Tôi viết bài thơ này vào giữa năm 1987, khi đó, toà soạn báo Tay Phải của chúng tôi còn đặt tại căn phòng nhỏ, giống như một thứ nhà kho thuộc nhà riêng của nhạc sĩ Trần Duy Đức, ở thành phố Santa Ana.
Việc đặt toà soạn tại địa chỉ này, thuận tiện cho việc nhạc sĩ TDĐ giúp cho tờ báo nhiều phương diện.
Một buổi tối, đã khuya, tôi đang đánh máy trên bàn máy có tên là AM Varityper (thời gian đó, computer chưa phổ cập,) nhạc sĩ TDĐ từ nhà trên xuống, nói, anh có chuyện riêng muốn với tôi vài phút, cho bớt căng thẳng.
Nghe xong toàn bộ câu chuyện, tôi hiểu mức độ căng thẳng của nhạc sĩ TDĐ và người bạn đời là N.H. đã tới cực điểm. Người bạn trẻ thân thiết của chúng tôi cho biết, có thể, hai người sẽ phải tính tới chuyện chia tay…
Sau đó, chúng tôi im lặng. Hút thuốc. Không ai làm việc. Cũng chẳng ai nói thêm với nhau, lời nào.
Đêm đó, tôi ngủ không được. Thời gian ấy cũng là thời gian mẹ tôi bị bệnh nặng. Tôi tìm đọc một số kinh kệ của đạo Phật. Sinh thời, mẹ tôi là một người mộ đạo.
Kể lại chuyện này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, đó là thời gian mà tập quán nhị- nguyên ở tôi như: Sống / chết; mất / còn; đúng / sai; hạnh phúc / đau khổ; gặp gỡ / chia lìa…tất cả chỉ là Một, theo quan điểm nhất-nguyên của đạo Phật, bị lay động tận gốc…
Tự biết không thể nói năng cụ thể một điều gì, với hai người bạn trẻ của mình, tôi chọn hình thức viết mấy câu thơ, cho TDĐ và N.H.
Bài thơ ra đời, nhan đề “Thơ ở Trần Duy Đức.’ (hồi đó, tôi có một loạt thơ ngắn, nhan đề “thơ ở…” Như “Thơ ở Nguyên Sa,’ “Thơ ở Mai Thảo,” “Thơ ở đêm tối” v.v… Người đọc đầu tiên, dĩ nhiên là TDĐ và N.H.
Tôi muốn gửi tới hai người bạn trẻ của tôi, lời nhắn nhủ rằng, dù có chia tay, mỗi người sẽ bắt đầu lại cuộc đời của mình, thì thực tế, cũng chẳng có gì thay đổi… Ngay cả sự sống / chết cũng vốn chỉ là một thôi… Quan trọng hay không, do cái tâm của ta mà thôi. Nhắn nhủ đó, một mặt nào khác, cũng dành cho tôi, nữa.
May mắn thay, bài thơ nhỏ kia, đã xoá được khoảng cách giữa hai người bạn trẻ của tôi. Những ngộ nhận, bất đồng, lúc đầu, tưởng là to lớn, xét cho cùng, cũng chỉ là những xung động tình cảm, những tự ái đi ra từ cái ngã, trong giây phút nào đó.
Khi cho in tuyển tập “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,” Xb cuối năm 1989, tôi chọn đăng bài thơ ấy với nhan đề mới: “Cũng một nghĩa như nhau”. Nguyên văn như sau:
“Ta chẳng thể hát chung cùng một điệu
“dù em đi lá đậu rớt ven đường.
“khi em hiểu cuộc đời không thể khác
“đi với về, cũng một nghĩa, như nhau.”
(Trích OCNGKTH, tr. 106, Tủ sách Văn học Nhân
Năm 1991, khi xuất bản tuyển tập “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau,” một lần nữa, tôi cho in lại bài thơ kể trên nơi trang 3, trước khi vào cuốn sách. Mục đích giải thích cho người đọc biết nguồn gốc nhan đề tập thơ mới đó, của tôi, ở đâu mà ra.
Vì là nhan sách, nên tôi đã cắt bỏ chữ “thì” mở đầu thơ cuối cùng để trở thành “đi với về, cũng một nghĩa như nhau” - - Và, tôi cũng di chuyển dấu phết từ cuối chữ thứ sáu, về cuối chữ thứ ba.
Như trên, đã nói, bài thơ nhỏ này, có được cái định mệnh tốt đẹp của nó, là hoá giải ngộ nhận giữa hai người bạn trẻ của tôi, TDĐ và N.H.
(Cali., Jan 10th 2010.)
(*)Đọc thêm “Đôi lời, thiết nghĩ cũng không hại gì, nhân dịp tái bản”, trong “Đi với về, cũng một nghĩa như nhau”, Tủ sách văn học Nhân Chứng Xb.