Đường Ngôi Không Tiếng Gọi

10 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3961)
Đường Ngôi Không Tiếng Gọi



“Những ngón tay mồ côi
Đường ngôi không tiếng gọi”
Thơ dtl

Hơn một tuần nay, tôi thức/ ngủ bập bềnh trong hơi nước/ tiếng mưa rầm rập, quẫy đập, khua, lùng bốn phía. Nhiều đêm, giật mình, tỉnh giấc, không biết mình còn nằm trên giường, hay đã bị mưa trói (lọi xương tay, chân;) bốc bay băng băng qua những cánh rừng ký ức.

Những buổi trưa quơ tay tìm nút đèn, tôi nghe đâu đó, dưới chân ghế, dòng Santa Ana River cuộn cuộn, réo. Những thân nước đỏ, vàng, xanh, xám gầm thét dang tay nhồi, ném những cành gẫy, như những cây gậy (quên gắn hoa hai đầu) nhào lộn tít mù trong tay mấy cô gái rực rỡ thuộc các đoàn vũ ủng hộ tinh thần. Đài phát thanh không ngưng loan tin, từng giờ bước đi rung chuyển lòng đất của những trận Pacific storms. Những trận tập kích với ba mặt giáp công, bốn hướng tiến đánh. Thác lũ trèo, leo qua mặt thành đê, điều các dòng Russian, Napa, Petaluma, Eel. Smith, Van Duzen và Sacramento Rivers, ở miền Bắc. Cư dân sinh sống quanh các dòng sông này được lệnh di tản xa tầm bão vói. Người chết, lên con số chục. Nhà sập tới con số trăm.

Thống đốc Pete Wilson, công bố “tình trạng khẩn cấp cho các quận hạt Sonoma, Lake, Tehama và Humboldt Counties. Những chuyến bay tại phi trường San Francisco bị đình hoãn hoặc, hủy bỏ vĩnh viễn. Nhà tạm trú, ở Garden Grove, do cơ quan Hồng Thập Tự quản trị, mở cửa cho nạn nhân bão lụt.

Những đoạn đường bị khóa chặt vì nước dâng cao, cây trốc gốc. Báo chí địa phương bảo, quận Cam đang rạp mình chịu đựng cơn thịnh nộ của trời đất, “tuần thứ hai, “hiệp ba.” Ký giả Gary Robbins của tờ The O.C. Register, một cách văn hoa, gọi chung các trận Pacific Storms là “Mother Nature.”

Bà mẹ-thiên-nhiên phỉnh gạt tất cả mọi người, không trừ một ai! Luôn những chuyên viên tiên đoán thời tiết. Ông viết, đất không chỉ úng thủy mà, ngay đầu tuần qua, khi những trận bão Pacific Storms bắt đầu, chúng đã tọng vào cổ họng những nhà tiên đoán thời tiết cả một biển nước. Và, dụng cụ, dùng trong việc tiên đoán, chỉ cung cấp cho họ cái nhìn loáng thoáng về sự chuyển động của bão nên: “Forecasters have been wrong more than right.” Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết mình đang ở/ đứng đâu? Bìa hay tâm bão?

Hơn tuần nay, tôi thức/ ngủ bập bềnh trong hơi nước/ tiếng mưa rầm rập, quẫy đập, khua, lùng bốn phía. Nhiều đêm, thức giấc, tôi không biết mình còn nằm trên giường hay, đã bị mưa trói (lọi xương tay, chân;) bốc bay, băng băng qua những cánh rừng ký ức?

Những chiều quơ tay tìm nút bật đèn, tôi nghe đâu đó, dưới dòng Santa Ana River cuộn cuộn, réo. Ngực sông vạm vỡ thở ngồn ngộn lượng phù sa đầu nguồn, lẫm, lẫm. Dễ trên mười năm, con sông khô quắt này, mới lại phục sinh. Hớn hở. Nó cuốn trong nó, nỗi cuống cuồng, đầu thai và, niềm ngậm ngùi: ký ức.

Mưa chém gẫy một cành soan lớn, ném xuống, chận ngang lối đi hẹp. Những cành lá lòa xòa đập nát tấm kính dầy cửa sổ. Đầu cành, chỗ bị chém tét khỏi thân, rung rung thớ trắng, tựa phần thịt bao quanh đã bị gió lóc hết. Tôi chợt thấy, chiếc xe của nàng, bơi trong dòng thác, xiết.

.

Người con gái ôm tập sách, lội nước, chui dưới cành gẫy. Người đàn ông mở sẵn cửa, chờ. Chiếc dù trong tay anh, phật, phật, tuồng muốn giựt anh, văng lên, nếu trên đầu, không là mái thấp. Họ ôm nhau. Khối nước mưa và, khối giá buốt. Người con gái quay nhìn dòng lũ ngập ngang thân xe, le lưỡi:

“Hón liều thật.”

Có thể người con gái muốn nói nhiều hơn, nhưng hai hàm răng không ngớt khua đập, rổn rảng. Người đàn ông dìu nàng vào phòng. Anh lua chiếc khăn bông lung tung trên đầu nàng. Mái tóc dài của người con gái xù ra, tựa đống len rối. Anh đưa quần áo khô của mình, cho nàng. Thân thể nàng nhăn, tái. Đôi núm vú vốn tươi hồng như son, cũng thâm lại. Nàng quên mắc cở, mặc chàng lau hộ những chỗ không thể cúi xuống. Người đàn ông chu đáo (tới tỉ mỉ,) không bỏ sót nơi nào. Anh hoàn tấc việc lau khô thân thể nàng một cách nghiêm chỉnh. Người con gái dường cảm được sự trong sáng trong công việc của người đàn ông. Nàng cười, hạnh phúc/ xúng xính/ trong bộ quần áo thùng thình của người đàn ông và, những giọt nước mới, đơm trên đầu ngọn tóc. Người con gái dùng chiếc khăn bông bao kín đầu, sau khi đã vét hết tóc lên cao. Nàng như con mèo ướt mèm, còn phải đội đầu, một rổ bánh. Họ lên giường nằm. Chuyền tay nhau điếu thuốc. Nghe mưa chạy vòng, vòng. Họ tan trong nhau và, trong mưa. Riêng mỗi.

.

Đó là mùa thu 83. Bậu mang Du, Như về San Jose, sau một mùa hè ở Pháp. Không một dấu hiệu, báo trước miền Nam California, sẽ trải qua những ngày bão, (sau này, thống kê cho hay đó là trận bão lớn có mức tàn phá cao nhất kể từ mười năm qua;) ngoài những trận mưa rào bất thường, buổi tối, mùa hè. Bất thường, như sự xuất hiện của Hón (nếu có thể nói được như vậy,) ở với tôi, chỉ trên dưới hai năm. Nhưng lại là một ở lại, vĩnh viễn. Ở lại, của một vết sẹo ký ức (không dấu vết). Ở lại, của một ám ảnh (nhớ/ quên) thôi thúc âm, âm từng hạt nước. Tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu giữa Hón và mưa, có một liên hệ bí mật nào? (Hay mưa là tiềm thức/ ký ức của vũ trụ (?) Và, tôi: Tang trống thâu nhận/ khuếch đại một phần cảm âm từ ký ức vũ trụ kia? Luôn luôn, hình ảnh Hón, trở lại/ tôi/ trong những ngày mưa. Như thể, mưa: Chân dung thứ hai, mặt bên kia của nhan-sắc-cuộc-tình, một thời, hai đứa. Tôi cảm tưởng (luôn Hón), nếu có quên thì, mưa vẫn lẽo đẽo, đi bên (sống với/ ở lại bền chặt phía sau quá khứ) cuộc tình chúng tôi, mọi nơi chốn.

Phải, suốt một thơ ấu hiu quạnh, hình ảnh mẹ tôi mỗi sớm mai, đứng trên thềm, với chiếc lược sừng, chải mái tóc dài (hơn chiều cao của bà,) xuống bậc tam cấp, như vuốt ve (sắp xếp) một dòng suối, một hàng mưa là, ghi nhận (phân biệt) đầu tiên, tôi có được về người nữ (?) Nên, những ngày mưa ở thành phố Seal Beach, (mỗi chuẩn bị ra về,) tôi yêu/ thích biết bao ngắm nhìn mái tóc dầy, đường ngôi rẽ giữa của Hón? Những lúc Hón kín đáo rút trong túi xách chiếc lược tròn. Tôi (cũng kín đáo) dõi theo từng cử chỉ, từng vuốt ve (sắp xếp) dòng suối, hàng mưa của nàng.

Seal Beach, ngôi quán đầu tiên, của hẹn hò thứ nhất, trước ngọn nến hồng, Hón thẹn thùng, kể chuyện mùa nước dâng ngập chợ Lồng, Ba Xuyên. Nàng được đi thuyền, theo mẹ dự những phiên “chợ nổi.” Lớn chút, biết mắc cở, không còn tắm mưa, không thích “chợ nổi,” Hón có nhiều ngày trên tầng lầu ba, thả hồn xuống thấp. Mặc nó vun vút trôi theo thác lũ, tới chân trời lạ, xa. Hút, hút. Chân trời tở mở những tưởng tượng/ rung động/ khao khát dậy thì. Những ngày mưa (dậy thì/ thiếu nữ.)

Hón hạnh phúc trốn học, mặc áo tơi, lội nước, vào quán cà phê, tập làm người lớn với thuốc lá (và toan tính) viết văn, làm thơ… Hón bảo, Hón có hai đời, biệt lập. Đời sống trong gia đình: Đứa con gái ngoan ngoãn (rất được cưng chìu) và, đời sống ngoài tầm mắt quan sát của cha mẹ. Đời sống của một “thằng con trai,” hoang vu, ngổ ngáo, nổi loạn (mơ hồ.)

Những ngày mưa (ký ức của vũ trụ) ở Ranchero Way, Garden Grove, lần đầu, buổi tối, trên chiếc ghế trải thành nệm giữa phòng, chúng tôi ở trong nhau.

Lúc tôi buông Hón ra, Hón vừa khóc nức nở, vừa, mặc lại quần áo. Hón bảo, những tưởng có thể giữ được lâu hơn, dù thấy nhau, lần thứ nhất, buổi tối, ngủ chung với chị Muối, Hón đã kể cho chị nghe, hồi sáng, Hón mới gặp anh. Cái ông này lạ lắm, mắt ổng rất dữ, mặt mũi nhăn nhó, khó ưa. Giọng nói cũng bủn xỉn, nhát gừng, như khỉ ăn phải ớt... Vậy mà, em lại muốn được gặp lại ổng… Hón bảo, chị Muối đang nằm bỗng bật dậy, lom lom nhìn Hón. Tựa chị chợt phát giác, người nằm cạnh, là một ai khác. Hón bảo, Hón không hiểu chuyện gì. Cuối cùng chị lắc đầu, thở dài:

“Tai họa đó em… Đừng gặp ổng nữa.”

Hón hỏi tại sao, chị biểu, khỏi hỏi, mai mốt khắc biết.

“Vì thế Hón trốn anh luôn?”

Hón gật đầu:

“Dạ. Nhưng chỉ được hai ngày. Anh quên rồi sao?”

Tôi nhớ chứ. Câu hỏi chỉ là hỏi, cho có. Gặp lại Hón, lần thứ hai, buổi trưa, khoảng cách giữa hai cơn mưa, Hón đậu xe trước cửa, ùa vào, như cơn lốc. Tôi bước ra, đón với chút ngỡ ngàng, (dường Hón không quan tâm, chuyện nhỏ?) Hón bảo sáng giờ chưa ăn:

“Đói bụng, ngồi học không được…,” như thể, tôi, một thằng bạn, rất thân của Hón.

Tôi chở Hón đi ăn. Đang ăn, mưa quay lui. Cơn mưa sau, dữ dằn hơn. Hón nôn nao, bồn chồn dường muốn xông ra đường làm “người đi trong mưa gió.” Chở Hón về, tôi bảo mưa lớn, ở lại, rồi tính, (sau khi từ chối cùng Hón làm người đi trong mưa gió.) Lúc vào nhà theo thói quen, tôi đóng cửa, khóa trong. Hón nhợt nhạt, nhớn nhác.

Tôi bỗng hiểu, Hón hùng hổ, ngổ ngáo, che dấu phần mèo ướt của nàng. Để Hón ngồi một mình, nơi phòng khách, tôi vào phòng riêng. Làm việc. Tiếng sau, trở ra, Hón đã ngoẹo đầu, với tập vở che ngực, ngủ, say sưa, hồn nhiên như đứa con nít. Tôi lấy chăn mỏng, đắp cho Hón. Tối đó, Hón ở lại, tình nguyện làm hộ tôi, bữa cơm tối. Khuya, còn mưa, đưa Hón về, tôi bảo:

“Xe Hón để lại đây, mai lấy.”

Lúc chia tay dưới tàng cây vông đồng, đứng sát nhau, mùi da, thịt Hón đánh thốc vào ham muốn (bị đè nén,) tôi ôm (chụp) nàng. Hón không chống cự. Nàng ngả đầu lên vai tôi khá lâu. Có thể Hón khóc.

Tôi hỏi:

“Lần gặp sau, Hón có kể cho chị Muối?”

Hón gật:

“Có. Hón nói anh tới trường tìm.”

Tôi bảo:

“Nhờ vậy, chúng ta có được hôm nay.”

Hón cười. Nụ cười chệch choạc đi cạnh dòng nước mắt chưa khô kịp.

Những giọt lệ, như những ngày mưa, (ký ức của vũ trụ,) theo chúng tôi, khắp cùng nơi chốn. Hón không chỉ khóc, nơi lần thứ nhất kia. Hình như ở mỗi nơi chốn, mỗi hoàn cảnh, Hón đều muốn khóc. Ám ảnh khôn nguôi của Hón: Một chia tay/ dứt lìa, thấy trước.

Tôi không hiểu, tại sao, tôi không thể cho Hón một hứa hẹn, một thề bồi trăm năm, chung sống. Tôi không nghĩ, khoảng cách tuổi tác giữa hai đứa là chiếc thắng to lớn kiềm cứng cơn cao hứng (rất thường) trong tôi. Tôi không nghĩ, mối lo lắng về đời sống hàng ngày, cảnh giác tôi mọi hứa hẹn. Giống như Bậu, Hón rất giỏi. Hón tháo vát vượt xa chờ đợi của một người đàn ông bình thường, không tham vọng. Là người Triều Châu, thừa hưởng kinh nghiệm kinh doanh của cha mẹ, năng khiếu buôn bán trong máu, Hón kiếm tiền không khó. Hón lại nói được tiếng Tầu, từ Tiều, Quảng, Phước Kiến tới Quan Thoại… Hón thích tôi ở nhà, để một mình Hón làm ăn, giao dịch.

“Có khi còn tốt hơn để anh ra ngoài,” Hón bảo.

Những ngày mưa (ký ức vũ trụ) đoạn đường Pacific Coast Highway, Long Beach, trên tầng lầu ba, ngôi khách sạn xây lưng vào bờ biển, một lần, Hón hoảng hốt kêu:

“Thôi anh… Hón có thai mất…”

Tôi muốn ngưng, nhưng chẳng thể. (Có dễ chính tiếng kêu hốt hoảng, thất thần của Hón, khiến tôi thêm kích thích?) Tôi biết mình không phải, không ra gì… Nhưng, lúc đó, tôi như con thú trong cơn động dục. Lát sau, nằm xuống, xoay nghiêng, tôi ngó Hón, đợi chờ giải thích. Hón dấu mặt. Mùi ân ái nồng gắt. Mưa gõ đều cửa sổ (không nhịp cùng nước mắt Hón.) Tôi xấu hổ, lóng ngóng lùa những ngón tay khô, trong rừng tóc nàng, gió lớn. Hón bảo:

“Không hiểu tạo sao, Hón cảm tưởng, lần này, có thể Hón có con… Nhưng, dường anh chưa, ít ra lúc này, sẵn sàng để có… con.”

Tôi hỏi: “Ai nói?” Câu hỏi gượng, yếu... (Không lẽ im lặng xác nhận?) “phụ nữ, có những giác quan mà đàn ông không có…” Hón đúng. Tôi hiểu ngày mai, tương lai chỉ là quá khứ sẽ thành, Và, đứng ở điểm nào, nơi vòng tròn thời gian, điểm đó, với tôi, vẫn là ký ức.

Tôi, người tù chung thân của ký ức mình. Như mưa, ký ức chung thân của vũ trụ.

Hơn một tuần nay, tôi thức/ ngủ bập bềnh giữa hơi nước/ tiếng mưa rầm rập quẫy đập, khua, lùng bốn phía.

Nhiều đêm, thức giấc, tôi tự hỏi mình còn nằm trên giường, hay đã bị mưa trói (lọi tay/ chân,) bốc bay băng băng qua những cánh rừng ký ức?

Đài phát thanh không ngớt loan tin cập nhật về các trận Pacific Storms. Trên làn sóng vô tuyến, sở cảnh sát chỉ dẫn dân chúng cách lái xe trên những đoạn đường ngập lụt/ nơi bán cát và bao đựng tại Home-Depots/ số điện thoại nhà tạm trú cho nạn nhân Bà-mẹ-thiên-nhiên (thiên tai.)

Những trưa quơ tay tìm nút đèn, tôi nghe đâu đó, dưới chân ghế, con sông Sài Gòn, cuộn cuộn, réo. Ký ức.

Phải, suốt một thơ ấu hiu quạnh, hình ảnh mẹ tôi mỗi sớm mai, đứng trên thềm, với chiếc lược sừng, chải mái tóc dài (hơn chiều cao của bà,) xuống bậc tam cấp, như vuốt ve, (sắp xếp) một dòng suối, một hàng mưa, là ghi nhận (phân biệt) đầu tiên, tôi có được về người nữ? Nên, tôi yêu/ thích biết bao, ngắm nhìn Bậu chải mái tóc mun, đường ngôi rẽ giữa (con đường thẳng tắp xấn ngang cánh rừng rậm) của nàng, những ngày mưa trên tầng lầu hai, tòa building, đường Đỗ Quang Đẩu?

Sông Sài gòn, những ngày mưa bặt, bặt. Nước dâng cao, nối liền Thủ Thiêm/ bến Bạch Đằng, mà, bến Bạch Đằng bị đánh tòe đầu, trước nhất. Mỗi gặp nhau họa hiếm, mỗi ân ái nghẹn ngào, là một lần Bậu ngất, khóc. Nước mắt Bậu làm sáng lên khuôn mặt trẻ thơ, đôi mắt suối biếc, dòng tóc đầu nguồn. Mỗi gặp gỡ của chúng tôi, thuở đó, là một nhắc nhở, một dặn dò chia tay, tận, tận. Những buổi trưa hiếm muộn, nằm với nhau trên căn phòng lầu hai, một building, đường Đỗ Quang Đẩu, tôi che dấu xúc động mình bằng cách vuốt, vuốt mái tóc Bậu. Những vạt tóc trên vầng trán mười bảy; những vạt tóc trên ngấn cổ mười tám… thường đẫm ướt nước mắt. Những ngày mưa Sài gòn, nước sông Đồng Nai dâng cao, Bậu chao, chao như chiếc lá non/ yếu trên những chuyến xe lam bì bõm, khởi hành từ Thông Tây Hội.

Những ngày mưa lớn, (Bậu không được phép chạy xe một mình), tôi đứng dưới hàng cây gỗ dầu, đường Trần Cao Vân, đinh ninh, Bậu không thể có mặt nơi bất cứ một chuyến xe lam kế tiếp nào. Khi giờ hẹn đã đi qua, tôi thẩn thờ nghe gió thả mưa và, những chiếc lá to bản xuống lòng đường. (Như trút nỗi tuyệt vọng sờ mó được của tôi xuống biển nước, chờ cống rãnh cuốn đi.) Tôi đổ lì, chờ chiếc lược gió (vô hình,) chải nốt những sợi tóc lá/ mưa xuống cảnh thổ hồn tôi úng thủy. Những trưa/ chiều mưa: Đỗ Quang Đẩu, Tour D’Argent, nằm/ngồi với nhau, nhìn Bậu rụt rè chải mái tóc mun, đường ngôi rẽ giữa (như con đường thẳng tắp, xấn ngang cánh rừng) tôi luôn tự hỏi, biết có lần khác? Những câu hỏi, như tóc Bậu, (như nỗi buồn trong một bài thơ Phan Khôi,) mỗi ngày mỗi dài ra…

Sài gòn. Những ngày mưa bặt, bặt, sông Đồng Nai cuộn, cuộn, reo hò nâng mực nước Rạch Kiếng lên cao, tràn ngập ngôi nhà sau cùng của chúng tôi, ở làng B.C., Bậu đi học, dưới hiên, tôi lại được nhìn chiếc lược gió chải những sợi tóc mưa xuống đầu hàng cây tràm bông đỏ. Tôi lại có cho mình câu hỏi, cũ:

“Biết còn lần khác?”

Đó là thời gian cuộc chiến miền Nam đang đi lần vào hẻm cụt. Chẳng một ai có thể nói trước được điều gì!!!

Hơn một tuần nay, tôi thức/ ngủ bập bềnh giữa hơi nước/ tiếng mưa rậm rập, quẫy đập, khua, lùng bốn phía. Nhiều đêm tỉnh dậy, tôi tự hỏi không biết mình còn nằm trên giường, hay đã bị mưa trói (lọi tay, chân) bốc bay băng băng qua những cánh rừng ký ức.

Những trưa quơ tay tìm nút đèn, tôi nghe đâu đó, dưới chân ghế, con sông Hương cuộn cuộn, réo, ký ức.

Đó là những ngày mưa từ Phá Tam Giang về cửa Thuận An. Những ngày mưa ngược từ Thuận An, qua Phá về tới Chợ Mai, Sông Hương, An Cựu… Huế, không còn lằn ranh. Huế, không còn đường phố. Huế, không còn nhà cửa. Huế, chỉ còn những cây cau ốm. Huế, chỉ còn đỉnh nhọn ngôi thánh đường Dòng Chúa Cứu Thế… Và, Huế chỉ còn O T. co gối, ngồi tù mù với những trang thư viết rồi không gửi được. Những năm tháng T. bước vào tuổi hai mươi, (cùng lúc với) gió chải những sợi tóc mưa, chông chênh rớt xuống đôi bờ vắng/ xa, thương/ nhớ, T. (cũng) chênh vênh chải mái tóc tương tư óng ả muộn phiền, xuống bậc cấp tình yêu thứ nhất; (như mẹ tôi vuốt ve (sắp xếp) ngọn suối sinh ký/ tử quy (hai mặt đồng tiền, tháp vào cuộc tình tuyệt vọng.)

Những trận mưa ngày/ ngày tháng/ tháng nhận chìm Đập Đá, có dễ nhiều thước sâu, tôi hình dung T. nơi ngôi nhà kẹt hóc lưng chừng đáy một ngã ba đường đất, lạch nước dâng mù mắt tre, những cụm bèo Tây bìu ríu nhau từ đầu nguồn, dạt tới, không biết T. còn nhớ đến mái tóc ẩm, ẩm mây xuôi? Những ngày làm thành gặp gỡ thứ nhất? An Cựu, đầu hôm/ sớm mai, tôi nhìn T. chải vội mái tóc hai mươi/ hăm mốt, như chải nỗi mắc cỡ, niềm hân hoan ngát, ngát xuống đôi vai lụa trắng. Những ngày làm thành gặp gỡ thứ nhất, đầu hôm/ sớm mai, Chợ Mai, tôi được nhìn T. chải vội mái tóc hăm mốt, hăm hai, như chải niềm rung động rợn, ngất; nỗi thao thiết vợ/ chồng xuống cửa lòng tân hôn thiếu nữ. Tôi nhớ chiều, mưa. Tôi nhớ đêm, gió T. ôi nhớ những ngón tay tôi lùa, xua nỗi niềm xót/ yêu mình, sâu trong mái tóc T. ẩm, ẩm mây xuôi.

Sông Hương. Những ngày mưa (với tôi ngắn ngủi,) nhìn T. chải tóc cạnh (một đống) chị em gái như Thụy, Dị, Duyên, Xưởng, Sáu… Nơi cánh phải bàn thờ mà, phông chính là người mẹ lành như cục bột (trắng cũng như cục bột và, chúng tôi cùng gọi bằng Đẻ), ngồi chấn ngay cái cửa ăn thông xuống nhà bếp, tôi hạnh phúc (cười một mình,) cho rằng chúng tôi đã đánh lừa được hết thảy những “O” nổi tiếng tinh ma kia. Nhớ lại, đó là đêm An Cựu, tôi vuốt tóc T. trong bóng tối. Tôi cúi hôn nơi cổ nàng. Những sợi tóc măng thơm mùi mưa/ chiều/ Phú Bài, mùi bồ kết. Những sợi tóc mịn, như da thịt T. mịn. Những sợi tóc mượt, như tình yêu/ lòng khát khao tôi mượt, ướt. Nhớ lại, đó là tối Chợ Mai, chúng tôi có bàn tay nhau, mùi thịt da nhau (và mưa) ngoài hàng hiên.

Nhớ lại, và hạnh phúc. Hạnh phúc ngây ngô, trẻ con, ngỡ mình đánh lừa được đôi mắt hau háu rình rập của mấy O hiền lành (như quỷ.)

Sông Hương, Những ngày mưa. Những ngày mưa. Những ngày mưa/ mưa… Tôi không thể hình dung T. chải tóc. Tôi cũng không dám đoan chắc, những ngày tháng mất tin nhau, T. sẽ chải tóc ẩm, ẩm mây xuôi của nàng, xuống bờ nào, nhớ/ thương phía nào của thao thiết vợ/ chồng thời, chinh chiến?


Hơn một tuần nay, tôi thức/ ngủ bập bềnh giữa hơi nước/ tiếng mưa rầm rập quẫy đập, khua, lùng bốn phía. Nhiều đêm thức giấc, tôi tự hỏi mình còn nằm trên giường hay đã bị mưa trói (lọi tay/ chân,) bốc bay băng băng qua những cánh rừng ký ức?


Những chiều quơ tay tìm nút đèn, tôi nghe đâu đó, dưới chân, con sông cuộn cuộn, réo. Ký ức.


Houston. Con sông như một dấu chấm than, tận cùng bằng cửa biển. Những ngày mưa, Houston, lênh láng nước. Nửa đêm, sớm mai, tôi chạy nhầu lộ trình xuôi ngược tìm Kim. Tôi tìm ký ức tôi/ Tuổi thơ tôi/ ngày tháng tôi/ và, mái tóc Kim ngắn. Mái tóc không đường ngôi. Mái tóc như những dòng mưa chảy ngang một vành tai, buổi sáng, gió thốc xa lộ Mười. Những cánh rừng tulip. Ngọn đèn đỏ. Nước mắt xuôi. Dallas, đêm mưa. Dallas, môi thơm rừng uất kim hương. Dallas, ngực mang lời thệ nguyện khản, nghẹn. Nỗi nhục nhằn, xanh. Niềm vui đen, những cánh chim tha chiều về núi.


Mỗi chúng ta, như một lát dao tự đâm lấy mình,” Kim nói. “Và, Kim quen rồi, nửa đời không ngày mai. Không tiếng gọi.”


Tôi phải làm gì (?) Tôi có thể làm được gì trước cửa thiên đường, đóng, và, địa ngục thênh thang?


Houston, con sông như một dấu chấm than mà, những ngày mưa, nước lên, như một gạch chéo chia lìa trời/ đất. Những đêm, tôi nằm trên tấm chăn mỏng, trải một góc phòng. Những tối, tôi nghe gió chải miết mưa xuống vai những hàng me dại, khu trường học, ngôi nhà đường Kingsway/ góc Travis. Kim hiện ra, như vầng trăng, vùng sáng duy nhất, nhỏ nhoi, giữa trùng trùng hơi mưa và bóng tối, trong mỗi buồn riêng xước mặt mày. “Một trong hai chúng ta, nên chết.” Tôi nhớ, dường một lần nào, bảo Kim, như vậy.


Đài phát thanh tiếp tục loan đi những tin cập nhật về mọi hoạt động, biến chuyển của những cánh tay bạch tuộc mang tên Pacific Storms. Hơi nước/ tiếng mưa quẫy đập, khua lùng bốn phía. Mọi xó góc thời gian/ ký ức lạnh, ẩm, âm, âm.


Sông Đáy, những ngày thơ ấu. Những ngày chiến tranh “tiêu thổ kháng chiến” chưa tràn qua làng tôi. Anh U. tôi chưa mất. Anh Q., chưa đi tham gia đoàn “thanh niên tuyên truyền.” Những sớm mai thanh bình, tôi theo các anh chị, ra sân vận động, tập thể thao, trước khi trầm mình, tắm trong dòng sông còn thở từng vồng sương muối.


Những ngày chiến tranh, gia đình tôi tan tác. Anh chị U., theo cơ quan về Nho Quan. Anh Q., đi Yên Mô. Tôi theo mẹ chạy tới Đồng Lạc, rừng Mơ… Rồi, từ rừng Mơ, chạy ngược về Kim Bảng. Những ngày mưa, sông Đáy, nước dâng cao, đứng trên bậc tam cấp, nhìn xoáy nước cuộn cuộn, réo.


Những ngày mẹ tôi đi buôn: trục Phủ Lý/ Hà Nội, tôi trùm áo mưa, theo anh Dư, xuống bến sông gần, xem câu cá. Anh tôi bảo, những ngày mưa dầm, cá luồng, từ ngoài nguồn vào theo con nước, “câu giựt không kịp.” Tôi chưa một lần, được thấy tận mắt, sự “giựt không kịp” kia, của anh Dư, thì, đã ngã bệnh. Mẹ tôi từ Hà Nội về, hỏi nguyên nhân. Chị Vú phải khai thật. Cả anh Dư lẫn chị Vú lãnh một trận đòn, thừa sống thiếu chết. Từ đó, bến sông Đáy, những ngày mưa, chỉ sống trong khao khát, mơ tưởng cồn cào tôi. Ký ức.


Đài phát thanh tiếp tục đưa ra lời báo động “hiệp ba’ của cuộc tiến đánh ba mũi bốn mặt tấn kích của bà mẹ-thiên-nhiên. Tôi quơ tay tìm nút đèn, nghe đâu đó dưới chân ghế, con sông cuộn cuộn, réo. Ký ức.


Phải, suốt một ấu thơ hiu quạnh, hình ảnh mẹ tôi đứng trên thềm, với chiếc lược sừng, chải mái tóc dài (hơn chiều cao của bà,) xuống bậc tam cấp, như vuốt ve (sắp xếp) một con suối, một hàng mưa, là ghi nhận (phân biệt) đầu tiên tôi có được về người nữ? Nên, tôi yêu/ thích biết bao, ngắm nhìn những ngày mưa/ Hà Nội/ chải miết hàng dương liễu (không đường ngôi), xuống ven hồ Hoàn Kiếm?


Sông Hồng, mùa mưa Hà Nội. Những ngày mưa mít mù suốt dọc đường Hàng Vôi. Con đường bắt đầu từ ngã tư Hàm Long, dẫn qua vườn hoa con Cóc/ Ngân Hàng/ Viện Bác Cổ/ vườn hoa Chí Linh/ Ấu trĩ Viên… Có nhánh rẽ ra đê sông Hồng. Sông Hồng, những ngày mưa (trong trí tưởng non nớt của tôi), nước sông tựa được pha rất nhiều máu người xưa, thần linh, kẻ thù phương bắc... Những trận đánh bằng thuyền độc mộc, thuyền đinh, thuyển chiến (từ những bài Việt sử bậc tiểu học, cho tôi những câu hỏi thầm kín. Những câu hỏi, muôn đời không câu trả lời. Những câu hỏi về một thế giới khác.


Thế giới những đêm mưa phố Huế, Triệu Việt Vương... Tôi nằm ngủ giữa hai người đàn bà (hai thế hệ) góa bụa. Mẹ tôi và, chị U. Hơi ấm từ thân thể hai người đàn bà thân yêu, gần gũi nhất tuổi thơ, không đủ dỗ tôi ngủ. Những tiếng thở dài nén, giữ trong ngực họ. Những trở mình sẽ sàng (không co kéo tấm chăn bông) của họ, bao giờ cũng kèm theo hơi thở hắt hiu trên nền đêm, lạnh, đều tiếng mưa, từ mái hiên, thở xuống. Tuy quá nhỏ, hồi đó, nhưng tôi hiểu “chết” là không trở về/ không bao giờ thấy nữa. Duy một điều, tôi không hiểu: Tại sao nỗi buồn lúc nào cũng tươm ứa trong đôi mắt/ dáng ngồi/ thế nằm của hai người mẹ này? Tôi đâu biết, mưa, ký ức của vũ trụ. Và, con người: Tội nhân chung thân ký ức mình.


Đài phát thanh loan tin nhiều nơi tạm trú cho thú vật, không còn chỗ. Những con vật được quan tâm, lo lắng…, nồng nhiệt, hăng hái không kém lời chỉ dẫn chi tiết, bí quyết sửa chữa khẩn cấp mái nhà dột. Tôi quơ tay tìm nút bật đèn, nghe đâu đó, dưới chân ghế, con sông cuộn cuộn, réo. Ký ức.


Thu Bồn. Con sông lụt lội một phần tuổi thơ tôi, những ngày đầu tiên, di cư khỏi Hà Nội. Ngôi trường tiểu học Nam Hội An. Con đường Phan Bội Châu. Cửa hàng Thuốc Bắc của ông Xồi, ba chị Dụng. Căn nhà thăm thẳm ăn thông tới bến sông Thu Bồn. Những ngày mưa cuối năm, Hội An, nước sông như đám giặc dữ, uồm uồm xâm mình chiếm, xóa nhanh chóng từng miếng sân, tuần tự sau/ trước.


Những ngày mưa Hội An, chị Dụng nghỉ học, cho tôi lên lầu, vào phòng riêng của chị:


“Để chị dậy Phá cách chơi bài cào. Tết này cho Phá chơi với chị… chịu không
?”


Đương nhiên, tôi chịu quá đi chứ. Những ngày mưa Hội An, chị Dụng không chỉ dậy tôi cách chơi bài cào, xì lác.., cách tính điểm. Chị còn dậy tôi bao nỗi nhớ nhung, bồn chồn, bâng khuâng, lo lắng không duyên cớ, những giờ phải xa chị. Dường chị Dụng đã vô tình mở những cánh cửa rung động, ghen tuông mơ hồ trong tôi, qua những nựng nịu, ve vuốt, đụng chạm…


Ngày đó, tôi không thể gọi tên, xác định đó là thứ tình cảm gì… Chỉ biết, chưa hết mấy ngày Tết, anh Q. đã lên đường ra Đà Nẵng. Đêm trước ngày chia tay, chị Dụng hẹn tôi ở cổng sau, chỗ cây khế. Chiếc cổng (cây khế) trông vào bến sông. Chị dúi cho tôi một chiếc khăn tay, bảo, khăn do chính chị làm.

Chị đã bỏ nhiều ngày để rút bằng được, những sợi chỉ trắng và, luồn vào đó, những sợi chỉ xanh, đỏ. Chị bảo, quý lắm:


Phá đừng làm mất. Cũng đừng cho ai thấy, chị buồn đấy.”


Không đợi phản ứng, chị Dụng hôn tôi... Rồi quay lưng đi, như chạy. Tôi đứng sững sờ, muốn khóc. Tôi nghe mình rưng rưng… Có dễ tôi cảm động vì chiếc khăn lưu niệm/ lời dặn dò/ sự quay lưng của chị Dụng?. Hay ý nghĩ: Chắc lâu lắm, phải nhiều năm nữa, (chừng lớn bằng anh Q.,) khi ấy, tôi mới được thấy lại chị?


Gần sáng, đang ngủ, bị lay dậy, tôi chỉ kịp thay quần áo, đi giầy và, để bị lôi xệch ra chiếc xe nổ máy sẵn. Mãi khi chiếc xe trở đầu ở khúc quanh gần chợ, ngang ngôi nhà đường Phan Bội Châu, một lần nữa, tôi mới nhận ra ánh đèn trên tầng lầu. Không thấy chị Dụng, nhưng tôi tin, chị đang nhìn theo tôi (chiếc xe?) cho tới khi nó chỉ còn là hàng mưa, mặc tình, rớt, rớt. Và, gió, như chiếc lược vô hình, chải dạt những sợi tóc mưa, rất nhỏ, vào hai hàng hiên tối…


Hơn một tuần nay, tôi thức/ ngủ bập bềnh trong hơi nước/ tiếng mưa rậm rập quẫy, đập, khua, lùng bốn phía. Nhiều đêm thức dậy, tôi tự hỏi mình còn nằm trên giường, hay đã bị mưa trói (lọi tay, chân,) bốc bay băng băng qua những cánh rừng (ngọn đồi, vách núi) ký ức.


Buổi trưa, tôi quơ tay tìm nút đèn, nghe đâu đó, dưới chân ghế, con sông nào cuộn cuộn, réo. Những con sông chảy trên dưới năm mươi năm, nhưng chưa một lần, chúng hỏi tôi đứng đâu (?) điểm nào (?) trong vòng tròn thời gian, nhồi, xóc. Ngay đường ngôi, cũng quên rằng: Tôi đã từng xin, hãy… gọi.


1996.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17100)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12306)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19039)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9209)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8385)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 660)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1040)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1213)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22508)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14048)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19222)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7931)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8856)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8523)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11104)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30759)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20841)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25553)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22938)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21775)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19829)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18081)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19291)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16950)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16136)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24544)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31997)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34954)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,