Ngày ông đến Paris,
lúc ông tươi cười nắm bàn tay tôi trong hành lang trước khi chúng ta bước vào bên trong thính phòng, ông không để ý, tôi đã làm một hành vi kỳ khôi. Hạnh đứng sát bên tôi, nhìn ông không chớp mắt, và tôi có quay qua nói vội với bạn tôi một câu. Tôi nói:
- Tao có duyên hơn mày.
- Hạnh! Mày đang ở đâu? Hôm nay Du Tử Lê lại xuất hiện đấy!
- Thế nào?
- Mail. Chàng muốn tao viết gì đó về chàng.
- Mày đủ ca-líp sao?
- Tất nhiên là không.
- Mày có kỷ niệm với ổng sao?
- Không có bao nhiêu, ngoài chuyện dính dáng đến mày, cho tao nói không?
- Tao thì ăn nhập gì đến văn chương!
- Ơ, cái con này, thế mày tưởng văn chương là gì?
- Nhưng tao không liên quan gì đến oâng ấy cả!
- Có chứ!
- Gì?
- Mày quên rồi!
Chiều tà. Hai đứa con gái rê chân trong sân trường của những ngày cuối năm học chẳng còn bao bóng người, của lá bồ đề lướt mướt nước mưa, của cát nặng im lìm trong hố chuyền, của bóng xìu lặng lẽ trong góc lưới, của thư viện vốn tăm tối giờ tắt hẳn ánh nê-ông nguội, của những băng ghế đá nối nhau trống không, của bãi xe chỉ còn loe ngoe dăm ba chiếc. Giữa không khí buồn buồn, văng vắng, lành lạnh, nằng nặng, tôi tối, tương phản với sức sống đôi mươi ấy, tôi choàng tay qua eo Hạnh ủy mị: “Lạnh quá!”, và kinh ngạc bị Hạnh hất ra chứ không để yên hay ôm lại như nhiều lần. Ngỡ ngàng nhìn. Hạnh đỏ mặt. Trước ánh mắt tôi gắt gao truy đuổi, Hạnh lí nhí thú tội:
- Tao cho Nó rồi.
- Cái gì?
- Ờ, tại vì...
- Tại vì cái gì? Tại vì cái gì chứ!
- Thơ.
Hạnh cho đứt nó của Hạnh chỉ vì mấy câu thơ. Nó đi theo xin Hạnh bốn năm trời ròng rã bằng bao nhiêu của đút lót nặng ký, bao gồm hoa phượng vĩ hái tì tì từ chùm nở trước mùa chưa kịp chín đỏ, tháng tư, đến chùm muộn hiếm sau mùa dẫu nẫu nuột vẫn gượng nương níu, tháng chạp. Cao hứng, nó bán mạng, leo tít cành cao nhất cây, hái cho bằng được hoa đầu ngọn, mặt đã xanh lè vì sợ, miệng vẫn bai bải:
Forget Me Not!
Còn nữa làm chi, những bài giải toán, lý, hoá hắc búa, nó chép tay chi li mực xanh mực đỏ, gạch đít, xuống hàng, mũi tên, ngoặc đơn, ngoặc kép. Và, trái vải thiều to nhất chùm má nó chừa cho thằng con trai út, viên kẹo chocolat Mon Chéri bọc rượu chị nó gửi về từ Pháp chia đều cho cả nhà mỗi người đúng một viên, nó phóng ngay lên hông-đa, đêm hôm khuya khoắt còn cố giựt chuông cửa, kéo Hạnh ra, bắt nhắm mắt để chính tay nó lột lớp giấy bọc, bắt mở miệng để nó đút nguyên viên vào, bắt ngậm miệng cho nó nhìn Hạnh sung sướng, và biết bao dịch vụ lớn nhỏ khác... Tất cả đều xôi hỏng bỏng không. Bây giờ, hỡi ôi, thơ gì? Thơ gì thế hả? Tôi cong cớn.
Giận Hạnh phản bội lời hứa danh dự treo giá ngàn vàng ít nhất cho tới ngày ra trường, nhưng, lạ thay, tôi thuộc lòng ngay mấy câu thơ lựu đạn mà chẳng cần phải nghe đọc lại lần thứ hai. Cơn giận tôi chưa kịp nguôi ngoai thì Hạnh đột ngột hôn mê vô căn cớ, một buổi chiều, ngay trên chỗ Hạnh vẫn đêm đêm trở mình những giấc mơ con gái. Những giấc mơ mà Hạnh đã tin cẩn kể cho tôi nghe, không bỏ qua mấy điều kỳ quá!.
Máu thịt tôi vẫn xôn xao khó tả cùng loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm, chưa kịp thành thật khai báo với Hạnh rằng chính tôi cũng đứ đừ đư dù chỉ nghe đọc lại từ miệng một đứa con gái, huống hồ chi Hạnh, thì Hạnh đã vội vã nhắm mắt, một buổi sáng, trước khi tôi kịp vào gặp, trên chiếc giường drap ố, bệnh viện Chợ Quán.
Mười hai năm sau, tôi gặp tác giả bài thơ mà ngày ấy, tôi cứ tưởng của nó làm cho Hạnh, nên ghen tỵ, sao Hạnh được thằng con trai yêu mình làm thơ ngầu thế! Thời ấy, tôi chỉ nhận được những câu chán ốm người, kiểu “Lưu là luyến / Niệm là vương / Niệm - Lưu hai chữ vấn vương trong lòng”. Ốm người.
- Ê nhỏ, mai tao gặp thủ phạm nụ hôn đầu đời của mày.,
- Khanh? Nó đến
- A! Đừng bao giờ em hỏi vì sao ta yêu nhau!
- Đúng rồi!
- Ổng... sao ta?
- Mai mới gặp.
- Chắc dễ sợ lắm.
- Vì sao môi anh nóng, vì sao tay anh lạnh, vì sao thân anh run, vì sao chân không vững, vì sao và vì sao... Trời ơi!
- Ủa, đâu có hai chữ trời ơi chỗ đó!
- Hai chữ đó của tao chêm vô.
- Sao mày thêm tầm bậy làm hỏng thơ người ta!
- Mày ngu quá, làm thơ, làm nhạc, làm bếp, hay làm... bất cứ cái gì chính là cất lên một tiếng ơi. Cái tiếng ơi đó được ới lại bằng hai chữ Trời Ơi là đủ hết đời rồi đó. Đủ, hết một đời. Hiểu chưa, nhỏ?
- Sao, ổng sao? Nói đi! Kể tao nghe đi!
- Ổng hả? Thế này này: ... /... /... ,,-... , ... / ? ! /... ,... ,... -... , ... /... /... /... ////... ?. ?...?!!!!!!!!!!!!!!!!!!.../
- ( )
Ngắt im lặng rất dài của Hạnh, tôi hỏi:
- Sao mày buồn vậy?
- Phải chi hồi đó người phà thơ vào cổ tao không phải là thằng Khanh!
- Chứ mày muốn thằng nào?
- Còn hỏi!
- Trời! Mày điên! Là ổng hả, mày chết liền chứ ở đó mà được yên thân như với thằng Khanh.
- Nhưng tao chết rồi! Lạnh ngắt mười mấy năm rồi! Mấy con vi trùng khốn nạn nó đã chui vào cắn nát bét màng não tao! Mày tính coi, chết vì một người viết những lời máu lửa (cho mình, hay không định viết cho mình nhưng mình cứ cho là người ấy viết cho riêng mình đi, để mặc sức hồn nhiên hưởng phúc) có sướng hơn chết vào tay lũ vi trùng lãng quẻ kia không?
Tôi thắp thêm một nén hương cho Hạnh sau câu nói ấy.
Nhà thơ thủ phạm,
Như vậy đó. Rủ rỉ rù rì đàn bà con gái chúng tôi với nhau có ông, và thơ ông - tất nhiên - làm đề tài, lập đi lập lại, baonhiêu lần vẫn rộn rã như bánh kẹo ấu thời, mê hăng như gái trai mới lớn, ngay cả, khi Hạnh của tôi đã ra người thiên cổ. Tôi nói, ngay cả khi Hạnh của tôi đã ra người thiên cổ, bởi vì, đúng thế, cho tới bây giờ, hai đứa tôi vẫn tiếp tục trò chuyện với nhau. Ví dụ một đối thoại:
- Bài thơ ấy còn một đoạn nữa, khắn vào tao.
- ?
- Hãy cho anh được thở
Bằng ngực em rủ buồn
Hãy cho anh được ôm
Em, ngang bằng nỗi chết
- Sao bây giờ mày mới đọc tao nghe đoạn này?
- Vì sau khi chết rồi, tao mới biết có đoạn thơ này. Hồi thằng Khanh đọc để tán tỉnh tao thì nó cũng không biết hoặc đã cố tình bỏ hẳn đi.
- Chết rồi mới biết có đoạn thơ này là thế nào?
- Thoát trần rồi, nhìn được thấu đáo. Chết có cái sướng ấy. Khi nào chết, mày sẽ biết. Mày sẽ thấy được những gì mày hằng khát khao thấu hiểu. Ví dụ như là, đáy tim người. Mày sẽ thấy những gì không thể nào thấu thị bằng mắt thịt.
- Chết sướng vậy sao?
- Ờ, sướng vậy đó.
- Vậy tao cũng muốn chết.
- !
- Để nhìn đáy tim Người.
- Hi hi... chưa được.
- Tại sao?
- Chưa tới giờ của mày.
- Có người xếp giờ cho mình chết hả?
- Đúng vậy.
- Vậy tao muốn đổi giờ. Tao phản đối chuyện người khác sắp đặt tao giờ này giờ nọ.
- Thôi đi, bồ ơi, đừng có tưng.
- Tao nói thật. Muốn nhìn thấy quá, ngay bây giờ, đáy tim Người.
- Con điên này! Không biết thú đợi chờ là gì hay sao? Bộ muốn chết là chết ngang xương hả? Trở về vị trí đi! Không được đốt giai đoạn. Không được chen lấn. Sống trật tự, chết cũng phải trật tự.
Mắng tôi xa xả oang oang không chưa đủ, Hạnh sai khiến con Migraine đến đấm thùi thụi vào mặt, vào đầu tôi suốt mấy ngày liền, cho chừa cái tật Đi Vội Về Sau (*). Nhà thơ thủ phạm, bây giờ tự xưng cậu học trò trên sáu mươi tuổi đang chờ giờ điểm danh cuối cùng, ông biết không, bạn tôi, Nguyễn Mỹ Hạnh, xinh đẹp lắm. Hoa khôi trường Sư Phạm thuở ấy. Nhưng, xinh cái mắt, đẹp cái môi không thôi, hẳn đã chẳng đủ để ra đời một bài hát chưa được Tùng Giang công bố làm cho riêng Hạnh khi sinh thời, và một bài tùy bút Trịnh Công Sơn khóc Hạnh trên mặt báo khi xa đời. Từ Hạnh toát ra thứ hương sắc mãnh liệt, thể như biết trước sẽ đoản mệnh nên ngày còn, phát tán tận cùng.
Nếu như Hạnh và ông gặp gỡ nhau ở đời này, tôi tin sẽ có, ít nhất, một bài thơ khủng khiếp để thêm vào kho tàng của Lê, đồ sộ, giàu tình, vẫn sẽ không bao giờ là đủ, ít nhất là cho ông, và cho Hạnh.
Ngày ông đến
- Tao có duyên hơn mày.
(*) Đi Vội Về Sau: chữ của Phạm Duy