thành nhân vật này nhân vật nọ, nhưng đó chỉ là ước mơ bắt chước chứ không phải là ước mơ sáng tạo. Từ lúc thiếu niên Lê Cự Phách tự gọi mình là Du Tử Lê là lúc ông ý thức được sự hiện hữu và vai trò của mình trong đời sống: sự hiện hữu của một thi sĩ và vai trò của người sáng tạo. Thi sĩ và sáng tạo là một. Không thể có thi sĩ nếu không có sáng tạo. Việc sáng tạo chỉ là sự khẳng định về sự hiện hữu của thi sĩ.

Khi danh vọng của ông vừa sáng chói với giải thưởng văn học toàn quốc (1973) cũng là lúc ông sửa soạn đương đầu với cuộc ra đi mới. Như nhiều người Việt Nam khác, lần lượt ra đi năm 1975 đánh dấu một sự thay đổi và mất mát khốc liệt. Thế nhưng dòng sáng tạo của ông không bị tàn phá như dĩ vãng của ông. Du Tử Lê vẫn tiếp tục con đường sáng tạo và vẫn tiếp tục đối diện với sự ra đi của chính mình và sự ra đi của những liên hệ tình cảm xã hội trong đời sống. Chỗ đứng của ông là do ông tự chọn, con đường của ông dù đời có đưa nay thế này thế nọ vẫn là con đường Du Tử Lê. Con đường sáng tạo của Du Tử Lê là sự đương đầu thường xuyên với những sức ép của đời sống. Trong ông tiềm tàng một sức chịu đựng bền bỉ. Ông không để mình bị tàn phá bởi những đau khổ đời đổ xuống như bão táp. Có nhiều thi sĩ, văn sĩ đã không chịu nổi sức ép quanh đời nên bị khủng hoảng tâm thần. Đã có những nghiên cứu về tâm lý xã hội để giải minh giả thuyết và sự hiểu lầm rằng nghệ sĩ, nhất là thi sĩ là những người có đời sống tâm thần không cân bằng. Câu chuyện về Van Gog cắt tai tặng người ông si mê đã tạo thêm những huyền thoại hay sự hiểu lầm về đời sống của nhiều văn nghệ sĩ. Thật ra mà nói, người “điên” hay người “tâm thần” có làm thơ, nhưng tư tưởng của họ không đầu đuôi, rối loạn. Những tác phẩm thi ca được đời đón nhận không thể là sản phẩm của một tâm hồn trong lúc rối loạn, hay bệnh hoạn. Sáng tạo không phải là sản phẩm của ngẫu nhiên. Nhưng là sản phẩm của một quá trình quan sát, cảm nhận, suy tư, và chắt lọc. Thi sĩ có thể không ý thức được quá trình sáng tạo của mình nhưng những dòng thơ ông để lại cho đời không thể là sản phẩm của ngẫu nhiên, hay rối loạn tâm thần.

 

Tôi vẫn nghĩ rằng điều Du Tử Lê đã nói “Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau”, là sự khẳng định về cảm nghiệm cô đơn, bản chất của đời sống. Có thể tôi đã hiểu lầm ông. Nhưng dù có hiểu lầm thì tôi vẫn tin là mình đúng. Câu thơ tám chữ này, đối với tôi, cũng là lời tóm tắt về hành trình sáng tạo của Du Tử Lê. Trên hành trình này, sự ra đi là cần thiết cũng như trở về dù cả về lẫn đi đều khởi sự từ cảm nghiệm cô đơn.

 

Du Tử Lê có lẽ là người đầu tiên (?) dùng chữ “thánh nữ” khi nói về những người tình của ông. Việc Du Tử Lê phong thánh cho người tình là việc làm phát xuất từ ý thức cô đơn. Đời chỉ phong thánh cho người quá cố vì họ đã khuất xa biền biệt. Du Tử Lê phong thánh cho người tình vì nhìn thấy được những vực thẳm cô đơn trong tình yêu. Vực thẳm cô đơn làm cho người tình khuất xa ngoài tầm với. Người yêu thơ Du Tử Lê sẽ thấy ông rất ít dùng những từ như “hạnh phúc” trong thơ. Khi từ này được dùng thì cũng chỉ để làm sáng tỏ thêm cảm nghiệm về sự cô đơn. Thí dụ ông dõng dạc tuyên bố “Hạnh phúc chỉ như lời xí gạt,” (Cửa Quên Chung). Điều này làm ta hoang mang về ý nghĩa thật của hạnh phúc. Chúng ta tìm đến tình yêu vì tin rằng tình yêu sẽ cứu vớt ta khỏi cô đơn. Nhưng khi tình yêu mở rộng thêm cánh cửa cô đơn là lúc ta nhận thức được niềm hạnh phúc tưởng là thiên thu bỗng mong manh vô nghĩa. Trong một bài thơ khác ông viết, “Cho tôi uống cùng em ly hạnh phúc, rượu trăm năm cất bởi trái tim buồn” (Ngọc Thi). Ly hạnh phúc của tác giả xin được uống là ly chứa chất thương đau. Ông đã uống nỗi buồn, hay chính là nỗi cô đơn của tình yêu. Chén cô đơn không bao giờ cạn nên thi nhân vẫn mê mải đưa tay xin uống thêm những giọt buồn đau nhỏ từ trái tim người tình hay chính con tim mình. Du Tử Lê đã biết từ lâu rồi niềm vui chỉ có thật khi không còn cô đơn và chỉ có sự chết mới xóa bỏ được cô đơn nên ông bảo với con mình rằng “Chia con một góc mộ phần, cõi an vui rất cận gần với cha”, (Thơ Gửi Lu Và Chó Xù). Theo tư tưởng Thiên Chúa Giáo, chết là lúc trở về của thân xác vì kiếp bụi tro phải trở về với tro bụi. Cũng có thể hiểu là sự trở về với chính bản thể của mình. Du Tử Lê đã diễn tả sự cô đơn một cách rất siêu thực. Phải xé bỏ những bức màn của chữ nghĩa, vần điệu trong thơ Du Tử Lê, ta mới nhận diện trung thực được nỗi cô đơn đè nặng, nhận chìm tác giả trong đời sống. Nhưng chính trong sự cô đơn này, chúng ta được nhìn thấy sự hiện diện của Du Tử Lê ngời sáng trong cõi thơ vô tận.

Nói tóm lại con đường sáng tạo của Du Tử Lê khởi sự từ những mất mát chia lìa, những dằn vặt, đớn đau, hay cô đơn buồn nản, nhưng ông đã không để những thống khổ trong đời nhận chìm. Ngược lại ông luôn luôn vươn lên, xô đi những khổ đau và như thế ông đã dâng cho đời những tinh hoa phát xuất từ vực thẳm, hay đỉnh cao của thất vọng của cô đơn. Ông đang đi trên một hành trình trở về với bản ngã mình. Việc ông cho xuất bản tác phẩm loại “Du Tử Lê Tác Phẩm & Tác Giả” là việc làm của người đang tìm những tấm gương soi để tìm diện mạo mình. Và để giúp người khác hiểu thêm về mình. Qua những nhận xét của người chung quanh, ông sẽ khám ra chính con người ông. Phần thưởng của thi sĩ là biết người ta nghĩ và nói gì về tác phẩm của mình. Trên đường trở về, ông cũng đang phải từ bỏ những gì đã có, sự từ bỏ này sẽ mở ra những cánh cửa sáng tạo khác.

 

Tôi mong rằng tiểu luận này sẽ là một tiền đề cho những công trình nghiên cứu văn học có hệ thống trong tương lai. Tôi tin chắc rằng sẽ có những luận án văn chương về hành trình sáng tạo của Du Tử Lê. Ngay cả những người không thích thơ văn của ông cũng sẽ phải công nhận những đóng góp của ông cho văn học Việt Nam.

 

Trần Thu Miên

 

(Trần thu miên là bút hiệu của Trần Văn Thành, Giáo Sư Trưởng Chương Trình Tiến Sĩ Khoa Nhân Xã Vụ Học (Social Work), Đại Học Boston)

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11070)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,