Hoa Thịnh Đốn, Ngày 3 tháng 12 năm 1993
Bạn ta,
Cách đây mấy ngày, ở thư viện
Nhìn danh sách những bài thơ của họ Lê được phổ thành ca khúc, khoảng trên dưới 50 bài, người ta ngạc nhiên về con số những bài thơ của ông được – nói theo kiểu Phạm Đình Chương – cho thêm một đời sống mới, đời sống của âm nhạc.
Tại sao có hiện tượng kỳ lạ này, hiện tượng một số khá nhiều bài thơ của một thi sĩ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như vậy?
Các nhạc sĩ nổi tiếng của âm nhạc Việt
Lý do là có những trường hợp phải quay sang với thơ vì tình trạng “khô cạn cảm hứng nhất thời” – Một tình trạng không một người làm công việc sáng tác nào không thỉnh thoảng gặp phải – như một nhạc sĩ đã có lần nói.
Nhưng cũng có những trường hợp vì xúc động mà bài thơ tạo nơi người nhạc sĩ.
Những bài thơ gây xúc động nơi người nhạc sĩ khiến ông phải bày tỏ cảm xúc của ông bằng nhạc là những bài thơ phổ nhạc thành công nhất. Có khi chỉ cần một lần. Bài “Đi Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp được Trần Văn Khê phổ nhạc chẳng hạn.
Rất nhiều nhà thơ nổi tiếng đã có thơ được phổ nhạc.
Xúc cảm nhiều khiến người làm nhạc cho bài thơ thêm đời sống âm thanh mới chỉ là một lý do.
Một lý do khác nữa là sự gần gũi với nhạc của những bài thơ đó. Những bài thơ đọc lên, người ta chợt thấy nó còn cần phải được hát lên nữa.
Đó là bài “Mộng Dưới Hoa” của Đinh Hùng. “Ngậm Ngùi” của Huy Cận. “Vần Thơ Sầu Rụng” của Lưu Trọng Lư. “Áo Lụa Hà Đông”, “Paris Có Gì Lạ Không Em” của Nguyên Sa. “Khi Cuộc Tình Đã Chết”, “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” của Du Tử Lê…
Điều này không chỉ đúng cho những bài thơ mới, vì chúng ta thấy có cả một bài thơ của Tản Đà – một nhà thơ rất cổ điển – trong số những bài thơ được phổ nhạc, bản “Tống Biệt” bằng nhạc của Võ Đức Thu.
Chắc chắn phải có sự gần gũi với âm nhạc của những bài thơ này, vì lẽ có những nhà thơ nổi tiếng và cũng rất mới, không khác gì Nguyễn Nhược Pháp, Đinh Hùng, Du Tử Lê, Nguyên Sa… nhưng không một bài thơ nào của các ông được phổ thành nhạc. Đó là trường hợp của Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên…
Điều này chắc phải đúng, vì có khi một bài văn xuôi, nếu nó gần với âm nhạc, thì văn xuôi đó cũng được âm nhạc ghé thăm ngay.
Thí dụ một đoạn văn xuôi của Đinh Hùng… ”Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này để nghe tiếng lá rơi trên bờ cỏ… Những cây phù dung đứng buồn như những nàng cung nữ... ”đã trở thành “Hoài Thu” của Văn Trí.” Mùa thu năm ấy, trên đường tới miền Cao Nguyên, Đà Lạt núi rừng thâm nghiêm… những cây phù dung trắng xóa…”
Trong khi những bài “Ông Đồ Già” của Vũ Đình Liên, “Thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử… tuy chất thơ thì rất nhiều, nhưng đến nay vẫn chỉ có một đời sống nguyên thủy, đời sống của thơ.
Âm nhạc đặc biệt ghé thăm Du Tử Lê, nhiều hơn nó đến với các nhà thơ khác. Đinh Hùng có “Mộng Dưới Hoa” với Phạm Đình Chương, “Mái Tóc Dạ Hương” tức “Một Tiếng Em” với Nguyễn Hiền, “Chiều Tím” với Đan Thọ, “Hoài Thu” với Văn Trí.
Phạm Thiên Thư, Hoàng Cầm, Phạm Lê Phan, Nguyễn Tất Nhiên, Ngô Đình Vận đã được âm nhạc của Phạm Duy ghé lại mỗi người trên dưới 10 bài.
Nhưng âm nhạc đến với Du Tử Lê không chỉ ở con số 1 mà là con số gấp 5 hay 6 lần như thế.
Tại sao?
Tôi nghĩ thơ họ Lê có thể là một thứ thơ “lang chạ”
Thơ Phạm Thiên Thư chỉ “chung thủy” với Phạm Duy. Hoàng Cầm, Phạm Lê Phan, Ngô Đình Vận cũng thế. Đó là trường hợp “Mười Bài Đạo Ca”, “Tình Cầm”, “Tình Khúc Chiến Trường”, “Chiến Ca Mùa Hè”…
Nhưng thơ Du Tử Lê thì khác. Chúng không ở riêng với ai hết. Chúng có nhiều người tình khác nhau. Chúng không có sự “chung thủy”
Thơ Vũ Hoàng Chương chỉ ở với Kiều Thu. Thơ Đinh Hùng cũng chỉ ở với một người, hay cũng có thể là nhiều người, nhưng vẫn có những nét chung như “Liên, những Liên, và Liên” của Thanh Tâm Tuyền.
Những người trong thơ Du Tử Lê thì đã không phải là một, cũng không là hai, mà còn rất nhiều người khác nhau nữa.
Vì thế, thơ của Du Tử Lê cũng “đi” với Phạm Duy. Với Phạm Đình Chương. Với Từ Công Phụng. Với Vũ Thành An, Châu Đình An, Trần Duy Đức, Việt Dzũng, Anh Bằng, Hoàng Xuân Giang, Nguyễn Hiền, Phan Nguyên Anh, Ngô Anh Quang, Đăng Khánh…
Mà cũng có thể nói ngược lại là những nhạc sĩ này, ai cũng muốn “đi” với thơ Du Tử Lê cả.
Sau khi nó trở thành ca khúc thì nó lại còn “lang chạ” cả với những giọng hát.
“Khi Cuộc Tình Đã Chết” với Thái Thanh, Lệ Thu. “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” với Thái Thanh, Quỳnh Giao, Lệ Thu.
Nó “đi” với giọng Sĩ Phú, Duy Trác, Kim Tước, Mai Hương, Tuấn Ngọc, Thái Hiền…
Và vì thế mà những đời sống mới của Du Tử Lê được âm nhạc mang lại đặc biệt phong phú.
Những nhạc khúc phổ từ thơ Du Tử Lê là để được hát lên. Nó không yên nghỉ ở phần phụ trang như nhiều bài thơ được phổ nhạc một cách thù tạc, đi lại, xã giao, trao đổi giữa thi sĩ và nhạc sĩ. Rất nhiều bài thơ phổ nhạc nằm trong loại này.
Thơ Du Tử Lê khi được phổ nhạc thì thường không như thế.
Nó được sống dậy, lôi ra khỏi trang giấy, những dòng trang giấy, những dòng kẻ của bài nhạc. Nó sống sót rất lâu sau những buổi ra mắt thơ khi nó được hát lên theo lời yêu cầu của tác giả bài thơ. Nó chịu thử thách của thời gian, và nhất là của người nghe.
Nó là “Ơn Em”, là “Trên Ngọn Tình Sầu”. là “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”, là “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn”, là “Khi Cuộc Tình Đã Chết” là “Tình sầu Du Tử Lê”…
Và vì thế, nếu có nói Du Tử Lê có đóng góp với âm nhạc và là những đóng góp lớn thì chắc cũng đúng.
Tất cả, lý do chỉ vì cái tính “lang chạ” của nó!
Bùi Bảo Trúc
(Nhật Báo Người Việt ngày 6 tháng 12-1993)